Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Bác Tô đến thăm nhà

Mã A Lềnh - 
Một ngày đầu tháng 10 năm 2004 Chủ tịch Hội Nguyễn Ngọc Dương và Tổng biên tập tạp chí văn nghệ Lào Cai rủ tôi đi Sa Pa. Hóa ra là đoàn nhà văn Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật lên Sa Pa, có cả vợ chồng Bác Tô Hoài. Thăm hỏi rồi chụp ảnh với nhau xong, chúng tôi về. Chiều hôm sau, xe đỗ sịch trước cửa.
 Bác Tô Hoài lừng lững bước từ từ vào. Theo sau là bác gái. Vợ chồng tôi giữ hai bác ở lại ăn cơm, nhưng bác gái tranh thủ đi thăm cháu nuôi, là Sùng Thị Mai, hồi Bác lên Sà Phìn, nơi có dinh thự của Vương Chính Đức – Vương Chí Sình, bố mẹ cháu Mai được Bác Tô Hoài nhận làm con nuôi. Tôi tiếp Bác trong thư phòng. Con trai tôi, Mã Anh Lâm có chụp được vài bức ảnh hai anh em đàm đạo văn chương rồi cười hết cỡ. Mọi khi Bác chỉ cười mủm mỉm nhưng lần này thì Bác cười thật thoải mái làm tôi vui. Đã có lần tôi đến thăm nhà Bác ở Hà Nội, buổi tối nên không nhớ phố nào. Bác cũng tiếp tôi trong thư phòng. Cô con gái pha trà rồi lui xuống tầng. Trong câu chuyện, Bác nói có hai cuộc sống, Hà Nội và miền núi với người dân tộc thiểu số thật thà, chân chất. Tôi hỏi Bác có nhiều tình nghĩa với Lào Cai không?
Bác bảo với miền núi thì chủ yếu là Tây Bắc và Hà Giang. Còn Lào Cai, một lần có người mời lên chơi Sa Pa. Hồi ấy đường tàu do Pháp làm. Tàu chạy chậm. Đến ga Lao Cai thì có xe đón lên Sa Pa, ăn nghỉ ở nhà Cầu. Không có nhiều kỷ niệm, chỉ thấy phong cảnh hùng vĩ và hoang sơ và cũng không viết được gì. Bác cười: “Cụ Nguyễn – Nguyễn Công Hoan làm giáo học mấy năm, coi như hình phạt lưu đày còn chả viết được gì, huống là tôi, chỉ mấy ngày”. Rồi Bác hỏi “Lù Dín Siềng hình như ở đây?”. Tôi nói bác Siềng mất rồi. Bác cả cười, kể nhà xuất bản Tác phẩm mới nhận được bản thảo “Dưới chân núi Po Siên”, chữ cố viết cẩn thận, nhưng văn chương thì không “ngửi” được, lại dài dòng lê thê. Nhà xuất bản nhờ Bác đọc. Bỏ thì thương, vương thì tội, tác giả lại là người dân tộc thiểu số, quý lắm. Bác cố viết lại hộ, rút gọn cho thành truyện, ra văn, đề là “Dưới chân núi Tiên”. Siềng bảo với người nhà xuất bản cuốn sách không còn là văn của Siềng nữa. Không một lời cảm ơn, cũng chả thèm tặng sách. “Sách có chữ ký tặng của tác giả, tôi quý lắm, đều giữ đủ”. Tôi ngỏ ý xin Bác một số sách về miền núi để viết thành kịch bản phim dài tập. Lâu lâu tưởng Bác quên. Nhưng rồi tôi vẫn nhận được, bản phô tô “Truyện Tây Bắc”, định bắt đầu từ Vừ A Dính. Tôi viết thư liên hệ với Ủy ban và sở Văn hóa tỉnh Lai Châu hồi đó nhưng không một lời hồi âm. Lân la đến với một vài vị đạo diễn phim truyện khả kính, thấy tình hình gu phim có khác đi. Đành thôi. Về sau Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc sở Văn hóa, kiêm Tổng biên tập tạp chí văn nghệ Lào Cai cử tôi về Hà Nội tìm mấy vị lão làng có liên quan đến Lào Cai để viết chân dung và làm phim tư liệu. Hồi đó tôi đang làm biên tập tạp chí. Tìm tới cơ quan Giáo sư Nguyễn Tài Thu, bác sĩ châm cứu hàng đầu thế giới. Bác đi công tác nước ngoài. Tới một ngõ hẻm gõ cửa nhà thơ Hoàng Cầm “Bên kia sông Đuống”, người nhà nói vọng xuống: “Bác mệt, không tiếp khách!”. Gọi điện bàn nhà Bác Tô Hoài, bác gái nói “đang bận!”. May còn gặp được nhà văn Ma Văn Kháng ở trụ sở Hội Nhà văn, số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Về sau viết được cái chân dung “Mạch nguồn dòng chảy từ đây”, rồi chuyển thành kịch bản. Hỏi Giám đốc Trần Hữu Sơn, Giám đốc bảo “đó là việc của Đài!”. Có việc ở Hà Nội, tôi định tranh thủ đến thăm Bác Tô Hoài, hồi súng nổ ở biên giới, từ ven làng Vạn Hòa phải dạt xuống Yên Bái, cả gia đình ở trên một cái bếp lò, tôi đọc “Đảo hoang” để các con quên đi cái đói, cái cực, cái khốn nạn…, nhưng bác gái trả lời: “Ông mệt!”. Dịp hè vừa rồi tôi đến hướng dẫn các cháu năng khiếu văn học, hỏi câu đầu tiên: “Các bạn đọc Dế mèn phiêu lưu ký chưa?”. Các cháu nhao nhao: “Đọc rồi ạ!”. Vậy là nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Sen vẫn sống trong lòng bạn đọc, nhất là các bạn trẻ!
12/7/2014 Nguon vanvn

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến