Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Mênh mang đất trời Ý Tý


           !



                                  
           Bút ký của Công Thế
Những vách núi đá dựng đứng cao chất ngất, những vực sâu thăm thẳm, tút hút đến rợn người. Dòng sông mây bồng bềnh trôi từ phía cây cầu Thiên Sinh bỗng chốc như vỡ òa, cuồn cuộn bao trùm  cả bản làng, rừng núi. Những nếp nhà trình tường hình nấm chơi vơi trong sương lúc ẩn, lúc hiện, những thiếu nữ  người Hà Nhì gùi những bó củi cao hơn đầu người, lặng lẽ, thấp thoáng đi trong màn mây. Tất cả đất trời Y Tý cứ mênh mang huyền ảo đến lạ kỳ…

- Ối giời ơi sướng quá,  được như thế thì gì bằng,cảm ơn, cám ơn!

Đấy là câu thốt lên của tôi khi nhận được điên thoại của thiếu tá Bùi Việt Long cán bộ phòng chính tri bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Tỉnh Lào Cai. Nhã ý mời tôi lên Y Tý kết hợp cùng đoàn phóng viên báo VTC NewS dưới Hà Nội, lên thăm và chúc tết các chiến sĩ đồn biên phòng 273 đóng trên địa bàn xã Y Tý - Bát Xát - Lào Cai.
Kể con người cũng lạ, sướng khổ, vui buồn cứ lấy ông trời ra mà kêu. Nghĩ lại thấy buồn cười vì câu trả lời tắp lự của mình. Đến Y Tý là ước ao của tôi mặc dù đã đến rồi lại muốn đến, vì lần nào đến Y Tý tôi cũng vội vội  vàng vàng, ào ào như ngựa phi trên thảo nguyên, chẳng kịp ngắm nghía tìm hiểu được là mấy.
Đoàn chúng tôi xuất phát tại Thành phố Lào Cai từ khi những ngọn đèn đường còn vàng vọt trong sương sớm. Trời cuối năm rét ngọt, nên giấc ngủ của phố phường miền biên ải cũng rốn muộn, lác đác mấy bà, mấy chị thồ rau đi chợ.
 Sau một hồi trò truyện xen trong lúc rôm rả có những khoảng trống lặng, mỗi người một suy tư cho riêng mình. Năm nay thời tiết ấm hơn mọi năm, đã đến ngày ông Công, ông Táo thăng thiên, vậy mà trời đất cứ nóng ran ran. Nghe nói do ảnh hưởng hiện tượng En Ni Nô trái đất đang nóng lên, dấu hiệu của biến đổi khí hậu, dự báo hạn hán sẽ gay gắt. Đấy, mới đầu mùa khô mà nước sông Hồng đã tụt xuống mức kỷ lục. Tôi vẩn vơ nghĩ có phải do En ni nô hay do rừng đầu nguồn suy kiệt, môi trường bị xâm hại, hay do... nhiều, nhiều nguyên nhân lắm…
Đất nước ta tự hào có nền văn minh lúa nước. Cây lúa đang ngôi độc tôn. Năm 2010 Việt Nam ta xuất khẩu đạt được con số kỷ lục: 7,2 triệu tấn gạo. Chúng ta không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn là một trong nhóm nước bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Nghĩ mà thấy tự hào con dân đất Việt và lại khâm phục các anh hai lúa miền tây đã biết nghiêng đồng đổ nước ra biển chống lụt cứu lúa, nâng giấc chăt chiu từng hạt ngọc thực. Vậy mà hạn hán thì gay go to. Nhà nông cái khoản nhất thì nhì thục ai chả biết, mà nước ngọt lại xếp hàng đầu. Đang miên man trong những suy tưởng, xe đã đến ngã ba trung tâm Bản Vược. Theo kế hoạch chúng tôi xuống tranh thủ điểm tâm sáng và mua vài thứ cần thiết cho chuyến leo núi Y Tý. Ông chủ quán còn lèn ngoèn cặp mắt ngái ngủ thấy chúng tôi,  ông xăng xái hẳn lên đon đả mời chào, còn bà vợ ông nở nụ cười phấn khởi, lật đật sắp xếp, lau chùi bàn nghế.
Từ Bản Vược lên Y Tý có hai cách đi theo hai vòng cung khép kín. Qua Mường Vi, Bản Xèo, Mường Hum, Sảng Ma Sáo, Dền Sáng đến Y Tý, hoặc men theo sông Hồng đến Trịnh Tường, A Mu Sung rồi gặp suối Lũng Pô xanh biếc cũng là dòng nước phân đinh đường biên thì ngược A Lù, Ngài Thầu rồi đến Y Tý. Hướng nào đến Y Tý cũng đầy những hấp dẫn thú vị đầy những phám phá nhiều điều mới lạ và cũng không kém phần thử thách.
 Chúng tôi tạm biệt ông bà chủ quán tiếp tục lên đường. Khi xe chuyển bánh bà chủ quán còn dặn với.
-  Mai các bác về cho chúng  em một cành đào chơi tết nhé! 
Chúng tôi hứa lấy lệ cho phải nhẽ. Nếu so sánh đào Y Tý với đào ở Sa Pa, Bắc Hà và các nơi vùng Tây Bắc, thì đào Y Tý đứng hạng nhất, xếp vào hàng mỹ nhân, siêu đẳng.  Nụ to, cánh hoa dầy, sắc thắm, lộc xanh nõn, thân cành mấp bụ, rêu phong cổ kính. Cái thú chơi hoa của người thành thị bây giờ sành điệu kiểu chi lạ, càng tự nhiên rêu phong càng quý. Song thiết nghĩ kiểu chơi ngông nghênh phang cả cây, đào cả rễ như hủy diệt như mấy năm vừa qua thì một vài năm nữa liệu Y Tý, Sa Pa và núi rừng Tây Bắc xuân về có còn bóng dáng của hoa đào nữa không? Tôi đang miên man về chuyện hoa đào thì choàng tỉnh bởi đoạn đường đèo qua dốc chín quai cổng trời sang Mường Hum đá hộc lổng chổng. Chiếc xe U Oát chở chúng tôi sản xuất từ thập niên 80 của thế kỷ trước cứ hộc lên gầm gừ, lái xe phải sang số lên ga liên tục. Thiếu tá Việt Long nói như thể chấn an các nhà báo Hà Nội lần đầu lên Y Tý.
-Tuy đường có xuống cấp khó đi nhưng như thế này vẫn còn hạnh phúc hơn ngày xưa lắm lắm!
Rồi anh kể những câu chuyện về bao nỗi gian truân vất vả của người lính Biên Phòng canh giữ từng tất đất thiêng liêng nơi phên dậu của Tổ Quốc. Những khó khăn thiếu thốn, những hiểm nguy khi đối mặt với kẻ xấu. Câu chuyện cứ trải dài, lõm bõm cũng gập ngềnh theo con đường về Y Tý.
Y Tý tức Y Dy, theo tiếng đia phương giải nghĩa là mảnh đất nắng mưa bất chợt hoặc mảnh nương mưa dầm ít nắng. Người ta thường gọi là Xứ Mưa. Từ năm 2001 con đường được nhà nước đầu tư cắt rừng, vượt non nối từ Mường Hum lên đã đưa Y Tý ra khỏi đia danh ốc đảo bao đời nay.  Con đường ấm no hạnh phúc đã làm thay đổi diện mạo Y Tý. Đã kéo Y Tý gần hơn với miền xuôi. Cũng từ đó nhiều người biết đến Y Tý và về với Y Tý nhiều hơn để được ngắm được thưởng ngoạn phong cảnh nơi mảnh đất chênh vênh vách đá và dải biên cương hùng vĩ. Cũng như để được hiểu, được sẻ chia hơi ấm với Xứ Mưa này nhiều hơn.
 Xã có 15 thôn bản, 742 hộ, 4203 nhân khẩu trong đó người Hà Nhì chiếm tỷ lệ hơn 80% còn lại là người Hmông và Dao. Nói đến Y Tý là nói đến cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam, trong tổng số 20 nghìn người sinh sống chủ yếu ở ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai, thì người Hà Nhì ở Y Tý là điển hình. Phong tục tập quán nét văn hóa đặc sắc còn giữ được nguyên vẹn nếp cổ xưa. Nghe nói cách đây khoảng 300 năm người Hà Nhì và một số các dân tộc khác ở phía nam Trung Quốc do nhiều yếu tố khác nhau đã về đây sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này. Họ mang theo bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình và cả cách làm căn nhà trình tường bằng đất độc đáo chỉ có ở người Hà Nhì Y Tý. Nghe đâu bà con áp dụng “ Công nghệ” trình tường từ thời nhà Minh xây thành Trường An bên Trung Quốc.
Trong cuộc trường chinh mưu sinh khắc khổ để chống chọi với thiên nhiên khắc nhiệt, đã làm lên bản chất người Hà Nhì. Họ lập lên làng bản, luật tục để duy trì cộng đồng, biết giữ gìn bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng, họ coi rừng là báu vật là đấng thần linh thiêng liêng, cha truyền cho con, con truyền cho cháu đời đời phải bảo vệ. Vậy lên rừng Y Tý cứ xanh thêm, rông thêm. Một năm người Hà Nhì có đến tám cái tết đều bắt đầu từ ngày thìn, nhưng tết tháng ba, tết cúng rừng vẫn là huyền bí linh thiêng nhất. Đã là rừng cấm thì không ai được vào làm điều gì bậy bạ, ô uế gian tà, kể cả cây khô, cành mục không ai được lấy, vi phạm sẽ bị làng phạt nặng, đó là luật tục. Từ đó tôi hiểu được tại sao rừng Y Tý xanh tốt thế, minh chứng khu rừng già nguyên sinh mà hồi sáng được đại úy Hạng Xuân Chung chính trị viên phó của đồn biên phòng 273 đẫn chúng tôi đi thăm. Đúng là rừng già nguyên sinh “thứ thiệt”. Tôi đã từng lặn lội rừng Trường Sơn và đại ngàn Tây Nguyên nhưng chưa gặp khu rừng nào nguyên sinh cổ đại đến như vậy.  Trên độ cao hơn hai ngàn mét cả khu rừng trong màn sương giăng mờ ảo. Những cây cổ thụ rêu phong đủ các loai hoa, dây leo, đeo bám. Ta có cảm giác như đi ngược vào miền cổ tích, đến chốn thần tiên của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Dưới tán rừng là bạt ngàn nương thảo quả, đây là cây đặc sản quý dùng làm dược liệu và hương liệu. Giống thảo dược này chỉ sống được dưới tán rừng già có độ cao trên ngàn mét. Từ sản vật đã giúp ba con xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ giầu lên, điều đó càng nói nên rừng gắn bó máu thịt với người dân biết nhường nào.
 Xã có 146,5 héc ta thảo quả với năng suất đạt 307kg trên 1 hec ta. Tôi nhẩm tính sản lượng lên đến 44 975.5 kg theo giá thị trường thì số tiền thu về gần bốn tỷ bạc một năm. Đấy là những con số dự phỏng thế còn tuy theo từng năm. Ngoài thảo quả còn có lúa. Đất trời chênh vênh là thế, vậy mà người Y Tý vẫn cần cù đội sương gió, vạc núi, san đồi bắc nước làm ruộng bậc thang, với 288,7 héc ta năng suất bình quân cũng không kém vùng thấp là mấy: 47,5tạ/ ha. Trên núi cao bà con bắt cây ngô vươn cờ đẻ bắp, cùng với khoai lang, khoai tây, đao riềng, cây lạc, cây chè cứ đua nhau phát triển. Đặc biệt cây dược liệu xuyên khung rất phù hợp với môi trường khí hậu nơi đây, đang được bà con quan tâm phát triển. Nghe nói còn dự án liên doanh với nước bạn, đưa cây sâm cao ly từ xứ xở Kim Chi về trồng. Dự án này mà thực hiện thì Y Tý sẽ thế nào nhỉ? Trở thành vùng đất vàng.  Nhìn tổng thể phát triển kinh tế của Y Tý có những lợi thế đặc thù riêng.
 Cái quan trọng là sự định hướng của lãnh đạo chính quyền đúng xát với thực tế và chính bản thân những người dân hiền lành chân chất Y Tý biết tận dụng những lợi thế để bứt phá thoát nghèo và làm giầu. Ông phó chủ tịch xã Tráng A Lù nói như khoe : Tết này bà con nhân dân vui cái bụng lắm một năm được mùa, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch giao. Toàn xã tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn năm ngoái 14,2% rồi ông kể những vùng chuyên canh cây thảo quả giỏi như thôn Hồng Ngài, Sín Chải, những gia đình làm kinh tế giỏi thu nhập cao như Vàng A Dủ, Vàng A Chu, Phu Do Xê … mỗi năm thu nhập từ 1,5 đến 2,0 tấn thảo quả. Tráng A Lù, Tráng A phu.. mỗi năm 4 đến 5 tấn lúa có nhà thu đến 7 tấn. Nghe cái giọng lơ lớ chân thật, mộc mạc của ông sao mà thấy thân thương gần gũi thế.  Lại được nghe  ông Trang A Vù cán bộ văn hóa xã nói về chuyện học hành của con em Y Tý thấy mà vui. Cảnh các cô giáo mang kẹo đến từng nhà vận động các cháu đến lớp đã dần đi xa. 1098 em được cắp sách đến trường đạt 100%. Chị Lý Thó Chu tâm sự:  “Bây giời bà con mong cho các cháu học cái chữ hơn mong nương thảo quả được mùa …” Từ sự chăm lo ấy Y Tý đã có năm sinh viên đang theo học các trường đại học. Lý Thó Chụ, Lý Thó Xa sư phạm Tây Bắc, Lý Giờ Gụ kinh tế quốc dân Hà Nội, Trang Phó Phía mỹ thuật Hưng Yên, Trang Thị Hoa sư phạm Hà Nội. Những hạt giống đó là những hạt giống đỏ sẽ gieo mầm xanh tốt lên đất trời Y Tý. Các em là những ngọn lửa bùng cháy lên những ước mơ thay đổi cuộc sống nghèo nàn lạc hậu. Rồi còn bao nhiêu chuyện vui, chưa vui, cả những thuận lợi và khó khăn cứ trải dài trong tôi.
    Một ngày cuối năm sắp qua mau, trên khắp nương đồi những cành đào đã khoe sắc thắm, mua xuân đang tràn ngập các bản làng. Trong các ngôi nhà trình tường bếp lửa hồng đang bừng bừng reo vui, ánh sáng điện đã lan tỏa. Trong tôi nhen lên bao điều ước. Ước sao những cô giáo cắm bản kia đã chịu đựng bao thiếu thốn, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho vùng cao. Các cô là những anh hùng gieo chữ trên non, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Ước được nhiều lần lên gặp gỡ  hiểu hơn với những chiễn sĩ biên phòng ngày đêm canh giữ đất trời phên dậu tổ quốc mãi mãi thanh bình…Ước ao cũng là khát vọng. Y Tý ngày càng phát triển đổi mới song vẫn gìn giữ và phát huy được bẳn sắc văn hóa đặc sắc của mình.
          





         

                                  C.T
                                                          

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến