Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Hai lần bạc tóc



Chu Lai - 
Ở đời có những kỷ niệm ngọt ngào, có những kỷ niệm cay đắng, có những kỷ niệm vừa ngọt vừa đắng và có cả những kỷ niệm bão tố, bạc tóc bạc đầu.
Những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thiên niên kỷ trước,
chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà đang sắp thi vào đại học tôi lại giở chứng xin đi thi tuyển vào văn công. Sáu ngàn thí sinh toàn miền Bắc trở về ứng thí chỉ đậu có mười một, trong đó có tôi, nghĩ cũng oách. Sau hai năm dùi mài ngón nghề, miếng mẹo tại trường trung cấp nghệ thuật Quân đội, thế thôi, trung cấp hồi đó là to lắm rồi, cái thằng tôi được điều chuyển về Đoàn kịch Tổng cục Chính trị của ông Đào Hồng Cẩm ở chung với anh Phạm Ngọc Cảnh lúc ấy đã làm thơ, rồi Tạ Xuyên, Đức Trung, Đoàn Ngọc... coi như cùng lứa. Nhưng khốn khổ, mặt mũi cha mẹ đẻ ra có hình có khối chả mấy bình thường nên suốt ba năm đằng đẵng làm nghề chỉ được đạo diễn phân đóng những vai gồ ghề kiểu tướng cướp, toán trưởng biệt kích, lính Ngụy, đao phủ… và nếu có khá hơn một chút thì là vai ông già du kích, tay xã đội trưởng cục cằn mà chả được nhận một cái vai bộ đội trẻ trung, đẹp trai tử tế nào. Lại còn cái tật hay nghĩ ngợi này nọ, hay phát ngôn nghịch nhĩ nọ kia không đúng lúc đúng nơi đúng người nên có đận bị mấy cụ đi trước nghiêm khắc thì thầm khoác cho cái mác “Nhân văn” khá rắc rối.
Và cuộc đời sẽ cứ hứng chịu tiếp những cái rắc rối đó nếu lúc đó anh chàng Mỹ táng tận lương tri không đem bom ra oanh kích miền Bắc. Thời cơ thoát hiểm đây rồi. Son phấn thế đủ rồi. Làm thằng lính phải là thằng lính thực sự xông pha ngoài sa trường chứ ai đời sức vóc như Tac zang, các cô bạn diễn thường gọi vậy, lại chỉ có mỗi việc làm trò cho các đoàn quân sắp đi xa bôn tập đến xem rồi lại bôn tập trở về còn mình thì ngồi lại nhạt thếch giữa một vùng mồ hôi chinh chiến họ để lại, vô lý! Nhưng ông bố lại cản ngăn. Nhà có mấy liệt sĩ rồi, chả có ông cha bà mẹ nào muốn gia đình có thêm liệt sĩ nữa. Thế là lừa lúc ông cụ đội bom vào công tác tại mặt trận Trị Thiên Huế, bèn giả chữ ký của bố viết đơn nồng nhiệt xin đi. Ông Cẩm bảo, cháu nên ở lại, nếu không thích làm diễn viên thì sẽ tạo cơ hội đi học đạo diễn ở Liên Xô. Lắc đầu hết. Người tình đẹp thế mà còn bỏ đi được thì đạo diễn đã là cái quái gì. Bạn bè trai tráng đi hết vào Nam rồi, đó là hướng đi duy nhất mà chả có hướng đi nào hay ho hơn. Thế là đi. Tạm biệt các cô bạn diễn thân yêu để nhớ mãi cái đêm xe bị patine trên đỉnh đèo Clavo lạnh dưới 5 độ ấy, khi nhảy xuống dùng đôi vai tuổi mười bảy lực điền kích được chiếc lốp ra khỏi vũng lầy xong, lên xe liền được một bàn tay ấm mềm cảm kích nắm chặt, lại được một nhúm lạc rang nóng hổi từ phía sau dúi lên thơm ngon cho đến tận bây giờ; tạm biệt cái thế giới toàn âm thanh và mỹ nữ, tạm biệt những chuyến đi xa bồi hồi và lãng mạn, tạm biệt nghệ thuật, tạm biệt thi ca, tạm biệt những ngày buồn và vui trong thánh đường sân khấu, tạm biệt hậu phương, tạm biệt tất cả, tớ lên đường làm thằng lính trận cái đã, mọi chuyện tính sau.
Nhưng sự đời lại không hoàn toàn đơn giản như vậy. Đang “Lên xe xuống ngựa”, thì cứ tạm coi là như thế, đang được nâng niu chiêu đãi mọi chốn mọi nơi, đang ăn no mặc đủ, đang gần nhà gần người yêu bỗng chốc khổ như thằng bị đi đày. Rét và đói triền miên, đói đến nỗi có đêm một mình vào bản mua cả 15 quả trứng vịt về luộc ăn hết veo. Nhưng kinh nhất là cái vụ mang nặng hành quân diễn tập. Mùa đông còn đỡ, mùa hè cả đại đội vừa đi vừa gãi ghẻ, gãi hắc lào soàn soạt, gãi đến tướp máu. Rồi hai gan bàn chân đô thị sặc mùi  “tiểu tư sản” nữa, cứ đi được một buổi là da dẻ lại nứt toác, đêm về phải lấy chỉ dù khâu lại. Cả một trời u ám đổ xuống cái vùng lãng mạn háo hức làm chiến binh kiêu hãnh trong đầu. 
Đúng lúc đang tơi tả đó thì Đoàn kịch nhà đến biểu diễn. Vào một ngày giáp tết gì đó. Và cái bạc đầu lần thứ nhất xảy ra. Nhìn thấy tôi, cả đám bạn bè nghệ sĩ trợn mắt không còn nhận ra cái thằng diễn viên trắng trẻo khá đào hoa nữa. Nhất là con mắt mấy cô gái, cứ nhìn tôi như nhìn một gã tử tù sắp lên đoạn đầu đài, thậm chí có cô còn rơm rớm nước mắt. Rồi cụ Cẩm đi đến, kéo riêng  tôi ra một chỗ, hỏi luôn: “Sao, rèn luyện thế đủ chưa, ông mãnh? Đủ rồi thì ngay sáng mai sẽ theo Đoàn về Hà Nội, tớ đã trao đổi với quân lực sư đoàn rồi”. Nghe mà nóng bừng cả người, cứ như thể sắp sa xuống vực lại được vớt lên nhưng vẫn gượng nói cứng: ”Chú để cháu suy nghĩ cái đã”
Suy nghĩ. Có lẽ đêm đó là cái đêm suy nghĩ  dài nhất trong cuộc đời tôi. Một đêm không ngủ, một đêm giằng xé ngổn ngang biết bao điều. Nếu về, tôi sẽ lại có tất cả, sẽ có một cái tết lại được ngồi ấm nồng giữa gia đình, người yêu, sẽ vĩnh viễn thoát khỏi cái cảnh tập làm lính chiến chắc là quá sức không kham nổi này. Nếu ở lại, ngày mai lại tiếp tục cuộc diễn tập hành quân, lại gãi lại rách, lại những đêm nằm úp thìa ôm nhau nhớ nhà nhớ Hà Nội đến quay quắt và sau đó là cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào trận chưa chắc có ngày trở về. Nhưng lại không thể về, đã giả chữ ký, đã gần như chích máu viết tâm thư, đã kiêu hãnh ngẩng cao đầu chia tay bạn bè, các cô gái ra đi như một hiệp sĩ thánh chiến chả lẽ vị hiệp sĩ đó mới gãi có ít cái, rách có đôi đường mà đành cúi đầu làm nước mã hồi ư? Không, hèn lắm, tủi lắm, ê chề, nhục nhã lắm, người ta có còn coi mình ra cái giống gì, nhất là cái cô xinh đẹp nhất đoàn ấy, lúc mình ra đi nàng đã tiễn mình bằng cái nhìn ngưỡng mộ chia xa, giờ quay đầu lại có khi ánh mắt kia sẽ tối sầm thất vọng.
Chính đôi mắt mang biểu tượng của danh dự, của sự tự trọng nam nhi đó đã giúp tôi, sau một đêm nghĩ ngợi đến muốn bạc tóc, mặt mũi già cằn  hẳn đi, còn bạc còn già hơn cả cái ông Giăng Van Giăng trong Những người khốn khổ của cụ Huy gô đã thức trắng một đêm để quyết định ra đầu thú cứu người bị hàm oan, để sáng hôm sau có một câu trả lời: “Không!”
Tiếng “không” ai oán, nghẹn ngào như hụt hơi, tụt lưỡi đó đã đẩy tôi vào chiến trường làm thằng lính đặc công suốt gần mười năm trời để cho đến năm Bảy Ba khi cái hiệp định ngừng bắn Pari được ký kết, cú bạc đầu thứ hai của tôi lại xuất hiện.
Đó là những khoảnh khắc mong manh giữa cái sống và cái chết khi đối phương cố tình vi phạm hiệp định xua quân đi lấn chiếm những vùng đất thuộc bên phía giải phóng. Đang từ trong tâm trạng phơi phới nghĩ rằng sắp hòa bình rồi, sắp được về với Hà Nội rồi lại phải tiếp tục chuyển sang những trận đánh khốc liệt, dai dẳng, hy sinh nhiều hơn, rỗng roãng hết cả đầu óc. Trời ạ, chờ đợi mãi mới có cái hiệp định hòa bình này, giờ lại nện nhau chí tử nữa thì bao giờ mới có kết thúc đây? Địa bàn da beo ác liệt, người ngã xuống nhiều hơn người bổ sung, cứ vài tháng, nửa năm lại cháy phiên hiệu một lần, tình hình này không kết thúc nhanh thì lấy người đâu ra mà cầm súng đây. 
Đang như thế thì Phân khu có lệnh gọi tôi lên. Cười nhạt: Chắc là lại hạ đạt một mệnh lệnh đánh đồn hay cứ điểm gì đó để trả đũa giao cho đại đội đặc công của tôi, đại đội đặc công duy nhất trên toàn địa bàn là cùng chứ gì, chán thật! Nhưng không, đến nơi, trong một mái lá Trung quân đỏ như màu ngói mới, một vị cán bộ trung tuổi bắt tay, cười, tự giới thiệu: “Mình ở Ban tuyên huấn Miền, vừa rồi bà Hồ Thị Bi, cục phó cục chính sách từ ngoài Bộ vào có nói mới biết đồng chí vốn trước đây là diễn viên kịch được đào tạo chuyên nghiệp, lại có viết lách nữa nên đồng chí trưởng ban cử tôi xuống hỏi xem đồng chí có nguyện vọng lên trên đó công tác, nhân thể tham gia, góp sức cho đội kịch của Miền không?”
Lại có sự can thiệp tầm xa của ông bố rồi, ngoài kia hai cụ thỉnh thoảng vẫn gặp nhau mà. Và một tia sáng vụt lóe trong đầu. Lên Ban tức là lên Rờ, một cụm từ kêu vang giữa rừng thầm bảo cho tôi biết rằng lên đó chắc chắn là sống sót, sẽ không còn cái cảnh: “Ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình” theo lối nói ngang tàng của cánh lính trận nữa. Thế là lại một đêm mất ngủ ngồi thù lù ngoài cửa rừng hút thuốc vặt. Lại giao tranh, lại giằng xé. Nếu lần trước giằng xé giữa cái sướng và cái khổ thì lần này là giữa cái sống và cái chết, đương nhiên sẽ quyết liệt hơn. Chỉ khác lần trước ánh mắt biết nói của cô bạn diễn xinh đẹp khiến tôi ở lại thì lần này những nấm mồ và ánh mắt đồng đội đã gắn bó sinh tử cùng nhau biết bao mùa mưa khô không cho phép tôi rời đi. Lại còn tình cảm sâu nặng với bà con trong ấp nữa. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ai cũng bỏ đi thì mảnh đất thân yêu đẫm máu này sẽ ra sao? Câu chuyện không còn là vấn đề danh dự, là lòng tự trọng nam nhi như lần đầu nữa mà sâu hơn, nó đã chuyển vào cái cõi sinh tử nặng tình nặng nghĩa mất rồi. Thôi thì đã dấn thân đến  tận giờ thì dấn cho trót, kể cả đổi bằng tính mạng. 
Và chính cái tình trận mạc thiêng liêng trộn thêm một chút kiêu hãnh, bất cần sản phẩm của những năm hiểm nghèo trần thân đánh giặc đó đã giúp tôi sáng hôm sau lại có câu trả lời không đến nỗi hụt hơi, tụt lưỡi như ngày nào mà ngược lại khá thanh thản: “Không!” 
Chỉ có điều trưa hôm đó trở về lán, soi mình xuống dòng suối trong vắt, tôi bỗng thấy mình đã có lam nham mấy nhúm tóc bạc, lần này thì bạc thật, bạc chỉ sau một đêm thôi  chứ không phải là “như” nữa.
Thế mới biết, trong chiến tranh cũng như trong đời thường, trong sáng tạo cũng như trong kinh tế, cuộc chiến đấu vượt qua chính cái bản thể phức tạp của mình để không gục ngã bao giờ cũng là cuộc chiến đấu… bạc đầu bạc tóc nhất.

(Nguồn: Văn nghệ số 5/2013)

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến