Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Quảng Trị - Bản giao hưởng bi hùng


 Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị. Nhắc đến mảnh đất này không ai là không nhớ đến mảnh đất kiên gan 81 ngày đêm giữ thành cổ của quân và dân ta. Bao hy sinh mất mát, bất khuất kiên cường cất lên khúc ca bi tráng . Và đây một bút ký  nói về vùng đất lửa Quảng Tri anh hùng. của Hoàng Việt Thắng mình thấy một bút ký có hồn đầy trách nhiệm của người cầm bút.

                                                                                                        C.T

Hoàng Việt Hằng - 28-04-2012 06:05:58 AM


VanVn.Net - Trở lại Quảng trị, tôi thấy mình như đi chênh vênh trên chiếc thắt lưng của bản đồ Tổ quốc hình chữ S.  Nếu sải chân ra bãi biển Cửa Tùng và biển Cửa Việt, hai bãi  biển cát trắng này chỉ cách nhau có 7 km. Ta sẽ gặp một không gian kỳ vĩ, thả sức cho người tản bộ, thả sức cho người thực hiện giấc mơ câu mực câu tôm trong những đêm trăng sáng.
Thành cổ Quảng Trị

Mùa này đang là mùa ngư dân đi biển săn cá chuồn cá song và cá cơm, làng biển đầy những nong phơi cá và mùi cá mặn mòi cứ lan ra khắp eo biển miền Trung. Sau những ngày quăng quật ngoài biển khơi, những người mẹ Quảng Trị  mặc áo dài nghiêm ngắn đến chùa cầu Phật, mong bình yên cho làng chài đầy cá, mong tĩnh tại trong lòng, dù  Quảng Trị đã trải qua 40 năm – lằn ranh một cuộc chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm. Không thể bóc đi tờ lịch đồng gắn lên Thành cổ, ngàn năm sau cũng  không thể xóa nhòa ký ức về chiến tranh. Hiện giờ là tháng tư năm 2012, sông Thạch Hãn nước đã trong, đôi bờ Hiền Lương, cầu Hiền Lương đã trở thành một  bảo tàng thiên nhiên nối bờ Bến Hải, không gian rất thanh bình. Rất nhiều du khách quốc tế dừng chân, có người mua áo phông in màu cờ đỏ Việt Nam trên ngực để đến chân cầu chụp ảnh rồi mới tiếp tục hành trình...  
Năm nay kỷ niệm 40 năm sự kiện Mùa hè đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị, miền đất kiêu hãnh và can đảm từng hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn mỗi ngày. Vẫn còn kia, không cần lật sang trang, 81 tờ bìa  lịch bằng đồng in xung quanh Thành cổ. Cỏ trên mộ liệt sỹ vô danh và có danh đã thẫm xanh và thẫm sương trong. Chỉ nước mắt vẫn còn đục của các mẹ già, nước mắt vẫn đục của những người vợ góa bụa chứa chan trên ngực áo, chứa chan trong lòng ta, mặc dù rất hiếm  khi ta nhìn thấy họ khóc...
Vào những ngày tháng Tư, rất đông những người lính, những cựu thanh niên xung phong  tìm về Quảng Trị thắp hương cho đồng đội. Rất nhiều, trong số đó có  cả những người phụ nữ đứng tuổi, họ đứng như hòn vọng phu, những chiều mưa không ngớt và nước mắt cũng không ngớt tuôn đằng sau những gương mặt héo úa vì thương nhớ người thân. Bao nhiêu chàng trai, cô gái, bao nhiêu người con ưu tú nhất của Tổ quốc đã ngã xuống trên mảnh đất này. Những ngôi mộ có danh và vô danh vẫn đứng thẳng hàng trong các nghĩa trang... Ngay cả ở nghĩa trang Trường Sơn, những người đi thắp hương cũng khó có thể đi khắp, nhiều ngôi mộ còn nằm ở những nơi khuất nẻo... Đi thắp  hương ở nghĩa trang lớn, đôi khi cũng ngơ ngẩn day dứt, cũng giống như mưa không tràn khắp mặt vậy. Tôi đã gặp một phụ nữ tên Xuân, người mỏng dẹt, cứ bịt kín khăn mùi xoa, rồi khi đã khóc nhiều quá phải bỏ khăn trùm mặt, ngồi tức tưởi trước ngôi mộ vô danh mà độc thoại với chính mình:
- Em không biết anh nằm ở chốn nào, em không rõ nữa, nhưng em là Lý Thanh Xuân sống ở  làng Do, gần chợ Do ra thăm anh đây. Em mang theo bao thuốc cho anh hút, và đồng đội anh cũng hút cho ấm lại nơi này, hỉ. Em chờ anh từ bấy lâu nay, em không lấy ai nữa. Khi còn trẻ, khỏe em đi chợ cá, giờ yếu chân yếu tay, em đi quét lá ở Thánh địa La Vang, tùng tiệm lắm em mới đủ sống... Thôi thì em trồng thêm rau nuôi thêm con gà con ngan con vịt. Chiều chủ nhật ra đồng bắt ốc vặn rồi cũng qua bữa cả thôi...
Tôi đã đứng chôn chân nghe độc thoại của chị Xuân. Rồi khi giãn ra đi thắp hương. Lại có người mẹ khóc bên mộ con với chiếc bánh ít, bánh  bèo, củ khoai lang tím sẫm: “Hồi còn bé con chỉ thích ăn khoai này thôi. Mạ đem khoai cho con ăn đây...” Tiếng người mẹ nói với con giữa Nghĩa trang mà nghe như ở trong nhà: “Mạ biết, con đói thì hãy ăn cho mạ vui, rồi nhớ về nhà với mạ. Bữa ni mạ buồn lắm vì chân đau không làm đồng được...”. Tôi chợt nhớ một chiều đứng dưới nắng chói chang ở Thành cổ, một thiếu phụ chứa chan nước mắt vừa khấn vừa hỏi trong tĩnh lặng rợn người: “Anh ở chỗ nào trong đám đông mà em không nhìn thấy? Thật đấy, em không thấy anh đâu, nhưng em vẫn đứng đây để hy vọng gặp anh, dù chỉ có gió có nắng và mùi cỏ cháy”...
Nhân gian đã từng dạy cho con người biết quên đi và biết nhớ lại. Ai sâu sắc thì vùi vào im lặng, ai cạn nghĩ thì khóc, thì cười, để rồi sau đó tất cả sẽ lại quên như gió thoảng... Và rồi hôm nay, hết thảy mọi người đến với Quảng Trị, dù để được cúi xuống, để được khóc lén hay khóc òa, thì bao giờ cũng vậy, những người lính vẫn luôn độ lượng. Những ngôi mộ vẫn xếp thẳng hàng. Những người lính vô danh và có danh đều biết tha thứ cho những lỗi lầm của người thân nơi trần thế, dù đâu đó con người đã sống không phải với nhau, đã giẫm đạp lên tình yêu thương...
Ở nơi rất xa trong nghĩa trang Trường Sơn, tôi đã đứng lặng dưới hàng phi lao, nước mắt ứa ra vì câu hỏi dằn vặt: Sao vô danh mà mộ vẫn thẳng hàng vậy? Thì phải nghiêm như quân lệnh chứ sao? Chết rồi cũng vẫn phải xếp hàng nghiêm ngắn, hỉ. Một bà má nói. Nếu ngôi mộ này, con còn ít tuổi thì đáng tuổi con má, nếu là người nhiều tuổi thì là anh tui, xin thắp nhang và hoa quả, chút tiền mọn cho người nằm đây đỡ hiu quạnh... Tàn tro tung lên trong gió ngàn. Khép lại cuộc chiến  non nửa thế kỷ, nửa phía bên kia nước Mỹ còn bao nhiêu người bị điên, còn bao người lính Mỹ vẫn đang chữa trị vết thương lòng? Không rõ. Nhưng  nhân dân ta ngàn đời nhân ái, ngàn đời độ lượng, dù chúng ta đã mỉm cười trở lại, nhưng thử nhìn những người mẹ, người vợ línhViệt Nam. Họ góa bụa, họ nuôi con một mình. Họ không có người quanh năm bên mâm cơm. Có người quanh năm đũa một đôi, bát một chiếc... Ai đó lớn tiếng thở dài, ai đó đã nghe thấy tiếng thở dài ấy. Hiểu và chia sẻ cũng chỉ là chớp mắt thôi. Nhưng để chịu đựng nỗi đơn độc ấy mới là sức chịu đựng lớn hơn bom tấn. Trên dáng người mỏng dẹt kia, một đôi vai nhỏ nhắn, nét mặt quạnh quẽ, khắc khoải vì hiu vắng trong những mái nhà lầm lũi một đèn một bóng. Những hòn vọng phu sống còn quá nhiều trên mảnh đất Quảng Trị này. Các mẹ, các chị, những người vợ lính cũng lặng lẽ góp vào nhân gian một bản giao hưởng cổ điển, có giai điệu bi hùng của một thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những ngôi nhà côi cút ven biển Gio Linh, những ngôi nhà quạnh vắng gần địa đạo Vĩnh Mốc luôn ám ảnh tôi...
Quảng Trị còn một Thánh địa La Vang, một chùa cổ Tứ sắc Tịnh quang, một sân bay Tà Cơn huyền thoại... Những địa danh mà chân ta đi, đầu ta cúi xuống vô vàn biết ơn bao nhiêu chiến sỹ vô danh. Họ hy sinh cho một Quảng Trị vừa mơ mộng vừa thâm trầm giống như Sến hoa, Dẻ hương ở miền du lịch hoang sơ Rú Lịnh... Quảng Trị với những địa danh lịch sử thiêng liêng, là nơi có thể trả lời câu hỏi cho một giá trị sống tồn tại hay không tồn tại. Nếu như  chỉ một lần bạn dám xuyên rừng, nếu như hơn một lần bạn vẫn muốn trở về với Quảng Trị, để tự vấn, để đi tìm câu trả lời mình đang tồn tại ra sao trong những ngày hòa bình...

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến