Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Chuyện của ngày xưa

Nv Vũ Minh Nguyệt
Nv Vũ Minh Nguyệt
Nỗi khổ chẳng người nào giống người nào. Ông cũng có sung sướng gì đâu. Chẳng lẽ bao nhiêu năm gặp nhau lại toàn kể khổ. Bên ngoài nhìn vào ai cũng bảo ông sung sướng. Giải phóng hai năm sau ông trở về quê, dắt theo cô vợ Nam bộ thứ thiệt. Bà là đảng viên, là vợ bộ đội, bà khéo thu xếp công việc để theo học được hai bằng đại học tại chức. Và trở thành giám đốc giỏi. Ngày ông về hưu non, cả nhà tưng bừng mấy ngày như có hội. Một buổi tối, vợ ông thở dài rồi buông lửng một câu: "Thôi cũng được".
Truyện ngắn của Vũ Minh Nguyệt

Anh Ba...Anh Ba xu. Bên cạnh ông bảo vệ, người bạn chiến trường của ông đã ngủ. Tiếng gọi thì thầm ngay bên cạnh mà nghe xa xa như từ một thoảng mơ hồ nào đến. Ngoài kia sương vẫn rơi lộp bộp. Trong im lặng gần về sáng ông đã nghe thấy như có cái cựa quậy khẽ khàng của những tán xà cừ ngoài ô cửa sổ
Đêm Nô en.

Ông bảo vệ mở cánh cổng cho xe Tổng Giám đốc đi Nhà Thờ Lớn. Đêm mùa đông lung linh huyền ảo. Mọi người đổ ra đường đón chờ giây phút thiêng liêng của Đêm Giáng sinh cuối thế kỷ."Người ở đâu ra mà lắm thế..." - Ông lẩm bẩm như vậy rồi kéo dựng cổ áo dạ cao hơn chút nữa. Gió len vào cổ lạnh buốt sống lưng. Dòng người vẫn trôi trên đường.
...Chiếc xe Mécxêđéc của ông Tổng Giám đốc khựng lại khi đang vào cua ra đường lớn. Ngay trước mũi xe, một người đàn ông đang ì ạch đẩy chiếc xe thồ chở hàng nông sản đi bán ở chợ đêm.
"Tin... tin..." - Tiếng còi xe giục dã, ông Tổng Giám đốc thò cái đầu rẽ ngôi bóng loáng ra phía bên phải cửa xe càu nhàu. Mùi nước hoa sực nức quyện với mùi mồ hôi người, mùi xăng xe, và cả mùi đường phố nồng nồng hăng hắc. Chiếc xe thồ ì ạch dịch lên được một chút, người đàn ông vẫn choãi chân, chắc tay đẩy.
"Tin... tin.." - Lại còi xe thúc giục, cái đầu rẽ ngôi bóng mượt lại thò ra khỏi cửa kính càu nhàu rồi thụt vào trong. Bất ngờ đuôi trái chiếc xe Mécxêđéc chạm xoẹt làm chiếc xe thồ đổ kềnh. Chủ nhân của chiếc xe sang trọng dường như không hay biết gì, cả người và xe thoát khỏi nơi ùn tắc và mất hút vào dòng xe như mắc cửi trên đường. Người đàn ông ngã gục xuống, su hào, khoai tây, ốc nhồi và cả mấy nải chuối xanh bị hắt tung toé xuống mặt đường nhựa. Cà chua chín lăn lỏng chỏng bị bánh xe cán kéo dài thành vệt lầy nhầy, đo đỏ như máu.
Ông bảo vệ đỡ người đàn ông dậy dìu vào phòng trực. Chiếc xe thồ được ai đó dựng lên và đẩy ra bên cạnh đường. Người đàn ông nằm trên giường, mặt xám ngoét, mình mẩy run lên từng cơn….Có thể ông ta bị cảm lạnh đột ngột nên mới ì ạch đẩy chiếc xe thồ như vậy, chứ mọi ngày qua con dốc này ông ta vẫn đi băng băng. Ông bảo vệ lật đật lấy lọ dầu gió xoa bóp khắp hai thái dương, bàn chân và lật nghiêng người ông ta để đánh gió dọc sống lưng. Gầy quá, da dẻ xạm lại. Ông bảo vệ vừa xoa dầu gió vừa hỏi:
- Khổ thật! Anh ở đâu mà nên nông nỗi này?
- Rét quá!... Làm ơn cho tôi xin hớp nước.
Người đàn ông thều thào nói, giọng rất mệt mỏi. Ông bảo vệ pha cốc nước trà nóng, khuấy thìa đường, đưa cho anh ta. Người đàn ông chìa bàn tay ra đỡ cốc nước, bàn tay mất ba ngón làm ông bảo vệ kinh ngạc. Chiếc nhẫn gỗ mun ánh lên trên bàn tay tàn tật chỉ còn lại hai ngón. Thôi chết, nó đây rồi! Thằng Hòa. Tưởng mày chết trong cái lần làm mồi nhử máy bay địch ở rừng Tây Ninh dạo ấy.
Ông bảo vệ suýt kêu lên như vậy rồi lấy khăn mặt xấp vào nước ấm lau mặt mũi, cổ tay cho người khách bất đắc dĩ. Người đàn ông mệt quá, chìm vào giấc ngủ tự lúc nào, thỉnh thoảng lại thở dốc. Ông bảo vệ ngồi im nhìn. Ông thấy đêm sao mà dài quá, ông mong trời nhanh sáng.
Người đàn ông đã tỉnh, gượng ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường định cảm ơn người đã cứu mình. Nhưng ông ta chợt nheo mắt há hốc miệng kêu to:"Anh Ba! Anh Ba xu, có phải anh...".
Hai người lính già ôm nhau khóc sau gần ba mươi năm gặp lại. Đồng hồ trên tường gõ mười hai tiếng khô khốc. Ngoài cửa sổ, sương rơi lộp bộp xuống những chiếc lá khô trên nền xi măng. Gió mùa đông bắc ào qua. Hai cánh cửa lạch cạch. Im lặng... Hai người lính già đều im lặng hơn đêm.
                       *
- Em à! Chịu đau chút xíu đi, anh cắt lìa ra, nó chỉ còn dính đủng đeo một tý da thịt - Giọng xứ Nghệ trầm trầm, ấm áp của người y sỹ vỗ về Hòa. Quả thật, Hòa cảm thấy rất đau, nước mắt cứ trào ra. Bàn tay anh đang bị cắt cụt những ngón dập nát, và anh sẽ không còn được cầm súng nữa.
- Anh ơi!... Cái nhẫn. Cái nhẫn của em?
- Sao? Vàng bạc, đá quý hay kim cương? Rõ khỉ, người không tiếc, lại tiếc cái nhẫn chết tiệt.
- Không phải thế! Nó là của... ông nội em. Nó bằng gỗ.
Chỉ đến lúc tỉnh dậy Hòa mới hốt hoảng như thế, mà lại hốt hoảng vì cái nhẫn gỗ. Cô hộ lý đã phải gạt cả đống bông băng, xô gạc máu me ra tìm mãi mới thấy cái ngón tay nát bét ở thùng lương khô đựng đồ bỏ, lấy được cái nhẫn gỗ đen bóng dính bết máu và đất xuống suối kỳ cọ rồi đưa cho Khánh cầm giúp Hòa. Cô hộ lý bảo:
- Mấy anh bộ đội miền Bắc lãng mạn quá.
- Vâng, chúng tôi vào mặt trận lúc đang còn là học trò.
So với mấy anh em trong tiểu đội thì Hòa là người trẻ nhất. Hòa nghịch ngợm nhưng sống tình cảm. Ngày mới được điều về đại đội này, người đầu tiên Hoà gặp là đại đội trưởng. Đang buổi trưa vắng vẻ, thấy có một người mặc quần đùi, cởi trần, da đen cháy, tóc xoăn tít đi từ dưới suối lên, Hòa hỏi thăm luôn: "Anh ơi, cho em gặp đại đội trưởng Ba xu". Không thấy trả lời, chỉ thấy anh ta tủm tỉm cười rồi chỉ vào cái lán ngay trước mặt: "Đồng chí vào trong đó chờ cho năm phút". Một lát sau, chính người tóc xoăn, da đen ấy bước vào và nói: "Tôi là đại đội trưởng Ba, chứ không phải là Ba xu. Cậu nghe ai nói mà gọi tôi là Ba xu. Bọn chúng bậy đó".
Sau này Hòa mới biết đại đội trưởng tên thật là Ba - Vũ Văn Ba; một cái tên, họ, chữ lót mộc mạc nhưng dễ gọi, dễ nhớ. Thì ra, một buổi chiều, đại đội trưởng đi qua lán của nữ giao liên, không biết chui qua dây phơi thế nào mà một cái xu chiêng mắc ngay vào vai áo. Cứ để nguyên như vậy, anh đi hết lán này đến lán khác mà không hề hay biết. Cánh lính bấm nhau cười. Về lán mình, cậu công vụ mới gỡ ra gói lại cất đi. Chiều hôm ấy, một chiến sĩ gái thập thò ngoài cửa lễ phép: "Thủ trưởng cho em xin...". Đến lượt đại đội trưởng ngớ người ra thì cậu công vụ chạy vào lấy gói giấy đưa cho cô gái. Từ đó, cánh lính trẻ cứ tếu táo gọi đại đội trưởng của mình là Ba Xu, chỉ thiếu chữ "chiêng". Được cái anh không giận. Ở chiến trường lúc nào cũng căng thẳng, ác liệt, có một chút thư giãn cũng tốt.
                          *
Đêm sâu mỏng dần về sáng. Sương lạnh. Gió lùa qua khe cửa. Ngoài đường xe cộ đã thưa dần. Trong gian phòng nhỏ, câu chuyện của hai người lính già vẫn chưa dứt. Nước trong bình đun bằng dây mai so sôi lục xục. Ông bảo vệ với tay ngắt phích cắm điện, trong khi đó người đàn ông gối đầu lên thành giường nửa nằm, nửa ngồi, khuôn mặt sọm lại nhưng trông đã bớt tiều tuỵ, khắc khổ. Người đàn ông ngồi nhỏm dậy hỏi:
- Mà dạo ấy, xong cái vụ dùng "chiêu hồi" chống chiêu hồi, anh đi đâu?
- Đi viện chớ đi đâu. Điều trị khỏi về đơn vị, đánh mấy trận nữa là giải phóng. Rồi ra Bắc, lăn lộn ở biên giới phía Bắc còn chán.
- Bà xã anh với các cháu...
- Ổn cả, ổn cả. Bỏ mẹ, trời sắp sáng rồi - Ông lảng đi khi người lính cũ hỏi đến chuyện gia đình mình.
- Cũng lạ, thằng em đi chợ gần chục năm nay rồi, con đường này em thuộc từng hõm nhỏ. Vậy mà chẳng gặp anh.
- Gặp thế đếch nào được. Tớ còn rong ruổi chán, hưu rồi, buồn quá mới ngồi đây chứ. Các cậu còn có việc mà làm chứ cánh tớ ở thành phố cứ như thừa ra. Vợ con đi làm cả, quanh quẩn mấy ông bạn già mãi cũng chán.
Lời nọ nối tiếp lời kia, câu chuyện của họ cứ giằng dịt không dứt. Ông bảo vệ hỏi:"Chú thồ rau bán thế này vất vả quá!". Người đàn ông bảo:"Hoàn cảnh em thế. Em đi cố thôi. Cà chua đang chín rộ. Tết nhất đến nơi rồi. Cũng phải mua sắm sách bút, may tấm áo mới cho bọn trẻ".
Nỗi khổ chẳng người nào giống người nào. Ông cũng có sung sướng gì đâu. Chẳng lẽ bao nhiêu năm gặp nhau lại toàn kể khổ. Bên ngoài nhìn vào ai cũng bảo ông sung sướng. Giải phóng hai năm sau ông trở về quê, dắt theo cô vợ Nam bộ thứ thiệt. Bà là đảng viên, là vợ bộ đội, bà khéo thu xếp công việc để theo học được hai bằng đại học tại chức. Và trở thành giám đốc giỏi. Ngày ông về hưu non, cả nhà tưng bừng mấy ngày như có hội. Một buổi tối, vợ ông thở dài rồi buông lửng một câu: "Thôi cũng được".
Hàng ngày, bảy giờ sáng xe cơ quan đến tận cổng đón vợ ông đi làm. Hai đứa nhỏ đi học. Một mình ông ở nhà, hết lau chùi nhà cửa đồ đạc lại nấu cơm ăn một mình. Tối, cũng chỉ ba bố con nấu cơm ăn. Khuya, bà giám đốc mới về mang theo cả mùi son phấn và rượu, bia, thuốc lá tiếp khách. Không kịp nhìn ông, bà lao vào phòng tắm, mở vòi hoa sen, kỳ cọ, lau rửa chán. Bà leo lên giường, vừa kéo chăn vừa nói với ông bằng một giọng uể oải: "Em mệt quá, công việc bù đầu...". Bà quay mặt vào tường ngáy nhè nhẹ.
Hai đứa con, một gái một trai giống mẹ như đúc. Mà lạ thật, gần nhau mãi không được, đến khi xa nhau, cứ mỗi lần vợ lặn lội lên đơn vị thăm ông về là bà mang thai. Mãi đến khi ra tòa, ông mới biết cả hai đứa đều không phải là con ông.
Đứa cháu gọi ông bằng cậu ruột bảo: "Công ty cháu đang cần một chân bảo vệ, hay là cậu...". Buồn, ông xách ba lô theo cháu và gác cổng cho đến tận bây giờ. Ngày ấy, thằng con trai lớn chạy theo ngăn ông lại: "Bố không phải đi đâu ca#. Đây là nhà của bố cơ mà". Ông vẫn kiên quyết dứt áo ra đi. Nhưng hai đứa bé không bỏ ông và ông cũng không bỏ chúng. Thỉnh thoảng anh em nó lại đưa nhau đến thăm ông một lát, có khi con bé ở lại với ông cả buổi chiều. Có hôm nó kêu đói, nũng nịu đòi ông dắt đi ăn bún đậu. Nó cứ huyên thuyên chuyện trên trời dưới bể, đến khi cha con đứng dậy thì trời đã sâm sẩm. Ông đuổi nó về học bài, con bé còn dùng dằng chán. Thằng anh nó cũng vậy, cái hôm trời đang mưa bão ầm ầm, thấy lạch xạch cửa, ông nhìn ra đã thấy nó ướt lướt thướt như chuột lội nước. Nó cao lênh khênh, ngồi trên yên xe cuốc, một chân chống đất, nhe răng trắng cười hềnh hệch. Những lúc ấy ông biết chúng nó rất buồn, mẹ đi công tác có khi cả tháng mới về. Cũng như ông, anh em nó cô đơn. Hai đứa càng quấn quýt, càng gần gũi ông càng đau đớn.
                             *
- Chỗ bị thương của chú thế nào? - Ông bảo vệ hỏi người đàn ông.
- Nó làm cho mình thành cái máy dự báo thời tiết anh ạ.
- Hắc lào chắc là không chứ?
- Vâng! Nông dân bọn em thì hắc lào nào ăn nổi.
- Nhanh quá! Mới ngày nào cả đại đội bị hắc lào trớt trát vậy mà đã mấy chục năm. Chẳng biết ai còn, ai mất, ai đi đâu, ở đâu?
Hai người lính già buồn lặng. Họ trầm ngâm, mỗi người hồi tưởng theo một cách riêng của mình.
                           *
Đại đội trưởng Ba chạy lên sát ụ đất lớn. Tân nắm dán mình xuống đất. Lúc ấy Ba kịp nhận ra cặp mắt kinh hoàng và ngơ ngác của Tân.
- Rút mau, nằm bẹp ở đây mà chết à?
- Em... Em sợ lắm! Anh Ba ơi.
- Rút mau. Tôi lệnh đó.
Ba túm vai áo Tân đẩy đi.
Máy bay trinh sát quần đảo ngay trên đầu. Mặc, xuồng của đại đội Ba xu vẫn rẽ bưng luồn lách. Bất chợt giữa cánh đồng không mông quạnh có tiếng phụ nữ eo éo: "Hỡi anh em cán binh Việt cộng, người cha vĩ đại của anh em đã từ trần hồi..". Rồi tiếng trẻ con khóc oe oe, tiếng than thở của người già, tiếng thút thít khóc của phụ nữ... Thì ra, họ đang đánh vào lòng người.
- Anh nhìn kìa. Thằng Tân...
 Ba nhìn theo tay chỉ của Hòa. Hòa giơ súng lên:
- Để em cho nó một băng .
- Không! Bắn bây giờ lộ hết. Chịu mất nó.
Hòa bảo:
- Cách đây mấy phút nó ngồi thụp xuống tránh đạn. Hóa ra nó phản lại đồng đội. Đồ đớn hèn. Chó đẻ thật.
Có tiếng ai đó hậm hực ở phía sau:
- Biết thế hồi hôm, cho nó lên thay vị trí anh Long.
Ba hoàn toàn bất lực nhìn thằng Tân vẫy khăn trắng. Chiếc thang dây từ bụng máy bay trực thăng thả xuống và nó đang lồm cồm leo lên. Từng nấc, từng nấc một. Chiếc thang dây chùng chình rồi rút dần lên. Hai mắt đại đội trưởng Ba đỏ ngầu đầy căm giận nhìn chiếc máy bay trực thăng bay vút đi rồi mất hút.
Trong lúc cả đơn vị đang hoang mang với những trò tâm lý chiến vớ vẩn nhưng cực kỳ nguy hiểm của địch thì lại thêm nỗi kinh sợ nữa bởi nhiều lán dã chiến của ta bị máy bay địch thả bom, cứ y như có người chỉ điểm. Chúng thả rất chính xác. May có đề phòng nên thương vong không nhiều. Tai hại là mấy người du kích địa phương đi phối hợp với đơn vị cũng ra chỗ trảng trống vẫy giấy trắng, khăn trắng gọi máy bay địch để đầu thú. Hôm sau, hôm sau nữa lại vài chiến sĩ hoang mang, lo sợ trốn ra trảng trống vẫy máy bay địch để chiêu hồi. Họ cứ vẫy như thế, chỉ ít phút sau máy bay trực thăng của địch đến thả thang dây đưa về chi khu, họ được trọng thưởng hậu hĩnh lắm. Sau mỗi đợt chiêu hồi như vậy, các căn cứ của ta bị địch phát hiện thêm nhiều lán trại. Máy bay quần đảo liên hồi, bom vãi xuống như mưa. Anh em bị thương vong nhiều.
Chưa lúc nào đại đội trưởng Ba xu lại căng thẳng như vậy. Anh em mình đổ máu nhiều quá, vô lý quá. Cái chết thảm của tiểu đội trưởng Long... Không khí hoang mang, lo lắng. Cái hèn nhát chạy trốn của thằng Tân... làm cho đại trưởng Ba suy tính nhiều lắm. Chả lẽ bất lực? Nhưng rồi một phương án đánh địch chợt đến bất ngờ, loé lên trong đầu anh. Một phương án rất táo bạo.
Một buổi vãn chiều. Đại đội trưởng Ba dẫn một tiểu đội ra cửa rừng. Cả tiểu đội lần lượt nắm tay Hòa và Khánh rất chặt, bởi hai anh được tin cậy giao cho thực hiện phương án táo bạo dùng "chiêu hồi" phản chiêu hồi. Họ nắm tay nhau mà không nói được gì, chỉ có ánh mắt như ngầm nói: "Chúng tớ sẽ cùng chia sẻ, bảo vệ các cậu".
Cầm chắc súng AK trên tay, hông đeo hai quả lựu đạn, cả hai người tiến ra trảng trống. Ngay lúc đó, tự nhiên trong lòng đại đội trưởng Ba thắt lại. Có phải anh đang chơi trò điên rồ, phiêu lưu và mạo hiểm trên tính mạng đồng đội? Trời ơi! Đại đội trưởng Ba rên lên, hai người lính thân yêu của anh chơ vơ giữa cánh đồng trống không. Đúng lúc bao nhiêu xáo trộn tâm tư, ý chí, tình cảm trong lòng đại đội trưởng Ba thì máy bay trực thăng của địch vè vè đến. Đi đầu là hai chiếc nòng nọc, tiếp theo là thằng cá lẹp chiến đấu. Hòa và Khánh đã rút khăn trắng ra vẫy. Đại đội trưởng Ba mắt vẫn không rời ống nhòm. Mồ hôi anh vã ra. Trong các lùm cây các chiến sĩ rất căng thẳng và rê nòng súng theo vòng lượn máy bay địch.
"Hòa, Khánh ơi! Chuẩn bị nhé". Đại đội trưởng Ba nói thầm một mình như vậy. Máy bay của địch bay rất chậm. Cả không gian bị khuấy động bởi những tiếng động cơ gầm rú và tiếng chém gió của cánh quạt. Hoà và Khánh vẫn đang vẫy khăn trắng rối rít. Máy bay địch đã bắt đầu thả thang dây. Rồi bất ngờ cả Hòa và Khánh cùng tung lựu đạn lên chỗ cửa máy bay trực thăng. Một quầng lửa bùng lên cùng với tiếng lựu đạn nổ, chiếc máy bay trực thăng chệnh choạng và bốc khói. Tiếng súng AK nổ rất đanh. "Bắn! Bắn!" - Anh hét to ra lệnh cho các chiến sĩ đang trong các lùm  cây bắn yểm trợ. Hòa và Khánh đã chạy tạt ngang sang hai bên chạy vào rừng. Anh nhìn thấy một bóng người ngã xuống. Thêm nhiều trực thăng kéo đến. Anh ra lệnh rút quân...
Sau trận ấy, Khánh hy sinh, Ba và Hòa bị thương. Phương án giả vờ đầu thú để chống chiêu hồi của Ba đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Những ngày sau đó trực thăng địch không dám thả thang dây mà xả súng bắn vào bất kỳ người nào cầm khăn trắng, áo trắng vẫy máy bay.
                        *
- Anh Ba. Nhắc lại chuyện cũ, em vừa buồn, vừa vui, vừa nhớ.
- Anh cũng vậy. Sao anh em mình chưa đi tìm đến nhà Khánh, nhà Long nhỉ? Anh thấy có lỗi quá.
- Có đêm nằm mơ, em thấy như mình vẫn đang ở quân ngũ, anh Ba à. Em mơ thấy mình trên xuồng đi trên đồng bưng Nam bộ. Em nghe được cả tiếng chém gió của máy bay trực thăng và em thấy mình bị thằng Tân trên máy bay trực thăng săn đuổi, phải chạy trên trảng trống. Tỉnh dậy, mồ hôi mồ kê vã ra. Cứ nghĩ, chẳng biết thằng Tân bây giờ đang ở đâu?
- Biết đâu nó ngồi ở ngay chính cái máy bay trực thăng mà chú và thằng Khánh vẫy khăn trắng rồi tung lựu đạn lên, nó chết rồi. Cũng có thể nó còn sống nhăn răng và bây giờ lại trở thành Việt kiều yêu nước, trở về xây dựng quê hương...
Đến lúc này thì người đàn ông tên Hòa chỉ ngồi trầm ngâm, im lặng nghe ông bảo vệ tên là Ba ôn lại những ngày trận mạc đã qua. Tay ông Hòa cứ mân mê mãi cái nhẫn gỗ mun đen.
Anh Ba...Anh Ba xu. Bên cạnh ông bảo vệ, người bạn chiến trường của ông đã ngủ. Tiếng gọi thì thầm ngay bên cạnh mà nghe xa xa như từ một thoảng mơ hồ nào đến. Ngoài kia sương vẫn rơi lộp bộp. Trong im lặng gần về sáng ông đã nghe thấy như có cái cựa quậy khẽ khàng của những tán xà cừ ngoài ô cửa sổhttp://vnca.cand.com.vn/Images/reddot.gif
  V.M.N.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến