Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Chó phố


              
                 Tản văn
          Của Mã A Lềnh

     Mấy nay chẳng viết được gì. Ghi mấy cái tít rồi mà ý tứ vẫn mắc nghẹn như mương nước bị rác chẹn ứ, như đường máu bị mỡ đọng tắc. Bí bách quá, mang Giả Bình Ao ra đọc. Một lèo xong mấy cái truyện ngắn. Đến phần tản văn, có cái đọc một hồi. Có cái đọc nửa chừng thấy nhạt thếch, phải bỏ. Lại bật máy lên định viết cái gì đó mà ngôn từ còn mải rong chơi xa tít tận đẩu tận đâu, gọi mãi không về. Vẫn nhớ hồi nhỏ ở làng quê, mỗi chiều tối, bác
gái cất tiếng gọi rộn núi rừng “à...zi...zống...” là con lợn sề và đàn con dù đi chơi xa mấy cũng hùng hục chạy về, cong đuôi lên vui vẻ sục mõm vào máng gỗ mà vỗ plộp plạp một cách ngon lành. Cám chỉ có rau rừng trộn trấu mịn, hòa thêm nước luộc gạo đỏ chắt ra. Đám gà, vịt cũng xông tới tranh nhau với đàn lợn, ăn cho đến kỳ liếm sạch máng. Thế mà đằng này gọi mãi, những con chữ cứ ngủ khì không chịu trở dậy, đi chơi xa không chịu về. Đột nhiên tiếng chó sủa nhằng xói vào tim óc. Đã bí bách, lại càng bực bội. Chả là người ta xích những hai con chó ngay phía sau nhà mình.

     Đó là ngôi trường cấp I K.Đ. Sau khi xây xong trường học, bắt đầu xuất hiện mấy con chó. Khi thì buổi đêm, khi thì buổi sớm, là những lúc cơn buồn ngủ đến, hoặc lúc đang giấc sây nồng, chó sủa nhặng xị lên. Nó cứ sủa thế thôi. Loài chó phố ấy mà. Không như chó nuôi ở quê chỉ sủa khi có người lạ, khi có cầy, cáo rình bắt gà, hoặc cả khi chỉ sủa bóng trăng. Liên hồi tiếng chó sủa xói vào tim óc. Đứng trên hiên sau nhìn xuống. Chó xích ngay bờ rào giáp nhà mình. Một đoạn xích sắt dài khoảng mét rưỡi, đầu kia cột lên cao, nên chó cứ xoay vần một chỗ và sủa, sủa, sủa mãi cho đến khi bọn trẻ ồn ào tới trường. Không thể hiểu nổi người ta nuôi chó, xích chó để làm gì. Hẳn mục đích người ta nuôi chó là để sủa trêu ngươi mình, không cho mình ngủ, không cho mình viết. Có thế thôi ! Trẻ đi học gần nhà, nhưng vẫn phải đóng góp để ăn bữa trưa. Sau bữa ăn của lũ trẻ, lại thấy một người đàn ông mang cơm đến cho chó xích ngay sau nhà vệ sinh, giáp bờ rào. Khoảng hai năm nay rồi chó vẫn xích một chỗ đó chỉ để sủa trêu ngươi mình.

     Một lần có việc, phải đến nhà bí thư chi bộ tổ dân phố. Nhà đóng cửa im lìm. Sát ngay cửa có một con chó già nằm gác mõm lên hai chân trước. Con chó lừ lừ nhìn. Mình tiến lại gần, toan thò tay bấm chuông thì con chó già xồ ra gừ một tiếng. Thôi, việc dù có cấp bách thì cũng đành phải để lúc khác !

     Một lần đến chơi nhà một người bạn đã lâu lâu không gặp. Có ý đồ hẳn hoi để xem bạn sống thế nào, sức khỏe ra sao, đã chuẩn bị tinh thần nghỉ hưu chưa. Nhà bạn xây như một cái tổ tò vò, kín như bưng, cao ngất nghễu nghện mấy tầng mây, đã vào nhà là chỉ có ánh sáng điện, mà lại dùng điện tiết kiệm, nên ánh sáng lúc nào cũng lờ mờ. Có thể tính cách anh bạn cũng lờ mờ nên cái gì cũng lờ mờ. Muốn đến phòng khách, phải bước lên mấy bậc. Cửa hé mở. Vừa đặt chân lên bậc đá đầu tiên, bạn chẳng thấy, chỉ thấy một con chó xồm nhe răng ra cùng với giọng gừ gừ già nua đe dọa đầy sự khinh bỉ. Thôi ! Vội quay xe phóng thẳng. Con chó xồm to tổ bố ấy mà chồm thẳng vào mình từ trên cao thì chỉ có nát bét mặt. Đã từng trông thấy người bị gấu vồ rồi. Và đã từng vật nhau với chó ngày còn bé.

     Xửa xưa ấy, một buổi sớm dậy, thấy bố vắng nhà. Hỏi người lớn. Biết bố đi có việc sang nhà hàng xóm bên kia núi. Chạy theo bố. Con chó nhà cạnh đường nhảy xổ ra, đè nghiến thằng bé xuống, răng nhe ra chỉ chực xé cổ họng. Không phải tay vừa, thằng bé ráng sức xiết chặt cổ con chó, hai ngón tay cái chọc thật mạnh vào giữa cổ họng nó, khiến nó nghẹt thở, kêu lên ằng ặc, rồi buông thằng bé ra, chạy bổ về nhà. Thằng bé phủi đất, đứng dậy. Thấy bọn người nhà túm tụm ngoài hiên, trố mắt nhìn thằng bé với con chó vật nhau. Bị xúc phạm, vừa xấu hổ, vừa căm tức, thằng bé bưng cả một đống cứt trâu tươi tung roạt xuống ngôi nhà. Chưa hả, biết được tính con chó hay đuổi theo người, một lần thằng bé mang theo một cục đá có dáng hình khúc xương đến nhử. Con chó đuổi theo đến chỗ khuất. Thằng bé ném  cục đá lại. Con chó liền ngoạm lấy. Thế là kêu ăng ẳng nhặng xị lên. Chắc là nó đã bị gẫy răng. Nó vẫn chưa chết. Một lần cũng nhử như thế. Con chó đuổi sát gót chân. Bất thần, thằng bé rút cây gậy gỗ nặng như sắt lia một phát quét trúng cả bốn chân. Nó què lê què lết rũ xuống mương nước. Nó vẫn không chết. Lần này thằng bé nướng một miếng thịt mỡ thật thơm, nướng một quả mướp thật nóng, rồi chạy sang trêu con chó. Con chó hung hăng chạy ra đuổi. Thằng bé bỏ miếng thịt ra cầm tay. Chó ngửi thấy mùi thịt, càng đuổi riết. Đến chỗ trống, thằng bé vứt quả mướp nướng ra. Chó tưởng thịt, ngoạm liền, và liền kêu ré như bị chọc tiết. Từ bấy giờ tịnh không thấy tăm hơi con chó hung hăng ấy nữa.

    

     Một lần vào một hàng ăn. Thấy con chó to lù lù như sư tử nằm lim dim ở cửa. Vào ngồi bàn. Một cô gái đến biên món. Chỉ gọi vài món đạm bạc. Nghe thấy mâm gian trong đang ồn ào những lời phỉnh nịnh, tâng bốc một kẻ vừa hói vừa lùn nào đó. Chẳng hiểu sao con chó sư tử lại lừ lừ chui vào gầm bàn mình, nằm ệch xuống. Đuổi thì sợ cắn. Liền nghĩ ra kế. Gọi thêm vài món đầy ú nữa rồi lẳng lặng đứng dậy ra ngoài chuẩn bị tót lên xe. Chủ quán mắt xanh mỏ đỏ gọi lại đòi tiền. Vẫy chủ quán lại gần, rút cả nắm tiền trong túi quần ra : “Chào cô em ! Cô em xinh thật là xinh. Người ở đâu ra mà bây giờ mới được nhìn thấy ?” Nghe lời khen nịnh, chủ quán toét miệng đỏ hỏn, môi dày tòe ra như môi trâu nước. “Dạ ! Em mở hàng đây lâu rồi mà. Nhiều xếp vẫn đến ăn quán em !”. “Bởi tớ không phải xếp, nên tớ trót vào nhầm chỗ. Tớ chỉ là thứ dân, còn gọi là thảo dân. Này, cô em có con chó đẹp quá ! Nó có dữ không ?”. “Dạ ! Giống chó Bắc Hà đấy ạ ! Quý lắm đấy ạ ! Nhưng sao bác vội thế, gọi món rồi mà bỏ à ?”. “Thế này nhá ! Tớ đã gọi món, thì tớ trả tiền. Nhưng khi nào cô em đuổi hết chó đi, thì tớ sẽ ăn !” . “Bác khó tính quá ! Chó á, em còn mấy con nữa cơ ! Làm hàng thì phải có chó chứ !” Dám chắc rằng chủ quán nói vô tình thôi.

     Chuyện về chó phố vui đáo để. Người ta nuôi chó không phải để giữ nhà như ở quê, mà cốt chỉ là làm cảnh. Và khối người phố nuôi chó cảnh theo thói hợm nhà giàu chơi ngông.

     Xóm phố mình có một nhà nuôi những hai con chó bông. Chắc là giống chó bé xíu, lùn tịt này có xuất xứ từ Nhựt Bổn, nên người ta gọi là chó Nhật chăng. Nuôi giống chó này, nghe nói phải chăm bẵm lắm, chăm hơn cả chăm đứa trẻ lười ăn. Thế nhưng hai con chó này hôi mù, lông bết lại như lông nhím, lông rủ trùm hết cả mắt. Thế mà có một con đi tơ với một con chó Bắc Hà nhá ! Kỳ lạ thật đấy ! Con chó bông thè lè cái lưỡi đỏ hỏn ra. Lúc sau, con chó đực Bắc Hà to cao như ngựa con kéo lê con chó bông lùn tịt, bé xíu như con dúi trên hè phố diễu cho mọi người xem. Ai cũng lé mắt nhìn mà giả vờ như không thèm nhìn. Con chó bông cứ tru lên căng căng vì bị kéo sệt trên nền xi măng thô ráp của hè phố cho đến khi khuất vào một cái ngõ chẳng biết bao lâu sau mới tuột ra.

     Ngày xưa, tức là khoảng đầu thập kỷ bảy mươi, khi đó cơ chế hợp tác xã làm theo kẻng, ăn công điểm còn đang ngự trị, chó điên chẳng thấy đâu, vì chó có gì ăn đâu mà điên, nhưng người ta vẫn ban ra một cái lệnh quái ác : Tiêu diệt hết chó ! Nhà nào còn nuôi chó là bị tịch thu sổ gạo, bị cúp điện, dân quân tốn một viên đạn bắn chó thì chủ chó phải bồi thường năm cân gạo... làm cho nhà nhà nháo nhào lên một phen. Cuối thập kỷ bảy mươi và đầu thập kỷ tám mươi, chạy loạn xuống T.Y., đến trú nhờ một xí nghiệp quân sự, giặc đâu chẳng thấy, lại thấy lệnh tiêu diệt chó, lại một phen nháo nhào hớt ha hớt hải. Chưa thấy dân quân đi lùng sục. Chỉ thấy các cô giáo rì rầm tố nhau sau lưng để hại nhau. Chao ôi ! Phát giác ra người còn nuôi chó giấu giếm, mặt mũi vênh vang lắm, bỗng nhiên cao to lừng lững hẳn lên, oai phong lẫm liệt hẳn ra.

     Nay lại thấy nhơ nhớ, tiêng tiếc cái lệnh diệt chó hồi xưa ấy. Đời sống sung túc rồi, ăn sung mặc sướng rồi, nhà cao cửa rộng rồi, nên cũng thi nhau nuôi chó, nào chó Nhật, chó Bắc Hà, chó bẹc-jê, chó ta, chó kiến, chó tre (tựa như gà tre ấy mà), và vố khối chó lai tạp lung tung linh tinh lang tang. Trọc phú học làm sang, nuôi chó làm cảnh nên cứ việc thả rổng chạy nhông nhông ngoài đường để chúng mặc sức cắn nhau chí chóe, mặc sức kéo dằng kéo dây nhau.

     Nhà tổ trưởng dân phố nọ nuôi những hai con, chắc là được biếu, vì ông chồng làm to lắm, không biết là giống bẹc-jê hay giống Bắc Hà, vì hai giống chó này to cao lừng lững như nhau. Nhà bầy một quầy hàng tạp hóa chắn ngang cửa chính. Khách đến mua hàng, đầu tiên là gặp hai con chó ra chào, hai cái đầu nhô hẳn khỏi mặt quầy, bốn chân trước đặt lên mặt kính, lưỡi thè lè ra, sủa giọng ồm ồm làm khách mất cả hồn vía, lại còn phả hơI nóng thối hoắc vào mặt khách nữa chứ.. Tổ trưởng triệu tập họp dân. Dân đến nhà tổ trưởng, tự tay mở cửa. Con chó chồm tới tức thì. Chó cũng cao lớn như người, choán hết cả cửa. Khi nghe tổ trưởng phổ biến chủ trương này, chính sách kia, chó liền tham gia ý kiến trước: Gâu gâu ! Gừ ! Gâu gâu ! Gừ !

     Nhà một đồng chí cán bộ nuôi một con chó cái trắng. Chẳng biết nó phát rồ hay phát cuồng, chiều hôm ấy bỗng dưng nó lao bổ như tên bắn ra đường, bất ngờ quay ngoắt lao vào các nhà, rúc xó xỉnh, gầm giường giây lát, rồi lại lao bổ đi. Đồng chí chủ chó đỏ mặt tía tai đuổi theo mà không sao bắt được. Mấy hôm sau, con chó chết sùi bọt mõm. Người ta bàn tán, nhất là các vị vô công rỗi nghề, theo ngôn từ tân thời là buôn dưa lê có rất nhiều thì giờ bàn luận, người rằng chó điên, người tỏ vẻ thông thái thì cho rằng “nó đến kỳ đến tuổi mà bị giam hãm, tất thì hóa rồ, có người cũng mắc chứng bệnh đó !”

     Và cứ sáng nào cũng như sáng nào, các bô lão đi bộ, đi tập dưỡng sinh, tập thể dục, vẫn thấy một cô bé mặc váy cũn cỡn, tuổi độ mười lăm, mười sáu, dắt một con chó đực to đùng to đoành tới lạch cỏ giữa đàng mà làm vệ sinh. Nhìn thấy chó cái, tự dưng nó... lòi ra một mẩu nhòn nhọn đỏ hỏn dưới bụng.

     Chó phố tất phải thế ! Luật lệ chẳng có giá trị gì với chúng cả ! Và cũng chẳng có luật lệ gì để can dự, bảo vệ chó phố. Thích thì nuôi chơi. Hợm thì nuôi nấng chăm bẵm. Không thích nữa thì... hé hé hé... nhắm rượu !

14 - 15 / 02 / 2004


                             

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến