Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

“GỬI BILL GATE VÀ TRỜI XANH” - Một thông điệp văn hóa thời kỹ trị


Paul Allen và Bill Gates – ngày 19 tháng 10 năm 198
Không có những thi ảnh lộng lẫy, những ẩn dụ thanh tao hay những phép tu từ cầu kỳ, tinh xảo. “Gửi Bin-Ghết và trời xanh” là lời tự sự của một chàng thi sĩ nông dân, đại diện cho nền văn hóa nông canh phương Đông, với Binll Gate, chàng hiệp sĩ IT (Information Techlonogi) hiển hách, đại diện cho nền văn minh kỹ trị Tây phương. Xuất phát từ ý hướng này, quả nhiên Nguyễn Anh Nông đã chọn được cái sườn tự sự – trữ tình khá vững trãi cho trường ca của mình.
Bin Ghết- đó là theo cách gọi thân thiện của người nông dân quê tôi.
Bin Ghết- chứ không phải Biu-ghết hay Biu-ghết-tơ (Bill Ghate)
Lời đề từ như ngầm giao ước với... chủ thể tiếp nhận rằng: các vị đừng tầm cầu ở đây những biểu tượng, huyền hoặc, cũng sẽ không có những thượng tầng ý tưởng to tát, cao siêu, không có những phép tu từ cầu kỳ , tinh xảo…mà giản dị chỉ là lời tự sự của một bác nông thuần phác. Trong một cuộc tự sự văn hóa, nhà thơ-nông canh có những gì để nói, phải chăng là chuyện “con cá –lá rau”, về cái không gian thân thiện ngập tràn cỏ cây hoa lá? Chính vì đã chọn được giọng điệu đậm chất khẩu ngữ Pha-mờ (famer), trên nền trữ tình dân gian đặc trưng châu thổ bắc bộ, nên tác giả cứ thỏa sức thung dung, nhẩn nha, túc tắc, như một bác nông dân khề khà nhả khói thuốc lào bên bát nước chè xanh kể lại chuyện trong làng, ngoài xóm. Ở đây, nhà thơ cũng nhẩn nha dạo chơi qua cánh đồng thi ca, khi “bắt bướm” lúc “hái hoa”. Tiện đâu bàn đó, chẳng nệ gì đến cấu tứ, khúc thức, đoạn, chương. Tuy nhiên, có lẽ dưới ánh mặt trời này, chẳng có cái gì tồn tại, mà không hàm chứa chút nghĩa lý. Giản dị có sự hiền minh của giản dị. Khát vọng về cái đẹp, cái thiện và hòa bình thì vị học giả cũng bình đẳng với kẻ không biết chữ. Dường như chính bản thân sự rườm rà về ý tứ, luộm thuộm về câu từ kia mới tạo nên sức mạnh của thông điệp..
Bin Ghết)
Cậu khoẻ không?
Tớ với cậu chưa gặp nhau
Nhưng tớ biết cậu
Rõ ràng đó không phải thứ ngôn ngữ giao tế, phát ra từ những bộ Comple hồ cứng, nức mùi băng phiến.Cũng không phải thứ ngôn ngữ trưởng giả đại ngôn, cầu kỳ và thiếu vắng sự thành thật. Đó chính là ngôn ngữ của đời sống, thứ ngôn ngữ chân mộc thơm mùi hoa lá cỏ cây và ấm áp tình bằng hữu. Với thứ ngôn ngữ này nhà thơ đã vượt qua mọi khác biệt, tước bỏ mọi giao đãi tầm thường, để ngài tỷ phú và bác nông dân tương giao như chỗ bạn bè thanh khí. Họ đã cởi lòng để bộc bạch tất cả mọi nỗi niềm:
Tớ khâm phục cách cậu nói và làm việc
Tớ ngưỡng mộ cách cậu sử dụng tiền
và sự kiêu hãnh đến hồn nhiên cũng đậm chất …nông dân.

Tất nhiên cậu học tớ cách làm thơ, thì cũng còn lâu
Nếu thơ tớ mà đổi ra đô la, vàng, bạc, kim cương
Thì trái đất nặng thêm nhiều trọng lực
Sau màn chào hỏi bộc trực và hồn nhiên, là câu chuyện lan man “từ trong nhà ra ngoài ngõ” đậm chất khẩu ngữ, với đặc trưng phi tuyến tính, phi khúc triết, phởn phơ, tự tại, nghĩ sao nói vậy, tiện đâu bàn đấy..Song quan trọng là họ đã nói lên được những điều cần nói.
Cách nói có thể mộc mạc, thô sơ, song ngẫm ra, mới thấy nhìn đâu cũng thấy những vấn đề mang hơi thở thời đại. Là kí ức lịch sử, với những vết thương vừa liền miệng.
Nỗi đau chồng nỗi đau
Căm giận và thù hận
Ôi, cái ngày hôm qua?
Là những dự cảm xót xa về chiến tranh và hòa bình, với hình ảnh Chim Câu bị vây khốn trong nanh vuốt của con mèo mặt Hổ, khi lại lâm nguy giữa ngùn ngụt khói giếng dầu.
mặt trời sặc sụa nhỏ những giọt nước mắt- a -xít xuống các châu lục.
Chim câu đang vừa bay vừa khóc…
Là những tự vấn bản thể mà phàm đã là con người mấy ai không có lúc tự hỏi mình:
Tớ là ai? Đến tớ cũng… phân vân?
Một làn mây hờ hững, phiêu bồng?
Một làn gió vô tư và ngỗ nghịch?
Một bông cúc xanh?
Một đoá hoa hồng?
Trong vô thức sáng tạo, nhà thơ đã bộc lộ căn cước văn hóa của dân tộc, qua cái phân vân bản thể ấy, đã hé lộ cội nguồn văn hóa Việt, nơi tam giáo đồng nguyên, nơi Phật đà quan niệm, sự hiện hữu của mỗi cá nhân chẳng qua là sự kết tập trùng trùng duyên khởi của dòng sinh lực vô cùng, đang chuyển lưu trong vũ trụ. “Ta là ai?” đó không phải là một câu hỏi bi quan, mà một tự vấn xao xuyến nỗi niềm bản thể. Tự vấn để tin mến yêu cuộc sống này hơn.
Trịnh Công Sơn cũng từng tự hỏi:
“Ta là ai, mà yêu quá cuộc đời này?”.
Thì đây nhà thơ đã hồn nhiên bộc bạch:
Bin Ghết này, mình nói thật:
Chúng – mình – là – hạt – cát – biết – yêu đương.
Vâng! ẩn dụ hạt cát –con người tuy không mới. Tố Hữu ví “mỗi chúng ta như những hạt cát lộng lẫy của Đảng”, Trịnh Công Sơn cũng so sánh phận người với Cát bụi rong chơi, ở đây tác giả đã đóng góp một ý mới: Hạt cát biết yêu đương. Hay quá, một hạt cát biết yêu thương có thể sẽ dẫn đến những vị hiền giả, còn một hạt cát biết yêu đương thì khiến cuộc sống nảy lộc mãi không thôi.Màn tự vấn vân còn tiếp tục đâu đó, xem lẫn với cảm thức thiên nhiên. Như một màn trữ tình ngoại đề đầy hứng khởi. Tác giả, mặc sức chồng chất vào thi phẩm hằng hà những: Kiến, Cóc, Muỗi, Còng Gió, Cỏ, Hoa… Cứ thung thăng, lãng đãng như gió thổi mây bay như thế, nhưng ngẫm ra không phải không có những ngẫu luận chạm đến tầm « tạo vật huyền đồng » của Lão-Trang.
Bọc hổ phách tái tạo sự hồi sinh kỳ diệu chỉ có trời đất biết
Mây trắng thủơ hồng hoang hội tụ để hoài thai?
Biết đâu tao với mi cùng chung nguồn gốc?
Cùng sinh ra từ vụ nổ Big- bang?
Ở đây, rõ ràng nhà thơ đã rất có ý thức để thi ca biểu hiện sự hòa nhập trọn vẹn trong mối tương giao giữa con người và vạn vật.
Chọn hình thức, độc thoại thô mộc dạng này, quả nhiên tác giả đã biết lượng sức. Bởi nếu không. đương nhiên, trong một cuộc đối thoại văn hóa, nó sẽ đòi hỏi một vốn văn hóa-lịch sử-triêt học khá uyên thâm, mới có thể đáp ứng . Tuy nhiên, « thái quá thường bất cập », việc lạm dụng khẩu ngữ và phát triển quá nhiều mà « trữ tình ngoại đề » cùng với các ngẫu luận đầy « ngẫu hứng » kiểu như khúc IV, khúc tự bạch chất phác của anh chàng tiểu nông nhẽ ra với :
Bin Ghết ơi!
Tớ
thân cò
phận vạc…
Bước thấp bước cao
Bước hư bước thực .
………………………..
…đến.. Vụng và vụng về tay ngoắc vào tay
Lấn ba lấn bấn trăm mối tơ vò .
Trong khoảng 20 câu thơ liên tuc, như thế đã khá đủ. Nếu không chuyển ý, ít ra cũng phải thay đổi cách tạo hình. Nhưng không, liền tiếp vẫn là màn “trữ tình ngoại đề”, xối xả như “đại liên bắn phá tung thâm” với khoảng gần trăm câu dạng:
……………………………………………
Cây phượng lên đồng, cây mai đỏm dáng?
Bảng la bảng lảng sương chiều giăng giăng
Thung tha thung thăng mấy chàng ế vợ
Tở ma tở mở mai mối được mùa
Tua la tua lua thợ kèn thợ trống
Đi bộ đánh võng mấy chàng thất tình
Lình xà lình xình dây cà dây muống .
………………………………………
Mặc dù có thể vẫn có sự nhất quán thi pháp, ở đây là sự tiếp biến thi pháp vần vè dân gian. Đương nhiên điều này ít nhiều cũng sẽ phục vụ cho màn tự bạch-tiểu nông-kia. Song, có lẽ “thuốc bổ dù uống nhiều cũng shock’. Ngôn ngữ thi ca nói như Roman Jacobson là “ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó”. Nói để nói cái gì với ai đơn thuần, là chức năng thông tin. Nhưng, nói để nói cái gì với ai bằng lời nói đẹp, là chức năng thẩm mỹ. Chức năng thẩm mỹ lộng lẫy che phủ chức năng thông tin đó là thi ca. Cầm bằng, ngược lại thi ca sẽ bị đẩy lùi, thế chỗ nó là thể loại vần vè hoặc khẩu ngữ dân gian. Ở đây, dường như, khẩu ngữ không được sử dụng như một thủ pháp mà như một quan niệm nhất quán về ngôn ngữ thi ca. Ở một số thi đoạn giàu tính thơ hơn cả như: Miền tuyết bỏng; Phân thân…tiếc thay, dường như lại chẳng liên lạc gì mấy, đến cuộc thoại của nhà thơ với Bin-Ghết và trời xanh. Sự ngẫu hứng có khi cũng khiến tác giả “bỏ quên” nguyên tắc hoán dụ, phép tu từ thiết cốt trong sườn tự sự-trữ tình này. Đối thoại (hay độc thoại) với Bill Ghate ở đây, về mặt thi pháp, cũng tương tự như cuộc đối thoại của Krishna với Ajruna trong Chí Tôn Ca đâu chỉ đơn giản là cuộc trò chuyện giữa một gã đánh xe với chàng dũng sĩ hoặc với ý hướng tương tự Con Quạ cũng chỉ là biểu tượng cho cái vĩnh cửu để Edgar Poe bộc bạch những triết luận về cuộc nhân sinh. Ở đây, Nếu chỉ là ngài tỷ phú IT Bill Ghate chứ không phải là một biểu tượng của nền văn minh kỹ trị, thì có lẽ đâu cần phải dài lời đến thế. Tuy nhiên, việc sa đà vào các màn “trữ tình ngoại đề” đầy ngẫu hứng kia. Khiến nhà thơ, rời xa cái sườn tự sự trữ tình với cuộc đối thoại văn hóa Đông –Tây ngầm định kia mà sa vào mô tả chi tiết vụn vặt trong đời sống trữ tình của cái Tôi cụ thể. Như:
Bin Ghết(Bill Gates)
Chẳng nhẽ cậu không thường xuyên vào google để tìm tên mình? …………….
hoặc:
Bin Ghết
Bà lão của hai cậu con trai tớ đêm nay ngủ một mình
Không chỉ đêm nay mà gần 20 năm nay ( gần như thôi nhé) đêm nào cũng thế
………………………………………………………………………………………
Khó có thể nói, những điều này không ít nhiều phục vụ cho ý hướng trường ca. Song, điều cần bàn là, việc cụ tượng hóa các biểu tượng văn hóa giàu tính khát quát, phải chăng không ít nhiều khiến cho trường ca vuột khỏi tầm vóc phải có của mình? Và phải chăng, chính sự phóng túng trong ngôn ngữ và cấu trúc đã khiến cho những ưu điểm mà có người nhận xét là::
cách tư duy táo bạo
ngôn ngữ trào lộng- nghiêm túc trong mối quan hệ xã hội…
đã bị giảm thiểu đi rất nhiều.
Tuy nhiên. Xét từ bình diện văn hóa, với các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt cách mạng viễn thông – tin học (télématique), sử dụng điện tử thay thế con người xử lý những thông số, giải phóng trí óc, tự động hóa sản xuất. Từ đó đẻ ra nền văn minh kỹ trị, con người bị “máy móc hóa”, coi sức mạnh công nghệ là thống soái.Tuy nhiên, tính chất vật chất – máy móc, mạnh mẽ, quyết liệt của nó, đã khiến cho nền văn minh này tha hóa trong sự ngạo mạn của khoa học tự nhiên với những hệ lụy thật khủng khiếp như: chiến tranh, ác bệnh, thảm họa thiên nhiên, Ô nhiễm môi trường…Mặt khác, nó cũng khiến cho con người bị hoen gỉ tâm hồn trong tư thế của những Robot đã được lập trình. Nhà thơ với trực giác ngôn ngữ và tri giác lịch sử, văn hóa vô cùng mẫn cảm, nói như Breton là người tiền trạm của tương lai. Đã “rung chuông” báo thức nhân loại bằng những thi phẩm của mình. Tuy khó có thể nói, đây là một trường ca trọn vẹn xét từ ý nghĩa thể loại. Song, rõ ràng chỉ với cảm thức thời đại mãnh liệt đến thế nào, mới có thể khiến nhà thơ ngồi vào bàn để sáng tạo nên bức thông điệp “gửi Bin-Ghết và trời xanh” đầy ý nghĩa. Và phải chăng, đây không phải là một nỗ lực đáng ghi nhận trên hành trình xa thẳm của một thi nhân./.
Trần Sáng
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến