Đào Ngọc Du
20-03-2014 08:26:27 AM
VanVN.Net - Nằm giữa hai làng Nghi Tàm và Quảng Bá, chiếm quá nửa bán đảo Quảng An, soi bóng trên mặt Hồ Tây là một làng không mang địa danh, mà có thủy danh là làng Tây Hồ.
“Nghi Tàm quay tơ, Tây Hồ se chỉ”. Câu ca xưa đã chỉ rõ cái nghề truyền thống của làng Tây Hồ trù phú mà nhiều truyền thuyết này. Sách về nghề cổ Việt Nam cũng chép rằng: Xưa kia ở vùng Bắc Kỳ, làng trồng dâu nuôi tằm cũng nhiều, làng dệt lụa, dệt vải cũng lắm, duy se chỉ may áo, thêu thùa thì riêng có hai làng, một mặt ở Thiên Thai, Kinh Bắc, một nữa là làng Tây Hồ sát bên kinh thành Thăng Long.
Những ngày ấy, suốt từ chợ Bưởi, chợ Mơ cho mãi đến Chèm Vẽ ngược lên ỷ La, xuôi đến Vạn Phúc, Đông Mỹ, ở mỗi chợ phiên người ta thường gặp các cô gái Tây Hồ áo tứ thân thắt lưng hoa lý, gánh bồng bềnh đôi bồ chỉ ngũ sắc đến bày bán bên dãy hàng lụa vải. Nhiều gia đình đến nay vẫn còn giữ được những con dọi bằng chì, như kỷ niệm về nghề tổ, về nguồn sống nuôi lớn bao nhiêu thế hệ.
Làng Tây Hồ hai mặt tiếp giáp với Hồ Tây, phía bắc giới hạn bằng đường đê Yên Phụ, nơi ngày xưa lúp xúp ổi mọc mà người Hà Nội vẫn gọi là rặng ổi, nay là đường mang tên thi nhân Xuân Diệu. Mạn tây tiếp giáp với làng Quảng Bá. Một làng đẹp như cổ tích... Những con đường gạch Bát Tràng xây nghiêng, đoạn còn, đoạn mất trong những ngõ nhỏ, bây giờ gọi là ngách, được đánh số và có biển báo rạch ròi. Thay vào đó là những con đường nhựa và bê tông sạch sẽ có cống thoát nước đảm bảo vệ sinh. Trong mỗi ngôi nhà thường có một mảnh vườn nhỏ trồng các loại cây cảnh. Tây Hồ trước đây là làng nổi tiếng hơn cả các làng quanh Hồ Tây về nghề trồng quất, nay thêm cả nghề trồng cây cảnh. Hầu hết các cụ già trong làng, tay nghề trồng cây đều đã đến bậc nghệ nhân. Cứ trông cây si già trước cửa phủ Tây Hồ sẽ thấy trình độ nghề của làng. Từ một gốc chính cũng chưa cổ thụ là mấy, vậy mà bao nhiêu gốc phụ cùng với mấy chục cái rễ được các cụ cho cắm xuống đất thành dải tơ dải lụa trên gần trăm mét vuông, tạo ra một khoảng u dã, giữa không gian chật hẹp. Thật là tài tình!
Xung quanh Thăng Long thành, hiếm có một làng nào có đủ các công trình tín ngưỡng xưa của người Việt như Tây Hồ. Làng có đủ, nào phủ, nào đền, nào đình, rồi chùa chiền, miếu mạo.
Đình làng Tây Hồ xưa nằm sát mép nước hồ Tây, do bờ lở cách đây trên một trăm năm, đã chuyển vào giữa làng. Toàn bộ diện tích công trình trên hai trăm mét vuông xây dựng, còn tồn tại giữ được nhiều di vật quý, trong đó có ba chiếc ngai gỗ điêu khắc tinh vi sống động. Căn cứ vào các họa tiết chạm trổ có thể khẳng định đây là di vật của thế kỷ XIX. Tất cả các tài liệu từ truyền thuyết đến các di vật còn tồn tại, có thể cho ta xác định: đình Tây Hồ được xây dựng từ cuối thế kỷ XVI.
Làng Tây Hồ có ba giáp (xóm), đình làng nằm ở Giáp Nhị trung tâm, còn chùa Tây Hồ nằm ở Giáp Tam. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử năm 1982. Điểm đặc biệt của chùa là nằm ở vị trí giữa ao làng, nay đã được thông nước với Hồ Tây. Con đường vào đầu hạ thơm sực mùi sen dẫn đến chiếc cổng chùa được đắp hình long phượng. Suốt hạ, không gian chùa là không gian xanh mướt lá sen, đầy ắp hương sen nhà Phật. Trong chùa còn nhiều tượng Phật cổ, đặc biệt có những pho được tạc vào thời Lê có thể coi là tuyệt mỹ.
Cũng ở Giáp Tam còn có phủ Tây Hồ, ngôi phủ linh thiêng nhất nẻo Hà thành nơi bây giờ vào rằm, mồng một vẫn đón hàng vạn thiện nam tín nữ đến dâng lễ lên Thánh Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu xa xưa là việc thờ phụng nữ thần Âu Cơ, thờ Năng Thị Tiêu (Quốc mẫu Tây Thiên), thờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, ỷ Lan nguyên phi... Đạo thờ Mẫu có thể nói là đạo thuần Việt, thế kỷ XVI phát triển từ Phủ Dầy ở Vụ Bản, Nam Định, lan truyền ra cả nước. Phủ Tây Hồ được xây vào thế kỷ XVI (thời Lê Anh Tông), trong phủ còn khắc bốn chữ Mẫu nghi thiên hạ. Truyền thuyết kể: Một đêm mùa thu trên hồ Tây, Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) cùng hai bạn cử nhân họ Ngô, họ Lý, gặp một cô gái đang chèo một con thuyền nhỏ. Ba người hỏi chuyện rồi đố thơ kiểu liên ngâm. Ngâm vịnh xong, họ lên bờ thì con thuyền nhỏ của nữ sĩ biến mất vào sương mù. Ba người đang ngơ ngác thì bỗng thấy bà cụ xách ba con cá đi khuất vào xóm. Trạng Bùng bảo bạn: “Người cùng chúng ta ngâm vịnh chắc là tiên nữ”. Liền lúc ấy có một tờ giấy màu hồng bay tới, ghi lại bài thơ:
Vân tác y thường phong tác xa
Tiên du đậu suất mộ yên hà
Thế nhân dục thức ngô danh tính
Nhất đại sơn nhân dục Quỳnh Hoa.
Tạm dịch
Xe ta là gió, áo là mây
Hòa cùng sông nước với cỏ cây
Người đời muốn biết tên ta nhỉ?
Tên gọi Quỳnh Hoa dạo đó đây!
Đến bây giờ, gần như mỗi chùa, đền, ở khắp nơi đều có dựng thêm một gian thờ Mẫu. Những nét văn hóa của đạo thờ Mẫu còn phải tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu. Phủ Tây Hồ vừa được trùng tu khang trang đẹp đẽ. Để khôi phục lại cảnh quan do bờ hồ bị sóng xoáy lở dần, một đoạn kè đá vững chãi đã được xây dựng, trả lại cho phủ một khoảng sân rộng rãi đủ cho mỗi người đi lễ sau những phút hướng tâm về cõi siêu nhiên, được thanh thản mở lòng đón gió Tây Hồ lộng thổi. Công trình chỉ tốn một tỷ bảy trăm triệu đồng, được các chuyên gia xây dựng đánh giá là tiết kiệm và hiệu quả. Đáng chú ý là Ban quản lý di tích lịch sử làng là đơn vị phụ trách công tác thi công, và tiền ban đầu chính là tiền đóng góp của dân làng và thiện nam tín nữ bốn phương. Phủ Tây Hồ tuy được xây dựng muộn (thời Lê Mạt) nhưng được tiếng linh thiêng, lại nằm ở một địa thế đẹp, nên có thể coi là một trong những thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất Thủ đô.
Làng Tây Hồ còn một di tích khác, không những nổi tiếng linh thiêng, mà còn gắn bó với một truyền thuyết làm nên Hồ Tây. Đó là đền thờ thần Kim Ngưu. Truyền thuyết còn ghi một trong những nguồn gốc của Hồ Tây là do trâu vàng giẫm sụt đất mà thành. Trâu vàng ở lại với Tây Hồ thành thần Kim Ngưu, được lập đền thờ ở ven hồ thuộc làng Tây Hồ này. Các sắc phong cũ còn ghi rõ: “Thần Kim Ngưu là chính thần âm phù giúp nước đã nhiều lần hiển linh tại làng Tây Hồ, phủ Vĩnh Thuận nay phong làm Kim Ngưu đế quân...” Đền Kim Ngưu trước đây nằm ở dưới gốc đa to ngay lối rẽ vào phủ Tây Hồ hiện nay. Trong thời gian chiến tranh, ngôi đền đã bị tiêu hủy, chỉ còn gốc đa già. Nay dân làng Tây Hồ đang có nguyện vọng xây dựng lại đền bằng tiền của dân đóng góp. Đây là một nguyện vọng chính đáng không chỉ thỏa mãn tín ngưỡng, mà trong quần thể danh lam thắng cảnh Thủ đô, chắc chắn có thêm một địa chỉ đẹp, một chốn dừng chân, một lời mời gọi với du khách bốn phương. Khi chúng tôi đến thăm nền cũ đền Kim Ngưu bên gốc đa già, chỉ có một bàn thờ nhỏ với một người phụ nữ mảnh mai đang khấn vái. Gió chiều từ phía Yên Thái thổi qua mặt hồ dạt sang làm sóng nước tung bọt trắng bờ kè đá trước đền. Tôi nhớ giai thoại về nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ hồi trẻ gặp quan Thượng thư kiêm Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi. Bà dùng thơ đùa:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon...
Quả thật nơi đây đã từng có lớp lớp đền đài, lối cũ đã từng tấp nập ngựa xe của các danh sĩ đến vãn cảnh ngâm thơ. Chớp mắt thương hải tang điền, đám mây vân cẩu. Nhiệm vụ khôi phục lại các giá trị văn hóa sau chiến tranh của chúng ta nặng nề làm sao. Ngôi đền Kim Ngưu chỉ còn có một gốc đa cùng hai mươi bốn đạo sắc phong của nhiều triều vua. Nhưng cùng với những tài liệu khác trong sử cũ, ảnh cũ, việc dựng lại ngôi đền không phải là một việc quá khó. Tôi từng mong ước vào dịp kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long, mỗi lần đến phủ Tây Hồ, chúng ta sẽ có dịp ghé qua đền Kim Ngưu Đế quân, ngẫm ngợi với mặt hồ bao la. Nay ước mơ đã thành hiện thực đẹp đẽ rồi. Ngôi đền Kim Ngưu mới, khang trang mà không thiếu vẻ cổ kính, đã lại về đón gió và đón nắng Hồ Tây, dưới gốc đa cổ thụ ngày xưa!
Nhưng Tây Hồ vẫn còn có một di tích nữa vắng bóng. Đó là ngôi miếu Bác Hải. Ngôi miếu Bác Hải ở làng Tây Hồ thờ các oan hồn sông nước. Theo truyền thuyết, ngôi miếu này cũng được xây dựng cùng với đình (thế kỷ XVI). Sau thời cải cách ruộng đất, ngôi miếu bỏ hoang giao cho một đơn vị thuộc ban tài chính quản trị làm văn phòng. Nay khu vực đó được giao đất làm khu tập thể, ngôi miếu - văn phòng chính thức bị đập bỏ. Dân làng chỉ kịp cứu được mấy tấm bia ký hậu đem về đình, dựng ở cổng.
Người dân quanh Hồ Tây ngoài những nghề chính như dệt lụa, trồng cây, seo giấy, còn làm thêm một nghề, ấy là nghề đánh cá trên hồ. Dông gió mặt nước đã cướp đi nhiều sinh mệnh. Các miếu thờ đã thành một bộ phận gắn bó với đời sống. Các làng quanh hồ đã mất hết các miếu. Phải chăng miếu Bác Hải là cái miếu cuối cùng? Đứng trước hàng bia ký hậu mới được đưa về dựng lại trước đình Tây Hồ, chúng tôi ngậm ngùi, dường như không chỉ đưa tiễn một cái miếu, mà còn đang tiễn đưa một nghề, làng, bởi mặt nước hồ Tây đã thuộc về một Công ty quốc doanh và ai dám tự tiện đánh cá trên hồ sẽ bị bắt về tội trộm cắp, hoặc dùng chữ là chiếm dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.
Dân làng Tây Hồ trước đây có nghề truyền thống chính là se chỉ. Nghề se chỉ khác với se sợi để dệt lụa, dệt vải. Se sợi, thường dùng sa quay sợi, không cần se chặt và vì vậy se sợi cũng đỡ vất vả hơn. Se chỉ khác. Từ nhiều sợi nhỏ, mỗi đầu sợi buộc vào một con dọi bằng chì, người se chỉ phải dùng tay để se nhiều sợi nhỏ thành sợi chỉ. Se xong mới nhuộm màu, cuộn thành từng con chỉ đem bán. Bàn tay của người se chỉ bao giờ cũng dày chai ở bốn đầu ngón tay, đặc biệt là ngón trỏ và ngón cái. Ngày xưa không có máy khâu, toàn bộ may vá thêu thùa đều phải làm bằng tay, nên sợi chỉ cũng không cần phải thật dài, việc se chỉ không cần phải làm ở ngoài bãi rộng, mà có thể thao tác ngay trong những gian nhà nhỏ bé. Do vậy, việc se chỉ chủ yếu là việc của đàn bà con trẻ. Tôi bỗng thương cho những bàn tay thiếu nữ trắng muốt, mỏng manh và dày chai vì cơm áo, vì cái đẹp cho đời.
Nghề se chỉ ở làng Tây Hồ còn tồn tại cho mãi đến đầu thế kỷ này. Khi các nhà máy dệt do người Pháp xây dựng ở Việt Nam, máy se chỉ làm ra vừa nhiều sản phẩm chất lượng tốt, vừa giá rẻ, chỉ thủ công không cạnh tranh nổi, chết dần. Dân làng phải chuyển sang buôn bán kinh doanh. Chính vì vậy trong các làng ven hồ Tây, dân lang bạt dựng nghiệp ở các nơi từ Bắc chí Nam. Hiện nay, mỗi lần giỗ tổ nghề mồng 10 tháng 8 hàng năm, dân Tây Hồ từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng... kéo về đông gần bằng số dân còn ở lại nhà. Đây cũng là một nguồn huy động tài chính giúp mọi việc làng, từ xây đình dựng phủ đến sửa chùa, lập miếu, đều luôn được hanh thông.
Cây quất chín vàng vào dịp Tết là đặc sản của vùng Hồ Tây, nhưng trước đây quất làng Tây Hồ cũng là loại quất nổi tiếng nhất. Sau này do đất chật, người đông, thời thuộc địa lại lấy một phần đất để làm nhà nghỉ mát (sau này trở thành khu biệt thự Hồ Tây) nên nghề trồng quất, trồng hoa cũng mai một dần. Dân chuyển sang trồng cây cảnh. Cây cảnh làng Tây Hồ chẳng kém cây cảnh Nghi Tàm, nhưng sinh sau nên không nổi tiếng bằng. Tuy thế cũng đủ cho bao nhiêu gia đình giàu lên, xây nhà, dựng cửa.
Chỉ cách đây vài chục năm, khi Chính phủ chưa quản lý mặt nước Hồ Tây, đi lễ sớm ở phủ Tây Hồ, chúng ta vẫn nghe trong gió, trong sương mù, tiếng gõ lách cách của thuyền lưới đánh cá đâu đây. Và xa xa thi thoảng trong sương lại hiện ra như cổ tích một cái bè vó kềnh càng như một con nhện khổng lồ. Chợ cá xưa ở ngay đầu ngã ba Quảng Bá, dân buôn cá trong chợ nội thành vẫn chờ đợi thuyền bè về để đưa những rổ cá diếc; cá thiểu, cá dầu trắng xóa, những con cá chép đỏ vây, những con cá trắm mình đen trũi, về phục vụ dân cư phố phường.
Vào năm 1991, số hộ dân trong làng Tây Hồ mới có trên hai trăm hộ. Sau cơn sốt đất vài năm qua, số hộ dân đã lên đến sáu trăm, trong đó có tới ba trăm hộ dân từ trong phố về làng sinh sống. Có thể nói đất ruộng không còn một tấc, thay vào đó là những biệt thự, những nhà cao tầng nóc mái lô xô đủ hình đủ kiểu. Dân làng hầu hết là công chức, là nhân viên của các công ty trong thành phố, hoặc làm các dịch vụ phục vụ đời sống. Cơ cấu dân cư thay đổi, việc mở rộng nội thành ra quanh Hồ Tây, khiến xã Quảng An thành phường, làng xóm thành các tổ dân phố, tất cả những điều ấy tưởng chừng sẽ phá vỡ cái đơn vị làng đáng yêu mà giàu truyền thống này. May sao khi kinh tế phát triển dẫn đến những nguy cơ, thì chính kinh tế phát triển cũng tạo ra những điều kiện vật chất để khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, loại bỏ dần những nguy cơ ấy.
Đình làng được dựng lại, phủ, chùa được trùng tu, đền miếu có kế hoạch khôi phục, hội làng năm sau to đẹp, khang thịnh hơn năm trước, giỗ tết mỗi năm người về đông hơn. Có sinh hoạt hội hè, đình đám với nhau, tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà. Nhiều đôi thanh niên người làng, người ngụ cư, đã lấy nhau, đám cưới như một lời thề, người cũ người mới cùng chung sức giúp cho làng mãi mãi là nơi đất thanh thủy tú.
Tất nhiên cũng không ít nỗi lo đang giày vò những người tâm huyết. Quá trình đô thị hóa đang dần dần làm mất đi cảnh sắc của làng. Đi trên đường Xuân Diệu nhìn xuống làng, thấy nhấp nhô những mái nhà kỳ hình, dị tướng, lai căng đủ loại.
Bên cạnh những điều còn buồn lo ái ngại, Tây Hồ vẫn là làng đẹp, vẫn là nơi cho ta thư giãn khi có sự ồn ào, nhức nhối trong đầu, ngồi trong một quán nước nhỏ, hướng về phía mặt nước trong xanh thơ mộng, mở rộng buồng phổi và bơm vào đó căng đấy một luồng dưỡng khí ngát hương... Hoặc có thể nhẩn nha vào đình, vào chùa, vào đền, vào phủ, hồn dạo cõi u linh, tâm hòa cùng trời đất, để được sống những giờ phút riêng mình; để nhớ, để nghĩ suy về những điều đã qua, những điều sắp tới...
Đó chính là làng Tây Hồ - Hà Nội, nơi tôi đã đến và còn đến.
(Nguồn: Văn nghệ số 11/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét