Giám đốc Nguyễn Trọng Phú (chỉ tay) đang đang kiểm tra lắp máy tại tuyển Bắc Nhạc Sơn |
Ký của Công Thế
Hôm rồi, bạn
tôi Giám đốc nhà máy tuyển quặng Apatít Tằng Loỏng Nguyễn Trọng Phú gọi điện
nhã ý mới xuống thăm. Qua điện thoại nghe
giọng có vẻ phấn khích lắm. “ Ông xuống chơi đi, có nhiều cái chắc rằng ông sẽ
thích…” Còn bật mí:
“Chúng tôi mới hoàn thành một đề án tiền khả thi cấp nhà
nước. Đề tài này đã được hội đồng chấp nhận và đang được áp dụng thực tế triển
khai. Đây là thành tích chào mừng hai
mươi năm ngày thành lập nhà máy đấy…” Trời ạ! vui vẻ thế ai mà chả thích. Tôi
bấm bụng nghĩ: Ngoài “món” đó ra chắc
còn nhiều điều khác đang bí mật nên ông bạn cựu binh, kỹ sư tuyển sáng giá này
mới xăng xái cỡ thế. Tôi chợt nhớ.... Đúng rồi, nhanh thật!.. Thời gian thấm
thoát thoi đưa. vậy là chỉ còn một năm nữa là Nhà máy tuyển quặng Apatit Tằng
Loỏng Lào Cai đã bước vào tuổi đôi mươi xuân thì. Thế thì hà cớ gì mà không đến
với nhau nhỉ! Cũng là dịp thăm nhà máy xem có gì đang đổi thay nơi đây. Tức tốc
ngay ngày hôm sau tôi cùng tác giả “ Trăn trở hạt vàng nâu” Đức Thuân cùng tác
giả Miền quê ấm áp” Trịnh Bảng, đội gió rét, mưa phùn phi thẳng xuống Tằng
Loỏng thăm.
Thực tình tôi
cũng có ý định từ lâu xuống thăm bạn, nhưng rồi cứ nấn ná mãi. Và lần này cũng
như một cơ duyên với nhau. Nói đến nhà
máy tuyển Apatit Tằng Loỏng mà không nói đến anh thì hình như vẫn còn chưa đủ.
Bởi anh là người được ban giám đốc Công ty giao làm nhạc trưởng trong dàn hợp
xướng mà bản hùng ca ấy đã cất vang những khúc trầm hùng lan tỏa. Bởi anh như
một nhân chứng nếm trải những bước thăng trầm của nhà máy suốt hai mươi năm
qua. Là những người đầu trong ban chuẩn bị sản xuất của nhà máy. Nói tóm lại
cái chất xông xáo của người lính cộng với kiến thức hiểu biết rộng, giỏi nghiệp
vụ chuyên môn cùng với men say đam mê nghề đã tạo nên phẩm chất một nhà quản lý
Nguyễn Trọng Phú.
Nhà văn Đức Thuân, Trịnh Bảng cùng Phó phòng CNĐĐ dẫn thăm nhà máy
Tôi biết anh tình cờ trong buổi tiệc tùng nho
nhỏ bên cầu Cốc Lếu cách đây khoảng hơn chục năm. Trong khi trò chuyện cái thời
trận mạc thì mới nhận ra nhau, bạn lính từ thời là quân tình nguyện truy quét
tàn quân Khơ Me Đỏ tại tỉnh Kampongcham – Campuchia. Sau đấy chúng tôi mỗi
người mỗi ngả. Thế rồi ít năm sau nghe tin anh đã ngang dọc trên các tầu tuần
tiễu bảo vệ đảo Trường Sa. Rồi lại nghe anh tham gia nhiều trận chiến đấu oanh
liệt chống quân cướp đảo. Tôi mơ hồ bom đạn bề bề ác liệt như thế! Bọn hải tặc
thâm độc ác hiểm như thế! Sóng gió mênh mông mờ mịt tưởng người lính nhỏ bé ấy
đã vấp phải sóng dữ biển khơi. Nhưng không, từng ấy năm lăn lộn trận mạc anh
trở về vẹn nguyên không hề sứt mẻ. Chưa hết mùi khói đạn, không để thời gian
trôi đi hoài phí anh đã hăm hở sách bút, dùi mài kinh sử. Năm năm trên giảng
đường trường Đại học Mỏ - Địa chất đã cho anh một kho kiến thức ăm ắp và nuôi dưỡng
niềm đam mê góp sức nhỏ bé vào nghề biến tài nguyên khoáng sản thành nguyên
liệu quý phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Chính cái chất đam mê ấy hối
thúc, khi ra trường với tấm bằng đỏ, kỹ sư tuyển khoáng. Nguyễn Trong Phú hắng
hái khoác ba lô lên nhận công tác tại Công ty Apatit Việt Nam từ ngày ấy. Thú thực đối với
anh còn nhiều điều muốn nói nhưng có lẽ phải để vào một vào một chủ đề riêng.
*
*
*
Không hẳn ai cũng biết, cũng hiểu
về nguyên do hình thành và phát triển của nhà máy tuyển Apatits lớn nhất nước
này. Để bạn đọc mở rộng suy tưởng tôi xin có đôi đường manh mối sơ qua chút ít
về kho tài nguyên quý giá. Quặng Apatit Lào Cai là loại quặng thuộc thành hệ metan phosphorit (apatit-dolomit).
Có chứa thành phần lân P205 được sử dụng cho ngành công nghiệp sản xuất phân
bón. Về trữ lượng thành hệ Apatit-dolomit lớn nhất Đông Nam Á và là một trong
10 mỏ Apatit lớn của thế giới, chỉ sau các mỏ lớn đang được khai thác như ở
Nga, ở Mỹ, Ma rốc, Braxin, Trung Quốc... Mỏ được phân bố dọc theo bờ phải sông
Hồng thuộc địa phận Lào Cai. Có chiều dày thân quặng hơn 200m, rộng từ 1- 4km,
bắt đầu từ phía bắc thuộc huyện Bát Xát giáp biên giới Trung Quốc đến phía đông
nam thuộc xã Bảo Hà – Bảo Yên Lào Cai chạy dài hơn 100km. Tổng trữ lượng bể
quặng này theo khảo sát đánh giá đạt khoảng 2,55 tỷ tấn. Do hàm lượng quặng mỗi
một thân khác nhau, thành phần lý hóa cũng khác nhau nên được phân làm bốn
loại. Loại I có hàm lượng lân (P2o5) từ
28 – 40%; loại II; từ 18- 25 % ; Loại III từ 13 – 18% ; Loại IV Từ 8
-10%. Đương nhiên thường cái gì quý là hiếm, ở đây cũng vậy. Quặng loại một
theo kết quả khảo sát thăm dò địa chất đánh giá trữ lượng không vượt quá 31
triệu tấn trong khi đó còn lại chủ yếu là quặng loại II loại III. Mà như đã
biết hàm lượng quặng đưa vào tiêu thụ sản xuất phân bón phải đạt được hàm lượng
từ 30-33% P205, độ ẩm dưới 15%. Chính lẽ đó công nghệ tuyển khoáng làm giàu quặng
buộc phải ra đời. Để biến nguồn quặng nghèo loại II,III thành nguyên liệu hàm
lượng cao phục vụ cây trồng. Tôi nhận ra một điều là tất cả các loại khoáng sản
khi khai thác đưa lên đều bạc bẽo với đất có trả nghĩa cho đất thì cũng chỉ bèo
bọt. Và nhận ra rằng Apatits là loại quặng có nghĩa có tình nhất. Khai thác tài
nguyên từ lòng đất sau đó chế biến xong lại trả về làm giầu đất, một vòng quay
tuần hoàn hoán đổi hữu cơ đầy chất nhân văn.
Vận hành tại NM tuyển Tằng Loỏng
Nói đến phân lân thì người nông dân nào cũng
biết. Trong các loại phân tổng hợp phục vụ cây trồng thì càng không thể thiếu
thành phần lân. Đặc biệt các loại phân chất lượng cao như NPK. DAP...lại càng
không thể thiếu. Đối với nước ta là một nước nông nghiệp cây lúa củ khoai vẫn
là nguồn thu chính của hàng chục triệu nông dân. Chả thế mà năm 2012 Việt Nam
xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, cao su đứng hàng nhất nhì thế giới. Hàng năm
thu ngoại tệ về cho quốc gia hàng chục tỷ Đô La. Trong đó góp phần không nhỏ
của Apatit Lào Cai. Cũng như một nhiệm vụ cao cả trong việc bảo bảo an ninh
lương thực quốc gia, và còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Một
sứ mệnh thiêng liêng duy trì tồn vong sự sống.
Trở lại câu chuyện nhà máy tuyển. Những năm
đầu của thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Lúc ấy nước ta vừa thoát khỏi cuộc
chiến tranh và bắt tay vào xây dựng đất nước. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa
học chuyên gia Liên Xô thiết kế với các thiết bị công nghệ tuyển hiện đại do
viện công nghệ thiết kế mỏ Liên Xô giúp đỡ. Lúc bấy giờ dự án xây dựng nhà máy
tuyển Apatits Lài Cai là một dự án lớn trọng điểm của quốc gia. Có thể so sánh ngang
tầm với các công trình lớn lúc ấy như thủy điện Hòa Bình, Nhà máy giấy Bãi Bằng
Phú Thọ, nhiệt điện Phả Lại... Được sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung
tay giúp sức của Liên Xô, nhà máy được khởi công xây dựng vào năm 1980. Các
thiết bị máy móc hiện đại của bạn giúp ta đã gian nan vượt hàng vạn km trùng
dương hành quân đến Tằng Loỏng. Trong lúc tiến độ công trình đang thuận buồm
xuôi gió thì đến năm 1990 tình hình chính trị Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu
tan giã. Các chuyên gia Liên Xô về nước, công trình bị gián đoạn tưởng chừng
không vượt qua nổi. Song không chịu bó tay cam chịu. Bằng những lỗ lực và tinh
thần sáng tạo các kỹ sư và công nhân mỏ Lào Cai đã phát huy nội lực vượt qua
mọi khó khăn. Đến 26/9/1994 chính thức nhà máy được khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn I
với một dây chuyền. Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động là niềm vui phấn khởi cho
hàng nghìn cán bộ công nhân. Nó như đánh dấu sự thắng lợi và tin tưởng vào
trình độ bản lĩnh, tay nghề người thợ Việt Nam. Từ đó tạo ra một bước đệm nối
tiếp cho sự phát triển những năm sau. Từ thắng lợi ban đầu khiêm tốn ấy khẳng
định trình độ khoa học và tay nghề những người thợ mỏ Apatit đã tiếp cận và làm
chủ được công nghệ. Điều đó được minh chứng qua câu chuyện cảm động mà Giám đốc
Phú kể và cho xem tấm ảnh của người chủ công trình sư, ngài Mivlalốp đến thăm
nhà máy cách đây mấy năm. Là người đã từng gắn bó 10 năm chỉ huy xây dựng nhà
máy. Ông rất ngạc nhiên khi thấy ta vận hành nhà máy một cách hiệu quả cao và
đã thốt lên “ Tôi không thể tin các đồng chí có thể làm được như vậy...” Thất
đáng tự hào những người thợ làm chủ nhà máy hôm nay.
Hai mươi năm đối với một đời
người có thể là dài nhưng đối với sự phát triển một nhà máy mang tầm chiến lược
quốc gia thì vẫn chỉ là những bước đi đĩnh đạc ban đầu. Để có được những bước
đi đĩnh đạc đầy tự tin của chàng trai có sức vóc cường tráng, phơi phới tuổi 20
tuổi thật không hề đơn giản. Đó là cả một thiên trường gian khổ, luyện tập, thử
thách gian nan, mồ hôi công sức kể cả máu cho những bước đi chập chững ban đầu
của ngày mới thành lập. Trong đó không hiếm lần nếm mùi cay đắng của thất bại.
Cái gì cũng vậy “ Vạn sự khởi đầu nan” và càng đúng hơn với một nhà máy tuyển
khoáng có công nghệ tiên tiến phức tạp như Tuyển Apatit Tằng Loỏng lúc bấy
giời. Gian nan trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gian nan trong điều hành
quản lý, trong cả tầm nhìn, cách nghĩ… Ấy vậy mà khi các bạn chuyên gia Liên Xô
rút về thì chỉ sau một thời gian ngắn, bằng trí tuệ, kiến thức đã học hỏi, bằng
cần cù, sáng tạo thông minh các kỹ sư cán bộ kỹ thuật đã lắm bắt công nghệ
nghiên cứu cải tiến kỹ thuật đưa nhà máy đi vào hoạt động ngày một hiệu quả. Đến
nay trải qua hai mươi năm các thế hệ lớp đầu nhiều người đã nghỉ và chuyển giao
cho thế hệ con cháu thay cha anh đảm trách, tiếp tục phát huy truyền thống cha
anh. Sự chuyển giao một cách đầy trách nhiệm và có tính kế thừa ân nghĩa.
Nhìn lại hai
mươi năm trưởng thành và phát triển. Ôi chao mà dâng lên niềm hạnh phúc, cảm
phục. Chỉ cần điểm lại những con số biết nói đầy thuyết phục sau đây mới biết
được dáng vóc cường tráng của chàng trai tuổi đôi mười. Năm 1994 sau khi nhà máy
khánh thành đi vào hoạt động sản xuất được 9 nghìn tấn/ năm. Vài năm sau 1995,
1996. 1997 èo ọt chỉ nhích lên được ngưỡng 150 nghìn tấn/năm và chạy một dây
chuyền. Đến năm 1999 theo kế hoạch của dự án nhà máy tiếp tục triển khai giai
đoạn hai nâng công suất để đáp ứng như cầu thị trường. Giai đoạn này vô cùng khó
khăn vì các thiết bị vẫn chưa được cải tiến là mấy, năng xuất thấp tỷ lệ thu
hồi thấp, điện năng tiêu thụ cao. Và cũng chính thời điểm nay tính sáng tạo của
cán bộ công nhân đã phát huy tối đa “Cái khó đã ló cái khôn”. Một loạt các đề
tài cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng
từ đó năng xuất sản lượng ngày một tăng cao. Năm 2002 đạt ngưỡng 300
nghìn tấn, đến năm 2007 đạt 450 nghìn tấn và 2008 vượt lên con số 600 nghìn tấn.
Anh Phú tâm sự: “ Chính từ thực tế vận hành chúng tôi đã tìm ra được nhiều điểm
yếu cần cải tiến… Hàng năm hội đồng sáng kiến đã chấp nhận nhiều sáng kiến cải
tiến hợp lý hóa sản xuất. Mỗi năm các sáng kiến được đưa vào áp dụng làm lợi
cho công ty hàng chục tỷ đồng.” Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, từ năm 2009 quyết
tâm của lãnh đạo công ty, nhà máy tiến hành cải tạo nâng công suất giai đoạn ba
với ba dây chuyền chạy hết công suất thiết kế. Và đến hôm nay bước vào thềm
xuân mới năm 2013 tin vui làm nức lòng cán bộ công nhân. Sản lượng nhà máy đạt
hơn 850 nghìn tấn vượt 15% kế hoạch, tiêu thụ đạt hơn 900 nghìn tấn. Đây là năm
đầu tiên sản lượng đạt cao nhất chưa từng có trong hai mươi năm qua. Sản lượng
ngày càng tăng, số lao động giảm từ 600 lao động nay toàn bộ cán bộ công nhân
chỉ còn lại 430 người. Cùng với giảm tiêu hao vật tư, nhiên liệu, đặc biệt là
tiêu hao điện năng từ 238kw giờ/tấn xuống còn 95kwgiờ /tấn sản phẩm. Đây là một
khâu quan trọng góp phần vào việc hạ giá thành sản phẩm từ đó tăng cao doanh
thu và lợi nhuận. Thu nhập người lao động tăng theo hàng năm, đời sống người
lao động được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trở lại câu
chuyện ban đâu về đề tài khoa học cấp nhà nước mà Nguyễn Trọng Phú khoe với tôi
hôm trước. Đây là một đề tài có tầm quan trọng tạo ra hướng mở để đưa tiềm năng
quặng loại II vào sử dụng. Đề tài đã được phối hợp giữa Viện hóa học công
nghiệp Việt Nam , Trường Đại
học Mỏ -Địa chất, Công ty Apatit Việt Nam . Nguyễn Trọng Phú thành viên
trong nhóm đề tài cho biết: Kết quả của đề tài đã được hội thảo khoa học tại
Hải Phòng với nhiều chuyên gia đầu ngành đánh giá rất cao. Thực tế đề tài đã
được đưa vào chạy thử tuyển bán công nghiệp và tuyển công nghiệp tại nhà máy tuyển
Cam Đường bằng nguyên liệu quặng II đã thu được kết quả tốt, khẳng định sử dụng
thuốc tuyển do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam chế
tạo để tuyển quặng apatit loại II Lào Cai tỷ lệ thu hồi cao. Đây là một đề tài
khả thi sẽ mở ra một hướng đi mới trong công tác khai thác và chế biến quặng
apatit tại Lào Cai. Theo dự kiến năm tới sẽ triển khai xây dựng dự án nhà máy
tuyển quặng II tại trung tâm khu mỏ Cam Đường
với công suất 800 nghìn tấn/năm. Chắc chắn dự án này ra đời sẽ có hứa hẹn đem
lại lợi ích rất lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về xã hội.
Ngày đầu năm đi giữa không gian tươi
xanh của khuôn viên nhà máy tôi ngỡ ngàng như đi trên công viên. Từng ô, thửa
cây cảnh vuông vắn đẹp mắt. Sự bố trí không gian hài hòa, đặc biệt là màu xanh
tươi mát đã tạo cho cảm giác gần gũi lắng dịu cùng thiên nhiên. Hai mươi năm
đang tuổi xuân thì Nhà máy tuyển Apatits Tằng Loỏng sẽ còn nhiều hữa hẹn vươn
vai chung sức với sự phát triển công nghiệp Lào Cai mà vẫn luôn tự hào là cánh
chim đầu đàn của ngành công nghiệp tuyển khoáng Việt Nam .
Tằng Loỏng – Lào Cai 12/2012
C.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét