Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Theo dấu hoa đào ( Vũ Bình Lục)

         Trong chuyên du xuân năm con dê 2015 của nhà thơ nhà LLPBVH Vũ Bình Lục. Chỉ vài ngày vãng cảnh thăm thú vùng ải Bắc Lào Cai này anh đã cho ra một cái Bút ký thích đọc. Bút ký "Theo dấu hoa đào" của Vũ Bình Lục không những thích đọc mà còn cho ta thấy anh là người hiểu biết khá sâu sắc về lịch sử, con người vùng đất nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Không những anh hiểu kỹ sắc thái phong tục tập quan của người vùng biên này mà qua " Theo dâu hoa đào" ta cón thấy anh một nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử kỹ lưỡng, hiểu khá sâu về kiến thức Đông Tây,  Kim Cổ của cả nền văn hóa Việt đã qua ngàn năm Bắc thuộc. Chủ trang tôi xin trân trong giới thiệu tác phẩm này cùng bạn đọc.


                                                    Theo dấu hoa đào
    Vũ Bình Lục
                  Tôi lên Lào Cai vào đúng một ngày đẹp trời của mùa xuân năm mới Ất Mùi (2015). Một ngày đẹp như một giấc mơ vĩ đại trong đời. Hẹn hò mãi với một vài bạn văn nơi biên cương xa xôi, bây giờ mới có thể trở lại miền sơn cước nồng ấm nghĩa tình, phổng phao hương sắc. Thế mà thấm thoắt đã ba năm rồi đấy! Tuy nhiên, con đường lên Lào Cai lại không phải như con đường tôi đã đi qua mấy năm trước đây, nghĩa là phải lên Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Phố Ràng... vòng vo ngoằn nghoèo những sông Lô, sông Thao, sồng Hồng, sông Chảy; quanh co ven những đồi những núi triền miên như bất tận. Bây giờ là một con đường cao tốc, lên Lào Cai êm như ru, giường nằm thảnh thơi thoải mái, lại giảm được mấy tiếng đồng hồ, đỡ mệt mỏi hơn nhiều...Trước đây, cũng có nhiều người lo lắng khi có dự án con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, bởi lẽ rằng bất chợt một khi nào đó ta bất hòa với anh bạn láng giềng “bốn tốt”, con đường to lớn dễ đi như thế này, có thể sẽ rất thuận tiện cho đối phương tiến nhanh về Hà Nội bằng xe cơ giới, chọc thẳng vào trái tim của cả nước. Nghĩ thế, lo lắng như thế, cũng có cái nhẽ của nó. Nhưng con đường cao tốc từ Lạng Sơn về Hà Nội còn ngắn hơn đường Hà Nội-Lào Cai rất nhiều, chỉ khoảng 150 cây số thôi, chẳng đáng ngại hơn sao? Giao thông thuận tiện, chính là yếu tố, là thế mạnh căn cốt để phát triển kinh tế và quốc phòng, mời gọi đầu tư...Còn như chiến tranh hiện đại nếu có xảy ra, cực chẳng đã, vì những tham vọng cuồng ngông của một số cái đầu nóng điên rồ, thì chúng ta đã có đối sách để bảo toàn lãnh thổ bờ cõi mà cha ông đã đổ bao máu xương giành lại và vun đắp mới có được như ngày hôm nay! 
Tuy nhiên, sự đời bao giờ cũng có hai mặt của nó, cũng đơn giản và mùi mẫn như cái định luật “bất toàn” kia vậy! Anh được cái này, thì anh cũng nên vui vẻ mà chấp nhận cái sự thua sự thiệt ở phía bên kia thôi. Đơn giản vậy đấy!...

Ví như thế này nhé! Anh được cái sự nhanh hơn chẳng hạn, thì anh hưởng cái sự sung sướng của sự nhanh hơn. Xe vút đi như mũi tên, vận tốc khoảng 100-120 cây số một giờ, quang cảnh hai bên đường cũng vèo qua cửa kính như mũi tên, chưa kịp ngắm kịp nghĩ thì còn gì để cho anh thích thú? Còn như khi xe đi với vận tốc vừa phải, con đường lại quanh co những đèo những dốc, ven những sông những suối nước chảy rì rào, ven những đồi chè đồi cọ miền trung du thanh thơi đầm ấm, mướt mát xanh vời vợi, rưng rức mà xanh, thổn thức mà xanh, thì chẳng phải là anh đã được no con mắt, được mòn con ngươi rồi đó hay sao? 
Lại ví như thế này nữa nhé! Anh sống chậm rãi, thong thả ngồi chờ cốc cà phê phin, ngắm những giọt mật đen, đắng và thơm dìu dịu rơi xuống từng giọt, từng giọt như tiếng nước rơi từ cái giọt đồng hồ thời xửa thời xưa, rồi ngẫm rồi nghĩ với điếu thuốc thơm tỏa khói mơ màng. Sự chờ đợi, sự nhám nháp, bao giờ cũng có cái thú riêng của nó, chẳng phải là sung sướng hơn hẳn khi anh vội vã xơi một ly cà phê pha sẵn, dốc tuột một vài hơi cho xong, rồi đặt ly, vội vã chạy thẳng đến công sở cho khỏi muộn giờ hay sao? Tình yêu chắc cũng vậy thôi. Hy vọng, đợi chờ, rồi khắc khoải nhớ mong...Rồi đến một khi nào đó, lửa sẽ gặp gió, cháy bùng lên như biển lửa thiêu cháy rừng Hoàng Liên Sơn của tỉnh Lào Cai năm nào...


                            Từ trái qua Doanh nhân NT Hồng Thạo, NV Đoàn Hữu Nam,NT Vũ Bình Lục và tớ

2.
Thành phố Lào Cai lặng lẽ vào đêm. Chúng tôi ngồi uống cà phê vỉa hè. Chiếc bàn con kê sát lan can bờ kè ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi, một nhánh phân lưu của sông Hồng. Một ngã ba sông, nhưng không hoàn toàn đơn giản chỉ là một ngã ba sông bình thường. Ngồi ở đây mà buông tầm mắt sang bên kia sông, phố xá sầm uất. Đó chính là thị trấn Hà Khẩu của người Tàu. Bên này là Lào Cai, thành phố của người Việt ta, cũng sầm uất chả kém gì. Ánh điện lung linh chiếu xuống ngã ba sông, đủ sắc màu rực rỡ. Gió xuân nhè nhẹ đưa hương, thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng. Bất chợt một dây pháo nổ vang trời, kéo dài đến cả chục phút. Khói và xác pháo bốc lên nhòa trong ánh điện màu. Tôi giật mình chưa rõ đầu đuôi về cái nguyên cớ lạ lùng, vì lâu rồi không được nghe tiếng pháo trong đêm trừ tịch, mặc dù hôm nay cũng đã mồng tám tháng giêng rồi. Bạn tôi giải thích rằng bên ấy người ta đốt pháo thường xuyên, đủ các loại pháo, chả có ai cấm cả. “Tý nữa anh sẽ còn được xem người ta bắn pháo hoa nữa cơ”! Bạn tôi bảo thế. Ngày nào họ cũng bắn pháo hoa, chứ chả riêng gì mấy ngày tết đâu. Đấy! Bắn rồi đấy! Nhiều chùm pháo hoa tầm trung liên tiếp tung lên trời, tỏa ra những cái hình bông hoa đủ màu đủ sắc, được kiến tạo có chủ đề, ngay từ khi những người thợ làm pháo hoa sản xuất. Khách uống cà phê bên bờ sông khá đông, nghe có cả tiếng người Sài gòn, mọi người đều hân hoan, thích thú. Lại bắn nữa rồi. Tôi vội mở máy ra chụp mấy kiểu pháo hoa làm kỷ niệm. Pháo nổ của người Tàu. Mà pháo hoa cũng của người Tàu. Mình chỉ có việc hưởng thụ cái sự sung sướng, thật đã con mắt, thật sướng cái lỗ tai. Âm thanh và màu sắc, chẳng phải tốn một đồng tiền mua, lại được thảnh thơi uống cà phê mà ngắm, mà nghe, chả phải chen chúc tranh giật gì sất...Sự đời hóa ra cũng lắm điều hay đến bất ngờ vậy đó!...Người Tàu sang bên ta bán buôn thoải mái. Mình sang bên đó được không? Nghe tôi hỏi vậy, bạn tôi bảo: “Sang thoải mái thôi anh à! Chỉ cần cái hộ chiếu là qua lại mua bán, thăm thú bình thường. Nếu anh muốn có hộ chiếu, chỉ cần năm chục ngàn tiền Việt lệ phí là xong. Tất nhiên phải có ảnh và chứng minh thư, nếu anh là người ngoài tỉnh Lào Cai. Nhanh và thuận tiện lắm”!..
Tôi nhấm nháp ly cà phê, phì phèo điếu thuốc, miên man nghĩ ngợi bao điều trong cõi nhân sinh. Giá như nhân dân hai nước được sống hòa thuận với nhau, giao thương hòa hiếu thực lòng thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu! Tôi bỗng thốt lên câu này. Bạn tôi bảo:
- Nhân dân cả hai bên thì chẳng ai muốn gây sự với nhau đâu. Ai muốn đánh nhau làm gì cho rách việc cơ chứ! Chỉ có bọn cầm quyền ngu xuẩn và tham lam, mới đẩy nhân dân đến chỗ phải can qua binh lửa. Thời xưa vậy, thời nay cũng thế phải không anh?...Tất nhiên là thế rồi. Ngày xưa cụ Nguyễn Trãi đã viết rất hay để trình bày quan điểm nhân văn của mình trong bài “Đại cáo bình Ngô”. Vì sinh linh hai nước, vì hạnh phúc muôn nhà, nên phải dập tắt ngọn lửa chiến tranh, không nên khác và cũng không thể khác. Thế ông có biết rằng những người dân bên kia biên giới, gốc gác của họ thế nào không? Nghe tôi hỏi vậy, bạn tôi có vẻ ngơ ngác. Này nhé, sinh dân bên ấy, kể cả dân các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, cho đến bán đảo Hải Nam, ..nói chung là từ phía Nam sông Dương Tử trở về đây, đều là dân Bách Việt cả đấy. Bách Việt, tức hàng trăm tộc Việt, như Mân Việt ở Phúc Kiến, rồi Âu Việt, Tây Việt, Lạc Việt v.v...Sau khi Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) mất, cháu chắt nối nhau cầm quyền, nước Nam Việt gồm hàng trăm tộc người Việt dần suy yếu. Người Hán thừa cơ tràn xuống phương Nam, cướp mất. Đất đai của các vua Hùng tồn tại được vài ngàn năm, rồi bị Thục Phán (An Dương Vương) thôn tính. Triệu Đà lại đánh bại An Dương Vương, sáp nhập nước Văn Lang vào với Nam Việt, tồn tại hơn trăm năm thì bị nhà Hán thôn tính. Tất nhiên con số một trăm (Bách) chỉ là số lượng từ biểu thị sự nhiều một cách tương đối thôi, như Bách hóa (trăm mặt hàng), cũng không hẳn là có đủ một trăm mặt đâu. Nhìn rộng nhìn xa ra một chút, cả ngàn năm về trước, những cuộc chiến tranh Nam Bắc (Giữa Việt Nam với Trung Quốc), suy cho đến ngọn đến nguồn, cũng chỉ là những cuộc huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt cả thôi. Nghĩa là dân Việt đánh nhau với dân Việt, theo mưu đồ bất hảo của các thế lực cầm quyền của người Mông cổ, của người Hán và người Mãn Thanh. Thực ra thì người Hán cũng chả phải ghê gớm gì lắm đâu. Họ cũng bị người Mông Cổ, người Kim, rồi người Mãn Thanh thống trị khoảng năm sáu trăm năm, biến họ thành những cậu AQ èo uột cả. Ấy là chưa nói họ còn bị các nước tư bản phương Tây và Nhật Bản xâu xé như miếng thịt cừu béo bở, trước khi Tôn Trung Sơn lãnh đạo họ đấu tranh, thành lập Trung Hoa Dân Quốc! Thế thôi....Bạn tôi ồ lên như vỡ ra một điều gì rất lạ, rồi bảo: “Thảo nào mà em thấy rất nhiều người bên Trung Quốc sang thắp hương viếng đền Thượng Lào Cai. Hóa ra tổ tiên họ cũng gốc gác người Việt cả”! Tôi cười vui nói thêm cho rõ, là bởi vì Trần Hưng Đạo đánh dẹp giặc Mông Cổ, chẳng những bảo tồn được nước Đại Việt, mà còn cứu người trong Bách Việt chứ còn sao nữa! Tưởng nhớ uy danh của đức Thánh Trần, tôn thờ công lao của người xưa, đó chính là văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt vậy!...Chỉ tiếc là năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã nổi dậy, đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng 65 thành trì, mà phần lớn những thành trì ấy hiện nằm bên các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và bán đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay. Câu “Đô thành đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” trong diễn ca ngày xưa, đã phần nào cho ta hay thông tin lịch sử thú vị này. Chỉ được khoảng 3 năm (năm 43 sau c.n), Hai Bà lại bị Mã Viện đem quân đánh bại. Lĩnh Nam, nghĩa là chỉ vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, tức nước Nam Việt của Triệu Vũ Đế, có con đèo Mai Lĩnh, chính là cửa ải hiểm trở có thể ngăn cản quấn nhà Hán tiến xuống phía Nam với tham vọng bành trướng thâm độc...Chuyện xưa ngẫm nghĩ mà thêm ngậm ngùi. Các triều đại có thể tiêu vong, nhưng nhân dân vĩ đại là bất tử. Chân lý ấy giản dị như hơi thở, như dòng sông Hồng dưới kia đang vui vẻ tưới mát cho cả đôi bờ...
.
                                       Hoa anh đào Sa Pa  Ảnh C.T
3
Nhà thơ kiêm doanh nhân Phạm Hồng Thạo, một người đồng hương quý hiếm hồ hởi đón tôi vào nhà. Mấy năm rồi, nay mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, rồi rượu xuân ngây ngất ấm nồng tình nghĩa bạn bầu. Phạm Hồng Thạo mở máy cho nghe mấy ca khúc nhạc sĩ phổ thơ của anh, rất khá. Có bài nghe rất cảm động vì nội dung của ca từ đã khuấy lên cái tình chân thật của những kẻ xa quê, phiêu bạt vì muôn vàn lý do. Giai điệu và ca từ nâng cánh cho nhau, hòa quyện vào nhau nhuần nhuyễn, tạo nên âm giai huyền diệu của khúc ca. Đàm đạo văn chương tâm đầu ý hợp, rượu xuân nhẹ nhàng thơm hương, dễ đưa người ta vào cung bậc cao nhất của khoái cảm. Tôi đã có ý định viết một bài về thơ Phạm Hồng Thạo, nhân chuyện ca khúc phổ thơ, đặt ly rượu xuân xuống bàn, tôi bảo với anh Thạo rằng tôi đọc thơ anh chưa được nhiều, cũng chưa được kỹ. Cần phải đọc bằng mắt, bằng ngôn ngữ vô thanh, để nhâm nhi nghiền ngẫm cái hữu thanh nó lẩn khuất ở bên trong chữ và nghĩa, mới thấu, mới thấm được cái hay thực sự của thơ. Thường thì những bài thơ phổ nhạc là những bài thơ ngôn ngữ dễ hiểu, thể ngũ ngôn, thuận lợi nhiều cho việc phổ nhạc. Thơ hay phổ nhạc rất khó. Tất nhiên cũng thi thoảng có thơ hay phổ nhạc, nhưng sự thành công là không nhiều lắm. Một bài thơ ở mức trung bình như bài thơ viết về Quan họ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách chẳng hạn, nếu không có nhạc của Nguyễn Trọng Tạo nâng cánh lên, thì mấy ai biết đến bài thơ ấy? Ông Tạ Hữu Yên có hơn một trăm bài thơ được phổ nhạc, nhưng đứng về Thơ mà nói, thì thực sự là không có bài hay. Chỉ có ca khúc hay, chứ không phải vì thơ hay. Lại ví như có loại thơ nghe đọc thì cảm thấy hay, là vì ngôn ngữ âm thanh đã lấn át cái hay của thơ. Nhưng khi đem những thơ ấy ra đọc bằng mắt, nghĩ bằng đầu, thì thơ ấy lại rất thường, chưa nói là nhạt, thậm chí là nhạt nhẽo. Cái sự hay sự dở của thơ nó tinh tế lắm cơ! Nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh bên Tàu đã viết về thơ, đại khái như thế này: “Thơ phải đạt đến sự nhạt, nhưng đó là sự nhạt sau khi đã nồng”! Thế nghĩa là sự giản dị bao giờ cũng là tiêu chí căn cốt của thơ, nhưng đó phải là sự giản dị hàm chứa trong lòng nó sự sâu sắc của triết học, thông qua những hình tượng hàm ẩn...
Một đêm ngon giấc qua nhanh. Đã nghe những tiếng gà đâu đây hòa tấu cùng những tiếng chim véo von, thánh thót. Chim trong lồng. Và gà cũng trong chuông trên gác nhà cao tầng. Chả biết những tiếng chim tiếng gà này có khác gì tiếng gà tiếng chim trong rừng hay không? Ngôn ngữ âm thanh của tự do, có lẽ cũng khác ngôn ngữ âm thanh của sự tù túng, giam cầm, mặc dù là được giam cầm trong lồng son đi nữa! Chim chóc cũng chả khác gì người đẹp cả đâu!... Thành phố Lào Cai bình yên và thơ mộng quá. Thấm thoắt đã gần bốn chục năm của sự kiện biên giới, Lào Cai bị tàn phá đến mức hoang tàn vì bọn xâm lược phương Bắc bất ngờ tràn sang lấn cướp. Nhưng giờ đây Lào Cai là một thành phố bình yên, xinh đẹp, phổng phao như cô gái ở tuổi dậy thì, xuân sắc mơn mởn. Tôi ra đứng trên lan can tầng 3 nhà thi nhân, doanh nhân Phạm Hồng Thạo, nhìn xuống con đường vắng hoe bóng người, rồi nhìn sang bên công viên ASEAN bên kia đường, thấy lòng thanh thơi lắm. Ban mai đang cựa quậy, hồng ấm lên từng khắc, từng giây...
Anh Thạo đưa tôi lượn một vòng quanh công viên buổi sớm. Thưa thớt mấy người đi bộ thư giãn. Lác đác mấy anh chị nhân viên chăm sóc cây cảnh công viên đang mải miết cắt cành, tỉa tót trang điểm làm đẹp cho cây. Cũng chiếc cầu xuân rướn cong lên, bập môi vào bờ cỏ xuân bên kia con sông nhân tạo, cũng ngằn ngặt dòng nước xanh trong, rì rào mướt xanh vạt cỏ đôi bờ. Những cây dương liễu buông hờ tóc xuân, tha thướt. Chao ôi là yên tĩnh, nồng nàn hương sắc. Vòng quanh căn nhà đồ sộ năm bên công viên, đấy chính là khách sạn tư nhân, mà chủ nhân của nó chính là anh bạn tôi đây, nhà thơ Phạm Hồng Thạo. Bạn tôi bảo rằng đây là trung tâm lễ lạt của tỉnh Lao Cai. Năm vừa rồi, cũng có gần một trăm đám cưới được tổ chức ở đây, chưa nói là tiệc tùng hội nghị của các cơ quan. Chà, tuyệt quá. Tôi phải tấm tắc trầm trồ khen anh bạn xuất thân nông dân Thái Bình nghèo khó, bây giờ ăn nên làm ra bằng chính nghị lực và trí tuệ sắc sảo của mình. Rồi anh Thạo lại đưa tôi lên thăm ngôi nhà của anh mới khánh thành trước tết, tọa lạc trên mé đồi cao trông xuống công viên. Nhà cửa xây cất theo lối kiến trúc hiện đại, phòng ôc được thiết kế hoàn chỉnh, trang trí nội thất đều ở mức cao sang. Lại còn có cả bể bơi gia đình. Anh bảo, mấy đứa cháu đang tắm kia là con thằng cu lớn nhà em đó. Bố nó đang tắm với con nó đấy! Tôi bảo với anh bạn rằng căn nhà như thế này, quan chức Hà Nội cũng còn mơ. Ăn cắp của dân, của nhà nước về xây nhà cao cửa rộng, sớm muộn gì rồi nó cũng sẽ bay vèo như chiếc lá mùa thu đấy thôi. Tài sản do mồ hôi và trí tuệ mình làm ra, nó mới bền vững được. Ở nhà cao cửa rộng, mà đêm nằm chả yên, đôi khi lại phải giật mình thon thót vì lo sợ, sao gọi là sướng được cơ chứ? Thế sao ông không chuyển lên đây mà ở cho sướng, lại cứ ở mãi cái nhà cũ dưới kia, mặc dù nó cũng rộng rãi đến mức thừa thãi? Nghe tôi hỏi vậy, nhà thơ Hồng Thạo bảo rằng căn nhà này em để cho vợ chồng thằng lớn nó ở. Nó quản lý luôn cái khách sạn lớn dưới công viên kia. Chúng nó cứ bảo ông bà lên ở, nhưng em vẫn chỉ ở dưới đó thôi. Còn cái VÂN HỒ QUÁN cách đây mấy cây số, em giao cho thằng út quản lý! Vậy ra ông làm “Thượng hoàng”, chỉ quan sát mấy thằng con làm ăn thế nào thôi. Để cho các “hoàng tử” cầm quyền, tự lo lấy cuộc sống, nó mới phát huy hết tài năng tuổi trẻ của nó. Mình nghỉ ngơi thơ phú văn nghệ cho vui, thỉnh thoảng để mắt theo dõi chúng làm ăn, thế là được. Còn như mình cứ ôm hết cả, mệt người. Con cái tự trưởng thành trong môi trường kinh doanh, chứ cứ vỗ béo cho nó, để nó biến thành những thằng “em chã” (nhân vật trong tiểu thuyết SỐ ĐỎ của nhà văn Vũ Trọng Phụng) thì hỏng bét mất rồi. Ông chỉ còn vui chơi vài ba chục năm nữa là lên chức “Thái thượng hoàng”, chả sướng nhất đời rồi sao! Nghe tôi nói vui vậy, anh bạn tôi phì cười, tán thưởng...
Lại trở về ngôi nhà cũ bốn tầng của Hồng Thạo. A lô, thế là lại có một ông bạn mới phóng xe máy đến. Hóa ra là thi nhân Trịnh Bảng, tên thật là Vũ Ngọc Bảng, quê xã Thái Xuyên, cùng huyện Thái Thụy với mình. Kéo nhau vào VÂN HỒ QUÁN của Hồng Thạo. Ông Thạo chở bà vợ, còn tôi ngồi xe ông Trịnh Bảng, nhằm hướng VÂN HỒ QUÁN mà đi. Ông Bảng sinh năm 1944, năm nay đã được lên lão bảy mươi. Ghé qua thăm ngôi nhà mới xây của con gái Trịnh Bảng. Hơn một trăm mét vuông, thiết kế đẹp đẽ, khá sang trọng. Tôi mừng cho anh bạn thi nhân và tấm tắc khen anh khéo làm ăn. Ông Trịnh Bảng bảo rằng đấy là con gái thứ hai của ông. Xinh đẹp, đang là giảng viên của trường Cao đẳng cộng đồng Lào Cai. Vợ chồng ông ở nhà riêng, gần trung tâm cũ của thành phố. Thế anh định cư ở đây lâu chưa? Nghe tôi hỏi vậy, ông Trịnh Bảng lái xe máy chầm chậm, kể tóm tắt về cái duyên cớ mà ông định cư ở đây đã mấy chục năm. Rằng hồi xưa ở dưới quê, gia đình ông thuộc loại thành phần “ngồi mát ăn bát vàng”. Đời sống khá hơn một tý so với người trong làng, thì tất nhiên phải là thành phần bóc lột rồi (!). Thế là mấy anh em ông bị kiềm chế, chẳng đi được đâu, chẳng ai cho làm việc gì của Nhà nước cả. Ôm mãi cái lý lịch “xấu xa” này thì làm sao mà ngóc đầu lên được? Nghĩ vậy, ông Bảng liền quyết đổi đời, quyết gột rửa cái lý lịch hôi hám kia bằng cách tự nguyện hy sinh. Thế là ông xung phong đi bộ đội, quyết phấn đấu thành liệt sĩ, để trang điểm lại bộ mặt gia đình cho sáng sủa hơn. Ông thà chịu thiệt thòi bản thân mình, để cho anh em ông được mở mày mở mặt với thiên hạ, rằng gia đình ông là gia đình liệt sĩ. Mà đã là gia đình liệt sĩ, ai dám bảo là xấu nào! Ấy thế mà bom đạn nó chẳng thèm để ý đến ông. Ông không thể chết được. Muốn chết mà ông trời chẳng cho, lại bảo là ông là thằng gàn thằng dở...Chuyện cũ đã qua, biết mấy ngậm ngùi, chua chát. Nhưng rồi thời thế cũng rục rịch thay đổi dần. Bây giờ thì gia đình ông cũng đã ít nhiều sáng sủa ra rồi, đến tuổi bảy mươi cũng gọi là sống thọ. Bác còn làm thơ được vài chục năm nữa chứ? Nghe tôi nói thế, ông Bảng cả cười. Giời cho đến đâu thì mình biết đến đó ông à! Còn cưỡi được xe máy, còn ngắm nghía được mấy em chân dài, còn muốn ở thêm mấy chục năm nữa dưới trần gian vui hưởng cái cảnh đất nước đang mới mẻ dần ra, tươi tốt dần ra, vội gì mà bay về trời cho sớm? Lại cùng nhau cả cười!...VÂN HỒ QUÁN đã hiện ra trước mặt kia rồi...

                                                  TP Lào Cai về đêm

(còn tiếp)
Mấy năm trước, khi tôi và nhà thơ Gia Dũng đến đây thì cái khu văn hóa du lịch ẩm thực này của nhà thơ Hồng Thạo mới chỉ là một công trình ở dạng phác thảo, cũng chưa được đặt cái tên rất gợi là VÂN HỒ QUÁN như thế này. VÂN HỒ, là hồ nước trong mây. QUÁN, cũng không đơn giản chỉ là cái chỗ buôn bán, mà còn có nghĩa như một nơi dùng để tiếp đón tao nhân mặc khách, những hiền nhân quân tử hào hoa, cũng có cái hơi hướng từa tựa như TRUNG TÂN QUÁN của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiệm ngày xưa vậy. Từa tựa thôi, chứ không hẳn là như thế. Nó hoàn toàn yên tĩnh và trong sạch. Và còn thánh thiện nữa. Con người đến đây thư giãn, như thấy mình được trộn lẫn vào với màu xanh của nước, của cây cối rầm rà, của hương thơm các loài hoa, có thể tư duy mà ngẫm ngợi ra sự minh triết của trời đất. Tóm lại, VÂN HỒ QUÁN có thể xem là một khu ẩm thực văn hóa, nghiêng về nội hàm văn hóa thì có lẽ hợp hơn chăng? Bây giờ quang cảnh ở đây đã ấm áp hơn nhiều. Hồ nước thì vẫn ngọt ngào xanh, thỏa thuê xanh, neo nẻo trong veo như thế, nhưng cây cối thì đã sum suê hơn nhiều. Đã thấy sự hoàn hảo, sự hài hòa của một công trình VÂN HỒ QUÁN, không phải là lớn, nhưng vừa đủ để tôn vinh sự mời gọi, hấp dẫn khách du lịch và những người yêu thích sự tích hợp nhuần nhuyễn giữa thiên nhiên và cuộc sống hình như đang hồ hởi hướng tới sự vội vã xô bồ của con người ở thời công nghệ mới...
Tranh thủ khi khách mời chưa tới, tôi lấy một con thuyền nhỏ làm bằng nhôm đã để sẵn đôi chèo, rồi nhẹ nhàng đẩy con thuyền ra mặt hồ. Cũng khua khoắng ngược xuôi dạo quanh một tý, thấy khoan khoái vô cùng. Vài ba thanh niên đang chú mục thả cần câu, thi thoảng lại có một chú cá cắn mồi. Câu được cá chưa lớn đủ tầm thì người câu lại nhẹ nhàng gỡ lưỡi câu, cố gắng làm con cá đỡ đau, rồi thả cá xuống hồ, trả nó về với tự do tương đối, rồi lại câu con khác lớn hơn. Vài năm trước, khi cùng các nhà văn du lịch trên vụng biển Nha Trang, tôi đã chứng kiến những người khách nước ngoài thuê cần câu ở bến tàu, rồi ra vịnh ngồi câu cá suốt cả ngày dưới nắng chang chang. Họ câu được con cá nào, nhắc chiếc cần câu lên, xem một tý, rồi lại nhẹ nhàng thả cá xuống biển. Không ai nỡ đem những chú cá nhỏ xinh đẹp kia về làm mồi nhậu cả. Cá là tài nguyên của biển cả, làm giàu có cho thiên nhiên, làm đẹp cho biển cả và làm bạn của con người. Quả là nhân văn lắm. Những người yêu thích thiên nhiên, thường là những người có cái tâm của Phật. Ước gi cả thế gian này ai cũng có cái tâm của Phật, thì thế giới chắc sẽ chẳng có chiến tranh, tranh cướp lẫn nhau làm gì!...
Chiếc thuyền con tôi chèo nhè nhẹ, quay quay như chiếc lá mùa thu, cũng không làm ảnh hưởng gì đến các bạn khách đang câu. Cá nhiều, rất nhiều. Câu cá là một thú vui đã có từ xửa từ xưa. Nhưng có nhiều người đi câu cốt chỉ để tiêu khiển, để thư giãn tinh thần, chứ không hẳn là câu lấy cá. Ngày xưa ở bên Tàu, cụ Khương Tử Nha, tức Lã Vọng ngồi câu cá hết năm này qua năm khác, nhưng chả ai nhìn thấy ngài ấy câu lên một con cá nào cả. Hóa ra là ngài Lã Vọng câu cá bằng cái lưỡi câu thẳng đớ. Hỏi rằng ngài câu cá bằng cái lưỡi câu thẳng như mũi kim của phụ nữ thế này, thì làm sao mà câu được cá? Ngài Lã Vọng thủng thẳng đáp lời, rằng ta câu thời, chứ đâu phải câu cá! Nghĩa là ngài câu Chu văn Vương cơ đấy! Ồ, quả là một sự lạ xưa nay chưa từng có bao giờ phải không! Một ông già ngồi câu đến nhẵn cả hòn đá, chỗ ngồi đã mòn vẹt đi, lõm xuống rồi, mà ngài vẫn không ngừng câu, kiên nhẫn ngồi câu đến bạc cả đầu. Mà người câu cá cũng đã tám chục cái xuân xanh rồi, vẫn chưa chịu nghỉ. Hóa ra là ngài ngồi đợi thời, chứ có phải câu cá là kế sinh nhai đâu? Ngài ngồi buông câu, nhưng đầu ngài đang không ngừng tư duy về thời cuộc, về kế sách đánh bại vua Trụ, một tên bạo chúa đã mất lòng dân đến cực độ. Và ngài đợi có người mắt xanh biết đến mình, cần đến mình, mời mình ra giúp đời đấy! Người có con mắt tinh đời (mắt xanh) ấy chính là Chu Văn Vương. Chu Văn Vương nghe tiếng Lã Vọng, ông già câu cá là người hiền tài, là bậc trượng phu chí cả, nên đã tự đánh xe đến tận nơi, mời Khương Tử Nha về làm quân sư, giúp ông dựng nghiệp nhà Chu. Cụ Nguyễn Trãi đại thi hào nước Đại Việt ta ngày xưa, đã lấy tích này để đưa vào bài văn bất hủ của mình, có câu: “Cỗ xe cầu hiền, vẫn chăm chắm còn dành phía tả” (Bình Ngô đại cáo)...Chu Văn Vương tự tay đánh xe hai chỗ ngồi, chỗ bên phải (phía tả) là chỗ để mời ngài Khương Tử Nha ngồi đấy. Tôn quý người hiền tài, người quân tử chí cao, bậc trí thức tài năng xuất chúng, đó chính là nghĩa cử, là sự ứng xử có văn hóa, biểu hiện trình độ nhận thức của người làm chính trị kiệt xuất. Đời nào cũng thế cả thôi. Trí thức bao giờ cũng là bộ óc của dân tộc, là tài sản vô cùng quý báu của đất nước, là nguyên khí của quốc gia, là những bậc tiên tri của thời đại. Làm người cầm quyền mà coi thường trí thức, thì người cầm quyền ấy chỉ là một tên đồ tể, không hơn! Đấy! bạn thấy không, câu cá cũng có dăm bảy kiểu câu, rồi được các bậc trí giả nâng cấp lên thành một thứ minh triết nhân văn, đặc sắc và không ngừng thú vị...Chẳng thế mà cụ Nguyễn Khuyến quê Hà Nam, khi cáo quan về quê, có hẳn một bài thơ nói về việc câu cá, trong chùm thơ ba bài thơ thu rất đặc sắc. THU VỊNH, THU ẨM, THU ĐIẾU. Mà THU ĐIẾU chính là bài thơ nói về cái thú câu cá đó! Này nhé: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc cần câu bé tẻo teo / Nước biếc theo làn hơi gợn tý / Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo /Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt / Ngõ trúc quanh co khách vắng teo / Tựa gối ôm cần lâu chẳng được / Cá đâu đớp động dưới chân bèo”...
Thế rồi lại nghe thấy tiếng ông chủ quán Hồng Thạo ơi ới A lô, lại nghe thấy eo éo trả lời. Một lát, đã thấy khách văn chương nối nhau kéo đến. Đoàn Hữu Nam, phó chủ tịch Hội Văn Nghệ Lào Cai. Rồi Mã Anh Lâm, con trai của nhà văn Mã A Lềnh. Mã Anh Lâm đang là một trong mấy gương mặt sáng giá trong tương lai của Văn Nghệ Lào Cai. Rồi Phạm Công Thế, một cây bút văn xuôi và một ông nhà văn quê gốc Hà Nam, từng là Bí thư huyện ủy huyện Bảo Yên, rồi chuyển về làm P.Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai. Nghe nói, nhà văn Đoàn Hữu Nam chính là người đầu tiên phát hiện ra tiềm năng văn chương của ông quan huyện, quan tỉnh Nguyễn Văn Cự này, để rồi bây giờ ông thành nhà văn, cùng với Đoàn Hữu Nam viết được khá nhiều kịch bản phim về miền sơn cước mà ông đã từng sống rất kỹ, nên hiểu rất rõ về giá trị của kho tàng văn hóa vật thể và cả phi vật thể vô cùng phong phú của vùng đất quê hương thứ hai này. Đồ nhậu là cá tươi vừa mới đánh lưới, hoặc vừa câu từ dưới hồ lên. Một hũ rượu khá to, miệng bịt vải hồng cho ra vẻ Tàu, nhưng cốt nước bên trong lại là một thứ rượu nếp trong veo. Ông Thạo khoe rằng rượu đây là do gia đình ông tự chế tác, chưng cất thủ công, chỉ dùng phục vụ cho cái quán này và cái khách sạn bên công viên ASEAN của gia đình, chứ không bán ra ngoài. Tôi hỏi rằng men rượu của Tàu, hay của ta? Ông Thạo cam đoan rằng men là men của mình. Gạo nếp cũng của ta. Kỹ thuật chưng cất là độc quyền tư nhân. Rượu trong veo, uống vào thấy hơi nhẹ, nhưng thơm. Uống đến say lúc nào cũng không biết nữa, mà người thấy cứ lâng lâng, nhẹ nhõm lạ thường. Đấy mới là độc bản, chỉ ở đây mới có. Rượu vào thì lời ra, nhưng vẫn là những câu chuyện nhẹ nhàng của giới văn chương, uống đủ thì thôi, chứ không say sưa bất tận như các ngài Lưu Linh, Lý Bạch ngày xưa bên Tàu. Mừng cuộc hội ngộ bất ngờ, mừng xuân mới, chúc nhau một chén, phải dốc cho cạn đáy cốc, rồi thì nhất quyết là phải bắt tay. Bắt tay cũng là một đặc sản văn hóa ẩm thực độc đáo của người Lào Cai. Quý mến nhau thực lòng, thì uống thực lòng, bắt tay cũng thực lòng, thế thôi. Tôi vui vì được các bạn văn chương ngồi đây đã đọc văn mình, lại có phần tôn trọng mình và yêu quý cả văn mình nữa. Làm nhà văn có bạn đọc thưởng lãm văn mình, thích thú khi đọc văn mình, thế chẳng phải là một sự sung sướng rồi sao? Nhà văn rút ruột rút gan viết ra những điều họ suy ngẫm, đó chính là một sự dâng hiến cao cả cho đời. Với thiên chức của nhà văn, đó chẳng phải là hạnh phúc lớn rồi sao!...

                                                             Thắng cố xịn đây bà con



5.
Buổi chiều, Đoàn Hữu Nam lái xe đến đón tôi lên thăm trang trại mới của anh, cách trung tâm thành phó Lào Cai khoảng chín mười cây số. Xe bon theo con đường lên Sa-Pa, rồi bỗng quẹo vào một con đường nhỏ, vòng vo môt tý, rồi rướn lên cao, xe chầm chậm đỗ lại ở một khu nhà vườn trong thung lũng. Ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp ngói đỏ mới dựng trên kia, chính là “tác phẩm mới” của Đoàn Hữu Nam đấy! Nhìn ra xung quanh, khu trang trại đã được quy hoạch khá gọn gàng, nhưng vẫn còn ở dạng phác thảo. Cây hoa, cây cảnh đều mới trồng, nhưng chủ nhà đã thiết kế, quy hoạch theo ý tưởng chủ đề. Nhìn xuồng phía dưới thấy một cái ao nho nhỏ, không nhiều nước, nhưng vẫn thấy một thanh niên đang ngồi câu cá. Chỉ vài ba năm nữa thôi, khi mà cây cối đã lớn dần lên, tươi tốt dần lên, rồi đường xá được nâng cấp, mở rộng hơn, thì nơi đây chắc cũng sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng gia đình đầy chất thơ. Thêm nữa, khu vực núi non này cũng đã được quy hoạch vào “biên chế” của thành phố, đang được triển khai các công trình đường xá và dân cư. Lúc bấy giờ, giá trị khu trang trại này sẽ tăng lên gấp bội phần, không thể khác. 
Trong lúc chờ vợ chồng Đoàn Hữu Nam kéo vòi nước tưới các loại cây mới trồng, tôi tranh thủ chớp mấy tấm hình ghi lại phong cảnh núi non, rồi cuốc bộ đi dạo quanh con đường bê tông chạy ngược lên núi, bao quanh khu trang trại của Đoàn Hữu Nam. Quả là một nơi ở quá đẹp. Thê đất phong thủy rất tốt. Núi vòng quanh khu nhà vườn như chiếc ngai vua, dưới có hồ nước hội thủy từ các khe núi, thật tuyệt. Tôi tuy dốt về phong thủy, nhưng ngắm nhìn khu vực này bao quanh khu điền trang của nhà văn Đoàn Hữu Nam, cũng cảm thấy rất vừa lòng...
Một lát sau, lại thấy một chiếc xe con màu trắng tiến vào khu vực sân, hỏi ra thì biết đấy là cậu trai cả của Đoàn Hữu Nam, đang làm ở một ngân hàng tư nhân, lên phụ tưới cây với bố mẹ. Trên đường về, tôi hỏi: “Nhà để đấy không có ai trông, liệu có mất mát gì không!”. “Chả mất mát gì đâu anh ạ! Bà con ở xung quanh, toàn là dân Hà Nam lên cả. Trang trại em mua là của một người đồng hương cắt ra bán cho đấy anh à!”. Nghe Nam nói vậy, tôi chợt nhớ hôm qua anh Hồng Thạo cũng nói rằng khu VÂN HỒ QUÁN của anh mấy ngày tết đóng cửa để đó, cũng chả mất mát thứ gì. Hóa ra ở Lào Cai này an ninh trật tự ngon lành đến thế! Do chính quyền lãnh đạo tài giỏi, hay là do truyền thống đồng bào rẻo cao đã sẵn có từ trước cái nếp thật thà? Hình như là sự kết hợp của cả hai yếu tố kia chăng? 
Ngồi xe nhà văn tự lái, lại ngẫm ngợi đến cuộc sống của giới văn chương nghệ thuật ngày xưa và bây giờ, xem ra cũng lắm điều hay. Văn chương hạ giới hiện nay cũng vẫn đang ở tình trạng “rẻ như bèo”. Thời phong kiến, có chuyện trả nhuận bút bằng đôi ba tấm lụa quý, hoặc đôi ba lạng vàng cho một cuốn sách. Nhưng ở bên Tàu, có ông nhà thơ được bạn trả nhuận bút bằng cả... một cô vợ lẽ. Không tin, bạn cứ đọc cuốn “Tùy viên thi thoại” của Viên Mai mà xem. Là bởi vì thời ấy, phụ nữ cũng chỉ là một thứ tài sản trong nhà mà thôi. Một ông quan thi sĩ, có thể có dăm bảy bà vợ, ấy là chưa kể đến những ông quan thật to, có cả hàng trăm bà vợ. Trả nhuận bút cho một nhà thơ bằng một cô gái trẻ đẹp, thì có lẽ người đàn ông nào cũng muốn phấn đấu để làm nhà thơ chứ chả chơi!...
Tuy nhiên, hiện nay các báo ở nước ta trả nhuận bút cho văn nghệ sĩ cũng chẳng ai giống ai. Một số tờ báo chuyên về văn nghệ trả nhuận bút rất “bèo”. Ví như tờ “Người Hà Nội” của Liên hiệp các hội văn học và nghệ Thuật Hà Nội, nhuận bút mỗi bài thơ năm chục ngàn đồng. Tạp chí “Tản Viên Sơn”, cũng của cơ quan này trả nhuận bút mỗi bài thơ bảy chục ngàn đồng. Tờ báo danh giá nhất của Hội nhà văn Việt Nam là tờ báo “Văn nghệ” ra hàng tuần, nhuận bút một trăm ngàn đồng mỗi bài thơ. Trong khi đó, báo Nhân Dân cuối tuần đã trả nhuận bút 300 ngàn đồng cho mỗi bài thơ. Báo Văn nghệ Công an trả 400 ngàn đồng. Số tết một số báo trả 500 ngàn đồng tiền nhuận bút cho một bài thơ, đã là quý hóa lắm rồi. Nhuận bút cao hay thấp cũng là do nguồn kinh phí của tờ báo đó dồi dào hay eo hẹp. Các tờ báo chuyên trách về văn chương nghệ thuật, số lượng phát hành rất ít, phát hành rất khó khăn, mà hình như đọc giả mỗi năm một giảm dần. Còn bú mớm được một tý ở cái bầu sữa bao cấp thì còn thoi thóp được, rồi sau sẽ ra sao thì còn phải chờ xem đã. Đây là vấn đề xã hội, chứ chả có ai muốn thế. Khổ vậy đấy! Lại nhớ, khi tôi còn là sinh viên, tạp chí “Văn nghệ Quân đội” in của tôi một bài thơ, trả hai mươi đồng nhuận bút, lại còn kèm theo tặng sáu tháng báo biểu. Nhuận bút một bài thơ tương đương một tháng phụ cấp sinh viên ĐHSP, đủ sống một tháng trời. Chả có ông nhà thơ nào chỉ sống bằng nhuận bút, làm giầu được bằng nhuận bút cả đâu. Phải làm nghề khác để nuôi thơ, chứ thơ không nuôi được nhà thơ. Nhưng hiện thời có khá đông người viết văn đời sống kha khá, có xe ô tô, có nhà cửa đàng hoàng, ấy là chưa kể một số doanh nhân đời sống khá giả rồi, thì mới quay sang làm thơ làm phú, để giao lưu, như một thứ tiêu khiển cho vui...
Còn khoảng ba ngày nữa mới tới ngày hội chính thức đền Thượng Lào Cai. Sáng nay, ông Trịnh Bảng lại chở tôi lên khu đền Thượng. Chả là hôm nay có tiệc mời của một ông nghệ sĩ lên lão bảy mươi, tổ chức ngay ở bên khu đền Thượng. Chưa đến hội chính thức, nhưng người đến thăm viếng, thắp hương khấn vái cầu lộc cầu tài cũng vẫn đông như hội. Lũ lượt trai thanh gái lịch từ khắp mọi miền đất nước đến đây, vừa du xuân, vừa thắp hương cầu khấn đủ điều. Có nhiều người Trung Quốc cũng sang đây, hòa nhập vào cái biển người luôn di chuyển ngược xuôi bất tận. Tôi cùng ông Trịnh Bảng thong thả thăm thú quanh khu đền, chen chúc trong đám đông những quần áo ngược xuôi đủ màu đủ kiểu, rồi lang thang quanh những sạp hàng bán buôn bán lẻ quần áo, đồ chơi, vật kỷ niệm v.v...của bà con các dân tộc. Chỉ ngắm, chỉ xem người ta bán bán mua mua, cũng đủ thấy thích rồi...
Gần trưa thì khách văn chương Lào Cao lục tục kéo đến. Căn lều che bạt khá rộng rãi, đã thấy sắp ra các mâm nhậu. Mỗi mâm chỉ có một nồi thắng cố và những “phụ kiện” xung quanh. Và rượu. Và quây quần nghi nghút. Lại rót, lại nâng chén mời nhau. Rồi uống cạn. Rồi “khà”. Rồi đương nhiên là bắt tay bắt chân thoải mái...Nồi thắng cố thịt ngựa sôi sùng sục, bốc hơi thơm lừng...Lào Cai là vậy đấy! Văn nghệ sĩ sống với nhau, hiểu nhau tận chân tơ kẽ tóc, thoải mái ồn ào, yêu nhau quý mến nhau kể cả cái hay cho đến cái tật của bạn bè, vị tha và cảm thông trong tình bè bạn chân thành. Tôi là khách từ dưới xuôi lên, được anh em chăm sóc khá kỹ. Cần mẫn thì cũng theo được anh em khi đến lượt mình được cụng ly chúc mừng sức khỏe. Tiệc vui, rượu vào, lời ra cũng nhiều, nhưng chưa thấy có anh nào to tiếng. Tôi là khách, nên được các bạn chăm chút khá tỷ mỉ. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món thắng cố độc đáo này. “Nghe nói còn có cả món ruột non của con ngựa nữa cơ mà?”. Tôi ghé sang hỏi nhỏ một anh bạn ngồi bên. Anh bạn giải thích rằng món thắng cố ở nhà hàng đây thì không có cái món bột ruột non, đúng hơn là người ta không đưa thứ đó vào. Chỉ toàn là thịt ngựa và bộ lòng ngựa thôi, thái nhỏ ra rồi trộn lẫn tất cả vào với nhau, ướp gia vị cho ngấm, rồi mới cho vào nồi. Mùi hoa hồi quế chi bốc lên thơm lựng. 
Nghe nói “thắng cố” là cái tên đã được gọi chệch đi, nghĩa là nó biến âm từ chữ “thang” mà ra. “Thang cố” mới là chữ gốc. “Thang”, hiểu như là “canh”, còn như chữ “cố”, nghĩa là da con ngựa. Cái da con ngựa được dùng làm nồi để nấu nồi canh. Truyền rằng thời xưa cuộc sống du mục, người vùng cao giết con ngựa lấy da làm nồi, còn thịt và tất cả các thứ còn lại cho vào làm canh. “Thang cố” nghĩa là một nồi canh thịt ngựa vậy thôi! Thành ngữ “Nồi da nấu thịt” có lẽ được bắt nguồn từ cuộc sống của người dân vùng sơn cước này chăng? Câu chuyện biến âm trong ngôn ngữ mọi miền là một câu chuyện dài dài và rất thú vị. Ví như huyện Từ Liêm Hà Nội có làng Chèm chẳng hạn. “Chèm” là chữ biến âm từ chữ “Chiêm” mà ra. Người Chiêm Thành bị các triều Lý, Trần, Lê bắt làm tù binh, đưa về Đại Việt. Một số ít người được làm quan, nhưng phần đông là được cho ở riêng thành một làng xung quanh kinh thành Thăng Long. Làng người Chiêm, lâu rồi biến âm, gọi chệch sang “Làng Chèm”. Vậy đấy! Kể sao cho xiết...
Tôi ngồi trò chuyện thêm một lát với một anh bạn họa sĩ, Trần Anh Tuấn. Tâm đầu ý hợp. Trần Văn Tuấn được lãnh đạo giao quản lý các khu đền Lào Cai, được mọi người quen gọi bằng một cái tên vui vui: Tuấn Đền. Anh bạn rất đáng mến này tỏ ra là một trí thức kiến văn rộng rãi, hiểu biết khá sâu về văn hóa cổ. Gốc quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Tuấn tỏ ra rất thích thú vì anh là con cháu họ Trần. Tan cuộc, Tuấn chở tôi và Chủ tịch Hội văn nghệ Lào Cai Lê Minh Thảo bằng chiếc xe bốn chỗ của anh, ghé thăm nhà riêng Lê Minh Thảo một chút. Ông Thảo khoe rằng vợ ông cũng là một cô gái Nam Định, “Chính danh họ Trần đấy nha!”...Ông Thảo nói vậy và cười vang...
Buổi chiều, Trần văn Tuấn lái xe chở tôi ra bến xe về Hà Nội. Vào cổng, mua vé rồi, tôi cảm ơn Tuấn và giục anh trở về. Nhưng Tuấn vẫn chưa chịu về. Anh theo tôi vào tận trong bến, tìm chiếc xe Hà Sơn. Tôi lên xe rồi Tuấn mới yên tâm tạm biệt. Lưu luyến, quý mến chân thành. Bạn văn nghệ lào cai là vậy đấy!...Quả là “Một lần lên với lào cai / Còn say ngất ngưởng đến vài trăm năm!”...

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến