'Quăng lưới bắt người làm xấu hình ảnh cảnh sát'
Cục trưởng Cảnh sát Giao thông đường bộ và đường sắt (Bộ Công an) đánh giá việc quăng lưới bắt người vi phạm của Công an Thanh Hóa là sáng kiến. Còn luật sư cho rằng phương pháp này không chuyên nghiệp, gây nguy hiểm cho người đi đường.
> Quăng lưới đánh cá bắt người vi phạm giao thông/ 'Không luật nào cấm quăng lưới bắt người vi phạm'
Sáng 25/11, trao đổi với VnExpress.net, đại tá Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cảnh sát Giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Công an) cho rằng mô hình dùng lưới đánh bắt cá để "bắt" người vi phạm giao thông là "sáng kiến của Thanh Hóa", bởi từ trước đến nay chưa địa phương nào áp dụng.
Theo tân Cục trưởng, với trường hợp đua xe, đánh võng với tốc độ cao, công an thường tổ chức quây và vây bắt. Tuy nhiên, phương thức này không mấy hiệu quả. "Nếu dùng lưới để thử nghiệm và có hiệu quả thì đây sẽ là một thành công", đại tá Tuyên nói.
Trước việc người dân lo ngại việc giăng lưới vào xe vi phạm có thể gây tai nạn cho những người đi đường khác, Cục trưởng cho biết sau một tháng thử nghiệm Công an Thanh Hóa báo cáo chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. "Việc này cần thời gian thử nghiệm. Nếu có nguy hiểm sẽ cho dừng lại bởi chúng tôi vẫn đang theo dõi", ông nói.
|
Nhiều người cho rằng biện pháp lùa theo quăng lưới như thế này rất nguy hiểm đối với những người đi đường khác. Ảnh: Lê Hoàng.
|
Ở góc độ luật sư, ông Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Công an Thanh Hóa cần "xem xét lại việc quăng lưới", cho dù lưới đánh cá có được xem là một trong những công cụ hỗ trợ của cảnh sát khi làm nhiệm vụ.
Theo luật sư, hình ảnh người cảnh sát với trang phục gọn gàng, sử dụng phương tiện, công cụ chuyên nghiệp đã in dấu trong xã hội. Nhưng việc quăng lưới đã làm xấu đi hình ảnh này.
"Chẳng nhẽ cả hệ thống lực lượng vũ trang không tìm ra biện pháp hữu hiệu nào mang tính chuyên nghiệp, sắc bén và hiệu quả mà phải sử dụng hình ảnh của ngư dân. Nếu quốc tế nhìn vào, họ có thể thấy không chuyên nghiệp, không ổn, Bộ Công an cần cân nhắc", luật sư Bách bày tỏ.
Luật sư này cho biết, khi quăng lưới nếu gây tai nạn cho những người đang lưu thông hợp pháp, đúng tốc độ thì cảnh sát phải chịu trách nhiệm hình sự.
Còn luật sư Ngô Ngọc Thủy cho biết, chưa có văn bản quy định việc cảnh sát dùng lưới bắt người vi phạm giao thông. "Riêng trường hợp đua xe trái phép (tội danh trong luật hình sự), theo tôi cảnh sát có thể dùng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn", vị luật sư nhiều kinh nghiệm nói.
Từ ngày 28/10, trong đợt cao điểm xử lý trật tự an toàn giao thông, Công an thành phố Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp quăng lưới vào xe vi phạm.
Lưới được sử dụng là loại cước sợi nhỏ được cuộn lại, một đầu quấn với một vật nặng, thường là gạch đá. Tại các chốt chặn, dân phòng đều trong tư thế cầm lưới sẵn sàng quăng. Khi thấy người vi phạm giao thông không dừng lại theo hiệu lệnh, cảnh sát sẽ giơ tay ra hiệu và dân phòng lập tức ào ra quăng lưới vào gầm xe.
Thượng tá Lê Văn Ngọc (Phó trưởng phòng Công tác chính trị và Công tác quần chúng Công an tỉnh Thanh Hóa) cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu nhất từ trước tới giờ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nó rất an toàn nếu lưới được quăng chính xác vào bánh sau. Tuy nhiên, nếu người vi phạm đi với tốc độ cao và cố lết để bỏ chạy thì có thể không tránh được việc bị ngã.
Theo một chuyên gia về xe máy, 100% người lái xe khi bị tung lưới vào bánh sau sẽ bị ngã. Bởi khi bánh bị vật cản đột biến giằng phanh, hộp xích và đĩa phanh, xe không chạy từ từ mà sẽ khựng lại, đổ xuống đường. "Nếu đang đi với tốc độ cao, họ sẽ bị văng ra khỏi xe hoặc bị kéo lê trên đường", anh nói.
Theo quan điểm của người này, việc quăng lưới bắt người vi phạm giao thông là nguy hiểm.
|
Hà Thư Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét