Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

BẢN HỢP XƯỚNG RỪNG

   LTS: Tác giả văn xuôi Nguyễn Xuân Mẫn đã có nhiều thành công về mảng đề tài ký sự nói về miền đất đầu nguồn sông Mẹ, đặc biệt vùng biên ải Bát Xát Lào Cai . Nơi đây tác giả đã từng sống những ngày gian khổ của tuổi thanh xuân. Rừng núi và dòng văn hóa các dân tộc Bát Xát đã khơi nguồn cho anh thành công nhiều tác phẩm thấm đậm tình đất tình người. Từ nay chủ báo Công Thế sẽ thường xuyên chuyển tải lên các tác phẩm của gã Nhà văn đầu bạc này. C.T
Bút ký của Nguyễn Xuân Mẫn
          Tôi sinh ra trên đồng chiêm trũng huyện Vụ Bản, Nan Định nhưng lớn lên giữa bạt ngàn màu xanh của tán rừng Bát Xát. Củ mài, ngọn măng, hạt đài hái qua dạ dày đắp thêm xương thịt cho tôi. Những mạch nước chảy ra từ bầu vú núi cho tôi thỏa cơn khát dốc cao. Bốn mươi bẩy năm nay, rừng quê hương thứ hai đã in sâu trong đời tôi bao kỷ niệm vui buồn trùng trùng điệp điệp.
          Tôi đã đi nhiều nưng không thấy nơi nào thiên nhiên ưu ái nhiều như Bát Xát. Gặp  mùa khô nhiều nơi cây cỏ, người và muông thú bị khát chồng lên cơn khát. Thế mà các khe nhỏ suối to của Bát Xát vẫn quanh năm rào rạt nước. Đón mưa, nhận hơi ẩm quanh năm nên rừng Bát Xát lúc nào cũng một màu xanh thẳm mượt mà. Núi càng lên cao, cây rừng càng sum xuê cổ thụ. Dẫu "chẳng may thân gãy cành rơi", nhưng hàng trăm năm sau thông đỏ, thông tre, pơ mu vẫn lỳ như đá và ủ hương thơm ngào ngạt. Thầy tôi vẫn bảo trên Ý Tý có cây sến đứng dưới khe sâu, cành ngọn vươn lên xoè tán che kín cả hai đỉnh núi nên được gọi là ngài tổ của cây, các nhà khoa học dự đoán nó có tuổi cỡ năm sáu trăm năm. Năm 1979, cụ sến già lụ khụ ấy biến mất... Trong họ nhà tre có cây vầu là loài cây hiện diện khắp nơi. Vầu to cỡ bắp đùi như những rừng đũa khổng lồ. Nằm ven rừng cỏ gianh, mầm vầu lẳng lặng luồn sâu vào giữa rồi bất thình lình vài năm sau, đàn con đàn cháu nhà vầu tua tủa chìa lên mở mang bờ cõi.
          Nắng, mưa, giá, rét, tuyết, sương bào chế cây rừng Bát Xát thành kho thuốc nam khổng lồ. Cốt nhục, tứ chi, lục phủ, ngũ tạng của ai bị các bệnh nội xung ngoại phát hành hạ thì chỉ cần nắm lá rừng là bệnh tật bị tiêu trừ. Cây thảo quả chỉ lặng lẽ sống dưới tán rừng già, lại quanh năm chìm trong giá lạnh nhưng lại chắt lọc được tinh túy nồng nàn của hương rừng, ủ thành sức nóng như lửa đốt. Đến nay thảo quảt vẫn là nhiệt dược của ngành y. 
           Bị núi cao suối sâu ngăn bước chân đi, lại bị đói cơm thiếu gạo quanh năm nên ngày xưa người Bát Xát nghèo lắm. Cái nghèo hiện hữu trong ống vầu làm bát ăn cơm, chén uống rượu. Bàn thờ tổ tiên bằng tấm phên vầu đan đơn sơ nhưng linh thiêng vô tận. Mấy mảnh nứa băm, bốn chạc gỗ chôn xuống đất cũng thành chiếc giường ngủ ọp ẹp nhưng nhiều khi thành bàn hộ sinh đón bao đứa trẻ chào đời. Vẫn là mấy chạc gỗ nhưng phải kéo bằng trâu, chôn xuống đất làm cột nhà che mưa nắng. Những cây vầu chắp lại thành dòng suối nổi đưa nước ăn về tận bếp, dẫn nước vào tưới cây lúa ruộng. Không biết nói tiếng người, không có cảm xúc buồn vui nhưng rừng Bát Xát quyện chặt lấy người như hình với bóng.
Sống chết với rừng nên người Bát Xát coi rừng là bậc thần đấng thánh. Nơi thờ cúng thần rừng đều được gọi là rừng cấm bang bây giờ nhiều nơi vẫn uy nghi đầu bản vừa là chốn ngự của thần rừng lại là khu sinh thái rừng nguyên vẹn. Các dân tộc của Bát Xát đều có quy định ứng xử với rừng, tuy bất thành văn nhưng đời trước truyền dạy cho đời sau lầu dần trở thành lý được già trẻ tự giác tuân thủ.  Lấy củi rừng cấm bang, không bị khói xông mù mắt cũng hắt hơi đến còm cõi. Lý giữ rừng đòi khi ngả gỗ phải xem có cây con thuộc loài của nó mới được vung lưỡi búa. Lý rừng dạy, con dao phát nương không được động đến đỉnh đồi để hạt cây trên cao xuống may áo xanh cho đất. Mùa măng mọc, trâu phải chăn dắt, lợn phải nhốt chuồng.
Ông bà dạy phải ứng xử với rừng là như thế nhưng không được con cháu làm như thế. Lưỡi búa du canh hằn vào óc người ta thành tập phát nương. Những cây gỗ to hai ba người ôm bị tử hình  để lấy đất cho cây lúa nương thấp chưa tới thắt lưng. Mấy chục năm trước, từng đoàn người Kinh dưới miền xuôi lên Bát Xát "khai đất hoang thành luống cày". Đội quân áo nâu cầm tay đội quân áo chàm thành chiếc kéo cắt tan hoang rừng. Thiên nhiên thả vào rừng Bát Xát hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng cầy cáo. Thấy dấu chân con thú, cả bản rủ nhau đi bắt cái "rau có chân" về "làm canh". Tiếng hét Ơ!!! h!!! Ợ!!!Ợ!!!Hợ!!! rát cổ khô họng nhưng không thấy bóng con thú, bao diêm trong túi cáu tiết xui người ta đốt đồi gianh. Liếm sạch rừng gianh chưa hả dạ, lưỡi lửa sang rừng gỗ, rừng vầu. Lưỡi lửa, lưỡi búa đua nhau ngốn dần rừng, cho tới năm cuối năm 1991, cả huyện Bát Xát hoảng hốt nhìn lên lá rừng rách nát, chỉ còn lại 14%.
Ai cũng hiểu nguồn cơn mất rừng là do đói, nên công việc trả lại màu xanh cho rừng được khởi đầu từ dưới ruộng ngoài nương. Khi thóc tràn quây, ngô đầy sàn là người người yên tâm mở cuộc tổng khám sức khoẻ rừng. Các cán bộ lâm nghiệp lặn lội khắp thâm sơn cùng cốc để kiểm kê trữ lượng lâm sản, năng lực rừng tái sinh và đất trống rồi xẻ đồi, cắt rừng ra từng lô từng khoảnh để mà tìm cách vá da, cấy xương. Cuộc "cắm thẻ nhận rừng" giúp người dân phấn khởi vì kho vàng xanh ấy là của chính mình. 
Nhiều loại cây cao giá về giúp Bát Xát. Dòng nhà keo thuận duyên với Bát Xát chỉ có anh keo tai tượng, chỉ cần bảy tám năm, loại có lá to như tai voi đã đủ tuổi trả công cho người. Với lợi thế lớn nhanh thân thẳng nên cây mỡ rất được lòng dân Bát Xát vì vậy ở đâu cũng cơ man lãnh thồ mỡ. Cây quế phải có thời gian sống gấp đôi họ nhà keo nhưng chỉ riêng tiền bộ vỏ quế đã gấp đôi ba lần. Không thua chị kém em nên lát hoa, re vàng và các loài cây bản địa cũng thi nhau thành rừng trồng. Quả trám vốn là món ăn khoái khẩu khắp chợ cùng quê nên bây giờ cây trám rời bỏ cuộc sống hoang dã về để thành vườn thành nương. Với sức bật hơn hẳn trong họ cây ống, một héc ta tre Bát Độ mỗi năm mọc cho người trồng chừng năm sáu chục triệu đồng. Cây nhập cư hợp sức cùng cây bản địa chiếm lĩnh rừng cỏ gianh để hình thành những cánh rừng trồng rộng tới gần 8.800 ha. Dưới vùng thấp xã nào cũng vài ba chủ lâm viên có ba bốn chục héc ta rừng trồng.  Người chỉ chọn một loại cây để khi thu hoạch cầm tiền một cục, người rải ra nhiều giống, nhiều đợt trồng nên không lúc nào rỗi việc. Cũng trồng cây cũng làm rừng nhưng không ai giống ai. Cụ Hoàng Mộc Lan thuê máy gạt về khoanh những vòng cung lượn khắp đồi. Bằng con đường ngoại giao nhân dân, giống cao su Trung Quốc được cụ đón về nhập quốc tịch. Chỉ hai năm nữa, 15 ha cây có nhựa biết co dãn này sẽ chảy dòng nhựa trắng đầu tiên mừng cụ thượng thọ bẩy mươi lăm tuổi. 
    
Trên đường lên khu du lịch Sa Pa, viễn khách đều trầm trồ khi nhìn thấy giữa tán rừng là những mái nhà của bà con Dao đỏ xã Tòng Sành. Đấy chỉ là một góc nhỏ rừng tái sinh Bát Xát bởi đâu đâu rừng tái sinh cũng trỗi dậy thẫm màu xanh. Vương quốc bao la của rừng già Bát Xát từ Nậm Pung lên Trung Lèng Hồ, lan sang Dền Sáng, Ý Tý rồi vòng xuống Trịnh Tường, Cốc Mỳ. Năm 2.000, nhà nước mở con đường ô tô từ Dền Sáng lên Ý Tý dài hơn chục cây số trong rừng nguyên sinh. Vui mừng thoát khỏi vất vả phải luồn lách dưới rừng ẩm ướt nhưng ai cũng lo con ô tô cõng trộm cả chục nghìn héc ta rừng. Chính sách giao rừng và lý rừng trở thành đôi cánh cửa cho rừng già được tự hào với hai tiếng cổ thụ. Mười năm nay, ô tô vẫn rền vang tiếng máy mà rừng già vẫn thẫm xanh. Rừng trồng, rừng tái sinh nối với rừng già thành tấm áo của núi đồi trùng trùng điệp điệp. Rừng như bàn tay vĩ đại ngăn giữ những dòng thác lũ điên cuồng. Hơn 53.000 ha rừng là cỗ máy bơm nước khổng lồ tưới 4.500 ha ruộng lúa và nuôi 140 ha thủy sản. Cả thảm rừng Bát Xát hôm nay là mỏ than trắng cho hàng chục nhà máy thủy điện đưa lên lưới hơn hai trăm ngàn ki lô oát. Yên tâm dưới tán rừng già, hơn 1.600 ha thảo quả mỗi năm đưa vào két người vùng cao ba bốn chục tỷ đồng. 
 
Hai mươi năm hồi sinh, rừng Bát Xát đã toả màu xanh vĩnh hằng nuôi chừng 3 triệu mét khối gỗ và hàng chục triệu cây vầu, nứa. Sức mạnh bền bỉ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bát Xát, đã mở rừng rộng lên gấp bốn lần để 4 năm nữa đủ 55% tán che phủ. Con đường ô tô vòng quanh Bát Xát đang mở rộng và rải nhựa đón khách lên du lịch rừng, đắm mình giữa hoa phong lan ngợp rừng già, hoa đào rực rỡ bản vùng cao và thả hồn trong tiếng chim thánh thót.
Trách nhiệm nghề nghiệp và lương tâm của người kiểm lâm gắn chặt kỹ sư Nguyễn Bá Viện, quê Phú Thọ với rừng. Ba mươi năm mặc áo kiểm lâm thì hơn mười năm nay ông coi Bát Xát như quê hương. Tuổi đã sang chiều, kéo theo nhiều bệnh tật nhưng không lúc nào ông ngừng nghỉ. Ra Cốc San hướng dẫn dân hạ giống cây, chặt tỉa rừng trồng rồi hôm sau ông đã luồn dưới tán  rừng già Ý Tý. Làm việc xong với cán bộ xã là ông xuống nhà dân xem dụng cụ chữa cháy rừng. Đứng giữa sân hạt kiểm lâm Bát Xát, tôi hỏi ông: Hạt trưởng có phép thần gì mà từ ngày về đây chỉ có vài vụ vi phạm lâm luật bị truy tố nhưng chỉ mức án treo? Không nói gì đến công sức của mình, ông Viện khoát tay chỉ vào cơ quan rồi cười: Hạt chúng tôi chỉ có 29 người nhưng hơn 7 vạn dân Bát Xát mới là lực lượng canh gác kho vàng xanh này!
Chia tay ông Viện, tôi về đến quê Cốc Mỳ khi nắng chiều đã rải vàng khắp rừng núi. Đang nhấp chén nước chè Shan, tôi giật mình nghe tiếng hoẵng kêu toác toác trên rừng tái sinh sau nhà. Anh rể tôi bảo: Vài năm nay rừng dày lên nên chim thú về nhiều lắm! Tôi lắng nghe giữa màu xanh yêu thương không chỉ có hai con hoẵng đang gọi nhau mà còn vô vàn tiếng chim hoạ mi, tu hú, gà rừng... cùng hòa tấu bản hợp xướng sơn lâm hùng vĩ.
Nhà sáng tác Đại Lải, tháng 10 năm 2011
N .  X . M

ĐẦU NGUỒN SÔNG MẸ

Bút ký của Nguyễn Xuân Mẫn
Phát nguyên trên độ cao 1.776 mét, dòng sông gầm gào tung bọt trắng hồng qua bao nhiêu vách đá dựng đứng dưới chân dãy núi Ngụy Sơn, huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ở bên đất bạn, con sông dài chừng 580 cây số nhưng mang hai tên gọi Nguyên Giang hay Lê Xã Giang. Đến khi gặp dòng suối lớn Lũng Pô có nghĩa là Rồng Bố, nó trở thành biên giới đường sông ở mỏm đất cực bắc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ xa xưa, mỏm đất cực bắc này đã là tiền đồn nơi biên thùy heo hút. Hôm nay toạ lạc trên mỏm đất ấy là ngôi nhà hình lục lăng lục mà nhiều người mới đến cứ lầm tưởng với một biệt thự nghỉ mát. Giữa mỏm đất nhô lên, ngôi nhà như con mắt sáng ngời ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc.  
Dải nước cuồn cuộn suốt 58 cây số để gánh vác thêm phận sự làm đường biên giới cho hai nước Việt – Trung rồi sông mới chính thức chảy vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nhập quốc tịch Việt, dù nhận nước của sông Đà xanh hùng vĩ và sông Lô trong mềm mại mà dòng chảy lớn vẫn rực rỡ màu hồng tươi. Khi còn ở bên Trung Quốc, không chỉ từng mùa từng tháng mà từng ngày, sông chuyển dòng chảy theo mực nước vơi đầy giữa thềm đất đỏ ba dan. Mùa lũ nước ôm phù sa lấp đầy những vòng cung, lúc ấy bãi cát mép sông như con trai nhô lên ngắm trời đất. Qua một đêm thượng nguồn không mưa, thay vào lưỡi trai khổng lồ là bức tường dựng đứng. Những lưỡi dao nước tỷ mẩn gọt chân tường rồi mép sông chợt reo: Ù...Ù... Ụ . p! ...  P!.. ù! . P! . ù! ...m!!!.. là khi mảng đất đã rơi tùm xuống nước. Dòng chảy lại tiếp tục xay tơi khối đất phù sa lớn như gian nhà hoà cho nước tươi đỏ thêm. Suốt mấy tháng mùa cạn không một giọt mưa nhưng nước sông chẳng bao giờ ngừng đỏ. Màu nước trở thành tên sông Hồng  thân yêu như máu thịt của người Việt. Miệt mài chảy về xuôi, bàn tay sông mỗi năm đẩy biển lùi ra gần trăm mét. Biển bị đẩy từ ngã ba Việt Trì, mở đất xoè tới Móng Cái và vươn tới tận Ninh Bình như cái quạt hồng khổng lồ, chính là đồng bằng Bắc Bộ. Phù sa bồi đắp đến đâu, lúa ngô rải màu xanh đến đấy cho những ngôi nhà của cư dân Lạc Việt mọc lên thành làng mạc. Giữa nền phù sa màu mỡ, cây lúa và người cấy lúa đã bồi đắp trên vùng châu thổ một nền văn minh rực rỡ chảy dài suốt bốn nghìn năm. Nước và phù sa sông Hồng như duyên tình muôn thưở, không chịu theo quy luật của ngũ hành là thuỷ khắc thổ bởi vì nhờ nước mà có vùng đất bằng phẳng màu mỡ tốt tươi. Như để trả ơn công châu thổ sông Hồng đã sinh thành dưỡng dục, cư dân con Lạc cháu Hồng còn gọi sông với hai tiếng dào dạt yêu thương là Sông Cái.
Sông Mẹ lượn qua những dãy đồi ngồi hai bên bờ, lúc khum lại như lòng bàn tay, khi ưỡn vồng ngực đá, đẩy dòng nước bật ra nên con sông vẫn hiện lên nhiều đoạn ngắn khúc khủy. Giữa dòng, những tảng đá mồ côi nằm rải rác, lúc cạn ngạo nghễ nhô lưng ngẩng đầu tắm nắng, ngày nước dâng cao, đá lùi lũi rủ nhau ẩn mình. Đồi và đá ngày đêm gẩy vào dây đàn sông muôn khúc nhạc. Nơi rì rào êm ả như lời thầm thì với rừng - núi - trời - mây, đoạn gầm gào giận dữ tựa tiếng hô hét của một trận chiến quyết liệt. Mỗi lần thuyền bè đi xuôi về ngược, người ta phải thật khéo lừa lách mới qua được những chiếc bẫy của thủy thần. Thác Ma Cò chỉ cách ngã ba Lũng Pô chưa đầy cây số nhưng bầy ra cơ man đầu trâu, lưng hổ, tai voi... Xuôi xuống chừng dăm cây sô, nhan nhản những dải đá hình thuồng luồng, trăn đất, mãng xà… vươn mình từ bờ ra nửa nổi nửa chìm làm thành thác Nậm Giang. Vừa qua phố Trịnh Tường, một bãi soi dài hơn cây số chắn giữa dòng nước. Bên phải uốn cong như lưỡi hái cứa vào bờ đá xoen xoét. Phía trái lổn nhổn đá như đàn sói đói gầm gừ hòng phục vồ bất kỳ chiếc thuyền bè nào dám vượt qua. Ngày 19/8/1886, đoàn thuyền đầu tiên của thực dân Pháp từ thị xã Lào Cai dong buồm ngược sông Hồng đi thị sát vùng đất vừa nằm trong bản đồ đô hộ. Khi chúng đang loay hoay chống chọi với dòng thác xiết thì từ ven bờ, nghĩa quân của họ Thào người Giáy phố Trịnh Tường bất ngờ nổ súng, nhấn chìm mười một tên lính lê dương và khố đỏ xuống dòng nước xiết. Trận chiến thắng này đã mở màn cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất Lào Cai. Từ đấy dòng thác được mang tên Thác Tây hay thác qủy da trắng, tiếng Giáy gọi là Srải Củi. Lịch sử có nhiều điều trùng hợp lạ lùng bởi 59 năm sau, ngày 19/8/1945, cả Việt Nam rực rỡ cờ đỏ sao vàng giành độc lập. Từ Thác Tây xuôi dòng chảy hơn chục cây số là gặp thác Bản Trang, một vỉa đá nghênh ngang như con báo hoa nằm ườn mình tắm mát, khoanh dòng nước thành một dấu hỏi khổng lồ, thách đố thuyền bè bơi vào cửa tử. Tới bãi soi như con dao bầu hai lưỡi, dòng nước bị rạch đôi thành hai con thuồng luồng tranh mồi lao tuồn tuột. Khi nhập làm một dòng, nó bỗng hùng hổ dội thành cửa thác mà tiếng Giáy gọi là pạcsrạt. Cho đến nay vùng Bát Xát còn truyền tụng một huyền thoại: Cửa thác là nơi sinh sống của hai con cua lửa và hai con thuồng luồng. Hai cặp vợ chồng hai loài ấy luôn luôn tranh giành lãnh địa nên thường xảy ra những trận thủy chiến khốc liệt. Vì vậy dòng nước cửa thác không lúc nào yên ả. Khi huyện lỵ lập trên bờ cửa thác, người ta đã bắn chết con thuồng luồng đực, thuồng luồng cái goá chồng nên phải lao ra biển. Máu của luồng luồng nhuốm đỏ sông nên hai con cua lửa không sống nổi cũng phải bò đi nơi khác. Từ đấy dòng cửa thác đỡ dữ dằn hơn. Mỗi lần muốn qua sông sang Trung Quốc, cả giờ đồng hồ thuyền hay mảng  phải chèo ngược mép sông tới hai cây số, khi gặp mũi con dao bầu hai lưỡi ở phía trên mới sang được quá nửa dòng. Nước đột ngột hất thuyền mảng tụt xuống ngang bến phía Việt Nam nhưng phải chèo lái thật vững mới cập vào bờ phía nước bạn. Mũi con dao bầu nằm giưã dòng ấy được người Giáy gọi là Kho Tầu tức là đầu thuyền. Ngày xưa chưa có xe đạp, xe máy, ô tô...và đường bộ còn rất khó đi nên sông vẫn là huyết mạch giao thông trọng yếu nhất. Bờ bên Pạcsrạt phía nước ta là bến đậu lớn nhất của thuyền mảng dọc sông này. Mảng xuôi, thuyền ngược cập vào bến Pạcsrạt thành nơi họp chợ nhỏ và người Giáy ở gần đây chặt vầu dựng nhà chuyển chợ ra họp nên gọi đây là Phố mới. Khi lập huyện đầu sông biên giới này, người ta chọn nơi đây làm huyện lỵ và lấy luôn Pạcsrạt đặt cho huyện, gọi lái dần sang tiếng Kinh là Bát Xát.  Để có một huyện biên giới đầu sông, nhân dân các dân tộc ở đây đã phải chung lòng dốc sức tạo thành sức mạnh hơn cửa thác để chống chọi quyết liệt với thiên nhiên, núi rừng, thú dữ và giặc dã. Rời cửa thác, sông lượn quanh mom đồi đá nhô ra ở Bản Qua, xoay tròn rồi cuộn nước trồi lên vô vàn bong bóng to như chiếc dù. Người yếu bóng vía ngồi trên thuyền mảng chỉ có thót tim nhắm mắt mà chờ... Dù thành thạo vượt mặt từng vệt nước nhỏ nhưng nếu qua những bẫy thủy thần ấy, ai cũng phải vững lòng chắc tay mà lựa lách mái chèo, nếu như không muốn chui vào mồm hà bá.  
Ngày xưa người dân Việt Nam và Trung Quốc sống bên dòng biên giới tìm mọi cách để cưỡi dòng chảy mà đi rồi đi mãi, đi quen, sông cũng thành đường. Người đi sau học người đi trước, cha dạy con đến nơi nào phải  khoát tay chèo để thuyền không chui vào bụng thác. Anh chỉ cho em đẩy sào sang bên phải hay bên trái khi sắp gặp tảng đá giữa sông. Vài ba lần là thuộc mặt từng vệt nước từng luồng đi, chỉ cần khoát bơi chèo cho đúng thời điểm. Đi xuôi nhờ nước đẩy, khi thuyền về ngược dù dòng nước xiết nhưng lúc nào mặt sông cũng lồng lộng gió đông nam. Hàng hoá xếp xong, giương buồm lên rồi thuyền cứ đủng đỉnh đè trên dòng nước ngược. Thời phong kiến gấm, vóc, lụa là, đồ gốm v.v... từ Trung Quốc xuôi dòng về tận thành Thăng Long. Mắm muối, hải sản ngoài vùng biển, dưới đồng bằng Bắc Bộ ngược thuyền lên tận Côn Minh, Tứ Xuyên nước bạn. Dòng sông dữ dằn là vậy nhưng con người đã đẩy mái chèo tài trí dũng cảm vào lòng nước xiết để Hồng Hà - Nguyên Giang mềm mại như dải tơ lụa. Mấy chục năm trước, ông Lìu Cẩm Thoòng, ở phố huyện Bát Xát sống bằng nghề đi thuyền. Chiếc thuyền gỗ sức chở hơn ba tấn, lúc chất vải vóc, mắm muối cho mậu dịch ngược lên Trịnh Tường, khi chuyển thảo quả, lâm sản xuôi xuống phố Cốc Lếu. Nhà tám chín miệng ăn, không ruộng nương, bà vợ chỉ có chiếc máy khâu cọc cạch mà nhà ông lúc nào cũng sung túc nhờ ...thuyền. Vợ chồng Pò Phù người Giáy cũng ở phố huyện có chiếc thuyền tuy nhỏ nhưng vừa chở hàng vừa đánh chài và lấy củi về bán.
Dòng phù du sinh vật trên vùng núi rừng Vân Nam rộng lớn nườm nượp đổ về đã gọi các loài thủy sản rủ nhau lên cư trú ở đầu nguồn sông Mẹ nên đây là nơi sinh tụ hết sức lý tưởng cho chúng. Những thác ghềnh nước xiết là cửa tử của  thuyền bè thì lại là nhà hộ sinh lý tưởng nhất giúp cho cá khai hoa. Khi cá cái đến sắp đến giờ sinh nở, hàng đàn cá đực dũng mãnh vượt lên đầu nguồn thác để sẵn sàng trao duyên. Các cụ già Bát Xát nói: "Cá anh vũ ở ngã ba sông Việt Trì nhưng vượt lên tận đây đẻ trứng nên mùa tháng ba, có khi ném chài bắt được". Nước sông ngầu đỏ nhưng cá lại ngon lắm. Chưa nói đến cá chiên, cá mè trắng đoạn dòng biên giới chắc thịt và không tanh như đoạn sông dưới đồng bằng.


Người Bát Xát luôn luôn tự hào là những người đầu tiên của con Lạc cháu Hồng được sống trên đầu nguồn sông Mẹ. Ngày đêm tự hào được canh giữ hơn năm mươi tám cây số phên dậu quốc gia bằng nước. Tự hào về quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc và bạn bè thế giới đang đặt nền móng cho những công trình khai thác tiềm năng thuỷ điện, thủy sản, giao thông và du lịch… trên sông Hồng. 
Trại sáng tác Tam Đảo, tháng 10 năm 2010
Nguyễn Xuân Mẫn- Hội viên Hội VHNT DTTS VN









Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến