Tìm kiếm Blog này

ghi chép bút ký

Thứ tư, ngày 10 tháng tám năm 2011Văn Công Hùng nói về " Thổ phỉ"
THỔ PHỈ ĐOÀN HỮU NAM
vanconghung | 26 Aug, 2010, 10:24 | VĂN CÔNG HÙNG VIẾT VỀ BẠN BÈ | (655 Reads)
Mình quen Đoàn Hữu Nam theo kiểu Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, thi thoảng đi họp thấy một gã hầm hố như... thổ phỉ nhưng ngại chả hỏi. Cho đến một hôm, hình như là anh Tùng Điển, tự nhiên giới thiệu: Thằng này là Đoàn Hữu Nam ở Lào Cai đấy. Thế là bắt tay, rồi mình ngồi sau lặng lẽ ngắm y, chụp trộm cái ảnh cho bộ sưu tập ảnh nhà văn của mình. Mình ngại đến mức sau đó có một cuộc lủi thủi lên Sa Pa nhưng mình cũng chả gọi...


Nhưng văn y thì mình đọc, và vì đọc nên mới nhớ tên chứ.


Vừa rồi đại hội Nhà Văn, y dúi cho mình cuốn sách hơn năm trăm trang còn thơm mùi mực, thì thào: Sách ít quá, biếu "vụng" ông một cuốn,đọc nhau phát cho vui. Thú thực mình cũng mang theo chục cuốn "Đêm không màu" nhưng rồi thấy ai cũng... đáng thương đáng mến cả, nên cuối cùng mang về đủ, không nỡ làm hại ai...
---------------------




"THỔ PHỈ" VÀ HIỆN THỰC VĂN CHƯƠNG
------------
Thú thực là lâu lắm tôi mới được đọc một cuốn sách thú vị đến thế về đề tài dân tộc miền núi.


Cái sự đọc lâu nay có vẻ bị coi nhẹ, đặc biệt là đọc văn chương, trong văn chương thì ngại nhất là tiểu thuyết, nó vừa dài vừa nặng nề, nhưng quan trọng là dạo này nó hay viết... vớ vẩn, không hay, toàn viết trên trời dưới đất, ngồi một chỗ tưởng tượng ra mà viết, rất phi thực tế và phi lô gích. Vẫn biết nhà văn không như nhà sử, phản ánh lịch sử, nhưng nhà văn muốn phản ánh thời đại thì phải nắm rõ thời đại ấy thông qua các biến cố, các sự kiện lịch sử có thật, rồi thay vì phản ánh thì nghiền ngẫm, thì dựng lại lịch sử thông qua các nhân vật, các hình tượng văn học trên cơ sở hiện thực lịch sử, lô gich lịch sử...


Dông dài thế để tôi nói về một cuốn sách rất "hiện thực" nhưng lại cũng rất tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Hữu Nam, cuốn "Thổ phỉ", tiểu thuyết dày 515 trang, NXB Hội Nhà Văn phát hành quý 3 năm 2010.


Từ sự kiện lịch sử có thật xảy ra cách đây đã lâu là việc nổi phỉ của một nhóm phản động ở vùng núi phía bắc, trong đó có Lào Cai, nơi anh sinh sống và lao động văn học suốt mấy chục năm nay, anh đã viết một cuốn tiểu thuyết mà dẫu rất bận, tôi vẫn làm một hơi hai đêm là hết. Vấn đề là, anh đã tiêu hóa cái sự kiện đau lòng ấy bằng nghệ thuật tiểu thuyết rất nhuần nhuyễn.


Trước hết là anh nắm rất vững, hiểu rất sâu, văn hóa cũng như phong tục của cái vùng đất mà anh sống cũng như nơi anh cho các nhân vật của mình tung hoành. Đấy là yêu cầu tối thiểu và bắt buộc đầu tiên của nhà văn. Tiếp theo là một thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc. Nhà văn phải dùng tài năng của mình một cách cẩn trọng, tôn trọng mình và tôn trọng người đọc. Cẩn trọng từ cách dùng từ, dựng tứ, bố cục, cho đến sự phát triển tâm lý cũng như các hành động của nhân vật trong cái không gian nghệ thuật mà nhà văn bày ra. Cái trường đoạn mở đầu tiểu thuyết tả đời sống của cộng đồng hổ là minh chứng cho điều tôi vừa dẫn. Đoàn Hữu Nam đã rất công phu nghiên cứu đời sống của hổ, rồi sáng tạo ra một thế giới lãnh địa hổ, chính xác và bay bổng, nghiêm cẩn và thăng hoa, hiện thực mà tung tẩy, rợn ngợp nhưng vẫn thích thú phiêu bồng... Ấy là cảnh hổ làm tình vừa hoành tráng vừa lãng mạn, là nghĩa địa hổ, nơi những con hổ khoe lần cuối cùng cái sức mạnh chúa tể của mình trong cái thời khắc sinh tử cảm động nhất, mà vẫn uy nghiêm và quy củ...


Là sự giải thích rất nhân văn về Thổ phỉ. Họ chính là những người dân hiền lành lương thiện, ít học và bảo thủ, tự cao và tự ti, dốt nát và ngông cuồng... bị những kẻ cầm đầu thổi thành những chiến binh thiện nghệ đối đầu với chính quyền, với cái tốt cái đẹp. Những con người ngu muội ấy khi kết thành đám đông và bị kích động thì họ sẵn sàng gây ra tội ác, cả những tội ác man rợ nhất. Nhưng thẳm sâu trong họ vẫn là sự hướng thiện, phập phồng trong họ vẫn là những đốm sáng, có dịp là bùng lên.


Cái phông, cái nền bền vững của văn hóa dân tộc cộng với lòng tốt, lẽ phải của cách mạng, của những nhân vật cụ thể như cụ giáo Choong, của Pham, Bắc, Đàu, Đoàn Văn Long... hiện thân của cái đẹp. Đấy là những nhân vật văn học có số phận, có sự phát triển tính cách khiến cho câu chuyện phát triển về phía sáng, về hướng tốt đẹp mà không cảm thấy khiên cưỡng, áp đặt, mà thấy đương nhiên và tất yếu, qua đó thấy được sự ám ảnh của những quăng quật, thấy được sự bi tráng của khát vọng, thấy cái giá của tự do, của lẽ sống. Con người, trong cuộc đời mình luôn là sự dấn thân xen kẽ ngập ngừng giữa những hoài nghi và tồn sinh. Giải quyết những mâu thuẫn, những trắc trở ấy, là con người tự vượt mình để vươn lên. Đây là đoạn Đoàn Hữu Nam tả về cụ giáo Choong, một trí thức của vùng. Bao giờ và ở đâu cũng thế, vai trò của trí thức là vô cùng lớn, nó chính là cái hướng của la bàn, là bấc của ngọn đèn... "... cụ không chỉ là thầy học, là ân nhân, mà còn là cây cầu, bến đỗ, là nơi chốn có thể xẻ chia, nương tựa của nhiều người. Không ai biết những buồn đau, day dứt, cái gánh nặng cha anh để lại cụ cất giấu vào đâu, họ chỉ biết trong quay cuồng của gió bão mà tâm cụ vẫn tĩnh, lòng cụ không động, qua cụ, họ thấy giời, thấy đất, thấy lý, thấy lối, thấy dòng nước đầu nguồn. Họ chỉ biết khi giảng sách thánh hiền đôi mắt cụ rực sáng, người như nhập đồng, cái giọng trầm trầm mang nặng hơi thở của rừng âm vang như chuông làm mê hồn người, làm đắm chìm mọi dục vọng...". Nhờ những người như thế, những trí thức như thế, mà giữa cái man rợ hỗn mang, giữa những ngùn ngụt tội ác, sục sôi dục vọng, réo gào tăm tối, nhức nhối u mê... những con người đau khổ kiệt quệ của vùng Phòng Tô xa ngái kia vẫn gượng dậy để rồi tìm lại đường sống của mình sau những quăng quật của cuộc đời, của số phận khi bị dòng chảy của cái cơn lốc thổ phỉ kia gây ra...


Thì ra hiện thực của nhà văn không chỉ là hiện thực đời sống, mà nó còn chính là sự dấn thân, là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, cẩn trọng, và là chính sự hướng thiện, lòng trắc ẩn của nhà văn giữa cuộc đời này... Hiện thực của "Thổ phỉ" nhiều đoạn đạt đến độ phi hiện thực, huyền ảo như cảnh Pham trần truồng ngập ngụa giữa bầy rắn. Cái cảnh ấy nó vừa dữ dội, khủng khiếp, vừa phiêu bồng hoang dại, vừa hồng hoang vừa ma quái, nhưng nó tạo điểm nhấn cho nhân vật thể hiện mình.
Tuy thế, vẫn cứ tiếc rằng Đoàn Hữu Nam không đều tay trong suốt hơn năm trăm trang sách. Có những đoạn anh gần như lướt, trong khi đáng lẽ đấy là những điểm nhấn cho tiểu thuyết xum xuê rậm rạp thêm. Ví như nhân vật Đàu sau khi bị đến ba tên phỉ làm nhục mà cái ấn tượng nó vẫn nhạt nhòa, không ám ảnh như cảnh Pham với bố chồng giữa bầy rắn. Hay như cuối cùng, cái cảnh tổng chỉ huy Triệu Tá Sắn bị cắt đầu giá như đừng chỉ có mấy dòng như thế... Nhưng thực ra, cái kết cục ấy ắt nó phải thế, nên có thể đấy là dụng ý của tác giả để nhấn vào việc khác.


Thì cũng vì đọc kỹ mà ước ao thế, chứ thực ra, với tôi, như đã nói ở đầu, đây là một tiểu thuyết hay, kỳ công, kỹ lưỡng về một đề tài mà tôi rất quan tâm. Bởi cuộc chiến đấu chống Phỉ chỉ là cái cớ để tác giả trình bày hiểu biết và tình yêu của mình về đời sống của một vùng đất cao nguyên với đậm đặc bản sắc văn hóa, với trầm tích nhân văn mà ở xuôi không dễ gì có được...
VĂN CÔNG HÙNG

Bài đăng phổ biến