Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

ký sự Dưới noc nha đông dương

Trên đèo Khau Co
                                                                            
ký sự của Công Thế
          Trong những lần đi điền dã, tôi thấy thú vị nhất vẫn là chuyến đi vòng quanh nóc nhà Đông Dương, chuyến đi này tôi khám phá và hiểu biết nhiều điều hơn tôi tưởng. Các vùng đất, cuộc sống, các bản làng và phong tục tập quán của các tộc người cùng cảnh sắc thiên nhiên dưới chân nóc nhà mang nhiều huyền thoại này còn bao điều mới lạ, kỳ bí. Như cho tôi đi ngược về cội nguồn văn hoá bản địa, ở đó tất cả là một bảo tàng sống thuộc nhều lĩnh vực khác nhau tuỳ theo sở thích phám phá của mỗi người. Tất cả cứ hiển hiện lên hồn nhiên, trong veo như mây ngàn gió núi, như cỏ cây hoa lá …
Những câu chuyện kỳ bí…






Bản Tu Thượng thuộc xã Nậm Xé Huyện Văn Bàn Lào Cai nằm  cheo leo trên lưng chừng núi,  gần chân đèo Khau Co. Đến đây ta còn được nghe, được biết những câu chuyện kỳ bí. Có câu chuyện đã trở thành truyền thuyết đầy ly kỳ khó tin. Những lời đồn đặt đó đã trở thành nỗi sợ hãi, khiếp đảm, cho bao người. Lời đồn thổi như cơn gió độc lan truyền ra khắp vùng Tây Bắc rằng“Người Mông xanh trên đèo khau co ăn thịt người” ấy là câu chuyện đã có cách đây mấy mươi năm nay. Những lời truyền ác nghiệt đã đeo bám như vòng kim cô thít vào thân phận người Mông xanh bản Tu Thượng, đã đẩy làng người Mông xanh thành “ Ốc đảo” bị cô lập với thế giới cộng đồng, các tộc người khác xa lánh khiếp sợ.
Theo già làng cụ Vàng Thị Ly kể lại, thời thực dân Pháp đô hộ dân bản vô cùng cực khổ. Ngày ấy dân bản hay săn bắn được thú rừng, theo lệ phải cống nạp cho quan Pháp. Một hôm bẫy được con Căng (theo tiếng địa phương) đó là một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ mà hiện nay đang bảo tồn có nguy cơ tuyệt chủng “T.G”. Nhưng vì dân làng đói quá đem thịt ăn. Nghe tin dân bản bẫy được thú quí bọn chúng mò lên, khi quân Pháp đến khám xét mọi người đành nói dối là đói quá không còn gì ăn đành đem luộc thịt đứa trẻ con bị ốm, để ăn. Bọn Pháp không tin xông vào bếp dùng lưỡi lê hất tung lắp phên đậy chảo ra, trong màn khói mờ ảo của chảo nước đang sôi sùng sục, thấy đôi bàn tay con thú giơ lên, trắng hếu lộ ra như tay đứa trẻ, mấy tên lính Pháp phồng mồm, trợn mắt quáng quàng chạy mất hút. Mẹo cứu đói, giành thịt đã thành lời đồn đại oan nghiệt cho người dân Mông xanh Tu Thượng, lời đồn oan nghiệt đã theo vết giầy của lính Pháp lan truyền đi khắp vùng Tây Bắc. Từ đó người Mông xanh Tu Thượng phải sống co cụm không giao tiếp với các tộc người khác, bị xã hội xa lánh tẩy chay. Trai gái trên bản Tu Thượng nơi mù sương này đến tuổi trưởng thành lấy lẫn nhau kể cả anh em cận huyết thống. Dẫn đến những tác hại suy kiệt ảnh hưởng đến giống nòi. Những đứa trẻ sinh ra chậm phát triển trí tuệ , hay mắc các bệnh như bại liệt, thần kinh…những thanh niên trưởng thành chiều cao chỉ khoảng 1,5 mét. Tác hại của hôn nhân cận huyết còn ảnh hưởng nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Cũng có chuyện kỳ bí kể về người Mông xanh có phong tục thực táng. Điều này đã kích thích trí tò mò, tôi luôn để tâm tìm hiểu. Đã nghe và đọc sách báo, các tài liệu. Thực tế trên thế giới có nhiều cách mai táng người quá cố khác nhau, tuỳ theo phong tục, tập quán tín ngưỡng, tôn giáo của từng tộc người. Ngoài những cách thông thường còn có những hình thức mai táng lạ. Ở vùng Tây Tạng Trung Quốc xưa có phong tục thiên táng,( điểu táng) đó là hình thức mai táng kỳ lạ man rợ. Khi người thân qua đời họ tiến hành các thủ tục nghi lễ cúng bái rất cầu kỳ cốt cho linh hồn người chết được siêu thoát rời bỏ thể xác. Các thủ tục, nghi lễ xong, những thanh niên trai tráng đem xác người chết lên trên núi cao chặt nhỏ tãi phơi trên núi đá để một loài chim đến ăn, vậy là xác người được lên trời xanh theo mây khói. Hình thức thuỷ táng thì tương tự như thiên táng chỉ khác là họ thả xuống dòng sông cho cá ăn. Bên Ấn Độ đến ngày nay vẫn còn phong tục đưa người chết trên bè gỗ rồi hoả táng trên đoạn Sông Hằng linh thiêng nhất, họ quan niệm như vậy thì những linh hồn người chết sẽ được mát mẻ, may mắn như một đặc ân về cõi vĩnh hằng.
 Một vài hình thức mai táng lạ trên đến nay chỉ còn là những câu chuyện truyền thuyết. Còn người Mông xanh Tu Thượng có tục thực táng ( ăn thịt người chết) hay không thì cho đến nay vẫn chưa có cơ sở nào khẳng định, đó chỉ là những lời đồn đặt nhảm nhí dựa theo câu chuyện thịt thú rừng như ở trên. Ở Tu Thượng cũng như các bản làng vùng cao Lào Cai ngày nay cuộc sống đang thay đổi từng ngày các hủ tục, lạc hậu đã được bài trừ, người dân đang được sự quan tâm của Đảng và nhà nước bằng các chính sách như chương trình 135, 134,… các hạ tầng cơ sở được cải thiện, điện, đường, trường trạm. Tất cả đã làm thay đổi diện mạo của nông thôn miền núi. Đời sống văn hoá mới như những cơn gió mát lành thổi khắp vùng cao lũng thấp.
Có thời gian còn rộ lên những câu chuyện kể về nguồn gốc người Mông xanh Tu Thượng trên đèo Khau Co, Nậm Xé Văn Bàn là người AiNu bên Nhật Bản. Đây cũng là câu chuyện trong màn bí ẩn. Trong dịp đi này tôi không thể không quan tâm và tìm tòi các nguồn thông tin từ chính những người dân nơi đây. Đến bản Tu Thượng được nghe những người già họ thường kể lại cho con cháu nghe, tổ tiên của họ có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc. Xét về phương diện từ trang phục, dáng mạo, âm ngữ có những nét tương đồng với người Nhật Bản. Trong lúc trò chuyện vui vẻ với ông Vàng A Dính, chủ tịch hội nông dân xã Nâm Xé về nguồn gốc của dân tộc minh và cuối cùng ông kết lại câu nói đầy hào sảng và chí lý pha chút hóm hỉnh: Chúng tôi ở dưới chân núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam là người dân tộc Việt Nam. Câu nói làm cho chúng tôi sững sờ vì nó chính xác đến trăm phần trăm, chẳng có gì phải bàn nữa… Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy ở nơi nào khác có người Mông xanh như ở đây. Có tài liệu cho biết người Mông xanh di cư đến Nậm Xé Văn Bàn vào khoảng từ năm 1840 thời Thái Bình Thiên Quốc. Lại tài liệu nói họ di cư đến đây khoảng 300 năm. Tuy nhiên theo các nhà xã học thì câu chuyện trên vẫn chỉ là các giả thuyết chưa sáng tỏ
Hiện người Mông xanh ở xã Nậm Xé có gần 80 hộ với hơn 300 khẩu, cùng ba dòng họ chính là họ Vàng, họ Giàng, họ Lý. Trước tình trạng hôn nhân cận huyết thống như trên, chính quyền ở đây đã vào cuộc bằng tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Trai gái kết hôn phải đăng ký, nếu cùng dòng tộc chưa qua ba đời thì kiên quyết vận động  thực hiện hôn nhân theo đúng pháp luật. Từ đó nhận thức của người dân được nâng cao hiểu biết, nhiều người đã tham gia học tập công tác tại địa phương và giao lưu rộng như anh Lý A Tim cán bộ tư pháp xã Nậm Xé đã phá bỏ các hủ tục anh đã xây dựng gia đình với cô gái Tày xinh đẹp làm vợ. Từ năm 2008 đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết đã được xoá bỏ. Trên bản Tu Thượng hôm nay đã thấp thoáng xuất hiện những cô gái thuộc các dân tộc khác về làm dâu và những sơn nữ Mông Tu Thượng cũng đã rời bản làm dâu sứ khác. Những thế hệ nối tiếp người Mông xanh tại Tu Thượng đã mang hai dòng máu. Thế hệ này sẽ kế tiếp cha ông xây dựng cuộc sống  của mình trên vùng đất dưới nóc nhà Đông Dương này ngày một ấm no, giầu đẹp. Tạm biệt bản Tu Thượng trong mây chiều bảng lảng, trong tiếng suối reo rộn rã của thượng nguồn đang ào ào tuôn chảy đổ vào nguồng quay tua bin của nhà máy thuỷ điện Nậm Khoá 3. Cuộc sống của người dân đang đổi thay hướng về ngày mới.
                                                 C.T.  4/2011

                                     

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến