Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Ao quê !

Đào Dục Tú

         Chỉ là cái ao quê tự thuở bé thơ mà nhà báo Đào Dục Tú kéo bạn đọc  lẽo đẽo đi theo biết bao kỷ niệm từ thơ bé đến tuổi sống bằng hoài niệm. Cái ao quê tưởng bé nhỏ, mà hóa ra rộng lớn bằng cả… đời người, hạnh ngộ biết bao buồn vui.
Cảm ơn anh Đào Dục Tú

Ngày xưa ấy...trong con mắt trẻ thơ, ao làng ta rộng quá đi mất.
Nhất là mùa mưa- bão- lũ này, sau trận cuồng phong mây đen đặc vần vũ cơn đằng tây “không mưa dây cũng bão giật”, chừng hai tiếng đồng hồ trời như đổ cây nước xuống cõi trần gian lấm láp, nhọc nhằn. Nước xô cống rãnh, nước ngập đường làng, nước tràn bờ ao. Bờ ao ba bề lũy tre dầm chân trong nước ướt lướt thướt, dào dạt gió. Cá ao cá đồng cá đầm cá sông gặp nhau ở tứ bề bốn bên nước nổi. Thế là. . . hòa cả làng!

Cái ao làng ngoài đầu ngõ nhà tôi rộng mênh mang như....biển trong mắt cậu bé mười tuổi gày gò “yểu tướng” lúc nào cũng ngơ ngác mở to nhìn “trần gian muôn mầu”.

Mưa vừa tạnh, còn rơi rớt những hạt cuối cùng của vạt mây mưa mỏng chưa trôi qua, lũ trẻ con trong xóm đã đổ xô ra ngoài đường làng lát gạch nghiêng chạy quanh co ra tận cái giếng rất cổ ngoài cánh trũng giữa đồng không mông quạnh. Đứa đi câu, đi bắt cá rô ngược nước cống rãnh, đứa cầm vỉ ruồi đi “đánh” châu chấu, đi kéo vó tôm, đứa dắt trâu ra đồng. Đâu đâu cũng thấy lao xao tiếng trẻ tuổi choai choai mười hai mười ba cười đùa.

Đứng trên cầu ao, nhẹ nhàng với tay là được hưởng cái thú bắt chuồn chuồn ớt đỏ tía đậu cọc rào, bắt chuồn chuồn chúa đậu cọc bè rau muống, rau rút tươi xanh mỡ màng, bắt chuồn chuồn kim bay là là mặt nước dập dềnh gợn sóng. Trò bắt chuồn chuồn là y như rằng thế nào cũng có đứa ở đâu chạy đến trêu trọc hát”toáng” lên: “Chuồn chuồn có cánh thì bay- Có thằng cu tí bắt mày đem chôn!”. Chuồn chuồn thấy động bay liệng mặt ao, lũ trẻ vẽ chuyện cãi nhau inh ỏi. Người đời “đố ai tìm thấy cái tổ con chuồn chuồn” !.

Mà lạ thật, cái giống côn trùng biết bay ấy dấu kín sào huyệt đến mức không ai hình dưng được cái tổ của nó hình thù ra sao, làm bằng “chất liệu” gì, bám víu vào đâu. Sự bí ẩn của tổ con chuồn quả là đáng được người đời ám chỉ chuyện trai gái gió giăng thường tình phải “lai vô ảnh khứ vô hình”. Còn lũ trẻ tinh quái nhất cũng chả biết “nó” ở nơi nào, mà trước cơn mưa, sau trận mưa, chỉ thấy cái giống côn trùng này đổ ra bay liệng nhởn nhơ phơi phới lắm thế :”Chuồn chuồn bay thấp thì mưa- bay cao thì nắng bay vừa thì râm. . .”
Mỗi khi nhớ đến cái ao làng xa xưa...cổ tích, tôi tưởng thấy bà nội tôi hiện hình trong ký ức đang kéo tay thằng cháu đích tôn xuống dộc ao cuối ngõ tắm mát chiều hè. Bà tôi dùng cái gáo dừa có cán tre vục từng gáo nước ao dội lên đầu lên cổ lên lưng tôi rồi mới cúi xuống dội lên tấm lưng gầy gò xương xẩu của mình, cái yếm nâu cũ sờn sũng nước rũ xuống tong teo.

Bà tôi gọi tắm như thế là “tắm vớt”, vớt từng bát nước lên người. Bà tôi còn nhẩn nha tắm vớt chưa xong, tôi đã chạy lon ton về trước bà. Mẹ tôi đôi khi thường phải gỡ vài ba mụn bèo tấm nhỏ lăn tăn dính trên tai, trên tóc. Không hiểu sao mỗi lần tôi bị mẹ đánh đòn vì trêu trọc đứa em gái hay nghịch ngợm quậy phá gì đó, bà tôi thường chạy ra đỡ đòn cho tôi rồi đưa tôi xuống ao tắm mát; vừa xoa tấm lưng bé bỏng gầy còm vừa nhẹ nhàng an ủi tôi:” Con mẹ mày “đoảng” quá, phát cháu bà hằn cả năm đầu ngón tay vào mông thằng bé thế này, có khổ không.

Nửa thế kỷ đã trôi vèo kể từ ngày tôi mới ngẩn ngơ...nhà quê bước vào cổng trường đại học “bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi” (thơ Nguyễn Duy). Và cũng gần như mất dấu luôn từ Việt cổ “đoảng” là xấu tính, xấu nết, nay người cao tuổi quê tôi cũng chẳng mấy ai dùng. Nghĩ lan man, “đoảng” có thể là biến âm của “loảng” “loãng” ,”đểnh đoảng” là biến âm của lểnh loảng, lễnh loãng, là lõng bõng nước nhạt, là dở, là chán ngán chăng? 


Người Việt mình có câu ngạn ngữ “Khôn ăn cái dại ăn nước” xuất xứ từ đó, hẳn thế !


Ao quê đầu ngõ xưa xửa xừa xưa chẳng còn. Lấp đầy khoảng trống “cái gương trời .nhà quê” ấy là dăm bẩy gia đình tòa ngang dẫy dọc, cây sung lớn ngả thân xuống sát mặt nước câu ao ngày xưa... “Cậu bé loắt choắt” là tôi không biết bao nhiêu buổi sáng ngồi câu cá rô cá riếc, không biết bao nhiêu buổi tối ngồi câu cá trê đi ăn đêm, biến mất từ hồi người ta đốn hết cây cổ để chủ yếu “giải phóng mặt bằng”, nắn đường, phá bờ đi lên sản xuất “nhớn” cả huyện là một pháo đài, pháo đài cấp huyện!

Đôi khi “nó” vẫn tự dưng hiện về tỏa bóng trong vài ba “giấc mộng đêm hè” người cao tuổi quá nửa đời ” kết dính” với văn chương chữ nghĩa, giấc ngủ thường không sâu, hay chập chờn mộng mị.

Đi đến nhiều làng quê vùng châu thổ sông Hồng thời đất chưa biến thành vàng, thời “nơi ta ở chỉ là nơi đất ở – nơi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên), thấy ao quê mỗi nơi mang một sắc thái riêng. Ví như ao quê vườn Bùi vùng chiêm trũng Hà Nam quê cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã hóa “tâm hồn Việt muôn thuở” trong ba bài thơ thu “thu vịnh, thu điếu, thu ẩm” nổi tiếng của cụ chẳng hạn, là “đặt” khung cảnh làng...xưa “ngõ trúc quanh co khách vắng teo” “ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”.

Còn làng tôi vùng đất cổ Kinh Bắc xưa được tiền nhân nhiều đời kiến tạo theo hình răng bừa. Các ngõ song song chạy thẳng ra trục đường làng lát gạch nghiêng, trong phạm vi hai hay ba ngõ thì một nửa số hộ làm nhà hướng nam đổ ra ao phía nam, một nửa quay mặt làm nhà hướng bắc đổ xuống dộc ao phía bắc, mỗi ao rộng chừng bốn, năm sào bắc bộ.

Hệ thống dăm bẩy chục cái ao nối liền nhau chạy dài hàng cây số như lá phổi thiên tạo và nhân tạo góp phần hữu ích bậc nhất giữ môi sinh trong sạch cho người... nhà quê độc canh cây lúa, hai bên tiền hậu kề nhau. Nét chung nhất của cảnh sắc ao quê làng tôi cũng như vùng đồng bằng sông Hồng rất đặc trưng Hưng Yên, Hải Dương,Thái Bình, Nam Định là quanh năm mặt nước dập dềnh bèo tấm, bèo cái, ở thời nhà nhà nuôi lợn “định mức”.

Đến thời hợp tác hóa phân xanh phân đỏ, lại thêm giống bèo ong không biết “nhập” từ đâu, sống lẫn đám lục bình trôi dạt về làng sau mỗi mùa nước nổi. Ao quê đi liền, cặp đôi với bèo, loài thực vật thủy sinh “được hình tượng hóa” thân phận bọt bèo hèn mọn của người nhà quê xưa thấp cổ bé miệng.

Ngoài cầu ao một tầm tay với là mấy bè rau muống, rau rút. Nhìn quanh ao xa xa đôi ba bến nước có bắc cầu tre hoặc ván gỗ là chỗ “sinh hoạt cộng đồng” của dân làng, nào chao chân, rửa rau,vo gạo, nào tắm giặt chung. Vui nhất, ngộ nhất là ngày hè nóng nực mấy ông già “cộng sinh” đám trẻ nít “tồng ngồng” bơi lội khua khoắng dưới bóng mát gốc sung, gốc muỗm cổ thụ, xem như bến nước “không người”...

Trên cái thân cây sung võng xuống sát mặt nước ao, lũ trẻ chúng tôi có khi ngồi lì cả buổi để câu cá rô mùa hè, cá riếc mùa thu. Sau những trận mưa “thối đất thối cỏ”, lũ cá rô đổ xô vào luồng nước chảy xối xả từ đường nước cống rãnh đổ xuống để tìm thức ăn, dùng giun đất làm mồi câu “rất trúng”. Cá rô có con to bằng bàn tay trẻ mười ba mười bốn là giống rất tạp ăn. Chúng kéo gục phao câu lông gà chìm nghỉm chạy dưới mặt nước, chỉ có vậy thôi mà thời trẻ con tôi bản tính nhát cũng thấy hồi hộp, trống ngực đập thình thịch.

Giật mạnh cần câu, cá giẫy nhũng nhẵng cuối dây câu làm bằng chỉ cước, khiến đầu cành trúc uốn cong theo. Giây phút ấy, trẻ con nhà quê bắt được thú vui hồn nhiên, sướng không thể tả. Mùa thu đến, gió heo may lướt nhẹ mặt ao làm gợn sóng “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” như thơ Thu Điếu nổi tiếng của cụ Nguyễn Khuyến. Đám trẻ rang cám làm thính thơm như làm “nem quê” bằng thịt sống, nhào với nước, ném xuống ao nhử mồi cá riếc.

Chưa có thú vui nào thơ trẻ hồn hậu như thú vui câu cá riếc mùa thu. Cá riếc không ăn tạp như cá rô, lại rất nhạy cảm với mọi động thái cả dưới nước lẫn trên bờ. Câu cá riếc ,chúng tôi quen nói khẽ đi nhẹ. Cá thận trọng đớp mồi rồi kéo phao lông gà lừ lừ đi trên mặt ao.

Kể cả đứa “sát cá” nhất cũng không dám vội vã giật, vì có thể cá đang thăm dò, cắn hờ miếng mồi, chưa nuốt lưỡi câu vào miệng. Để cá kéo xa phao trên mặt nước một chốc, biết chắc cá đã “cắn câu”, giật mạnh cần câu, con cá riếc to như bàn tay trẻ vành môi tứa máu vì lưỡi câu móc vào đang cố sức quẫy cựa, vẩy trắng bạc lấp lánh dưới nắng thu heo may gió lạnh.

Trẻ nhỏ đi câu ,xách giỏ chạy rông khắp dẫy ao làng đâu chỉ vì mớ cá cho mẹ. Ngày xưa dưới nước đầy cá, trên trời đầy chim, con cua con cá con ốc con ếch cùng tôm với tép vốn là món ăn quê nghèo, đâu có thành “đặc sản” khan hiếm gì như thời nay mà quý hóa! Đi câu để được nhởn nhơ ngắm trời ngắm đất, được kết bạn kết bè, được hưởng thú vui hồi hộp khi thấy cái phao lông gà gục xuống lừ lừ trôi trên mặt nước xanh lơ.

Thú vui ấy kéo dài mãi đến thời chúng tôi đã vào đại học. Tôi nhớ hồi năm thứ hai văn khoa học ở Thanh Xuân, có một ngày hè chủ nhật anh bạn đồng môn người Hà Đông rủ tôi về chơi nhà “cho mày xem mặt con em gái tao không đẹp nhưng...xinh”. Hai thằng đầu đội trời...phơi mặt lộc ngộc vác cần câu đi câu dạo hết cầu ao này đến bờ ao nọ, được mớ cá rô, chả biết “ngượng” là gì!

Ra trường anh bạn ấy “số son” được “tổ chức” xếp về một tòa soạn báo “cao đẳng” nhất nước, viết báo ,viết kịch ,viết phê bình sân khấu có...tiếng một thời. Tôi chắc anh chẳng còn nhớ thủa hàn vi, thư sinh bần bạch. Thế rồi đồng môn ” lớp văn ta” cũng thấy na ná như nhau, kẻ trước người sau qua cửa tòa soạn báo này tạp chí nọ nhà xuất bản kia “Chợt một chiều (giật mình) tóc trắng như vôi” !. “Ngồi tựa gốc cây” mà “mộng văn bút” hình như dang dở cả.

Từ thủa chúng mình vác cần câu đi trên bờ sông Nhuệ, dạo đó con sông còn thơ mộng lắm, làm ngoại cảnh cho nhiều bộ phim trữ tình đến giờ đã xa hơn nửa thế kỷ. Nước chảy qua cầu, bóng câu qua cửa. Nhắc nhớ vu vơ kỷ niệm gì thì “người cao tuổi” cũng chỉ thấy đời người ta “khi vui muốn khóc buồn tanh lại cười”. Mà sao cụ Nguyễn Công Trứ còn như tiếc rẻ trăm năm “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” ! Hỏi mấy ai qua cửa thời gian ” bách niên đại nhược mộng” phù trầm !.

Ao quê đã mất. Hoặc nếu không mất thì cũng biến dạng quá nhiều kể từ thời ở nước mình đất cũng lên cơn sốt như người ,bị . . .vàng , bị ngoại tệ mạnh, bị đủ loại đại ca đại gia đen có đỏ có kích động ,giật đùng đùng ! . Hỏi có nơi đâu làng quê Việt ngàn đời còn “chồng khít” được với ba bài thơ thu của cụ Nguyễn Khuyến để các thầy các cô giảng văn cho trò có nguồn cảm hứng từ “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” cảm hứng đi. Từ “nước biếc trông như tầng khói phủ” cảm hứng lại, khỏi phải “dạy văn chay” phản thực tế khô như ngói. Chả còn gió heo may se lạnh, chả con hai dãy ao như thời...xưa.

Làng cổ to vật vã mà chỉ còn một “mảnh” ao đình tạm gọi là ao, không thông thủy nên tứ thời ao tù nước đọng, làm sao hình dung được giữa trời nước bao la có “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” chơi vơi cùng “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” ? Mà tuổi trẻ đời người cũng đã phôi pha xa xưa như....chuyện ngày xưa.

Ai lỡ trách người già “nhân thất thập tâm sinh ấu tuế” đôi khi ngu ngơ như trẻ nít, ưa hoài cổ, hay hoài niệm. Và nhớ thương dĩ vãng. Dù rằng cái dĩ vãng mấy mươi năm ấy hết thời đạn bom chết chóc lại đến thời hậu chiến khốn đốn nhọc nhằn buồn nhiều hơn vui, khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Bỗng thấy hình ảnh người xưa ông lão vườn Bùi câu cá mùa thu, uống rượu mùa thu ngửa mặt nhìn trời tự cảm “da trời ai nhuộm mà xanh ngắt- mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”!

Không làm sao quên được ngày xưa...những vùng trời cổ tích; dù đấy chỉ là một khoảng trống ao quê.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến