Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Văn học Nghệ thuật và hóa đơn đỏ

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ HÓA ĐƠN ĐỎ




Nhà thơ LÊ HUY MẬU 

        Cái gọi là “đăng cai” vậy là xong. Xong như thế nào cũng là xong. Đá quả bóng xuống địa phương cho thầy trò thằng tỉnh lẻ chuyền qua chuyền lại, chí chóe cãi nhau, còn mình ngồi ngắm chơi, rồi đưa ra lời nhận xét thằng này chơi hay, thằng kia chơi dở, đấy là suy nghĩ của mình về cái gọi là “đăng cai” vừa kết thúc. Mà thôi, không thèm để ý chuyện tiểu nhân, lặt vặt, dù sao thì trời mưa cũng không đi đâu được, bèn nghĩ về một điều to tát hơn, dân tộc đất nước hơn, cho bõ. 
Trên trang NTT.info có bài viết của Nguyễn Thế Duyên bàn về cái luận văn của Nhã Thuyên. Mình đọc thấy, đây là một ý kiến khá trầm tĩnh. Chưa đọc các bài phê phán hay ủng hộ khác về bản luận văn này, nhưng những thông tin mà mình có được, nói lên một điều, để làm cái luận văn khoa học xã hội cho ra khoa học, người cán bộ nghiên cứu vừa phải có năng lực thực, vừa phải có được người lãnh đạo quản lý mình cũng có năng lực thực. Người kém năng lực không dám chọn những đề tài như Nhã Thuyên. Người quản lý hướng dẫn đề tài của Nhã Thuyên, nếu cầu an, cũng không chấp nhận cho Nhã Thuyên chọn một đề tài như thế.
Anh Nguyễn Thế Duyên, nhân đề tài này mà bàn rộng thêm về chính trị và khoa học. Mình làm Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) cũng xin có một vài ý kiến thiển cận về VHNT với chính trị và tiền bạc.
VHNT là một hình thái ý thức. Bản thân nó không có tính chính trị. Nhưng sự tồn tại của nó luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính trị. Nói cách khác, VHNT chỉ  độc lập tương đối với chính trị. Đi cùng chính trị hay tách ra độc lập với chính tri là do thể chế ấy có đại diện được cho xu thế tích cực và tiến bộ của thời đại hay không. Trong các cuộc cách mạng nói chung, những văn nghệ sỹ tiến bộ tiêu biểu thường rời bỏ tháp ngà của cá nhân mình mà đi theo tiếng gọi của phong ba bão táp của cách mạng. Lúc ấy, VHNT và chính trị đồng hành cùng nhau. Nhưng sau đó,  rất nhanh chóng, VHNT lại trở lại cái cố hữu muôn thuở của nó, là độc lập tương đối với chính trị. Và, mối quan hệ với nhau là mối quan hệ hiểu biết, chứ không phải mối quan hệ lệ thuộc. Cái đóng vai trò liên lạc lúc này là tiền bạc. VHNT cần tiền bạc để tổ chức công diễn hay quảng bá tác phẩm. Một số bộ môn nghệ thuật đòi hỏi phải có đầu tư lớn mới có tác phẩm lớn được. Tách khỏi sự đầu tư, tài trợ, hỗ trợ từ nguồn ngân sách, VHNT trở nên lao đao, vất vưởng. Đã có ít nhất hai hệ thống quan điểm, là nhận hay không nhận sự tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Bên nào cũng có lý của mình.
VHNT thực chất là một ngành sản xuất - sản xuất ra các giá trị về tinh thần. Có điều, để các giá trị tinh thần đó đến được với người hưởng thụ, nó phải có một công đoạn mà không có xã hội nào buông lỏng quản lý cả. Đó là phương tiện truyền thông. Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng điện tử, ngày nay, trên thế giới, các nhà nước ngày càng mất thị phần về cung cấp thông tin. Trong VHNT cũng có một xu hướng tương tự. Luồng VHNT chính thống và không chính thống cạnh tranh nhau quyết liệt. Để VHNT chính thống chiếm ưu thế, không thể bằng các biện pháp hành chính, mà phải bằng các chế độ chính sách, bằng các khuyến khích và ưu đãi.
Thật buồn, không phải lúc nào, ở đâu, các cấp quản lý VHNT cũng thấy như thế. Có quan niệm VHNT phải phục vụ chính tri. Cấp tiền là để phục vụ chính trị. Có quan niệm khác, hội nhập đổi mới rồi, phải xóa bao cấp trong VHNT. Tìm mãi, tìm mãi mới ra được chữ “đặc thù” để làm chính sách cho VHNT. Vừa mới hé ra thế, hàng loạt kiến nghị, thắc mắc, thế là, hầm bà lằng, “đặc thù” hết! Có câu chuyện khá hài hước và thú vị, nhiều lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh về hưu đều trở thành chủ tịch các Hội. Hội nào cũng tranh thủ cơ cấu được một vị lãnh đạo hưu trí nào đó làm chủ tịch hội mình. Không cần biết là vị ấy có ở trong nghề của hội ấy không. Có tỉnh, mời được cả bí thư tỉnh ủy làm chủ tịch hội sinh vật cảnh, kết quả là hội sinh vật cảnh có đất để trồng cây cảnh, có ô tô, có trụ sở, có kinh phí hoạt động, v.v… Nhiều vị lãnh đạo lúc đang chức chẳng coi ngành nọ, ngành kia ra cái gì cả, lúc về hưu mới vội vàng kiếm cái bằng, cái danh chuyên môn để làm chủ tịch một Hội chuyên môn. Thật muôn hình vạn trạng!
Nghề nào cũng có Hội của mình. Ở các nước dân chủ, hiến pháp đều thừa nhận quyền tự do lập Hội. Hội thì có gì quan trọng đâu. Vậy mà ở nước mình sao mà nhiêu khê thế. Tới kỳ đại hội các Hội VHNT, có cả một cái gì đó như là nghị quyết, như là thông tư thông báo chỉ đạo tiến hành đại hội. Có đại hội, như đại hội nhà văn chẳng hạn, đại biểu đến hội trường có xe công an hộ tống, còi hụ vang đường phố. Không phải ai cũng thấy thế là chướng, là quá mức cần thiết, mà trái lại, không ít chức sắc Hội lại tự coi mình là quan trọng. Có vị xuống địa phương  coi mình như một thứ quan chức. Họ quên mình là quan chức TW Hội. Nó khác xa lắm với TW Đảng hay Chính phủ.
Có tay chủ tịch Hội VHNT địa phương từng phát biểu, ao ước, một sáng mai ra, thức dậy, thấy mình không còn là chủ tịch Hội nữa, thấy nhẹ nhõm cả người! Không ai bắt anh phải làm chủ tịch Hội cả! Nghỉ thì - Xong ngay! Nhưng để thấy! Sức chịu đựng của mỗi người khác nhau. Có người khổ mấy cũng chịu được. Miễn là chủ tịch Hội. Có người chỉ muốn xong béng, cho khỏe!
Nếu mình nhớ không lầm, thời ông TĐ (tức Trung tướng Trần Độ - T.H.T) là trưởng ban VHVN TW, hồi ấy TW cũng có cái NQ 05 gì đấy, còn gọi là NQ cởi trói cho VHNT. Sau đó thì có lắm ý kiến. Cũng từ NQ đó, nhà văn và văn nghệ sỹ nói chung không sáng tác ăn lương nữa. Mà thay vào đó, rất nhiều lần được bàn đến chính sách, nhưng chưa rõ, các nhà văn, và văn nghệ sỹ nói chung ăn lương tạm thời  trong các tổ chức Hội. Trước khi NQ TW 23 ra đời, các Hội VHNT đã có thời kỳ thoi thóp. Có TW 23 là sống rồi, nhưng xem  ra lộ trình cho VHNT còn nan giải lắm. Sự hiện diện của “ông tài chính” mà hiện thân là tờ hóa đơn đỏ án ngự tầm mắt nhìn thấy tương lai của cái gọi là Hội VHNT. Có nhiều chuyện nực cười, nhưng là cười ra nước mắt về tờ hóa đơn đỏ. Ông cho tiền mày đấy, nhưng mày phải tiêu theo quy định của ông, mày không phải là nhà nước, mày là thứ gì đó không được phép có hóa đơn đỏ, mày phải đi mua thứ giấy đó, mua đâu kệ mày, mày phải có cái đó ông mới cho mày thanh toán! Khổ thân Thằng Mục, in tờ báo ra, doanh nghiệp họ thương, mua ủng hộ cho vài trăm tờ báo, kiếm đâu ra hóa đơn đỏ mà thanh toán? Xin phòi bọt mép được cái quảng cáo, vô hình trung mất mười, mười lăm phần trăm cho ông hóa đơn đỏ rồi!
Làm VHNT bây giờ ít ngại ông kiểm duyệt, ông tư tưởng mà ngại ông tiền, ông hóa đơn đỏ. Ông Đảng, ông Chính quyền cho mình ít tiền tiêu, mình lấy được hay không là cả một vấn đề. Một cán bộ tài chính vừa ra trường, công tác ở sở tài chính, có chức danh quản lý ngân sách dành cho các Hội, là đủ để sợ, để thành nỗi ám ảnh sâu sắc cho các VNS thứ thiệt rồi. Giá là xin kinh phí cho cá nhân, chắc nhiều lần mình bỏ. Nhưng đây là xin cho Hội. Là trách nhiệm chính trị của mình. Giống như axit  ăn mòn kim loại, tiền bạc ăn mòn tư duy sáng tạo kinh khủng hơn nhiều lần axit ăn mòn kim loại.
Muốn giải phóng sức sáng tạo của VHNT thì, trước hết phải giải phóng nó khỏi hệ lụy của kinh phí. VHNT ít nhiều đều bị chi phối bởi chính trị và tiền bạc. Tuy nhiên, VHNT tự biết cách khẳng định mình, trong bất luận hoàn cảnh không thuận lợi nào nó cũng biết cách chứng tỏ mình. Chẳng phải nhiều công trình kiến trúc và mỹ thuật vĩ đại của thế giới được sản sinh trong một chế độ độc tài tàn bạo đó sao!
                                                                                    11/8/2013

1 nhận xét:

Phó nhòm nói...

Ông Mậu viết bài này hay quá. Ai đã từng quản lý hội văn nghệ thì rất thấm.
Đúng là "Cơm áo không đùa với khách thơ"...

Bài đăng phổ biến