Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Cao nguyên trắng - Văn và người


               Đoàn Hữu Nam
Nhân đọc tập bút ký Cao nguyên trắng của nhà văn Mã A Lềnh

Đọc tập bút ký Cao nguyên trắng của nhà văn Mã A Lềnh tôi chợt nhớ tới chuyện cố Chàng Nù Giáo của dân tộc Mông. Trong truyện cổ có một chàng trai tên Nù Giáo thông minh, điềm đạm. Chàng dẫn mẹ đi tìm bố, hai mẹ con gặp sông sâu sóng cả, bà mẹ hoang mang lo lắng song chàng trai vẫn điềm tĩnh tìm một cây nứa dóng dài, óng chặt xuống, khoét rỗng một dóng làm một cái điếu ục to tướng, tra thuốc xòe lửa rít ba điếu đến lõm má,
thả khói um cả góc rừng rồi mới từ tốn rút cung, tra tên bắn một phát qua sông, sông sâu bỗng cạn, hai mẹ con ung dung dắt nhau qua. Cái tính cách  của người đàn ông họ Mã đam mê văn chương này cũng hao hao như vậy. Ông như người leo núi, cứ thũng thẵng bước một, bước một, đằng trước là gập gềnh của núi hay thẳm sâu của vực cũng chỉ là thử thách. Anh ta tự tin ở mình, ở túi tên thần kỳ đeo bên hông và cái đích đang bước tới. Anh ta bước đi, không mộng du, huyễn hoặc, không trần trụi, nhức nhối, mỗi dòng chữ là một nét phác họa đầy nhân bản về con người, vùng đất miền biên viễn xa xôi.
Gần 50 trang viết trong Cao nguyên trắng, nếu nói về hình thức và số lượng thì quá ư nhẹ đồng cân so với cái rừng sách muôn màu muôn vẻ hiện nay, song sự chứa đựng thông tin, cái tâm, cái tình của tác gải gửi gắm vào cuốn sách thì không nhẹ chút nào. Những trang viết đầy tâm huyết đã dẫn chúng ta thâm nhập, khám phá khá sâu vào miền quê núi đầy hấp dẫn. Từ những suy nghĩ khi trời đất giao mùa ở vùng quê đến nỗi niềm của người dân vùng cao với sự đổi thay của một bản người Mông chênh vênh, heo hút lưng chừng núi. Từ cái ngỡ ngàng về một xóm Hoàng Liên đến nét hoa văn còn nguyên bản sắc dân tộc trên váy áo người xuống chợ. Từ sự nảy nở, sinh sôi của một vùng đất cái rạo rực của người trở về làm ăn, gây dựng ở nơi chôn rau cắt rốn của mình, mới đan xen cổ, truyền thống đan xen hiện đại. Với lối kể chuyện chân thực, thoải mái, đọc xong từng chuyện ta có cảm tưởng như được ngồi bên bếp lửa bập bùng ở vùng cao. Một cái điếu ục chuyền tay. Một chén rượu xoay vòng. Một người đi nhiều, biết nhiều chậm rãi rít thuốc, chậm rãi kể với mọi người điều anh ta gặp ở dọc đường và những suy ngẫm của anh ta. Xong mỗi chuyện anh ngừng lời, mắt đăm đăm vào bếp lửa để mỗi người tự khám phá, suy nghĩ theo cách của mình và chờ đợi cái giọng trầm trầm, ấm áp cất lên. Cứ như thế đêm dài của vùng cao dường như ngắn lại. Cứ như thế con người xích lại gần nhau hơn. Đây là giọng kể riêng và là thế mạnh của nhà văn họ Mã. Ký thời sự là thể loại khó. Những số liệu trần trụi như bộ khung xương, nếu tâm, không tình, không giàu ngôn từ, vốn sống thì làm sao bồi đắp cho đỏ da thắm thịt được.
Mã A Lềnh là nhà văn dân tộc bắt nhịp được với văn học hiện đại. Chú bé người Mông tạm biệt vùng thung Chải – sa Pa heo hút quanh năm mây phủ khoác túi ra con đường lớn, nhập học ở trường phổ thông nội trú Lào Cai. Hành trang của chú, ngoài khăn áo, mèn mén  còn có cả một tuổi thơ múa khèn, thổi sáo, đánh quay, đánh én, đắm mình trong thiên nhiên hoang dã và những chuyện cổ tích ông bà kể thâu đêm suốt sáng. Đi học chữ, học làm thầy rồi theo đuổi nghiệp văn chương, cái hành trang ấu thơ ấy được nuôi dưỡng và lớn cùng năm tháng. Mỗi trang viết của anh thường được pha chế nhuần nhuyễn quá khứ và hiện tại, tạo nên một phong cách khá độc đáo. Đọc Cao nguyên trắng ta còn cảm nhận được sự cần mẫn của tác giả. Trong mỗi trang viết là cái tôi sờ thấy, bắt gặp, cùng chia sẻ. cách nhìn nhận, tiếp cận ấy khiến cách kể của anh hấp dẫn. Với Cao nguyên trắng, chưa phải là bức tranh toàn cảnh song tác giả đã giới thiệu khá hấp dẫn về vùng đất, con người miền Tây Bắc nguyên sơ và sôi động.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến