Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

NHÀ BÁO MẶC LÂM BIÊN TẬP VIÊN RFA VIẾT VỀ CU VINH




Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2012-02-05

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm mời quý vị theo dõi cuộc mạn đàm giữa Mặc Lâm và nhà văn, nhà báo, blogger Nguyễn Quang Vinh, một cây viết nổi tiếng trong lĩnh vực xã hội.

Nguyễn Quang Vinh viết trên nhiều mảnh đất khác nhau. Anh vừa viết tiểu thuyết, soạn kịch bản sân khấu và điện ảnh, lại vừa ghi tên mình vào lĩnh vực văn hóa khi làm tổng đạo diễn cho các festival lớn. Nguyễn Quang Vinh không những nổi tiếng với những kịch bản sân khấu và điện ảnh mà anh còn được độc giả theo dõi rất nhiều trong vai một nhà báo chống tiêu cực. Hàng chục vụ tham nhũng, móc ngoặc bị anh phanh phui và người vi phạm cũng bị trừng phạt...

Trong thời gian gần đây Nguyễn Quang Vinh trở lại với trang blog của mình và cũng như các lĩnh vực khác, trang blog Nguyễn Quang Vinh của anh có rất nhiều người ghé thăm và để lại hàng trăm comment trên mỗi bài viết.

Vụ Tiên Lãng xảy ra được cả nước theo dõi và trang blog của Cu Vinh đóng góp một phần công sức không nhỏ cho gia đình của anh Đoàn Văn Vươn. Với kinh nghiệm của một nhà báo chống tiêu cực trong nhiều năm, Nguyễn Quang Vinh đã tập trung nhiều nhân chứng và vật chứng chống lại hành động sai trái của chính quyền Tiên Lãng trong đó hai anh em chủ tịch huyện đóng vai trò chủ chốt.

Không dừng lại ở việc tố cáo, bênh vực người dân đơn cô thế cô, blogger Cu Vinh còn kêu gọi sự đóng góp của nhiều người ghé thăm trang blog của anh để gia đình nạn nhân có một cái Tết tươm tất hơn khi nhà cửa, tài sản của họ bị chính quyền xóa sạch.

Hôm nay mời quý thính giả theo dõi thêm những chi tiết mà chính nhà văn Nguyễn Quang Vinh tiết lộ thêm qua cuộc mạn đàm với chúng tôi. Trước tiên nhà văn trình bày ngắn gọn về những hoạt động của anh trong thời gian qua:

Viết kịch bản, tiểu thuyết

 Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Về điện ảnh thì đã lâu, hơn 10 năm rồi, tôi có phim “Ngã Ba Đồng Lộc” do Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn. Cuốn phim nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong người Việt thì phim “Ngã Ba Đồng Lộc” chắc không ai là không biết. Sau đấy tôi cũng viết được gần hơn 40 vở kịch được rất nhiều đoàn diễn trong cả nước, và đa số các kịch bản ấy đều mang tính thời sự rất nóng bỏng.


“Ngã ba Đồng Lộc” một trong những bộ phim nổi tiếng của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh

Hầu như những kịch bản của tôi được các đoàn diễn ở các nhà hát đều được khán giả đón nhận rất tích cực, bởi vì một là tính chiến đấu nó mạnh mẽ, tính cập nhật thời sự nó cũng nóng. Hai nữa là nó gây được cảm xúc nơi khán giả.

Ngay kịch bản về một nhân vật mà người ta đã nói quá nhiều rồi, ví dụ như về Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm ngoái tôi viết kịch bản “Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ” thì tôi đã đi một con đường riêng. Người ta viết về Bác Hồ người ta coi đó là một lãnh tụ lớn của Việt Nam, nhưng tôi đi về đời riêng của ông về một khoảng thời gian nho nhỏ, ngắn, thời gian ở Huế. Đấy là đời sống riêng của một người đàn ông và người đàn ông đó có tên là Hồ Chí Minh.

Vở diễn nhận được rất nhiều giải thưởng của nhà nước, được rất nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam xem và rất cảm động. Và lần đầu tiên có một vở diễn về Bác Hồ mà người dân từ ông xích lô cho đến ủy viên Bộ chính trị xem đều khóc.

Đấy là điều mới mẻ đối với văn học nghệ thuật, tức là mình phải làm cái gì đấy để người ta xem người ta tin hơn, người ta cảm xúc hơn. Ngoài ra tôi cũng làm một số chương trình nghệ thuật cấp nhà nước để truyền hình trực tiếp. Năm ngoái tôi có làm một chương trình về đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên nhân dịp cụ 100 tuổi.

Tôi còn viết cả tiểu thuyết, rất nhiều tiểu thuyết, đặc biệt tới đây nhà xuất bản Trẻ chuẩn bị ra cuốn tiểu thuyết CÁT TRỌC ĐẦU viết về chiến tranh và cũng được các bạn đánh giá rất cao rằng đây là một góc nhìn mới và đầy chân thực về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Viết báo chống tiêu cực

Mặc Lâm: Vâng. Ngoài vấn đề viết tiểu thuyết chúng tôi còn biết anh là một nhà báo nữa, và anh đã viết nhiều bài báo rất sống động. Anh có thể kể những kinh nghiệm của anh về vấn đề báo chí được không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Vâng. Báo chí thì trong giai đoạn tôi làm ở báo Lao Động cũng được anh em đồng nghiệp gọi đùa là “chuyên gia lấy nước mắt” và là một trong những phóng viên viết về tiêu cực “có kinh nghiệm”. Tôi cũng đã viết cả trăm phóng sự rồi. Thế mạnh của tôi là viết phóng sự nhân vật và chỉ có một kinh nghiệm đơn giản nhất của nhà báo là khi viết phóng sự nhân vật hay viết về tiêu cực thì anh phải nhảy vào cuộc, anh phải đứng vào trong cuộc, anh phải lao xổ vào.

Bây giờ làm báo salon là không được. Những vụ nóng bỏng nhất mà nhân vật dù là quan chức nhưng nếu xảy ra những sự việc làm xấu chẳng hạn thì tôi cũng muốn gặp trực tiếp, nghe trực tiếp, nhìn người ta trực tiếp chứ không qua đại diện. Đối với các nhân vật thì mình phải chịu khó lăn vào bởi vì mình viết ra mình còn đưa tấm gương cho người khác học tập thì phải viết rất đời sống, viết rất thật và phải thuyết phục được người đọc. Thế cho nên rất nhiều phóng sự của tôi được đưa ra để giảng dạy ở các học viện báo chí trong nước là vì thế.

Mặc Lâm: Ngòi bút chống tiêu cực của anh đôi lúc rất gai góc và trực diện với những vấn đề tiêu cực, như vậy anh có phải trả giá cho những bài viết ấy bằng những sự hăm dọa hay là trả thù nào từ phía những người bị đưa lên mặt báo hay không, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Việc hăm dọa và trả thù thì chắc chắn là có. Đời làm báo mà. Với những nhà báo chống tiêu cực thì chắc chắn phải có chuyện đấy. Nhưng sự hăm dọa trả thù lộ liễu thì nó không đáng sợ bằng sự âm thầm. Không ai hù dọa mình cả, không ai trả thù mình cả, nhưng chắc chắn mình nhận ra ở đấy có điều gì đó vì chắc chắn là người ta không thích thú gì rồi.

Bởi đôi khi một bài báo của mình đánh đổ cả một sự nghiệp chính trị hay một con người. Và không phải chỉ cá nhân người đấy mà còn dòng họ người ta, anh em người ta, bạn bè người ta, nên người ta ghét mình là chuyện bình thường. Tôi xác nhận đấy cũng là một sự thiệt thòi, một sự hy sinh lớn, và cái đấy nó không bộc lộ ra, không nhìn thấy, không cân đong đo đếm được, cho nên bọn tôi cũng phải sống một cách thận trọng, thận trọng trong cả việc bảo vệ thân thể của mình, nhưng quan trọng hơn là thận trọng về nhân cách. Chỉ cần sơ hở một chút xíu là người ta có thể thổi bùng lên là nó đánh sập sự nghiệp của mình ngay.

Mặc Lâm: Vâng. Riêng về những thành tích mà anh đạt được trong vấn đề chống tiêu cực, anh có được sự ủng hộ nào từ các cấp chính quyền một cách công khai không, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Nói thật với anh là đối với Việt Nam mà nếu không có sự ủng hộ của các cấp ủy đảng và chính quyền thì các vụ tiêu cực không xử lý được. Tuy nhiên, để đi đến sự ủng hộ đó thì nhà báo không chỉ để viết ra, nhà báo Việt Nam không chỉ để viết ra vụ tiêu cực mà sau khi viết ra câu chữ về một vụ tiêu cực nào đó trên báo chí thì phải bằng sự quan hệ của mình để thuyết phục, vận động bằng mọi cách để cho vụ tiêu cực đó được xử lý.

Đấy là một việc mà không phải nhà báo nào cũng làm được. Nó còn khó khăn hơn cả việc can thiệp vào tiêu cực. Phải nói cho các chú các bác các anh biết được như thế này, bởi vì trong nghề báo được nghe nhiều người báo cáo láo, bởi vậy mình phải đi thuyết phục. Kiên trì, nhẫn nại đi đến cùng và tìm thêm nhiều chứng cớ nữa đến độ người ta muốn bao che cũng không thể bao che được là nhờ chứng cứ.

Phải đi rất nhiều con đường như vậy thì may ra mới xong một vụ việc vì nó không rành mạch, chứ nếu như có một vụ việc sai mà người ta “ô-kê, cứ viết ngay. Ô-kê!” thì nó đơn giản. Nhưng không phải như vậy đâu! Sai rồi mà người ta vẫn quanh co. Vì thế cho nên để đóng sổ được một vụ tiêu cực thì nó rất gian nan. Dùng đủ các mối quan hệ, đủ các kiểu. Rồi phải tiếp tục tìm ra những chứng cứ mà những chứng cứ đó không có cách gì người ta có thể bao che cho nhau được thì may ra mới xử lý được một vụ.

Tôi có được cái may mắn là hầu như tất cả những vụ việc mà tôi phanh phui ra từ suốt bao nhiêu năm qua, rất nhiều vụ tôi không nhớ được, đều được xử lý hết. Nặng thì bỏ tù, tội nhẹ hơn nữa thì cách chức hoặc là thối chức, hoặc là cảnh cáo cho nghỉ chức vụ, và nói chung về ý nghĩa nào đó là thắng lợi.

Viết blog

Mặc Lâm: Vâng. Lúc gần đây chúng tôi nhận thấy là anh chuyên về viết blog trên blog CuVinh còn có tên blog nhà văn Nguyễn Quang Vinh, khi anh bắt đầu viết blog anh cảm thấy thuận lợi có nhiều hơn khi anh viết báo hay không? Và những cái khó khăn khi viết blog mà anh gặp là những gì, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Về thuận lợi thì chắc chắn là thuận lợi hơn khi viết báo rồi, bởi vì ở trên đấy mình chuyển tải một là nó có độ dài hơn, mình viết dày đặc hơn, tùy hứng hơn. Hai nữa là nó chuyển tải được tất cả những gì mình cần chuyển tải mà không bị xem xét điều này điều nọ như ở trên báo giấy. Nó thoải mái hơn bởi vì khi xử lý thông tin mình có thể đưa cảm xúc riêng của mình vào một cách thoải mái hơn. Còn về mặt khó khăn thì tôi chưa thấy gặp một khó khăn gì cả, chưa hề!

Mặc Lâm: Dạ vâng. Trang blog của anh khi bắt đầu tham gia vào vụ Tiên Lãng thì chúng tôi cho rằng dư luận đã rất là đồng tình và đã theo dõi trang blog của anh ngày một lớn hơn với số lượng rất đông. Và điều đó làm cho chúng tôi rất ngạc nhiên. Không biết nhà nước về vấn đề truyền thông, thông tin đại chúng có đánh giá lại trang blog của anh như cách đánh giá từ hồi đó đến giờ là họ thường nhìn trang blog là chuyên viết về những vấn đề tiêu cực hay không, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Cái việc đánh giá lại thì đúng là mình vẫn chưa nắm được, nhưng mà thực sự ra là mỗi ngày có được 100 đến 140 ngàn lượt người đọc thì cũng là một trang blog nóng. Trang của mình là trang mình tự viết chứ không phải như một số trang khác là họ đưa rất nhiều bài khác. Trang mình tự viết mà được truy cập như vậy là khá đông, và điều ấy rất mừng. Viết về chuyện Tiên Lãng mình phải tìm chứng cứ. Con số người Việt người đọc trong nước và thế giới vào đọc nhiều như vậy, comment nhiều như vậy, chứng tỏ là họ còn có trách nhiệm với đất nước mình. Và điều đó thì các cấp quản lý cần phải hiểu như thế để mà mang ơn người đọc, mang ơn nhân dân. Nhân dân quá quan tâm khi mình nêu ra những vụ việc động trời này chứ còn nếu người ta chẳng màng đến, người ta làm những bài thơ tình yêu hay những chuyện khác thì đó mới là nguy hiểm.

Khi người ta lao vào dù từng người một, có trình độ và thái độ khác nhau, nhưng người ta lao vào người ta đọc, người ta theo dõi từng ngày, từng giờ về vụ Tiên Lãng thì biết nó như thế nào. Cùng vui và buồn với Tiên Lãng thì đấy là sự may mắn vô cùng lớn cho Đảng, cho đất nước Việt Nam, là người dân vẫn còn quan tâm đến số phận nhân dân mình, quan tâm đến mọi sự biến chuyển của chính quyền.

Mình không cần quan tâm tới thái độ người comment vì có người thì nói hơi quá, có người thì chửi quá, chửi loang ra, tuy họ đều quan tâm. Nếu như các cấp chính quyền nhìn vào với đôi mắt quan tâm đến dư luận khi mà nhiều nguồn thông tin được đưa lên blog thì điều đó cũng có tác động lớn.

Chỉ có sự thật thôi

Mặc Lâm: Xin được hỏi anh một câu cuối cùng nữa là nếu được có một lời gì đó đối với chính quyền hiện nay trong việc quản lý thông tin thì điều ao ước nhất của anh là anh muốn họ làm gì đối với nhà báo và những cây viết blog nói chung, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tôi chỉ mong có một điều và điều mong này thế nào cũng trở thành sự thật thôi. Đối với báo chí cũng thế mà đối với blog cũng thế, đó là lấy tiêu chí “sự thật” là số 1. Đất nước sống được, tồn tại được, vững mạnh được cũng nhờ sự thật, và chỉ có sự thật mới làm cho đất nước giàu mạnh được. Còn nếu như dối trá, quanh co, không minh bạch, thì không thể nào phát triển được. Blog là một trong những con đường để tìm ra sự thật nhanh nhất, sau đấy rồi là các đường hướng khác cứ thế, chỉ có sự thật thôi. Mong ước các cơ quan quản lý nhà nước hãy tìm blog để tìm kiếm sự thật và phải chịu đựng, vì tìm kiếm sự thật phải chịu đựng thái độ, thái độ của blog.

Để tìm sự thật ở Blog thì phải bình tĩnh, vì ở đó người ta có thể trình bày sự việc với những ngôn từ thiếu nhã nhặn hơn, phải nói thẳng ra như thế, nhưng mà bản chất thông tin của nó là đúng thì phải xem xét, phải nghiên cứu, phải rà soát tìm ra sự thật để nhìn nhận, để đánh giá, để thay đổi, hoặc là có những biện pháp quản lý để bảo đảm cho sự việc trong diễn biến cuộc sống hàng ngày đi đúng hướng.

Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã giúp cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Xin cảm ơn ông.

Vừa rồi là cuộc nói chuyện giữa Mặc Lâm và nhà văn Nguyễn Quang Vinh, hy vọng quý vị sẽ có thêm những thông tin về một nhà văn chấp nhận sự dấn thân để có những bài viết giá trị cho nền báo chí Việt Nam  hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến