Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Xào xạc mùa xây rơm

.NGUYỄN MINH ĐỨC

 
“…Lúa gặt rồi - còn lại rơm thơm
Trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…”
                (Lê Huy Mậu)

Quê tôi, ai đã từng qua!? Đó là một vùng nông thôn chiêm trũng miền Trung.
Hình ảnh dễ đọng lại rất thân thuộc, giản dị, đứng sừng sững giữa đất trời ở góc sân, góc vườn hay chái nhà gianh, cạnh con ngõ mỗi nhà là… những cây rơm được xây lên từ cuối mùa vụ gặt. Rơm, rạ là thứ phụ phẩm từ cây lúa sau khi đã tuốt sạch thóc hạt mẩy, được đem ra rải đều trên đồng bãi hay bên triền đê, phơi khô.
Ngày mùa chộn rộn, tiếng người cười nói, gọi nhau í ới lẫn vào mùa màng rơm rạ xạc xào, ai cũng muốn tranh thủ thời gian cướp chút mặt trời đưa nắng lên cao, đem được cả lúa và rơm vừa tuốt ra phơi. Giữa nắng chang chang, lúa phơi ngoài sân thì cày ngang bừa dọc cho khô khén giòn tan; rơm thì dùng càng xêu lật đi lật lại, tung hê từng mảng nhỏ giữa ngọn gió đất trời đồng bãi hay bên sườn đê cho cọng rơm cọng rạ được nắng, đượm màu vàng óng, để có mùa rơm thơm mà vẫn giữ màu tươi nguyên! 
Thế nên, nhìn những cô thôn nữ giọt giọt mồ hôi nhễ nhại, bật tưng những nụ cười lấp lóa dưới vành khăn choàng và nón trắng che nghiêng; những chàng trai làn da bánh mật, ngăm đen bởi rơm rạ ngày mùa, đẩy những đoàn xe cải tiến hoặc gánh những đụn rơm kĩu kịt ra phơi… cho thấy đó là những ngày mùa bội thu, người nông dân lại gặp dịp nắng thuận gió hòa, phơi được thóc và rơm rạ, báo hiệu những cây rơm thơm nhức mũi trâu bò sẽ được xây lên! 
Minh họa: Ngô Xuân Cầu
Những ngày mùa ít nắng, việc phơi thóc, phơi rơm rạ là nỗi cực nhọc nhất không gì tả nổi của người nông dân. Cứ gánh thóc lúa, rơm rạ ra phơi trời lại sập sìu sắp nổi giông gió đổ mưa xuống thì không biết đến mấy ngày mới được một mẻ rơm, mẻ lúa. Thậm chí có khi lúa thì mọc mầm phải đưa đem sấy, rơm thối rữa ra mà không kịp làm gì đành tiếc nuối, trâu bò nhịn đói, người nhịn đun nấu suốt cả một mùa sau...
So với rơm, hạt lúa là hạt ngọc, được người quê quý giá, trân trọng hơn nhiều. Thế nên nhà nào cũng vậy, phải là khi thóc đã khô khén, chải chuốt hết hạt lép, đưa được vào bồ, vào chum gọn gàng rồi mới có thời gian chăm lo đến xây cất rơm rạ. 
Mùa xây rơm, nhà ai cũng chuẩn bị một cọc nò, thường làm bằng những cây tre đực già rắn chắc, có khi hai, ba cây chụm lại. Cọc được chôn chắc chắn, trước khi chôn còn đem quấn một ít nilon, bỏ thuốc diệt mối, diệt kiến vào chân cọc. Xung quanh cọc chính là giàn cọc phụ, được đóng chốt, buộc dây chắc chắn ràng vào nhau và kê cao giàn để hẫng rơm rạ không tiếp giáp với nền đất đá gây ẩm mốc. Rơm thơm phơi khô được đánh đống, dùng vòi tre non chẻ đôi phơi nắng cho thật dẻo rồi bó gọn lại thành từng bó, đem về rải đều xung quanh cọc nò, giẫm lên nén chặt xuống quanh cọc nò. 
Ngày xưa, các cụ quan niệm người đứng lên đón và nèn chặt rơm rạ vào cọc nò phải là đàn ông trai tráng, là người chịu được sức nóng, nhanh nhẹn, rải đều, giẫm chặt vào gốc nò mà không bị xô lệch, để cây rơm được cân đối và đứng vững chãi quanh năm, chống chọi được bão gió. Ngay cả khi rút xuống để dùng dần từ dưới lên trên, càng cuối mùa rơm càng lên cao, chỉ còn trơ lại cọc nò mà rơm không thể tụt xuống được, không đổ, gẫy, đàn gà tài giỏi mấy mùa giáp hạt cũng không đào bới được…
Tiếng là phụ phẩm nhưng mỗi cây rơm thật quan trọng với người quê. Làm chắc chắc rồi nhưng lại còn tìm thêm trụ chống tránh bão gió. Khi mùa mưa bão đến, theo dự báo thời tiết, gió chiều nào đem cọc chống ngược thêm chiều đó để tránh cây rơm bị đổ, gãy. Người quê vẫn dùng rơm rạ để cho trâu bò ăn và làm chất đốt, nấu nướng hằng ngày. Việc nấu nướng cũng hết sức dè xẻn để rơm khô còn làm nguồn thức ăn chính, là vật dụng ủ ấm cho trâu, bò trong suốt cả năm, nhất là vào những ngày tháng mùa đông giá rét, cỏ và thức ăn khan hiếm. Với tôi thuở bé, đến ngày đi nhổ mạ non, mẹ bảo chị em tôi ra cây rơm tuốt một nắm rơm vuốt thật thẳng, bỏ hết lá, cắt xén tày tặn hai đầu dùng để bó mạ cho chặt và đỡ đau cây mạ non trước khi đưa xuống đồng cấy lúa…
Đi vào làng, nhà nào cũng có cây rơm to đùng đầu ngõ hoặc được cất gọn, kín đáo trên gầm gác chạn chuồng trâu bò, được lèn chật cứng. Mỗi lần dùng để cho trâu bò ăn hoặc đun nấu, lại được rút xuống một ôm đủ dùng. Không đem xuống quá nhiều sợ trâu bò không ăn hết, không đun nấu hết sẽ bị đàn gà đào xới rơm rạ lẫn vào tro lửa, có khi gây cháy nguy hiểm. Trước đây, ngày mùa cứ nhà nào có cây rơm to trước ngõ cho thấy sự no đủ, giàu có. Bởi lẽ, nhà đó làm nhiều ruộng, cấy nhiều lúa thì đống rơm mới to, thóc đầy bồ, và dĩ nhiên là sẽ có gạo ăn quanh năm…
Với tôi, cây rơm nhà gắn liền suốt cả một quãng đời tuổi thơ, trò chơi trốn tìm buổi tối quanh chân cây rơm của lũ trẻ chúng tôi là dấu ấn không thể mờ phai. Không có ngày nào là không phải ra chân cây rơm để rút mang vào bếp đun nấu, cho trâu bò ăn và ủ ấm. Mùa đông giá lạnh, chăn không đủ ấm, anh em tôi còn bày trò lên đào ổ rơm trên chạn trâu bò nằm cho đỡ rét, có hôm còn mải nằm để quên cả việc chăn trâu cắt cỏ đồng xa… Xào xạc mùa xây rơm lại nhớ quê xa, cây rơm cũng như những làn điệu dân ca thao thức không chỉ một tâm hồn tôi mà có lẽ nhiều người cũng thế.
 Làng quê yên bình ngày xưa giờ đang trong đà đô thị hóa, ngõ quê thảng hoặc chỉ thấp thoáng vài bóng cây rơm. Nơi góc sân trong vườn tôi trốn tìm ngày xưa không còn cây rơm nữa, để ký ức bổi hổi bồi hồi, như dòng sông lở sông bồi hồn. quê…
N.M.Đ

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến