Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Tàn tro

                                           
   Đây là phát thứ ba của tác phẩm  truyện ngắn dự thi trên VNQĐ tại trại viết Sa pa mà congthelc chuyển tải đến bạn đọc. Nhà văn Phong Điệp công tác báo văn nghệ trẻ. Mặc dù thời gian ở trại ngắn ngủi nhưng với tài năng và nhận diện mới, nhà văn đã thấu suốt những mảnh đời bất hạnh trên đỉnh Dốc Mù heo hắt. Cái trắc trở, gai góc của sự đời nó không loại trừ nơi rừng sâu núi thắm này mà còn tàn lụi đến man dại. Song vẫn thấy được cái nhân bản trì mẫn của lụi tàn của lòng khơi nhóm lửa ấm. Và đây mời quý vị xem Tàn Tro nhé.


PHONG ĐIỆP

Người trước bước người sau không thấy lối. Hơi thở thào thào qua  gáy mà không thấy người. Đàn bà con gái đừng qua nơi ấy. Dốc Mù có mắt như mù…Dân thị trấn Bạc, người già vừa phì phà rít thuốc vừa thổi truyện sang tai nhau. Đám đàn bà con gái, cả ngày mệt phờ tước lanh, kéo sợi, tối về vẫn dấm dúi kể cho nhau nghe chuyện Dốc Mù. Nghe xong thì mất ngủ. Tiếng thở dài lẫn trong tiếng gió vi vút quất ngoài liếp cửa. 

Dốc Mù… Dốc Mù…

Nghe mãi, kể mãi mà vẫn thấy hoang mang, mịt mùng. Những câu chuyện tam sao thất bản, từ đời này sang đời khác. Thực hư thế nào không ai biết, nhưng ai cũng tin…

Dân thị trấn Bạc, không ai không biết bí mật Dốc Mù. Người già dặn con trẻ: chuyện này tuyệt đối không được nói với người ngoài kẻo hồn Cô về trả thù. 
Bí mật từ tai sang tai, từ miệng sang miệng, truyền từ đời này sang đời khác, hằn sâu hơn vết dao chém vào đá, lan nhanh hơn cả gió lốc. Gió mang bụi. Bụi xót con ngươi. Bụi làm ứa nước mắt. Bí mật cũng dễ làm người ta say như say rượu. Rượu thì không ai uống một mình. Rượu vào thì lời ra.
Dần dà, bí mật lộ cả ra với người ngoài. Nhất là khi du lịch  - trong cơn khát chinh phục những mảnh đất còn hoang sơ và chứa nhiều huyền tích - đã kéo đến đất này cấp tập hơn lũ quét.
Cũng chẳng ai ngờ được.
Ban đầu chỉ là dăm ba đám người lầm lũi phi vào chợ thị trấn bằng những chiếc xe máy biển số 29, đặc quánh bùn đất. Máy ảnh chớp lia lịa. Dân thị trấn giấu mặt sau hai bàn tay, he hé mắt nhìn qua kẽ tay để xem những ống máy ảnh loang loáng chớp đèn, chả hiểu mô tê gì. Chợ thị trấn, mái rêu xanh rì, có gì mà chụp? Phản thịt đầy nhặng, có gì mà chụp? Chó lè lưỡi liếm rượu tràn trên đất, có gì mà chụp? Con dốc rắc đầy phân ngựa, có gì mà chụp?
Vậy mà hết đám này đi, đám khác lại đến. Chỉ chỏ, trầm trồ, mắt tròn mắt dẹt. Máy ảnh bấm như súng liên thanh.
Rồi những ông chủ quần soọc, áo thơm nức nước hoa, từ đâu đẩu đầu đâu cũng mò đến, hai tay “hai súng”: vừa Iphone vừa Ipad - đọc vanh vách bản đồ thị trấn. Ngắm nghía, chỉ chỏ, gật gù. 
Chỉ tội cho chủ tịch thị trấn. Mở mắt ra đã say. Hết đám khách này đến đám khách khác. Cứ nhấp môi hết 5 chén mới bàn chuyện. Thành thử ngày nào ngày nấy cũng đều lướt khướt say từ  đầu sáng đến tối. Từ chân đến tay, từ tóc đến quần áo đều mụ mị vì rượu. Chó liếm chân chủ cũng khật khừ, đứng không vững vì say.
Liên miên cả năm trời như thế thì thị trấn bắt đầu có những thay đổi.
Khách sạn đầu tiên của thị trấn mọc lên ngay chợ trung tâm, có tên Hoa đỗ quyên. Dân thị trấn Bạc chụm miệng cười thầm: Hoa đỗ quyên trên này, có đáng gì mà người ta lại dùng để đặt tên cho cả một cái khách sạn bóng loáng như gương ấy. Hoa đỗ quyên chỉ hợp nở trên núi, nở giữa mây thôi. Đặt tên tầm thường thế, làm ăn không khéo thì lụi bại. Ấy vậy vừa khai trương ít lâu, khách sạn Hoa đỗ quyên người ra kẻ vào tấp nập. Mà toàn những người: đàn bà thì mặt hoa da phấn, đàn ông thì thuốc lá chỉ bập bập non nửa đã ném xuống đất. Nói chuyện, cứ ba câu lại xì xồ no no, yes yes.
Sau Hoa đỗ quyên, một loạt khách sạn mọc lên. Nhiều quá, nên người thị trấn Bạc nhớ mỗi Hoa đỗ quyên.
*
*    *
Minh họa: Phạm Minh Hải
Bây giờ thì dân thị trấn chả ai giấu mặt sau hai lòng bàn tay nữa. Ngày cuối tuần, các khách sạn của thị trấn nêm chặt người. Dân thị trấn Bạc nhanh chóng nhìn thấy cơ hội hốt tiền, lập tức dúm người nhà vào một góc, còn lại cơi nới phòng ốc, mở cửa hàng tắm lá thuốc, massage bấm huyệt, bán đồ lưu niệm, bán các đặc sản rừng; hoặc cho khách ở  theo mô hình home stay. Chủ nhà vừa kiêm dọn phòng, kết hợp kế toán thu tiền và hướng dẫn viên du lịch luôn. Hướng dẫn du lịch theo kiểu “kể truyện truyền kì”, mượn hình thức truy hỏi của một game show truyền hình đang hot là “Đố bé vì sao” làm đám khách thành phố mắt tròn mắt dẹp, nửa tin nửa ngờ. Cánh phóng viên báo chí giữa lúc đói tin bài, rủ nhau đổ xô lên đây, lê la nhặt nhạnh đủ thứ chuyện của thị trấn Bạc, và đương nhiên không thể bỏ qua “cục nam châm” hút mọi mối quan tâm: Dốc Mù.
Người trước bước người sau không thấy lối. Hơi thở thào thào qua gáy mà không thấy người. Đàn bà con gái đừng qua nơi ấy. Dốc Mù có mắt như mù…
Thực hư các chuyện về Dốc Mù lan nhanh như khói tỏa. Lũ con nít váy xanh váy đỏ mọc lên chi chít các con dốc, bán xập xèng tết dây xanh đỏ, miệng “hello” “thank you” nhuyễn như bột mèm mén. Một tay chỉ lên đỉnh Dốc Mù, một tay thu tiền nhét vào dải lưng quần. Càng kể li kì, khách càng mua đông. Mỗi ngày chuyện Dốc Mù lại thêm những tình tiết mới. Không nghe thì thôi, nghe là nghiện.
Khách dưới xuôi lên, như bị dẫn dụ, trăm người như một, ai cũng phải cố đến Dốc Mù một lần cho biết. Đến ban ngày, nhìn con dốc vần vũ khói sương, hoang lạnh, cô liêu giữa đỉnh trời vẫn chưa thỏa chí tò mò. Phải đến vào lúc tối khuya. Gió phả buốt lạnh thái dương. Gió rào rào chân dốc như tiếng xe khách rồ máy đổ đèo. Gió rền rĩ vút qua khe núi hẹp, như tiếng người ai oán, khóc than. Giờ ấy xe ôm không ai dám đi. Khách xuôi dắt díu nhau đi trong mù mịt sương giăng. Thẳng hướng Dốc Mù. Hoang mang, phấn khích. Tò mò, hồi hộp. Vì những chuyện tình lãng mạn được thêu dệt. Vì một bí mật không rõ thực hư được truyền tai nhau, về một cô gái cứ nửa đêm về sáng ngồi rũ tóc khóc than. Về những người bị mất tích ở Dốc Mù.
Năm nào cũng có tai nạn xảy ra dọc cung đường lên Dốc Mù. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì nạn nhân luôn luôn là nữ giới, ở độ tuổi hai mươi. Điều này được cho là khó giải thích. Đám khách thị thành lên đây, đủ cả nam phụ lão ấu, tại sao tai nạn chỉ xảy ra với nữ giới đang độ đôi mươi, nhan sắc rờ rỡ? Vì sao đường đến Dốc Mù chỉ cách trung tâm thị trấn chừng 2 cây số, lúc nào cũng có đèn cao áp, đèn cảnh báo nguy hiểm mà nạn nhân luôn bị rơi xuống vực trong tình trạng mắt nhắm nghiền, máu khô kết cứng hai mi mắt? Có thật Dốc Mù có mắt như mù? Không ai biết.
Dốc Mù vĩnh viễn là một bí ẩn.
*
*     *
Linh và chị Đào, chị Tuyết thì chẳng sợ. Khi đất thị trấn xắn ra tiền triệu, ba chị em chẳng đủ tiền thuê mặt bằng chỗ chợ trung tâm. Mà dọc thị trấn, đường ngang lối tắt nào cũng ê hề hàng quán. Kiếm sống ngày càng khó khăn. Không kiếm được tiền thì con mình nó cạp đất mà ăn à?
Một hôm, khi ba chị em ngồi đan áo, Linh rủ: “Hay mình lên Dốc Mù?”
Hai chị trợn tròn mắt, đồng thanh: “Điên à?”
Linh ngồi nín thinh. Cuộn len rơi xuống đất, lăn vào gầm ghế, chạy tọt vào góc giường. Linh chạy theo nhặt lên. Gầm giường đầy đầu mẩu thuốc lá. Linh nhìn thấy cả cái đồng hồ Quân tặng Linh hồi gặp nhau dưới phố - nghe đâu Quân phải mua cả tiền triệu. Lần trước, trong lúc bí tiền quá, Linh truy hỏi chồng mãi nhưng không tìm thấy. Hóa ra nó nằm đây. Dưới cái ổ của chồng Linh. Thứ quà tặng đắt giá duy nhất Quân tặng Linh rốt cuộc cũng chỉ là thứ nằm vạ vật để cho bụi phủ, lúc cần thì chả tìm thấy, lúc thấy thì cũng vô giá trị.
Chồng Linh đi thì chớ, về nhà là chui vào cái ổ này. Khói thuốc nhả nghi ngút như đầu tàu hỏa lâu ngày chưa thay dầu. Mắt dán vào màn hình. Đèn Games online bật sáng xanh lè như mắt mèo. Bùm chíu… bùm chíu... Ba ngày không cần ăn, không cần uống. Chỉ cần bùm chíu…bùm chíu…
Lúc chuẩn bị lấy nhau, thấy cả hai đứa không nghề ngỗng, mẹ Linh đã rít lên rồi. Chửi: “Con ngu! Mày không nghe tao thì mặc xác mày!” 
Mặc xác thì mặc xác. Linh chả quan tâm. Yêu là lấy. Quen nhau 3 tháng đã thấy không thể sống thiếu nhau. Linh đẹp gái nhất thị trấn Bạc. Xứng đôi vừa lứa với Linh chỉ có Quân. Đám con trai thị trấn tiếc hùi hụi nhưng không thể không công nhận điều ấy. Quân cao mét tám, mặt mũi thư sinh, lúc nào cũng sơ mi dắt trong quần, đẹp như tài tử Hàn quốc. Quân lại chịu bỏ đô thị náo nhiệt lên thị trấn này với Linh, đủ thấy tình yêu Quân dành cho Linh mãnh liệt đến chừng nào.
Thực ra còn người nữa phải kể đến là Sàng. Sàng người nhỏ thó, đen như củ ấu, cả năm chỉ dám đứng đầu dốc chợ thị trấn, ngày ngày nhìn Linh đi qua. Sàng chẳng nói chẳng rằng. Hôm nào thấy Linh vui là Sàng vui. Thấy mặt Linh u ám là cả ngày hôm ấy Sàng như đi đón đám ma của chính mình. Linh đi chơi chợ mất túi, chỉ mình Sàng tìm được túi cho Linh. Tìm được cũng chẳng dám giáp mặt đưa túi mà treo ngoài cửa nhà Linh. Lúc Linh lấy chồng, Sàng ốm mất một tháng. Chuyện ấy chỉ mình Sàng biết. Chỉ mình mình biết thì cũng coi như chẳng ai thèm quan tâm đến làm gì.
Mẹ Linh thì chỉ tiếc là mình không chết đi được. Bà cay đắng nhìn con gái xoắn lấy thằng của nợ kia, từ sáng tới tối, mắt cứ rừng rực như lửa. Sểnh lúc nào là lén lén lút lút hẹn nhau ra rừng Tống Quá Sủ. Tối nào nó về đến nhà cũng sực nức cái mùi con đực trên người. Thế thì hỏng rồi. Mắt mù thì làm sao còn nhìn thấy đường mà đi nữa hả trời?
 Trước khi lấy chồng, Linh vô lo vô nghĩ. Mẹ cho xuống thành phố học nghề. Học xong chưa thích đi làm thì mẹ lại lôi về cửa hàng bán đồ souvenir cho dân du lịch để phụ mẹ. Lương tháng trả đàng hoàng. Cứ chịu khó chăm chỉ làm ăn, đến lúc cứng cáp, nếu thích mẹ mở cho cửa hàng riêng. Nhà khác có mơ cũng chả được.
Mọi sự đang yên ả, thì Linh đùng đùng đòi lấy cái thằng ngoài cái vẻ ngoài bảnh bao, ngoài cái bản năng con đực hừng hực, còn lại chẳng có gì đáng để tin tưởng cả. Kinh nghiệm của người từng trải, bà biết cái thằng lưng dài như lưng vượn ấy chỉ là ngữ ăn không ngồi rồi, làm khổ con gái bà. Bà mắng, bà chửi nó vẫn trơ trơ. Lòng dạ nó vẫn để cả ở chỗ cái thằng người vượn kia rồi. Thế thì nó đừng cầu viện gì đến mẹ nữa.
Mẹ ngu dại đã lấy thằng chồng bất tài. Giờ mẹ nhìn con lặp lại vết xe đổ, khác gì xát lá han vào dạ.
 Lo cho con lấy chồng xong, mẹ cho Linh cái nhà cũ của ông bà, đủ chỗ chui ra chui vào, còn lại cắt bỏ hoàn toàn trợ cấp. Mà Linh cũng  đừng mơ vác mặc đến cửa hàng của mẹ mà xin xỏ nữa. Nhìn nhau chỉ càng khó chịu. Tốt nhất là đường ai nấy đi. Chúng mày giỏi giang thì tự kiếm tiền mà nuôi nhau. 
Mẹ tính trong bụng, ba bữa nó đói nhăn răng, tình yêu chẳng rộng dài mà ngồi ca hát “anh yêu - em yêu” mãi được. Kiểu gì mà chúng chả bỏ nhau. Cho nó sáng cái mắt ra. Lúc ấy mới tu tỉnh làm người được. Mẹ ngẫm từ mẹ, mẹ quá hiểu. Mẹ chỉ tiếc mình ngẫm ra mọi thứ khi đã quá muộn. Bây giờ mẹ thêm nỗi đau về đứa con gái ương bướng đang đi lại con đường đau khổ của mình mà không thể can ngăn được. Tốt nhất là cho nó tự ngã mà tự sáng mắt ra. Cái bệnh mù vì yêu ấy, chả ai chữa được cho ai.
Kiếm tiền thì kiếm tiền. Linh chả ngại xấu, chả ngại khổ. Gái có chồng, thì còn gì mà phải tiếc nữa đây? Linh sắm chậu than ngồi đầu đường. Tối tối Linh ngồi quạt ngô. Chồng ở nhà bùm chíu đợi vợ. Vợ về, chưa kịp lau bụi than lem nhem trên mặt, chồng đã vật ngửa ra, giải đen. Hì hục như chó gặm xương, chả cần biết cảm xúc của cái khúc xương mình đang vần vò nó thế nào. Kết quả của những lần giải đen là hai năm hai đứa con. Một đứa địu lưng, một đứa kê ghế ngồi bên cạnh nhìn mẹ quạt ngô. Bố thì vẫn ở nhà bùm chíu… bùm chíu. 
Con thì mỗi ngày mỗi lớn. Tiền tiêu mỗi ngày mỗi nhiều. Chỗ Linh ngồi quạt ngô, giờ thành “phố nướng”. Ngày trước mỗi tối Linh bán được cả bao tải ngô, giờ ngô quạt đi quạt lại chỉ bán được vài chục bắp. Con khóc nhèo nhẹo vì đói. Linh chưa kịp kể lể với ai, hàng xóm đã mách mẹ Linh. Bà phi xe ra tận chỗ Linh bán ngô, chằm chằm nhìn con, chẳng nói chẳng rằng, bỏ về. Đêm ngủ vật vã, khóc không thành tiếng: “Mày đã sáng mắt chưa con?”
Tình cảnh của chị Đào, chị Tuyết chẳng khá hơn Linh. Hàng dọn ra rồi lại ngán ngẩm dọn về. Kéo dài mãi cảnh này, mấy chị em không ngả nón ăn xin thì cũng ngả phản làm điếm.
“Dốc Mù khách nhiều. Ba chị em mình tha hồ mà bán”.
Nhặt lại được cuộn len lem luốc bụi bặm và tàn thuốc lá, Linh mạnh dạn rủ thêm lần nữa.
“Sợ đếch gì” - Chị Đào tắc lưỡi, phẩy tay - “Sống chết có số”.
Kể từ bữa ấy, quán nướng Dốc Mù của ba chị em Linh - Đào - Tuyết  ra đời.
*
*     *
Chập tối là sương mù ùa về kín đặc. Bóng đèn cao áp khê vàng chỉ càng làm cho sương mù đặc sánh lại. 
Ba chị em í ới đúng giờ ấy, điểm danh đầu dốc, hò nhau dựng lều dựng bạt. Quan trọng nhất là tám cái cọc trụ phải chắc chắc. Bạt tung ra, quây kín ba bề, bốn bên, chắn gió, chắn mưa. Bàn ghế bày ra. Lửa nhen lên bập bùng. Mùi ngô nướng thơm xôn xao xua đi cái lạnh lẽo liêu trai trên đỉnh Dốc Mù. 
Khách du lịch còn lũ lượt lên Dốc Mù thì chị em Linh còn đất làm ăn.
Linh chỉ khác chị Đào, chị Tuyết ở đoạn mời khách. Hai chị đon đả bao nhiêu thì Linh lặng lẽ bấy nhiêu. Cả tối, từ lúc sắp được hàng, nhen được lửa, Linh chỉ cắm mặt vào chậu than rừng rực cháy. Lửa tàn thì chêm than mới. Gió tạt thì che chắn cho than khỏi lụi. Khách vào, tự kéo ghế ngồi. Muốn ăn gì thì Linh làm. Chả cười chả nói. Có người tưởng Linh bị câm. Linh chả thanh minh. Có khi câm được, điếc được còn đỡ khổ hơn.
Chậu than của quán Linh lúc nào cũng đượm lửa nhất. Lửa bén đều, không bốc cao làm khét đồ ăn. Không liu diu dễ bị gió tạt tắt. Đồ ăn của Linh cũng xếp ngay ngắn nhất. Trứng nướng. Thịt nướng. Khoai nướng. Xôi nướng… Cái gì cũng nóng hôi hổi. Khách xa tới thường không chịu được khí hậu xứ này. Nước nóng vừa nhấp đầu môi, vào trong bụng đã nghe lạnh ngắt. Xôi nướng ăn mãi không thấy no. Trứng nướng ăn mãi vẫn thấy thiếu thiếu. Giá lạnh làm cho chân tay run rẩy. Trai gái ngồi cạnh nhau, choàng tay qua nhau vẫn thấy buôn buốt. Cảm giác thèm được sưởi ấm níu khách lại. Được ngồi chung bên một bếp lửa. Nghe tiếng lửa liếm than ràn rạt. Cảm nhận được những sóng lửa tỏa nhiệt nhẫn nại, bền bỉ giữa đỉnh Dốc Mù quần quật gió.
Linh mới hai mươi, Linh cũng thèm lửa…
Quán của Linh kẹp giữa quán của chị Đào và chị Tuyết. Vậy mà lúc nào Linh cũng phấp phỏng cảm giác mình có thể bị gió cuốn thốc đi bất kì lúc nào. Lúc nào cũng cảm giác chênh chao, như người không trọng lượng. Phía sau quán là vực, phía trước quán là ngã ba. Ngã ba đặc sánh sương mù và vung vãi gió. Linh chỉ dám nhìn vào lửa, thấy lửa còn ấm là mình còn sống…
Quán hàng ba chị em liền nhau, nhưng hàng chị Đào lúc nào cũng đắt hàng nhất. Chị có tướng đàn ông, có khiếu hài hước. Khách vào ăn hàng, dúm dó lại vì lạnh, vì gió thốc. Nhưng chỉ một lúc là lăn lóc ngồi cười, cười chảy cả nước mắt, cười toát cả mồ hôi tóc, chả còn thấy lạnh đâu.
Linh ngồi bên cạnh, nướng đồ giúp chị bán hàng. Mặt chúi vào lửa, nghe khách cười mãi như trẻ con vào cơn hờn khóc không nín được, lòng giật mình tự hỏi: sao mình không cười được ta?
Linh kiệm lời, nên khách vào cũng ít hơn. Nhưng chả hôm nào Linh sợ ế ẩm vì có chị Đào, chị Tuyết xúm vào bán hộ. Dưa chuột, củ đậu hàng chị vẫn còn, nhưng chị vẫn luôn mồm giục Linh gọt bê sang cho khách bên ấy, vì “hàng của em nó tươi hơn”. Linh chưa bao giờ nói cảm ơn chị Đào, chị Tuyết. Khi đã thân nhau đến một độ nhất định, lời cảm ơn có khi lại làm cho người khác phật ý. Buổi đầu dựng quán ở Dốc Mù, chị Đào đã tuyên bố: “Khách vào quán Dốc Mù là khách chung. Không tụ vào nhau thì trụ làm sao được ở con dốc khắc nghiệt này?”
Lúc nào ba chị em cũng cùng đợi nhau hết khách rồi mới dọn hàng về. Chị Tuyết, chị Đào lúc nào cũng có chồng đến dọn hàng cùng. Ban đầu, lúc nào mấy anh chị cũng xúm vào giúp Linh. Vừa giúp vừa mắng cái thằng chồng đẹp mã chỉ giỏi bùm chíu, vô trách nhiệm với vợ con. Vừa giúp vừa xót xa con em rờ rỡ như hoa đỗ quyên mà phận mỏng duyên ôi. Nghe mãi, nghe mãi, Linh thấy mình giống như bát cháo bắt đầu vữa ôi ra rồi. Cháo vữa mà vẫn phải cho lên miệng mà nuốt, mà cười. Để khỏi phải nuốt cháo vữa, Linh thường mượn cớ ở lại, kiếm chút khách vét để về sau. Đợi hai cặp vợ chồng rổn rảng chở nhau về cuối dốc, Linh mới đứng dậy, lụi cụi thu dọn một mình.
Một lần như thế, Sàng đột ngột xuất hiện. Như chui từ lòng núi mà lên. Mặt mũi chân tay xám ngoét. Chỉ có con mắt là đỏ rừng rực như lửa.
Sàng chẳng nói chẳng rằng, dỡ mái che, quấn bạt, xếp gọn lại một đống. 
Linh chẳng nói chẳng rằng, buộc hàng vào sau xe, phăng phăng lao xuống dốc. Mặc Sàng ở lại. Như không hề quen biết.
Chuyện không ai hay, chỉ biết tuần sau Linh bị chồng dội cả phích nước sôi vào người. May mà nước đun từ hôm trước, nên Linh chỉ nghỉ mất vài buổi hàng để ở nhà bôi thuốc.
Từ đấy, Sàng biến mất hẳn khỏi cuộc đời Linh. Không tăm tích.
*
*     *
 Trời càng về khua, sương càng giá buốt. Mù nặng thành mưa. Mưa quất chiu chít vào da thịt Linh, rát như phải bỏng. Bỏng thì cũng phải dọn quán cho xong. Linh liêu xiêu tháo dây, quấn bạt. Bạt thấm gió, thấm nước, nặng như đá tảng. Cả người Linh loạng choạng như lá trúc gặp bão. Tay Linh lạnh cóng, các đầu ngón tay mất cảm giác. Cánh mũi chảy nước ròng ròng vì gió lộng. Linh hì hụi dồn hàng hóa vào hai thùng, chất sau xe. Xe bò từ đỉnh dốc xuống, không khác gì lao xuống vực. Có lúc Linh nhắm mắt lại. Thả lỏng cơ thể. Để trôi đi… trôi mãi vào không cùng…. 
Lần nào cũng thế, lúc Linh bắt đầu trôi xuống đáy vực thì tiếng con bé lại vẳng vẳng bên tai:
- Mẹ nhớ về sớm với em nhé.
Nước giàn giụa trên mặt Linh. 
Dốc Mù lúc nào cũng trĩu nặng nước. Mặn chát.
*
*     *
“Làm sao mà cứ rúc cái mặt vào chậu than thế. Ngẩng mặt lên, cười cái xem nào. Khách qua khách lại cất lên một tiếng mời chào xem nào. Cái con bé này. Lạ thật.”
Kệ chị Đào mắng sa sả, Linh vẫn cứ cắm mặt vào chậu than. Mặc kệ gió hồng hộc thổi thốc tháo vào tấm bạt che. Mối bận tâm lúc này của Linh là lửa.
- Em cười cái xem có xinh không nào?
Gã khách người thành phố, má phinh phính, săm soi nhìn Linh.
Linh dúi mặt vào chậu than đang ửng lửa, tránh ánh nhìn bỗ bã kia. Bỗng nhiên Linh thấy một bên dép giật ra khỏi chân. Linh hốt hoảng co người lại. Gã khách cười ồ ồ khoái chí, lật ngang lật ngửa cái dép rách của Linh
- Người đẹp mà đi cái dép rách thế này hả? Để anh hàn lại cho nhé.
Chị Đào nhìn xéo sang:
- Em nó là gái có chồng rồi, cậu đừng trêu ghẹo kẻo mà tội nghiệp.
Gã khách càng có cớ nhìn xoáy vào mặt Linh. 
- Em nói thật lòng mà chị bảo trêu ghẹo gì. Chị cho em số điện thoại của cái thằng tên là Chồng để em nói chuyện. Trẻ thế này, xinh thế này, sao lấy chồng sớm thế em? Chồng đâu mà phải lọ mọ một mình cho khổ. Về phố với anh không em?
- Chị nói thật, chồng nó ghen lắm. Đàn bà con gái có chồng rồi, khổ lắm. Thôi em tha cho nó.
- Ơ, cái chị này. Ai mạnh người ấy được, em nhỉ?
Linh cơi lửa, chêm thêm than. 
Đám khách thành phố, giọng điệu sao giống hệt nhau. Giá mà cho được một mồi lửa. Giá mà cháy thành than được…
Có lúc Linh thắt lòng, tự hỏi: Sàng đi đâu? Liệu Quân - chồng Linh đã ra tay gì với Sàng? 
Linh nghe gã nói điều ấy trong một lần làm tình cao hứng. Linh nín thở chờ gã phun ra bí mật gớm ghê mà gã mới chỉ tiết lộ nửa kín nửa hở cho Linh phải chờ đợi, phải thèm. 
Quân biết được điều ấy? Gã xốc Linh dậy. Mắt vằn đỏ. Rồi gã ấn mặt Linh vào của quý của mình, bắt Linh làm bằng miệng, bằng tay, miễn sao cho gã khoái cảm. Gã thừa biết, có hì hụi trên cơ thể Linh, thì cũng chỉ như làm tình với một con cá chết mà thôi. Nên gã nghĩ ra cách mới để hành Linh. 
“Mày có muốn biết tin thằng Sàng không?”
Gã lồng lộn bắt miệng Linh, tay Linh giật liên tục.
“Mày có muốn biết thằng người tình của mày còn sống hay đã chết không?”
“Mày có muốn biết…”
Đến câu hỏi lần thứ bẩy thì cả mồm Linh giàn giụa cái thứ nước nhừa nhựa, gây gây.
Linh ôm miệng lao ra ngoài sân.
Sau cơn khoái cảm cao trào, Quân vật xuống giường, ngủ như một con lợn vừa bị chọc tiết. Mặc kệ Linh vẫn dúm dó cạnh gốc hoa đỗ quyên, tiếp tục trận nôn ra cả mật xanh mật vàng.
“Sàng ơi, Sàng ở đâu?”
*
*    *
Mấy hôm nay trời trở gió. Gió ùa về con dốc này ngày một dữ dằn hơn. Mái quán xô nghiêng xô ngả. Mấy cái cọc chống rùng mình như có động đất. Cái quán nướng đầu Dốc Mù thành ra như mảnh bọt bám đầu con sóng dữ. Khi nào thì bọt tan đây? Để chẳng còn phải rúc mặt vào chậu than. Chẳng phải nghĩ. 
Chỉ cần tan ra được…
Linh đã nhìn đống phích vỡ vụn trên sàn nhà ngổn ngang đầu mẩu thuốc lá, nhìn cơn nóng giận kéo xệch xạc gương mặt chồng mà ước mình cũng có thể tan vụn như đống phích ấy. Tan vụn đi rồi thì chả phải lo tối tối quàng quẩy thồ hàng lên đầu dốc. Chẳng phải bập bênh trên cái ghế nhựa què chân, buộc túm buộc tó cái lều bạt, lo gió thốc. Lỡ gió có ộc xuống, lều bạt không còn đã đành, mà đến cả cái thân hình bé mọn này chắc cũng bị táp dạt vào đâu đó rồi. 
Thôi thì tan đi đâu thì tan đi cho xong.
Khỏi phải bước chân về nhà đã thấy bùm chíu… bùm chíu… Khỏi phải gặp lại những cơn nôn lộn ngược cả ruột gan. Khỏi phải thấy bát đũa quăng khắp sàn. Đầu mẩu thuốc lá quăng khắp sàn. Cằn nhằn quăng khắp sàn. Ê chề quăng khắp sàn.
Tan được đi đâu thì tan.
Nhưng muốn mà không tan đi được. Linh nhất định không thể tan được.
“Mày bỏ tao, tao bóp chết hai đứa này rồi tao cũng chết luôn!”
Hai đứa bé con thô lố mắt nhìn mẹ. Con em vẹt tay lau nước chảy từ mắt mẹ, cho vào mồm mút. Thằng anh giang tay vụt bốp vào mặt con em.
- Ai cho mày ăn mẹ?
Con em gào lên. Thằng anh cũng gào lên. Linh cũng gào lên. Gào như một con sói hoang bị sa bẫy, không cách nào vùng thoát ra được.
Con nghe mẹ gào, đổ nhào vào mẹ, ôm chặt lấy mẹ. Chặt đến độ tay con đỏ dừ. Da mẹ bị tay con bấu cũng đỏ dừ. Nhưng con vẫn phải bấu chặt hơn nữa. Cứ như thể nếu bỏ tay ra, mẹ sẽ vỡ tan trong tiếng gào xé ruột xé gan.
Ba con sói sa bẫy đổ gục vào nhau, nát bươm trong đau đớn...
Từ ngày này sang tháng khác, Linh cắm mặt vào chậu than. Nhìn hết lớp than này đến lớp than khác biến thành tro. Linh thấy mình cũng như tàn tro ấy thôi, nhưng vẫn cứ phải cố rực lên mà nhen thêm chút lửa…
*
*    *
Gió…
Gió như con ngựa hoang bị truy sát, hồng hộc, lồng lộn thở trên đỉnh Dốc Mù. Mưa quất vun vút trên mái bạt. Chị Đào, chị Tuyết thấy thời tiết xấu, ra sức cản, nhưng Linh vẫn gồng gánh lên Dốc Mù nhen lửa. Linh sợ một ngày đỉnh Dốc Mù không có lửa, lúc ấy Linh cũng chẳng còn gì mà chờ đợi nữa…
Dựng xong mấy tấm bạt quây quanh quán, Linh lập bập nhen lửa. Lửa lóe lên rồi lại tắt phụt. Gió hung hãn giật tấm bạt buộc lỏng tay, quăng vào mặt Linh. Vừa lúc lửa kịp lóe lên. Sáng rực như một ánh sao băng. Cả đỉnh Dốc Mù rừng rực cháy trong đêm…
*
*     *
Tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở thị trấn Bạc đã hơn mười năm. Khách đến đây mỗi năm một tăng. Ai cũng hỏi thăm về Dốc Mù. Một dạo, người liên tục mất tích ở Dốc Mù, chính quyền địa phương cấm không cho các tour du lịch dẫn khách lên trên ấy nữa. Có điều chưa ai giải thích được là đêm nào dân thị trấn cũng thấy lửa nhen lên trên đỉnh Dốc Mù nhưng khi đến nơi thì chẳng thấy gì hết. Chỉ nghe tiếng gió mẹ gió con khóc than, rên xiết. Chỉ thấy mù lối, mù trời. Người trước bước người sau không thấy lối. Hơi thở thào thào qua gáy mà không thấy người. Bà tôi dặn: đàn bà con gái đừng qua nơi ấy… 
Tôi không biết gì về Linh…
Trại viết Văn nghệ Quân đội
Hà Nội - Sa Pa, 5-2013
P.Đ

                                     Cùng với Phong Điệp tại khu du lịch Bắc Hà Lào Cai
Các nhà văn trại viết Sa Pa thăm dinh thự Hoàng A Tưởng

3 nhận xét:

Góp ý nói...

Tôi biết Nhà văn Phong Điệp, nhưng hoặc giả người không biết, họ sẽ tờ lờ mờ về Phong Điệp, nếu chỉ đọc những lời giới thiệu của bạn Congthe.
Không có chức "Trưởng ban báo văn nghệ trẻ".
"Chủ bút" thì càng không phải với Phong Điệp.
Giới thiệu bạn bè là thịnh tình, nhưng nếu như giới thiệu không đúng đôi khi lòng tốt làm hại bạn bè. Vì vậy Congthe nên xem xét và cẩn trọng trong viết lách.

congtheblocg nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
congtheblocg nói...

Congthelc chân thành cám ơn lời góp ý. Congthe đã sưa lại ngay. Xin cho biết quý danh để tiên nhân cảm tạ.

Bài đăng phổ biến