Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Mùa ban nở




Dương Hiền Nga
Gió mùa đông bắc lang thang trên khắp các sườn núi, tràn xuống thung lũng, bản mường, mang theo cái hanh hao lạnh giá. Sương giăng khắp nơi như voan mỏng choàng hờ lên cảnh vật. Chim én đậu từng hàng trên dây điện như những nốt nhạc trên dòng nhạc ai vừa kẻ lên trời xanh. Rồi én tạm biệt quê hương bay về phương nam xa sôi tránh rét. Nhìn cánh én bay tới nơi cuối trời, ta bâng
khuâng tự hỏi: “Én ơi, bao giờ én trở về?” Én đã bay xa còn gửi lời qua mây gió: “Khi hoa ban nở én sẽ trở về!” Đàn én mải miết bay về nơi rực rỡ ánh mặt trời ấm áp, kênh rạch đồng bưng đầy hoa trái cá tôm nhưng lòng én vẫn thầm đợi, thầm hẹn ngày ban nở sẽ trở về quê hương xây tổ ấm.
Đất trời Tây Bắc đã vào đông. Núi rừng xanh ngăn ngắt, mây trắng bồng bềnh phiêu lãng từ núi này sang núi kia vô định. Cánh đồng Mường Lò, Mường Thanh… xanh biếc lúa ngô… nhưng mầu xanh không hồn nhiên rạo rực như mùa xuân, mà ấp ủ dồn nén một năng lượng diệu kỳ. Dòng suối Thia, suối Nung, Nậm Na, Nậm Rốm… không ồn ào sục sôi mà xanh trong mềm mại như dải lụa hiền, tất cả trầm lắng tư lự như chờ đợi điều gì. Phải rồi, cả chim én bay xa, cả núi rừng, dòng suối, đất trời Tây Bắc đang đợi – đợi mùa ban nở?
Lên Tây Bắc bạn sẽ thấy ban mọc khắp nơi, từ núi cao đồi thấp, ban góp vào mầu xanh đại ngàn. Hai bên đường quốc lộ ban đứng đó như chờ như đón, như tiễn bao kẻ đến người đi. Trong khuôn viên cơ quan, trường học trong khu di tích lịch sử, trong nghĩa trang, ban như người bạn, người đồng nghiệp, tri kỷ tri âm của bao tâm hồn. Bên hiên nhà sàn hay ven suối, ban làm duyên với cảnh vật thêm tươi.
Ơi loài cây bình dị gắn bó với người Tây Bắc từ bao đời! Người Tây Bắc yêu ban bởi ban là hoá thân của người, là biểu tượng của tình yêu trắng trong chung thuỷ, ban là nỗi niềm thương cảm, khâm phục và xót xa lưu truyền từ bao đời. Chuyện xưa kể rằng: “Ở bản Thái nọ có chàng trai tên là Khôm (đắng) yêu cô gái con nhà tạo tên là Bók Ban (hoa Ban). Tạo bản nổi giận ngăn cấm, định bắt nàng Ban về làm người hầu, nhưng hai người đã hẹn thề cùng chung bếp lửa, không thể thiếu nhau được nữa. Một đêm hai người rủ nhau trốn, quyết bảo vệ mối tình trong trắng. Ngờ đâu quân lính của Tạo đuổi kịp, đường cùng hai người nắm tay nhau nhảy xuống vực. Từ nấm mộ chung của hai người ít lâu sau mọc lên một cây (mạy), măng của nó có vị đắng, người Thái gọi là “nó Khôm” – măng đắng. Bên cạnh cây măng đắng chợt hiện một cây cành lá xum xuê, đặc biệt chiếc lá nào cũng như hai nửa hình tim ghép lại. Cuối đông cây trút lá nở hoa trắng muốt. Bà con nhớ nàng Ban gọi là cây Bióoc Ban (hoa Ban). Dân bản lấy măng đắng ngâm với nước hoa ban thấy không đắng lại có vị chua ngon dễ chịu. Ai cũng nghĩ đó là ứng nghiệm của mối tình chung thuỷ và từ đấy món hoa ban không thể thiếu trong hội xuân, ngày cưới “.
Đây chỉ một trong nhiều câu chuyện tình đặc sắc về hoa ban lưu truyền ở Tây Bắc. Câu chuyện nào cũng thấm đẫm tình người, tình đời để lòng người hậu thế còn âm vang bao giai điệu bất hủ: “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở/ Không tính ngày ban tàn/ Mãi mãi như mùa ban đầu, ta hẹn thề đôi lứa” (Tình ca Thái).
Hoa ban Tây Bắc trở thành loài hoa của tình yêu chung thuỷ, của khát vọng tự do hạnh phúc. Hoa là ước mơ trường tồn của thiên nhiên vĩnh hằng và tâm hồn trẻ mãi không già. Người Tây Bắc dù sống ở đâu cũng coi hoa ban là loài hoa đẹp nhất, đáng yêu, đáng quý nhất. Người Mông sống trên các triền núi cao Tây Bắc gọi hoa ban là: “Pà lầu”, tức là người già thấy hoa ban nở thấy lòng trẻ lại… Một người Thái Tây Bắc lưu lạc xa quê từ thời Pháp thuộc, khao khát mãi mà đến tuổi “xưa nay hiếm” mới thực hiện được chuyến hồi hương về cội vào đúng mùa ban nở. Bao mùa xuân ở xứ người ngắm muôn hoa đua nở mà vẫn thấy trong lòng thiếu vắng cánh ban thân thiết của quê nhà. Ra đi từ lúc tóc còn xanh, trở về khi mái đầu bạc trắng, mang theo tâm sự như của nhà thơ Hạ Tri Chương đời Đường, xa quê hơn nửa thế kỷ mới có dịp quay về: “Trẻ đi, già trở lại nhà/ Giọng quê không đổi sương pha mái đầu” (Hồi hương ngẫu thư) nên ông đã chọn ngày hồi hương đúng mùa ban nở. Cả rừng ban trắng rưng rưng trước gió xuân đợi đón người con xa quê, lòng ông ấm áp hơn cả thi sĩ họ Hạ năm nao, được thấm vào lòng điệu xoè, câu khắp, tiếng khèn, tiếng pí của quê hương xứ sở, được thưởng thức những món ăn dân dã chế biến từ hoa ban mà thấy lòng mình như trẻ lại tuổi đôi mươi, trái tim bồi hồi nhớ ánh mắt nồng nàn của cô gái bản xinh đẹp năm xưa hò hẹn dưới rừng ban thơm ngát, lòng bỗng ngân nga câu khắp giao duyên: “Hoa ban nở khi xuân về /Tình ta đẹp như hoa ban/ Dài như đời hoa thơm ngát/ Hỡi người ta yêu” (Tình ca Thái).
Bây giờ trai bản, gái mường đi làm ăn nơi xa, mùa xuân đến nhìn hoa táo, hoa anh đào xứ người mà chạnh lòng nhớ quê hương xứ sở. Cuộc mưu sinh bộn bề gấp gáp nhưng trong những cánh thư từ Hồng Công, Hàn Quốc xa xôi vẫn không quên hỏi: “Hoa ban quê mình đã nở chưa?”. Thế mới biết ai cũng chờ cũng đợi hoa ban nở để cảm nhận vẻ đẹp thánh thiện của hoa ban. Ban chính là hiện thân của mối tình quê hương sâu nặng?. Ta còn có thể lắng nghe trong gió xuân thầm thì một giai thoại khác về hoa ban: “Ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Chàng trai nhà nghèo, Cô gái con nhà Tạo giàu sang nên bị cấm. Hai người rủ nhau trốn chạy. Họ đi mãi, đói khát mệt lả, gục xuống một gốc cây, cây động lòng rùng mình trút lá, nở bừng muôn hoa trắng muốt thoảng hương. Hoa giục nhau chín nhanh rồi rụng xuống, hai người ăn thấy bùi thơm ngọt mát, họ hồi sinh và sống mãi trong tình yêu”. Bởi vậy cuối đông là ban trút lá, chỉ còn lại trơ cành khẳng khiu trong sương gió, đó chính là lúc ban căng tràn sự sống trong từng tế bào. Khi mưa xuân lắc rắc, ban đồng loạt bừng nở muôn hoa. Hoa trắng tinh khôi cả triền núi sườn đồi đẹp mê hồn. Gió xuân nhẹ thổi, cả rừng ban như ngàn vạn con bướm trắng dập dờn trong vũ điệu xuân, khơi gợi bao nét nhạc ý thơ. Đứng trước rừng hoa ban, dù ta mới hoa niên hay đã trung niên, lòng không khỏi xúc động chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ban mà hướng thiện, hướng mỹ, mà nghĩ tới những điều tốt đẹp đang đợi của cuộc sống.
Và như cuộc hò hẹn tự bao đời, én bỗng chao cánh đầy trời dệt những ngày xuân Tây Bắc, én đã đợi ngày ban nở để trở về quê hương xây tổ ấm, cuộc sống cứ tiếp nối sinh sôi. Mùa ban nở là mùa hội xoè, mùa tung còn trao duyên, cũng đồng nghĩa là mùa tình yêu, mùa hạnh phúc của Tây Bắc. Mỗi nhành ban trắng là một bức thư tình chung thuỷ. Cả rừng ban trắng đang gửi một thông điệp : Ôi cuộc sống mến yêu! Và ta đã không uổng công đợi mùa ban nở.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến