Gió đồng rửa mặt tha hương Ta về quê chữa vết thương thị thành
Lương Tử Đức
Hồi trẻ, tôi ăn tết ở Hà Nội, bánh chưng mua, giò chả mua, xôi cúng giao thừa cũng mua nốt. Thấy cái gì cũng ê hề, chợt thương nhớ quê. Tôi từng viết: “Hà Nội bao nhiêu là to đẹp, nhưng không phải của mình, Hà Nội không phải là cái bánh chưng để tôi cắt lấy một góc mang về biếu quê.”
Lạ thật, dẫu biết chắc Hà Nội không thuộc về mình, mà vẫn khư khư bám níu. Vì ở đó có công ăn việc làm, cũng có rất nhiều cám dỗ và hứa hẹn, ví dụ như hứa hẹn cho giầu sang, cho vinh thăng để có thể ngẩng mặt với đời; đến khi mình không còn tin nữa thì lại đến lượt con rồi cháu mình, chúng nó lại tin, lại hăm hở. Nhưng cái vì sâu xa hơn nằm ở chỗ, văn minh đô thị nó có sức cám dỗ bí ẩn của riêng nó, như quầng sáng chói gắt hấp dẫn hết thảy những con thiêu thân. Xưa Nguyễn Bính viết:Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianhTôi đi gian díu với kinh thànhMấy năm mới rồi nghỉ hưu, tôi về quê ăn tết. Bỏ lại tất tần tật vàng son xanh đỏ tím vàng trắng của Hà Nội, bỏ lại cái quan hệ mua bán, các mối quan hệ công việc làm ăn kể luôn cả cái sự lộng lẫy chăng đèn kết hoa của nó, tôi dứt áo về quê.
Quê tôi nằm ven con sông Trà Lý, do nó và biển Đông vun sa bồi thành bãi. Hồi đầu thế kỷ XIX, quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ huy dân chúng quai đê lấn biển, cụ Lại Thế Nhang, người Kiến Xương, đưa anh em con cháu về khai khẩn trước, sau thì đến cụ tổ nhà tôi từ Giao Thủy Nam Định sang, cụ tổ họ Mai ở Tây Lương ra, cùng nhau lập nên làng Phụ Thành. Cụ Lại Thế Nhang sau được thờ làm Thành hoàng làng. Cho đến năm 1840, ba cụ Lại Đinh Mai bàn việc làm đình, cột gỗ, tường trình đất, mái lợp bổi. Đó là ngôi đình có sớm nhất quanh vùng. Cũng là nơi quan Dinh điền sứ lập hành dinh chỉ huy quai đê, đêm về tụ tập trai thanh gái lịch ra đình để quan dạy hát nói hát bội. Đó chính là cái nôi sinh thành ca cải lương của làng tôi. Khi tôi còn bé tí, đã nghe cải lương vọng cổ, cảm thấy rất rõ cái hồn làng của những cư dân phiêu tán, hoài nhớ quê xưa, hệt như Nam bộ bây giờ ai cũng thấy. Khoảng gần 100 năm sau, năm 1926 ngôi đình dột nát, vẫn các cụ Lại Đinh Mai bàn nhau xây đình tường gạch cột gỗ lim, ngói âm dương bề thế còn mãi đến hôm nay. Người Phụ Thành, ai có học hành đỗ đạt, đều phải coi ngôi đình là cái nôi vỡ lòng, ý thức rõ hơn một chút, sẽ thấy ngôi đình làng trên thực tế là một ngôi trường, một “nhà văn hóa” ươm mầm cho mọi khát vọng làm người, là nền tảng cho mọi nhân cách. Tôi từng đọc ở đây ở đó, những ngôi đình, thời hợp tác xã thường bị phá lấy gạch gỗ làm nhà kho, làm trụ sở; các ngôi miếu thì bị lấy làm kho chứa phân thuốc sâu. Làng tôi chưa bao giờ xẩy ra tệ nạn ấy. Tôi đoán, hình như có những câu chuyện rì tai nhau, rằng ở làng ấy làng nọ có anh hăng máu vịt leo lên nóc đình rỡ ngói, về nhà hộc máu tươi mà chết, nên những chùa chiền đình miếu làng tôi mới nguyên vẹn? Nhưng có lẽ lý cố vững vàng hơn, là làng tôi từ khi tôi biết làm người, đều do những người có ăn có học cầm nắm chính quyền. Ăn học ở đây tôi muốn nói là vừa có chữ, vừa biết trọng tình nghĩa láng giềng. Lạ lùng nhất là ông thủ nhang đình làng tôi bây giờ là một ông bí thư chi bộ. Tối ba mươi người làng tôi có lệ rủ nhau ra đình cùng đón giao thừa, ông bí thư chi bộ nấu nước pha trà, hỏi han công tác người ở xa về rồi hướng dẫn chúng tôi thắp hương, khấn thì khấn thế nào, chỉ nên cầu gì mà không nên cầu những cái quá to tát, thành hoàng không phù hộ nổi đâu. Khi pháo hoa trên ti vi nở bừng, là lúc chúng tôi ra về. Ai cũng xin lửa từ đình, người thì đốt trong cái bùi nhùi rơm, người thì một nén nhang vừa châm ở cây nến chúa. Đó là cách dân làng tôi xin lộc, lộc đình.
Chúng tôi, những kẻ đi ăn cơm góp thiên hạ học được một nếp hay. Ngày 27 tháng chạp, tôi cho mua con lợn 78 kg, lợn ăn cám gạo và bã rượu, cho lòng nó ngon; ông anh tôi bảo thế. Ông anh tôi trước khi chọc tiết, lấy nước mưa tắm rửa cho lợn, lại lấy chai rượu nặng rửa kỹ cổ nó. Tôi mời tất cả anh chị em con cháu trong họ và những ông bà láng giềng đến ăn lòng lợn tiết canh. Tôi nghiệm ra, cái khung cảnh gói bánh chưng, luộc bánh chưng bây giờ không hấp dẫn nổi bọn các cháu bé như hồi tôi còn bé. Nhưng bữa tất niên lòng lợn tiết canh thì bừng bừng khí thế. Có lẽ, cái hạnh phúc nho nhỏ tôi mới có được, là được ăn miếng ngon, cùng những người ruột thịt, mời ai cũng đến, không đến được thì cũng đến nói rõ lý do; đến được thì ngồi khoanh bằng tròn, chén rượu nhấc lên đặt xuống, tiết canh cả bát, nhìn miệng ai cũng ngon, nét mặt ai cũng bừng bừng sáng láng; tôi bất giác bụng bảo dạ cầu cho được khỏe mạnh mươi mười lăm năm nữa, để mỗi tết về mổ lợn ăn lòng sốt tiết canh cùng anh em con cháu và người làng. Rồi thì con cháu đứa nào việc nấy, đứa giã dò, đứa rửa lá chuối lá dong, giò luộc lên, mỗi nhà xách một khoang nọ một khoanh kia, râm ran hết cả chiều. Tôi ngủ một giấc dậy, vẫn thấy râm ran. Thì ra bọn trẻ chưa chịu về, chúng nó đang thổi bong bóng lợn để làm bóng đá chơi.
Tôi sắp vàng hương ra thăm mộ.
Một lần tôi đã viết về cái nghĩa trang làng tôi, nó nằm ở đạc mười; tức từ đình vào tròn 600 m nhưng là đường rất khó đi. Ngày tôi đưa mẹ, rồi đưa bố tôi ra đồng, phải vòng qua đường ruột xã, đến trước cửa chùa mới vòng trở lại. Ông chú họ tôi, ông Đinh Hữu Đài làm trưởng thôn khá lâu, đã làm được nhiều việc nhưng trước khi nhắm mắt còn nuối tiếc chưa lo xong con đường ra nghĩa trang. Bây giờ thì con đường đang hình thành, rộng 3 m, mới rải gạch đá xong, còn đợi để đổ bê tông xi măng cát vàng. Nghĩa trang! Thời xa xưa, nó được gọi tên chữ là nghĩa địa, gọi nôm na là bãi tha ma. Bây giờ các họ đua nhau xây lăng mộ tổ to đẹp, gọi là Nghĩa trang không còn thấy ngại ngần. Tôi thấy các nhà báo hay viết về việc này một cách không thiện cảm, nào con gà tức nhau tiếng gáy, bắt ép hối thúc nhau vay nợ mà đóng góp cho ông trưởng tộc. Làng tôi không thế, không ai hối thúc ai; ai công đức bao nhiêu là tùy tâm tùy tài, ai không có của thì góp công; họ tôi quy tập mộ, xây lăng, xây nhà thờ đều chỉ một chính sách ấy. Sau hỏi ra mới biết họ nào cũng thế cả. Một anh họ Lại đi làm ăn xa, thấy nói giàu có lắm, mua cúng vào nhà thờ họ Lại đôi hạc đồng giá cả trăm triệu. Tôi vừa thắp hương vừa ngẫm nghĩ, làng tôi được công nhận là Làng Văn hóa thật chính xác. Trọng lễ nghĩa tình thân, không trọng tiền. Mỗi lần khiêng người chết trồi lên trụt xuống, người người đều ước có con đường to sạch, vậy là bàn nhau góp công góp sức cùng làm. Bây giờ ô tô con về làng nhiều, ai ra thăm mộ bằng ô tô xin cứ việc. Nơi người chết nằm khang trang, thôi thì lúc sống đói ăn khát uống; con có thương mẹ nhưng con không có để chăm lo cho mẹ, thì giờ đây lo cho mẹ chỗ yên nghỉ đẹp đẽ thoáng mát, cũng là cái nghĩ của người biết ăn năn, chứ còn biết làm thế nào? Lại nghe các nơi kêu ca quan chức xã bây giờ hách xằng, hay tạ sự để ăn của đút, hay bàn bán đất để chấm mút v.v…mà thấy lạ. Quan chức làng tôi thưa gửi giữ gìn một phép. Gần 20 năm đã qua kể từ khi sự cố Thái Bình, những tưởng trên không còn ai dám chơi với Thái Bình, hóa ra đường làng ngõ xóm bây giờ khang trang hơn, cụm văn hóa xã, gồm trường học, trường mầm non, đài Tưởng niệm Liệt sỹ và thị tứ mở ra sầm uất. Dọc xã tôi có con mương lớn, mà dân làng vẫn gọi là sông, rộng có đến hơn 10 m, đào từ ngày phong trào thủy lợi Thái Bình cao nhất nước. Nó lấy nước từ sông Trà Lý và theo kênh thủy lợi từ huyện, miệt mài thau chua rửa mặn cho ruộng làng tôi hết thảy thành mật điền. Đấy cũng là con mương chúng tôi tắm mát suốt thời thơ ấu, tắm người rồi tắm cho trâu bò. Trên mới cho xã cái dự án kè hai bên bờ mương, nới rộng bờ bên Phụ Thành làm con đường chạy song song với đường ruột xã. Cũng trên con mương ấy, lớp lớp thanh niên làng tôi tập bơi chải, từng nhiều năm giật giải nhất Thái Bình, có năm nhất nước. Khi dự án này xong, và khi dự án nước sạch khởi công đã lâu mà xong, tôi nghĩ làng tôi sẽ thành một kiểu nông thôn mới.
Vâng, nông thôn mới đến đâu thì mới, vẫn cứ phải trọng tình hơn trọng tiền, vẫn cứ phải trọng tâm linh hơn sự phấn hứng sôi nổi và vẫn phải giữ cho được cái vẻ sạch xanh ngăn nắp của làng quê từ xa xưa. Trên cái nền ấy thì giàu có đến đâu, phát triển đến đâu cũng không thể trở thành ô trọc, thành ngột ngạt phố phường. Và tôi tin rằng, cơn sốt đô thị và công nghiệp hóa càng gắt gỏng hối thúc thì cái thanh bình tình nghĩa của làng quê sẽ càng là nơi con người khao khát tìm về, ít nhất chỉ là về ăn tết. Để tâm hồn đỡ day dứt, đỡ trơ trẽn hơn. Câu thơ của Lương Tử Đức chính là một dự cảm…
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét