Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

GIỌT NƯỚC MẮT NGƯỜI LÍNH

Truyện ngắn NGUYỄN ĐĂNG AN

Hình minh họa - Internet
Hình minh họa – Internet
Ông  Tân chọn vợ cho cậu ấm Thư là cô Đào ở làng bên. Lý do đơn giản vì cô Đào hông eo, ngực nở, má phây phây dư thừa khả năng sinh cho ông thằng đích tôn nối dõi. Dòng họ Hứa nhà ông đã năm đời độc đinh. Đến ông, đời thứ sáu, ông quyết thay đổi. Còn một lý do nữa chỉ ông Tân biết đó là cô Đào có làn da, mái tóc và đôi môi hao hao giống Hà, vợ ông, người mà ông yêu quí vô cùng.
Năm đó, cậu ấm Thư sắp tốt nghiệp phổ thông trung học. Một hôm, cậu vào gặp bố nói: 

- Ba ngày nữa con đi bộ đội bố à.
Nghe Thư nói, ông trợn mắt mắng:
- Mày là con một. Ai bắt mày phải đi.
Thư bướng bỉnh:
- Con trai ở trường con đăng kí đi bộ đội hết. Con không phải thằng hèn.
Biết tính Thư đã quyết là không thay đổi, ông đặt điều kiện:
- Thế thì mày phải cưới vợ ngay.
Thư hỏi:
- Cưới ai hả bố?
- Cưới cái Đào bên thôn Đông.
Ai chứ Đào thì Thư thầm yêu đã từ lâu. Thấy ý bố hợp ý mình, Thư đồng ý ngay. Thư nói:
- Tối nay, bố lên nhà người ta dạm hỏi rồi xin cưới luôn đi.
Mừng quá, chẳng cần phải đợi đến tối. Đang trưa, ông sai thằng cháu họ cầm chai rượu và túi trầu cau cùng lên nhà Đào. Đường đất đỏ, nắng chang chang. Gió Lào hắt lửa vào mặt mà ông chẳng hay biết. Ông sải chân như có ma đuổi. Vào nhà, chưa kịp uống nước, ông Tân vào đề luôn:
          – Vợ tôi chẳng may mất sớm. Gia cảnh neo đơn. Cháu Thư  ba ngày nữa đi bộ đội. Tôi xin ông bà cho cháu Đào về làm con bên nhà chúng tôi…
Bố mẹ Đào luống cuống chưa biết nói sao. Người bố đành gọi:
- Đào ơi, ra đây bố bảo.
Ở trong nhà, Đào đã nghe thấy hết, cô đi ra chào ông Tân. Bố Đào hỏi:
- Con có đồng ý về làm dâu nhà người ta không?
Đào rất vui nhưng giả bộ bẽn lẽn lễ phép:
- Phận gái, bố mẹ bảo sao con nghe vậy.
Chiều hôm sau, đám cưới Đào -Thư được tổ chức tại trụ sở Ủy ban xã. Bà con xóm dưới, làng trên nườm nượp đến chia vui với đôi trẻ. Đào – Thư chạy lăng xăng chúc rượu bạn bè. Mới quá chín giờ đêm, sợ lỡ chuyện lớn, ông Tân giục Đào – Thư về để kịp cho ông đứa cháu đích tôn.
Phòng tân hôn của Thư tối như bưng. Cả Thư và Đào lớn lên tự nhiên như cỏ cây nên đều ngô nghê không biết gì. Khi đặt mình xuống chiếc chiếu cói mới tinh, Đào chỉ biết nằm nhắm mắt để mặc cho Thư loay hoay muốn làm gì thì làm. Thư vốn là chàng trai dũng mãnh nhưng hấp tấp. Thư nhanh chóng vất bộ quần áo chú rể rồi ào lên “chiến đấu” mà không biết rằng vẫn còn chiếc quần nhỏ bên trong. “ Ôi đau quá”. Thư khẽ kêu lên. Lớp da qui đầu của anh bị rách, máu chảy úa ra. Thư chụp vội chiếc mùi soa Đào đang cầm trên tay ấp vào vết thương để cầm máu. Đào sợ hãi nép vào góc giường run cầm cập.
Hôm sau Thư lên đường với vết thương vẫn chưa lành. Tiễn Thư đi, Đào chỉ dặn:
- Anh đừng để vết thương nhiễm trùng nhé.
Thư bịn rịn nhìn Đào:
- Tha lỗi cho anh, ráng chờ anh, đừng buồn.
Ở nhà, ông Tân chăm chút cô con dâu rất chu đáo. Ông không cho Đào xách nước, xay lúa, giã gạo. Ông tranh nốt công việc đồng áng. Ông chỉ giao cho Đào mỗi việc nấu cơm, rửa bát. Ông lén nhìn trộm bụng Đào hàng ngày, nhưng đợi đến tháng thứ sáu, nó vẫn cứ phẳng lì. Sốt ruột quá, ông gọi Đào vào nhà hỏi:
- Mày không thấy gì hả con?
Đào cười:
- Thấy gì hả bố?
Ông gắt:
- Thấy cái thằng Thư… để lại cho mày ấy.
Đào bấm bụng cố nhịn, nhưng không kìm được bỗng cười phá ra:
- Làm gì có được bố ơi.
Nghe Đào nói, ông Tân lờ mờ hiểu ra. Ông trách mình đã không bày vẽ cho con trai. Buồn như chấu cắn, làm đồng về, ông chẳng thiết ăn uống gì. Ông ra bờ ao ngồi ngóng tin Thư. Ông mong Thư về để ông chữa lỗi lầm.
Ngóng cả năm trời vẫn không thấy tin con trai. Còn cô con dâu Đào cứ mơn mởn như cỏ non mùa xuân. Đào tham gia phong trào đoàn, đội, ca hát suốt đêm ngày. Ông lo và thoáng chút sợ hãi. Ông lo Đào cứ hơ hớ thế kia, khác gì mỡ để miệng mèo. Ông sợ Đào non dạ. Nhỡ có chuyện gì thì ông chết mất. Một hôm ông gặp riêng Đào hỏi:
- Mày có còn yêu thằng Thư không?
- Sao bố hỏi thế?
- Mày cứ trả lời đi.
- Anh Thư là chồng con mà, con không yêu anh thì yêu ai.
- Nếu vậy bố muốn mày từ nay không tham gia đoàn đội nữa. Cứ đi làm về rồi ở nhà.
Đào nhìn ông do dự:
- Bố muốn thế à?
- Thằng Thư muốn thế.
Kể từ đó, Đào ở nhà hàng đêm. Ngồi không có việc gì làm cũng chán. Đào mang chiếc máy khâu bên nhà mẹ về nhà nhận may quần áo vừa để vui vừa có thêm chút của ăn của để. Điều gây phiền toái cho Đào là khách đến may quần áo nhiều, ông Tân  mắc chiếc võng ngủ ngay lối ra vào buồng Đào dường như để canh phòng Đào. Nhà thoáng, lối đi rộng, Đào không thấy vướng. Nhưng Đào thấy phiền toái vì bệnh mộng du ông mắc phải kể từ sau ngày vợ mất. Hễ cứ uống rượu vào là khi ngủ thế nào ông cũng ú ớ.  Có đêm, ông đi lại như bóng ma trong nhà, với những tiếng kêu nửa như khóc nửa như rên làm cho Đào sợ.
Nỗi nhớ chồng cũng vò xé Đào hàng đêm. Trong cơn mơ, cô thường quờ tay ôm chặt chiếc gối cưới đã từng mang hơi ấm của Thư vào ngực quằn quại đam mê.
Thời gian chậm rãi trôi. Đào ngày một phổng phao hơn. Da con gái ít khi ra nắng trắng nõn nà. Ông lo đến rộc cả người. Một chiều đông, ông có việc đi qua ủy ban xã. Chủ tịch Hưng thấy bóng ông liền chạy ra mời vào. Sau một hồi vòng vo, Chủ tịch Hưng nói: “ Chiều Ủy ban có việc muốn vào thăm nhà bác được chứ ạ?”. Ông hỏi: “ Có việc gì không chú?”. “Cháu muốn bác thật bình tĩnh bác nhé!” Giọng Hưng chợt trầm xuống, ấp úng: “ Ủy ban vừa nhận được giấy báo tử… Anh Thư đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam…” .
Tin dữ như mũi kim đâm thẳng vào trái tim ông. Mặt ông tái dại. Ông vung tay đấm mạnh xuống bàn lắp bắp: “ Kh… không, nó khô… ông thể chết”. Ông đứng lên đầu óc quay cuồng.  Chủ tịch Hưng đỡ ông ngồi xuống rồi đưa cho ông giấy báo tử. Ông chết lặng đi.
Trước lúc ra về, ông đề nghị xã giữ kín chuyện này một thời gian rồi hãy làm lễ truy điệu để ông động viên an ủi vợ Thư đã.
       Về nhà, ông nằm cả ngày không ăn. Đào tưởng ông ốm, đôn đáo ngược xuôi lo cho bố chồng. Hôm sau, ông cũng nằm miết trên giường, Đào đứng cạnh giường ông khóc:
- Bố ơi, bố cứ nhịn ăn thế này, con sống làm sao đây.
Lúc đó, ông mới nhìn thấy Đào gầy rộc đi. Ông thương Đào tuổi trẻ đã sớm góa chồng. Ông gượng dậy để Đào vui. Bắt đầu từ đó, ông thường xuyên trò chuyện với Đào. Lấy lí do ốm, ông giữ Đào trong nhà không cho ra ngoài vì sợ Đào biết được tin Thư đã hi sinh.
Thời gian cứ trôi đi. Lòng ông như lửa đốt. Ông đã làm tất cả để tin Thư hy sinh không lọt ra khỏi phạm vi Ủy ban xã. Ông muốn Đào sống mãi trong niềm tin Thư sẽ trở về.
Đêm ấy, theo thói quen kể từ ngày Thư mất, ông lấy chai rượu để xó nhà ra uống. Thằng cháu ông ở nhà bên sang chơi chuốc thêm dăm chén. Ông say. Ông lập cập mò lên võng ngủ. Được một lúc, ông khát nước đến nóng ran họng. Ông lắc lư ngồi dậy, đầu ong ong. Cánh võng đu đưa lại làm ông ngã xuống. Ông cố đứng lên. Trăng vằng vặc hắt ánh sáng mát dịu mơn man trên cơ thể tràn trề sức sống của Đào. Mùi con gái xa chồng thơm tho, thoang thoảng say.  Bỗng một luồng gió lướt qua. Mảnh vải đắp hờ  trên người Đào mở tung ra. Sau làn áo mỏng, bộ ngực căng đầy của Đào phập phồng. Hai chân duỗi thẳng. Tòa thiên nhiên nuột nà hư ảo. “ Ôi, Hà đấy ư?”- Ông lắc lư. Men say đưa ông trôi vào cõi mộng du. Ông loạng choạng bước lên để khép lại mảnh vải đắp cho Hà. Người vợ trẻ nở nụ cười thiên thần như là đang mơ. Người vợ trẻ gọi: “Anh”, và vồ lấy tay ông đặt lên bầu vú nóng hôi hổi của mình. Ông mê man. Người vợ trẻ kéo cả người ông đổ lên tấm thân đàn bà nóng bỏng. Ông bốc lửa. Tiếng vợ gấp gáp, hào hển gọi chồng.
 Ông thở dốc. Đào mãn nguyện, mắt nhắm nghiền, ôm chặt ông thầm thì: “Anh Thư”… Nghe tiếng Đào gọi tên con trai, ông bừng tỉnh. Ông nhìn thấy Đào lõa thể với nụ cười viên mãn nở trên môi. Ông gỡ nhẹ tay Đào, lập cập bước xuống giường, mặc vội quần áo chạy ra hiên nhà, tự đưa hai nắm tay đấm lên ngực mình thùm thụp, giọng nghèn nghẹn: “ Trời ơi, sao lai thế này?”.   Vừa nói ông vừa bước vào nhà thắp nén hương trước bàn thơ tổ tiên, đập đầu khóc rống lên: “ Ông, bà, cha, mẹ ơi…Thư ơi… hãy hiện về, bóp cổ cho lão già này chết đi.”.
Ông Tân rời khỏi giường được một lúc thì Đào mở mắt. Đào hốt hoảng thấy mình không một mảnh áo che thân. Chỗ ấy ươn ướt, đau đau.  Đào chợt hiểu. Toàn thân Đào rung lên như người bị động kinh. Đào gào lên thảm thiết: “Anh Thư ơi..”. Ý nghĩ quyên sinh vụt lướt qua trong đầu. Đào nhảy xuống giường, lấy sợi giây thừng buộc trâu để xó nhà chạy ra gian nhà ngoài. Đào trèo lên chiếc ghế, vắt sợi giây thừng lên đoạn xà ngang trên cao rồi quấn một vòng quanh cổ…
Ngồi ủ rũ trong gian nhà thờ, ông Tân bỗng rùng mình. Linh tính mách bảo ông điều chẳng lành. Ông chạy vào buồng con dâu. Không thấy Đào. Ông chạy ra phòng ngoài vừa đúng lúc Đào đạp đổ chiếc ghế dưới chân. Ông lao tới đỡ,  cởi giây thừng trên cổ và bế Đào vào giường nằm. Đào hét toáng lên: “ Ông cứu tôi làm gì? Hãy để cho tôi chết đi. Trời ơi là trời”. Ông Tân cũng khóc nhưng không thành tiếng. Ông mếu máo lắp bắp: “Tôi xin lỗi. Tôi không biết tại sao lại như vậy… Không… Không biết tại sao… Tôi cứ tưởng… Cứ tưởng… Tại đầu tôi bấn loạn… Từ hôm nghe tin dữ… Thư ơi! Hức hức…”.
Đào vùng dậy thất thanh: “Anh Thư làm sao? Làm sao????”
Biết không thể giấu Đào được nữa, ông Tân lôi trong túi áo ra phong thư đựng giấy báo tử con trai, giọng lạc đi, chỉ nghe âm gió lào phào:
- Thư đã hy sinh rồi.
Đào ngã lăn xuống giường ngất đi.
Không chờ trời sáng hẳn, Đào ôm khăn gói về nhà mẹ đẻ.
Tổ chức truy điệu cho Thư xong, Đào vẫn không chịu về nhà chồng. Bố mẹ khuyên đủ điều nhưng Đào không nghe. Ông Tân đích thân lên gặp Đào:
- Tôi lập bàn thờ cho Thư rồi. Đào về hương khói cho chồng đi.
Đào im lặng. Hình như có một điều gì đó đang thay đổi trong Đào. Mấy hôm sau ông Tân lại đến. Lần này thì Đào chịu về. Ông Tân chăm sóc Đào chu đáo, nhưng giữ khoảng cách.  Đào vẫn giữ vẻ lầm lì. Và rồi cái thái trong bụng Đào to dần lên. Mới đầu cô cố tình may loại áo rộng thùng thình để giấu. Bà con xóm làng dị nghị. Đào bỏ ngoài tai. Bạn bè có đứa chửi Đào: “Đồ chửa hoang”. Có người còn chì chiết: “Đồ lăng loàn, chửa hoang với cả bố chồng”. Đào chẳng thèm cãi lại.
 Khi  Đào sinh con trai, ông Tân mừng như người đã chết được sống lại. Ông  tuyên bố với bàn dân thiên hạ: “Thế là họ Hứa nhà tôi đã có người nối dõi. Tôi sẽ đặt tên cho cháu là Cường, Hứa Kiên Cường”. Ông mở tiệc khao cả làng.
Đứa con ra đời nhưng Đào vẫn sống u uất trong mặc cảm tội lỗi. Ông Tân giỏi lo toan đã đảm bảo cho mẹ con Đào cuộc sống sung túc. Ông thương mẹ con Đào hết mực. Mỗi lần Đào cáu giận, ông lặng im chịu đựng. Chờ cho Đào nguôi ngoai, ông mới nhẹ nhàng nói:
- Cứ mắng tôi đi. Tôi đáng tội chết. Chỉ muốn hai mẹ con lúc nào cũng thanh thản thôi. Đau lòng lắm mà chẳng biết nói thế nào…
Khi ấy, Đào chỉ còn biết khóc nghẹn.
                                             ***
Cuộc chiến tranh kết thúc đúng ngày con trai Đào lên ba tuổi. Cứ ngỡ hòa bình đã thực sự đến với xứ sở đau thương này. Nhưng không, ở một góc làng hẻo lánh ấy, lại có cuộc chiến tranh mới không đạn bom mà ngập tràn nước mắt.
Thư từ chiến trường đột ngột trở về.
Vừa đến đầu thôn, Thư hay tin bố đã có con với vợ mình. Máu lính chiến trong Thư sôi sùng sục như trước giờ ra trận đi trả thù cho đồng đội bị giết, Thư lục ba lô lôi ra khẩu súng ngắn – một kỷ vật chiến trường thu được của lính Mỹ – lắp đạn lao về nhà. Được bà con xóm làng mách bảo, ông Tân lách cửa sau chạy sang nhà hàng xóm trốn biệt. Không tìm thấy bố đâu, Thư gào lên đá văng đống rổ rá trên sân rồi chĩa súng vào những trái dừa trên cao bắn sạch cả một băng đạn. Nước từ những trái dừa chảy thành dòng rơi xuống tưới lên luống cà chua, quả đỏ ối như máu.  Thật may cho mẹ con Đào hôm ấy đã về thăm ông bà ngoại ở làng bên, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra.
Thư ngồi gục xuống hiên nhà, dáng vô hồn thiểu não. Dân làng kéo đến vây quanh Thư . Kẻ lo về một vụ án mạng sẽ xẩy ra. Kẻ lo Thư sẽ phát điên. Đúng lúc đó, Thắng, bạn tri kỉ thời chăn trâu với Thư ở làng bên, thương binh giải ngũ, hiện đang làm trưởng công an xã chạy vào. Thắng giải tán bà con rồi lao đến ôm lấy Thư lắc mạnh: “ Thư ơi, tao đây, Thắng đây”. Thư ôm Thắng khóc hu hu: “Thắng ơi, sao số tao khổ thế này, tao không sống được nữa đâu, khổ lắm, nhục lắm”. Thắng buông Thư ra, tước khẩu súng từ tay Thư, tháo băng đạn, cất vào chiếc xắc cốt đeo bên hông rồi nhìn Thư nhắc khéo: “Thư này, nên nhớ trước mặt Thư là bà con xóm làng của mình. Thư hãy biết cụ thể sự việc như thế nào đã rồi hãy xử lí. Bây giờ về nhà tao nghỉ. Có gì mai hẵng hay”.
Thư nghĩ anh đã mất tất cả rồi. Trước lúc về, anh háo hức mua quà cho bố, cho Đào. Anh chọn mua cho bố hộp sâm để bố bồi bổ. Anh chọn mua cho Đào một tệp lụa mỏng để Đào may quần áo. Suốt chặng đường ngồi tàu, anh đã hình dung ra cảnh bố và Đào chạy ra cổng ôm anh mừng mừng tủi tủi. Vậy mà… Thư  giống như một kẻ không hồn. Anh đi theo Thắng bước thấp, bước cao.
Ngôi nhà của Thắng ở cách nhà Thư chỉ hơn cây số. Đêm ấy, Thắng và Thư thức trắng. Thư kể cho Thắng nghe tại sao lại có sự nhầm lẫn dẫn đến cái giấy báo tử chết tiệt kia: “Dạo đó, đơn vị mình nhận lệnh đánh mở đường cho cánh quân chủ lực của ta giải phóng thị trấn Hà Tiên chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công toàn miền. Khi băng qua đồi tranh, đơn vị mình bị một lực lượng bộ binh ngụy phản kích quyết liệt. Chúng bắn vào đơn vị mình hàng chục phát đạn chống tăng. Một viên bay sượt qua Triều, bạn thân của mình làm Triều bị thương cháy hết quần áo. Mình cởi áo mặc vội cho Triều, trong túi áo có tấm bìa ghi tên mình và địa chỉ làng xã. Đúng lúc đó, một phát đạn nữa nổ ngay cạnh Triều… Mình bị hất lăn xuống con mương nhỏ bên ruộng lúa và không biết gì nữa.
            Khi mình tỉnh dậy, thì thấy đang ở trong một căn hầm. Đó là căn hầm bí mật của ông bà Khang… Vợ chồng ông bà Khang không có con trực tiếp chăm sóc mình rất chu đáo nhưng cũng phải đến gần một năm mới khỏi. Về sau mình nhận ông bà Khang là ba má nuôi.
Thắng à, mình nay sống không bằng chết. Bộ phận sinh dục của mình bị mảnh đạn làm hỏng mất rồi. Lại thêm chất độc màu da cam nặng nữa… Trước lúc về, người ta thông báo cho mình biết rằng mình có thể sinh con bằng phương pháp khoa học nhưng những đứa con của mình sẽ chỉ là những hình nhân dị dạng”.
Thắng kể cho Thư nghe chuyện làng, xã trong những năm Thắng trở về sinh sống. Đến chuyện nhà Thư, Thắng nói: “ Đào ngoan, hiền và chung thủy lắm. Đào chưa hề làm bất cứ điều gì tai tiếng cả. Bố cậu là người chỉ biết sống cho con cái. Ông chăm chút, bảo vệ Đào cũng chỉ vì cậu với mong muốn cậu sẽ trở về cho ông một đứa con nối dõi. Nhưng rồi việc có giấy báo cậu hy sinh đã làm đảo lộn tất cả. Bố cậu đã có lần tìm đến cái chết. Bà con xóm làng và cả mình nữa phải khuyên giải đủ điều mới qua được. Bản thân bố cậu và Đào cũng khổ tâm lắm. Theo tớ, cậu phải về để ổn định gia đình”.
Ở nhà Thắng mới gần một tuần mà Thư cảm thấy như đã hàng năm. Trong thời gian Thư ở nhà Thắng, bà con, anh em trong làng xã đến thăm Thư đều nói như Thắng. Thư nguôi ngoai dần. Đêm đó, Thư buồn đi lang thang ra cánh đồng khoai của làng Lèn. Không hiểu đi thế nào, Thư đến đúng ngôi nhà thủa ấu thơ của mình. Thư hơi bất ngờ vì ngôi nhà tranh ngày xưa đã đổi khác. Năm gian nhà trên lợp ngói. Ba gian nhà dưới cũng lợp ngói.  Giữa hai nhà là một khoảnh sân lát gạch thoáng rộng. Thư chợt nẩy ý định lách bờ dậu ngăn vườn với sân bằng hàng cây râm bụt để nhìn trộm bố và Đào một lúc. Bố Thư và Đào chưa ngủ. Ngọn đèn măng xông sáng trưng một góc nhà. Trên sân, bố Thư ngồi đan rổ rá. Đào ngồi cạnh à ơi ru con. Thỉnh thoảng Đào vung tay quạt cho con và cả cho bố Thư nữa. Cả hai lặng yên không nói. Mẹ mất từ ngày Thư mới mười tuổi, bố Thư ở vậy nuôi Thư. Thư biết cả đời bố chỉ vì Thư mà cật lực làm lụng. Đào là mối tình đầu của Thư. Những tháng năm sống bên nhau, Thư biết Đào là cô gái nết na thủy chung… Đã mấy lần, Thư định lao ra ôm bố, ôm Đào nhưng rồi Thư kịp chững lại. Đứa bé trong lòng Đào, cảnh bố Thư ngồi đan rổ rá bên cạnh Đào có nét gì đó hao hao giống cuộc sống chồng vợ. Nghĩ vậy, Thư đành ngậm ngùi đưa tay lau những giọt nước mắt cứ như mưa rơi trên má rồi trở về nhà Thắng.
Trên hiên nhà, Thắng đã ngủ say. Thư thấy sự trở về của Thư hôm nay là thừa, là lạc lõng. Thư quyết định rời quê vào Hà Tiên sống với ba má nuôi. Thư viết mấy chữ từ biệt bạn và nhờ bạn đưa quà Thư gửi cho bố và Đào.
                                                     ***
Hà Tiên là quê hương thứ hai của Thư, nơi anh có những tháng năm tuổi trẻ hòa trộn máu và nước mắt với đồi núi, sông lạch, thôn làng và là nơi anh có ba má nuôi luôn yêu quí anh như con đẻ.
Sống ở Hà Tiên, Thư vẫn nặng lòng với quê nhà. Có nhiều đêm không ngủ, Thư phát cuồng vì nỗi nhớ cứ như đâm, như xé vào lòng anh. Biết làm sao bây giờ? Thư đã tự hỏi mình nhiều lần như thế. Về sống với Đào ư? Không thể được vì giữa Thư và Đào đã có đứa con của bố. Giải phóng cho Đào đi lấy chồng ư? Thử hỏi ai dám lấy Đào khi Đào có con với bố chồng. Thư biết việc anh bỏ nhà ra đi là một cuộc trốn chạy. Hay là… Không thể được. Vừa chợt nghĩ đến chuyện bố với Đào, Thư đã vội ngăn lại. Từ cổ chí kim, ở vùng quê anh, đã có ai làm điều ấy? Hình ảnh bố và Đào ôm con ngồi bên nhau trong đêm đợi anh cứ hiền hiện mỗi ngày một nhiều hơn. Thư nghĩ: “Sức khỏe mình yếu lắm. Bệnh tật triền miên. Mình đâu còn khả năng mang lại hạnh phúc cho Đào được nữa. Mình đâu còn khả năng đem lại cho bố khát vọng có người con nối dõi. Hiện bố và Đào đã thay mình làm được điều đó rồi còn gì. Tại sao lại không được nhỉ? Biết đâu việc tác hợp bố với Đào thành một gia đình có khi là giải pháp ổn thỏa nhất”.
Ở quê nhà,  bố Thư và Đào sống những ngày vật vã. Việc Thư bỏ nhà ra đi đã làm cho bố Thư và Đào khóc khô nước mắt. Bố Thư chỉ muốn Thư về. Ông sẵn sàng làm hết mọi thứ kể cả việc ra đi nếu Thư muốn. Đào cũng vậy. Suốt ngày, Đào thắp hương cầu khấn tiên tổ để Thư về: “Anh cứ về đi. Anh giết em cũng được. Anh cần em ra đi cũng được. Anh cần em bỏ con lại cho gia đình anh cũng được. Anh hãy về đi”.
Nỗi ân hận đã dày vò bố Thư và Đào không ngưng nghỉ. Cũng may, đứa con trai đáng yêu của  Đào  đã trở thành vị cứu tinh cho cả hai. Bố Thư và Đào đều vì nó mà lau nước mắt vượt lên.
Ba má nuôi Thư dường như hiểu rõ được lòng anh. Ba má nuôi giục anh ra ngoài đó giải quyết cho xong việc nhà để an phận. Ba nuôi nói: “Con không thể sống như thế này mãi được. Ra ngoài đó, con bỏ qua được lỗi cho Đào thì đưa Đào vào đây sống với ba má. Nếu không ở với nhau được, con phải làm thủ tục li dị để Đào có thể đi lấy chồng khác”. Má nuôi tiếp lời: “Ba con nói đúng đấy con ạ. Mình sống có tâm sẽ được trời phù hộ. Con thu xếp về ngoài đó đi”.
Sức khỏe Thư mỗi ngày một giảm sút trông thấy. Những vết thương dày đặc trong người Thư mỗi khi trái nắng trở trời hành hạ Thư đến khốn khổ. Thư đau tim, khó thở, ho ra máu. Nhiều lần đi chữa trị ở bệnh viện trên thành phố cũng không được. Các bác sỹ nói rằng lượng chất độc Đi-ô-xin có trong máu Thư quá lớn. Thư linh cảm thấy ngày ra đi của mình đang đến gần. Nhiều đêm thư nằm nói chuyện với người âm cho đến sáng. Có đêm mơ thấy Triểu về mắng Thư như tát nước: “Mày còn làm được gì nữa cho gia đình, xóm làng mà tham sống sợ chết. Mày đừng biến mày thành  tai ách dáng họa cho người thân của mày”. “Thế mày bảo tao phải làm gì”? – Thư quát trả. “Mày xuống đây với tao – Triểu hạ giọng – tao biết mày khổ quá rồi. Mày xuống đây tao bù cho”. “Nhưng còn bố tao, còn Đào và em bé”? “Thường ngày mày thông minh sao hôm nay mày ngu thế”. “Thì tao ngu, có cách gì mày mách tao đi”. “Thế này nhé. Ông trời đã cho nhà mày một gia đình có sẵn. Gia đình ấy đang sống trong nỗi đau chia cắt vì mày. Chiếc chìa khóa của gia đình ấy mày đang giữ. Mày phải trao cho họ thì họ mới vào nhà được chứ”. Nói rồi, cái bóng không đầu lắc mình bay vù vào đêm đen. Thư tỉnh giấc. Anh ngồi dậy. “Thằng này ăn nói ỡm ờ. Tại sao mình lại nắm giữ chiếc chìa khóa của gia đình đó chứ ? À mà mình nằm mơ. Mơ thì chấp làm gì”.
Lần đó, Thư ho ra máu nhiều quá. Cơn đau tim cuộn lên làm Thư nghẹt thở. Toàn thân Thư mềm oặt, rủ xuống như chiếc lá. Ba má nuôi đưa Thư đi cấp cứu ở bệnh viện thành phố. Lại chuyện chất độc màu da cam nhưng lần này nguy hiểm hơn. Trở về nhà, lòng Thư bồn chồn thao thức. “Sự sống của mình đang tính từng ngày. Chiếc chìa khóa mình đang nắm giữ là của căn nhà nào nhỉ?” Thư nghĩ lung lắm. Bỗng thư reo lên: “Thấy rồi, thấy rồi” và nằm lăn ra giường yên tâm ngủ một giấc. Tỉnh dậy, men theo sợi giây ba má nuôi buộc vòng vo trong nhà, Thư lần đến chiếc tủ lôi ra chiếc bút và mấy tờ giấy. Thư cố ngồi xuống chiếc bàn cắm cúi viết. Tờ giấy đầu tiên, Thư viết đơn li dị Đào. Tờ giấy thứ hai, là thư gửi bố và Đào.
Thư vốn gầy nay rộc đi như xác ve. Ba má nuôi mua đủ thứ của ngon để bồi dưỡng nhưng Thư không ăn được. Hễ cứ ăn vào là nôn. Nôn ra cả mật vàng, mật xanh. Thuốc bệnh viện cấp đầy tủ nhưng cũng mất tác dụng vì chất độc màu da cam đã làm băng hoại toàn bộ cơ thể Thư.
Một chiều mưa xối xả, Thư gọi ba má nuôi đến gặp. Anh xin phép ba má nuôi được nằm vì không thể ngồi dậy được. Anh nói thều thào: “Nghe lời ba má, con định vào mùa xuân tới, khí hậu tốt lên, con sẽ ra ngoài đó để giải quyết dứt điểm việc gia đình. Nhưng con không thể làm được nữa rồi. Con viết bức thư này thay cho chuyến đi đó. Ba má ơi, con đã làm khổ ba má quá nhiều. Con bất hiểu không làm tròn được phận sự…”.
Má nuôi nước mắt đầm đìa cầm tay thư vuốt ve âu yếm: “Con đừng lo. Rồi con sẽ khỏe thôi mà”. “Con biết sức khỏe của mình ba má à. Con xin ba má hai việc. Thứ nhất, nếu con chết, ba má cho con ở lại đất này với ba má và với bạn bè đồng đội của con. Thứ hai, ba má đưa bức thư này tận tay cho người nhà của con khi họ vào đây nhé.
Đêm đó, Thư ra đi vĩnh viễn. Thư nằm trang nghiêm như người lính đang ngủ – tư thế của người biết rõ mình sẽ ra đi. Bố Thư vào đưa tang. Ông đau đớn vật vã. Ông trách ông trời đã không cho ông chết thay cho con. Nhưng biết làm sao được. Ông đành phải lau nước mắt. Ông tôn trọng lời nguyện cầu của con cho dù trong lòng ông rất muốn đưa con về nghĩa địa dòng tộc. Ông cầm bức thư, gia tài duy nhất của con trai ông,  gói lại cẩn thận đưa về.
Ông Tân về nhà lập bàn thờ Thư. Bà con xóm làng đến chia buồn với ông và Đào. Một hôm ông gọi Đào vào đưa cho Đào phong thư của Thư. Đào mở ra, đặt đơn li hôn xuống bàn và cầm lá thư gửi chung run run:
                                        Kính gửi bố
Con biết, cuộc chiến tranh đã xô đẩy gia đình ta vào cảnh trớ trêu. Cả con, bố và Đào đều không có lỗi. Vậy tại sao chúng ta cứ phải gánh chịu những hệ lụy khổ đau vì cái không có lỗi ấy. Trước lúc vĩnh biệt bố, con ngàn lần xin lỗi vì đã không hoàn thành nghĩa vụ làm con đối với bố. Con chỉ có ước nguyện gia đình ta sum họp. Con muốn bố chăm sóc Đào hơn ai hết để cùng đồng lòng nuôi Kiên Cường lớn khôn. Con chúc bố khỏe, may mắn và hạnh phúc.
                                                                   Con
                                                            Hứa Thế Thư

                                             Gửi Đào
 Tôi gửi Đào tờ giấy li hôn chỉ có giá trị về mặt pháp lí chứ trong thực tế hoàn toàn không phải thế. Đào có đủ lí do để chứng minh Đào chưa hề làm vợ tôi. Vì thế, tôi muốn Đào ở lại làm trụ cột cho gia đình tôi, chăm chút bố tôi, nuôi dạy đứa con đích tôn của dòng họ tôi để gia đình tôi không tan vỡ. 
Tôi biết để làm được điều này khó lắm. Nhưng vì tôi, một người lính sắp từ giã cuộc đời này, tôi muốn Đào chấp nhận thực tại để Cường có cả bố lẫn mẹ. Vì thế, bắt đầu từ hôm nay, tôi xin được gọi Đào là dì, dì nhé.
 Chúc dì khỏe, may mắn và hạnh phúc.
                                                              Hứa Thế Thư
Đào thẫn thờ nâng tờ giấy li hôn lên vân vê, vuốt lại vài ba nếp gập. Những giọt nước mắt lăn trên má Đào rơi lên tờ giấy li hôn ướt nhòe.
                                                                              N.Đ.A

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến