Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Ơi quê nắng Miền Trung…



Tuỳ bút của Lê Huy Quang - 15-05-2012 02:45:50 PM


Hà Nội khuya rồi vẫn oi oi nóng bức. Bất chợt, một cơn mưa đầu hè vào lúc tang tảng mở bình minh, đã làm dịu mát cả không gian và cả lòng người. Thành phố thức dậy, trong lành và bình yên. Chiếc xe ô tô đưa một tốp nhà báo và nghệ sĩ chúng tôi lên đường đi Quảng Nam - Đà Nẵng, chạy một mạch vào đến Thanh Hoá. Khi vừa qua Hàm Rồng vượt dòng sông Mã, một cô ca sĩ trẻ đã lĩnh xướng để tất cả mọi người trên xe cùng cất lên tiếng hát dàn đồng ca “ai vào Thanh Hoá… dô tá, dô tà”; chúng tôi ghé vào một quán nước dưới hàng dừa xanh che bóng mát. Đặc sản nem chua gói vuông chằn chặn của xứ Thanh không thua kém nem Phùng truyền thống Hà Nội; trái dừa xứ Thanh đầy nước ngọt lừ được cô chủ quán đưa ra chào mời cùng vị bia chai “Thanh Hoa” thời mở cửa, hội nhập. Ai đó ngâm nga một câu thơ trong  Màu tím hoa sim trữ tình và lãng mạn của thi sĩ Hữu Loan…  đúng vào lúc anh chàng lái xe vui tính gọi to - đi hơn về kém, mười giờ năm phút rồi, mời các anh các chị lên đường…

Vào đến thành phố Vinh lúc một giờ chiều, ăn bữa trưa qua quýt, chúng tôi đi luôn lên thăm quê hương Hồ Chủ tịch. Qua Hưng Nguyên - Thái Lão, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong ngày 12/9/1930 của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; đã thấy lối rẽ Nam Đàn. Dẫu không ít lần về thăm quê Bác, vậy mà lòng ai cũng xúc động; đúng vào những ngày lịch sử, cả nước tưng bừng chuẩn bị Kỷ niệm 122 năm Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2012). Trời cao trong xanh, nắng vàng rạng rỡ, mây trắng lửng lơ bay. Đã vài ba năm nay chưa có dịp trở lại quê Bác, tôi thật sự ngạc nhiên trước những đổi thay kỳ diệu của vùng đất nơi đây. Nhà ngói đã mọc lên san sát từ các xóm thôn, đường sá rộng rãi, phong quang; và điều đáng nói nhất là một không khí vui tươi, đầm ấm luôn hiện rõ trên nét mặt mỗi người dân. Đó là một Nam Đàn bình tĩnh nhưng hào hứng, sôi nổi, đa năng và cũng rất tự chủ trong những bước đi vững chắc của chính mình. Câu ca xưa “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” (vừa ra vẻ để khoe về “đặc sản”, nhưng lại vừa muốn nói lên một hiện thực là hai vùng đất nghèo nhất nhì xứ Nghệ này, quanh năm chỉ ăn nhút, ăn tương); như đã trở thành một kỷ niệm để ta càng tự hào với những gì mà hôm nay đã có. Tất nhiên bây giờ, tương Nam Đàn vẫn là đặc sản, mà ai ai khi về thăm quê Bác, đều thưởng thức một món ăn dân dã ngon lành là cá chép kho tương...  
Buổi tối, cả đoàn chúng tôi trở về Vinh, nghỉ qua đêm để sáng mai lại lên đường sớm. Vinh bây giờ đã là một thành phố lớn, với những quy hoạch tổng thể đẹp đẽ, sạch sẽ, bề thế, khang trang, đường sá rộng rãi, vỉa hè thoáng đãng và một nhịp sống hiện đại. Bên cạnh sự đầu tư có trọng điểm của nhà nước, với cơ chế thị trường, liên doanh, liên kết của xu thế hội nhập toàn cầu; là các công trình xây dựng của người dân mọc lên với một cuộc sống ngày càng ấm no, đẹp đẽ, đầy hứng khởi. Từ Quán Hành, Quán Bánh, Quán Bàu vào thẳng chợ Vinh hiện đại đông vui, sầm uất. Từ Cửa Lò, Cửa Hội vòng lên theo đê sông Lam, Hưng Thủy, Hưng Nguyên, Nam Đàn quê Bác. Từ chùa “Sư Nữ” duyên dáng, xinh xẻo, thanh bình khói hương; thẳng một vệt đại lộ chạy giữa thành Vinh xuống cầu Bến Thuỷ lừng lững, hoành tráng - nối Nghệ An với quê hương Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du của địa đầu Hà Tĩnh với 99 ngọn núi Hồng... Cũng vào những ngày chuyển nhịp vào đầu mùa hạ năm nay, đi giữa thành Vinh; ta bỗng thấy bình tâm đến lạ kỳ. Nghệ An đã trở thành trung tâm kinh tế địa đầu của miền Trung. Cùng với những ấn tượng ngày một trưởng thành về quy hoạch xây dựng đô thị, đầu tư các khu công nghiệp, cả trong cơ chế thị trường, hàng hóa, bán buôn... và cả trật tự an ninh với một xã hội ngày càng ổn định, đi lên; thì một ấn tượng tốt đẹp khác cũng đang hình thành trong tôi - đó là hình ảnh lớp trẻ nam nữ thanh niên thành Vinh trong cuộc sống đương đại. Họ xinh xắn hơn lên, đẹp đẽ hơn lên, khoẻ khoắn hơn lên, duyên dáng hơn lên; và điều quan trọng nhất là đã tự tin hơn lên trong những công việc mà họ đã và đang gánh vác; của một nhịp sống mới mẻ, lành mạnh, văn minh và công nghiệp. Mới thật thấm thía một thực tiễn đáng buồn đã và đang xẩy ra ở không ít địa phương trên đất nước ta - nhất là các đô thị lớn, trong xu thế hội nhập toàn cầu hôm nay - do chỉ coi trọng sự đầy đủ, giàu sang về của cải, vật chất, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ... nên đã tạo ra thói quen hưởng thụ, lười biếng, đơn điệu, mòn mỏi, nhàm chán - mà thiếu đi một  đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh của cộng đồng; vô tình làm cho lớp trẻ trở nên vô cảm, vô hồn, vật vờ và bệnh hoạn... thì chẳng phải là chúng ta đã thất bại trong công cuộc đổi mới hay sao…
Vì thế, cứ mỗi lần trở về quê hương Nghệ - Tĩnh, nơi sinh ra, lớn lên, rồi phải cách xa; và đã sống, làm việc ngót nửa thế kỷ tại Thủ đô Hà Nội; trong tôi bao giờ cũng có cảm giác như tự nhìn lại chính mình - những học hành, làm ăn, công việc, danh vọng, tiền bạc, đất đai, nhà cửa; những được thua, còn mất, vui buồn, ngọt ngào, cay đắng... đan xen giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một gã dân quê tự ném mình ra giữa chốn Thăng Long phồn hoa đô hội. Nhìn cầu Bến Thuỷ lừng lững vượt sóng Lam giang. Ngỡ như nghe “Xẩm đá đỏ” ngày nào vẫn vọng về từ Quỳ Châu rừng xanh núi thẳm. Thắp một nén tâm hương tưởng nhớ Nguyễn Công Trứ và Đại Thi hào Nguyễn Du - Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đứng trên một khách sạn cao tầng  nhìn toàn cảnh thành Vinh trong nắng mới mở hè lóa sáng. Lững thững thả bộ trong đêm bất chợt sương mù giăng giăng lãng đãng. Nghe một giọng hò ví dặm đậm đà, da diết -Giận thì giận, mà thương thì thương... Và rồi lại chợt buồn chợt nghĩ - Hình như, vùng đất xứ Nghệ địa linh nhân kiệt ta, thừa người, thừa đất, thừa sức, thừa đức, thừa tài; để tạo nên những nghiệp lớn cả về kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; cả về văn chương, nghệ thuật... cho vùng đất của mình. Nhưng, lại cũng hình như, xứ Nghệ ta cũng đang thiếu đi một điều gì đó, vừa cụ thể, lại vừa như vô hình; vừa dễ nói, lại vừa như khó nói - có vẻ như là cũ, là chậm, là cố hữu, là bảo thủ, là tự bằng lòng với chính mình... để làm cho Nghệ An, Hà Tĩnh có thể bay bổng lên được hay chăng? Vâng. Cứ mỗi lần về thăm quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nghệ An, tôi lại cứ ngẫm ngợi như thế - chẳng biết là đúng, hay sai - nhưng đó là gan ruột, cũng là cảm xúc đích thực của lòng mình, không biết giãi bày cùng ai?
Tạm biệt Nghệ An để lên đường vào Quảng Trị. Qua Tiên Điền, Nghi Xuân - Hà Tĩnh - quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và thi sĩ Nguyễn Công Trứ; ghé lên ngã ba Đồng Lộc thắp hương tưởng niệm mười cô gái thanh niên xung phong nằm yên nghỉ mà chiến công của họ sẽ để lại muôn đời. Qua Đèo Ngang, những vần thơ Bà Huyện Thanh Quan bỗng thức dậy buồn buồn vang vọng như thể bóng đã xế tà. Đến chân cầu Hiền Lương, con sông Bến Hải nhỏ bé, hiền lành trôi đã đi vào lịch sử dân tộc suốt hai mươi năm trời đất nước bị cắt chia. Chúng tôi rẽ vào thăm làng địa đạo Vĩnh Mốc, thuộc Vĩnh Thạnh, Vĩnh Linh - Quảng Trị. Đã qua 13 giờ chiều, trời vẫn nắng gắt. Nhìn xa về phía biển Cửa Tùng, những đồi vòng cung cát trắng mênh mông. Khi đi xuống lòng địa đạo, một không khí mát mẻ dễ chịu và man mác hơi nước nhẹ bay. Trong đoàn, có nhà báo đã từng chiến đấu tại đây, từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cũng có người chỉ nghe qua sách vở, báo chí; có người đã từng ghé thăm nhiều lần, nhưng háo hức nhất là mấy cô nghệ sĩ trẻ sinh ra sau năm 1975…  nhưng ai cũng tràn đầy xúc động khi nghĩ đến một giai đoạn lịch sử hào hùng của cả một dân tộc đã trải qua trên nửa thế kỷ.
Địa đạo Vĩnh Mốc là một công trình quân sự độc đáo trong hàng chục công trình lớn nhỏ của các làng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị hình thành từ những năm 1965 - 1966 trong thời kỳ đánh Mỹ; nay đã được xếp hạng di tích lịch sử - với hàng ngàn mét đường hầm xuyên sâu dưới lòng đất cùng hệ thống giao thông hào chiến đấu. Chính từ cuộc sống dưới lòng đất sâu thẳm này, đã có mười bảy cháu bé ra đời, và cũng từ đây, cả hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam để giữ vững đất thép Vĩnh Linh. Khi xuống sâu trong lòng địa đạo, những chiến sĩ du kích dũng cảm trẻ trung năm xưa - nay là những cựu chiến binh bước vào tuổi xưa nay hiếm - đã tâm sự với chúng tôi về cuộc sống của làng quê anh hùng này trong công cuộc đổi mới, hội nhập. Có một điều tưởng như là một nghịch lý - không ít miền quê dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - thì nay còn gặp không ít khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống thường nhật. Sự quan tâm thật sự thích đáng đến những vùng quê năm xưa này, trong cuộc sống hiện đại, bùng nổ của cơ chế kinh tế thị trường; thiết tưởng là một việc làm cấp bách trước mắt cũng như lâu dài sau này, để đền đáp lại một phần nhỏ sự hy sinh to lớn mà những người dân trên mảnh đất ấy đã cống hiến sức người, sức của hy sinh cả xương máu cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc…
Mới tờ mờ sáng, nghe gió biển từ Cửa Việt thổi về, con đường đất đỏ đi qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, qua những địa danh lịch sử Đường 9 - Nam Lào, đưa chúng tôi viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Nơi đây, có mười một nghìn ngôi mộ của các liệt sĩ ở hầu hết các vùng quê trong cả nước. Rừng cây và những vùng đồi yên tĩnh, màu xanh ngút ngàn, cây lá xào xạc hoà trong tiếng chim hót lảnh lót. Những nén tâm hương trầm thơm cháy đỏ, bay lên nhè nhẹ trong không gian nhoà nắng ban mai, như đón các hương hồn liệt sĩ linh thiêng bay về…  Tạm biệt Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi lên đường vào thành cổ Quảng Trị đúng vào giờ chính Ngọ. Tại Đài tưởng niệm, chúng tôi được nghe kể lại 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng tuyệt vời của quân và dân ta năm 1972; để đến hôm nay, khu thành cổ này đã trở thành một trung tâm văn hoá lịch sử, du lịch đón đồng bào cả nước và khách du lịch quốc tế thăm quan… Buổi tối, vào đến cố đô Huế cũng là lúc hai bờ dòng sông Hương đã bừng sáng ánh đèn , thấp thoáng những con thuyền xuôi ngược. Những hình ảnh cầu Tràng Tiền, núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ; rồi Bảo tàng Bác Hồ tại Huế; Nhà tưởng niệm chí sĩ Phan Bội Châu; quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Quảng Thọ, Quảng Điền; thôn Vĩ Dạ của thi sĩ tài danh Hàn Mặc Tử; Bảo tàng mỹ thuật, điêu khắc Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng… rồi những lăng tẩm, đền đài của vua quan Triều Nguyễn đã hiện lên trước mắt cũng như trong ý nghĩ theo dòng liên tưởng tùy theo tình cảm cá nhân của mỗi người. Tất cả, tất cả đã làm nên một mảnh đất cố đô đầy hấp dẫn - Huế trầm mặc, điềm tĩnh trong cơ chế thị trường theo một phong cách rất riêng của mình. Có lẽ, đó là đặc điểm một vùng đất trong nhịp sống của cả nước đi lên - “đất lề, quê thói” - âu cũng góp phần để bảo vệ, gìn giữ những bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Hôm sau, vào lúc rạng rỡ ánh bình minh từ phía cửa biển Thuận An dọi về, từ giã cố đô Huế, chúng tôi đi qua đường hầm đèo Hải Vân; đã thấy Đà Nẵng mờ mờ thức dậy trong nắng sớm. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say. Không biết câu ca đó có tự bao giờ, mà mỗi khi nhắc đến, ta lại thấy dậy lên một hương vị ngọt ngào, đằm thắm và hình ảnh Quảng Nam - Đà Nẵng “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, với những chiến công vang dội, lại như bản hùng ca bất tận mãi mãi vang lên trong tâm trí mỗi người. Và đến hôm nay, cho dù Quảng Nam đã tách khỏi Đà Nẵng, thì mảnh đất đó vẫn chỉ là một - trong tình cảm, trong lối sống, cả trong văn hoá - để cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng những vùng quê nghèo đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hòa chung vào công cuộc đổi của cả đất nước…
Đến xứ Quảng trong một sáng sang hè chói chang, ấm nóng. Từ thành phố Đà Nẵng tới Tam Kỳ (thủ phủ tỉnh Quảng Nam), một không khí lao động sôi nổi, khẩn trương, hào hứng và bộ mặt đổi thịt, thay da của những đô thị mới - với những đường phố đẹp đẽ, những công trình cầu, cảng hiện đại… chắc chắn, sẽ mở ra những triển vọng mới về mọi mặt vào mười năm thứ hai này của thế kỷ XXI. Cùng với những thay đổi to lớn về kinh tế, Quảng Nam - Đà Nẵng vốn là mảnh đất văn hoá nổi tiếng với Bảo tàng Chăm, khu phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, khu du lịch Bà Nà, Ngũ Hành Sơn… với làn điệu dân ca Bài Chòi đằm thắm, ngọt ngào, da diết và giọng hát Tuồng độc đáo; bao giờ cũng để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong cảm xúc của mỗi người khi đã chân bước tới đây; cũng như  luôn nhắc nhở mỗi người con của quê hương xứ Quảng - cho dẫu đi xa vẫn nhớ về nguồn cội - mảnh đất văn hoá, anh hùng soi bóng trên dòng sông Thu Bồn - dẫu còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng đã biết chuyển mình để đi lên phía trước…
Ơi miền Trung, quê nắng ngọt ngào... Chỉ mới từ xứ Thanh vào đến xứ Quảng - đã đẹp đẽ đến thế, đáng yêu đến thế, nghĩa tình đến thế; mặc dù  con người ở đây vẫn sống chung với thiên nhiên, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ; nhưng trong lòng tôi cứ đau đáu một ý nghĩ này - kể từ ngày đất nước ta hoàn toàn thống nhất (30/4/1975) đến nay đã tròn 37 năm; bão, lũ, thiên tai ngàn đời của cả miền Trung thì ai ai cũng biết. Vậy mà nhà nước ta vẫn chưa thực sự tìm ra được những biện pháp nào thật hiệu quả để quy hoạch một cách tổng thể, bền vững, lâu dài hệ thống thuỷ lợi, mương máng, hồ chứa nước, thuỷ điện, nhà ở, chăn nuôi, trồng trọt… để người dân miền Trung có thể chung sống một cách chủ động, an toàn, phù hợp với quy luật của thiên nhiên… Tránh tình trạng biết rồi, khổ lắm, nói mãi - năm nào cũng chạy lũ, chạy lụt, chạy bão; năm nào cũng thiệt hại hàng ngàn ngàn tỉ đồng; hàng trăm người chết, mất tích - để rồi cả nước lại chung lòng cứu trợ, lại “lá lành đùm lá rách”… nhưng nếu cứ “đùm bọc” nhau mãi như thế; thì liệu đến bao giờ, Việt Nam ta mới hiện đại hóa đất nước để năm 2020, đứng vào hàng ngũ các nước công nghiệp được đây? Ý nghĩ nhỏ này, cũng để kết thúc bài viết ngắn sau một chuyến đi - buồn vui trộn lẫn - nhưng trong lòng tôi, vẫn luôn nghĩ về quê nắng miền Trung quê cha, đất mẹ yêu dấu của mình!

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến