Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Đứng trước dòng sông

.


    Để hoàn thành nghĩa vụ là kiếm nồi bánh chưng tết cho mẹ cháu mình đã miệt mài viết và gửi đi nhiều báo và tạp chí Trung  Ương đến địa phương và đã được bù đắp bằng các tác phẩm đăng đúng vào số xuân này. Nhiệm vụ nồi bánh cũng đã thành công . Như đã nói, hôm nay mình từ từ post dần lên kính tặng quý bạn. Tuy những bài viết này có...

thể bạn đọc cho là có phần hữu khuynh, địa phương. Nhưng cũng  phải vậy thôi vì ai chả thế, mà hổng có thế thì khó có nồi bánh đầy đặn được có phải không các bạn. Mong mọi người thông củm,  dui dẻ đi hi hi..... Nó đây, được đăng trên Tạp chí PanSiPhăng  số xuân.
                                                                                            C.T








                                Hoa đào rực rỡ vào xuân

                                    Đứng trước dòng sông

                                                                                       Tuỳ bút của Công Thế
          Lâu nay không hiểu sao tôi có thói quen cứ chiều đến hay lẩn thẩn tản bộ dọc bờ kè sông Hồng. Vào cữ này gió bấc đang kỳ sung mãn thổi ràn rạt vuốt dài theo dòng sông. Ngọn gió ngang tàng xô giạt những vạt cỏ lau rập dìu ven bãi. Có lẽ cái giá lạnh ở vùng biên nghe chừng sắt se hơn. Trời màu chì, dòng sông mờ ảo sương khói hắt hiu. Cỏ cây xạc xào, bãi cát duỗi dài trong im lặng. Kìa bóng ai như thiếu nữ nhỏ dần xao động giữa vạt cải vàng xao xuyến ven sông. Trong khoảnh khắc khiến tâm hồn man mác một nỗi nhớ dịu êm, nhắc lòng người nhớ về quá khứ. Trời đất linh diệu chuyển mùa, một mùa đông lạnh giá đang trải ra. Vũ trụ khe khẽ cựa mình. Hết hè thì lại thu sang, đông tàn xuân ngấp nghé, quy luật thiên nhiên muôn năm vẫn vậy, vĩnh hằng bất biến. Chỉ có con người bằng tài lực của mình đã và đang  làm thay đổi diện mạo một miền quê, thay đổi đến nao lòng.
          Hẳn trong tâm tưởng không ít người đã biết và vẫn nhớ đến Lào Cai, biết đến một tỉnh lẻ xa xôi vùng biên viễn buồn tẻ, nghèo đói xa xưa. Để rồi một ngày gặp lại đã thấy hiển hiện một Thành phố Lào Cai tráng lệ rộng dài, trẻ trung soi bóng xuống dòng Hồng giang nơi địa đầu biên giới. Mới thấy được sự đổi thay đến ngỡ ngàng làm nức lòng người viễn xứ.
          Hẳn trong sâu thắm những tâm hồn hoài niệm vẫn nhớ câu ca ai oán khắc khoải của kiếp nô đầy một thuở. “ Ai đưa tôi đến chốn này / Bên kia Cốc Lếu bên này Lào Cai…” Cái đau khổ, chia ly cách trở, đói nghèo lạc hậu của người dân nô lệ dưới ách thực dân phong kiến xa xưa đã vào dĩ vãng. Nhưng lịch sự không bao giờ quên, lòng người không thể lãng quên những bài học giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Chỉ có độc lập tự do, người dân làm chủ quê hương đất nước mình thì mới có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đó hẳn là chân lý sáng loà không thể bàn cãi.

           Tôi nhớ ngày chừng hơn chục tuổi, hay được cha sai nấu nước để pha trà tiếp khách. Trong tâm hồn non nớt của tôi bấy giờ còn mải chơi đánh khăng, đánh đáo. Ấy vậy mà vẫn không quên những câu chuyện của cha cùng khách nói về mảnh đất Lao Kay rừng thiêng nước độc mà một thời cụ đã từng là phu lục lộ. Cái thời thực dân Pháp mở tuyến đường sắt (Điền Việt). Con đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam Trung Quốc bây giờ. Mãi sau này lớn lên qua sách báo qua tìm hiểu lịch sử,  những câu chuyện cụ kể càng hiểu thêm về một thời thống khổ, xương tan thịt nát của kiếp người phu dịch dưới ách thực dân. Hình ảnh Lào Cai rừng thiêng nước độc, lờ mờ trong tôi từ thời thơ ấu. Và đến bây giờ tự hào mình là công dân của Thành phố ven biên này. Một Thành phố đang vươn mình trở thành Thành phố Anh Hùng thời kỳ đổi mới. Được chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của một đô thị  đang phổng phao, cường tráng tuổi hai mươi.
          Để có được một Lào Cai đang thay da đổi thịt từng ngày, có một thành phố biên cương tráng lệ dưới mắt du khách hôm nay. Đó là cả một quá trình dựng xây, bền đắp bằng xương máu, mồ hôi công sức của nhiều thế hệ con dân đất Việt. Nổi bật lên đó là khí phách kiên cường của dân tộc trong gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc. Truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập tự do được hun đúc từ đời này qua đời khác.
Ngược lại sử sách. Trên mảnh Lão Nhai* cách đây hơn 700 năm Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn vùng đồi biên ải làm đồi Hoả Hiệu, nơi vọng gác cảnh báo của quân ta trong đánh giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. Tạo thế chủ động đánh địch. Tục truyền rằng trên đỉnh ngọn đồi dọc ven biên giới quân ta có các vọng gác, khi phát hiện có giặc xâm lấn quân ta nổi lửa báo hiệu ( hoả hiệu) cứ vậy các vọng báo lan truyền về đậi bản doanh từ đó tạo lên thế chủ động đánh giặc bảo toàn được lực lượng. Khí phách anh hùng dựng nước và giữ nước của cha ông ta được con cháu đời đời kết nối giữ gìn trên vùng đất biên cương.
Để tưởng nhớ công lao người anh hùng trên đỉnh đồi hỏa hiệu xưa nhân dân ta lập đền thờ Đức Thánh Trần -Hưng Đạo Vương cho con cháu tôn thờ hương khói. Cửa đền  bức hoành phi treo trước Nghi môn có câu  “ Văn hiến tự tại” nói nên nền văn hiến của ta đã từ lâu đời. Hai bên có đôi câu đối “ Việt khí linh đài hoàng không lập/ Đông a hào khí vạn cổ tồn” Nghĩa là : “ Hào khí Đông A còn vạn thuở/ Đài thiêng đất Việt dựng tầng cao ” Đôi câu đối như một lời tuyên ngôn hào sảng với trời đất của một dân tộc anh hùng. Mặt sau Nghi môn nội có bức hoành phí đề “ Quốc Thái Dân An” cùng đôi câu đối “ Thiên địa dịu y, thiên địa cựu/ Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền” Dịch nghĩa “ Trời đất vẫn nguyên trời đất cũ/ Cỏ hoa nay khác cỏ hoa xưa”. Thật tài tình văn hoa, chữ nghĩa thật sâu sa, thâm nghiêm. Một lời như nhắn nhủ ngàn lời cho con cháu mai sau, cũng là lời dăn truyền. Và hôm nay con cháu các dân tộc trên vùng đất Lão Nhai cổ xưa cũng là Lào Cai hôm nay vẫn đang ra sức làm những việc tiền nhân dạy. Đất trời vẫn đất trời xưa, Hồng giang, Nậm Thi vẫn ngày đêm cuộn chảy xuôi dòng, biên biới ngàn năm  vẹn nguyên và Hoa thơm Quả ngọt sẽ mãi mãi ngày càng tươi tốt dâng hương cho đời để không hổ thẹn với tổ tông.


                                Đúng ngày 26 tết Nhâm Thìn thông xe cầu Cốc Lếu    

    “…Bên kia Cốc Lếu, Bên này Lào Cai..” Mảnh đất Lào Cai nay không còn cảnh đìu hiu sầu xứ như câu ca xưa. Cả một vùng biên ải rộng lớn, đang trỗi dậy trong màu xanh ấm no. Hai mươi năm dân tộc anh em như hai mươi lăm sắc hoa đang tô thắm dải đất biên cương thêm rực rỡ. Đặc biệt sau hai mươi năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh nghèo khó, giao thông cách trở cuộc sống của đồng bào vô cùng khó khăn, đói rét. Đến nay Lào Cai đã vươn lên là một tỉnh có vị thế trong khu vực. Còn nhớ ngày tái lập tỉnh, thị xã Lào Cai vừa thoát ra trong cảnh hoang tàn đổ nát đến viên gạch chẳng còn nguyên vẹn. Lào Cai đã đứng lên xây dựng lại từ đầu. Cả thị xã Lào Cai là một đại công trường xây dựng,  mịt mù khói bụi, âm vang trong tiếng máy, cả tỉnh chung tay trong dựng xây, cả nước hướng đến Lào Cai. Bằng sức lực trí tuệ, bằng mồ hôi công sức. Các con đường dãy phố dọc ngang dần dần hiện ra. Các trụ sở cao tầng đã lấp ló vươn lên ngày một rộng dài. Ngày đó Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lên thăm Lào Cai đã cảm xúc thốt lên “ … Lào Cai thị xã mình đây/ Con đường bụi đỏ hàng cây vừa trồng/ Cầu Cốc Lếu bắc chưa xong / Tìm em anh phải qua sông bằng phà/ Đến nhà chưa có số nhà/ Con đường chưa có tên mà gọi tên…”
          Thời gian thấm thoắt trôi trong vòng quay tạo hoá. Đấy, mới đấy thôi Thành phố Lào cai đã phổng phao cường tráng của chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Từng ngày, từng ngày sự thay da đổi thịt đến chóng mắt. Một thị xã đứng dậy trong hoang tàn  đã vươn mình rộng dài bề thế nơi cửa ngõ vùng biên. Khu cửa khẩu khang trang hiện đại, nhộn nhịp hàng hoá thông thương, tấp nập đón du khách bốn phương. Hàng năm Lào Cai đón hàng triệu lượt du khách đến với mảnh đất địa đầu. Các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh mọc lên hàng ngày. Thành phố không còn nhỏ bé bó hẹp với bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai mà nở nang sầm uất trải dài đến tận Dốc Đỏ, Cam Đường. Khu đô thị mới khang trang bề thế dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế các tiềm năng tài nguyên đã được đánh thức đi vào chế biến tinh làm giầu cho đất nước. Đồng hành cùng sự đi lên trong công nghiệp hoá quê hương. Đó là các khu công nghiệp như Tằng Loỏng, bắc Duyên Hải, Kim Thành, đông Phố Mới đã và đang hối hả ngày đêm trong tiếng máy reo vui để xua tan cái nghèo đói, lạc hậu.
Chiều nay ngày cuối năm trong gió đông dặt dìu, tôi lặng ngắm dọc đôi bờ dòng sông càng cảm nhận hết được vẻ đẹp của Thành phố biên ải này. Suốt dọc đôi bờ được hệ thống kè bê tông kiên cố, từ đó phố xá trải ra, các công trình công cộng trải ra. Bỏ đi cảnh khắc khoải xót xa bên lở bên bồi một thuở, thay vào đó là đường dạo, là công viên, vườn hoa, cây xanh. Anh bạn tôi người Hà Nội lên thăm đã thốt lên “ Lào Cai đẹp lắm một vẻ đẹp thanh bình lãng mạn…” Đứng đấy ta ngắm thoả thích nơi ngã ba dòng sông giao duyên, nơi sông Hồng chính thức được ấp ôm bởi đôi bờ đất Việt. Đứng đây mỗi người có một suy tưởng cho riêng mình và được trải lòng cùng trời đất nơi biên cương.
Cây cầu Cốc Lếu vắt ngang sông Hồng kia, đã có trên trăm năm tuổi là nhân chứng lịch sử của mảnh đất này. Cây cầu đã một thời hào hùng và bi thương, để mỗi khi nhắc đến người đời không xót xa, cầu “Giời ơi”*. Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử đã đôi lần quặn đau, đứt gẫy trong bom đạn song vẫn trung kiên bám trụ vào đôi bờ. Nay đã già nua vẫn gắng gượng như người mẹ già sau bao năm tháng dâng hiến hết cho đời, giờ đã kiệt sức vẫn kiên nhẫn làm hết bổn phận cuối cùng. Để rồi giao chức phận đó cho đứa con cường tráng, nở nang gáng vác sứ mệnh hệ trọng đó. Vâng chỉ còn ít ngày nữa, ít ngày nữa thôi cây cầu mới, bê tông cốt thép công nghệ tiên tiến hiện đại bề thế với bốn làn xe cơ giới sẽ thông thương, đó là minh chứng cho sự kế tiếp chuyển giao thế hệ. Một sự chuyển giao ngọt ngào, nặng tình, nặng nghĩa. Hai cây cầu hai thế hệ soi bóng xuống dòng sông. Mỗi thế hệ chỉ có thể hoàn tất vai trò lịch sử giới hạn nhất định của mình. Cũng như những người anh ra đời trước đã vươn mình bắc qua dòng sông để đáp ứng nhu cầu phát triển của một vùng quê. Cầu Phố Mới sang Kim Tân. Cầu Kim Thành cây cầu hữu nghị nối từ khu thương mại Kim Thành Việt Nam với khu Bắc Sơn Hà Khẩu Trung Quốc. Cây cầu này là điểm nối trên con đường cao tốc xuyên Á qua Lào Cai với vùng rộng lớn tây nam Trung Quốc. Và rồi đây sẽ còn những đứa con khác tiếp đến sẽ ra đời bảnh bao, to đẹp hơn vươn qua dòng sông, cùng với đà phát triển của đất nước.
 Vậy đó! Chỉ đứng trước dòng sông trong tĩnh lặng chiều cuối năm, nhìn mặt nước xao động mà đầu óc đã nghĩ suy lắm nỗi. Cái tĩnh lặng làm cho người ta hay hoài niệm. Dòng chảy như dòng đời không ngừng trôi, mỗi khoảnh khắc qua đi luôn nhắc nhở ta đừng để hoài phí những gì ta có thể. Để rồi ta lắng lòng với Lào Cai, lắng lòng với cuộc đời… Người ơi . Đời ơi!  hãy bỏ bớt những ham hố, nhỏ nhen, bon chen. Hãy ra đây bên dòng sông chiều cuối năm, lắng nghe dòng sông thì thầm về quá khứ hiện tại và tương lai của một thành phố vùng biên. Chắc lòng dạ sẽ nhẹ nhõm và lạc quan lên rất nhiều.
 Kìa! Xa xa bên bãi bồi vẫn còn đó bóng ai như thiếu nữ bờ vai lẳn tròn trong tà áo tím nhập nhoà giữa vườn ải nở vàng. Và kia vườn nhà ai cây đào thân mốc mác khẳng khiu, trên đầu cành những nụ hoa căng mập đang xập xoè nở sớm, báo hiệu một mùa xuân tươi thắm đang về với Lào Cai.
                                          Lào Cai chiều cuối năm 
                                                       C.T

         Và đây khuyến mãi  bức ảnh sơn nữ tắm tiên để ngày xuân càng vui. (Ảnh này từ nguồn bác Văn )
                                                 
                                          
                                                         
  


Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến