Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Gặp hạn

Cùng tác giả N.V.C tại Sa Pa


NGUYỄN VĂN CỰ

Cơ quan tôi không hiểu thế nào mà ai cũng nói dai, viết dài, hễ cứ nhìn thấy nhau là bô lô ba la hết chuyện này sang chuyện khác, mỗi khi nhận báo cáo của các phòng gửi đến thì thôi rồi, cứ gọi là mờ mắt mà “Đãi cát tìm vàng”. Mọi người bảo đấy là do phong thủy của cơ quan nên mới thế, muốn sửa được chỉ còn mỗi cách là xoay lại hướng nhà! Tôi cũng vậy thôi, nhưng khổ nỗi
sau trận ốm, bị cái tật hễ mở miệng là môi cứ giật giật, cầm đến bút là tay bị run nên đâm ra ngại nói, ngại viết.
Một hôm nhà có đám giỗ, hết giờ chiều tôi không ra sân chơi thể thao, tranh thủ vào tắm còn về cho kịp. Vừa cởi chiếc áo lót vất vào chậu và dội một gáo nước vào đầu thì có tiếng gõ cửa “Ai đấy? Tôi đang tắm, chờ một chút được không?”. Tiếng người bên ngoài “Trời ơi, sao tắm vào giờ này?”. Nhận ra tiếng thủ trưởng, tôi nhẹ nhàng “Dạ, mới là chuẩn bị thôi ạ, em ra mở cửa ngay đây”, rồi vơ vội cái áo lót vắt kiệt nước mặc vào người. Vừa nhìn thấy tôi, ông lắc đầu “Chết thật, mồ hôi mồ kê ướt sũng từ đầu tới chân thế kia sao lại tắm? Cảm nhập tâm không cứu được đâu”. Tôi cười, rồi đi pha nước. Trong lúc tôi thực hiện các công đoạn pha trà thì ông giảng giải cho tôi kiến thức về tắm, về cảm nhập tâm, về cách xử lý với người đột quỵ trong phòng tắm.
Ông cầm chén hít hà hương vị của trà “Thế nào, tớ nói ngắn gọn mấy điều cơ bản về tắm, cậu có hiểu được không?”. Tôi lễ phép, lấy tay che miệng “Dạ!”. Thủ trưởng tôi thưởng thức trà vào loại sành điệu của cơ quan, vừa nhấp vào miệng ông đã nhíu mày “Này, trà này có vị rất đặc biệt?”. “Dạ!”- tôi cười, rồi giơ gói chè cho ông nhìn. Ông hề hà “A… à… chè Bát tiên. Thảo nào… Trước khi pha trà cậu không nói, định gài bẫy tớ phải không? Nhưng tớ hỏi thật, các cậu uống trà nhưng đã hiểu về chè, về trà đạo chưa?”. Do cái áo bị ướt, tôi thấy ngưa ngứa nên ý tứ khẽ cà lưng vào thành ghế cho dễ chịu, lắc đầu “Dạ!”. Ông ngả người ra ghế, vươn vai cho thoải mái “Chết thật… chết thật! Kiến thức sa lông đấy! Đi ngoại giao mà không có những kiến thức sơ đẳng kiểu này thì có mà chết đầu nước! Thôi, nhân tiện đây tôi nói ngắn gọn về chè, về văn hoá trà cho cậu nghe”.
Nguồn: DatViet.com
Như bị ong đốt gáy, tôi giật thót khi nghĩ đến đám giỗ ở nhà. Tôi là cháu đích tôn của dòng họ, tuy chưa được làm chủ sự nhưng không thể không có mặt để tham gia quán xuyến công việc. “Ngày xưa ở bên Ấn Độ có một nhà sư ngồi tụng kinh, khuya quá nên buồn ngủ. Ông bèn thò tay ra ngoài cửa sổ bứt một nhúm lá cây vò ra ngửi, không ngờ lại thấy tỉnh trở lại… Rồi sau này còn đun nước uống… Cây đó chính là cây chè ngày nay”. Theo đà, ông lại nói tới các giống chè; cách trồng chè ở Đông Á, Trung Á…; cách chế biến các loại chè và trà đạo bên Tàu, bên Nhật, bên châu Âu… Cuối cùng là phê phán cách uống trà vô văn hoá của cánh trẻ ngày nay.
 Ấm trà đã nhạt, nhưng vẫn chưa biết thủ trưởng vào phòng mình có việc gì, nên tôi miễn cưỡng đi pha ấm khác. Vì luôn nghĩ tới đám giỗ, nên thao tác của tôi hơi lúng túng. Ông cầm gói chè lên xem, nhưng vẫn liếc nhìn tôi “Này, cậu không phải dè sẻn làm gì, mai bảo hành chính đi mua phát cho mỗi phòng vài gói”. Tôi cười nhạt “Dạ!”, rồi lấy tay ấp vào ngực tỏ ý cảm ơn sự quan tâm của thủ trưởng. Ông gật gật đầu “Trà này uống được. Tớ nghe đâu phân bón cho nó là trứng, là đậu tương ngâm, lại phải bắt sâu bằng tay, còn khâu chế biến thì…”. Ông khen công nghệ trồng chè sạch hết lời, rồi lại phê phán những thói hư, tật xấu theo “mặt trái” của cơ chế thị trường của dân ta trong trồng chè, trồng rau và cả chăn nuôi nữa…
 Ấm trà thứ hai qua dăm tuần nước cũng lại nhạt, tôi định đổ đi pha thêm ấm nữa. Ông xua tay “Thôi, uống thêm vài chén rồi về. Tớ là chúa ghét những tay nói dai, nói dài. Còn mấy vấn đề nóng về thời sự chính trị tớ nói ngắn gọn thế này, nhưng chờ một chút”.
Ông vào nhà vệ sinh, còn tôi thì vuốt lại bộ quần áo dài vừa cởi ra. Giải quyết xong nỗi buồn, khi ra ông không ngồi mà đứng chân trước, chân sau như thể chuẩn bị ra ngoài cho tiện. Tôi mừng thầm trong bụng, nhưng vẫn xã giao “Dạ!”, rồi giơ tay có ý mời ông ngồi xuống ghế. Ông khẽ lắc đầu “Cũng muộn rồi, tớ nói ngắn gọn tình hình trong nước và thế giới để cậu có định hướng, nhận định tình hình mà viết báo cáo”. Thế rồi ông nói như diễn thuyết, thỉnh thoảng lại giơ tay chém gió, nào là tình hình Trung Đông có thể sẽ xảy ra ba khả năng…; tình hình bầu cử ở nước Mỹ cũng nóng không kém….; rồi xu thế toàn cầu hoá…
Tôi ngồi im mường tượng về công việc ở nhà, nhưng thái độ lại như người chăm chú nghe. Ông hất hàm “Này. Nghe cũng phải có văn hoá đấy nhá. Vì thế mà trong tiếng Hán, chữ THÍNH được cấu tạo bởi bốn chữ: chữ NHĨ, chữ VƯƠNG, chữ TÂM và chữ NHÃN. Nghĩa là người nghe phải coi người nói như vua, mắt phải nhìn vào người nói, tai phải vểnh lên và tâm huyết với người nói… Thái độ nghe như cậu là được, là có văn hoá!”. Tôi rót nước để che đi sự lúng túng trước lời khen của ông. Ông nói tiếp “Còn tình hình trong nước, cậu có biết không? Nóng… Nóng lắm đấy! Thế này nhá…”. Thấy ông có vẻ mệt, tôi đứng dậy rót cho ông một cốc nước lọc. Ông cười “Thằng này chơi được, chẳng bù cho mấy đứa ở phòng phong trào, nói thì đã dài, lại đang chuyện nọ xọ sang chuyện kia, có lúc lại còn tranh nhau nói, cãi nhau um củ tỏi. Thôi, tớ nói ngắn gọn thế thôi, cỡ chuyên viên như cậu thì phải tự nghiên cứu là chính chứ?”.
Ông đi ra cửa, tôi mừng quýnh vội vơ lấy bộ quần áo mặc vào người, nhưng vẫn thể hiện sự cảm kích nói với theo “Dạ!... Có một chút xíu thời gian vậy mà…”. Bất ngờ ông quay lại, tựa lưng vào khung cửa “À này, thế hôm qua tại hội nghị tổng kết năm cán bộ trong cơ quan thấy tớ kết luận thế nào?”.
Tôi sững người, quên đi cái tật giật môi nên vừa cài cúc áo, vừa nhớ lại .“Dạ... Cuộc họp phải làm thông tầm, lúc ấy là… hơn 12 giờ ạ”. Ông cao hứng “Đúng, đã hơn 12 giờ. Thế mà cái thằng cha gì… làm công tác thi đua ấy nhỉ?”. Ông vỗ tay vào trán “Đấy tuổi tác một chút là vậy đấy, tên nó là gì nhỉ?... À… nhớ ra rồi, Đường. Hoàng Đường. Cũng muốn tập nói ngắn đấy, nhưng… ai đời nó lại nói: Do thời gian có hạn, tôi xin phép bỏ phần kính thưa các đồng chí đại biểu, tôi xin không đọc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc nữa, xin đọc thẳng vào ngày tháng ra Quyết định và cấp Quyết định luôn”.
Ông uống thêm cốc nước nữa, rồi cười sằng sặc “Đúng là tiếu lâm, thế mà lại là chuyện có thật mới lạ chứ. Khổ quá, đấy cũng là một cách tập nói ngắn đấy!… À này, thế cái kết luận của tớ dư luận thế nào?”. Tôi bấm đốt ngón tay nhẩm tính “Dạ… lúc đó cũng đã gần mười ba giờ. Thủ trưởng kết luận cả thảy là… bốn mươi hai vấn đề và có 53 lần thủ trưởng đeo kính lên nhìn vào sổ rồi lại bỏ xuống bàn ạ…”. Ông  vỗ hai tay vào nhau đánh bốp “Thế chứ… Giỏi! Cán bộ tổng hợp là phải như cậu, không bỏ sót chi tiết nào. Cậu có khiếu làm điều tra viên đấy! Tớ là tớ tôn trọng người nghe, nhìn sổ thì phải đeo kính, nhưng khi nói thì phải bỏ kính xuống chứ. Cái quan trọng là phải tôn trọng mọi ý kiến, không để sót ý kiến của ai. Mình là lãnh đạo thì phải biết tổng hợp có bao nhiêu ý kiến, mỗi ý kiến lại có mấy vấn đề, mỗi vấn đề lại… thế thì người tham gia phát biểu họ mới sướng! Có vấn đề tưởng là cũ, nhưng nhắc lại không thừa đâu. Chưa thực hiện, hoặc thực hiện lấy lệ cho có phong trào thì mình vẫn phải nhắc lại chứ?”.
Cái đầu tôi chỉ mới dội nước, nên ngứa ngáy vô cùng. Tôi giơ tay lên gãi thì tóc đã khô tơi tả. Nhìn xuống áo lót, cũng không còn thấy dính vào người. Ông nhìn tôi hất hàm “Ồ… mồ hôi của cậu khô hẳn rồi đấy. Bây giờ tắm mới tốt! Gì thì gì chứ đã nói là phải nói ngắn gọn, đã nói là phải nói rõ từng vấn đề, từng đề mục. Nói dài lan man người nghe ớn lắm! Đấy, tớ vào đây có bao lâu mà nói được với cậu  hàng trăm vấn đề ấy chứ. Tại sao ư?… Tại vì từng vấn đề tớ nói ngắn, nên nói được nhiều. Nói dài mà súc tích thì vẫn là nói ngắn chứ? Một hôm tớ xem ti vi mà thấy buồn quá! Có ông là tổng thống một nước hẳn hoi, vậy mà lên khai mạc một giải thể thao quốc tế lại chỉ có vài phút. Vô lý, vô lý đùng đùng! Đấy cũng là một dạng thiếu văn hoá! Chả nhẽ không kính thưa ai? Không biết nhấn mạnh mục đích ý nghĩa yêu cầu của một giải thể thao lớn như thế? Không biết nêu bài học kinh nghiệm các nước đã tổ chức? Không biết định hướng chơi đẹp cho vận động viên? Không biết giao nhiệm vụ cho ban tổ chức và trọng tài? Không biết...”.
Nói xong, ông lững thững ra về.
Trời tối hẳn, chỉ sợ đám giỗ đã hương tàn gió lạnh. Nhưng về tới nhà thấy cỗ bàn vẫn còn nguyên vẹn, con cháu ngao ngán nhìn ông Trưởng họ. Ông là cán bộ của một cơ quan truyền thông mới về hưu cũng đang “chém gió”. Thấy tôi, ông vẫy vào ngồi cạnh “Anh là người kế cận tộc trưởng mà cứ như người ngoài, tôi nói ngắn gọn về dòng tộc mình như thế này:  khởi tổ họ nhà ta về đây lập nghiệp đến anh là đời thứ mười lăm… Dòng họ mình cũng là một dòng họ có học và có người đức cao trọng vọng, này nhá…”.
Con cháu ngáp ngắn, ngáp dài liếc nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, rồi lại nhìn tôi như cầu cứu. Tôi cúi xuống nhắm mắt, khẽ lắc đầu “Do phong thuỷ ngôi mộ tổ nhà mình thôi mà! Ai làm trưởng họ cũng thế thôi. Sau này đến tôi, tôi không nói được thì cứ vung tay múa chân cho đã!”…
Trại viết VNQĐ Sa Pa, tháng 5 năm 2013
N.V.C

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến