Thạch Mã
“Cao nguyên trắng” là tên đề một bài bút ký nổi tiếng của một tác giả gạo cội địa phương
nói về màu trắng hoa mận quyện hòa với sương mây thiên nhiên trong lành dịu mát
của vùng đất có độ cao 900m so với mực nước biển, trong đó có công lao của kỹ sư
nông nghiệp Vũ Đức Lợi đã lặn lội tận Hoành Bồ - Quảng Ninh tìm kiếm giống mận
tam hoa về làm giàu cho người dân. Bài bút ký được công bố trên các phương tiện
truyền thông ngay sau khi cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và ông Cư Hòa Vần - cựu
Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc TƯ lên
(Viết nhân 85 năm báo chí CMVN - 21/6/2010)
thăm Bắc Hà và Sin Ma Cai (từ chuẩn danh) vào thời
Lào Cai mới tái lập cuối những năm thế kỷ XX. Dần dần “cao nguyên trắng” trở thành
mỹ danh mà nhiều người không biết có từ đâu. Nhưng đến nay, đầu những năm thế kỷ
XXI “Cao nguyên trắng” đã dần biến đổi ý nghĩa.
Thứ nhất: Thôi thì cái chợ xây
dở hiện đại, dở thô sơ đã có phần tu chỉnh, nhưng đầu tiên những người yêu vùng
đất “Cao nguyên trắng” cảm nhận được ngay cái sự bê tông hóa, mặt đường chật hẹp,
hè đường chật hẹp không đủ chỗ trồng cây xanh khiến du khách từng đi nhiều nơi
coi chưa bằng khuôn thị tứ.
Thứ hai: Khi xây dựng trụ sở UBND huyện trong cụm công
quyền gồm Huyện ủy, UBND kết nối với tòa dinh thự cổ, ngay bên ta-luy người ta đã
vội nhét thêm vài ngôi nhà của mấy vị quan chức như những chiếc đinh nghễu nghện
chọc vào mắt du khách thay vì một hàng cây xanh cổ thụ hoặc bức tượng đậm tính
thẩm mỹ, chí ít thì cũng là bức tường phù điêu tạo cho không gian một vẻ hiền hòa,
ấy là chưa nói đến công trình tu tạo dinh thự với màu sơn chói chang lóa mắt.
Thứ ba: Sân vận động mang tên 3 - 2 vốn là một cánh đồng của người dân Na Hối nếu
đổ một cơn mưa rào thì chắc hẳn sẽ biến thành một cái ao tù cho ếch nhái và con
trẻ đằm lội. Thôi thì từ người thiết kế, người phê duyệt cho đến người hưởng lợi
cứ mặc nhiên chấp nhận, nhưng con đường dành cho đua ngựa được tổ chức hầu như
mỗi năm một lần chủ yếu mua vui cho người dân hiếu kỳ là hỏng hoàn toàn. Con đường
khép kín một vành đai bao quanh khi mới xây được lát bằng gạch nung cứng thì ngựa
nào dám chạy; rồi sau đường lát gạch được bửa ra và thay bằng láng xi măng cát,
thì khác gì lát gạch đỏ trong khi nòi ngựa cỏ bắt ra đua chỉ là ngựa thồ, mà ngựa
thồ thì chỉ chọn đường đất để đặt vó xuống. Cái đường đua ngựa được xây tạo như
thế có thể vì nhà chủ trương cũng như nhà thiết kế chỉ quen ngồi xe con, chưa từng
biết cưỡi ngựa, huống chi là thuần luyện ngựa; thế nên hầu như cuộc hô hào giải
đua ngựa nào cũng có kỵ sĩ bị ngã do ngựa bất bình với đường đua mà cố tình hất
cái thằng chủ ngu dốt ngồi trên lưng xuống.
Nhãn tiền là năm nào đó mới tổ chức
đua thử thì đã có trường hợp ngựa không chịu chạy theo đường đua mà phi thẳng lên
ta-luy, hoặc ngã sõng soài giữa đường, và cuộc đua giải mở rộng có sự tham gia
của đoàn huyện Si Ma Cai và đoàn huyện Sín Mần ngày 19 tháng 6 - 2010 cũng có kỵ
mã hất kỵ sĩ xuống. Sau khi thăm khám, các nhà y kết luận chỉ đau ở phần mông mềm,
nhưng chắc chắn thêm vài tuổi nữa anh chàng kỵ sĩ kia sẽ bị gẫy gập lưng do di
chấn từ cuộc đua này. Hỏi một người dân sở tại, ông rằng thật đơn giản: Chỉ việc
thay cỏ vào đường đua là xong! Có lẽ đúng! Cỏ may, cỏ gấu chả thiếu, rễ dai, ăn
loang chằng chịt vào nhau. Được thế, hẳn các chú ngựa thồ sẽ nghển cao đầu cười
đắc chí biến thành kỵ mã, và các chàng trai nông dân vùng cao không thiếu lòng
quả cảm cũng liền hóa thành kỵ sĩ oai hùng. Thứ tư: Từng nghe nói quan chức Bắc
Hà rất thức thời với kinh tế du lịch, liền hy sinh mấy chục ha đất ruộng để xây
dựng một cái hồ sinh thái giữa lòng thị trấn. Nay mục sở thị, hóa ra không phải
xây hồ mà là mở rộng lòng suối. May sao cây cầu treo từ chợ văn hóa vắt sang Tả
Chải đã được thay thế bằng cầu cứng nhưng đường vào cầu vẫn là lối mòn lổn nhổn
đá, còn hồ thì tiết trời tháng 6 vẫn là mùa nắng nung, lòng suối nay là lòng hồ
lũng bũng vài vũng nước đọng, thế nên khởi công thì rầm rầm rộ rộ từ năm nảo năm
nào mà không có ngày khánh thành. Hỏi một đồng chí từng làm lãnh đạo huyện, được
biết rằng chủ trương xây hồ là có thật nhưng ở vị trí thượng nguồn con suối, đó
là hồ chứa nước cho toàn dân thị trấn du lịch mà kiến tạo địa chất Bắc Hà vốn là
vùng đá vôi chìm trong lòng đất nên là vùng khan hiếm nước. Hồ chứa nước thì phải
có đập ngăn suối và đương nhiên sẽ tạo cảnh quan sinh thái mang lại nhiều tiện ích
phục vụ đời sống con người. Thứ năm: Chuyện nhỏ thôi nhưng không thể vô cảm bỏ
qua. Du khách rẽ quốc lộ 70 vào đến cửa ngõ huyện lỵ, ở đó có hai ngôi trường học
gần nhau, một trường ghi biển là Tả Chải, một trường ghi biển là Tà Chải. Các
nhà giáo học chữ để dạy lại chữ cho học trò mà nghiễm nhiên viết sai lỗi chọc
thẳng vào mắt người thế thì chịu làm sao được. Thiết nghĩ chỉ cần một cử chỉ nhỏ:
Hỏi người bản địa một câu thôi! Nhỏ nhặt, vặt vãnh như thế mà lãnh đạo huyện bỏ
qua thì… suy ra sẽ bỏ qua bao thứ chuyện. Có nhiều căn cớ để trách cứ, nhưng có
lẽ một căn cớ chính là lãnh đạo được điều tới đứng chân một, hai nhiệm kỳ, tức
năm hoặc mười năm, thời gian ấy chỉ đủ lo nhanh một mảnh đất, một ngôi nhà, còn
những việc to lớn khác, được đến đâu, hay đến đấy, chẳng chết ai. Thế nên “Cao
nguyên trắng” giờ có thể phải thêm một từ “phớ” thành “Cao nguyên trắng phớ”.
T . M
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét