Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Treo đầu dê bán thịt chó


TRẦN HUY THUẬN

NVTPHCM- “Những kẻ nói một đằng, làm một nẻo, mới nghe tưởng cũng tương tự cái anh chủ quán “Treo đầu dê bán thịt chó”, nhưng không phải, mà nguy hại hơn gấp rất nhiều lần, bởi nó đâu chỉ lừa ta có một miếng ăn. Bởi nó lừa ta vào cõi mê mà ta không hay; nó đánh vào bản tính thành thật của mọi người mà mọi người vẫn ngây thơ tin tưởng, hy vọng, đợi chờ và cuối cùng, nó biến ta thành kẻ khờ khạo, thành con rối, thành người “ngu lâu”…”



Nói về sự man trá, giả dối, dân Nam ta xưa nay có câu: “Treo đầu dê bán thịt chó”. Câu này, trong một chừng mực nào đó, chưa chính xác.
Thứ nhất, dân Nam ta vốn có truyền thống coi món thịt chó là “đặc sản”, người nước ngoài, đặc biệt là người Âu, Mỹ… không có. Cho nên nói “Treo đầu dê bán thịt chó” là đã hạ thấp vai trò của thịt chó và đề cao quá mức thịt dê. Nhiều người không thể tán thành, nhất là dân nghiện thịt chó.
Thứ hai, thịt dê có cái ngon của thịt dê, cái ngon ấy đã được dân gian làm thành ca dao:
Thịt dê chấm với tương gừng,
Ăn xong các cụ bừng bừng như... dê. 
Cụ ơi cụ ở đừng về!
Xơi vào một miếng cụ mê..."em" liền 
Cụ mê rồi cụ sẽ ghiền
Khi ghiền, cụ lại "làm phiền" đến "em"!
Nhưng thịt chó cũng có cái khoái của thịt chó. Xưa các cụ ta đã chả nói: “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó; chết xuống âm phủ, biết có hay không?”.
Và còn khái quát vai trò của thịt chó đối với cuộc sống con người đến mức như thế này:
Chết: Tiếng trống
Sống: Dồi chó!
Thịt chó

Cho nên, với nhiều người, có thịt dê ăn cũng tốt, hết dê còn chó, cũng sẵn sàng! Có trách chủ quán một vài câu, ví như: Sao lại đi “treo đầu dê mà bán thịt chó?”, thì cũng chỉ là trách lấy lệ mà thôi, chứ thực bụng, có khi còn… “cám ơn nhe”. Hãy nghe Văn Công Hùng tán:
Dồi chó có hình thức giống xúc xích của ng­ười Tây và lạp x­ưởng của ngư­ời Tàu, nh­ưng vật liệu để nhồi vào bên trong ruột non thì khác nhau. Xúc xích của ng­ười Tây là thịt bò xay, lạp x­ưởng của ng­ười Tàu là thịt lợn băm trộn lẫn một số gia vị đặc tr­ưng. Còn dồi chó của Ta lại kết hợp rất khéo các loại rau, lá thơm, ngũ cốc và lớp mỡ màng tang bám suốt chiều dài ruột non của con chó để làm cái “sư­ờn” cho các loại vật liệu khác “ăn theo”.
Có lẽ cái cảm giác chung của các tửu đồ, các tay anh chị bợm nhậu đến các bậc văn nhân khi gắp một khẩu dồi thái vừa tầm (một đốt ngón tay), thấm đẫm trong bát n­ớc chấm riêng của thịt chó rồi đư­a lên miệng nhai dập dạp, chiêu một hụm r­ượu quê vừa được rót ra vẫn còn lớp bọt nhỏ như­ vảy cá trôi bám xung quanh miệng chén, không biết cái nào đ­ưa cái nào đi. R­ượu? Hay dồi chó?”.
Chỉ với người thật sự “sợ thịt chó” mới không hài lòng khi ai đó “treo đầu dê bán thịt chó”. Nhưng số này ở nước Nam ta xem chừng … “hơi bị ít”. Đến như các nhà tu hành tiếng là “chay tịnh”, ấy vậy mà đôi khi cũng có vị không tránh nổi sức “quyến rũ” của món khoái khẩu này, nên mới có câu chuyện tiếu lâm “đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa” đấy thôi!
 “Treo đầu dê bán thịt chó” có khi lại xuất phát từ một ý đồ… “tiếp thị” của chủ quán thuở xa xưa cũng nên. Bởi cái ngon của thịt dê thì hẳn là con người đã “khám phá” ra từ rất lâu rồi, nhưng cái hấp dẫn của thịt chó, thì chắc chỉ mới được phát hiện ít thế kỷ đây thôi - Cái việc đánh giá này, muốn thật sự chính xác, phải cậy nhờ tới các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ, các nhà “dê học” và “khuyển học” (tỉ như các nhà “rùa học” ở Hà Nội ấy), chứ người trần mắt thịt như chúng ta, chắc chỉ có thể đoán mò vậy thôi. Thế cho nên chủ quán mới bầy ra cái trò: Cứ treo cái đầu dê lên trước tủ hàng, còn khi khách hàng ngồi xuống bàn ăn rồi, thì lẳng lặng đưa món thịt chó ra. Người ăn chưa quen có thể thấy lạ miệng, nhưng chả có ai chê không ngon. Đến lúc ấy, chủ quán mới thú thực: “Thưa quý vị, đó chính là món thịt chó của bản quán đấy ạ!”. Đến nước đó thì khách chỉ còn cười và cho qua rồi hẹn “Lần sau cứ thế nhé!”.
 “Treo đầu dê bán thịt chó” có thể còn bởi: Chó vốn là con vật sống rất có nghĩa, rất trung thành với chủ, người nuôi chúng. Thế thì việc giết một kẻ như thế để lấy thịt ăn, e nó dã man quá. Nhưng, trong giới động vật, con người xưa nay vốn dã man nhất, bằng chứng là con người là sát thủ của mọi động vật. To khỏe như voi, như hổ báo… đều chết dưới bàn tay của loài người, đều bị con người ăn thịt, nấu cao. Hổ báo và chó sói… tuy là giống ăn thịt, nhưng thịt người chỉ là hãn hữu, chỉ là thế bất dắc dĩ, chỉ là tự vệ… Bao che cho cái sự dã man ấy, có người lý sự: Trời sinh ra muôn loài, phần lớn là để phục vụ mục đích nuôi sống con người, bởi con người là động vật cao cấp. Con người cần được sống một cách đầy đủ nhất vì con người còn có trách nhiệm “cải tạo thiên nhiên”, duy trì và phát triển sự sống trên hành tinh xanh này! Con người còn lý luận: Ngay với chó, con vật trung thành và có nghĩa, cũng chỉ trung thành và có nghĩa với người nuôi nó, cho nó ăn, chứ tuyệt không có thứ chó nào trung thành với hết thảy mọi người, nhất là với người lao động nghèo khó (“chó cắn áo rách”). Cho nên với một số người kỹ tính, thì chỉ không ăn thịt con chó do chính mình nuôi, chứ chó người khác nuôi, cứ việc chén thoải mái! Biết được sự “băn khoăn” ấy của thực khách, nên chủ quán khôn khéo mới làm cái việc: “Treo đầu dê bán thịt chó”, khiến không ai ngại ngần khi bước vào quán ăn của ông ta.
Vậy nên sẽ là rất thiếu khách quan khi nói “Treo đầu dê bán thịt chó” là việc làm gian dối. Thực tế cái sự gian dối không đơn giản như vậy. Nó “thiên hình vạn trạng”: nhẹ thì có gian lận, gian ngoan, ăn gian. Nặng thì có gian giảo, gian ác, gian hùng. Nhưng nguy hiểm là khi gặp những kẻ gian thầngian tà, gian tặc. Những kẻ nói một đằng, làm một nẻo, mới nghe tưởng cũng tương tự cái anh chủ quán “Treo đầu dê bán thịt chó”, nhưng không phải, mà nguy hại hơn gấp rất nhiều lần, bởi nó đâu chỉ lừa ta có một miếng ăn. Bởi nó lừa ta vào cõi mê mà ta không hay; nó đánh vào bản tính thành thật của mọi người mà mọi người vẫn ngây thơ tin tưởng, hy vọng, đợi chờ và cuối cùng, nó biến ta thành kẻ khờ khạo, thành con rối, thành người “ngu lâu”…
Nếu cứ giữ mãi ý nghĩ cho rằng “Treo đầu dê bán thịt chó” là việc làm gian trá, có khi chính chúng ta lại tự lừa dối chúng ta mất. Quý vị thấy có đúng không nhỉ?!


Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến