Nghiêm Lương ThànhTản văn May mắn qua được Lục thập hoa giáp thứ nhất của đời người, bước sang U70, khúc đầu của Lục thập hoa giáp thứ hai, trong lòng không khỏi vân vi bồi hồi. Vượt qua được khúc U70 này đã là lớp người xưa nay hiếm. Ngoảnh đi ngoảnh lại, nếu Giời chưa gọi đến, mươi mười lăm năm rồi sẽ lại như lá thu bay vèo . Điều này không phải là không nghiêm trọng. Thời gian như gã vô tình, không biết cảm thông, cũng chẳng biết chờ đợi ai bao giờ. Nhưng nghĩ thêm, lại thấy gã cũng có cái lý của gã: Cõi trần ai này vốn nhiều “ai” lắm; có cảnh quan cần nhưng dân chẳng vội, cũng có cảnh dân cần nhưng quan cứ thũng thẵng à ơi. Và dù thời gian có nhã ý nấn ná, chờ cho pháp quan tỉnh rượu thì, than ôi, các loại má đào và má không đào của thảo dân đã sưng đến mức không thể sưng hơn được nữa. Thời gian làm việc độc lập, không lệ thuộc vào thế lực nào, kể cả Đức chúa trời, đấng tối thượng có ba ngôi: Cha, Con và Thánh thần.
Chẳng thua Phương Tây, Phương Đông cũng có Ông Trời trị vì Thiên quốc và cử con trai của mình xuống trị vì Thiên hạ. Vì thế, hoàng đế cũng có ba ngôi: Con Trời, Phụ mẫu và công bộc thiên hạ. Thảo dân là hồn cốt của thiên hạ. Thảo dân có hai ngôi: Dân và Trời. Và quan lại là hạng trung gian giữa vua và thảo dân, là công cụ trung chuyển vạn sự giữa dân và vua nên chỉ được hai ngôi: Phụ mẫu và công bộc vùng hoặc ngành. Loại vua quan dốt nát, không có chí lớn, không biết chăm lo cho bản thân, thường nhất quyết bảo thủ ở một ngôi Công bộc. Cho đến nay, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia giàu mạnh bậc nhất, nhưng cũng đứng đầu về số lượng tổng thống sau mãn nhiệm phải sống trong cảnh nghèo túng eo sèo.
*
Với phần lớn những người nhận lương từ tiền đóng thuế của dân, năm đầu của U70 là thời mốc quan trọng, đánh dấu sự kết thúc một đời cống hiến ráo riết quyết liệt cho dân cho nước, đó là sự về hưu; về hưu trong tâm thế những tưởng phóng túng tự tại nhưng rồi vẫn chịu sự kiểm soát của luật lượng đổi chất đổi. Tất nhiên, về và đi là hai trạng thái có bản chất ngược nhau, ngược như công năng của xẻng và cuốc vậy. Bởi thế, chữ về nghe nhạt, nhạt vị, thậm chí hết vị. Trong văn phạm, hết vị là cấp so sánh tuyệt đối. Vậy mà, dù trong lòng vô cùng kính Phật – “Nguồn ban phát hào phóng phúc lộc thọ khang ninh vô biên vô tận” - chữ đi trong thành ngữ Đi Tây Trúc, được mặc định là về bên Phật, lại được số đông chúng sinh nghĩ đến như sự gì đó vô cùng thê lương, cô hàn và tê tái. Xem ra, trong nhân gian, đây là chuyện đại kỵ; trong câu chuyện tâm tình, hễ có ai vô tình nhắc tới liền bị người thân nghiêm mặt chấn chỉnh: Phỉ phui cái mồm! - Có thể chúng ta được sinh ra để trở thành những kẻ duy linh nghèo khó về đức tin. Cũng có thể chúng ta được sinh ra để mà duy vật ... duy duy vật, đầu óc không ngừng săm soi hướng ngoại và lúc về già, khi nhận ra vị đời đuểnh đoảng, chẳng khác nước lã ao bèo là bao, mới chớm tiệm ngộ cơ trời, rồi luôn mồm sâu sắc tâm tình cùng bạn bè rằng Đời là bể khổ, rằng sống chỉ là gửi tạm, còn thác mới là về hẳn. Liệu có nên nghi ngờ tính chân thực của những chúng sinh luôn ao ước được về bên Phật sau khi kết thúc nhiệm kỳ cực chẳng đã ở nơi bể khổ? - Nếu Bể khổ là hệ quy chiếu hỗn phức đa chiều thì kiếp phận của chúng sinh thật mỏng. Trong cái hệ quy chiếu ấy, phàm là vật mỏng đều chỉ có hai mặt: Mặt phải, mặt trái. Phải và trái là những quan niệm mềm, mở và khá tào lao; lâu lâu thấy nhàm chán, máu tinh quái nổi lên, chúng lại rủ nhau chơi trò tập tầm vông cho đỡ buồn. Cầm sổ hưu trí. Cơ quan đặt tiệc liên hoan. Bạn hữu, đồng nghiệp nhớn bé hồ hởi bắt tay mừng cho đã hạ cánh an toàn. Lưu luyến. Cảm động. Vui. Là vậy, mà sao vẫn thấy chưa thật hoàn toàn. Thời còn U50, U60 vẫn hiểu tân thành ngữ hạ cánh an toàn là chỉ sự về hưu, chỉ nghe thoảng qua, không để ý gì. Giờ nghe lời chúc dành cho mình, chợt thấy hai chữ an toàn tựa một cái thở phào, như lưỡi dao cùn cứa vào nội tạng. Còn cái gọi là hạ cánh, cũng khiến tâm tư không khỏi bộn lên cảm giác bất xứng, tựa như kẻ đang mang trên cằm một thứ râu cấy ghép. Những người ở dưới đất chỉ có thể trồng lúa, trồng hoa, nấu rượu, đánh giặc giữ Nước, hát giao duyên và sinh ra những anh hùng; chỉ có thể ngồi xuống, chui xuống chứ lấy đâu ra độ cao tầm cao mà nói đến chuyện liệng chao và hạ cánh? – Liền hiểu ra công chức thời này là một nghề bay bổng, lãng mạn nhưng khó nhọc và đầy hung hiểm; không đủ trí, khuyết chất dũng, thiếu tâm hồn văn vần, sao dám liều mạng đảm đương? - Tư chất không hội đủ những thứ ấy, qua được an toàn mới là lạ; bạn bè, đồng nghiệp mừng cho là phải, quá phải, quá quá phải. Và, ha ha, chợt nhận ra mình thuộc típ người sinh ra để hưởng thụ thái bình, là Chung Nhi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bể đời vốn mênh mông may rủi, thiện ác vô thường; có thể vì thế mà từ xưa lắm, các bậc tiên nhân, dù đã được hậu bối kính cẩn xếp vào hàng cổ lai hy tiên sinh mọi nhẽ, đã thấy ai dám khoe mình lành lặn sáng láng? - Danh nhân còn đang sinh động tại thế, đã thấy ai khinh xuất, dám đem tên các ngài kẻ biển đặt tên phố? Về hưu là từ trạng thái máy đang chạy ở chế độ có tải chuyển sang chế độ không tải; không tải nhưng vẫn chạy, vẫn chạy mà đã được phủ bạt, phủ bạt để cất vào kho tạm bảo quản chờ ngày tuất toán. Về hưu là thần thánh uy nghiêm khốc liệt đầy mình bụi phủ nhện chăng, bị đám “con nhang đệ tử” bạc bẽo lảng lờ những sự hương khói phẩm oản, phủ phục xít xoa mớ bái, cầu này xin nọ; là Sao Việt “hàng họ” rực “hot”, cá tính đầy mình, bị nhà đài báo chí chín chắn thôi nhắc tới, bị oan uổng tách khỏi đám công chúng nhẹ dạ và tràn đầy các nỗi niềm đam mê tâm đắc tâm huyết. Nhẹ bẫng, chơi vơi, chân chưa kịp bén đất mà đầu đã vời vợi xa trời, chung chiêng chới với chẳng đâu vào đâu nên đốc ra những chứng giận dỗi, bực dọc, cắm cảu không có căn cứ khoa học. Không đến công sở làm việc nữa. Ở nhà, vợ thấy suốt ngày lẩn thẩn vào ra, nhớ nhung bồi hồi, ưu tư phiền muộn, mới thương cảm nói lời tao khang: Ông à, chịu khó ra chỗ lĩnh lương hưu, gặp gỡ, giao lưu với các cụ cũng vui lắm đấy. Lời khuyên, biết là chân thành thương mến, nhưng nghe mà thấy đau, đau thấu huyệt bách hội; thế là lòng tự trọng tự tôn tự tin thoắt biến thái ra lửa tự ái tự ti tự vệ bốc bùng phừng phực; đã há miệng chực vặc ra mấy lời ... nhưng rồi lại nhăn mặt lắc đầu, phẩy tay rảo bước, huỳnh huỵch về buồng, đóng cửa đánh rầm, kéo ghế cái roạc, ngồi đực mặt thất thần như gã vô tư vô hồn. Lúc định thần lại được, nhận ra mình đang hổn hển, trân trối nhìn vào bộ Tam Đa pơ mu sạch bóng đặt trên cái kệ gỗ phía trước mặt. Điều này, chưa từng nghe bậc hưu trí nào nói ra, nhưng cứ suy từ bản thân, thấy đó không phải là trạng thái tâm lý tích cực, nhưng lại vô cùng tốt đẹp cho cái sự tiến bộ của một xã hội vốn đã là cỗ xe hơi long lanh ọp ẹp, bị đốc thúc cho vọt nhanh về phía trước bằng cách xoăy ngang bàn chân phải, cùng lúc, đạp hết hành trình cả chân ga lẫn chân phanh. Phi ẩu đả bất thành phu phụ; vợ chồng không cãi nhau chút đỉnh, đố tìm đâu ra hạnh phúc. Xã hội không có mâu thuẫn là cơ thể mất khả năng đề kháng. Mâu thuẫn là bản tính của tự nhiên, là cái gốc, là liều thuốc phóng của các loại phát triển và tiến bộ xã hội. Chủ động tạo ra mâu thuẫn và đưa chúng vào thực tiễn cuộc sống là thuộc tính của những trí tuệ siêu phàm-siêu siêu phàm, độc lập với thiên lý, độc thủ trong giang hồ và độc chiêu trong học thuật.
*
Có câu chuyện tôi được nghe từ một người bạn học ở Liên Xô về kể lại: “Một cậu bé mới có em bé. Phần lớn sự quan tâm của cha mẹ đối với cậu liền bị chuyển sang đứa em. Cậu buồn. Cậu tủi thân. Tại sao vậy? Cậu nghĩ, nghĩ mãi, không trả lời được và hỏi mẹ: “Mẹ ơi, em bé từ đâu tới?”. Mẹ cậu mỉm cười hiền hậu: “Con cò đem tới và đặt ở vườn cải nhà mình”. Hôm sau, khi từ phòng khách trở vào cho con bú, người mẹ không thấy em bé đâu. Cả nhà hoảng hốt, nháo nhác đi tìm. Mãi sau nghe tiếng khóc của em bé ngoài vườn cải mới ra tìm bế vào nhà. Bố hỏi cả nhà: Sao lại thế? - Cậu bé xịu mặt, trả lời: Con muốn đem em bé trả lại cho con cò!”. Bất mãn đấy mà. Quả thật, ở trẻ thơ, điều gì cũng ngộ nghĩnh đáng yêu. Lớp người cũ về hưu lại có lớp mới lớn thay thế. Tre già đã có măng mọc. Tre chưa già măng cũng vẫn cứ mọc. Thiên nhiên bảo thủ giao duyên có mùa, con người năng động hôn sự quanh năm. Trước đây, măng chỉ mọc trong mùa sấm giông khắc nghiệt. Măng ngày nay chóng cao, tre lớp sau thường có đốt dài hơn, thân lớn hơn và mỏng hơn tre lớp trước. Lớp mới tràn đầy sinh lực như mặt trời ló rạng đằng Đông, khác gì “Nhật xuất lôi môn”, nội lực tiềm năng trên cả mức không thiếu. Biết vậy nhưng vẫn rất giận khi nghe nói có một người nước ngoài đã đưa ra nhận xét: Lớp trẻ ở Việt Nam ngày nay còn già nhanh hơn cả lớp già. Có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”; hừ, nói như vậy, chả hóa xứ ta đã bạc phúc rồi ư? – Đích thị là luận điệu xấu xa nham hiểm của bọn diễn biến hòa bình. Bố láo, bố láo, thậm bố láo! Tầm bậy, tầm bậy, thậm tầm bậy! - Bất cứ người Việt bình thường nào, một khi bắt gặp cái gã phát ngôn thiếu trong sáng ấy, thì, chắc chắn, chắc chắn như một lời thề thốt, sẽ lôi hắn xềnh xệch về nhà mình, ấn hắn ngồi xuống ghế, trước cái ti vi, bắt xem một hồi, hẳn hắn sẽ sáng mắt ra ngay bởi thực tế là lớp trẻ của chúng ta khắp nơi đã và đang rất nô nức, say sưa mê mải tham gia trực tiếp trên sân khấu hoặc gián tiếp tại gia bằng cách cổ vũ chay trước máy thu hình và xuất ý bình chọn với tần suất cuồng nhiệt, thông qua dịch vụ nhắn tin giá rẻ của VNPT, cho rất nhiều những sự kiện văn hóa lành mạnh trẻ trung tươi sáng. Không cần phải nhăn mặt, vỗ trán, thoáng qua cũng có thể kể ra: Thi Vietnam’s Next Top Model, Thi Sao Mai điểm hẹn, Thi Vietnam Idol, Thi Vietnam’s got Talent, Thi Bước nhảy hoàn vũ, Thi Cặp đôi hoàn hảo, ... Đó là còn chưa kể đến các chương trình khác: Song ca với thần tượng, Hãy chọn giá đúng, Vào bếp với người nổi tiếng, Sao Online, Duyên dáng Hà Thành, Tìm kiếm nữ sinh trong mơ, ... rồi các cuộc Thi hoa hậu các cấp, thậm chí hiện nay đã vươn ra đến cấp Hoàn vũ. Sau khi xem, chắc chắn, không thể khác được, hắn sẽ phải tự giác nhận tội trước Trung ương đoàn thanh niên có trụ sở đóng ở Hà Nội xanh sạch đẹp. Nếu muốn nói về cái sự già, làm ơn cứ phê thẳng thắn vào lớp U70. U70 mới thực là già, già không thể biện minh, già không cần chứng minh, già đến nỗi an vui nhàn lão chẳng muốn, không dưng lại rỗi hơi xía vào những việc xã hội không đến lân mình, tay trần vơ lửa tự bỏ túi ngực, bức xúc không đâu về ba cái chuyện phổ thông phổ cập vặt vãnh không ai không biết. Những nạn sự như tham nhũng, đất đai, phạm pháp, đức trí quan chức, bất công xã hội, phong trào mua bán những thứ phi hàng hóa, xã hội màu, chủ quyền biển đảo ... Quốc hội, Chính phủ, Đài báo nào có phải không biết, đã nói tới nói lui mãi rồi thôi? - Đến nước ấy, thử hỏi, các cụ còn thời gian đâu mà hưởng ứng Vietnam’s Got Talent hay những thứ tươi trẻ huy hoàng lành mạnh khác? Nhưng ... nói đi thì cũng phải nói lại, nghe tai phải cũng đừng quên tai trái, chứ, nói có một chiều thì vị nhạt tênh, chóng ngấy; nghe có một tai thì lâu ngày cổ ngoẹo vai lệch, xấu dáng lắm. Minh bạch nhé: Cánh U70 giở lên ngó bộ đều phều phào phèo phượt, có muốn trẻ trung tươi tắn, có muốn dào dạt tâm hồn mà đăng ký tham gia vào các hoạt động văn hóa lành mạnh sôi động kia thì liệu có Ban tổ chức nào người ta chịu nhận hồ sơ cho không? - Bởi vậy, do đó, hóa cho nên dù tuổi cao chí thấp, quên quên nhớ nhớ, tâm lực bất tương, lớp U70 vẫn luôn tuyệt đối yêu quý, tin tưởng và tự hào về lớp trẻ của mình. Sẽ không bao giờ có chuyện đem trói nghiến những người trẻ tuổi lại, khiêng ra các vườn cải cho cái lũ cò bay lả bay la kia chúng tha đi đâu thì tha. Nhưng việc các Ban tổ chức kia không nhận hồ sơ đăng ký tham gia các cuộc thi và các chương trình nói trên hoàn toàn không có nghĩa là U70 đã hết “cửa”. Thì đây, mùa hè năm 2004 tôi và một người bạn học thời phổ thông rủ nhau đi tìm một người bạn cũ ở Nha Trang. Trên đường đi, cậu lái xe cho người bạn của tôi vui vẻ tâm sự rằng cậu thường rất quan tâm, thông cảm với lớp già cha chú. Một lần, cao hứng thế nào, nghĩ thương bố vợ cảnh “cô nhạn lạc quần”, suốt ngày vò võ bên xấp báo chí đụng hàng xanh đỏ, nên đánh bạo mời cụ đi hát Karaoke. Ơn Trời, thế mà cụ đi thật. Mà vui nhé. Tâm tư thoải mái, bãi bỏ câu nệ, chẳng ai làm khách, trẻ già cùng bay bổng thiên nhiên. Lúc ra cửa chàng rể nhận thấy trong ánh mắt của cụ nét ưu tư đã chuyển sang sắc thái ưu việt và tâm hồn U70 ấy dường như đang đâm chồi nẩy lộc mùa xuân vĩnh hằng. Khi ngồi trong taxi, nhân tâm trạng đang dào dạt phóng túng, cụ nhạc bèn cởi mở với chàng rể quý, bố chỉ có hai điều muốn nói với con: Thứ nhất, đừng bao giờ để vợ con phải thiếu tiền tiêu; thứ hai, bao giờ đi hát thì nhớ ... đón bố đi cùng. Ha. Há ... tuyệt ! Một trẻ, một già. Hay là một trẻ và một ... vẫn còn trẻ? Nghe chuyện, tự dưng lại nhớ đến một bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến, làm khi đã không còn trẻ, có liên quan tới một cô đầu hát tên Lựu mà cụ rất ưng ý:
Năm xưa Lựu muốn lấy ông Ông chê Lựu bé, Lựu không biết gì. Năm nay Lựu đã đến thì Ông muốn lấy Lựu, Lựu chê ông già. Ông già thì mặc ông già Những trò nhí nhắt ông ma bằng mười.
Nghịch ngợm vốn là đặc tính của những người trẻ tuổi thông minh. Đặc tính này, xét về cấp độ, nếu so sánh với cụ Nguyễn, theo đó, có lẽ phải nhân với hệ số 0,1 ?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét