Thiếu và thừa
Chuyện cười ra nước mắt vừa xảy ra ở tỉnh Phú Thọ: trong số 215 hồ sơ đăng ký dự xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) năm học 2011, có 12 hồ sơ đã bị hội đồng xét tuyển loại thẳng thừng dù có số điểm rất cao. Lý do thật đơn giản, giấy khám sức khỏe của 12 nữ thí sinh này thiếu chỉ số đo vòng 1, dù Bệnh viện Đa khoa Tân Sơn xác nhận: “Đủ điều kiện sức khỏe để tham gia học tập công tác”.
Ông Bùi Văn Huấn – phó chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, chủ tịch hội đồng xét tuyển – khẳng định: “Dù 12 thí sinh có điểm xét tuyển cao vượt trội so với các thí sinh còn lại nhưng vẫn bị loại vì giấy khám sức khỏe không hợp lệ. Cụ thể giấy khám sức khỏe thiếu chỉ số về thể lực, và lỗi này do bên ngành y tế”. ( Theo báo Tuổi trẻ). Chỉ số về thể lực mà ông Bùi Văn Huấn ở đây là chỉ số vòng 1, không ai hiểu vì sao phiếu khám sức khỏe thiếu chỉ số này lại bị coi là không hợp lệ. Không lẽ giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp sau khi đã khám sức khỏe là bất hợp lệ ư?
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Sơn cho biết: “Giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp hoàn toàn hợp pháp. Còn nhà tuyển dụng căn cứ vào tiêu chí nào, lấy chỉ số đo vòng 1 ra làm sao, thật sự bệnh viện chưa được biết.” Thì ra vì bệnh viện không lấy ( hoặc quên ghi) số đo vòng 1 lập tức bị các nhà tuyển dụng cho là bất hợp lệ, thật nực cười. Bây giờ mới biết đối với giáo dục mầm non huyện Tân Sơn thì số đo vòng 1 còn quan trọng hơn cả điểm xét tuyển, vì thế mà mặc dù 12 thí sinh có “ điểm xét tuyển vượt trội” vẫn bị loại vì thiếu chứng chỉ về số đo vòng 1.
Nếu đúng vậy tại sao không tổ chức thi số đo vòng 1 trước khi kiểm tra chất lượng chuyên môn? Tại sao không buộc thí sinh nộp chứng chỉ số đo vòng 1 trước khi thi xét tuyển? Tại sao trong thể lệ xét tuyển không thông báo ngay giáo dục mầm non huyện Tân Sơn không tuyển dụng các cô ngực lép?
Chợt nhớ năm 2001, Bộ Y tế đã ban hành bản “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”, trong đó có quy định: Người điều khiển các loại xe máy chuyên dùng, máy thi công đường bộ hoặc có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ, xe ôtô… phải đảm bảo các chỉ số vòng ngực không dưới 72cm… đã gây một trận cười vỡ bụng trong thiên hạ. Đến nỗi một bác sĩ trưởng khoa lồng ngực đã nhắc nhở Bộ như nhắc nhở học sinh tiểu học: “. Có nhiều người lồng ngực rất tốt nhưng lại mắc bệnh phổi thì không thể bằng một anh lồng ngực… không đủ 72cm.”
Trở lại số đo vòng 1 kì khôi ở trên. Tất nhiên ngành giáo dục mầm non nước nhà không bao giờ loại bỏ những cô giáo mầm non ngực lép. Nhưng nếu huyện Tân Sơn vẫn một mực cho rằng ngực lép rất nguy hiểm đối với nghề nuôi dạy trẻ, tại sao khi thấy phiếu khám sức khỏe thiếu số đo “trọng đại” này, nhà tuyển dụng không yêu cầu bệnh viện bổ sung mà ngang nhiên loại bỏ các thí sinh? Không lẽ việc yêu cầu bệnh viện bổ sung số đo vòng 1 vào phiếu khám sức khỏe là quá khó và không thể?
Cho hay ở đời hễ thiếu cái này lập tức tòi ra thừa cái khác. Rất có thể từ thiếu số đo vòng 1 người ta dễ dàng nhận ra sự thừa này: Thừa quan liêu, thừa tắc trách và thừa các mánh khóe để loại bỏ những người tử tế. Chuyện này không phải bây giờ mới biết, cũng không phải chỉ ở huyện Tân Sơn mới có. Nó có từ lâu và ở khắp nơi. Buồn thay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét