Nhà văn CHU LAI
Trang bản thảo chép thuê được viết ra khi tôi cùng Nguyễn Hoa, Thái Vượng đi thực tế ở biên giới Tây Nam. Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, cảm xúc căng tràn, sức lực dồi dào lại mới bước vào con đường cầm bút chuyên nghiệp nên hung hăng lắm. Lại còn thách nhau viết được cái này cái nọ nữa cứ làm như là chuyện văn chương có thể đem ra thi đấu được. Đó là khi đi nằm với bộ đội đường biên về, vừa viết xong cái “Gió nơi ấy màu xanh” đọc thử thấy véo von ra trò, buột mồm nói, vẫn còn vốn sống, tớ có thể chơi nhanh được cái nữa. Thái Vượng bảo, nói khoác, giỏi, ông thử viết xem, chỉ được viết một đêm thôi, làm được sáng mai tôi chịu một chầu cà phê, hủ tíu. Xong. Thế là trong một gian phòng của Tổng cục Chính trị tiền phương trên đường Lê Văn Duyệt, bên cạnh phòng của Vũ Cao, Tổng biên tập VNQĐ, tôi chui vào một xó ngoáy từ 9 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau xong liền cái Trang bản thảo chép thuê. Viết tay, không có máy chữ, câu cú tuôn ra ào ào, ý tứ nảy tanh tách đến kinh. Bây giờ nghĩ lại mà thấy hoảng. Viết như nhập đồng, viết như lên cơn, viết như bốc cháy. Đưa cho hai bạn văn đọc, chả biết có hay không nhưng họ đều lác mắt về tốc độ viết. Cái tốc độ mà tôi sẽ không bao giờ có thể lặp lại được nữa.
Nhà văn Chu Lai
***********
Chưa có cái nắng nào gay gắt như nắng ở miền đất đỏ nơi đây. Da trời sau cơn mưa và rừng cao su sau kỳ thay lá mới, cùng mang màu xanh thắm cũng chẳng làm cho nắng dịu đi. Tiếng súng ì ầm từ đường ranh vọng về như càng làm cho màu nắng chói chang hơn.
Trưa hôm đó, một quân nhân cao lớn đang thả bước trên phố dẫn xuống chợ. Toàn bộ con người anh: từ cái mũ, vai áo, ống quần cho tới bao súng, chiếc xà-cột đều trát màu đỏ quạch. Đế giày của anh nặng chịch, thỉnh thoảng lại để rơi ra những lát đất, cánh tay phải bị thương đeo trước ngực. Bụi bặm và mệt nhọc. Anh có vẻ là một sĩ quan vừa bước ra khỏi trận đánh về đây. Có lẽ anh đang tìm kiếm ai, cặp mắt trũng sâu, hấp háy nắng cứ đảo hai bên hè đường ở cái thị trấn nhỏ gần biên giới này.
Đi quanh quất, lên xuống mãi rồi, mặt lộ vẻ vui mừng, anh dừng lại dưới một tấm biển màu xanh: “Photocopy”.
Dưới nữa, cánh cửa sắt mắt cáo đang đóng im lìm. Nắng xế hắt lên những ô cửa han gỉ một vẻ buồn cũ, phong rêu như hàng năm nay không có bóng người qua lại, ra vào. Điều cảm nhận làm anh ngập ngừng… Bên kia đường, một cô gái mặc đồng phục thanh niên xung phong có cầu vai may bó khít trông thật nở nang, đang loay hoay tháo gỡ miếng tôn quăn queo, trên có hàng chữ bằng vôi trắng nguệch ngoạc: “Nhà đi vắng! Cám ơn”. Anh qua đường.
Người sĩ quan dùng tay trái khéo léo giúp cô gái nhổ nốt chiếc đinh cuối cùng rồi bắt chuyện.
- Chị vừa ở trên “chốt” về?
- Sao anh biết? - Cô gái vui vẻ hỏi lại và hất mạnh mái tóc ngắn ra sau, để lộ khuôn mặt bầu bĩnh, rám nắng cùng đôi mắt lấp láy.
- Trông quần áo chị là biết à.
Cô gái cười thật giòn, cái cổ tròn trĩnh hơi ngoẹo sang bên:
- Đàn ông mà nhận xét tinh ghê! Thế còn anh? Chắc không phải vừa ở Sài Gòn lên chớ?
Anh cán bộ cười xòa. Thế là hai người quen nhau một cách khá dễ dàng, bởi lẽ họ đã cùng mang màu đất đỏ trên quân phục không bao giờ giặt sạch được nữa, và họ đã cùng “ở chốt”.
- Chị chắc ở đại đội “nhõng nhẽo?”.
- Sao cơ? Anh nói gì, tui nghe không hiểu? - Cô gái chúm môi cố nhịn cười.
- Chà! Lính của đơn vị nữ thanh niên xung phong duy nhất, đi đâu cũng chả lẫn được.
- Sao không lẫn được? - Cô gái hỏi lại.
- À, cứ to đùng… Không, cứ duyên dáng, dịu dàng như văn công quân giải phóng ấy.
- Anh cũng nhộn nhỉ?
- Nhộn vừa thôi. Sao? Nhà ai đi đâu mà chị tháo tấm biển của người ta?
- Nhà em đó anh - Cô thanh niên xung phong đã chuyển thành tiếng em thân mật hơn: - Phiền quá. Chả hiểu thầy mẹ em nghe ai mà đùng rầm sơ tán cả về Bình Long. Ông bả sợ mai mốt bọn phản động Cam-pu-chia thọc qua đây thiêu trụi sạch trơn. Thiệt rầu hết sức! Nghe tin, em giận quá trời, xin phép đơn vị về ngay. Thế là - Cô gái cười khúc khích - Thế là đâu lại vào đó. Ba cái thằng “Thổ” sức mấy hả anh?
- Ông bà già là dân công-tra hay sao mà gọi “thầy mẹ?”
- Thì bà con vùng này hầu hết gốc Bắc mà anh.
- Thế đâu cả rồi? Thầy mẹ chị ấy?
- Đi chặt tre về vót chông từ hồi mới kia. Ủa! Đứng hoài đây ta. Anh vào nhà uống nước đã.
- Thôi, để lúc khác. Này chị, liệu cái tiệm Photocopy kia có nhận đánh máy thuê không?
- Em mới về không rõ. Nhưng trước vẫn có đấy. Nhà con nhỏ bạn em mà. Con bé đánh máy ngon lắm. Cứ gọi là như múa nhé! Hay là… Em thử sang hỏi xem. Nhưng thôi, con nhỏ lúc này kỳ lắm! A kìa! Họ mở rồi đó.
Có tiếng cửa sắt rít lên ken két. Người sĩ quan lau nhanh mồ hôi, tạm biệt người bạn mới quen, bước rảo qua đường.
Bên trong cánh cửa, căn phòng mờ mờ tối hiện ra với mùi dầu mùi mực in và mùi kim khí mốc thếch. Cái bàn in photo bụi bậm chiếm trọn một góc phòng. Chiếc máy chữ cỡ trung nằm lênh khênh trên chồng bìa giấy ngổn ngang làm người khách nhẹ người. Anh bước nhanh tới, suýt quên cả chào người đàn bà trạc tứ tuần đang lạ lẫm nhìn mình.
- Chào thím!
- Dạ! Có chi không chú? - Người đàn bà hỏi miễn cưỡng bằng cái giọng Bắc rành rọt.
- Thưa không có chi. Tôi muốn hỏi nhà ta có nhận đánh máy không ạ?
- Chú muốn đánh máy?
- Dạ!
Bà ta đưa mắt nhìn chiếc máy chữ, thoáng lưỡng lự. Người khách mỉm cười giải thích:
- Tôi là phóng viên quân đội, vừa ở trận địa về. Thím đừng lo. Không phải tài liệu phi pháp gì đâu. Thím có thể xem…
Bà chủ nhà nhìn lấy lệ tấm thẻ nhà báo, vẻ mặt vẫn có chiều lo toan. Anh phóng viên nhìn vào khuôn mặt sắc sảo, có đôi vết tàn nhang và chắc cũng có một thời xuân sắc đó, hồi hộp chờ đợi. Hầu như cả cái thị trấn biên giới này, chỉ có độc một hiệu photo đây thôi.
- Có cần lắm không, chú?
- Dạ, cần! Rất cần! - Anh trả lời vội vàng và chợt nhìn thấy cái nón trên tay bà ta - Thím chắc… tính đi đâu?
- Đi chạy chợ kiếm tiền đong gạo chú ạ. Không sao. Chú đưa tôi xem thử.
Người đàn bà đón tập giấy nhàu nát trên tay anh, lật qua lật lại như đong, như cân.
- Nói thực với chú là máy hư lâu rồi.
Dáng chừng bà ta chê ít - anh nghĩ - Nhưng vẫn gặng hỏi:
- Chắc sửa được, thím?
- Chưa tìm được người, vả lại, đã lâu không có khách nên chưa tính sửa.
- Vậy… sao thím?
- Photo, chú có chịu không?
- Dạ chịu! Tay tôi đau không chép được.
- Trông chú có vẻ mất nhiều máu. Thế chú định in mấy bản?
- Chừng hai, ba gì đó, thím.
Bà cười:
- Ở đây chúng tôi chỉ nhận photo với số lượng lớn. ít quá khó làm mà tốn cho chú. Mực mắc lắm?
- Tốn là chừng bao nhiêu, thím.
- Chú chịu không nổi đâu. Vừa đổi tiền xong, dễ mấy ai đã có được tiền trăm. Lại là bộ đội mấy chú.
Minh họa: Sơn Hải |
Thấy chú đau tay, tôi cũng muốn làm nhưng… chú cảm phiền vậy - Bà ta cầm lấy nón.
Anh phóng viên thừ mặt, ngồi nán thêm chút nữa rồi cũng đành chặc lưỡi, đứng dậy. Cánh tay anh lúc ấy đột nhiên thấy nhức hơn. Bí thật! Sáng ngày mốt có người bạn ra ngoài đó, anh cần gửi gấp bài báo. Tòa soạn đang cần bài về biên giới. Vậy mà trong cả cái thị trấn biên giới heo hút này, anh không hề quen một ai để có thể nhờ chép hộ bản thảo cả. Và cũng sáng ngày mốt, anh phải trở lại “chốt” rồi. Còn nhiều việc dở dang ngoài đó. Hay cứ gửi bản nháp ra: càng không ổn! Bản thảo viết trên “chốt” lộn xộn, gạch xóa lèm nhèm, chữ nghĩa lụn vụn như củi que xếp lại, đến mình còn không đọc nổi nữa là mấy vị biên tập. Anh suy tính đắn đo.
Vừa lúc đó, ở nhà trong, bất chợt có tiếng dép thật nhẹ đi ra. Một cô gái khoảng mười chín, đôi mươi, dong dỏng cao, mặc bộ đồ hoa xanh nhã nhặn. Nước da trắng xanh và mái tóc buông xõa kiểu học trò. Ở cái xứ đất đỏ làm cao su, làm rẫy, cạo mủ này, một cô gái ăn mặc kiểu đó, dáng dấp và nước da ấy kể cũng hiếm. Khuôn mặt thanh thoát của cô ta gợi nhớ được cái nhan sắc thuở nào của người mẹ. Duy có đôi mắt sau cặp kính trắng là phảng phất điều gì như tư lự, không vui. Theo thói quen, anh phóng viên thầm nhận xét như vậy khi đế giày vải cộm đất của anh đã chạm vào bậc cửa.
- Cho cháu xem một chút được không, chú? - Cô gái nói, một giọng nói rất Nam Bộ cất lên khẽ khàng, có phần rụt rè. Anh phóng viên ngập ngừng quay lại, miễn cưỡng chìa tập bản thảo quăn quéo ra.
- ít vậy viết tay được không chú?
- Viết tay?
- Dạ!
- Được!... được chứ! Nhưng… tốn công lắm.
- Để cháu coi - Mấy ngón tay nhỏ nhắn lật giở từng trang - hơn ba mươi trang… Được, chú à.
- Chữ tôi khó xem lắm.
Cô gái liếc mắt sơ qua trang giấy:
- Không khó lắm đâu chú.
Người mẹ đã ra đến đường, còn quay lại, nói hùn vào:
- Ừ! Phải đó. Con có rảnh chép đỡ cho chú. Đỡ buồn mà lại có tiền xài. Ấy, chữ em nó đẹp lắm, chú đừng lo! Đây! Đây! - Bà đi nhanh vào nhà trong lấy ra một quyển vở tập bìa xanh - Chữ em nó đấy. Được không chú?
- Má sao kỳ quá hà! - Cô gái khẽ nhíu lông mày trách mẹ, rồi giằng lấy quyển vở. Anh thoáng nhìn thấy những hàng chữ đều đặn, nghiêng nghiêng. Anh thấy vui hẳn lên.
- Không cần chép đẹp lắm. Rõ ràng, dễ xem là tốt rồi. Nếu có thể được, chiều mai tôi đến lấy. Còn phải tranh thủ soát lại rồi gửi đi. Liệu kịp không cô?
- Dạ, kịp! - Cô gái trả lời bình thản.
- Thế thì tuyệt quá! - Cám ơn! Cám ơn em… à, cháu nhiều lắm. Thế còn… còn… - Anh trở nên lúng túng trong lúc cô gái ý tứ cầm tập giấy lẳng lặng đi vào.
- Thế còn… còn… - Anh quay sang bà mẹ - Thím à! Thế này quả không phải, nhưng - Anh nói khô khan và lóng ngóng mở túi ngực - Tôi không có ý ngã giá, trả công… Nếu đánh máy được thì dễ, nó có giá chung rồi. Đằng này… thôi! Tôi còn hai chục đồng, thím cầm đưa cho cháu. Gọi là thù lao sức lao động.
Người mẹ vặn vẹo quai nón trong tay:
- Ấy! Rồi hẵng, để tôi hỏi cháu xem ý nó thế nào.
- Thôi, khỏi thím! Mẹ gật đầu là con cũng ưng mà (Thực ra anh ngượng đến chết nếu phải cò kè chuyện tiền nong với con gái. Các bà mẹ bao giờ cũng cụ thể hơn). Thím cứ cầm giùm. Nếu cô ấy kêu thiếu, tôi xin hoàn thêm. Gọi là đôi chút… - Anh thoắt nóng bừng mặt.
- Chà! Nắng ơi là nắng - Người mẹ nhìn ra đường làm ra vẻ thờ ơ khi cầm tiền nhét vào túi.
Ra tới đường, anh thở phào. Thế là ổn. Mẹ nói tiếng Bắc, con nói tiếng Nam nghe thật vui tai! Kể ra, nếu đánh máy chỉ mất khoảng bảy, tám đồng là cùng. Mà thôi! Chả nhằm nhè gì. Trên chốt có cái quái gì để tiêu tiền đâu. Ấy vậy mà ở đây, trong lúc tiền còn đang nằm cả ở bàn thu đổi, hai mươi đồng bạc hẳn cũng cần cho bữa ăn của gia đình này. Anh mỉm cười nhìn lên đỉnh dốc, một chiếc xe chở nước về trận địa đang ậm ạch bò lên. Nước trắng xóa trào cả xuống tốp bộ đội quân cảnh đang án ngữ tại ngã ba. Xa nữa, chìm trong ánh nắng rung rinh, một hàng dài công an biên phòng đang hành quân vào phía trảng dầu. Bụi đỏ cuộn lên phủ đầy đầu tóc các cô thanh niên xung phong đang cuốc bộ cùng chiều. Tiếng cười ré lên. Nhưng phía dưới chợ, trong dãy tiệm giải khát vẫn có nhiều người đang thong thả chiêu từng ngụm nước ngọt. Kỳ lạ thật, nơi đây chỉ cách trận địa non chục cây số mà cuộc sống vẫn êm ả, cách biệt như chẳng hề dính líu gì.
*
* *
Hình như đã lâu lắm rồi, người trong phố dốc mới lại thấy căn phòng riêng của cô gái có ánh đèn.
Cô đang ngồi trên cái gác xép thật xinh, bày biện sơ sài. Trên tường còn in lại dấu vết ghim, gài của những tấm tranh, ảnh nhỏ to. Từ khung cửa sổ, hương sầu riêng thoang thoảng bay vào. Xa hơn chút nữa, nghe thấy cả tiếng vỏ trái su nứt nổ giòn khô.
Dưới ánh đèn bàn tỏa màu dìu dịu, xếp giấy trắng mới chỉ có một hàng chữ đậm nét, mềm mại ở trang đầu “Những người giữ chốt” - Đó là tên bài báo mà cô nhận chép trưa nay. Cô thôi không bần thần tô đi tô lại cái đầu đề nữa, mắt ngước lên. Sau cặp kính, cái nhìn của cô gái thẫn thờ? Có cái gì mờ mờ ảo ảo, không rõ hình thù đang trỗi dậy trong lòng cô…
Đúng! Lâu lắm rồi cô mới lại lên căn gác xép này, từ cái ngày ba của cô đi xa. Ánh đèn xanh, chiếc bàn hình bầu dục, chiếc đi-văng da màu trứng sáo, mái trần thấp có vết bò của rắn mối, giá sách ba ngăn ở góc phòng, mùi vị nồng thơm của giấy, của gỗ, của khoảng vườn dưới kia, tiếng động ban đêm… Tất, tất cả đều vô cùng quen thuộc đang thức dậy trong cô những năm tháng xa xưa… Ngày ấy cô còn chưa hiểu rõ ràng, nhưng thật luyến nhớ làm sao. Tuổi học trò yên ả của cô đã trôi qua ở căn gác này, trôi qua những bữa cơm sum họp thật vui. Lâu lâu, căn gác lại rung lên trong những tiếng nổ xa xôi để rồi lại tiếp chìm trong yên lặng. Một vài lần nghe bọn bạn kháo nhau có xác mấy ông “Việt Cộng” phơi ở dưới chợ, cô chỉ rùng mình và sau một giấc ngủ ngon, sáng ra, bầu trời lại thật đẹp! Ngày ấy hình như còn có cả tình yêu nữa. Anh con trai học trên cô hai lớp, tên Thanh, thông minh, khỏe mạnh, người vùng sông nước An Phú Đông… Đã có lần cô được xuôi thuyền trên dòng sông mênh mang ấy. Phải rồi! Thanh hay ngồi trên thành cửa sổ nói mãi không thôi về những chuyện hội thảo, xuống đường… Còn cô, cô vẫn ngồi ở ghế này, tai chẳng muốn nghe mà mắt vẫn nhìn lên. Thanh thật bướng bỉnh, chỉ ưa bàn chuyện học đường, chuyện hội họp. Giờ thì Thanh không còn nữa!...
Có lẽ khuya lắm rồi. Nhà ai, tiếng vót chông xào xạo, nhỏ dần. Nghe tiếng dao đưa ngọt, biết mũi chông đã nhọn lắm. Đã một đôi lần, cô chuyển bút xuống trang giấy. Nhưng ngòi bi tuồng như chạm vật cứng, nó không chịu lướt đi. Tập bản thảo hoen ố nước mưa và đất cát vẫn nằm im góc bàn. Những hàng chữ lụn vụn leo kín cả hai bên lề những trang giấy.
Ừ, lúc nhận chép, mình đâu có ngờ rơi vào tâm trạng này. Từ bữa đổi tiền đến giờ, má hay phàn nàn thiếu đủ này kia. Giúp má được đồng nào hay đồng đó, mình nghĩ vậy thôi. Vả lại mình cũng tò mò muốn biết “họ” viết lách thế nào. Từ ngày giải phóng tới giờ, mình đâu có sờ tới quyển sách mới nào đâu. Nếu như trước kia thì có bao giờ mình phải nhận cái việc “thuê mướn” ấy. Trước kia… Một nỗi chua xót dâng lên khiến cô cay cay sống mũi. Không bao giờ! Ngày ấy không bao giờ có cái cảnh này cả. Thỉnh thoảng tối thứ bảy, ba ở Sài Gòn về, mình cũng ngồi ở đây, bên khung cửa này, chép bản thảo cho ba. Và thế nào sáng mai, ba cũng thưởng cho một chầu đi Lái Thiêu… Sóng biển, xa lộ, cây trái đung đưa và những chiều trên đường về, da thịt đỏ sắc nắng… Bây giờ không có ba nữa. Ba ở đâu?... Ba có hay, má và con đang sống những ngày chờ đợi nôn nao, ba có hay con đang cắn bút trên trang bản thảo của người ta…
Bâng khuâng, cô cầm tập bản thảo nhoè ố dịch vào quầng sáng đèn. Những hàng chữ xiên xẹo lờ mờ hiện ra:
Cơn mưa đầu mùa bất thần ập xuống. Tổ trinh sát trùm vội tấm ni-lông lên đầu. Và họ sẽ cứ ngồi còng lưng suốt đêm như vậy nếu trận mưa không dứt. Để rồi sáng mai, họ lại phơi đầu chịu trọn một ngày nắng chói chang, không một tàu lá chở che…
Viết “thật” quá! Cô rời tập bản thảo. Chả làm sao tìm được những áng văn óng ả như của ba ngày xưa. “Họ” đang viết về cuộc sống ở “trên ấy” đây. Cũng tội cho chú ấy, mới dòm, tưởng là người lính bình thường. Ba ngày xưa khác cơ. Bao giờ cũng đi, về bằng xe riêng, quân phục chải chuốt… Cũng phải thôi, vất vả như “họ” lấy đâu ra văn hay! Tuy vậy, con mắt cô vẫn tò mò lướt qua trang giấy. Chữ với nghĩa cứ rối tinh lên:
Không ai bảo ai. Cục cơm vắt đều được nhét kín trong lần áo ngực để mai còn có thể nhai được mà giữ sức tuần này qua tuần khác… Mưa rổn rảng trên lá dầu. Mưa thấm ướt những lưng áo cả chục ngày nay không được giặt. Ôi chao! Thèm biết bao một mái nhà, một ánh lửa ấm cúng dưới kia. Cẩn thận nhé, đồng chí ơi! Chúng nó đang rình rập ở xung quanh. Ráng đừng để mắt díp lại…
Bất giác, cô khẽ rùng mình như chính những giọt mưa kia đang rơi xuống người. Cô co vai lại và chợt ngửi thấy mùi nắng thơm trên vải áo của mình… Họ thèm một mái nhà, một ánh lửa… Vườn sầu riêng, gác xép tuổi thơ này… Cũng thật tội! Thanh! Thanh nữa! Cô thấy buốt nhói trong ngực. Chắc Thanh cũng phải trải qua tất cả cảnh này. Tại sao Thanh lại đi? Đáng lẽ năm nay Thanh ra trường rồi. Không thể yêu nhau được nữa thì thôi, việc gì Thanh phải bỏ cuộc sống êm ấm mà đi như vậy? Cô gái thảng thốt như nhìn thấy cặp mắt to, trung thực và nghiêm nghị của người con trai đang ẩn hiện trước mắt.
Bình minh trên trảng dầu đến sớm như trên biển. Cây lá bỗng dưng ánh vàng lên, nhìn từ xa cứ ngỡ có một thành quách cổ xưa đang hiện ra nguy nga với những nàng công chúa sắp dạo gót trong rừng… Nhưng chỉ có những cô thanh niên xung phong đang bắt đầu một ngày rào lấp. Đông quá! Vui quá! Thật là trên lá dưới người. Tưởng như cả nước đang đến đây. Những cánh tay trần cùng với đất đá loang loáng trong nắng, những tấm lưng tròn con gái ướt đẫm mồ hôi và những tiếng cười ran lên đây đó.
Cô gái chớp chớp mắt, lắc đầu. “Mình không tin ngoài ấy lại vui đến thế”. Cuộc sống này khó hiểu quá đi thôi. Lưng tròn con gái ướt đẫm mồ hôi… Con Lan có ở chỗ ấy không? Ngay cả nó nữa, đứa bạn gái thân nhất cũng nỡ bỏ mình ở lại mà đi thanh niên xung phong. Cô đưa tay khép bớt cửa sổ lại. Nó đang ở đây, ngay trước cửa nhà mình. Nó được về phép. Chiều qua nhìn thấy nó khoác ba-lô nhảy xuống xe, mình muốn chạy ù ra mà chân cứ như có ai trói lại. Mình mong ngóng nó sang chơi từng phút ấy, vậy mà tối qua nó sang, mình lại lảng ra vườn! Nhìn thấy vóc dáng mạnh mẽ, cái nhìn rừng rực của nó, mình không chịu nổi. Liệu nó có giận mình không? Lan ơi! Tao đang khổ sở vì cô đơn, khổ sở vì tập bản thảo này, mày có cách gì giúp tao được không? Hãy giúp tao hiểu được cuộc sống mà mày đang đam mê này nữa. Mày sang với tao đi!...
*
* *
Xế chiều hôm sau, nhà báo trẻ lại đi xuống dốc, nét mặt tươi cười. Đêm qua anh ngủ được. Cánh tay đã bớt đau. Vết thương đang kéo da non. Với tâm trạng sảng khoái, anh mường tượng những ngón tay thon thả của cô gái đang lia bút những hàng cuối cùng. Chưa biết chừng cô bé dễ thương ấy đã viết xong từ trưa, đang ngoẹo cổ soát lại giùm mình. Cha! Cha! Chắc bản thảo sáng sủa phải biết!
Hết dốc. Anh dừng lại. Cánh cửa sắt mắt cáo vẫn im lìm vệt nắng phong rêu. Anh đưa tay bấm chuông.
Khuôn mặt người mẹ ló ra:
- Mời chú vào nhà.
- Xong chưa thím? Anh vui vẻ hỏi ngay.
- Để tôi hỏi cháu. Mai ơi! - Không tiếng trả lời - Mai!
Vẫn im lặng - Chú ngồi chơi uống miếng nước - Bà ta đi vào nhà trong.
Anh ngồi đợi, ngước mắt nhìn bâng quơ. Đỉnh đầu, chiếc móc quạt trần treo trơ trọi. Phía dưới, một chiếc tủ kính kiểu cổ có mạng nhện chăng. Một con chuột từ đó phóng qua chân anh rột rẹt… Nhà có vẻ nghèo?
Lát sau, người mẹ đi ra nói như xin lỗi:
- Cháu nó nói chưa viết xong chú ạ!
- ấy chết!... Cô ấy hẹn chiều nay… Thế viết tới đâu rồi, thím?
- Cháu nó không nói.
- Ơ hay! - Anh sốt ruột đứng dậy - Thím gọi giùm cô ấy tôi hỏi một chút. Nếu còn ít, tôi đọc cho cô ấy chép luôn.
- Dạ!... Mai ơi! Mai!
Vẫn im lặng. Quái thật! Hay chữ nghĩa mình quá lỉnh kỉnh, cô ấy dò không được, ngại ra mắc cỡ? Hay tiền nong quá ít? Hay… thì cũng phải ra cho người ta hỏi một chút chứ - Anh thấy nhồn nhột ở sống lưng.
- Sáng mai chú lại vậy. Để tôi bảo cháu - Bà mẹ nói với giọng ngượng ngùng.
Anh cố giữ vẻ điềm tĩnh:
- Thôi cũng được. Sáng mai vậy. Chào thím.
Anh bước nhanh ra cửa. Tự nhiên anh thấy bực bội với chính mình. Cô ta tránh mặt: thật vô lý!
Đang cắm đầu đi, chợt có tiếng reo khẽ khiến anh giật mình, ngẩng lên: cô gái ở đại đội “nhõng nhẽo” đứng bên kia đường đang vẫy anh:
- Em đang soạn đồ để sáng mai quá giang xe về “chốt”. Anh có cùng đi không? Hồi đêm nghe súng nổ nhiều, em chắc đang đánh lớn. Nôn ruột quá!
- Đi à? Có… à, tất nhiên là đi - Anh ậm ừ.
- Thế công việc xong chưa, anh?
Anh cười gượng gạo:
- Xin lỗi, cho phép hỏi gia đình cô bạn của… Cô tên gì nhỉ?
- Lan.
- Gia đình cô bạn của Lan thế nào?
- Sao anh?
- Tôi nhờ cô ấy viết hộ bản thảo mà lúc hẹn đến, lại tránh mặt không tiếp.
- Nó làm gì kỳ cục quá trời vậy? - Cô gái kêu lên - Để em chạy sang hỏi xem. Việc quân sự mà giỡn.
- Khoan! Cô ta là người thế nào, hả Lan?
- Được lắm anh à. Trước nó cùng học luật với em. Giải phóng về, nghỉ luôn. Mai bây giờ ở nhà làm vườn, thỉnh thoảng ra rẫy. Có việc thì đánh máy, in photo.
- Nhìn qua cách sống, cô ta có vẻ khó hiểu… như người cổ.
Nét mặt Lan chợt rầu rầu:
- Anh nói cũng đúng. Có lẽ Mai nó xa lánh xung quanh cũng một phần vì ba nó là thiếu tá tâm lý chiến đi học tập chưa về. Ông ngày trước làm văn, làm báo, viết cả quân sự nữa.
- Lan nói sao? - Anh phóng viên dừng ly nước đá trên môi, chăm chú.
- Dạ!...
- Ông già cô ấy là sĩ quan tâm lý chiến đang cải tạo à?
- Dạ!
- Có viết văn viết báo nữa?
- Dạ!
- Hèn chi…
- Sao anh?
- Không… không có sao.
Lắng đi một chút, anh phóng viên khẽ hỏi:
- Dạo này hai người còn chơi với nhau không?
Cặp mắt Lan sa sầm xuống:
-Ít lắm! Từ ngày thôi học tới giờ, Mai nó sống như cấm cung. Ngày xưa hai đứa em rất thân nhau. Từ ngày em đi thanh niên xung phong, nó lạnh nhạt hẳn đi. Mấy lần về phép em đều qua mà nó không cho em gặp. Ức ghê! - Cô gái tự nhiên rơm rớm nước mắt - Dạo này nó cũng buồn. Nghe đâu, cậu bạn trai của nó mới hy sinh gần đây. Nó càng cách biệt mọi người.
Anh phóng viên nhìn đăm chiêu sang ngôi nhà photo, hơi trầm giọng:
- Lan có định sang chào bạn sáng mai đi không?
- Có nên không anh? Sợ nó lại không chịu ra.
- Cứ sang, Lan ạ, chắc lúc này cô ấy cần có bạn. Nếu sang Lan nói giùm sáng mai tôi lại. Thôi, bản thảo cứ để đó, không cần phải chép nữa, Lan nhé!
- Dạ!
*
* *
Lúc người phóng viên tới, ở nhà trong, Mai đã nghe thấy hết. Mai nhìn rõ cả vẻ mặt chú ấy thoáng bực bội. Mai muốn ra lắm mà hai chân cứ như bị dán cứng xuống đất. Ra, biết ăn nói gì với người ta? Đã trót không ra lúc đầu, sau làm sao còn dám gặp? Chắc chú ấy giận mình lắm. Mình có sai lời hứa bao giờ đâu. Ngày xưa, Thanh hay nói: “Em hỏi tại sao anh yêu em? Anh không biết. Nhưng có một điều em khác nhiều cô gái khác là em không biết nói dối”. Thế mà bây giờ… Mình có muốn như vậy đâu. Nhưng mình không tài nào viết nổi nữa. Khuya hôm qua, mới chép được mấy trang mà đầu óc ê ẩm, cứ nghĩ đâu đâu. Cuối cùng lại gạch xóa nhiều hơn cả bản thảo của chú ấy. Biết nông nỗi này, từ chối phắt ngay từ đầu lại xong. Để bây giờ kẹt cả hai: lỡ việc chú ấy mà mình lắm điều khó xử.
Mai ăn quấy quá lưng chén cơm rồi lững thững đi lên gác. Cô nhăn mặt khi nhìn thấy tập giấy trắng. Oái oăm! Số phận trớ trêu sao! Con gái một viên sĩ quan tâm lý chiến Sài Gòn đang cải tạo, ngồi chép bản thảo thuê cho nhà báo Cách mạng. Đẹp chưa? Chưa nói người ấy hiểu ra sẽ khinh mình mà ngay chính mình cũng khinh mình.
Thôi! Sáng mai cứ đem trả quách cho chú ấy và nói dối bị đau bụng. Sượng mặt một lúc là cùng chứ gì. Nhưng còn… bài báo của người ta cần gửi đi bị lỡ chuyến? Vẻ mặt chú ấy chân thành quá. Người đầy bụi bặm, cánh tay bị thương… chú ấy vừa ở nơi nắng mưa chết chóc về đây. Ba ngày xưa đâu có đi vào những nơi ấy. Con mắt chú ấy đầy hy vọng khi mình nhận chép giùm bản thảo. Không! Không được đâu. Mình không lòng nào. Hay… cô mở rộng cánh cửa sổ và thoáng nghĩ tới Lan… Không! Làm thế hèn lắm. Khi nó sang chơi, mình lánh mặt, bây giờ thấy kẹt lại mò sang. Mà nó cũng không rảnh. Nghe nói sớm mai nó lại đi. Ngoài ấy, súng nổ suốt đêm. “Nắng, mưa, cơm vắt, những bộ quần áo cả tuần không được thay…”. Trời ơi! Chỉ còn đêm nay nữa, biết tính sao đây?
Nào! Thử lần nữa coi. Bàn tay vô tình của cô gái lần giở những trang cuối. Vẫn những hàng chữ lụn vụn nối tiếp nhau…
Sau một đêm ngủ chập chờn, chúng tôi thức dậy. Chác! Chác! Đấy! Bọn phản động đang chào bình minh bằng mấy phát bắn tỉa vào đội hình trinh sát. Lại yên tĩnh. Trung đội trưởng Tâm đang ngơ ngác tìm cái gì ở dưới những lá dầu khô? Thấy anh lộ vẻ thất vọng, tôi cũng đứng dậy. Ấy! Có cái gì đang ngọ nguậy trong nách tôi. Tôi thò tay vào giật nảy mình. Một cái gì nóng hổi, đang phập phồng trong đó. Tôi nín thở lôi vật đó ra và chút nữa cười phá lên: một chú sóc màu hung đang giương đôi mắt lay láy và ngoáy tít râu ngỗ ngược nhìn tôi. Tâm lao tới, mắt toát ra vẻ âu yếm pha chút giận hờn:
- Đây rồi! Cô mình đây rồi mà để tôi tìm hoài. Con gái đi ngủ lang không biết mắc cỡ ư? Con sóc cái đó anh.
Thế là bỗng dưng chúng tôi trở thành bạn thân. Tâm có đôi mắt màu xám tro, thăm thẳm và thâm trầm. Con mắt của người trinh sát nức tiếng dũng cảm trên toàn chiến lũy chốt chặn. Hôm qua, cũng đôi mắt tưởng như hơi quá nghiêm nghị ấy, tôi đã gặp anh khóc lúc đứng trước cái hố ngổn ngang gần trăm xác chết của bà con vừa bị bọn lính Cam-pu-chia giết bằng lưỡi cuốc.
Lúc này nhìn thấy thân hình nở nang và những động tác dẻo dai của Tâm đang đùa vui với con sóc nhỏ, tôi hỏi:
- Chắc ông là người vùng sông nước?
- Sông Sài Gòn anh ạ!
- Trước khi lên đây Tâm ở đâu?
- Tôi đi học.
- Năm thứ mấy rồi?
- Đang học năm thứ hai.
- …
Cô gái chợt lặng đi trong hơi thở bị dồn nén. Hàng chữ trước mắt cô nhảy nhót. Ai thế? Chú ấy viết về ai thế?... Đôi mắt thăm thẳm. Đôi mắt nghiêm nghị. Miền sông nước Sài Gòn. Một buổi nào Thanh đã đưa mình đi thuyền ở nơi ấy… Con sóc con ngỗ ngược ngoáy râu… Xưa kia Thanh cũng thường nuôi thú và hay tinh nghịch mang thú tới trường… Mang máng nhớ một tiết học, bà giáo già nghiệt ngã đang dõng dạc giảng về: “Những yếu tố thiết yếu để trở thành luật sư” thì, không hiểu Thanh dạy từ bao giờ, con vẹt nhảy thoắt lên bàn, hướng về phía bà giáo cất cái giọng trầm khàn: “Thanh ơi, có khách…”… Tâm! Thanh chứ. Sao lại là Tâm?
Bàn tay cô gái cũng run run mở trang kế tiếp. Hiện tại, quá khứ, thực và hư cứ dằng dịt hiện về trong đầu Mai.
Cái bữa Thanh từ biệt mình đi bộ đội, mình đã tỏ ra thờ ơ. Gia đình anh ấy đi theo cách mạng, anh có thể học tới đầu tới đũa, có đâu chịu lỡ dở như mình: “Phải rồi! Anh không muốn dây vào gia đình ngụy như tôi, anh bỏ đi chứ gì. Anh đâu còn yêu tôi. Anh muốn chạy trốn, nhưng việc gì mà phải đi đâu cho khổ”. Mình còn nhớ, nghe nói thế, Thanh đã trừng mắt lên, con mắt thăm thẳm màu xám tro. Tưởng rằng Thanh sẽ quát lên. Nhưng không! Anh ấy chỉ thở dài và quay đi… Thế là xa nhau từ đấy. Khi nghe tin anh ấy hy sinh mình vừa buồn, vừa giận lại vừa thương… Thanh không yêu mình nữa. Thanh ích kỷ, Thanh chỉ nghĩ tới riêng mình. Mình việc gì mà phải sầu khổ cho nhiều.
…Ngay đêm hôm ấy, tiểu đoàn xuất kích. Gần sáng, họ trở về lấm láp và im lặng khác thường. Cả trung đoàn địch đã bị quét sạch ra khỏi đường ranh. Nhưng họ không vui. Trong ánh nắng trong vắt sau mưa, một chiếc G.M.C sơn màu xám biếc đang bon về phía sau. Trên xe, hai hàng vệ binh quân phục chỉnh tề, lưỡi lê lóa nắng đang uy nghi đưa Tâm, người lính trinh sát dũng cảm của họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Người con trai vùng sông nước ấy đã bắn tới trái đạn B.40 thứ mười hai vào giữa sào huyệt kẻ thù, tạo cửa mở cho cả đội hình tràn lên chiếm chốt. Một tù binh cấp tiểu đoàn tên Khơ Ron khai rằng: “Nếu bên các ông không có những trái đạn kinh khủng đó bắn tới thì chưa chắc chúng tôi đã bật ra. Và như thế, theo kế hoạch của Quân khu 23, ngày mai chúng tôi sẽ thọc xuống tận chợ, cách đường ranh 9 cây số đốt phá…”.
Cô gái bàng hoàng. Những hàng chữ nhoè đi. Ngoài trời, mây đang vần vũ. Gió đánh tung cánh cửa số tràn vào. Mái tóc mềm cô gái bay tung. Tiếng trái sầu riêng nào đứt cuống, rơi mạnh xuống đất. Cô gái nhắm chặt mắt lại không muốn đọc nữa, cô sợ một điều gì đó ghê gớm hơn sẽ đến. Nhưng những dòng chữ đã không buông tha, cứ cuốn lấy cô.
“… Lúc Tâm chưa ngã xuống, có một đêm nằm gác giò lên nhau, tôi hỏi:
- Này! Ông đẹp trai thế, ở dưới ấy có người thương chưa?
Tâm cười lặng lẽ (một điều ít thấy ở anh):
- Kể ra cũng có. Nhưng chúng tôi xa nhau tính từ ngày tôi nhập ngũ. Cô ấy không hiểu tôi, nhưng tôi tin sớm muộn gì cô ta sẽ nhìn ra lẽ phải. Một cô gái tốt và thông minh. Tôi… tôi không quên được cô ấy…
Mắt nhức nhối, tôi nhìn theo chiếc xe đang đưa người đồng đội của tôi về nghĩa trang rợp mát lá su. Giữa hai hàng vệ binh, con sóc nhỏ nhảy lên thành xe ngơ ngác như đang tìm ai…”.
Thanh ơi! Cô gái bật khóc nức nở.
*
* *
Sau trận mưa đêm qua, không khí buổi sáng thật mát mẻ. Ngự trị lên tất cả cảnh vật là màu xanh thắm của da trời, của rừng cao-su bạt ngàn.
Xuống hết dốc, anh bước tới góc hè quen thuộc và nhà báo hơi sững lại.
Trước mặt anh, cánh cửa sắt mắt cáo mở ra từ lúc nào. Nắng theo đó ùa vào. Căn phòng đầy nắng và gió như thoáng đãng hơn. Trước cánh cửa rộng mở, cô gái đang đứng nhìn ra bằng đôi mắt mở to, nghiêm trang.
Anh thấy hình như cô phờ phạc xanh xao hơn. Người phóng viên cất giọng nhẹ nhàng:
- May quá, cô có nhà! Nếu có thể được, cô làm ơn cho tôi xin lại bản thảo. Tôi không còn thời gian nữa cô ạ! Mong cô cảm phiền.
- Dạ! - Cô gái đứng lặng nhìn anh một thoáng như muốn nói điều gì rồi nhẹ nhàng bước đi vào.
Anh phóng viên khẽ nhếch mép: kỳ quặc. Lẽ ra cô ấy cũng phải nói gì chứ? Có chép được hay không? Vẫn chỉ lặng lẽ thế! Thật khó hiểu. Không biết cái bản thảo khốn khổ của mình có còn nguyên vẹn hay lại bị gián nhấm, mạng nhện chăng mất rồi!
Có tiếng dép nhẹ đi ra:
- Thưa chú đây - Giọng cô thật ngoan.
- Cám ơn! - Anh lơ đãng đưa tay ra và định đứng dậy đi luôn. Nhưng… anh bỗng sững sờ: kẹp giữa những ngón tay thon thon của cô gái, tập giấy trắng bong có những hàng chữ nghiêng nghiêng quen thuộc hiện ra đẹp làm sao, và bên ngoài, tập bản thảo được bọc ngay ngắn bằng một tấm bìa xanh nõn chuối.
Anh nhìn lên: cô gái vẫn đứng đó, đôi mắt có quầng thâm đang đăm đắm nhìn anh như mới gặp lần đầu. Người phóng viên chợt lúng túng. Anh thấy ngợp trước ánh mắt vời vợi như chất chứa điều gì ấy.
- Thưa chú! - Cô gái lên tiếng đột ngột - Nhân vật Tâm trong truyện chú viết, tên thực là Thanh. Cháu biết anh ấy.
“Không phải đâu!” Anh phóng viên định kêu lên như thế. Thanh nào?... Rồi như một chớp loé, anh chợt hiểu. Thế rồi dù biết chắc Tâm không phải là Thanh, người phóng viên vẫn im lặng.
Vừa khi đó, một giọng cười khúc khích phá tan không khí lặng lẽ ấy:
- Đã hài lòng chưa, đồng chí nhà báo ơi!
Anh phóng viên ngẩng lên gật đầu chào cô thanh niên xung phong quân phục thẳng nếp, AK lên nước xanh biếc đang cùng với nắng ùa vào làm sáng rực căn phòng.
- Đúng tám giờ xe chạy. Em chờ anh ở cổng thị đội - Nói xong, Lan ngồi xuống trước bạn, mặt hồng hào tươi tắn - Mai! Tao đi đây. Tao viết thư về, mày phải trả lời đấy nhé.
Cô gái nhìn bạn khẽ mỉm cười, gật đầu.
Người phóng viên nhận thấy mình chẳng còn lý do gì nán lại đây nữa, anh chào cô gái rồi bước ra đường.
Một đoàn xe lam trên chất đầy những bàn chông đang nối nhau đi về phía đường ranh, vụt qua trước mặt anh.
Và, chính cái lúc những âm thanh biên giới cùng với nắng gió đang dồn dập tràn về, lan tới tận những ngóc ngách sâu nhất của cái thị trấn nhỏ bé này, anh chợt nhìn thấy tờ hai mươi đồng màu xanh nằm thẳng thớm giữa hàng chữ nghiêng nghiêng, khoảng giữa những trang bản thảo.
C.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét