Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Phố Lu tôi có một Dì

                                         

                                              Phố Lu tôi có một Dì
                                                                                                           Tạp văn         
          Mình có bà Dì năm nay cũng đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng sức khoẻ vẫn tốt và nhanh nhẹn lắm. Dì là con thứ bảy của bà ngoại, là em mẹ mình tên là Dì Tám. Trước kia mình công tác và định cư mãi xa tắp  mù tít tận Buôn Ma Thuột, một miền đất Tây Nguyên xa xôi. Rồi vật đổi sao rời, trời đất xoay vần thế nào lại chuyển....

về Thành phố Lào Cai cũng là trời tây nhưng mà là Tây Bắc chứ không phải bên Tây như mấy bạn đi du học và nhập cư luôn ở bên ấy đâu. Từ nhà mình xuống Dì chỉ có khoảng bốn chục cây số nên một năm cũng vài lần về thăm Dì. Mẹ mình là chị cả nhưng mẹ và hai Dì khác đều đã khăn gói để đi chăm sóc ông bà nơi miền cực lạc. Vậy là bây giờ mình còn mỗi một Dì. Người đời vẫn nói “ Sảy mẹ bú Dì “ mà nị. Câu nói ấy thật là chí lý .Mình cứ nhìn thấy Dì là thấy bóng dáng ngoại và mẹ ngày nào.
         Hồi nhỏ còn dại, nhà mình thì nhiều Cô, Dì, chú bác nên chả để ý phân biệt ai với ai. Khi lớn hơn chục tuổi thì Dì đã thoát ly gia đình đi công tác làm công nhân lâm nghiệp. Ngày ấy gia đình nhà ai có người đi làm công nhân là oai lắm rồi, cái sự kiện ấy được các cụ gọi là thoát ly làm cán bộ nhà nước. Như vậy đã là thuộc giai cấp công nhân, giai cấp tiến bộ. Chứ còn không à, Đảng ta chả lấy giai cấp công nhân là nền tảng, là giai cấp tiên phong là gì. Bà ngoại mình phấn khởi lắm vì trong nhà có những năm người tham gia giai cấp công nhân thoát ly nhà nước. Dì và bốn Cậu trong đó một Cậu là sĩ quan công an biên phòng. Lúc ấy quê tớ chẳng có mấy nhà được như thế ai bảo không oách , không tự hào sao được.
          Nghe bà ngoại kể trong mấy chị em Dì là người xinh đẹp nhỏ nhắn, nền nã nhất. Dì thông minh nhanh nhẹn rất quý con cháu. Mười sáu tuổi Dì đã tham gia vào đội tự vệ xã bảo vệ xóm làng. Làng mình có ngôi đình cổ to nhất vùng nay là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày ấy vào những năm 60 -65 gì đấy, được nhà nước lấy làm trường tuyên huấn cán bộ giờ gọi là trường đảng. Chả vì quê mình thuộc vào vùng sâu của đồng bằng bắc bộ, đình làng thì to, dân thuộc vùng hậu cứ không có người theo tề toàn thành phần tốt. Các lớp cán bộ các tỉnh về đây tập huấn và  lãnh đạo có cả trung ương vể giảng dạy việc canh phòng rất cẩn thận để bảo vệ những cán bộ cấp cao. Nghe bà nói có cả ông Hoàng Quốc Việt cán bộ cao cấp của Đảng lúc ấy cũng đã về giảng dạy, đi đâu cũng bí mật tuyệt đối, tối tối về ngủ nhà ông nội mình ở trong một cái hầm bí mật ở sau vườn nhãn. Dì là nữ nhưng lại được tin cậy giao cho nhiệm vụ làm tiểu đội tự vệ chuyên cảnh giới phía sau đình đề phòng việt gian, phản động. Ngày nhỏ nghe nói đến việt gian mình chả biết nó thế  nào chỉ nghe cũng khiếp. Rồi hình dung là một kẻ ác độc, xấu sa mặt mũi như quỷ như ma.
          Ngày mình đi bộ đội đóng quân ở Thanh Hoá và chuyển vào Nam. Một lần về phép đúng dịp giỗ ông ngoại. Hôm ấy Dì cũng từ Phố Lu Lào Cai về. Dì cháu gặp nhau lúc ấy dì đã già. Dì đem về bao nhiêu là qùa cho bọn mình mỗi đứa một thứ tùy theo lứa tuổi. Mình được Dì cho chiếc bút máy kim tinh mạ vàng. Ngày ấy ai mà có loại bút máy này thì oách lắm. Dì nói mày đi bộ đội xa Dì tặng cái bút này để viết thư về thăm gia đình và ghi những gì mình thấy trong cuộc đời. Ý Dì nói đại loại là ghi nhật ký. Lần đầu tiên có cây bút đẹp   mình mân mê và cất giữ cây bút như một vật quý, và thực hiện theo lời Dì dặn. Mãi sau này khi ra quân mình vẫn giữ chỉ tội cây bút đã hỏng ngòi không viết đến nữa và sau nay người ta chuyển sang dùng bút bi cho tiện và đến nay kỷ vật đó vẫn còn bên mình. Chính từ cây bút ngày Dì cho nó đã là người bạn tâm sự cùng suốt những vui buồn thời quân ngũ. Cuốn sổ ấy đến nay vẫn là nguồn tư liệu cho cuộc đời như một miền ký ức không phai theo năm tháng.
          Đến nay Dì đã già nhưng vẫn chẳng chịu ngồi yên một chỗ Dì bảo ngồi một chỗ nó hư người ra mà bệnh tật thừa cơ sẽ lấn tới  rồi Dì cười hầng hậc rất vô tư. Dì vẫn là chủ một sạp hàng bán vải vóc quần áo, sạp vải của Dì rất đông khách vì mục đích kinh doanh của Dì rất thật thà phục vụ nhân dân cốt yếu để cho vui còn lợi nhuận không phải là bằng mọi giá nên khách hàng càng ngày càng tin tưởng đông thêm.
          Lần này cũng như mọi lần trước tết về thăm Dì cứ như mình về thăm mẹ lòng cứ chộn rộn. Gặp lần nào cũng vậy Dì tất bất chạy ra hiên đón miệng luôn mắng yêu :  Ối giời, sư bố mày rét mướt thế này cũng đi khổ quá…” Tôi biết Dì rất mong anh em chúng tôi đến, đấy là một câu mắng yêu, mắng quý của Dì. Tôi thì cứ muốn được nghe câu này nhiều nhiều lần và thường xuyên như thế. Và tôi tần ngần nghĩ mỗi năm Dì thêm một tuổi, mỗi năm một gìa yếu thêm. Thoáng nghĩ đến một ngày… rồi bặt tôi không dám nghĩ thêm nữa… Mắt tôi cay cay khi nhìn lên thấy Dì quay mặt về hướng khác tôi đoán Dì đang xúc động khi con cháu về thăm.
         Chiều cuối năm trời lạnh và đầy sương giăng mù mịt.. Vẫn biết thời gian là khắc nghiệt cứ trôi đi vô tư. Và trời ơi có biết không? Phố Lu tôi có một Dì!
           
                                                                  Tết Nhâm Thìn
                                                     Cháu yêu quý của Dì Công Thế



                                Căn nhà gỗ đơn sơ nhưng ấm áp tình thân
                          Con trai út của Dì nhận vai ở nhà chăm sóc Dì và mở hiệu sửa xe
                   Thằng cháu gọi Dì bằng bác hiện đang định cư bên Trung Quốc cũng về thăm
                                    Nơi đây chợ phố huyện có sạp vải của Dì
                 Cô giáo trường THCS này là con gái lớn của Dì

                                               Quanh Dì đầm ấm thân thương
                                                                                                C.T

4 nhận xét:

Kiên Sa Pa nói...

Anh viết về Dì bằng cả trái tim,như tình cảm của ngừoi con dành cho Mẹ vậy.
Cả đời Mẹ tần tảo sớm hôm chỉ là để lo cho con cho cháu,rất lạc quan và rât yêu đời.Đó là truyền thống của gia đình,dòng họ ta phải không anh?Và em nghĩ ta đang sống trong một xã hội hết sức phức tạp,khi mà giá trị Đạo đức bị đảo lộn, thì việc gìn giữ và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của từng gia đình,dòng họ.Sẽ tạo nên nhân cách của từng cá thể, là nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Vài liên tưởng đầu xuân,mong anh chỉ bảo.

congtheblocg nói...

Cảm ơn em cứ viết vôi tư đi. bài này anh vừa viết tối qua chưa xem kỹ xong cái post ngay anh sẽ sửa lại cho hoàn thiện thành một cái tạp văn tặng Dì. Em thông báo cho anh em Phô Lu cùng xem, cả thằng Trung con cô Thu nữa để nó hiểu thêm cuộc đời. Cám ơn nhé!

Nặc danh nói...

Bài viết có nhiều cảm xúc.

Nặc danh nói...

Tôi cũng có người Dì giống bạn thật cám ơn đã nói giúp tôi.

Bài đăng phổ biến