Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012


Nhớ Kim Lân

Không nhớ gặp cụ khi nào, hình như ba bốn chục năm về trước. Có lẽ không lâu  đến thế. Việc thấy cụ trên phim và gặp cụ ngoài đời làm mình lẫn lộn chẳng còn nhớ đích xác gặp cụ năm nào, ở đâu.  Chỉ nhớ năm 1988 mình dự trại viết Suối Hoa ở Hà Bắc thì cụ đã mày tao với mình, thân thiết gần gũi lắm rồi. Mình ít khi gặp cụ, một năm đôi ba lần chứ không hơn. Riêng hai tháng ở trại viết Suối Hoa hầu như tuần nào cũng gặp cụ.

 Cụ từ Hà Nội về quê lần nào cũng ghé qua nhà anh Đỗ Chu, anh Đỗ Chu lần nào cũng rước cụ về trại viết Suối Hoa nơi anh làm trưởng trại, lần nào vào trại viết Suối Hoa cụ cũng vào phòng mình và Nguyễn Trọng Tín. Thằng Tín và anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) là đệ tử của cụ, mình mặc nhiên là đệ tử của cụ luôn. Cụ đến chơi chủ yếu ngồi nghe tụi mình tán gẫu chứ chẳng nói gì. Ai hỏi
gì thì cụ nói không thì thôi.  Ngồi một lúc hút đôi ba điếu thuốc lào, một hai chén chè, phải chè ngon cụ mới uống, chừng như nghe vậy đủ rồi cụ phủi đít đứng dậy, nói thôi, tao về đây. Lần nào cũng vậy.
Giống như ông anh ở quê tới thăm mấy thằng em, cụ chỉ quan tâm đến em út ăn ở thế nào, còn “văn chương là việc của chúng nó” cụ không quan tâm. Chưa bao giờ cụ hào hứng với chuyện văn chương, cũng chẳng thấy cụ khen chê ai bao giờ. Văn của cụ lại càng không. Cụ nghe người ta tán văn cụ như nghe chuyện thời sự nước ngoài, không mặn cũng chả nhạt. Cụ có một nhúm truyện ngắn, truyện nào cũng đặc sắc cả nhưng chỉ có một nhúm thôi, khen đi khen lại cũng từng đó ý, nghe lắm cũng ớn. Hễ thấy người ta nói nhiều về văn Kim Lân thể nào cụ cũng đánh trống lãng sang chuyện khác rồi tính bài chuồn. Riêng mấy thằng em thân thiết, nếu đứa nào nhỡ miệng khen văn Kim Lân  thể nào cụ cũng trừng mắt lên, nói chúng mày hết chuyện rồi à?
Chỉ khi nói chuyện phim ảnh cụ mới tươi tỉnh góp chuyện. Cụ hào hứng kể mấy giai thoại người ta phóng tác chuyện cụ đóng phim, nói đến khổ chuyện tao đóng  Lão Hạc được trả 2000 đồng, con chó đóng Cậu Vàng được trả 3000 đồng, người nào gặp cũng hỏi tao chuyện này có hay không. Nói có cũng chẳng xong nói không cũng chẳng được. Mình gật gù chia sẻ, nói Việt Nam bỏ tiền ra thuê chó đóng phim trời sập cái đoàng. Nhưng em phục nhất cái xencuối khi người ta ròng cổ Cậu Vàng, xen đó anh diễn cực tài. Người khác sẽ diễn theo thói quen, sẽ nhìn theo Cậu Vàng mắt rưng rưng, hoặc chạy đuổi theo Cậu Vàng mặt ngẩn ngơ cay đắng, đằng này anh đứng phắt dậy quay lưng đi ngay. Diễn thế mới thực, mới ra một nỗi đau. Tài quá! Cụ cười ha hả, nói đâu có đâu có. Khi đó tao sợ con chó quay lại đớp tao một phát nên vội đứng lên bỏ đi đó mày ơi. Ối giời là tài, ha ha ha.
Nhiều năm rồi Kim Lân chỉ chơi hoa, chơi cây cảnh cá cảnh, chơi đồ gốm đồ cổ, chơi quan họ chứ không chơi văn.  Chuyện cụ bỏ chơi văn  thiên hạ bàn tán cũng đã nhiều. Anh Đỗ Chu kể, nói ông chán thì bỏ có gì đâu, cũng giống mình đã chán vợ thì dù nó có cởi truồng dí vào mũi mình cũng xin kiếu. Một hôm ông báo cáo lãnh đạo, nói từ nay các ông phân công việc gì cũng được, đừng bắt tôi viết văn nữa, tôi bí lắm rồi. Là ông nói vậy, bí đâu mà bí, thạo chữ như Kim Lân bí cái gì. Ông chán chữ, không muốn chơi chữ nữa, có thế thôi.
Mình cũng thấy hơi lạ, viết lâu viết nhiều đến lúc chán chữ là chuyện thường chứ cụ viết được bao nhiêu đâu mà chán. Nếu cụ viết dở, văn veo chẳng ai quan tâm tất nhiên là phải chán, bỏ là phải. Đằng này cụ viết cái nào thiên hạ vồ lấy đọc cái đó, bàn tán xôn xao, nhà văn được vậy ai không hạnh phúc, sao cụ chán nhỉ? Mình hỏi cụ. Lần đầu cụ cười nhạt không nói. Lần sau cụ thở ra, nói đã viết là phải hay, biết mình không thể viết hay thì đừng có viết. Mày nhìn ra làng văn mà xem, mười thằng viết thì chín thằng rưỡi chỉ tổ tốn giấy mực, mất thời gian lại bị thiên hạ chê cười. Ngu gì theo chúng nó. Mình cười, nói thế thì tại sao anh lại xui tụi em viết văn? Cụ trừng mắt lên, nói tao xui bao giờ, chúng mày ngu cho chúng mày chết! Hi hi.
 Một hôm cụ gọi điện đến cơ quan, nói mày có trốn việc được không. Mình nói chuyện gì anh. Cụ bảo tao muốn uống rượu với mày. Mình vọt đến nhà, cụ lôi chai rượu dưới gầm bàn lên, nói rượu Vân thứ thiệt đây. Vân này mới gọi là Vân chứ Vân Văn Cao, Vân Nguyễn Tuân đếch phải. Mình nhấp một ngụm, nói em cũng thạo rượu nhưng rượu Vân thì em chịu, chẳng phân biệt được Vân Kim Lân với Vân Văn Cao là thế nào. Cụ cười không nói gì cứ uống tì tì. Cụ rót rượu cho mình, nói cái gì không biết thì đừng có chơi, nguy hiểm lắm. Tao ngày xưa còn trẻ ngu dại, cứ tưởng văn là món dễ, chẳng phải học hành gì cũng chơi được. Chơi một hai cái được khen lại càng tưởng bở. Nhưng càng viết càng thấy mình ngu, chẳng biết văn là cái con mẹ gì. Thế là tao rút, rút ngay lập tức. Đã chơi thì chơi thật, chơi tới số, không thì thôi, bỏ ngay. Chớ có giả đò chơi, giả đò thạo chơi, đéo vào.
Mình nhìn cụ cười cười, nói anh cho em hỏi một câu nhé. Anh phải nói thật nhé, đừng có giả đò như như anh vừa nói với em nhé. Nghe thế cụ trợn mắt lên nhìn mình rồi phì cười, nói a thằng này nom thế mà láu. Tao hiểu ý mày rồi. Cụ nâng ly rượu chạm ly cái cạch, ngửa cổ uống sạch ly rồi cười hì hì, nói mày đểu lắm, đi guốc trong bụng tao. Nói thật thì thế này : xưa tao viết văn hăng máu, hăng máu lắm. Vì  khi đó điếc không sợ súng, coi mình như ông trời con thích gì viết nấy chả biết sợ ai, chả coi ai ra gì. Bây giờ chưa viết đã coi mình như con sâu cái kiến thì viết cái mẹ gì nữa. Thứ văn của con sâu cái kiến có ai trọng đâu, người ta khinh tạt. Thà không viết thì thôi, viết ra để thiên hạ gọi mình bằng thằng thì tao không thèm, ỉa vào! Cụ cười cái hậc, rót rượu đầy ly uống cạn, nhìn trừng trừng ra sân cả tiếng đồng hồ, không nói thêm một tiếng nào nữa.
Năm 1998 thì phải, mình có biên tập cuốn Truyện ngắn Kim Lân, in vào Tủ sách vàng của NXB Kim Đồng. Mình ôm sách tới nhà, nói biết anh chán chơi văn nhưng các cháu vẫn thích văn Kim Lân nên em mạn phép anh in cuốn này cho các cháu. Cụ cảm động lắm, cho mình một bữa rượu say. Cuối buổi rượu cụ lấy cái bình cổ cho mình, nói mày cầm về  chơi cho vui. Biết của đắt tiền mình từ chối, nói em có biết chơi đồ cổ đâu anh. Cụ cứ đặt vào tay mình, nói có quí anh mới tặng mày, cầm lấy đi không anh giận. Mình cầm về, bày ở phòng khách, ai đến chơi cũng xuýt xoa khen cái bình cổ. Thằng Vân ( đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) thằng Cẩm ( họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm) mê tít thò lò, lần nào đến chơi cũng đứng trước cái bình thật lâu, xuýt xoa tấm tắc khen hoài.
Chẳng may mình bị tai nạn nằm liệt giường. Vợ mình nghe ai nói  cái bình cổ đó có vong, mình bị tai nạn cũng vì thế, liền giấu mình ôm cái bình gửi nhà chùa. Chẳng hiểu thế nào chuyện đến tai cụ, lập tức cụ đến nhà mình. Cụ ngồi xuống cạnh nhìn mình xót xa, nói anh nghe chuyện hãi quá, suốt đêm không ngủ được, chỉ mong đến sáng tìm đến nhà mày. Mình cười, nói chuyện mê tín tào lao của đàn bà, anh để bụng làm gì. Cụ lắc đầu xua tay, nói không không, cái bình đâu rồi đưa anh. Mình nói để làm gì, vợ em gửi nhà chùa rồi. Cụ nói lấy về cho anh để anh đập tan cái bình, sau này không có ai dùng đến nó nữa. Nguy hiểm quá.
  Cụ sụm xuống, ngồi dúm dó bên mình, nói đã bảo cái gì không biết thì đừng có chơi mà anh cứ chơi liều, lại còn xui mày chơi nữa. Thôi, từ nay anh không chơi đồ cổ nữa. Cụ cầm tay mình mắt rưng rưng, nói anh sai rồi, sai lắm rồi, xin lỗi em. Mình im lặng nhìn cụ hồi lâu và bật khóc.
Nguyễn Quang Lập

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến