Xuân về tản mạn chuyện Hoa
Suốt cả năm tất bật với trăm ngàn thư cuộc đời. Tết đến, xuân về dành một thời khắc nói tản mạn chuyện hoa. Xin kính chúc quý bà con cùng gia đình được hưởng một mùa Xuân an vui và hạnh phúc.
Trên thế gian này không có một vấn đề gì được toàn thể nhân loại có chung một cái nhìn giống nhau, cũng chỉ một chuyện đó thôi nhưng người thì yêu kẻ ghét, kẻ bảo đúng người cho rằng sai, nhiều biểu tượng được dân tộc này cho là thiêng liêng nhưng dân tộc khác thì lại nghĩ là vật tầm thường.
Quả vậy, loài người có quá nhiều sự khác biệt để gây ra xung đột từ tôn giáo, chính thể, sắc tộc, sở hữu, v.v… nhưng cho dù khác biệt kiểu nào thì cũng đều gặp nhau ở điểm yêu Hoa. Lúc vui vẻ hạnh phúc cũng Hoa, lúc phân ly tử biệt cũng Hoa, khởi đầu hay kết thúc sự kiện cũng Hoa, năm mới hay tình mới cũng Hoa. Hoa luôn luôn có mặt trong những phút giây hạnh phúc, trang nghiêm và trọng đại của mọi dân tộc trên trái đất.
Sở dĩ Hoa có một chỗ đứng đặt biệt như vậy có lẽ do loài người đồng cảm chung nhau một cái nhìn tôn vinh và xẻ chia cái đẹp.
Chúng ta thử quán sát, một người đàn ông đứng nhìn chằm chằm một phụ nữ đẹp, tuy biện hộ rằng thưởng thức cái đẹp không có tội, nhưng trường hợp nhẹ chí ít cũng gặp rắc rối với vợ nhà, hoặc tệ hơn có khi bị u đầu mẻ trán vì gặp lúc chồng cô ta bắt gặp. Cũng cái nhìn như thế nhưng nếu bạn dành ánh mắt của mình cho Hoa của ông chủ ấy trồng nên, thì có khi còn được mời vào uống trà cùng thưởng lãm và đàm đạo về Hoa.
Hoa đẹp đã được người ta yêu, Hoa có hương càng được chuộng hơn, mặc dù Sắc và Hương là hai cảnh trong lục cảnh Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Giác mà Phật Giáo cố gắng không để bị nhiễm thành trần để gọi là lục trần nhưng Hoa Sen vẫn được Phật giáo xem như một biểu tượng của mình bởi chỉ trong một bông hoa thôi mà nó ẩn chứa cả quá khứ hoa đã nở, hiện tại khi đang ngự đài sen và vị lai vì có cả hạt sen tượng trưng cho sự tiếp nối, liên tục.
Nhân lan man đến chuyện hương hoa, xin chép lại đây một câu chuyện trong giai thoại văn học Việt nam có liên quan đến Hương của Hoa.
Chuyện kể rằng do để bụng việc cụ Nguyễn Khuyến đã phê hơi nặng tay, nghiêm khắc trong một lần chấm bài thi thơ mà Chu Mạnh Trinh quan Án Sát Hưng Yên, nhân ngày tết đã chơi xỏ cụ Tam Nguyên – Yên Đỗ bằng cách cho người đem biếu một chậu Hoa Trà
là loài hoa hữu sắc mà vô hương, do lúc đó cụ Nguyễn tuổi đã cao, mắt đã lòa không còn nhìn thấy. Cụ Nguyễn hiểu ý họ Chu có ý chơi xỏ lá mình nên đã làm một bài thơ gởi cho Chu Mạnh Trinh như sau:
Tết đến người cho một chậu trà,
Đương say ta chẳng biết là hoa.
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng bác đó a?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá,(1)
Gió to luống sợ lúc rơi già.(2)
Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hương thơm, một tiếng khà!
Hai câu này Cụ Nguyễn Khuyến dẫn từ hai câu thơ chữ Hán:
1) Tầm thường vi vũ kinh xuyên diệp (Mưa nhỏ suốt ngày có thể xuyên thủng lá.)
2) Tiêu sắt thời phong khủng lạc già (Gió mùa khô mạnh làm cho quả rụng mầm rơi.)
Thế mới biết, bản chất của Hoa luôn là đẹp, là trung tính, tùy người ta muốn gán cho nó ý nghĩa gì thì nó chịu như thế ấy, nhưng có khi cũng gây rắc rối khi chúng ta tặng hoa mà nhầm sự kiện như đem Hoa Thọ mà tặng người yêu thì chỉ có nước mất vợ mặc dù bông Hoa Thọ rất đẹp và rất thơm.
Cho dù là nói tản mạn, đàm đạo trong ngày Xuân nhàn rỗi, nhưng chắc chắn chúng ta không thể nào có đủ thời gian để bàn cho hết vẻ đẹp của các loài hoa, tuy thế nếu không nhắc đến Hoa Lan thì có lẽ là một thiếu sót, bởi không ai là không sững sờ trước vẻ đẹp dường như đã được Thượng đế chọn riêng một Họa sỹ thiên tài để vẽ nên loài hoa này. Còn nhớ cách đây khoảng hơn 30 năm tôi có đọc trong một cuốn sách của Thái Khắc Lễ nói rằng vào một đêm khuya năm 1948 Ông Nguyễn Khoa Huân (nguyên Trưởng ty Trước Bạ Huế) đã cầu cơ và vô tình gặp được linh hồn của Thi Sỹ Hàn Mặc Tử và được ông giáng bút cho một bài thơ tả Hoa Phong Lan như sau:
Trăng vừa lên, Phong lan trong bóng lá
Khẽ mỉm cười chào đón đêm pha lê,
Cánh phong lan sáng hơn ánh lưu ly,
Hào quang bật làm cho trăng sờ sững,
Phong lan là một trời đầy thơ mộng,
Đầy ảo huyền và đầy cả ước mơ,
Kết tinh bằng những giọt lệ tương tư
Của bao cuộc tình duyên thường lỡ dở
Bằng những hồn thủy tinh bao thiếu nữ
U uất dâng trong một buổi chiều tà.
Phong lan đây là chúa tể loài hoa
Nên hương thơm thâu góp niềm thương nhớ
Của thời nào xa xăm lắm: thời xưa,
Trộn trạo cùng lời than vãn ngất ngư
Của chinh phụ oán phòng không lạnh lẽo,
Cho nên chi mỗi khi làn gió héo
Kéo làn hương lê thê khắp không gian,
Thì ta nghe lời rên nhuốm miên man:
Đó thời xưa còn sót trong cánh gió…
Khẽ mỉm cười chào đón đêm pha lê,
Cánh phong lan sáng hơn ánh lưu ly,
Hào quang bật làm cho trăng sờ sững,
Phong lan là một trời đầy thơ mộng,
Đầy ảo huyền và đầy cả ước mơ,
Kết tinh bằng những giọt lệ tương tư
Của bao cuộc tình duyên thường lỡ dở
Bằng những hồn thủy tinh bao thiếu nữ
U uất dâng trong một buổi chiều tà.
Phong lan đây là chúa tể loài hoa
Nên hương thơm thâu góp niềm thương nhớ
Của thời nào xa xăm lắm: thời xưa,
Trộn trạo cùng lời than vãn ngất ngư
Của chinh phụ oán phòng không lạnh lẽo,
Cho nên chi mỗi khi làn gió héo
Kéo làn hương lê thê khắp không gian,
Thì ta nghe lời rên nhuốm miên man:
Đó thời xưa còn sót trong cánh gió…
Không biết câu chuyện cầu cơ thực hư thế nào và bài thơ có phải là bút thần của hồn Thi Sỹ giáng cho hay không, nhưng phải nói là ý thơ quá tuyệt, ca ngợi không quá lời vẻ đẹp của Phong Lan.
Để kết thúc bài này xin mời các bạn cùng thưởng thức những kiệt tác của Chúa qua dáng vẻ của Phong Lan để thấy đây là những bức họa dường như không phải từ sự ngẫu nhiên.
Kinh Vu (giacaphe.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét