Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Năm tháng gọi về


Đỗ Chu - 

Nhà văn Đỗ Chu
Tôi ra đời được vài năm thì bố mất, mẹ tần tảo nuôi đàn con, chú em còn nhỏ hơn, chỉ mới lọt lòng. Bà nội lâu lâu lại ngửa mặt thở dài, thằng anh hơn thằng em một tuổi, chả là đẻ năm một, chẳng biết rồi sẽ ra sao hay là lại tan đàn xẻ nghé, con cái mỗi đứa vứt một nơi. Đầu nhà có đàn gà con chiêm chiếp, những chú gà non đẹp như chim non nấp trong cánh mẹ, leo lên lưng lên cổ mẹ. Tôi là một thằng bé buồn sớm, lo âu vẩn vơ nghĩ ngợi vẩn vơ và nhiều khi tự dưng cũng thở dài một cái cho ra vẻ người lớn.

Ngày đi học phải lập giấy khai sinh, người bảo tôi tuổi Quí Mùi người lại bảo Giáp Thân, chẳng biết đằng mù nào mà lần. Nhưng dù tuổi gì thì cũng thế cả thôi, ngữ tôi khỉ hái quả hay dê kiếm lá cũng vẫn là cái kiếp bới đất lật cỏ, nào có khác gì nhau, ăn thua mẹ gì, ông trời còn cho sống đã là may mắn lắm rồi.
Vừa kịp học hết trung học thì đầu quân, được gọi là anh bộ đội, người chiến sĩ thì hởi lòng hởi dạ mà bảo là thằng lính thì ngượng ngập đến tê tái cả lòng. Là bởi ngay từ nhỏ đã được dạy mấy từ người chiến sĩ có mang một ý nghĩa cao quí, vì nhân dân mà phục vụ vì Tổ quốc mà hy sinh. Còn như nếu là một thằng lính thì chẳng qua chỉ là một kẻ đâm thuê chém mướn, sai gì làm ấy bảo gì nghe ấy, vậy thì ngao ngán mà nhục lắm. Và như thế thì dứt khoát không thể là cái phận mình. Tôi nghĩ như vậy và tôi sống như vậy. Ở trong bộ đội nhiều anh đi trước cũng hiểu tôi là đứa như thế và họ yêu.
Tiếng là đã nhiều lần theo anh em vào rừng ra biển, đi nhiều nơi gặp gỡ đủ các hạng người, học hỏi khôn lớn lên nhiều, nhưng nhìn lại thấy con đường của mình đã đi hóa ra quanh quẩn vẫn mới chỉ là từ bờ bên kia qua bờ bên này con sông Hồng mà thôi. Từ nhà sang Hà Nội chỉ vài bước chân, qua cầu Đuống, qua cầu Long Biên là đến. Ngần ấy năm làm người Hà Nội, đã từng cùng đồng đội ăn ngủ vạ vật trong các mái bạt mái lá khắp các chân đê bờ bãi, đâu đâu cũng gặp những lam lũ là lam lũ, đàn ông đàn bà người lớn trẻ thơ ai cũng nhọc nhằn cần kiệm và hết sức chất phác. Sáng một hồi kẻng ra đồng. Trưa một hồi kẻng nghỉ ăn cơm. Chiều lại kẻng tối cũng kẻng. Những dòng người hàng một lam lũ đi ngang trên đồng nét mặt lầm lì chịu đựng không biết bao nhiêu nỗi niềm. Thỉnh thoảng nghe đâu đây vẫn có những tiếng cười, đấy là các cô gái tuổi mười tám hai mươi mỗi khi có dịp lại gần các trận địa cao xạ. Có ông già nào đó quát to dở đùa dở thật, mấy đứa này tránh xa các anh ấy ra, đây là chỗ đùa của chúng mày đấy hẳn. Cứ liệu hồn với nhau, dính vào mấy anh ấy là có lúc không khéo bụng nổi lên như cái trống có ngày!
Hình như vào thời đó, bất chấp mọi lam lũ đói no, bất chấp mọi hiểm nghèo, chỉ có các cô gái là vẫn cứ cười nói vui vẻ, lớn nhanh phổng phao như chẳng cần ăn uống và họ đều rất đẹp, rất tươi sáng, mặc dù thiếu son phấn, chả có gì để mà trang điểm ngắm vuốt.
Tất cả được gộp chung vào một khái niệm cao cả, nhân dân. Và cái khái niệm ấy lại được gói vào trong một câu hát cửa miệng “vì nhân dân quên mình vì nhân dân hy sinh...”. Đâu cũng hát, lúc nào cũng hát. Năm tháng qua đi, thời thế đổi thay, giờ mỗi khi nghĩ đến nhân dân sao cứ thấy phải giật mình. Nhớ đến những nẻo đường xa ta đã đi qua, nhớ đến những khuôn mặt người ta đã từng gặp và yêu dấu mà thấy giật mình. Ngay đến quê hương cũng cứ mờ mờ tỏ tỏ ngày một ít về.
Hình như đã có không ít những đường lối chính sách, đã có quá nhiều cách khu xử với nhân dân, với đất đai đồng ruộng làm ta phải giật mình.
Mỗi năm mỗi tuổi cứ ngại dần việc quay về những chốn ấy, gặp lại những ngày xưa với những người đã nuôi sống ta đùm bọc ta và hết lòng thương yêu tin cậy ta. Đấy là những người đã từng cùng ta sống chết, chẳng ai khác chính họ sẽ vuốt mắt chôn ta nếu ta nằm xuống sau một trận đánh trên cánh đồng làng họ. Và ta chỉ có thể tìm thấy từ họ những tình yêu lớn để làm đầy thêm lòng yêu Tổ quốc của mình.
Tổ quốc là rất xa nơi xác bạn tôi một ngày được sóng hất lên bãi vắng, đàn còng đuổi gió chạy nhung nhăng, trắng xóa ngàn lau vu vơ năm tháng. Tổ quốc là rất sâu, nơi anh tôi nằm giá lạnh giữa ngổn ngang súng mìn trong con tàu không số chìm trăm sải vùng nước tối, lặng im không để lại một lời... Tổ quốc một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu đứng trên tất cả những gì đúng sai khôn dại, để ta phải có những đêm dài thức với bóng mình trước mảng tường vôi.
*
Giữa những bộn bề thường nhật rất khó lường hết được mọi phức tạp đang diễn ra quanh mình. Thế rồi bỗng một trận lụt cục bộ hình như ông trời dành riêng cho Hà Nội đã xảy ra. Nó lập tức trở thành một cảnh báo, một nhắc nhở, không thể chối cãi bởi nó quá hiển nhiên.
Đứng trước một sự thật không mấy vui mừng như vậy người ta có hai cách ứng xử, hoặc chân thành nhìn nhận hoặc quanh co lảng tránh, chân thành là một dũng cảm khó khăn, dẫu sao vẫn còn giữ được danh dự, quanh co sẽ mất danh dự, mà mất gì thì mất chứ mất danh dự mới là mất hết. Nhân cách con người ta không hiện ra ở trong sai lầm mà nó hiện ra khi đứng trước những sai lầm.
Nào đã là vỡ đê vỡ đập gì cho cam, bất quá chỉ là mấy ngày mưa lớn, thế thôi. Khắp trái đất thiếu gì những chỗ đang mưa lớn lụt lớn, mình đã vần gì, cái đáng nói ở đây là chỉ mới thế đã lộ ra vô số những kém cỏi lúng túng. Ngần ấy năm vừa xây vừa hát “xây cho nhà cao cao mãi”, xây ngất trời trên một nền tảng thiếu chuẩn bị lâu dài kỹ lưỡng, trong một môi sinh ngày một tồi tệ, có nghĩa là xây lấy được, xây bất chấp không cần tính đến chân móng hạ tầng nó là sự ồ ạt khiến người ta không thể không ngờ vực.
Vào dịp 700 năm vua Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, ngồi ngẫm thấy thời gian xem ra cũng đã lâu, vậy mà chặng đường từ đó đến hôm nay của dân tộc hóa ra cũng chưa phải dài gì cho lắm, chưa dài gì cho lắm bởi các thế hệ đến sau nhìn chung còn cần phải bàn nhiều, đây là một giai đoạn nảy sinh và để lại nhiều bài học cay đắng, đang lo là đã thấp hơn tư cách sang trọng và lẫm liệt của các bậc tiền nhân buổi khai mở xa xưa. Nhìn lại kỹ càng thấy hai triều Lý-Trần quả là một cuộc khai mở vạm vỡ kiêu hãnh của dân tộc mình.
Giờ đây công việc qui hoạch và tổ chức xây dựng một thành phố có nghìn năm văn hiến như Hà Nội đâu phải chuyện nhỏ, nó là rất to lớn và rất hệ trọng, một công việc có tầm vóc lịch sử, mang ý nghĩa lịch sử. Vinh quang nhiều nhưng thách thức nặng nề. Sự nghiệp lớn bao giờ cũng thuộc về những nhân cách lớn, tầm vóc tầm nhìn lớn, gánh vác này không nằm trên vai những ai yếu đuối tầm thường. Và tất nhiên nó không thể là chuyện một sớm một chiều.
Sau chiến tranh tôi có những năm về sống ở quê nhà, một chuyến theo anh em ngành địa chất và lâm nghiệp lội vào vùng núi Yên Tử lang thang khắp các khu mỏ  cánh rừng làng mạc. Thấy vùng đất ấy đẹp và thiêng mà cũng rộng và sâu lắm. Đền đài chùa chiền miếu mạo mỗi cái một vẻ, cổ kính phong sương, dung dị khiêm nhường không một chút phô phang, càng không hoành tráng, nhiều mà không tẻ nhạt, nhiều mà không thừa. Sự thiêng liêng thường nằm trong vẻ u tịch kín đáo chứ ít thấy ở những chỗ bề thế nghênh ngang. Thời ấy người biết trọng cái cốt kiêu mà coi rẻ cái dáng kiêu.
Trong những quần thể kiến trúc ở đó có cất giữ hồn cốt Việt, giàu sức cảm sức nghĩ, không một chút kiêu kỳ vậy mà vẫn cứ rất kiêu sa, kiêu sa mà sao thân thiết như một lời thì thầm gần gụi của người xưa. Nó đều đã được xây đắp một cách bình tĩnh kiên trì đời này qua đời khác không nản lòng cũng không khoe khoang. Có cái làm ở thời Trần, có cái ở thời Lê, lại có cái chỉ mới đây thôi, đời Minh Mạng.
Thời gian không thể tàn phá nổi bởi con người hết lớp này qua lớp khác đã thay nhau không ngừng chăm sóc giữ gìn. ấy vậy mà chỉ trong vòng một thế kỷ vừa qua hầu hết các công trình bỗng thành hoang phế không mong gì cứu chữa nổi. Kiêu hãnh thay, nó dù có bị hoang phế thì nền móng của nó vẫn cứ đang trơ gan cùng tuế nguyệt, những dấu tích vẫn đang còn đó. Hỏi các vị bô lão trong vùng mới biết có chỗ là do Tây đốt, có chỗ là do ta đốt, ta đốt phá mới nhiều mới dữ. Một cụ chống gậy lọm khọm bước đến trước tôi kể, chính tôi hồi ấy đã được cấp trên gọi đi đốt phá cả chục ngôi chùa, tượng lớn tượng nhỏ cho trôi sông tuốt. Rồi ông cụ tặc lưỡi cười rất thành thực, thì cái thời nó thế, tôi lúc đó trẻ đang hăng lắm, được phong làm trưởng ban phá hoại huyện. 
Trong chuyến đi ấy tôi vẫn còn có may mắn được chiêm ngưỡng bức tượng đá cẩm thạch tạc vua Trần Nhân Tông dựng trước lăng Ngài. Bức tượng không to, tầm vừa phải, một vị vua minh triết, dễ gần gụi, khuôn mặt nhân từ như đang cười, nhác nom hao hao có những nét của Bác Hồ mà đọc dòng chữ dưới bia lại ghi tượng được dựng từ cuối Trần.
Gần đây qua màn ảnh nhỏ tôi được xem một bộ phim tài liệu rất hay bàn về vùng Yên Tử nhìn dưới góc độ văn hóa du lịch của mấy nhà làm phim trẻ giàu tâm huyết, nhờ thế mà tôi mới được gặp lại ngôi chùa cổ ba chục năm trước mình đã một lần tới thăm. Cũng qua phim mới biết bức tượng vua Trần nay đã thành tượng cụt đầu, có đứa nào đã ăn cắp mất cái phần đẹp nhất của công trình nghệ thuật vô giá đó. Mộ Ngài cũng đã bị chúng đào bới ngổn ngang, tháp đá thì sắp sạt đổ bằng hết. Bộ phim tuy ngắn mà sức lay động người xem rất lớn.
Đó là một câu chuyện đau lòng, nếu cầm bút như các sử gia xưa thì phải bàn đây là triệu chứng điển hình của sự bại hoại tâm thế, nhân tâm rối loạn, lòng người không yên, cái ác lấn át cái thiện. Quả là một nỗi buồn lớn, một nỗi lo âu lớn trước một nguy cơ lớn.
Xưa có ông vua con lên ngôi thay vua cha vừa băng hà, lên hôm trước hôm sau ngài đã cho gọi hai vị tả hữu thừa tướng lên mà hỏi việc nước. Đầu tiên hãy hỏi tả thừa tướng, nước nhà có bao nhiêu quân sĩ, có bao nhiêu tù nhân trong ngục, có bao nhiêu thóc trong kho. Hỏi câu nào vị thừa tướng già cũng tắc tị không biết đường mà trả lời. Ông vua trẻ lấy làm đắc ý, có thế chứ, như ta đây mới đáng mặt phương diện quốc gia.
Rồi ngài lại quay sang vặn vẹo hữu thừa tướng cũng  những chuyện ấy. Có bao nhiêu quân sĩ ư, xin nhà vua hãy cho gọi người bên bộ binh lên hỏi. Có bao nhiêu tù nhân ư, vậy xin cho gọi quan cai ngục. Có bao nhiêu thóc trong quốc khố ư, xin gọi quan coi kho. Vua con đập bàn, vậy thì lâu nay cha ta dùng hai ngươi để được việc gì. Hữu thừa tướng nhẹ nhàng thưa, chúng tôi giúp tiên đế trong việc điều hòa âm dương. Đấy mới là công việc sống còn của xã tắc. Vua con im lặng.
*
Thế là tết này tôi bước vào tuổi bảy mươi. Bảy mươi mà bảo vẫn trẻ là nghĩa làm sao, liệu còn định sống đến bao giờ mới gọi là đủ. Những năm vừa qua đã mấy bận dọn nhà, trước là khu tập thể Nam Đồng, nay về khu tập thể Đội Nhân, loanh quanh vẫn là trong thành phố này. Lúc trẻ là anh chiến sĩ bảo vệ vùng trời thủ đô, về già cầm bút ca ngợi Hà Nội hào hoa anh hùng. Phải cái mỗi tuổi một lười, yêu thì yêu thật nhưng cứ thấy ngài ngại, lo lo mỗi lần bước ra đường. Phố xá giờ đông quá, nói ngựa xe như nước áo quần như nêm vui là vui ở đâu ấy chứ ở ta hình như chuyện giao thông đang là một quốc nạn, người nhốn nháo, người nhớn nhác, chạy ngang chạy dọc, chạy ngược chạy xuôi, chạy xiên chạy xẹo như bầy kiến vỡ tổ. Lắm lúc tự hỏi mình như một lão già ngớ ngẩn, thế thì đồng bào định đi đâu mà cứ ùn ùn đổ ra các ngả vậy?
Một đám đông đầu chụp kín mũ nhựa chạy trên đường như người từ vật thể bay lạ bước ra, mặt mũi không nhìn rõ nhưng cứ xem cung cách ứng xử thì thấy đang khiến thành phố trở nên mất bình thường và một ngày Hà Nội là một ngày mất phong độ sống. Tốc độ cao, dòng người tắc nghẽn dài, đầu óc hình như nghĩ ngợi cũng chật chội chả thể sâu sắc trang trọng được. Là vì họ chính là những người đang chịu nhiều bức xúc nhất.
Cả nhân loại đều biết Hà Nội được tiếng là một thành phố hòa bình và anh hùng, nhưng ngày nào cũng có những vụ va chạm giao thông dẫn đến chết người, ngày nào cũng có đâm chém cãi cọ bắt bớ xin đểu, như thế bảo hòa bình sao được, bảo anh hùng càng không phải. Muốn cho Hà Nội ra dáng một thành phố anh hùng thì mỗi người Hà Nội cần phải tỏ ra từ trong bản chất của mình đang có những phẩm chất anh hùng. anh hùng đúng nghĩa của nó chưa phải là đánh nhau giỏi, chưa phải là to mồm nói khoác biến báo mưu mẹo giỏi, xưa cụ Khổng Tử từng giải thích cho đám học trò nghe anh hùng là gì, ông cụ bảo, anh là tự hiểu mình, hùng là tự thắng mình, chỉ có thế thôi nhưng làm được là khó lắm, nó là phải biết tu thân suốt đời. Những hạng ba xí ba tú vốn quen sống không biết sợ, không biết xấu hổ là rất khó lễ phép. Người Hà Nội nên nhanh chóng cố gắng trong cách ăn cách ở để làm sao, người đã đến một lần còn muốn có lần khác trở lại, người đã đi còn mong có lúc quay về và người đang ở không muốn phải bỏ đi.
Sắp thêm một tuổi đời, ra vào tự hỏi, liệu đây đã là chỗ sau cùng, là ngày sau cùng chưa? Chưa thể biết nhưng cái biết chắc chắn là thấy mình đã hóa một ông già. Già thì tóc bạc râu dài, điều đó với ai cũng dễ nhưng nếu già lại còn phải biết nói chậm ăn, chậm bớt viển vông, bớt những ham hố tham lam thì điều ấy hình như không dễ chút nào.
Một hôm nọ có cu cậu xe ôm mau miệng hỏi, năm nay bố chắc phải tám mươi rồi nhỉ, tôi cười khen, anh nói như có thần bảo, nhưng nếu anh đoán nổi tôi đang có mấy bà thì tôi mới tâm phục khẩu phục. Khoái quá nó vừa ngoái đầu lại vừa xòe ra hai ngón tay. Tôi lại cười, giỏi, làm sao anh đoán được tôi hai bà. Bố ơi là bố, thời buổi này có mấy ông không hai bà, tiền rủng rỉnh trong túi tội gì không ăn chơi cho bõ những ngày cơm độn, không dám công khai thì thậm thụt, các bố là lắm mẹo lắm, chúng con xin vái dài.
Có câu sáu mươi tính năm bảy mươi tính tháng tám mươi tính ngày, xuân thu đắp đổi ngoài sông nước trôi, thời gian đi không ngừng nghỉ, thời thế thay đổi là chuyện thường tình như sớm nắng chiều mưa. Thư khố nhà Phật muôn kinh vạn quyển, ở đây xin rút ra mấy câu Phật bàn về cái kiếp sống của con người nhân một năm mới đang về:
Nền tảng của nó là tự do, mục đích của nó là vui sống, thành quả của nó là không ngừng phát triển.
Có gieo có gặt, gieo gì gặt ấy, cứ nhìn hôm nay mà biết hôm qua và ngày mai của nó.
Đấy là những điều kiện vừa đủ để nâng mình lên chạm tới cõi ung dung.
*
Chiều xuân đi dưới đường cây Hà Nội, se lạnh bước thấp bước cao, nghe trong mưa bụi bay trắng xóa vọng về tiếng gọi của thời gian.
Một bờ xa mơ mơ ai người đang hát làng lúa làng hoa, lặn trong bùn sâu sen tàn cựa mình đơm ngó, con trai già ngậm ngọc âm thầm. Mây nước Tây Hồ chiều nay ta lòng sang vỗ, Hồ Tây ơi Hồ Tây năm tháng gọi ta về với những mùa màng chân đất lội đồng, gặp lại nụ cười em ban mai ấm cánh sen hồng đẫm sương. Nụ cười ấy cũng là nụ cười mẹ ta rung rinh nắng tỏa.
Cảm ơn hồi chuông ngân nga, cảm ơn những tháng ngày ta đi gió lành mây trắng.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến