Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Nhà văn miền núi cái sự giầu nghèo

          Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập 1991-2011 Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức hội thảo Văn Học tại Thành phố Lạng Sơn. Sau đây là bài tham luận tại hội thảo của Nhà văn Mã A Lềnh. Bài tham luận được các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao. Chủ báo đã nhận được bản tham luận này đưa lên quý vị cùng thửơng thức.


                   Nhà Mã A Lềnh đang trình bầy tham luận.


             Mùa hát chào mừng hội thảo

  Nhà văn Họ Mã Và Cố NSND Kim Vĩnh tại Quảng Nình  8/2011
 Nhà văn họ Mã phía trái và các chuyên viên văn phòng UBND tỉnh Lào Cai chụp tại cổng trời Quản Bạ- Hà Giang
                                             Hùng vĩ đèo Pác Xum Hà Giang


       Nhà văn Mã A Lềnh 

     Ngay sau khi Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 23, Hội nhà văn liền tổ chức cuộc hội thảo với tiêu đề Nâng cao tính chuyên nghiệp trong văn học tại Ninh Bình. Nhiều ý kiến hay và dở. Nhưng một vấn đề mấu chốt không ai đề cập tới là: Nhà văn không phải công chức. Xã hội có 2 lực lượng lao động chủ lực, đó là người nông dân làm ra cái ăn cái mặc; đó là người văn nghệ sĩ tạo ra sản phẩm tinh thần thì đều phải tự bươn chải. Nghị quyết 23 của Bộ chính trị thực sự làm rung động lòng người, thế nhưng đã mấy năm trôi qua, có lẽ mới có một cái được, là tự do sáng tạo. Xưa, “Mán Mèo Kinh Thổ Lô Lô / Cùng nhau học tập bên cô giáo Nùng”; “Phải lố, anh Thành à”… là những câu báo liếp mà học sinh phổ thông, học viên bổ túc phải học toét cả mắt; bây giờ thì khác lắm rồi. Như vậy, tính chuyên nghiệp không có khung định sẵn, không có định luật nào cả, chỉ còn cách mỗi người phải tự makétting cho mình.

     Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945 cũng đồng thời mở ra một chân trời thẩm mỹ mới. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và bước vào xây dựng đất nước, một số văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số dè dặt tiếp cận với văn học viết. Về mặt hình thức và tương quan lịch sử thì rõ ràng văn học viết tiến bộ hơn văn học nói, hát, kể - tức văn học truyền miệng. Cũng là hình thức văn học truyền miệng nhưng được viết bằng ký tự, tức là sáng tác ra văn thơ dân gian thì sức sống không còn bền, thậm chí trở nên ngô nghê, ngoại trừ một vài tác phẩm cá biệt đạt đến độ dân gian hóa. Thế nên văn học viết phải theo mô thức hiện đại. Sự giàu có của nhà văn miền núi nói chung, nhà văn dân tộc thiểu số nói riêng ở chỗ họ sinh ra từ cái nôi dân gian ắp đầy với cuộc sống hồn nhiên hòa quyện cùng cây cỏ, mây gió, sương ngàn. Khi đã học được vốn kiến thức nhất định và tạo lập được cái nền móng sáng tạo, nếu biết khéo tựa vào không gian của dân gian miền núi và bản sắc dân tộc thì tác phẩm sẽ trường lực. Không gian của dân gian miền núi biểu hiện bằng phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, trang phục, cách thức lao động sản xuất, v. v… nhưng đó mới là bề nổi. Nhà văn còn phải đi sâu vào khám phá tâm hồn, trí tuệ, nhân triết, tìm ra cốt lõi của nội lực tinh thần. Tại sao người Hmông phía Bắc lại dễ dàng bỏ nhả cửa, làng xóm, ruộng vườn để đến những nơi xa lạ vốn không phải quê cha đất tổ? Câu trả lời thật dễ dàng, chẳng cần nghĩ ngợi: Tại thằng giặc!. Giọng điệu có vẻ hiểu biết chính trị hơn thì: Đó là âm mưu diễn biến hòa bình!. Xin thưa! Câu trả lời có ở khua cê - Bài ca răn đường, và có ở dân ca, ở trong những bài khèn, ở trong lịch sử dĩ vãng bi thương và hùng tráng, ở trong những phong tục, tập quán, văn hóa nói chung là Tính triết luận. Từ những viện dẫn trên để thấy rằng là nhà văn người dân tộc thiểu số, nếu học cái cội nguồn của dân tộc mình không đến nơi đến chốn thì dễ sa vào bẻm mép, ngô nghê, nói leo, cổ động; là nhà văn người miền xuôi, người phố thị nếu không thâm nhập sâu vào thực tiễn cuộc sống miền núi thì trang viết sẽ hời hợt, làm dáng, tầm gửi, nhại tiếng. Đến đây tôi chợt nhớ một cái truyện ngắn đoạt giải cao báo Văn nghệ của một tác giả trẻ. Vấn đề của truyện chỉ là giải phóng con người bản năng, không hơn không kém, mà vấn đề ấy thì nhiều triết gia đã nói từ tám hoánh; cái truyện ngắn mà nhiều người trầm trồ kia chỉ hơi là lạ ở sự hoạt ngôn mà thôi. Bản sắc ư? Có sẵn rồi, ở ngay người mẹ, người cha mình, cái bếp lửa nhà mình, trong trái tim mình. Bản sắc, ấy là giọng điệu riêng của từng người mà ngày nay nếu không tận dụng, nếu vẫn đồng loạt giơ nắm đấm ra hô thì chẳng còn gì là cá tính sáng tạo nữa. Vậy nên cũng đừng bàn thêm, bởi nếu bàn về bản sắc thì khác nào dấn vào rừng hoang không có lối ra. Và xin thưa, bề ngoài, anh khoác chiếc áo thổ cẩm lên người thì đương nhiên anh là người miền rừng, nhưng trong ngôn ngữ, nhất là văn chương, dù anh có muốn biến hóa thành người dân tộc khác cũng không thể được, vì đâu chỉ là diện mạo, đâu chỉ là lời ăn tiếng nói. Mót được vài từ, nhặt được vài cái tục lệ là lạ, anh tưởng đã thành người dân tộc ư? Còn lâu! Nó còn ở trong nhân chủng, còn ở trong đáy con tim mỗi người không thể dung hòa được. Vậy nên chớ xổ ra mấy cái là lạ để trộ người.

     Nói về cái nghèo. Nếu làm phép cân đong thì nhà văn miền núi giàu một nhưng nghèo mười, trăm. Nghèo về sự học hành bập bõm. Đã thế lại còn ngại đọc sách triết học, mỹ học là những môn học rất cơ bản cho việc sáng tác, còn nữa là sự học để biết về vật lý, địa lý, lịch sử, sinh lý, tâm lý… Ngày nay cái sự học nếu bập bõm thì trang viết chỉ là khoa ngôn không mang lại lợi ích gì cho người đọc. Nghèo về tiền. Nghèo cả về sự giao cảm. Không có ngoại ngữ. Lại phải thấy rõ dù sao thì cái sự kỳ thị, thậm chí đố kỵ vẫn ẩn náu đâu đó dưới đáy con tim, lúc nào đó động chạm đến quyền lợi thì con tim đen lộn  phèo ra ngoài. Còn thêm chút kiêu hãnh, chút ủy mị, chút bất cần, chút sa đà, chút cả tin và chút lãnh cảm, lại coi như mình có quyền đòi hỏi người khác phải tinh tế, ý nhị trong ứng xử khi mình đôi lúc buột phát sỗ sàng, thô lỗ Rồi thì “ông giời” đã trao cho thiên chức làm nhà văn nhưng lại chui chúi tìm một “cái ghế” quan lại. Những dị tật bản năng thâm căn cố đế đó vẫn tiềm ẩn. Có thể đơn cử mộ ví dụ nho nhỏ: Bản tin hội viên của Hội nhà văn số 28 công bố danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cấp cơ sở để trình lên cấp cao, trong số 12  tác giả đề cử Giải thưởng Hô Chí Minh thì nhà văn dân tộc thiểu số không ai có tên. Trong số 62 tác giả được đề cử Giải thưởng Nhà nước chỉ có 1 Vi Hồng! Tôi để ngỏ vì không muốn bình luận. Và nữa, đất nước 54 dân tộc bình đẳng nhưng không thể cào bằng. Nhất định ngôn ngữ chung phải là tiếng Việt. Trình độ học vấn phải được kiểm chứng bằng tiếng Việt. Thầy Lò A. không thể dùng ngôn ngữ Nùng giảng cho sinh viên trên giảng đường đại học; Luận văn khoa học của tiến sĩ Thào S. không thể dùng tiếng - chữ Hmông mà thuyết trình. Đó là một thực tế nhãn tiền. Do đó dù anh là người dân tộc gì đi nữa nhưng anh hãy nhanh chóng học tiếng Việt, hãy nhanh chóng tiếp thu kiến thức của nhân loại bằng tiếng Việt và ngoại ngữ nữa để “sánh vai với cường quốc năm châu” càng nhanh càng tốt, nhất là thời kỳ hội nhập. Vài vị khả kính thường la lên: “Bọn trẻ này không biết tiếng dân tộc thì chúng nó còn gì là người dân tộc nữa!”. Không đâu! Bọn trẻ ấy “dân tộc” hơn ông đấy! Ông bảo thủ cái mác dân tộc bằng lối rúc sâu vào hang hốc; còn chúng, trái tim “dân tộc” vẫn đập rộn ràng đi cùng nhân loại tiên tiến đấy, ông ạ! Ông giỏi tiếng mẹ đẻ nhưng lại không theo kịp thế sự hiện đại. Nó hiện đại nhưng lại khuyết tiếng mẹ đẻ; tuy nhiên nó sẽ bù được sự khiếm khuyết; còn ông sẽ chỉ có lão hóa. Tự nhìn sâu hơn vào bản thể của mình với niềm mong muốn mình sẽ cố gắng hoàn thiện hơn, bởi nhà văn miền núi nói chung, nhà văn người dân tộc thiểu số nói riêng đã tự lãnh trách nhiệm phát ngôn trước dân tộc mình. Miền núi và dân tộc là một cái mỏ vừa lộ thiên vừa chìm ẩn. Đó cũng là một sự giàu có nữa. Nên biết cuộc đời đã cho điều gì làm cho mình giàu sang. Nên biết mình còn thiếu thốn điều gì, nghèo túng mức nào. Tôi luôn tự nhủ mình như thế!./.
                                                                          Nhà văn Mã A Lềnh
                                                                                 12 - 14 / 09 / 2011


Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến