Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Ba truyện ngắn của Văn Giá

Gửi thư    Bản in


12-04-2012 11:25:06 AM
VanVN.Net - PGS. TS Văn Giá lâu nay được “mặc định” là một nhà phê bình, nhà giáo, chủ nhiệm khoa Sáng tác – Lý luận phê bình văn học (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội). Vậy mà trong khoảng bốn năm gần đây, anh lại “trở tay” xoay sang viết thêm cả truyện ngắn. Tập truyện đầu tay có tên: “Một ngày nát vụn” (NXB Hội Nhà văn VN, 2010) đã gây bất ngờ cho bạn bè văn chương với những câu chuyện đời, chuyện người và cả chuyện mình được kể qua một giọng điệu rất có duyên. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ba truyện ngắn (trong đó có hai truyện rút từ tập “Một ngày nát vụn”) của nhà văn Văn Giá.
PGS. TS, nhà văn Văn Giá. Ảnh: Đỗ Hiếu

MƯA Ở BÌNH DƯƠNG

Bây giờ thì răng lợi
đã tạm tạm. Bác sĩ bảo lên sẹo rồi. Để chừng một năm nữa khám lại xem sao. Tôi kiễng chân, ngoác mồm, nghiêng mặt nhòm vào trong gương. Quả là đã lên sẹo. Cái răng này đây. Một tối Bình Dương mưa gió…
Chuyến đi lần này thật xui. Tự nhiên cái răng phản chủ. Lợi sưng to kệnh. Nhức không chịu được. Thế này thì đứng trên bục giảng mất phong độ. Đêm vật vã. Phờ phạc hết cả người. Sau bữa cơm chiều nhếu nháo cho qua, tôi bảo học viên anh kiếm chỗ nào đưa tôi đi chữa cái răng chứ không thì gay quá. Sẽ kiếm liền. Thầy cứ yên tâm. Không lo đâu. Nhưng mà…mưa như trút nước thế này.
Tôi chui vào ô tô. Chiếc xe mới coóng. Nội thất vẫn còn nguyên mùi hăng hắc, ngai ngái. Bóng lộn. Tôi khen chủ tịch phường mà sang trọng thế này thì dân được nhờ. Nói xong, chột dạ, sợ hắn nghĩ mình cạnh khóe, tôi vội ự…hừm, ý tôi là ông chủ tịch phường mà ăn nên làm ra thì dân cũng phất theo, chứ làm cán bộ địa phương thời nay mà nghèo quá, lúi xúi quá, thì cũng không có uy tín với dân. Anh nghèo mà làm lãnh đạo thể nào cũng sinh ra tính xà xẻo. Nếu anh giầu có rồi thì anh không tham nữa. Thế là dân được nhờ…Nói xong, tôi tự thấy cái lý luận của mình là loại lý luận ma cô. Lại chột dạ. Tịnh không thấy ông học viên của tôi nói gì. Tự nhủ thôi không ba hoa nữa. Tôi hỏi có còn xa không. Học viên bảo gần thôi. Rồi lại im không nói gì. Ngoài trời mưa như trút nước. Càng ngày càng to. Trên đường không mấy người đi lại. Lúc này quãng chừng 7-8 giờ tối. Học viên phóng xe rất nhanh. Tôi chợn chợn. Lỡ đột nhiên có ai trong ngõ lao ra thì khốn. Tôi bảo không vội đâu anh ạ. Học viên không nói gì. Tôi ngồi ghế sau nhướn người nhìn qua tấm kính. Cái gạt nước quét liên hồi. Ô tô vọt qua một chiếc xe đẩy đang đi trong mưa. Chắc xe bán hàng rong. Vạt nước trắng xóa, cong như cầu vồng hắt trùm lên người đẩy xe. Tôi cau mày. Anh đi từ từ thôi. Tạt hết nước vào người ta rồi. Học viên không nói gì. Tôi liếc vào chiếc gương phía trước xe để xem mặt anh ta. Lạnh như một tấm sắt.
Xe tà tà rẽ vào một ngõ nhỏ rồi dừng lại. Học viên bảo thầy cứ ngồi trên xe để vào xem có làm không. Học viên không xưng tôi hay em, chỉ nói trống không. Chắc cách xưng hô trong này nó thế. Kệ, quan trọng gì. Một lúc sau học viên ra. Nó nghỉ rồi không làm. Đi chỗ khác. Lại đi. Lúc sau xe lại tà tà. Lần này thì ngay mặt đường to. Đúng là cơ sở nha khoa sáng choang, cửa kính bóng lộn, bên trong thấy dáng bác sĩ mặc blouse trắng đang lúi húi chữa bệnh. Cửa mở. Học viên xuống trước. Tôi theo sau. Học viên đẩy cửa bước vào. Tôi cởi giầy. Bác sĩ ngước lên, kéo khẩu trang xuống nói với học viên, phiền anh để giầy ở ngoài giùm. Học viên làm như không nghe thấy bảo khám cho ông thầy ngoài Bắc mới zô cái. Bác sĩ không nói gì. Học viên mang giầy bê bết đất, nước mưa ướt nhẹp đi lại trong phòng. Tôi ái ngại, định nhắc lại thôi. Tôi hơi ngượng với bác sĩ và người trợ lý của ông. Bác sĩ quay sang tôi bảo anh vui lòng chờ mươi phút nữa được chứ. Tôi bảo không sao. Học viên bảo làm lẹ lên có được không. Bác sĩ không nói gì, ra chiều khó chịu. Tôi bảo, chờ một chút không sao, anh ngồi xuống đi. Học viên bảo thầy cứ ở đây lát nữa quay lại đón. Nói xong, học viên ra ngoài đánh xe đi. Tôi thở dài. Liếc nhìn phòng khám. Toàn thiết bị, dụng cụ sáng choang. Tất cả ngăn nắp trong một màu trắng lạnh. Qua tấm cửa kính nhìn vào phía trong, không hiểu người bác sĩ này cố ý hay tự nhiên bầy đặt một giá sách lớn, nhiều cuốn dày cộp, gáy sách xoay ra, toàn tiếng Anh tiếng Pháp gì đấy. Bằng vốn liếng ngoại ngữ còm cõi, tôi cũng đọc ra mấy cuốn về y học, về tâm lý, mấy cuốn tiểu thuyết, đại loại vậy.
Lát sau, ông bác sĩ hỏi anh làm nghề dạy học? Tôi vâng. Bác sĩ hỏi ông Phú vừa rồi học gì. Tôi bảo anh ấy đang học lớp đại học tại chức. Ngành gì? Ngành…ăn theo nói leo. Ủa, ngành gì kỳ vậy? Vâng, thì ở ta vẫn kỳ vậy đấy ạ. Bác sĩ lại hỏi thầy ngoài Bắc quê ở đâu. Tôi quê Hà Nội mở rộng. Bác sĩ cười. Tôi bảo nghe giọng thì biết bác sĩ cũng người ngoài Bắc. Vâng, tôi theo bố mẹ vào Nam năm 1954, sau này tôi đi học nghề thuốc bên Anh quốc. Vâng. Nghĩa là bác sĩ…năm 1975 không sang bên kia? Vâng, tôi ở lại và vẫn theo nghề như thầy thấy đấy. Bác sĩ kết luận thầy bị viêm lợi có thể nguyên nhân do viêm tủy, nếu thầy còn ở đây dài ngày thì sẽ chụp phim và điều trị hết khoảng 1-2 tuần, còn nếu không, tôi chích chỗ mưng mủ ra, cho thầy một toa thuốc, thầy về uống sẽ đỡ tạm thời, sau đó thầy về ngoài ấy khám chữa sau. Vâng, bác sĩ cho tôi cách thứ hai, tiếc là tôi chỉ có một tuần ở đây thôi. Vậy thì cứ cách một ngày thầy lại đến đây tôi kiểm tra nhé. Kìa, xe đã đến đón thầy…
Trời vẫn mưa xối xả. Đang là đầu mùa mưa. Nhưng không mấy khi có những cơn mưa lớn như thế này. Học viên bảo thế. Tôi “báo cáo” tình hình chữa bệnh, rồi nhờ mấy ngày tới, nếu tiện, anh lại giúp chở tôi đến bác sĩ. Học viên bảo ngày mai sẽ đưa thầy đến chỗ thằng bạn để chữa, không đến đây nữa. Tôi bảo bác sĩ này có vẻ tay nghề cao, chữa cẩn thận lắm. Học viên bảo ông ta thuộc người chế độ cũ, khinh người lắm, loại này ngo ngoe là tụi tui bóp chết liền. Tôi lờ mờ đoán ra sự thể. Tôi không nói gì. Học viên được dịp tâm sự, có một số người của chế độ cũ ở lại, họ không có tác phong quần chúng, sống xa lánh, không tham gia các phong trào khu phố, con cái học hành xong phổ thông cho đi du học hết, học xong không thèm về. Rất có thể bọn này còn dính dáng đến phản động. Tụi tui cảnh giác nhất mấy cái vụ này. Tôi thận trọng thăm dò, đã hơn 30 năm hòa bình rồi, mà họ vẫn chưa hòa nhập với chế độ ư? Học viên cao giọng, bọn này khó dạy lắm thầy ơi, nhưng không lại được với tụi tui, giở trò quậy là cho biết điều liền. Tôi lại hỏi có lần nào chúng giở trò gì chưa. Nhiều chứ. Nhưng thằng bác sĩ này chưa dám. Có lần nhà ổng đón đứa con du học ở Mỹ gì đó về nghỉ hè, mở tiệc đón tiếp linh đình, xe lớn xe bé toàn dưới Sài Gòn lên, ở đây nó hổng có mời một ai, đang ăn nhậu phè phỡn, tui cho cúp điện cái rụp. Đang trưa, tụi này nóng há mồm mà không dám kêu…Nói xong học viên cười khành khạch.
***
Như hẹn, hai hôm sau tôi bắt xe ôm xuống bác sĩ. Lớp học tan, tôi lặng lẽ chuồn ra cổng trường. Tôi tránh không gặp học viên. Đang ngồi trên xe ôm, học viên gọi điện. Đương tính đến rước thầy đi chữa răng. Tôi có một người bạn thân đến chơi, tiện thể đưa tôi đi chữa rồi. Ủa, tính chở thầy đi chỗ khác. Thầy đang đi đâu? Tôi vẫn đi đến chỗ hôm trước. Người ta hẹn mình, không đến cũng ngại. Với lại, đang uống toa thuốc của người ta, thì cứ nên theo anh ạ. Tùy thầy thôi. Học viên ngắt máy. Ha ha, thế là học viên đang có vẻ dỗi. Kệ. Nó chăm sóc mình như là một nghĩa vụ học viên với thầy, chứ nó yêu quý gì mình. Tốt nhất là mình tự lo. Đỡ phiền. Mà chúng đâu có phải là vô tư. Trong đợt dạy, nhóm năm nhóm ba, thay nhau mời thầy đi chiêu đãi, mời thầy đi “ca dao”, ca dao xong rồi thì “ô kê”, thậm chí còn gạ gẫm thầy đi “thư giãn”… Cuối đợt dạy, lại thi cử, điểm chác, lại thầy ơi để ý chiếu cố đến tụi này nghen. Thế là mắc nợ, nợ thì phải trả. Điểm chác thời nay trong chốn học đường, nhất là học đường tại chức cứ vay vay trả trả ma mãnh như thế đấy.
Khi ngồi chờ bác sĩ khoác lên người bộ blouse, tôi bảo, thành thật xin lỗi bác sĩ về cái vụ hôm trước. Bác sĩ mỉm cười. Tôi lại bảo, mấy ông cán bộ thời nay ghê lắm, họ tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm. Bác sĩ có vẻ không muốn bắt chuyện. Tôi gợi chuyện, bác sĩ hành nghề chữa bệnh cứu người thế này thu nhập có đủ sống không. Bác sĩ bảo cũng độ nhật qua ngày thôi. Mình có nghề, không hành nghề cũng thấy nhớ nghề thầy à. Vâng, tôi hiểu. Bên nghề dạy học như tôi cũng vậy đấy, có nhiều vị về hưu vẫn đi dạy, mặc dù họ có đời sống khá sung túc, con cái đề huề, hỏi ra họ cũng bảo nhớ nghề thì đi dạy thôi, chứ thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Tôi thầm nghĩ, hóa ra mình ăn ở với một nghề lâu năm, cũng tựa như ăn ở sinh sống lâu lâu một vùng đất, dần dần mình gắn bện với nó lúc nào không biết, mặc dù khi sống trong nó không phải lúc nào cũng dễ chịu…Đột nhiên bác sĩ bảo thầy có biết nhiều về cái ông học trò của thầy bữa trước không. Tôi lắc đầu. Đó là cán bộ chủ tịch phường này. Trụ sở phường ngay kế bên nhà tôi. Thầy thông cảm cho, hôm nọ tôi phải kiềm chế lắm mới không to tiếng với anh ta. Tôi ở đây phải nhịn nhục nhiều lắm.
Bỗng trí nhớ dẫn tôi về đêm mưa hôm trước…
- Hết bao nhiêu tiền?
- Năm trăm sáu mươi bẩy ngàn
Tôi vội nói, ấy chết để tôi trả chứ. Trên tay đã một chiếc ví to kệch, học viên xua tay, khỏi đi thầy. Tôi bảo không được, để tôi lo, tôi lo được, không dám phiền tới anh. Tôi móc ví ra lấy tiền. Học viên đã đưa mấy tờ tiền chẵn. Tôi đành thở dài. Thực lòng tôi không muốn một chút nào chuyện này. Vừa chân ướt chân ráo, chưa lên lớp giờ nào đã làm tiền học viên, mang tiếng chết.
- Có hóa đơn không?- Học viên hất hàm hỏi bác sĩ.
- Dạ, tệp hóa đơn nhà tôi vừa hết. Nếu anh cần thì ngày mai tôi sẽ làm rồi mang sang cho anh.
- Thôi khỏi. Nhưng ông làm ăn kinh doanh kiểu gì mà lại không có hóa đơn? Làm ăn đàng hoàng chứ đừng có bậy bạ nghe. Linh tinh lang tang tụi này không để cho yên đâu.
- Tôi đâu dám. Anh thấy đấy, từ trước đến nay tôi làm ăn đứng đắn, cốt giữ lấy cái đức của nghề. Anh đã nghe ai kêu ca về tôi chưa.
- Người ta không kêu ca về cái này thì người ta kêu ca về cái khác. Ông phải nhớ ông là ai.
Nói xong, học viên xoay tay nắm cửa định bước ra. Bác sĩ bảo tôi xin gửi tiền thừa. Khỏi thúi. Không dám phiền anh, anh cứ cầm lấy chỗ tiền thừa này giùm tôi, tôi đâu dám lấy. Tui đã nói là khỏi thúi. Nói xong, học viên bước nhanh ra khỏi cửa. Bác sĩ nhìn theo, định nói gì đó nhưng không kịp…
Khám răng xong, bác sĩ bảo thầy cho tôi xin gửi lại ít tiền thừa hôm trước chuyển giùm ông chủ tịch phường. Tôi ngần ngừ. Liệu có tiện không nhỉ. Thầy cứ cầm cái bao thư này nói là tôi gửi, không cần giải thích gì thêm. Thầy biết đấy, tôi không muốn cầm tiền thừa của ai, nhất lại là tiền thừa của ông ấy. Vâng, đã thế thì tôi cầm giúp bác sĩ. Thực ra số tiền cũng chẳng nhiều nhặn gì. Tôi thoáng nghĩ, bản thân tôi cũng nên trả số tiền hôm nọ cho học viên. Có thể là tiền riêng của học viên. Có thể sau này học viên tính vào quỹ tiền của lớp chưa biết chừng. Đã từng có chuyện, sau khi thầy tại chức rời lớp, các học viên xúm lại đọc cái thông báo viết bằng phấn trên bảng kê khai các khoản chi từng ngày đón tiếp thầy. Từ khoản chi ăn bữa, khoản chi uống bia, khoản chi tham quan, khoản chi hát “ô kê”, khoản chi mua trái cây…Tất tật, từng khoản một, ngày giờ rành rành. Cái đứa cán sự nó muốn trương to lên bảng để chứng tỏ với cả lớp rằng nó quang minh chính đại, rằng nó không thèm xà xẻo đồng nào vào quỹ lớp. Chao ôi, sau này khi tôi trở về, lỡ cũng có một cái thông báo to bằng cái chiếu trên bảng, lại thấy một khoản chi cho thầy chữa răng thì khốn…Bác sĩ bảo, tôi nhớ mãi câu nói của thầy hôm nọ về cái nghề ăn theo nói leo. Thầy cũng là người thích đùa. Tôi bảo, vâng, tôi nói thật đấy ạ. Ở ta có những nghề hay lắm. Bác sĩ có để ý không, thí dụ, còn có những nghề như leo trèo cắt dán, phông hoa loa đài, ấm tích phích chén, bưng bê kê kích nữa kia. Ha ha..thầy nói làm tôi buồn cười quá. Nghề gì vậy thầy? Tôi để cho bác sĩ đoán xem. Ngày kia gặp lại, bác sĩ thử trả lời nhé.
Trên đường về, tôi thầm nghĩ, tay bác sĩ này suốt ngày chúi mũi vào đống sách, lại những thăm với khám con bệnh thì làm sao mà biết được thời nay chán vạn thứ nghề. Ai đó nói rằng, còn lắm nghề ghê răng lắm, tỉ như những nghề chỉ tay năm ngón, nghề bới lông tìm vết, nghề đâm bị thóc chọc bị gạo, nghề ném đá giấu tay, nghề ngậm máu phun người, nghề đâm thuê chém mướn, nghề bê ghế liếm đít, nghề bán trôn nuôi miệng, nghề bán miệng nuôi trôn…
***
Mấy hôm giảng dạy liên tục cả ngày cứ đằng đẵng mong chóng hết. Cuối cùng thì cũng sắp qua. Thấy răng đã đỡ, phần vì lười, phần không tiện xe cộ, phần vì cuối chiều trời hay mưa, tôi cũng chỉ trở lại chỗ bác sĩ cả thảy có hai lần. Không hiểu bác sĩ có đoán được cái nghề mà tôi đố hôm trước?
Lúc tôi chuẩn bị lên xe ra sân bay, trời nặng một màu chì. Mùa mưa miền Nam có khác. Một nhóm học viên đến tiễn. Ông học viên chủ tịch phường của tôi hỏi thầy có nhớ tay bác sĩ nha khoa hôm nọ? Tôi vẫn nhớ. Nếu tiện anh nói giúp là răng tôi đã khỏi rồi, tôi cảm ơn và…Trời, thầy đâu phải cảm ơn gì cái đám cặn bã ấy. Hôm qua tui cho tịch thu giấy phép hành nghề rồi? Sao lại…? Ổng mắc cái tội vừa khám bệnh vừa bán thuốc. Tui gài người đến chữa. Thế là bắt được quả tang ổng sai vợ lấy thuốc bán cho bệnh nhân. Tui cho tóm luôn, không há mồm cãi được một câu.
Cự Lộc ngày 24.3.2011


THỊ TRẤN TRÊN NÚI CAO

Thắng đang lang thang dạo phố. Gọi là phố, thực ra là một thị trấn nhỏ xíu. Nơi đây, có một trường cấp 1-2, có một xưởng chế biến chè, một vài đoạn đường dốc có những cửa hàng bán chè, bán thuốc nam của đồng bào dân tộc. Cạnh tay phải, chỗ ngã ba là trụ sở thị trấn. Thế thôi.
Lúc này là quãng 10 giờ sáng. Phố xá vắng tanh. Những người cuối cùng của cái chợ bé xíu cũng đã gùi địu tay nải ngược dốc ra về. Một thị trấn yên tĩnh, đìu hiu. Sáng nay Thắng chẳng có việc gì phải làm cả. Thực ra đợt lên thị trấn này cũng chẳng có việc gì cụ thể. Một anh bạn hoạ sĩ có người quen ở đây rủ lên chơi, bảo cứ lên chơi hồn nhiên thôi, viết được gì thì viết. Sắp xếp công việc cơ quan, Thắng tặc lưỡi đi cùng. Thắng đang cần đi. Đi để xả tress. Tháng qua, ở cơ quan thắng búa xua công việc. Chẳng đâu vào đâu. Toàn việc đầu chầy đít thớt. Lại có một đồng nghiệp giở chứng, kiện cáo người trong cơ quan, bôi xấu người ta, thế rồi trên bắt kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Đến mệt. Thế là Thắng khăn gói quả mướp lên đường. Tiếng chim lích chích trên cây dọc suốt lối đi. Đã lâu lắm rồi Thắng mới được nghe tiếng chim ríu ran đến thế. Có giọng kim, có giọng thổ. Có tiếng tích tích. Có tiếng kéo dài. Có tiếng mau tiếng khoan. Có tiếng từ xa vọng lại. Có tiếng trên đầu…Như một bản nhạc thiên nhiên nhiều bè nhiều giọng, mà nghe vẫn có gì đó mạch lạc, trong suốt, không bị rối lẫn. Thắng sực nhớ đến giọng chim hót trong lồng của nhà láng giềng mỗi sớm. Tiếng chim hót mà nghe như tiếng kêu khẩn thiết, sốt ruột, đòi sổ lồng. Ấy là Thắng nghĩ thế. Phía trước mặt từng lớp núi giăng hàng. Hôm nay trời âm u. Trên chóp dãy núi phía trước vẫn hàng hàng lớp lớp sương mù. Ngay dưới lũng suối dươí chân núi, vẫn còn từng vạt mây quẩn mờ trắng chưa tan hẳn mỏng tang. Thắng trèo lên cây chè hái mấy búp non nhấm nháp. Cây chè còn đẫm sương, ướt rượt.  Ban đầu hơi đắng, chát. Nuốt vào, lắng nghe lại thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi. Thắng lấy làm thích thú. Phía trên kia lưng núi có tiếng trẻ đồng thanh ê a đọc bài. Tiếng cô giáo bắt nhịp, gõ thước. Thắng đi như  một kẻ mộng du, thả mình vào tiếng chim, tiếng gió. Cuộc sống tưởng chừng như ngưng lại đâu đây…
Đi mãi cũng mỏi. Thắng quay lại lững thững rẽ vào đoạn phố có đông nhà cửa bên đường. Mấy cửa hàng tạp hoá. Cũng những đồ chơi Trung Quốc, mấy tấm vải xanh đỏ tím vàng, vài loại trái cây cũng nhập từ Trung Quốc đã héo. Không có gì đặc biệt. Thắng đi qua mấy cửa hàng bán thuốc lá cây. Cũng chỉ để xem thôi. Chả biết thứ thuốc lá lẩu đầy đường này có chữa được thứ bệnh nào không chứ bất cứ nơi du lịch nào cũng thấy các bà các chị người dân tộc  bán đầy. Thắng để ý thấy có mấy cửa hàng bán đồ gỗ, hàng gỗ lũa để bầy chơi. Lại có mấy cửa hàng bán đá cảnh. Những cục đá, khối đá nhiều màu sắc, nhiều hình thù trông cũng bắt mắt. Thắng dừng chân ở một cửa hàng được coi là khang trang, nổi bật nhờ có cái biển hiệu to. Quầy hàng không có một ai. Chắc chủ nhà đang ở phía sau nhà. Thắng cũng chả buồn gọi. Không sao. Ở miền núi, người ta chẳng lo canh giữ cửa hàng. Mà khách đến cũng không dám tắt mắt. Nó có cái gì nghiêm ngắn, thực thà. Nếu có tà ý gì cũng thấy chợn chợn. Thắng cứ đứng nguyên một chỗ trước quầy nhìn ngắm hết thứ này đến thứ khác. Trên cánh tủ trước quầy, chủ nhà treo rất nhiều ảnh. Có một tấm ảnh cưới cỡ lớn treo giữa. Chắc của vợ chồng người chủ. Trông cả hai khá đẹp. Chú rể trong bộ trang phục complet. Cô dâu trong trang phục phụ nữ Dao tiền, toàn thân đỏ rực từ đầu đến cuối, từ mũ, đến áo, quần, giầy. Chính vì thế, khuôn mặt cô dâu cũng đỏ hồng. Cô dâu khá xinh. Cạnh bức ảnh cưới là rất nhiều ảnh của chú rể đang trong tư thế tập võ. Có ảnh song phi. Có ảnh cầm dao găm trong tư thế đang nhào vào đối thủ. Có bức lại đang trong tư thế chém gạch, dưới chân là chồng gạch đang bắn tung toé, có viên vỡ nửa, có viên vỡ vụn. Kinh nhất là bức ảnh anh ta đang trong tư thế đối kháng, tay cầm côn vừa đánh vừa đỡ ba võ sĩ khác. Chắc tay này giỏi võ. Hay cũng có thể đấy là ảnh dàn dựng cũng nên. Tự nhiên Thắng có một ý nghĩ: con vợ thằng này xinh, nên nó trưng ảnh tập võ ra để doạ thiên hạ, chớ thằng nào léng phéng, liệu hồn, nhưng những loại này thực chất là loại nhát gan, nếu giỏi võ thật, người ta đâu phải trưng ra giữa thiên hạ như thế, thằng này chắc cũng võ hạng ruồi… “Chào anh ạ!”. Thắng giật bắn người. Cô chủ che mặt ý tứ cười. “Anh xem hàng mua gì cho em đi!”. Thắng định thần lại, nhìn. Cô ta mặc bộ đồ trắng trong nhà. Đang địu con. Đứa con ngủ sau lưng. Cái địu được làm bằng thổ cẩm, màu đỏ tươi, nhiều hoa văn. “Anh đi lang thang xem hàng thôi”. “Chắc anh đi du lịch”. “Sao em lại đoán thế”. “Thị trấn này bé bằng bàn tay. Người lạ là biết ngay”. Thắng liếc qua thấy cô chủ khá xinh. Vừa xem các hình gỗ lũa, vừa thủng thẳng nói nhát gừng: “Có đắt hàng không cô chủ”. Không thấy có tiếng trả lời. Thắng ngước mắt lên. Cô chủ đã chạy đi đâu. Thắng lại điềm nhiên xem hàng có ý vừa xem vừa chờ cô chủ. Mãi sau, cô chủ ra một mình. Giờ đã thay đổi trang phục hoàn toàn. Một màu đỏ toàn thân trong y phục Dao tiền. Cô bưng nước ra đặt lên bàn. “Em mời thầy uống nước ạ”. Thắng kinh ngạc. “Sao?”. Một ý nghĩ mơ hồ chạy khắp sống lưng. “Chắc thầy không nhớ em”. Thắng đập hai tay vào nhau. “Trời ơi, Ly. Em ở đây?”. “Thầy uống nước đi”…
Cách đây dễ chừng có đến chục năm, chính xác là…hơn mười một năm rồi còn gì. Ngày ấy Thắng là giáo viên trung cấp nghệ thuật miền núi. Đang trẻ măng. Con trai dưới xuôi chưa vợ. Các em nữ sinh quý lắm. Ở miền núi vào những ngày ấy đói, khổ, độc thân, chả biết làm gì, chỉ biết lấy yêu làm vui. Vâng, lấy yêu làm vui. Nghe đểu đểu thế nào. Nhưng mà thật. Đói quá, đọc sách không vào. Chuyên môn nhằng nhịt đủ dùng. Kỹ thuật ký xướng âm tàm tạm. Ghi ta chơi tàm tạm. Đàn đúm tối ngày. Chơi mãi cũng chán. Cuộc sống miền rừng buồn khổ, thiếu đói. Thỉnh thoảng hè, Tết, năm hai lần về quê. Có lần Thắng định bỏ nghề. Sau bố mẹ Thắng, cả họ hàng nhà Thắng khuyên bảo, doạ dẫm, ra lệnh, ép mãi Thắng mới quay trở lại. Thế rồi gặp Ly, cô học trò người Dao. Cô bé  học lớp thanh nhạc. Ly đang tuổi thiếu nữ. Da trắng bóc. Con gái miền núi cao có khác. Ngưòi dong dỏng, không cao. Cô hay mặc trang phục phổ thông, chỉ trừ những hôm hội hè, nghi lễ gì đó mới mặc y phục Dao. Mặc trang phục nào, Ly cũng nổi bật giữa đám đông. Nhiều chàng trai để ý. Nhiều giáo viên nam đã có vợ và cả chưa có vợ để ý. Ly biết mình đẹp, nhưng không lấy cái đẹp để làm kiêu. Cô nói cười vừa phải đủ để ai cũng thấy mình không bị chê nên ai cũng thích. Có một cuộc chạy đua ngầm giữa các chàng trai…
Một Tết xa nhà. Thắng ở lại trực trường. Thực ra Tết ấy Thắng cũng không muốn về quê. Vừa say xe, vừa không có tiền về. Đã thế, khi lên lại làm khổ bố mẹ một món tiền tàu xe quà cáp. Điều này Thắng không muốn. Thắng xung phong ở lại. Tình cờ thế nào lại đúng dịp lớp của Ly cũng ở lại trực trường. Những ngày cuối năm buồn hiu buồn hắt. Mấy thầy trò cũng gói bánh chưng. Cũng có thịt lợn tiêu chuẩn trường cho. Mấy học trò lại nhận được quà của bố mẹ gửi lên. Nhiều no ít đủ. Thế là thành cái Tết xôm trò rồi. Trong trường vắng tanh. Gió núi xao xác, rộng rênh. Lá cây lát trút một lớp dầy lên sân trường, dọc lối đi vàng sậm, dẫm lên lạo xạo. Ngày Tết không có người quét dọn mà. Tối 29 Tết, tất cả thày trò ngồi trông nồi bánh chưng. Trời rét cắt da cắt thịt. Nồi bánh chưng đặt ở giữa phòng mà mỗi khi mở cửa gió thổi bạt. Thỉnh thoảng lại thay nhau ra ngoài lấy nước và củi để thêm vào. Buồn quá, mấy cậu con trai đem rượu ra rủ thầy uống. Có đứa bảo để đêm mai giao thừa mới uống. Mấy cậu nài nỉ. Ừ thì uống. Ngày thường cấm chúng mày chứ tết nhất ai lại cấm. Cả trò nam, trò nữ cùng thầy uống, vừa uống vừa hát. Hết hát đồng ca lại đến đơn ca. Thắng cầm ghi ta. Đêm tĩnh lặng. Thỉnh thoảng than củi nổ lách tách, bắn ra thành chùm tia li ti. Trong ánh sáng của bếp lửa, các khuôn mặt chập chờn. Thỉnh thoảng Thắng lại liếc về phía Ly. Khuôn mặt nàng ngời lên, lộng lẫy, mờ tỏ, có gì như rất mơ hồ, gần đấy mà lại thật xa…Thắng cũng cảm thấy ánh mắt của Ly thỉnh thoảng nhánh lên chiếu về phía mình. Tiếng ghi ta bập bùng. Giọng Thắng cất lên. Thỉnh thoảng bốn mắt lại nhánh lên trong ánh sáng bếp lửa gặp nhau. Thắng cảm thấy hôm nay mình hát hay hơn hẳn. Bởi vì có nàng. Tuy thế Thắng cảm thấy không tiện ở lại phòng sinh viên quá khuya, nên chào ra về, mặc dù còn rất muốn. Thắng cầm ghi ta đứng dậy. Tốp sinh viên định theo ra để chào, Thắng đuổi quầy quậy bảo thôi, trời đang lạnh. Tất cả dừng lại. Không hiểu sao riêng có Ly theo ra cửa. Bọn bạn biết ý, vào phòng khép cửa lại để cho Thắng đứng với Ly. Thắng bạo dạn cầm tay Ly. “Chào em. Tôi phải về rồi. Tiếc quá”. “Em cũng tiếc. Đang vui…”. “Mai nhé. Tối mai gặp riêng em nhé!”. “Vâng”. Chỉ cần thế thôi, Thắng chào vội, lập cập ra về, lòng râm ran nỗi vui sướng lâng lâng, đi như chạy về tới phòng, quăng người nằm ngửa lên giường, giang hai tay mắt nhắm lại...
“Thầy thế nào rồi?”. “Tôi định hỏi em câu ấy. Nhìn cơ ngơi này, mấy bức ảnh kia, tôi tin em hạnh phúc. Mừng cho em”. Ly không nói gì. “Thầy chưa trả lời câu hỏi của em”. “Tôi cũng thường thôi. Một cháu gái lên 9 tuổi rồi. Nó ở với mẹ. Chúng tôi chia tay nhau”. “Sao lại thế?”. Chuyện dài lắm. Đến lúc không thể chịu được nữa thì phải chia tay thôi. Cũng là cách giải thoát cho nhau”…Câu chuyện giữa Thắng và Ly nhát gừng. Ly không dám nhìn thẳng vào Thắng, ánh mắt có gì thảng thốt, nhớn nhác, thỉnh thoảng nhìn ra phía cửa. Thắng cảm thấy có thể bất tiện cho Ly, bèn cáo từ. “Tôi lên đây theo chân anh bạn, ở đây vài ngày, ngay trên đầu dốc kia thôi. Tôi hẹn lúc khác xuống thăm em”. “Không, thầy ở lại chơi, chỉ lát nữa thôi nhà em về, mời thầy ở lại uống rượu với chúng em”. Thắng nhất quyết ra về, bảo tối nay sẽ cùng anh bạn xuống chơi.
Nàng vẫn đẹp. Hai con rồi vẫn đẹp. Da vẫn trắng hồng. Trong điệu bộ của người Dao, nàng vẫn trẻ trung, nuột nà lắm. Thoạt trông, chả ai bảo gái hai con. Bây giờ trông nàng có cái viên mãn của thân thể đàn bà. Ngực vồng lên gọn ghẽ. Eo thắt lại. Làn mông căng đầy. Nàng vẫn đẹp. Đó là điều nguy hiểm đối với Thắng. Nên đến thăm lần nữa hay thôi. Không. Phải gặp nàng một lần. Không thể không gặp.
---o0o---
-          Em có nhớ hôm ấy đêm giao thừa chúng mình chạy trên đường bốn bề pháo nổ không?
-          Em sợ quá cứ vừa bịt tai vừa chạy.
-          Sợ nhất quả pháo đùng ai ném ra đường, suýt nữa chúng mình giẫm phải.
-          Sau đó chúng mình về phòng. Ôi, đêm ấy…
-          Em còn kêu đau nữa kia
-          Ừ, em kêu đau. Anh sợ có em bé.
-          Em bảo không sợ đâu. Em có thuốc lá của quê em.
-          Thế là chúng mình có một đêm…thật là khủng khiếp.
-          Em sợ nhất là anh xem thường em.
-          Trời, sao lại có thể thế được. Chúng mình thật hạnh phúc. Hạnh phúc đến tận bây giờ.
-          Thôi, em sợ chỉ gặp nhau được một lần này thôi. Anh nhà em mà biết được thì nó giết.
-          Ừ, có thể nó giết thật. Anh thế anh cũng giết. Nhưng nào, đừng sợ nữa. Anh thương em.
-          Em cũng thương anh.
-          Nó ghen lắm anh ạ. Từ ngày lấy nhau, em bỏ luôn nghề. Giờ chỉ có bán hàng thôi.
-          Có đắt hàng không?
-          Em chỉ trông coi thôi. Còn anh ấy bán. Những hàng gỗ lũa ấy giá cả chả biết thế nào. Trông toàn những cái thứ cổ quái ấy, thế mà vào tay khách chịu chơi, tiền triệu triệu đấy anh ạ. Anh ấy chỉ để em bán thứ thuốc cao lá cây thôi.
-          Cao lá cây?
-          Vâng cao lá cây. Đặc sản của dân tộc em. Chữa nhiều bệnh. Còn để làm khoẻ cả cái này nữa này…
-          Ôi em…
-          Em hạnh phúc quá. Em chết mất thôi…
-          Nhưng mà nó ghen lắm. Có lần khách hàng đến mua, tán tỉnh em, nó cáu, nó bảo: “Ông biến đi. Trông ông đ…có có mẽ chơi hàng của tôi đâu”. Ông khách sừng sộ. Nó bảo: “Ông muốn gì? Biến!”. Tay nó cầm cái côn. Chắc là ông khách hiểu ra, phải đi vội đấy anh ạ.
-          Anh thương em. Anh không muốn xa em.
-          Ước gì chúng mình cứ nằm thế này mà chìm vào giấc ngủ, một mạch, mãi mãi anh nhỉ?
-          Ôi, phải sống chứ em, để còn  yêu nhau
-          Ừ, phải sống…Giá trước kia chúng mình đừng bỏ nhau nhỉ.
-          Lại khóc nhè rồi…Ai bảo em nghe lời bố mẹ cơ.
-          Khi em lấy Cường nhà em, mẹ em vẫn còn không muốn cho lấy trai người Kinh một tẹo nào…
Tối hôm sau Thắng và anh bạn hoạ sĩ đến nhà Ly chơi. Chồng Ly đang ở nhà. Ly giới thiệu Thắng là thầy giáo ngày xưa. Chồng Ly tên là Cường. Khá đẹp trai. Trông tướng con nhà võ. Hàng ria con kiến để rất điệu nghệ. Mắt sáng trắng, đồng tử đảo lia lịa. Cường mặc quần sooc, áo may ô. Trên tay, vai đầy những vết xăm rắn rết rồng phượng gì đấy mà Thắng không dám nhìn kỹ. Cường người xuôi. Vốn là kỹ sư công nghệ thực phẩm bỏ nghề, lên núi cao làm ăn. Đã từng buôn hàng cơm đen, bị chiến hữu lừa, trắng tay. Chán. Xoay sang nghề buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ lũa trên núi cao này. Được bà chị họ giới thiệu,  gặp Ly. Yêu nhau. Ở với nhau được nửa năm, thấy vợ đồng lương phọt phẹt, lại hay phải đi biểu diễn nọ kia, Cường bắt Ly giải nghệ. Ừ bỏ thì bỏ. Ly cũng chán cái cảnh năm thì mười họa đi hát phục vụ hội nghị, lễ lạt, phục vụ đám cưới con các sếp. Chả mấy khi có chương trình biểu diễn. Mà biểu diễn cũng là chương trình sắp đặt. Bài hát mình thấy hay, hát tốt thì không được biểu diễn. Toàn đi hát những bài cúng cụ, phong trào. Đã thế đồng lương thì bèo bọt. Phụ cấp hoá trang không ra gì. Mà còn hay bị các sếp tán tỉnh. Có lần, gã quan gạ gẫm mặc cả thẳng thừng. Cháu có muốn làm việc ở đoàn không, hay là muốn đi cắm bản? Cắm bản nghĩa là đi công tác phong trào. Cùng đoàn đi chiếu phim, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, tuyên truyền phòng chống sốt rét, phòng chống thiếu muối i ốt… nghĩa là trăm thứ bà dằn. Đi thế thì cơ cực lắm. Có khi đi bộ ba ngày mới tới được một xã vùng cao. Mà liễu yếu đào tơ như Ly làm sao có thể leo trèo nổi. Không muốn đi chứ gì? Thì đi café với anh? Đi công tác ngoại tỉnh với anh. Đi Nhà nghỉ với anh. Không đi ư? Kiêu à? Đã không thích ăn cơm thì cho mày ăn cứt. Thế là xung vào đội quân cắm bản. Đó là số phận của Lan, của Khánh, hai cô gái trong Đoàn nghệ thuật của Ly. Trông người mà ngẫm đến ta. Về nhà bàn với Cường. Cường quyết: Bỏ! Ở lại rồi sớm muộn thế nào cũng vào tròng thôi. Về nhà nuôi con cho anh, ngồi trông hàng cho anh, vừa an nhàn lại vừa không bị điều tiếng…Thế là Ly bỏ. Đã được hơn năm năm. Nhiều lúc cũng thấy nhơ nhớ. Nhất là những khi thấy mặt bạn bè trong đoàn trên TV chương trình của tỉnh. Nhưng làm sao được. Cái gì cũng có giá của nó… Cường, Thắng và anh bạn hoạ sĩ thi nhau cụng ly. Thắng tỏ ra thật tự nhiên, vô tư, coi như người thầy lâu ngày gặp trò cũ. Ly khép nép, rót rượu, gắp thức ăn mời thầy. Hoạ hoằn mới liếc trộm Thắng một cái. Cường bảo: “Trò Ly chúc thầy một chén đi nào”. Ly từ chối. Cường giục. Ừ thì uống. Con gái miền rừng uống một chén thì bõ bèn gì. “Trò Ly chúc bạn thầy một chén đi nào”. Anh bạn hoạ sĩ được thể nâng cốc mời. Ly uống. “Ly uống mời tất cả đi nào”. Ừ, lại uống. Con gái miền rừng ba chén đã đến nỗi nào. Thắng ngà ngà: “Bây giờ xin phép Cường. Ngày xưa cô học trò của tôi hát hay nhất lớp. Đã từng đoạt giải cuộc thi sinh viên toàn tỉnh. Bây giờ Ly hát một bài nhé”. “Ôi, thầy đừng bắt em hát. Em bỏ lâu rồi”. Cường hóm hỉnh: “Giờ chỉ có quát con là giỏi thôi”. Đã thế thì Ly hát. Không có đàn. Ly hát lại bài hát sáng tác của Thắng ngày xưa. Thắng cầm chặt cốc rượu trong tay run run. Ly hát. Giọng vẫn trong, mượt, hơi mảnh, e dè. Lúc sau bạo dạn hẳn lên. Tiếng hát nhuần nhuyễn, tha thiết, vời vợi. Bài hát vào đoạn cuối. “Chỉ mình em trong nhà mặc trắng- Khó nói cùng em lắm, rằng anh…yêu…em…”. Thắng lập cập trút cả chén rượu vào miệng. Xong rồi, tất cả vỗ tay. Rượu lại rót ra. Lại cụng ly chúc mừng bài hát hay của Ly. Không ai biết, chỉ có Ly và Thắng biết đó là bài hát Thắng viết tặng riêng Ly ngày nào…Đã khuya. Tất cả say mèm. Cường hôm nay vui chuyện vui rượu say ngấu. Liêu xiêu. Đã đến lúc phải ra về. Cường chỉ kịp chào một câu rồi nằm vật ra giường. Ly tiễn Thắng và anh hoạ sĩ ra khỏi cửa. Cách cửa nhà chừng vài mét, trời tối om, sương mù che khuất cả mặt đường. Thắng cầm tay Ly. Ly im lặng. Thắng kéo Ly vào và hôn như trút lên mặt lên tai lên cổ Ly. Ly vâng chịu. Như cơn mê, hai người dò tìm nhau tức thở, cuống quýt, ngột ngạt. Bừng tỉnh, Ly đẩy Thắng ra. “Anh về đi. Anh về đi!”. Thắng hổn hển: “Mai anh muốn gặp em. Làm thế nào?”. “Anh cứ về đi đã. Em điện sau”. Trong bóng đêm, Ly lập cập chạy vào trong nhà. Thấy Cường vẫn đang bất động trên giường, Ly thở phào.
-          Chỉ còn ngày mai nữa thôi là anh phải xa em.
-          Em chết mất.
-          Ở lại ngoan, thỉnh thoảng anh lại lên.
-          Anh đừng lên. Em sẽ về với anh, an toàn hơn.
-          Nó có cho em đi không?
-          Thỉnh thoảng em vẫn phải mang hàng về dưới ấy mà.
-          Thế thì tuyệt rồi. Hàng gì?
-          Chúng em làm thuốc lá tắm của người Dao. Bây giờ thuốc  tắm người Dao đang thịnh.
-          Ôi em của anh…
---o0o---
Câu chuyện này bảo là kết thúc có hậu hay thực sự là thế nào, kể ra cũng khó.
Một lần, Cường thuê xe ôm chạy đường trường bám theo ô tô của Ly về xuôi. Xuống bến. Cường thấy Thắng phóng xe máy ào đến đón Ly. Hai người vội vã lao vào trong phố. Cường bám theo. Đến chỗ đường vắng, Cường cho xe vượt, chặn đầu xe Thắng lại. Mắt trợn trừng. “Xuống!”. Mặt cắt không còn giọt máu. Ly, Thắng xuống xe. “Tao sẽ giết chúng mày”. Cường vung dao. Thắng quẳng xe máy bỏ chạy. Một nhát dao chém sạt vai. Máu toé. “Cứu tôi với. Cướp cướp”. Cường đuổi theo. Ly ngồi sụp xuống, thất thần, khóc, chẳng biết tính thế nào cũng chạy theo Cường và Thắng. Gần tới nơi, Cường quay lại, đạp Ly một cái giời giáng, Ly ngã sấp xuống mặt đường. Người đi đường dừng lại dần dần đông lên. May sao, đến chỗ ngã tư ngay đấy có anh cảnh sát. Bằng một cú nghiệp vụ, anh cảnh sát đánh văng con dao trong tay Cường. Được mấy người dân phòng tiếp sức, Cường bị trói đưa về đồn.
Nghe nói mấy hôm sau Cường được thả ra, quay trở về nhà. Việc đầu tiên Cường bán hết số gỗ lũa trong cửa hàng cho một người chủ buôn khác, sau đó Cường uống rượu say, cầm dao định chém ba mẹ con Ly. Ly không xin, không khóc. Đôi mắt khô khốc. Cường vung dao vào đứa lớn. Lạ thay, con bé 5 tuổi lại nhoẻn miệng cười. Thế là Cường buông dao, khóc.
Sáng sớm hôm sau người thị trấn thấy ngôi nhà Cường cháy ngùn ngụt. Vài người chạy tới định cứu, thấy cháy to quá rồi, không thể làm gì được nữa đành đứng xem. Có người trông thấy Cường ngồi trong chiếc xe Taxi lao vút xuống dốc.
Lại một hôm, dễ đến hơn hai năm sau,  người thị trấn thấy Ly trên đài truyền hình. Ly đã vào Sài Gòn. Bây giờ nàng làm Giám đốc cho một công ty du lịch gì đó. Nàng chuyên làm người mẫu chụp ảnh cho các hãng nước ngoài. Nghe nói rất giàu có. Hình như nàng ngày càng đẹp hơn. Nhiều người dân thị trấn cả quyết như vậy…


CÂM SÓNG

Chủ nhật. Trưa nay Trung có nhà. Vợ trên giuờng. Trung dưới đất. Con bé quẩn chân bố. Điều hoà “chỗ nào cũng mát”. Cả nhà đang thiu thiu. Ngoài trời hôm nay 38 - 40 độ chứ chẳng chơi. Đài báo đưa tin mấy hôm nay trẻ em vào viện nhiều lên bất ngờ. Ỉa chảy. Viêm phổi. Các cụ đi cũng nhiều. Nóng bức ngột ngạt thế này, trẻ cũng nhao nhược cả người, nói gì đến các cụ già.
Tự nhiên Trung thấy có tiếng gắt gỏng lao xao ngoài đường vọng vào. Ôi dào, lại cái đám hàng rong chứ quái gì. Đã đói thì chớ, chả biết bảo ban nhau, lại cứ chí choé suốt ngày. Ờ mà có tiếng đàn ông. Cái lão nào mồm to thế không biết. Bực thật. Trung lấy gối bịt tai lai, giở mình ngủ tiếp. Hoa, vợ Trung bật dậy, Anh Trung, anh Trung. Cái gì. Anh dậy ngay. Ra ngoài xem ai. Em thấy hình như có ông nào đang réo rắt tên anh. Ông nào. Chỉ được cái…Thôi đúng rồi. Anh dậy nhanh lên. Tiếng ông chú ở quê thì phải. Trung vùng dậy. Lao ra ngoài ngõ.
-          Mẹ cha cái thằng ăn cháo đái bát kia. Mẹ cha cái thằng mất dạy kia. Trung đâu? Mày ra đây ông bảo. Bố mày chết nên không ai dạy mày. Mẹ mày ngu không biết dạy mày.
-          Ông. Ông. Ông ra bao giờ? Giời ạ, có chuyện gì thì ông vào nhà đã. Đang trưa thế này…
-          Tao chết đói cũng ỉa vào cái nhà mày. Mày tưởng mày ăn cơm nhà nước, lấy vợ Đồng Xuân, mày khinh tao à. Mày khinh người nhà quê a.
-          Ấy chết. Sao ông lại nói thế. Ông vào nhà con uống nước đã rồi xem đầu cua tai nheo ra thế nào.
-          Cua nheo cái mả cha mày. Thằng anh con bác cả mày ốm nằm chờ chết đã mấy tháng nay mày không được một lời ỏ ê, không về thăm nom nó lấy một lần. Mày sống cạn tàu ráo máng thế à? Họ hàng máu mủ thế a? Nó đang nằm chờ chết hiểu chưa? Mẹ cha mày…
-          Ối giời ơi ông ơi - Hoa vừa mới thay đồ, tóc búi ngược, tất tả - đang trưa nắng nôi thế này…Mời ông vào nhà con đã rồi có gì ông dạy bảo sau.
-          Còn cái mặt chị nữa đấy. Chị tưởng ăn trắng mặc trơn, khinh người nhà quê à? Chị hỏi cái thằng chồng bạc tình bạc nghĩa của chị ấy, xem nó là người thế nào?
-          Chúng con xin ông. Mong ông bớt giận. Để con thu xếp con về. Thế anh Bằng bây giờ thế nào rồi?
-          Thế nào cái mả cha mày. Ông vừa khóc vừa nói. Mày liệu mà ăn ở, rồi không có đường mà về quê đâu. Mẹ cha mày… Ông về. Mày liệu cái thần hồn đấy. Nói xong, ông quầy quả quay cái xe đạp trèo lên yên.
-          Kìa anh, giữ ông ở lại đi chứ. Đứng đực ra thế a?
-          Ông…Đến lượt Trung khóc. Ông ở lại mai con đưa ông về.
-          Mặc mẹ tao. Tao có thân tao lo.
Hai vợ chồng Trung đứng tần ngần giữa cái nắng gay gắt như quạt lửa vào mặt. Trung đã định chạy theo, lại thôi. Anh đứng nhìn bóng ông chú đạp xe đi khuất vào lối lên cầu sang bên mạn Bắc...
Ông là ông chú út trong họ. Bố Bằng, bố Trung và ông là ba anh em ruột.
            Mấy bà bán hàng nước bên cạnh nhao ra hỏi chuyện.
-          Gớm cái ông nhà quê gì với nhà mày mà chửi gì ngoa ngoắt thế?
-          Loại ấy gọi công an doạ cho một câu sợ vãi đái.
-          Không có gì đâu các bác ạ. Hoa mềm mỏng. Chẳng qua các cụ mắng con mắng cháu kệ các cụ, chấp làm gì.
-          Ừ, mỗi lần tao về quê cũng đến khổ. Không cẩn thận các cụ chửi như chan mẻ vào mặt ấy chứ.
Vợ chồng Trung thẫn thờ quay vào nhà.
---o0o---
Nhà vợ chồng Trung mặt phố. Một con phố nhỏ nằm giữa trung tâm nhưng rất tĩnh. Cả phố dài khoảng vài ba trăm mét. Trung học đại học. Rồi được giữ lại trường làm giáo viên. Vợ Trung làm công tác đối ngoại của Bộ thương mại gì đó. Ngồi chỗ ấy, đi nước ngoài như đi chợ. Có lần về quê chồng, Hoa khoe vừa đi Mỹ về, cả mâm cơm trợn tròn mắt, rồi sau thấy im, không ai hỏi gì. Hoa liền hiểu cái sự khoe ra ấy không phải chỗ, nên im ngay.
Trung đi tối ngày. Chả biết giảng dạy, nghiên cứu nghiên cò thế nào, cứ đã ra khỏi nhà là đi cả ngày. Trưa không mấy khi về. Thứ bẩy, chủ nhật hoạ hoằn lắm mới chịu bó chân ngồi nhà. Nghe chừng phải ngồi nhà thấy khổ sở lắm. Điện thoại thì cứ thưa thưa dạ dạ, cứ tin nhắn suốt. Trung được mấy em gái cơ quan gọi là Người đàn ông bận rộn. Chắc cũng có bận thật, nhưng làm gì mà bận ghê gớm đến nỗi hai ba tháng nay không về quê lấy một lần. Bảo có trèo đèo lội suối gì cho cam. Có già ba chục cây số chứ mấy. Cũng có nghe ai đó nói loáng thoáng anh Bằng ốm đau gì đấy…
Kinh nhất đối với Trung là tiếng điện thoại réo trong đêm. Hao tổn thần kinh lắm. Mẹ già ở quê thế nào. Họ hàng hang hốc thế nào. Hãi lắm. Thôi, cứ mong cho mọi sự bình an để cho con còn được thở. Sống ở cái thời gì mà lúc nào cũng thấy không hết việc thế này? Hay là Trung tự cho mình là người quan trọng. Nghĩa là không có mình việc không xong. Cứ kệ mẹ chúng nó thì cũng đâu vào đấy. Trung lẩm nhẩm, phải chỉnh đốn ngay cuộc sống của mình thôi, nếu không muốn bị chết non…Ý nghĩ này đến với Trung đã một đôi lần.
Chung quy tại cái bệnh lười. Về quê mùa hè không có điều hoà. Thỉnh thoảng lại hay mất điện. Nhà có mẹ già. Cô út làm nghề bác sĩ, vợ chồng chúng nó chăm bà, được cái thằng rể hiền lành tử tế. Thỉnh thoảng về biếu bà ít tiền, thế là xong, cứ gì phải về xoành xoạch mới là có hiếu. Nhưng cái vụ anh Bằng thì quả có hơi quá đáng thật. Cái hôm nhận được tin gần đây, thằng em báo qua điện thoại, đang trên đường phố, câu được câu chăng. Sau  đấy lại đi dạy phía Nam một đợt đến hơn hai tuần. Về lại hội thảo hội nghị lu bù. Chả đâu vào đâu. Mà ông chú quá tệ. Làm mình mất mặt với hàng xóm. Không ra cái thể thống gì. Bố già nhà quê một đống. Dám ra giữa phố mà chửi bậy chửi bạ. Không coi phố xá ra cái gì. Đúng là không coi phố xá ra cái gì…
Anh Bằng là con bác cả. Sàn sàn tuổi Trung. Học trước Trung vài ba lớp. Học dở cấp ba rồi đi bộ đội. Về làm công nhân. Những năm đói khổ,  bỏ về đi cầy. Đi cầy mãi cũng chán. Lại bỏ đi buôn. Lấy vợ. Cho vợ đi  xuất khẩu lao động Đài Loan. Được hơn hai năm vợ theo giai, báo tin không về nữa. Anh phẫn chí uống ruợu. Có độc đứa con gái. May mà có thằng làng bên nó rước cuối năm vừa rồi. Hôm đám cưới con bé, Trung cũng về. Vợ Trung không về. Bằng rượu vào nói kháy: “Chú Trung sợ vợ đi ra đường nắng cháy da”. Mấy đứa em con nhà ông chú thì bóng gió thím ấy thèm gì về nhà quê, thím ấy sợ bụi bẩn quần. Trung chả buồn nói. Lâu nay vẫn thế. Trung nghĩ về quê cứ ít nói là hơn. Thấy ai cạnh khoé, im lặng là hơn. Đi đường luôn nở nụ cười hình chữ nhật trên môi và nhớ là chào to. Chả biết có gọi đúng vai cô dì chú bác anh em thế nào, nhưng cứ  chào to, nhầm còn hơn bỏ sót. Không chào bị cho là khinh người, là mất dạy ngay. Trung cũng dặn Hoa như thế. Thế mà lần nào về, gặp ai, cứ lí nha lí nhí, tiếng chả rõ tiếng, chào chả ra chào. Khối người bảo cái ngữ vợ Đồng Xuân là nó khinh người phải biết. Mà tiếng là cạnh chợ Đồng Xuân nhưng cách đến mấy con phố, nhà của các cụ để lại. Bố mẹ Hoa có một mình Hoa. Thế là Trung về ở. Các cụ cũng đã hai năm mươi cả rồi. Hoa thì làm nhà nước. Cũng có dám khinh thường người nhà quê gì đâu. Nhưng người nhà quê cứ nghĩ là Hoa điệu đàng, khinh khỉnh, ưỡn ẹo. Khổ thế. Có một chuyện với anh Bằng. Lần ấy vợ chồng Trung về ăn giỗ bác cả. Anh Bằng là trưởng nam, đứng ra lo. Đông lắm. Hoa nghe lời Trung càng ít lời càng tốt. Nói ra không hợp tai các vị ở nhà là mệt đấy. Ăn xong, đang ngồi uống nước, anh Bằng giọng rượu méo cả tiếng: “Thím Hoa lấy cho anh cái tăm”. Hoa đã trợn mắt. Nhưng thôi tặc lưỡi đứng dậy làm cho xong chuyện đi không thì rách việc. Đưa tăm, vừa ngồi chưa nóng chỗ lại: “Thím Hoa lấy cho anh cái khăn mặt lau mồm”. Hoa nóng tiết. “Anh đi mà lấy”. Nói xong Hoa bỏ vào trong buồng. Tức. Bằng cười nhạt. Ở cái họ này, các đàn em, từ giai đến dâu đến rể, đố đứa nào dám cãi Bằng. Cứ gọi là hầu hạ thưa gửi một bề răm rắp. Thế mà có đứa nó dám bất tuân. Hừ…Nhìn thấy bé gái đứng cạnh, Bằng chữa ngượng: “Cháu gái ngoan, đi lấy cho bác cái khăn lau mồm cháu nhé”. Từ bấy Bằng ghét Hoa lắm. Có lần, uống rượu với Trung, Bằng đe, chú đéo biết dạy vợ, rồi để có ngày nó ném váy lên mặt đấy. Ý anh bảo sao. Ta nói với chú chứ, chú có nhớ lần giỗ bác năm ngoái không, anh bảo nó lấy cho anh cái khăn, thế mà nó vằn mắt lên cút thẳng. Cái con gớm mặt thật! Ấy chết, ông anh tha cho, nó ở phố xá nó không quen làm cái việc ấy, chứ không phải nó láo gì đâu ạ. Lấy chồng phải theo thói nhà chồng, dẫu là con ông tướng nhá. Thôi, ông anh bớt giận. Để em về em điều trị nó…
---o0o---
9 giờ sáng.
-          A lô....a lô...a lô!
-          A lô a lô a lô...
-          Không nghe rõ đâu. Đang đi trên đường. Lúc khác gọi nhé. Tối về gọi lại nhé.

2 giờ chiều.

- A lô. A lô ô ô ô ô...
- Quái lạ. Chú đấy à? Chả nghe thấy gì. Nói to lên!
- A lô… Không nghe thấy gì.
- A lô, a lô...Câm mẹ nó sóng rồi.
- Ừ, ừ. Có gì em nhắn vào máy nhé.
Tạt vào vệ đường, Trung sững người nhận tin anh Bằng đã tịch. Trung bủn rủn chân tay. Đứng tựa vào yên xe. Thoáng nghĩ đến ông chú già ở quê. Tự nhiên một tiếng rên hắt ra từ lồng ngực.
Trung tính xem có chuyến máy bay nào sớm nhất có thể về Hà Nội. Rồi từ Hà Nội về quê. À, cứ gọi điện cho Hoa đưa con về quê trước là thượng sách.

Sớm hôm sau.
Vừa mới tinh sương, Trung đang ngồi trên chuyến xe tốc hành, Hoa đã gọi.
- Ờ ờ. Nói to lên. Không nghe rõ đâu.
-…
- Nhanh nhất cũng phải tầm 4 giờ chiều mới tới Hà Nội.
- ...
- Ơ, thế em chưa về à?
- ...
- Thế này thì còn nói chuyện gì nữa. Cô làm thế này thì tôi còn ra cái mặt mũi nào nữa.
- Tuýt tuýt tuýt...
- Khốn nạn thật! Không kịp mất rồi.
---o0o---
Trong thâm tâm, Trung mang ơn Bằng lắm. Những ngày đi học đại học, mỗi lần về quê, Bằng hay cho tiền. Không nhiều, nhưng với sinh viên một hào cũng quý. Ngày ấy anh Bằng đi buôn cá giống. Tốt ăn ra phết. Cứ cái xe máy cà tàng, hai cái sọt to, đi khắp vùng. Có lần Trung trêu: Thật thà như đếm cá con. Mười. Mười một. Con này tốt. Hai mốt hai hai...Anh có thế không? Bằng tủm tỉm cười. Thế thì đã sao nào. Tao không ăn gian nói dối với chú là được chứ gì...Dạo ấy, nước sông to. Mấy thằng con trai rủ nhau bơi ra giữa dòng vớt củi. Nước chảy xiết. Lồng lộn. Đỏ ngầu. Trung nhìn thấy cây gỗ đen sì đang trôi giữa dòng, liền nhao theo. Nếu là gỗ to, được món to. Không dùng thì bán. Mải theo. Cây gỗ băng theo dòng nước xiết, trôi vun vút. Đuổi không kịp. Khi biết mình chịu thua, Trung chột dạ bơi vào bờ. Đuối sức. Đã vài bụm nước nuốt vào bụng. Thấy tiếng anh Bằng. Trung ơi. Bình tĩnh. Tao đây. Anh Bằng đây. Trung đã sặc nước. Bằng chạm được vào người Trung. Anh khéo léo không chạm vào tay. Kinh nghiệm nếu để người sắp chết đuối túm được mình, thì chỉ có chết đuối theo. Bằng túm được tóc Trung. Vừa lôi vừa lựa theo dòng nước kéo dần vào bờ. Trên bờ, mấy thằng mặt mũi xanh lét. Trong làng đã có mấy đàn ông đang tức tốc chạy ra. Hóa ra mấy đứa trên bờ hô hoán, có người nghe thấy. Lên bờ, mấy người đàn ông ôm ngang bụng Trung xốc cật lực. Bao nhiêu nước trong bụng tháo ra bằng sạch. Hú vía. Sống rồi...Từ bấy, Trung sợ bơi. Mỗi lần xuống sông tắm, dù là nước trong vắt, hiền lành, Trung vẫn thấy ghê ghê. Mẹ Trung là người hả dạ nhất. Bà vừa mếu máo vừa bảo anh Bằng là Phật sống đã cứu em. Sau này thằng Trung trả cái ơn anh Bằng cả đời không hết. Ngày nhỏ, hai anh em lúc nào cũng quấn qiút bên nhau. Có Bằng, Trung vững chãi hẳn lên. Trong làng không thằng nào dám bắt nạt Trung, vì Trung là em anh Bằng cơ mà. Nhớ nhất hôm tiễn Trung lên trường Đại học bằng xe đạp. Kẽo kẹt hơn ba chục cây số. Bằng bảo: mày cố học giỏi lên, rồi khi nào giầu, mày mua ô tô về chở tao đi chơi. Trung chưa mua được ô tô. Nhưng cũng đã biết lái. Thỉnh thoảng nói với đội xe của cơ quan cho mượn một hai ngày đổ xăng vào mà chạy cũng chẳng khó gì. Thế nhưng Trung chưa khi nào định bụng làm theo lời Bằng năm ấy. Tiếc thật. Những mong  khi nào anh Bằng khỏe trở lại Trung sẽ mời anh Bằng đi chơi Hạ Long Bãi Cháy một chuyến. Cái công của Bằng to hơn cái đình. Cả nhà cả họ đều mang ơn Bằng. Ngày còn trẻ, chưa vợ con gì, hễ mỗi lần về quê là tót ngay xuống nhà Bằng chơi. Chén chú chén anh. Lần nào Bằng cũng giục lấy vợ để cho bà thím có cháu đít tôn. Số anh Bằng chưa được sướng ngày nào...
---o0o---
Không kịp mất rồi. Không kịp mất rồi. Trong đầu Trung cứ âm âm cái câu ấy. Sao mình không từ chối quách cái chuyến công tác chết tiệt này đi ngay từ đầu nhỉ. Sao không dám từ chối nhỉ? Thực chất thì vì cái gì? Sao ông ta lại bổ việc xuống đầu mình đúng vào cái lúc này? Sao mình không dám hé răng nói lấy một lời. Lẽ ra...Nhiều lúc đang chập chờn gà gật trên xe, Trung giật thót người tỉnh lại. Một tiếng rên bất giác bật ra. Trung không thể nào quen với cái ý nghĩ anh Bằng đã chết. Anh Bằng mới tuổi năm ba. Bốn chín chưa qua...Ghê thật. Anh Bằng cũng không thèm báo mộng cho Trung biết nhỉ. Thấy bảo người chết trẻ là linh lắm cơ mà.
 Trong lúc mơ màng, Trung nghe thấy tiếng kèn đưa đám. Trung giật mình tỉnh hẳn. Cái tiếng tò tí te rợn người ấy suốt tuổi  thơ Trung đã nghe đi nghe lại không biết bao lần...

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến