Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG BIẾT XIN LỖI

       Tạp bút của Mã A Lềnh

     Ngày … tháng … năm 2011, ông Đất Thó (một tên bất kỳ) làm hành khách đi tàu Hà Nội - Lào Cai, chuyến tàu khởi hành tại ga Hà Nội lúc 19 giờ 40 phút. Mưa tầm tã. Chờ mãi không tạnh. Sốt ruột, 18 giờ ông đành gọi ta-xi đi từ Liễu Giai - Đội Cấn. Lại phải chờ đèn đỏ mà sao đèn giao thông cái ngã tư này mỗi lần đỏ kéo dài những hơn 70 giây, xanh chỉ 15 giây nên xe chỉ nhích tí chút làm ông càng sốt ruột. Nhích mãi rồi cũng thoát ra được. Ta-xi đưa ông tới cửa đường Lê Duẩn. Cố lê đôi chân tọa cốt phong nặng chịch như khúc chuối vào đến đường tàu đỗ, ông thở phào nhẹ nhõm mặc cho mưa cứ trút xuống mái đầu bạc trắng. Lác đác người lên tàu. Nhân viên phụ trách toa cũng đã đến. Số toa đang lần lượt được cài. Chờ cho người nhân viên bắt đầu sẵn sàng đón khách lên toa, ông Đất Thó chìa vé của mình. Người nhân viên (có thân hình và khuôn mặt xương xẩu nên gọi là anh Xương Xẩu) vui vẻ:
     - Bác vào chỗ đi!
     Vào toa đúng toa 2 như ghi trên vé. Nhưng quái lạ! Giường của ông là số 5, tầng 1, khoang 4 giường, sao lại tót lên tầng 3 thế này? Ông đi xuống.    
     Anh Xương Xẩu đi đâu đó mãi mới trở lại.
     - Anh xem lại số toa hộ tôi. Vé của tôi là khoang 4 giường và số 5 là tầng 1, còn đây là khoang 6 giường, số 5 lại là tầng 3!
     Xương Xẩu soi đèn nhìn kỹ tấm vé.
     - Đúng toa 2 đây rồi. Bác cứ lên đi!
     - Anh chưa hiểu! Vé của tôi là khoang 4 giường, số 5 là giường tầng 1!
     Xương Xẩu miễn cưỡng lên tận nơi xem.
     - Thế này nhá! Để tôi dẫn bác đến chỗ có người giải quyết!
     Thế là ông đành tập tễnh đi theo. Đến cửa ga phía Trần Quý Cáp, ông được “bàn giao” cho một trung niên cao dỏng. Vừa nhìn vé vừa nghe anh Xương Xẩu thuyết trình một hồi rồi anh Cao Dỏng dẫn ông Đất Thó đến cửa bán vé. Người đàn bà bán vé cửa Trần Quý Cáp khá phốp pháp giương mục kỉnh lên. Một lúc sau bà bật máy rồi gõ tạch tạch vào các phím.
     - Có sao đâu! Vé bác mua khứ hồi chứ gì!
     Anh Cao Dỏng:
     - Vé thật, nhưng toa của người ta là khoang 4 giường, giường số 5 ở tầng 1, đằng này lại là khoang 6 giường, giường số 5 của người ta lại nhảy tít lên tầng 3!
     Thấy bà bán vé chẳng còn để tâm đến tấm vé của ông Đất Thó, Cao Dỏng cầm tấm vé bước đi thật nhanh buộc ông Đất Thó phải chạy gằn bằng đôi chân bắp chuối cứng đơ của mình mới theo kịp. Tàu sắp đến giờ chuyển bánh. Đến cửa phòng đợi tàu lúc bào giao, đưa lại tấm vé rồi bỏ mặc ông Đất Thó, Cao Dỏng nổ xe máy phóng vào trong sân ga. Ông Đất Thó đành phó mặc số phận, từ lúc này cho đến 22 giờ đêm còn nhiều chuyến tàu, nếu không kịp chuyến này, với tấm vé trên tay, ông sẽ phải làm một cuộc đấu tranh quyết liệt, kể cả có thể mất thêm tiền mua vé mới. Những người trong phòng đợi đã ra cửa vãn. Ông Đất Thó vẫn đứng trước ngọn đèn ngay lối cửa. Cao Dỏng vù xe trở lại. Không hiểu sao anh ta không dừng mà chỉ đi chầm chậm rồi vù đi. Nơi cửa ga hoàn toàn yên ắng, chỉ còn vài nhân viên ở trong phòng lúc ông được Xương Xẩu dẫn vào gặp Cao Dỏng. Loáng cái Cao Dỏng đã quay trở lại. Nhìn ông Đất Thó, anh hất đầu:
     - Lên tàu đi! Lên được rồi!
     Nói câu cụt lủn rồi Cao Dỏng lại phóng xe biến vào trong sân ga tối nhờ nhờ. Ông Đất Thó tập tễnh cố đi thật nhanh tới toa 2, giờ là toa toàn khoang 4 giường. Mọi người đều đã yên vị. Tìm tới chỗ của mình, ông hầu như ném mình xuống giường. 1 giường trên khách đã nằm ngủ. Giường đối diện, một đôi uyên ương đang ôm ấp, hôn hít nhau bất chấp sự có mặt của ông lão. Đi vệ sinh ở đầu toa, lúc trở về, thấy anh Xương Xẩu đang huyên thuyên điều gì đó với vài nhân viên khác, trẻ hơn. Nhìn thấy ông Đất Thó, anh cười hồ hởi như vừa lập chiến tích:
     - Bác ạ! Là do Điều vận họ nhầm toa đấy ạ!
     - Không sao! Dù sao cũng xong rồi. Bắt tay anh một cái để nhớ đời cái chuyện này!
     - Vâng ạ! Bác đi nghỉ ạ!
     Câu chuyện là thế!
     - Thế họ có xin lỗi ông Đất Thó?
     - Ai mắc lỗi nào? Anh Xương Xẩu không những không có lỗi mà còn có công dẫn ông Đất Thó đi tìm chỗ giải quyết. Còn anh Cao Dỏng, việc lắp toa xe không phải việc của anh ta, có thể chính anh là người nhận ra việc lắp sai toa nên mới phóng xe máy đi như thế. Còn ông Đất Thó là quái gì chứ!
     - Vậy là lỗi ở bề trên, mà bề trên thì làm sao có lỗi được! Chuyện là thế này…
     Ngày … tháng … năm một nghìn chín trăm bao nhiêu không nhớ, để chuẩn bị hội nghị văn nghệ sĩ, lãnh đạo hội Văn nghệ tỉnh nọ đã đến thỉnh thị ý kiến đồng chí Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy (từ đây xin gọi tắt là đồng chí Phó Bờ Thờ). Đồng chí đã cho ý kiến về nội dung, nhất trí về thời gian và chương trình hội nghị. Lãnh đạo hội yên chí ra về. Giấy mời đã gửi tứ tung. Nhiều hội viên hồ hởi đến văn phòng hội chuyện trò, nghe ngóng, bàn tán (từ tân thời gọi là buôn dưa lê ấy mà) xem hội nghị có gì mới, ừ thì cả một năm được gặp nhau một lần là vui rồi, lãnh đạo hội làm được việc ấy là giỏi rồi. Thế nhưng ngày mai hội nghị thì hôm nay lãnh đạo hội mang bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho đồng chí Phó Bờ Thờ, thản nhiên đồng chí bảo:
     - Mai tôi bận, bố trí hôm khác! Nhất định tôi sẽ đến nói chuyện với anh em vặn nghệ sĩ!
     Lãnh đạo hội đổ mồ hôi hột, mặt cắt không còn hột máu. Về nhà, bàn với anh em trong văn phòng rồi đành mang vài tờ giấy viết sẵn mấy dòng chữ: “Vì lý do đột xuất, hội nghị văn nghệ sĩ lùi lại đến ngày… Địa điểm không thay đổi”.
     Đúng ngày ấy, đồng chí Phó Bờ Thờ cùng vài đại biểu nho nhỏ cấp trên đến dự, nhưng thành phần chính của hội nghị là văn nghệ sĩ thì vơi đi một nửa. Đồng chí Phó Bờ Thờ thản nhiên lên phát biểu huấn thị, lại còn yêu cầu lãnh đạo hội phải tổ chức cho anh em học tập lời huấn thị của lãnh đạo tỉnh nữa chứ!
     - Ông ta không xin lỗi?
     - Có lỗi gì mà xin chứ! Không những lãnh đạo hội phải chạy giấy mời lần thứ 2, mà còn mất toi bữa cỗ!
     - Có ăn đâu mà trả!
     - Phải trả! Đặt rồi!
     Ấm trà Bát tiên đã chêm tuần thứ 3.
     - Chung quy là người Việt Nam không biết xin lỗi. Vì không biết xin lỗi nên việc gì cũng dở dở ương ương, làm chăng hay chớ, làm như mèo mửa!  
     Ngày … tháng… năm hai nghìn không trăm gần đây thôi, một cán bộ tìm đến nhà ông Đất Thó đã nghỉ hưu hơn chục năm:
     - Bác ạ! Lãnh đạo cơ quan chúng cháu có hội nghị gặp mặt… Mời bác đến dự ạ! Tại tờ giấy (A4) không đủ chỗ nên đánh máy không hết câu: “Kính gửi ông Đất Thó, nguyên Phó Chủ tịch hội…”. Bác thông cảm!
     Đến hẹn nhưng ông Đất Thó không đi, vì không phải lỗi vi tính đánh thiếu câu, mà là lỗi của cán bộ cơ quan ấy, đến cả lãnh đạo cơ quan ấy viết không đúng chức danh “nguyên Chủ tịch hội” của ông, và, hưu rồi, không đi thì chợ vẫn đông. Vài hôm sau anh cán bộ hôm trước đến mời gọi qua di động:
     - Chào bác ạ! Chúng cháu nghe anh lái xe nói bác ốm, đi viện, bác đã khỏi chưa ạ?
     - Cảm ơn anh! Tôi không ốm, không đi viện. Chào!
     Thế ra người ta tin anh lái xe nào đó nói bừa nói xằng hơn. Thôi, trà nguội rồi. Uống đi, rồi mỗi người hãy kể ra vô khối chuyện người Việt Nam không biết xin lỗi để mọi người cùng nghe cho ngứa cái nhĩ.
                                                                                                         8 / 3 / 2012

1 nhận xét:

congtheblocg nói...

Cám ơn cụ Mã đã cho nghe câu chuyện qua hay về thói xấu người Việt. Đây là căn bệnh bất trị mà nó hay mắc vào những người có chức sắc hoặc quyền hành chứ bọn thảo dân nói câu này thạo lắm cụ ạ vì cứ mở mồm là phải có chữ biết ơn và cảm ơn! vì kẻ nghèo hèn chui mang ơn. Cũng khen thay ông Đất Thó có tính kiên trì và chịu đựng.

Bài đăng phổ biến