Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Xuân Mẫn

                     Nhà văn nguyễn Xuân Mẫn đã lâu mình không gặp, Đùng cái, hôm qua đang ngồi ngáp vặt tại quán cóc đợi Lâm Béo báo. Thấy gã dầu bạc mặt quắt lừ lừ vào hút thuốc lào, thì ra nhận được Nhà văn. Ông nói dạo này bận quá vừa đi chuyến Mường Tè gần tháng tìm bản sắc Mông để hoàn thiện cuốn Tiểu Thuyết " Mặt trời đen trên núi" . Thì ra vậy. Gã dạo này mặt mũi đen chũi, tóc đã bạc nay còn trắng hơn trông ngồ ngộ như người rừng đói củ mài.  Thuốc lào cứ nổ liên tù tì. Và nói . Chú có cái bờ lóc , bờ láp nói hay lắm và nhiều khách đến thăm phải không? Rồi chìa cái truyện ngắn này . Cho chú về  góp vào bloc cho xum xuê.
                    Và đây cái truyện ngắn mình vội Pots lên các ban cùng đọc.
                                          Đăng bởi Công Thế


 NÀNG TIÊN SUỐI

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Xuân Mẫn

Nàng không mang tên Hoàng Lan, Hồng Nhung hay Trà My như các bạn trong trường trong lớp. Tên nàng là Tiểu Khê. Thơ mộng lắm nhưng ở vùng đồng bằng này chẳng ai đặt cái tên ấy. Lại cũng khác hẳn với những người cùng trang lứa tự hào được chôn nhau cắt rốn nơi quê cha đất tổ, nàng sinh ra ở một trạm thuỷ văn bên con suối nhỏ giữa rừng già hoang vắng. Tiểu Khê  sinh được ba tháng, mẹ nàng, một nhân viên dưới quyền cha đã để lại bức thư vĩnh biệt hai bố con rồi bỏ đi miền Nam trong một đêm mưa. Lớn lên, Tiểu Khê chỉ thấy có mình cha. Mỗi lần nàng hỏi, cha nhìn lên con dốc cười buồn: Mẹ đi công tác chưa về! Giữa thâm sơn cùng cốc, ông như bóng cây trùm lên tuổi thơ của Tiểu Khê.

…Cha nàng xuống suối mỗi ngày ba lần vào sáu giờ sáng, hai giờ chiều và mười giờ đêm để lấy mẫu nước, đo tốc độ dòng chảy và mực nước lên xuống. Ở suối lên, ông phải vào phòng làm việc, chờ nước lắng để xác định lượng đất cát, ghi chép cẩn thận từng chỉ số rồi bật máy bộ đàm báo về trung tâm tận Hà Nội. Vào mùa cạn, những hòn đá như cái sọt lớn nằm lổn nhổn, người lớn chỉ cần bước mạnh qua những hòn đá ấy là sang bờ suối bên kia không ướt bàn chân. Những ngày lũ, con suối lớn lên trông thấy, nó gầm gào như muốn đòi vọt lên thăm ngôi nhà xây năm gian của cha con nàng. Đến tuổi đi học, Tiểu Khê  như con sóc nhỏ luồn dưới những ngọn nứa, ngọn lau cả tiếng đồng hồ mới ra đến trường. Khi nàng đeo cặp sách lên vai cũng là giờ cha phải lên ban tức là làm việc. Thương con lắm nhưng ông không có cách nào hơn vì Tiểu Khê là ngọn đèn, là con họa mi, là người bạn đời của ông giữa rừng hoang. Ông thồ gạo, chăn màn quần áo cho con ở trọ học ngoài trường xã. Sáng hôm sau, khi xong phận sự của người kỹ sư thủy văn, ông tức tốc ra tận trường, đứng ngoài lớp nhìn con đang cặm cụi tập viết bảng. Sợ con nhìn thấy, ông lẳng lặng chùi nước mắt về trạm. Ông vừa dọn bữa cơm trưa chợt nghe tiếng con gái trên đỉnh dốc. Tiểu Khê chạy ào xuống sà vào lòng cha như phải xa chục năm trời. Từ đấy ngày nào nàng cũng một mình đi về dẫu đường rừng đèo dốc và hoang vắng. Gặp ngày mưa ra đến trường, Tiểu Khê như vừa dầm mình dưới suối lên dù cha nàng đã khéo léo dán keo những mảnh ni lông dày làm cho nàng bộ quần áo.

Gần hai mươi năm sống giữa thâm sơn cùng cốc, căn bệnh thấp khớp hành hạ không cho cha Tiểu Khê làm việc. Lần cuối cùng đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống ngôi nhà xây năm gian, ông ứa lệ. Khi ấy nàng đã mười hai tuổi. Suốt hai mươi cây số đi bộ ra bến xe, hai cha con không nói với nhau một lời nào. Tiểu Khê không dám nói vì sợ động tới vết thương lòng của cha. Người cha càng muốn lặng lẽ như sợ nói ra là kể lại chính tội lỗi của mình với đứa con gái mà ông vẫn gọi là Tiểu Khê bé xíu.   
          Cha con nàng về quê sinh sống, con ma thấp khớp vẫn bám về theo hành hạ cha. Số tiền trợ cấp mất sức lao động chỉ đủ lo thuốc thang cha cho Tiểu Khê. Hai mươi năm trong nghề, người kỹ sư thủy văn chỉ mang về nhà một con dao rựa, một con dao nan và một cái dùi sắt nhỏ. Rổ, rá, dần, sàng cha làm ra đến đâu người ta mua sạch đến đấy. Bàn tay tài hoa của ông vót tre thành tiền, đan nan thành gạo nuôi cho Tiểu Khê ăn học.

Dù làng Cổ Sư là quê cha đất tổ đông đúc nhưng mọi niềm vui không giúp nàng khuây nỗi nhớ chốn rừng xanh núi thẳm chứa đầy dấu ấn tuổi thơ của mình. Vết cắn trên đầu lưỡi ngày trước tuy không đau nhưng nó giúp nàng giữ lại những bí ẩn kể cả cha cũng không bao giờ nàng thổ lộ. Thi vào đại học y khoa với số điểm cao nhất trường, nàng xin cha lên trường cũ ngay nhỏ ít ngày. Ngoài ba lô đựng quần áo, nàng mượn cha chiếc túi vải chàm cũ nhét vào đó một bọc to, cha nàng cười: Quà bánh mua chỗ nào chả đầy rẫy, mang làm gì cho mệt. Nàng lại mượn ông cả con dao nhọn do một người Mông tặng khi ông về sắp quê và đôi giày đi rừng. Ông bảo bây giờ chắc không hoang vắng như ngày trước. Tiểu Khê chỉ cười: Con mang đi để cùng bạn bè ôn lại kỷ niệm!

Đến đỉnh dốc Họa Mi, đấy là do nàng tự đặt ngày trước bởi nhận ra hòn đá Ông đứng gần lối rẽ vào trạm thủy văn, nàng bảo người lái xe ôm cho xuống. Nhìn bên hông nàng đeo bao con dao nhọn, anh xe ôm bảo nàng: Khu này không có người ở vì nay mai nằm trong vùng hồ thuỷ điện! Sao lại vào đây? Tiểu Khê xốc ba lô và đeo lại túi thổ cẩm, cười thay cho câu trả lời rồi tay cầm dao, tay rẽ cây rừng. Con đường cũ bây giờ chỉ là vệt mờ trong cỏ và lá mục. Những cây nứa to bằng bắp chân ngả xuống ngáng đường. Thỉnh thoảng gặp cây ngái hay gu đay ngang nhiên mọc giữa con đường cũ. Gần hai tiếng đồng hồ Tiểu Khê mới tới ngôi nhà hoang vắng nằm chìm giữa rừng. Không có người ở, ngôi nhà bị hư hỏng. Trên mái không còn một viên ngói, tường gạch bám đầy rêu mốc. Mọi cánh cửa đều bị mục nát đổ nghiêng ngả. Nền nhà, cỏ lau mọc um tùm. Nàng khẽ rùng mình nắm chặt chuôi con dao nhọn. Tiểu Khê không ngờ ngôi nhà nàng cất tiếng chào đời bây giờ bị tan hoang chẳng ai lai vãng. Xem đồng hồ đã chín giờ sáng, nàng quyết định vẫn thực hiện theo lộ trình. Nàng buộc lại đôi giầy cao cổ, khoác ba lô bước xuống sáu mươi ba bậc đá xây đã bị dây leo và cỏ lá tre phủ kín. Con đập xi măng ngăn suối nơi cha nàng vẫn ngày ba lần phải xuống đã bị những trận lũ lớn xé ngang, chỉ còn hai mố nham nhở bám chênh vênh vào bờ đá. Nàng bì bõm lộ ngược dòng, nước mùa này lên ngang ống chân. Dù nắng hè nhưng rừng cây và dòng suối mát dịu như trong phòng điều hoà nhiệt độ. Tiếng suối róc rách, tiếng họa mi líu lo trên cây đưa nàng về với những kỷ niệm của thời xa xưa. Càng đi lên, rừng càng u tịch. Tiếng chim bắt cô trói cột lảnh lót ném vào rừng những nhịp buồn hoang vắng. Khi tới hòn đá ngày trước vẫn gặp nhau, nàng đặt ba lô ngồi nghỉ. Hòn đá vẫn ngang nhiên như chiếc bàn nằm chắn giữa dòng suối nhưng lâu ngày không có người đặt chân tới nên rêu xanh dày đặc. Nàng vô vọng nhìn nhánh suối bên phải bị những cây cành gỗ mục nằm ngổn ngang, những dây gắm, dây cậm cang chắn chằng chịt. Hai bên bờ, cành cây phủ ngợp lá nên dòng khe như tối hơn. Tiểu Khê bặm môi tụt khỏi hòn đá bước vào. Nàng phải chật vật lắm mới trèo qua những vách đá chắn ngang lòng suối. Tiểu Khê đành phải leo lên bờ suối rẽ cây rẽ dây ngược lên.

Vượt qua con dốc sang sườn núi bên kia, trước mắt nàng là một thung lũng nhỏ. Mấy mảnh ruộng bậc thang cỏ mọc lơ thơ, đã sang cuối tháng sáu nhưng ruộng chưa cày cấy. Dưới chân dốc có túp lều nhỏ. Không có tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy, nàng đoán chắc hẳn người ta đã về trong bản. Luồn rừng suốt mấy tiếng đồng hồ một mình, nàng chẳng hề sợ hãi nhưng bây giờ nhìn thấy dấu hiệu của con người, trái tim nàng lại đập dồn dập. Nàng sợ biết đâu trong túp lều có kẻ tử tù vượt trại hay một tên cướp hung hãn. Nàng ngồi trên đỉnh dốc nghe ngóng hồi lâu rồi mạnh dạn xuống tận nơi xem cụ thể. Cách chừng dăm bước, nàng lại ngồi nép trong cỏ nhìn kỹ căn lều. Những dây bìm bìm đang hăm hở leo lên mái gianh khoe sự sống tự nhiên của loài hoang dại. Những phên nứa quanh lều mốc thếch xiêu vẹo. Nàng mạnh dạn bước về phía trước vào lều. Hai cánh cửa bằng nứa đan mở toang. Ngôi lều hai gian được ngăn một nửa làm buồng. Ở gian ngoài, chiếc giường và bàn ghế bằng nứa chân đều chôn chân xuống đất. Nàng mạnh dạn bước vào phía trong cũng thấy một cái giường nhỏ tương tự. Đôi nạng gỗ gác ngay ngắn phía cuối giường. Bếp đun đặt trong góc, mạng nhện bám chằng chịt. Trên gác bếp có chiếc gùi mây nhỏ, nàng lấy xuống xem, trong gùi không hề có thứ gì. Khi cầm gùi trả lại nơi cũ, nàng phát hiện ra hai quai đeo bằng sợi ni lông do nàng đã đan cho người con trai. Nàng bùi ngùi nhớ lại…
…Ở trường về, Tiểu Khê lại lon ton nhảy sáu mươi ba bậc xây xi măng xuống suối. Nàng điềm nhiên cởi quần áo đặt trên con đập xi măng lúc xuôi dòng, khi ngược nước tha thẩn chơi một mình. Thấy bóng Tiểu Khê, những chú cá hoảng sợ chui vào ngách đá. Nàng nhặt sỏi ném lia lịa xua chúng ra nhưng nhìn mỏi mắt vẫn không thấy tăm hơi. Trò chơi với cá không thành, Tiểu Khê lấy đá xếp ngang con suối rồi bóc bẹ chuối chơi trò làm nhà máy thủy điện. Khi nàng học lớp năm, chơi quanh con đập mãi đã chán, một buổi sáng chủ nhật, Tiểu Khê ngược suối luồn tút hút vào rừng. Tới nhánh suối thứ năm, nàng sợ lạc lối chần chừ định quay lại, chợt nghe có tiếng động lạ. Rút con dao nhọn khỏi bao, Tiểu Khê lo sợ chĩa mũi dao về hướng đó dù trong đầu Tiểu Khê nghĩ nếu là thú dữ, chắc vóc người bé nhỏ của nàng bị nó cấu nát không kịp giơ dao. Tiểu Khê nép mình vào tảng đá giữa suối phòng thủ, nghe có tiếng thình thịch đều đặn. Đúng lúc ấy, cách bờ suối chừng vài chục bước chân, một thằng con trai nhô người lên khỏi đám lá. Nàng tĩnh tâm lại nhìn xuống thân hình trần truồng như nhộng của mình e ngại. Hình như thằng con trai đã nhìn thấy Tiểu Khê chần chừ ở ngã ba suối này từ trước nên chủ động cười: Đằng ấy nhớ lần sau nếu gặp ngã ba suối hay ngã ba đường, phải bẻ cây chắn lối không đi thì mới khỏi bị lạc! Nó ý tứ vừa nói chuyện vừa tránh nhìn vào người Tiểu Khê đang như bông hoa rừng sắp nở. Thằng con trai cũng chẳng hơn nàng bởi trên người trùng trục của nó chỉ độc chiếc quần đùi rách te tướp như đeo vỏ cây. Nó khuân từ đống lá mục những đoạn củ ngoằn ngoèo đưa xuống suối rửa, sau này nàng mới biết đó là củ mài. Đêm ấy hình ảnh thằng con trai cứ chập chờn trong óc, Tiểu Khê trằn trọc mãi không ngủ nổi. Tiểu Khê tưởng rằng khu rừng này không chỉ có cha con mình cô độc. Mấy lần nàng đã định khoe với cha nhưng sợ bị cấm không cho đi gặp thằng con trai nên đành im lặng.


Mỗi chủ nhật, Tiểu Khê lại xuống suối lội lên nơi cũ. Lần thứ tư,  thằng con trai đã ngồi trên hòn đá chờ. Nó lôi trong gùi ra đưa cho nàng   một bọc lá chuối toàn ngô nếp nướng. Không bẽn lẽn, nàng ăn một mạch bảy bắp liền. Khi Tiểu Khê lội xuống rửa, thằng con trai hỏi có ngon không? Nàng vô tư vén áo cho nó xem cái bụng căng tròn: Nhìn đây thì biết! Nó hỏi sao biết ngon, Tiểu Khê bảo cha vẫn nói cái lưỡi cho người ta biết ngon hay không. Nó hỏi lưỡì còn làm công việc gì ngoài ăn uống. Nàng lắc đầu. Thằng con trai bảo lưỡi có tật xấu gây ra chuyện chết người khi để lộ những việc phải giữ kín. Tiểu Khê phá lên cười. Nó nghiêm mặt: Không cười được! Đằng ấy muốn nghe chuyện nhà tớ thì phải thề thật độc là không được nói với ai. Biết là hệ trọng, nàng lặng lẽ gật đầu. Nó nhìn thẳng vào mắt nàng: Đằng ấy thề! Thề đi!!! Nàng chỉ lên cây dâu da ven suối làm chứng cho lời thề của mình, nó bảo cây dâu da già sẽ chết. Tiểu Khê chỉ xuống suối, nó bảo nước chảy sẽ mang tuột lời thề ra sông ra biển. Tỉêu Khê chỉ vào hòn đá. Thằng con trai bảo hòn đá bị nước chảy sẽ mòn… Nó bảo mẹ nó vẫn kể vua chúa ngày xưa có hình phạt cắt lưỡi những kẻ tiết lộ cơ mật trong triều đình. Vì vậy lưỡi phải bị đau mới giữ chặt lời thề được. Tiểu Khê rùng người nhìn tay nó cầm con dao nhọn của mình từ lúc nào không rõ. Đến lượt thằng con trai phá lên cười: Bây giờ hai đứa phải cắn lưỡi nhau để nhớ kỹ lời thề, được không?... Nàng thở phào nhẹ nhõm rồi để thằng con trai ghé vào tai mình thì thầm một thôi một hồi lâu lắm…

Đầu lưỡi bị cắn đau giúp Tiểu Khê giữ kín mọi chuyện thằng  con trai kể nhưng lại nhắc nàng mỗi chủ nhật phải ngược suối tìm gặp nó. Mỗi lần gặp nhau là một lần thằng con trai lại vén bức màn bí mật của rừng cho nàng biết. Những quả vả chín bên trong chứa đầy mật đặc vừa ngọt lại vừa thơm nhưng ngọt nhất là những dạo trời nắng lâu. Chùm dâu da bám chi chít đỏ từ gốc lên tận cành, quả nào vỏ ngả mầu trắng nhạt mới là quả chín. Rừng còn nhiều thứ hoa quả lắm nào chuối, nào hồng, nào nho, nào tai chua...nằm lẫn trong vô số loài cây rừng. Nếu không có thằng con trai thì Tiểu Khê không thể biết quả nào ăn được. Lần nào thằng bé cũng dặn: quả nào chim sóc hay chồn ăn thì người mới được ăn. Nó còn dạy cho Tiểu Khê biết tìm dây mài nào nhiều củ. Muốn ăn ngọn cây dương sỉ phải đẽo gọt chỉ lấy đoạn mềm nhất. Đưa Tiểu Khê lội suối, nó dạy nàng cách tìm những nơi nhiều cá ở và lấy đá đập nát lá cơi vào cát rồi hất xuống nước để cá cay mắt không bíêt lối đi mới bắt được. Một ngày tháng mười, nàng bảo: Rừng có nhiều bí mật thế, sao đằng ấy lại nói lộ ra, tớ thay rừng phạt đằng ấy một trận! Sợ thằng bé không chịu phạt, Tiểu Khê  ôm thằng con trai cao hơn nửa cái đầu rồi đưa lưỡi vào miệng nó. Gió lạnh từ khe kéo lên, từ trên rừng phả xuống làm cho Tiểu Khê rùng mình, co cả hai chân khỏi mặt nước, quặp chặt lấy thân hình chắc như đá thật lâu tìm hơi ấm... 
Trước ngày theo cha về quê, Tiểu Khê lên chờ ở hòn đá nhưng không gặp được thằng con trai ấy. Lần thứ nhất, mặt trời đã lên tới đỉnh đầu vẫn không thấy nó ra. Lần thứ hai mặt trời đã ngả sang chiều. Lần thứ ba khi những con tu hú xao xác gọi nhau về tổ, nàng lần theo khe đi lên nhưng càng đi con đường mòn càng mất hút trong lá mục và cây rừng. Về nhà khi ánh trăng mười ba đã nhoà nhạt khắp rừng, nàng mới nhớ ra hai đứa chỉ hẹn gặp nhau vào ngày chủ nhật…

Nàng bước ra cửa nhìn thung lũng hoang vắng, nhìn khắp núi rừng ngút ngàn. Không gian tĩnh mịch trong nắng trưa, chỉ có tiếng suối rì rào nhè nhẹ ngoài kia. Nàng ân hận không tìm thấy dấu vết của người cũ và ân hận nhất là ngày ấy, suốt mấy năm liền không hề hỏi tên người con trai mà nàng chỉ gọi là Thần Rừng. Nhìn thật lâu vào gốc cây to bị cụt phía đầu thung lũng, nàng hình dung như người thanh niên vạm vỡ đang cõng một bà lão đầu tóc bù xù. Cả hai chân và hai tay người mẹ đều bị cụt đến đầu gối, trơ ra bốn mẩu thịt đỏ lòm, lủng lẳng theo bước đi của con. Xung quanh hai người, ruồi bay đen như rắc hạt đỗ. Tiểu Khê ôm chặt hai tay vào túi thổ cẩm đựng thuốc tân dược đặc trị phong hủi mà nàng đã phải kỳ công tìm khắp nơi suốt mấy năm ròng. Đưa đầu lưỡi lượn trong hai hàm răng, nàng cảm giác như hơi ấm ở miệng người bạn trai thủa xưa vẫn còn nguyên đó. Đứng giữa cửa lều, Tiểu Khê nấc lên: Thầ…ần!!! Rư…ừ…ừng! ơ! ơi!!! Cả khu rừng nhại lại tiếng nấc của nàng.
Tháng 8 năm 2011
N . X . M



Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến