Hà Nam quê mẹ nơi mình sinh ra lớn lên chỉ cách nhà cụ Nguyễn hai cánh đồng. Bài nay có từ năm ngoái đợt mình về quê đã in trên Tạp chí PanXiPăng 2010.
Thăm từ đường cụ Tam Nguyên Yên Đổ
Ký của Công Thế
Thăm từ đường cụ Tam Nguyên Yên Đổ
Ký của Công Thế
Tôi nhè nhẹ bước dọc bờ dậu trúc và dãy tre xanh đang rủ mình soi bóng “ao thu”. Cố ghìm ghịp nhịp thở, lắng nghe tiếng chim hót ríu ran gọi nhau trong mùa xây tổ. Khóm hoa dành dành nở trắng bờ ao thoang thoảng dâng hương giữa hân hoan trời đất chuyển mùa.
Tháng ba lúa xuân đang kỳ con gái, mướt xanh trên đồng. Nắng đầu hạ đã trải vàng như bừng thức hoa lá cỏ cây. Thấp thoáng mấy chùm phượng vĩ đã lập loè đơm lửa. Đi trong cái rạo rực của trời đất chuyển mùa, như giục dã bước chân du khách. Trên đường cố hương ấy lẫn cùng vào những du khách, chúng tôi những người con quê hương Hà Nam tha hương lên vùng biên viễn Lào Cai nay có dịp về thăm quê. Và cũng không quên tìm về làng Vị Hạ ( còn gọi là làng Và) xã Yên đổ thành kính thắp nén hương thơm trước từ đường nhà thi sĩ tài danh, nhà đại khoa bảng Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.
Như bao người con đất Việt, từ những người từng sống trong chế độ đô hộ của thực dân Pháp cho đên các em học sinh đang cắp sách đên trường, qua trang sách qua bài giảng của thầy, đã biết đã khâm phục tài danh của cụ, người đã từng thi đỗ đầu ba kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Được vua Tự Đức ban bảng vàng cờ hiệu và hai chữ Tam Nguyên. Tài năng lừng lẫy một thời. Nhưng cái để lại cho muôn đời của cụ là thơ văn. Sau khi từ quan về sống ẩn tại quê, cũng từ mảnh đất vườn Bùi nơi đồng chiêm trũng này nhà thơ đã để lại nhiều tác phẩm kiệt tác cho nền văn học Việt Nam . Điển hình là ba bài thơ thu “ Thu Vịnh, Thu Điếu , Thu Ẩm ” đã tạo nên sắc thái riêng mà mỗi khi nhắc đến, ai cũng biết đó là thơ Tam nguyên Yên Đổ. Những tác phẩm đó trở thành những hạt Ngọc Châu của thơ ca Việt Nam cận đại “ Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào”…(Thu Vịnh) … Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt / ngõ trúc quanh co khách vắng teo”…(Thu Điếu.) “ Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh ánh trăng loe…Năm gian nhà cỏ thấp le te /Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” …(Thu Ẩm.. Và đâu chỉ có thế những bài thơ trào phúng, châm biếm, mỉa mai, cái trái tai, gai mắt thời chế độ phong kiến, mà tính khí ấy không phải ai và thời nào cũng dám làm, dám nói “…Nghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi…” (Vịnh tiến sĩ giấy). Nhà thơ còn tự giễu cả mình, đem cái lỗi thời của mình ra “ nhạo báng” thì thật là quá hiếm. “ Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ / Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.( Tự trào).
Đường đến thăm từ đường nhà thơ cũng không mấy khó khăn. Qua cầu Sắt, đường “cái quan” trên quốc lộ 21 từ Thành phố Phủ Lý đi Nam Định qua km 16 rẽ trái, chỉ cần ngoặt ba ngoặt là đã đi tới cái cổng xây có cửa vào cuốn vòm tò vò, đó là khu di tích lịch sử văn hóa từ đường nhà thơ. Con đường làng được tráng bê tông xe bốn bánh ra vào thỏa mái, thoáng đãng, sạch đẹp. Làng quê qua mấy chục năm đổi mới, cuộc sống đã đổi thay nhiều, nhà cửa hai ba tầng mọc lên san sát. Riêng ngõ vào nhà cụ, không còn “quanh co” và mới được tân trang lát gạch nghiêng theo lối cổ, rộng rãi, thông thoáng, ven dậu chỉ còn ít khóm trúc phất phơ như để tô điểm quá khứ. Khách thập phương ra vào tấp lập khác xa với cảnh “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Thời cụ.
Khu di tích từ đường nhà thơ với diên tích chín sào tư nằm trên khuôn viên điền thổ tư gia nhà thơ được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa . Cái cổng tò vò dạng cổng xây mang mo típ kiến trúc cổ phổ biến ở đồng bằng bắc bộ từ những thế kỷ trước. Khu di tích từ đường vẫn còn khá nguyên vẹn. Cổng cao chừng hơn 3m, cửa vào cao 1,9m hai bên xây hai trụ to có hai hàng câu đối chữ Hán. Theo nhà nho học Phạm Công Nghiệp cho biết do con cháu tô sửa lại chữ nghĩa có sai lệch đôi nét nhưng vẫn dịch và hiểu được. Phía trên có hình tròn lồng âm dương và ba chữ Hán đắp nổi chạy ngang: Môn Tử Môn dịch là “cửa vào ra của học trò” điều đó nói nên vị trí chủ nhân của ngôi nhà. các con sơn đấu trụ được đắp cầu kỳ bằng vữa làm cho mặt trước đẹp sinh động.
Nhà bái đường trong khu di tích từ đường trước cửa là hai cây nhãn cổ giống Tiến Vua
Nhà bái đường trong khu di tích từ đường trước cửa là hai cây nhãn cổ giống Tiến Vua
Thật may mắn cho chúng tôi hôm đến thăm được chính cháu nội đời thứ năm nhà thơ - Ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp đón qua giới thiệu, nhìn, nghe cách ông hướng dẫn nói chuyện từng chi tiết trong khu di tích, Thấy ông là người nho nhã. Ở vào tuổi thất thập nhưng còn nhanh nhẹn, tinh thông, am hiểu, nho giáo lắm. Đúng là giọt máu hồng họ Nguyễn vẫn không ngừng tuôn chảy tiếp nối. Hiện ông vẫn làm nhiệm vụ sạch cỏ, đỏ đèn để đón khách bốn phương yêu thơ về viếng thăm, chiêm bái một tài năng của dân tộc.
Tác giả trao đổi cùng ông Nguyễn Thanh Tùng hậu duệ đời thứ năm Cụ Nguyễn
Khu di tích gồm có hai dãy nhà chính xây theo hình chữ nhị nhìn từ trên xuống và một dãy nhà ngang dành cho sinh hoạt. Dãy nhà phía trước là nhà tế đường có 7 gian. Khi nhà thơ cáo quan về quê dựng bằng tranh nứa, đã bị con cháu dỡ bán đi cách đây hơn 80 năm. Sau đó ông Hàn Đạm cháu nội nhà thơ con trai thứ hai của phó bảng Nguyễn Hoan cho dựng lại trên nền nhà cũ, lợp tranh nhưng rồi do túng bấn chính ông lại đem dỡ bán. Mãi đến sau nay mới được đầu tư, tu sửa khang trang như ngày nay. Ba gian giữa để tiếp khách và làm nơi hội họp, trưng bầy các hiện vật, hình ảnh hoạt động sinh thời của nhà thơ. Mỗi gian có bốn cánh cửa gỗ bức bàn thông với dãy cửa phía sau. Hai đầu hồi được ngăn ra bằng gỗ để làm nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương. Ngôi nhà này làm theo kiểu vi kèo giá chiêng, mái lợp ngói nam, điêu khắc mang phong cách thời Nguyễn. Qua một sân gạch nhỏ là dãy nhà thứ hai gồm 3 gian. Ngôi nhà này là nơi thờ nhà thơ. chính nơi đây nhà thơ đã trút hơi thở cuối cùng đi vào cõi hư vô cách nay 100 năm. Nhà xây nối cổ gồm ba gian, bốn hàng cột, kiểu giá chiêng chồng rường. Ngoài một số trạm khắc hình lá lật, một vài chữ triện, kỹ thuật ở đây chủ yếu là ghép mộng, ngang bằng sổ ngay dứt khoát, kết cấu với nhau chặt chẽ. Phía trước hàng cột con, mỗi cột mang một câu đối khắc trực tiếp vào cột. Trên chính gian giữa ban thờ, trong khám đặt trang trọng tấm ảnh của cụ đầu đội khăn lượt áo dài, tay nâng chén rượu hạt mít. Tấm ảnh này chụp cụ lúc sinh thời. Ngay lúc xem ảnh mình, cụ đã có bài “đề ảnh” và đặt câu hỏi: “Trăm chén hình ta xin tặng ảnh ta / Nghìn năm sau ta sẽ là ai…” Và giờ đây con cháu cũng xin thưa với cụ, đã đến trăm năm có lẻ và có lẽ nghìn năm sau thì tiếng vang thơ ca của Tam Nguyên Yên Đổ vẫn là hào quang không phai nhạt trên văn đàn thi ca Việt Nam . Tên của cụ đã hóa vào tên những đường phố hiện đại, tên nhiều mái trường khang trang trên các miền của đât nước.
Cũng tại căn nhà này sau khám thờ vẫn còn hai hòm sách và một ống quyển lưu giữ văn bài mà thời nhà thơ đi kinh kỳ thi. Sau khoa thi Tân Mùi (1871) đỗ đầu cả ba kỳ triều đình đã ban cho bảng vàng ( Ấn tứ vinh quy) bằng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hiện nay hai bảng vua ban được để trang trọng hai bên nơi bàn thờ sau đôi câu đối lòng máng làm từ thân cây dừa già do tổng đốc Ninh Thái tặng năm 1872. Gian bên một bức tượng chân dung toàn thân, cao hơn hai mét, trang trọng trên bục cao. Đầu vấn khăn, tay chống gậy dáng vẻ thanh thoát. Phía trong có kê bộ sập gụ, hiện vật gắn bó với cuộc đời nhà thơ cho đến khi trái tim ngừng đập.
Trong hương khói ngạt ngào và mùi thơm lan tỏa man mát từ các loại hoa trong vườn nhà, chúng tôi thành kính dâng nhang trước ban thờ cụ. Trong khói hương mờ ảo, như phảng phất đó đây hình bóng của cụ, nụ cười mãn nguyện về một đất nước thanh bình, tươi đẹp và sự tiếp nối của thế hệ hôm nay. Ngoài kia trong tư điền thổ vườn Bùi, cây trái bốn mùa vẫn xum xuê đơm hoa kết quả, chim hót líu lo. Năm sào ao Thu dường như có cạn hơn thời xưa, đàn cá vẫn nhao đớp mồi xao động mặt nước lăn tăn, có khác chăng đám lục bình không bồng bềnh nổi trôi như kiếp phù sinh nhân thế. Nhìn đàn cò trắng trên ngọn tre thản nhiên đứng rỉa lông, râm ran câu chuyện linh nghiệm về vùng đất lành . Bên bờ ao nơi cụ “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được” chính quyền và nhân dân huyện Bình Lục đã dựng một bia đá trang trọng, trên bia có khắc bài thơ tuyệt tác Thu Điếu bằng ba ngôn ngữ Việt, Hán, Anh. Ao thu được tôn tạo, cảnh quan vườn Bùi từng bước được phục hồi. Những việc làm đó như sự tri ân với một thi nhân tài danh yêu nước, thương dân. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng kể lại: không chỉ có tài thơ phú, cụ Nguyễn còn là người rất thông hiểu thiên văn, địa lý, phong thủy được cụ luôn tôn trọng tin dùng vào chính nơi ở như cổng vào, vườn ao, khoảng sân… để có một không gian thoáng đãng tĩnh mịch, hài hòa với thiên nhiên đã toát lên cốt cách thanh tao của một nhà đại khoa là những minh chứng. Ông còn cho biết câu chuyện phảng phất chút huyền bí về chuyện cụ chọn chỗ ở cho mình trước lúc “đi xa”. Trên núi Phương Nhi thuộc xóm Son, thôn Ngô Xá, Yên Lợi, Ý Yên, Nam Định cách quê gần hai mươi cây số. “ Đào xuống khi nào thấy đất sét trắng thì hạ” ( Lời cụ dăn). Còn chi tiết rất thú vị nữa thể hiện tài văn chương chữ nghĩa của cụ Tam Nguyên. Bằng đôi câu đối độc đáo, tài tình dễ nhớ, dễ thuộc, để đời đời con cháu có loạn ly qua nhiều đời cũng vẫn nhớ cội nguồn, nhớ về nơi an nghỉ của cụ mà thăm viếng, khói hương: “ Đi chợ già qua làng An Lão/ Dắt lũ trẻ lên núi Phương Nhi ”. Đã thể hiện rõ ràng về đường đi, lối lại, vị trí mộ phần, còn thể hiện lối chơi chữ tài hoa, những vế đối rất chỉnh giữa; đi - dắt, già - trẻ, qua - lên, An Lão - Phương Nhi, thật tài tình.
Tôi nhẹ nhẹ bước dọc bờ dậu trúc và dãy tre xanh đang rủ mình soi bóng “Ao thu”. Cố ghìm ghịp nhịp thở, lắng nghe tiếng chim hót ríu ran gọi nhau trong mùa xây tổ. Khóm hoa dành dành nở trắng ven ao, thoang thoảng dâng hương giữa sự hân hoan của trời đất chuyển mùa.
Một lần thăm quê. C.T
1 nhận xét:
chị sẽ về thăm cụ. Nhất định thế
em vào đây xem lời giới thiệu về chị
http://thoduongdatviet.com/126/nws/tac-gia-va-tac-pham.aspx
Đăng nhận xét