Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Bí ẩn cây thị ngàn năm tuổi ở Mai Châu




                      Bí ẩn cây thị nghìn tuổi
THUẦN VIỆT   -Thứ Tư, 09/05/2012, 10:48 (GMT+7)

Mặc cho bão táp mưa sa, cây thị cổ ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình vẫn đứng vững giữa đất trời Tây Bắc. Theo các cụ ở bản Thái kể lại, cây thị này đã tồn tại hàng nghìn năm.
Cây thị gọi hồn
Rừng lim, rừng nghiến
, rừng pơ mu ngày trước bạt ngàn, giờ đã bị người dân nơi đây tàn phá cả, riêng cây thị khổng lồ này chưa ai dám đụng dao đến. Bà con bảo, đây là cây thị gọi hồn. Bất cứ một thầy cúng nào của người Thái dù ở Điện Biên, Lai Châu hay Sơn La thậm chí bên nước bạn Lào xa xôi, trước khi cúng đều phải gọi hồn từ cây thị bản Mỏ. Nó là một thủ tục bắt buộc.

Cây thị bản Mỏ đã có hàng nghìn năm


   Cụ Lường Quang Xuân ở bản Mỏ, từ nhiều năm nay đã dày công đi khắp nơi để tìm sử liệu về cây thị này. Khi hỏi về cây thị bản Mỏ, cụ lấy làm tâm đắc. Cụ Xuân kể, cây thị này có từ nghìn năm nay rồi. Ngày xưa quân giặc tràn qua đây, chúng đã đi lùng khắp nơi để bắt nghĩa quân dấy cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ tàn ác của chúng. Bắt được ai là chúng xử trảm rồi mang thủ cấp về cây thị bản Mỏ treo lên đó để thị uy. Chúng còn treo giải cao, hễ ai bắt được người nào mang đầu về đây sẽ được thưởng hàng chục đồng bạc trắng. Nghe đâu số đầu lâu treo trên cây thị này có vài nghìn chiếc. Nó rơi thành từng đống trên cánh đồng của xã Chiềng Châu. Máu nhuộm đỏ cả một vùng. Mỗi khi người dân đi qua đây đều vô cùng căm phẫn trước tội ác dã man của lũ giặc. Bao oán hờn đã chất thành núi.

Đến thời Pháp thuộc, giặc tiếp tục bắt bớ và chém giết người vô cớ rồi cắt đầu treo lên cây thị này. Gốc thị từng nhuốm máu đào của bao chí sĩ yêu nước. Giờ đây đống sọ người đã được bà con chuyển đi cả. Phía dưới gốc cây thị là cánh đồng lúa đang thời kì con gái xanh mơn mởn.
Sau khi đánh đuổi được lũ giặc tàn bạo, những gia đình có người thân bị chúng chém đầu đều tìm về đây để tìm xác. Tuy nhiên, họ đứng trước hàng nghìn chiếc đầu lâu đó, không ai dám nhận đâu là người nhà mình cả. Phong tục của người Thái là phải nhận đúng xác người nhà mình mới được gọi hồn nhập vào bàn thờ chính. Đây là lý do giải thích vì sao, khi gọi hồn người Thái thường phải bắt nguồn từ cây thị cổ này.

Ông Xuân bảo, cây thị là nơi chứng kiến bao tội ác của giặc


Tài sản vô giá

Dẫn chúng tôi ra thăm cây thị cổ, cụ Xuân vuốt lại quần áo cho phẳng, dáng điệu cử chỉ của cụ cũng nghiêm trang hơn. Cụ bảo: "Bất cứ người Thái nào cũng coi cây thị này như một tài sản vô giá. Ngày trước, kể các vị quan lang đi qua đây đều phải xuống ngựa dắt qua. Lạ là nếu ai không xuống cũng bị ngựa hất văng xuống đất. Đây cũng là điều khó giải thích. Người Thái chúng tôi lại nghĩ, có lẽ ngày xưa cường hào, ác bá và giặc cỏ giết chết quá nhiều người khiến những oan hồn bị bêu đầu tại đây vẫn chưa tan".
Cây thị toạ lạc bên cạnh đường cái, nằm ở cuối bản Mỏ. Đứng từ xa nhìn lại nó giống như một người khổng lồ đứng vững chãi giữa núi rừng của xứ Mường. Tán cây toả rộng, cành lá sum suê, xanh tốt. Cây thị này có lẽ là chứng tích duy nhất của đại ngàn còn sót lại. Tiến lại gần mới thấy hết được những trầm tích thời gian mà cây thị này đang mang trên mình. Gốc cây to, dăm sáu người lớn ôm không xuể. Từng mảng rễ sù sì, gồ ghề hằn lên những thớ gỗ già đanh. U cục nổi lên quanh gốc cây. Giữa thân thị còn thủng lỗ chỗ những mảng lớn. Ước chừng cây thị này cao khoảng 30m. Ngay cả những cành trên ngọn cũng mốc meo nhuốm màu thời gian.
Nhìn lên cây thị già, chứng tích chiến tranh năm xưa vẫn còn đó. Ông Xuân nhớ lại những ngày địch càn quét: "Tôi sinh ra đã thấy cây thị này rồi, những năm chiến tranh giặc Pháp ném bom dữ dội lắm, những lúc máy bay địch thả pháo sáng thì cả làng đều chạy đến ẩn nấp dưới gốc cây này. Rồi những khi họp hội dân du kích, bày binh bố trận để chiến đấu, đều tập trung hết dưới gốc hai cây này. Nó chính là nhân chứng lịch sử trong hai cuộc chiến tranh của dân tộc, là vị cứu tinh cho người dân ở đây. Điều kỳ lạ là bao lần giặc đốt phá, tưởng sẽ chết nhưng rồi nó vẫn sống như thế cho đến ngày hôm nay”.

Gốc cây thị cổ thụ rất to, nhiều người ôm không xuể


Cách đây không lâu, 5 cây thị cổ của gia tộc họ Lê ở Nghi Thịnh (Nghi Lộc - Nghệ An) đã được Hội Di sản Việt Nam gắn biển Cây Di sản quốc gia. Nếu chiếu theo những tiêu chí mà Hội này đưa ra, cây thị bản Mỏ đương nhiên đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn. Hiện tại Phòng Văn hoá huyện Mai Châu đang tiến hành xin kinh phí để tôn tạo và xây dựng một cái miếu bên cây thị để đời đời con cháu người dân tộc Thái tôn thờ và bảo vệ cây linh liêng này của bản.


Tương truyền rằng hai cây cổ thụ rất linh thiêng, hễ ai có những hành động xâm phạm tới cây đều gặp chuyện không may, muốn qua khỏi phải ra cây cầu khấn. Tuy nhiên đây chỉ là những lời truyền miệng của các cụ già trong làng, không có kiểm chứng. Không những thế người dân ở đây còn cho rằng nếu ai bị bệnh, hiếm con đến kêu cầu thì sẽ được cây phù hộ. Trong câu chuyện của các cụ già trong bản còn kể rằng, trước đây, vào những đêm trăng sáng, gió mát, ngày rằm hay mùng một thường có một đôi rắn mòng xuất hiện dưới gốc cây thị. Người dân ở đây cho rằng, đó là rắn thần nên không ai dám xâm hại.

Những câu chuyện thực hư về cây thị thì chưa ai kiểm chứng nhưng việc người dân dùng lá cây thị này chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Ai bị chướng bụng, chỉ cần ra xin thần cây cho 1 nắm lá thị. Sau đó cho lá thị vào nồi nước đun sôi rồi tắm qua là khỏi. Lá cây thị này đặc biệt tốt cho những người vừa mổ. Họ đều dùng lá thị xông và tắm, vết mổ sẽ liền nhanh hơn.
Ông Hà Công Tấc, Trưởng xóm Mỏ kể, vào mùa thị chín, hương thị thơm ngào ngạt. Chẳng thế mà người Thái nơi đây mới gọi là cây co hương - nghĩa là cây thơm.
 ( NNVN )
-------------------------------
Cây Thị Ngàn Năm Tuổi

Đó là cây thị ngàn năm tuổi ở tỉnh Hòa Bình. Dân chúng tin rằng cây này linh thiêng.
Chúng ta không thể biết chính xác ra sao về sự linh thiêng, nhưng truyền thống văn hóa Việt là kính trọng tuổi già. Không đơn giản vì tuổi già là giàu kinh nghiệm (thực tế, nhiều người càng già lại càng ngây thơ hơn), nhưng tuổi già -- bất kể là người già, cây cổ thụ già, đình xưa hay chùa cổ -- là một gợi nhớ rằng đời này rất mực mong manh, ai rồi cũng bên mép bờ biến vào hư vô cả.Thêm nữa, tuổi già là những mảng dân gian cổ còn sót lại... cũng như cây thị này.
Thông tấn Infonet kể về cây thị nghìn năm tuổi này, trích như sau:


“Theo lời kể của một bậc cao niên trong xóm Mỏ, Mai Châu, Hòa Bình, cây thị có từ thời nạn giặc cờ vàng, rất nhiều người bị tàn sát chất quanh gốc cây. Từ đó, có nhiều giai thoại về "cây xác chết" này.

Nhiều giai thoại


Không ai biết chính xác niên đại của cây thị ở xóm Mỏ, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình có từ bao giờ, chỉ biết cây đã có lịch sử hàng nghìn năm tuổi gắn với bao giai thoại ly kỳ, rùng rợn khiến những người dân nơi đây coi “đại lão thị” như một cây tín ngưỡng để tôn thờ.
Do lúc chúng tôi tìm đến cây thị nghìn năm đúng vào dịp trung thu nên khi còn cách đến vài trăm mét đã ngửi thấy mùi thơm phảng phất trong gió từ những quả thị chín vàng mọng nước sai trĩu chịt trên cây.
Thông thường cây thị thường thân nhỏ và mọc cao lên chót vót rồi xòe tán rộng, còn cây thị ở đây hoàn toàn trái ngược với gốc cây to vài nối tay nhau ôm mới hết, bộ rễ to như thân cây nhỏ uốn lượn trải kín mặt đất cộng thêm những tán cây xum xuê phủ kín một khoảng không gian khiến người ta lầm tưởng là một cây cổ thụ.
Theo những tư liệu của ông Hà Văn Mười (75 tuổi), người từng có thời gian nghiên cứu về văn hóa dân tộc ở xóm Mỏ sưu tập được thì cây thị này ít nhất đã có tuổi đời khoảng trên 1.000 năm. Theo ông Mười, cây thị trước đây còn được gọi với cái tên rùng rợn là “cây xác chết”. Sở dĩ có chuyện như vậy vì xưa kia ở xóm Mỏ xuất hiện nạn “giặc cờ vàng”, chúng rất tàn ác, khi đến xóm Mỏ chúng ra tay tàn sát dã man. Mỗi người bị giết chúng chặt đầu rồi đem bêu lên cành cây thị để làm trò chơi và khiến dân làng run sợ phải phục tùng chúng.
Một số người dũng cảm ở xóm Mỏ đã liên kết cùng nhiều bản làng dân tộc xung quanh đứng lên để khởi nghĩa, nhưng vì lực lượng không đủ mạnh nên vô số người đã phải bỏ mạng. "Tôi vẫn nhớ cha ông kể rằng, lần giặc cờ vàng bắt được gần nghìn người dám đứng lên chống lại đã cho quân lính giết bằng sạch rồi đem vứt chất đống dưới gốc cây thị, đầu bị chặt dùng dây buộc lên cành cây rồi thả lơ lửng. Máu chảy nhuộm đỏ cả một vùng”, ông Mười nhớ lại. Cũng từ đây, cái tên “cây xác chết” bắt đầu được người dân gọi để ám chỉ cây thị.
Sau khi đánh đuổi được lũ giặc tàn bạo, những gia đình có người thân bị chúng chém đầu đều tìm về đây để tìm xác. Tuy nhiên, khi đứng trước hàng nghìn chiếc đầu lâu đó, không ai dám nhận đâu là người nhà mình cả. Phong tục của người dân tộc là phải nhận đúng xác người nhà mình mới được gọi hồn nhập vào bàn thờ chính. Bởi vậy, ở xóm Mỏ vẫn còn lưu giữ phong tục khi gọi hồn ai đó phải bắt đầu gọi từ cây thị nghìn năm tuổi này...
...từ sau cái ngày giặc cờ vàng phơi xác nghìn người dưới gốc cây và bêu đầu họ, mỗi tối người dân trong vùng đều nghe tiếng than khóc thê lương văng vẳng vang ra từ gốc thị. Nhất là mỗi độ trung thu, mùa thị chín tiếng khóc lại càng ghê rợn. Đã có một thời gian, ở cái xóm Mỏ này, người dân buổi tối tuyệt đối không dám lảng vảng quanh gốc thị vì “sợ ma”. Phải đến khi người ta thuê thầy cúng, lập đàn tế 7 ngày, 7 đêm dưới gốc thị rồi dựng ban thờ cúng tiếng khóc ấy mới dứt hẳn...
...ông Mười cho biết rằng người dân xóm Mỏ và những xóm lân cận khi có người bị ốm hay bệnh tật vẫn thường hay đến gốc cây thắp hương và xin lá cây về để đun sôi uống hoặc cho vào nước tắm...
Hiện tại Phòng Văn hoá huyện Mai Châu đang tiến hành xin kinh phí để tôn tạo và xây dựng một cái miếu bên cây thị để đời đời con cháu người dân tộc Thái tôn thờ và bảo vệ cây linh thiêng này của bản.”
Nào ai biết lịch sử ra sao. Nhưng với những gắn bó với dân lành như thế, cây thị quả nhiên là một phần hồn lịch sử rồi vậy.
Nguồn từ Bác Đào

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến