Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Vời vợi – cột đá chống trời



                                   
                                                 Vời vợi – cột đá chống
                trời

       Bút ký của Công Thế           
              Sừng sững giữa mây trời, kiên gan cùng tuế nguyệt, vùi mình trong bão táp mưa sa, trong nắng nung, tuyết phủ. Ngạo ngễ hiên ngang cột đá chống trời. Bồng bềnh trong mây,
lúc ẩn, lúc hiện, như thách thức, như mời chào, như thôi thúc bao bước chân khám phá. Hùng sơn PhanSiPăng nóc nhà của Đông Dương và rừng quốc gia Hoang Liên ẩn chứa trong mình bao điều kỳ vỹ. Sự hùng vỹ bí ẩn đó  luôn kích thích trí tò mò của bao trái tim khát vọng khám phá và chinh phục ngọn núi thiêng này.

Mùa này - Đỗ quyên nở:
          Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ. Nếu như không có cuộc điện thoại cùng lời nhắn của anh bạn Phan Quốc Minh, hội leo núi của Diễn đàn xe hơi Việt Nam - Tp Hồ Chí Minh, thì mình cũng chưa bao giờ mơ và nghĩ đến cuộc chinh phục ấy. Câu hỏi : Bác ngoài ấy giúp em, xem đỗ quyên đã nở rộ chưa… Mục đích của bạn là để thiết kế một chuyến leo Phan si Păng cùng nhóm XV ngắm hoa đỗ quyên mùa khai hoa mãn nguyệt vào xuân này.
 Trời ạ! Rõ là quê mùa. Mình chưa rõ ngọn nguồn loài hoa đỗ quyên ra làm sao, nên à ơi nói đại : Bạn cứ yên tâm, sẽ báo lại sớm nhất, có thể!
 Rõ là người Lào Cai đích thực! Bao năm lăn lộn với miền nắng gió biên thùy này. Cũng chả mấy chủ nhật là không có mặt ở Sa Pa, bởi bà con, họ hàng nhà tôi chiếm đến hơn phần nửa cái thị trấn bồng bềnh mây trôi này. Ngẩng đầu lên, đập vào mắt là Phan Si Păng hùng vỹ, ngó xuống là thung lũng Mường Hoa lập lờ huyền ảo, ngước qua là Hàm Rồng huyền thoại. Đến cả con dốc thoai thoải đổ dài, ngập tràn hai bên là hoa cẩm tú cầu, đường vào nhà em, tôi còn quen chân, thuộc lối đến cả từng bậc đá. Vậy mà chưa nhìn thấy hoa đỗ quyên trên núi Hoàng Liên nó rờ rỡ nở thế nào? Nó hút hồn ngây dại ra làm sao? Nó dập dìu buông thả, lả lơi, tinh khiết lúc ban mai như tiên nữ giáng trần ra sao? Nó nghiêng ngả đằm thắm, đôn hậu mà khiêm nhường khi hoàng hôn rộm ráng, thì lạ thật . 
Nghĩ mà thấy mình vô tâm, có chút gì đó mắc cỡ với bạn, với mình. Người ta ở xa tít mù tắp còn biết hoa đỗ quyên nở vào tháng nào, biết đỗ quyên có bao nhiêu loài, Phan Si Păng đỗ quyên có mấy mầu, khu vực nào của rừng quốc gia Hoàng Liên là tập chung nhiều đỗ quyên, rồi ngắm đỗ quyên nở vào khoảnh khắc nào là nên thơ nhất. Vanh vách cứ như ma xó rừng Hoàng Liên, đến kiểm lâm ở Trạm Tôn có khi phải chào thua.
Rồi tôi chợt nhớ đến chú em họ làm ở Công ty du lịch Cát Cát tên là Nguyễn Trung Kiên chuyên tổ chức các tua du lịch trong đó có tua leo Phan Si Phăng. Thế là, câu hỏi có lời giải. Kiên còn cho biết cả thời tiết nắng mưa, mây mù hay mây luồn vào những ngày nào, nắng ở Sa Pa rờ rỡ thế nhưng trên Phan sương mù ra sao. Thánh thế.  Nhìn trời đoán gió, biết mưa. Còn chuyện hoa đỗ quyên đối với Kiên là chuyện nhỏ hơn con thỏ.
Sau lời thăm hỏi đỗ quyên, Nguyễn Trung Kiên nhắn nhủ tôi: Cố leo Phan một chuyến anh ạ! đây cũng là cơ hội để anh khẳng định mình, vượt Phan là vượt qua chính mình. Và một câu như thủ thỉ đã làm tôi đắm đuối: Mùa này đỗ quyên nở đẹp mê hồn ! Vậy là tôi say, say cái miền hoang dại.
Tính tôi thích xê dịch ưa khám phá câu nói của kiên đã đánh đúng tâm lý tôi. Tại sao không nhỉ? Một chuyến chinh phục rừng quốc gia Hoàng Liên, leo Phan Si Păng đáng lắm chứ. Thế là mình kết nối bạn bè cùng tham gia chuyến chinh phục này. Thì ra những người mình vận động leo núi đều có những suy nghĩ tương tự. Rồi miệt mài luyện tập gần tháng trời. Đi chậm, đi nhanh, đường bằng, đường dốc. Khi sức khỏe và lòng quyết tâm đã đến tầm cao độ, chờ ngày thượng sơn.
Thú chơi nào cũng mất rất nhiều công phu, cực nhọc nhưng cái thú đam mê leo núi, chinh phục Phan Si Păng, khám phá rừng già Hoàng Liên, ngắm đỗ quyên nở lúc bình mình trong cái giá buốt 5 - 7 0C thì trên đời này có lẽ là thú chơi cực nhọc nhất, phưu lưu và mạo hiểm nhất, nhưng lại sung sướng, tự hào và hãnh diện, đáng khâm phục nhất. Chả vậy mà sau khi tôi leo núi chinh phục Phan về đã tới mấy tháng rồi nhưng tâm thức tôi vẫn luôn cựa quậy, bàng hoàng, ám ảnh bởi ấn tượng những gì đã thấy đã chứng kiến, cảnh sắc trên núi Hoàng Liên nơi có nóc nhà Đông Dương cao 3 143 m này. Và rồi ấn tượng đó chắc sẽ theo tôi khó quên. Và mới hiểu rằng, sức mạnh con người là phi thường. Không việc gì là không thể, một khi có ý chí quyết tâm, có nghị lực lòng dũng cảm và tinh thần rèn luyện là mọi việc sẽ trở nên bình thường. Vẫn thầm nhắc, chuyến đi xuất phát từ lời nhắn gọi Mùa này - Đỗ quyên nở.
Bảo tàng thực vật khổng lồ:
Từ cổng trời Trạm Tôn, đoàn chúng tôi xuất phát hành trình trên con đường mòn xuyên rừng già, mỗi người mỗi suy nghĩ nhưng đều mang trong mình một sự thích thú và quyết tâm. Và dường như ai cũng có câu hỏi trong đầu; cái gì đang chờ ta ở phía trước nhỉ? Liệu sức mình có thể chinh phục lóc nhà  Đông Đương được không? Vừa đi vừa trải nghiệm khám phá.
           Hết ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác. Không phải bây giờ mà đã từ lâu, các nhà khoa học đã đánh giá về sự đa dạng sinh thái và tính thẩm mỹ, cảnh quan kỳ vĩ của rừng Hoàng Liên. Tôi cũng đã đi nhiều nơi, ăn, ngủ với rừng, ở nhiều vùng trong nước kể từ thời trong quân ngũ và sau nay làm anh công nhân khai thác khoáng sản. Có đến hơn hai mươi năm sống với đại ngàn, với rừng. Từ rừng Trường Sơn đến đại ngàn Tây Nguyên và giờ đây là Tây Bắc ngàn trùng. Rừng đã ăn nhập trong tôi thành thân thuộc. Lại nhớ thời tôi ở Tây Nguyên ra khỏi nhà là gặp rừng, rời khỏi phố là gặp rừng, rừng mênh mang, tít tắp. Hùng vĩ là thế, mênh mang và trường tồn là thế. Nhưng đấy là thời ấy, những năm của thập niên 80 thế kỷ trước trở ngược. Chứ giờ đây thì đại ngàn kỳ vỹ vào bậc nhất nước Việt, đã bị gặm nhấm, băng hoại, bị tàn phá đến nao lòng. Bởi sinh tồn và lòng tham của con người. Bởi sự cạnh tranh khốc liệt của phát triển kinh tế. Bởi quy hoạch một cách mù mờ, thiếu khoa học, theo kiểu “ Ăn xổi ở thì”.  Rừng cũng bị lấn át của rẫy nương, của các “dự án” phá rừng trồng cao su, cà phê... Người ta chỉ nhìn những cái được trước mắt mà không tính đến sự mất đi cái quý giá lâu dài. Để đến lúc giật mình nhận ra thì đại ngàn chỉ còn lại cái danh trên một cơ thể tiều tụy ốm yếu.
Đấy là mình thấy, mình biết và muốn bầy tỏ thêm một chút về đại ngàn cho nhẹ nhõm. Đối với khu bảo tồn rừng quốc gia Hoàng Liên thì sao? Cũng bị mất mát đi nhiều đấy. Song những bài học con người đã nhận ra sớm nên rừng hoàng Liên vẫn giữ được dáng vẻ cường tráng và sự phát triển. Hoàng Liên vẫn xứng danh là một bảo tàng thực vật số một của đại ngàn Tây Bắc, mái nhà của đất nước.
Càng vào sâu khu rừng càng trở nên kỳ bí, mới lạ và hoang sơ, các tầng lớp thực vật rêu phong cũ kỹ. Cái mới lạ làm cho người ta thích thú, Dưới tán rừng già là bạt ngàn cây thảo quả của đồng bào trồng. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao chỉ sinh trưởng phát triển được ở độ cao trên hai ngàn mét nơi có không khí mát mẻ quanh năm. Người dân ở đây họ biết cách bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
           Những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao đến 50-60 m, tuổi đời tới vài trăm năm. Giống gỗ quý ăn sương, ăn gió hút tinh túy của trời đất quyện vào đời cây mà dâng hương cho đời. Giống gỗ ấy có chôn xuống đất trăm năm không mối mọt, đổ ngả trên rừng phơi năm, phơi tháng cùng tuế nguyệt mà không cong vênh, nứt nẻ. Động rìu, cưa vào là sực nức mùi thơm. Giống gỗ quý còn gọi ngọc am, được mệnh danh mỏ vàng pơ mộc của Lào Cai. Bên cạnh pơ mu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn, hoàng liên toàn những cây có tên trong sách đỏ. Nhiều cây là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm chữa trị các chứng bệnh nan y chướng khí… Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa. Có năm cả Phan Si Pằng mưa suốt tháng liền. Cũng may đợt chúng tôi đi trời đang nắng hanh rực rỡ. Ánh nắng của mùa xuân sởi ấm làm bừng tỉnh núi rừng qua giấc ngủ vùi mùa đông. Nắng như hối thúc lòng quyết tâm của du khách trên đường chinh phục. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ.
 Hầu như bốn mùa, cả Hoàng Liên Sơn đều ngập tràn trong muôn sắc. Còn có nhiều những thứ hoa lạ chưa biết tên bám trên vách đá cằn cỗi nhưng vẫn dâng hiến sắc hương tuyệt vời. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau, đỏ, vàng, hồng, tím, trắng. Có nơi đỗ quyên sinh trưởng chi chít cả một khu, rực rỡ cả núi rừng. Hoa rơi rụng tràn mặt đất, hoa tan chảy nhuộm đỏ dòng suối ban mai tạo cho ta có cảm giác như đi vào miền cổ tích, ngỡ ngàng, hư thực. Nguyễn Trung Kiên còn cho biết hoa đỗ quyên đẹp nhất là loài quyên ly, quyên huyền diệu, quyên silie, số loài này rất ít và ở độ cao 2 500m phía đông của đỉnh Phan Si Phăng đường Sín Chải. Phong lan giăng mắc trên các nhành cây muôn loài khoe sắc. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng rừng Hoàng Liên - Phan Si Păng có tới 330 loài, một sự phong phú ưu đãi vô cùng. Trong giữa cái lạnh giá nơi rừng sâu núi thẳm những sắc hoa lung linh rực rỡ như sởi ấm đất trời. Hoàng Liên – Phan Si Păng còn một loài hoa đặc biệt mà trên dải đất hình chữ S này hiếm nơi nào có, đó là hoa băng, hoa tuyết. Nhiều năm cả núi rừng trắng rợn một màu tuyết phủ. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đã kích thích sự hiếu kỳ của bao du khách đến chiêm ngưỡng, thưởng lãm. 
            Chúng tôi dừng lại mãi bên cây hạt dẻ cổ thụ, thân cây to đến ba người ôm không xuể. Trên thân cây vẫn còn vết những bàn chân gấu bám rất mới. Theo Pốt Tơ Vàng A Pháo cho biết đây là vết gấu bám trèo lên cây ăn quả trong vụ vừa qua. Nhìn vết chân gấu anh bảo con gấu này cũng phải lớn hơn một tạ. Nhìn những vết móng sắc nhọn bấm sâu vào thân cây chúng tôi nghĩ vậy là rừng Hoàng Liên vẫn còn nhiều động vật hoang dã. Theo tài liệu thì hệ động thực vật của rừng quốc gia Hoàng Liên rất phong phú, có 66 loài thú thì đến 16 loài năm trong sách đỏ, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như vượn đen tuyền, hồng hoàng , cheo cheo, vọc bạc má. Chim có 347 loài quý hiếm như đại bàng đốm to, trĩ mào đỏ, chim hét mỏ vàng… Lưỡng cư có 41 loài, bò sát có 61 loài. Gần đây sự xuất hiện trở lại của khỉ, gấu, và các loài thú khác. Đấy là tín hiệu đáng mừng cho việc bảo vệ hệ động thực vật, sinh thái trong khu bảo tồn ASEAN này.
          Rừng quốc gia Hoàng Liên còn có một bảo tàng nữa mà không ai muốn có. Nó như minh chứng cho sự mất mát, thương tích của rừng sau trận cuồng phong giặc lửa. Để rồi nhìn thấy đấy mà động lòng trắc ẩn con người. Bảo tàng rừng cháy đã tạo cho tôi cảm xúc bàng hoàng bởi sự hủy diệt của giặc lửa, năm trên khu vực gần đỉnh 2 200m. Hôm đấy sau khi nghỉ trưa chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Nắng trải vàng, cái nắng trên cao không gắt gỏng mà cứ đãi đàng phóng khoáng. Bỗng hiện ra trước mắt chúng tôi một khoảng trống huơ, trống hoác, cả một thung lũng rộng tới vài trăm hét ta chỉ còn lại lúp xúp những cây cỏ thấp và chơ lại khu rừng chết, hoặc thung lũng chết. Những thân cây to đến vài người ôm đen nhẻm, cháy nham nhở chĩa những cành khô khốc lên trời xanh như những bàn tay của rừng kêu cứu. Không biết đến bao giờ rừng mới hồi phục được như cũ, một sự thiệt hại mất mát không thể so sánh. 
 Leo Phan và những người bạn.
 Anh bạn Vàng A Pháo người đã giúp chúng tôi mang vác đồ đạc mà người ta gọi bằng cái từ rất tây là Pốt Tơ, anh tâm sự: Chúng em bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống. Một câu nói nghe có vẻ rất là lý thuyết, sách vở nhưng nghĩ rất đúng và thực tế. Vì còn rừng, còn núi là còn du lịch, còn công ăn việc làm, còn rừng là còn nguồn nước trồng cây lúa, cây ngô, còn chỗ trồng cây thảo quả. Vậy mọi nguồn sống cũng từ rừng mà ra.
Nghề Pôt Tơ tuy có vất vả nặng nhọc nhưng tấm lòng họ chất phác, chân thật, thỏa mái vui vẻ, thân thiện. Trong suốt dọc đường anh kể những câu chuyện về rừng, về núi, về những điều huyền bí trên đỉnh Phan Si păng, vì chính họ là những chủ nhân đích thực của xứ sở này. Không ai có thể hiểu rừng núi này bằng họ. Tôi cứ vân vi mãi về những chàng trai người bản địa. Giá như có sự hỗ trợ nào đó để đào tạo cho họ có một nghề có thu nhập ổn định. Ví như tuyển họ huấn luyện thành lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, hoặc nâng cao nghiệp vụ để trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Nhưng lại nghĩ những người pôttơ như thế này thì cũng cần lắm chứ.
Tham gia khám phá rừng Hoàng Liên, chinh phục Phan Si Păng cùng tôi là nhóm Văn sĩ Lào Cai. Có Nhà văn Đoàn Hữu Nam, Họa sĩ Đỗ Chung, Thạc sĩ văn học, trường sư phạm Nguyễn Sơn, Họa sĩ Hoàn Thiện, Nhạc sĩ Huy Toàn. Cùng Hội leo núi Diễn đàn xe hơi Việt Nam - XV TP Hồ Chí Minh. Sự háo hức của những người bạn  trong hành trình khám phá như thứ men kết dính tình cảm giữa các thành viên. Thứ tình cảm ấy như động lực cho lòng quyết tâm để vượt lên bằng bản lĩnh và ý chí.
          Kể con người ta cũng lạ.Tình cảm nó cũng có cung bậc khác nhau theo không gian. Ở đô thị tình người khác, nông thôn khác, lúc khó khăn, nơi rừng sâu núi thắm nó lại khác. Cái tình cảm là một ý thức tự phát không phải muốn mà được. Đoàn chúng tôi người Bắc, kẻ Nam chả hề biết nhau, chỉ qua mấy cú điện thoại vậy mà chỉ trong ít phút làm quen đã trở nên thân thiết gần gũi.  Phía trước họ là con đường đầy gian khó, mà họ là những người bạn đồng hành chinh phục. Cùng ăn, cùng nghỉ, chia sẽ khó khăn, vui buồn kể cả những bất trắc dọc đường những ngày trên núi.
           Kinh nghiệm leo núi không đơn giản chỉ có sức khỏe là đã thành công, còn đòi hỏi người ta có một tinh thần lòng quyết tâm mà sức rèn luyện bền bỉ trước đó cả tháng. Bằng những kinh nghiệm như hít sâu thở nhẹ, luyện cách giữ hơi, đường bằng thì bước dài, đường dốc thì bước ngắn, khi nghỉ không nên ngồi lâu quá 10 phút và luôn xoa bóp cơ chân để tránh bị chuột rút. Thì ra việc rèn luyện leo núi cũng không thể chủ quan. Ngay cả tâm niệm cũng không được nói lời coi thường ví như: Ôi giời, dốc này ăn thua gì, tôi có thể đi cả ngày… Đại loại những câu coi thường như thế cũng sẽ có trở ngại trong những đoạn tiếp đường tiếp theo. Đấy là điều kiêng kỵ khi leo Phan mà kinh nghiệm của những anh PôtTơ kể lại.
          Dọc đường hành trình chinh phục Phan chúng tôi còn có một người bạn đồng hành rất đặc biệt đó là chú chó Milu của các pôttơ đi cùng. Cũng lạ chú chó trên đỉnh núi này sao mà khôn đến vậy! Lúc thì đi trước lúc lại tụt lại sau cùng, luôn luôn như người bạn đầy trách nhiệm. Khi có ai tụt lại bên đường nó đến bên hít hít như kiểu động viên, hãy cố lên! rồi lại chạy về phía trước đoàn, xủa nhặng xị báo hiệu còn người phía sau. Không biết người ta có huấn luyện cho nó bao lâu mà sao lại có tình cảm như vậy! Hay trên núi cao mù sương này tự phát sinh ra thứ tình cảm thân thiện. Người và vật dựa vào nhau trước cái khắc nhiệt của thiên nhiên. Thật sự MiLu là một Pôt Tơ cừ khôi mà chúng tôi được gặp.
          Càng lên cao không khí càng loãng lượng ô xy trong không khí càng thiếu điều đó càng không phù hợp với những người có tiền sử các bệnh về tim mạch huyết áp. Thạc sĩ văn học Nguyên Sơn là người có căn bệnh huyết áp cao, tôi có tiền sử huyết áp thấp chính vì vậy mà Nhà văn Đoàn Hữu Nam đã trở thành một bác sĩ cho chuyến đi. Cứ sau một tiếng lại lấy đồng hồ đo huyết áp cho mọi người, trong tư thế chuẩn bị uống thuốc. Họa sĩ Hoàn Thiện người cao tuổi nhất đoàn là đối tượng yếu nhất nhưng anh lại tỏ ra rất sung, luôn luôn bền bỉ dẻo dai theo kiểu chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ.
            Lên độ cao 2400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay đã nắm được mây, cảm giác như bay bổng chốn bồng lai. Đến độ cao 2500m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng trong xanh. Gió thổi càng mạnh làm cho thảm thực vật phái dán mình vào đá. Chúng tôi đi dọc theo dông núi ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Con đường nhỏ hẹp dẫn ngược lên trời xanh hai bên vực sâu hun hút. Nhích từng mét một có những đoạn dốc ngược đến 85 độ người ta phải làm sẵn cái thang bằng sắt để cho du khách bám vào đấy mà leo lên. Vách đá treo leo chỉ sơ sảy là có thể rơi xuống vực sâu, ai nấy đều tập chung ý chí và quyết tâm.
          Phủ kín mặt đất là trúc lùn ken kín dầy đặc chúng như muốn tựa vào nhau để chống chọi với gió lạnh. Tuy mệt nhọc nhưng chúng tôi lúc giải lao vẫn luôn có những bàn luận về sinh thái Hoàng Liên nhiều khi gay gắt, người bảo, tên là trúc lùn người lại bảo, gọi là trúc phất trần, người nói, gọi là trúc là được. Rồi cái lý của ai cũng đúng cả. Những bụi trúc thấp khoảng 25-30 cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên… Đất xương xẩu trơ đá gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá, nhưng những cây hoàng liên vẫn vươn lên miệt mài.

Hùng sơn và niềm tự hào...
 Theo các nhà khoa học thì cả khu vực tây bắc cách đây khoảng 660 triệu năm trước là vùng biển. Sau 3 kỳ vận động tạo sơn, mãi đến thời kỳ tân kiến tạo cách ngày nay trên 100 triệu năm, Hoàng Liên đột ngột nhô lên thành một dãy trùng điệp. Với chiều dài 280 Km từ Phòng Thổ đến giáp Hoà Bình gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Phăng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất vẫn là đỉnh núi thiêng Phan Si Păng. Cả khối là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ.
Chúng tôi dừng chân tại trạm điểm cao 2 800 m trời đã nhuôm vàng trong hoang hôn. Cuộc hành trình một ngày kết thúc, các Pốt Tơ đã chuẩn bị lều trại xong và đang nổi lửa chuẩn bị cho bữa ăn tối. Qua một ngày vật lộn với đèo dốc các thành viên ai nấy đã thấm mệt bởi khí hậu thay đổi đột ngột suốt dông núi là danh giới giữa hai luồng khí áp. Bên Lai Châu khí nóng tràn về, bên Lào Cai khí lạnh của gió mùa tràn qua, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ cộng với cường độ gió mạnh làm tiêu hao sức lực nếu ai không có sự chuẩn bị chú ý đến áo ấm rất dễ bị cảm lạnh.
Bưa cơm tối chúng tôi ngồi trong chiếc lều bạt cao chừng một mét. Cứ ngồi lom khom mà thưởng thức bữa ăn trên đỉnh cao 2800m. Các thành viên đã bật đèn phin để nhòm thức ăn mà gắp. Tôi cũng chuẩn bị một đèn khá hiện đại, loại đèn siêu sáng này chỉ to bằng ngón tay cái, do anh bạn lớn láng giềng Trung Quốc sản xuất, những vật dụng rất đỗi bình thường nhưng khi leo núi rất cần thiết. Có được sự chuẩn bị kỹ là do tôi đã tham khảo các thành viên leo núi trên mạng. Bữa cơm tôi ăn trong cảnh nhập nhoạng và gió giật nhưng ai lấy đều vui. Ngoài trảng đất trống trước lều các Pôt tơ đã đang nổi lửa, cơm nước xong, tất cả các thành viên vây quanh đống lửa nhẩy múa hát ca. Trong trập trùng núi non, mênh mông đất trời. Trăng cuối tuần đã nhô cao, bầu trời lung linh các vì sao. Nhưng có lẽ ở trên cao này ánh trăng, sao hình như sáng hơn, lung linh hơn rất nhiều. Có cảm tưởng như con người đang bay vào vũ trụ bao la.
Càng về đêm gió thổi càng mạnh. Nhiệt độ bất ngờ tụt xuống dưới 5 0c rồi 2oC. Gió như vũ bão quăng quật chiếc lều bạt cả đêm. Song do một ngày xả sức mệt nhọc cho chặng đường, do ngấm men rượu thóc Thanh Kim và cả cái túi ngủ ấm áp của Công ty du lịch, đã làm chúng tôi quên rét, quên gió. Năm giờ sáng trưởng đoàn leo núi đã thông báo đoàn dậy đón bình minh. Quả thật nếu ai rốn ngủ dậy muộn thì thật là tiếc vì qua cơ hội ngắm quả cầu lửa chui  lên từ bồng bênh sương trắng. Mặc giá rét các tay máy đua nhau tìm cho mình góc độ riêng. Ai nấy cũng tranh thủ lưu vào ống kính những khoảnh khắc hiếm hoi.
Đỉnh Pan Si Pang cao 3 143m
Ăn sáng xong, chúng tôi tiếp tục hành trình về đích nơi cột đá chống trời. Đoạn đường này tuy ngắn nhưng cực kỳ gian nan. Độ dốc càng lên càng cao, càng hiểm trở. Lượng ô xy trong không khí càng loãng, cảm giác hụt hơi khó thở. Gió thổi vào vách đá rít ào ào, mọi người rạt mình bám vào vách núi mà tiến. Pốt tơ Vàng A Páo gùi trên lưng 30 – 40 cân hàng nặng nề hơn vì phải mang thêm đồ dùng của các vị khách đã yếu sức. Song vẫn thấy bước chân thoăn thoắt, không có vẻ gì là mệt nhọc. Dường như đôi chân ấy đã quá quen thuộc. Páo tâm sự “ Mỗi tháng bình quân cũng phải 15 chuyến leo Pan, nhiều dịp đông khách hết đoàn này đến đoàn khác có khi cả tháng không về nhà”. Tôi nói vui “vậy Páo không nhớ vợ sao? “ Nhớ chứ nhưng việc mà, mình có ba con đang đi học…” Câu nói rất giản dị, mộc mạc, thân thương. Đúng, vì cuộc sống, vì những lo toan trăn trở gia đình mà những chang trai như Páo họ đã có một nghề sinh nhai cực nhọc. Thử hỏi có nghề nào cực nhọc hơn! Trong lúc nghỉ giải lao Páo bứt chiếc lá đưa lên thổi. Tiếng kèn lá dắt díu vọng vào không gian, bay bổng tan loãng theo gió ngàn. Phải chăng như lời tâm sự với đại ngàn của những người sống trên đá.

  Đoàn chúng tôi cần mẫn nhích từng mét một, ai cũng ước ao sớm được đặt tay lên chóp nhọn thiêng liêng 3 143 m trước. Khi Nguyễn Trung kiên dừng lại chỉ cây gây lên khối đá sừng sững trước mặt và reo lên: “Bên kia khôi đá, đỉnh Pan Si Păng đấy” Mọi người ào lên. Mọi cảm giác mệt nhọc bỗng dưng tan biến. Chúng tôi ôm nhau trong hạnh phúc, nước mắt như muốn tuôn trào. Cờ tổ quốc đã được chúng tôi chuẩn bị từ trước tung bay trong gió. Không ai, bảo ai từ tâm thức bật lên lời bài quốc ca hùng tráng, âm vang trong niềm xúc động. Đứng nhìn bốn phía đất trời, mênh mông. Tổ quốc mình đây.
 Khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những tảng đá tựa chiếc bàn, đỉnh Phan Si Păng! Tiếng địa phương gọi “Hua - Si – Pan” nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Pan Si Păng cao ngất, vời vợi giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vây. Bao ước ao, nay tận tay đặt tây lên chóp nhọn kiêu hùng mà lòng vẫn như mơ. Cuộc hành trình chinh phục Phan, có thể đúc rút lại bằng mấy từ: Cực khổ, cực gian nan, cực sướng, cực tự hào và cực hạnh phúc.  Phan Si Păng mãi mãi là hùng sơn quyến rũ linh thiêng.
Vẫn đó cõi đá, cõi người kiên gan bám trụ. Vẫn đó sừng sững vời vợi, cột đá chống trời - Phan Xi Păng đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.
                                                                                  C.T
                        



          

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến