Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Mất tích


.NGUYỄN THÁI SƠN

1: Trưa. Trời hừng hực nóng bóc đi lớp xiêm y sương khói phủ thung sâu, để lộ ra mầu xanh mướt mát chập trùng. Sau gần một giờ theo bước chân các chiến sĩ trinh sát dẫn đường, cục trưởng Thìn và trưởng phòng Luận đã tới chỗ cái kho bị bỏ quên. Đúng như báo cáo của chỉ huy đơn vị công binh, kho là chiếc hang ở lưng chừng núi, khuất trong đám dây leo chằng chịt, nồng nặc mùi phân dơi ẩm mốc. Cửa hang hẹp, lòng hang khá rộng và nhiều ngõ ngách. Cậu trinh sát nâng cao ngọn đèn lét ánh sáng chói lòa. Mọi người cùng ồ lên khi nhìn thấy trên vòm hang những chùm nhũ đá lóng lánh. Ông Thìn xăm xăm bước tới chỗ để vũ khí. Tay ông vừa chạm vào, tấm bạt phủ đã rơi lả tả, những khẩu pháo cối đầy dầu
mỡ xỉn mốc hiện ra:
- Tất cả đều là cối 120. Ngay tuần này, cậu phải cho chuyển về kho Quân khu để bảo quản - Ông Thìn ra lệnh. 
Luận muốn đề nghị chuyển về kho tỉnh đội cho gần, song không biết thế nào anh lại buông hai tiếng: “Vâng ạ”. Những khẩu cối được niêm cất ban đầu cẩn thận, vì vậy dù đã qua mấy chục năm, pháo gần như còn nguyên vẹn, chỉ bị hư hỏng phụ tùng và kính ngắm. Đi kiểm tra hết một vòng, ông Thìn nhìn đồng hồ:
- Cậu vào sâu nữa, xem còn gì không?
Luận ra hiệu cho cậu chiến sĩ trinh sát cầm cây đèn đi theo, hai người len lỏi vào một ngách hang hun hút, mãi chưa thấy trở ra. Ông Thìn đứng đợi sốt ruột, hỏi vọng vào:
- Còn thấy gì nữa không?
- Báo cáo thủ trưởng. Còn mỗi cái ănggô. 
Luận cúi xuống nhặt cái hộp nhôm sơn xanh dưới chân.
- Thế thì ta rút thôi.
Họ đi ra khỏi hang. Luận bước đến bên ông Thìn:
- Có một người tên là Đá ở hang này thủ trưởng ạ. 
- Tên là Đá à? - Ông Thìn khựng lại - Nhưng tại sao cậu lại biết?
- Báo cáo thủ trưởng, vì cái này ạ. 
Luận đưa ra cái ănggô. Ông cục trưởng đón lấy săm soi hàng chữ khắc trên đó, gương mặt như giãn ra hoan hỉ:
- Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi, nguồn gốc cái kho này không phải như các cậu và đội làm đường nói đâu.

2.
Đêm trong veo nghe rõ cả tiếng lá rơi xào xạc trên ban công và tiếng dế cựa mình rỉ rả ngoài đầm sen. Mảnh trăng cuối tháng mỏng như nét bút của ai đó ngẫu hứng phẩy lên trang giấy dát kim tuyến với đủ sắc màu. 
Minh họa: Lê Trí Dũng
Đang chờ tín hiệu trả lời từ đầu dây bên kia, nhìn đồng hồ đã hai mươi ba giờ, nghĩ chắc Dự đã ngủ, cục trưởng Thìn bấm phím hủy cuộc gọi. Nhủ thầm, không điện nữa, sáng mai phải trực tiếp xuống Thanh An, ông kéo ghế, bật đèn bàn, mở quyển nhật ký mà ông đã viết từ thủa còn là trợ lý chính sách tỉnh đội. Quyển sổ nhầu nhĩ, mốc mác, hằn lên dấu ấn thời gian nằm im cùng đống sách, báo cũ trong ngăn tủ đã hàng chục năm, được ông lục lại sau hôm đi kiểm tra kho vũ khí bị bỏ quên về. Ông cầm lên thổi bụi, vuốt phẳng những nếp giấy nhăn nhúm, rồi hối hả tra cứu, háo hức reo lên. Đây rồi, Đá. Cậu công vụ đang giúp ông xếp lại đống sổ sách giấy tờ, tưởng thủ trưởng bảo lấy cho hòn đá, vội ra ban công nhặt hòn cuội trắng trong chậu cây cảnh mang vào. Ông Thìn cười khà khà. Cậu nhầm rồi, Đá là tên một người tớ ghi trong quyển nhật ký này, chứ không phải đá ấy.
Ông cục trưởng lật nhanh trang 36.
Ngày 12 tháng…
Trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra. Hôm nay lần đầu tiên mình gặp một trường hợp đặc biệt. Quân nhân Nguyễn Văn Đá đến cơ quan trưng ra tờ giấy báo mất tích. “Thế giấy tờ tùy thân của anh đâu?” Mình hỏi. Đá gãi tai lúng túng: “Báo cáo tôi chưa có”. “Thế thì lấy cơ sở đâu để chúng tôi hủy giấy báo này, khi chưa khẳng định được tên anh ghi trong đó?” Câu hỏi của mình có lẽ đã làm cho Đá nhận ra sự vô lý. Anh ta ra về với tâm trạng lộ rõ vẻ thất vọng. Thấy vậy mình đứng lên: “Mà tại sao, anh lại chưa có?” Đá quay lại kể cho mình nghe chuyện ba người, với cái kho ở lưng chừng núi. Sao lại trớ trêu đến thế? Mình không tin những gì Đá nói là có thật.  
Ngày 09 tháng Ba…
Đá lại đến. Mình hỏi: “Anh có quyết định phục viên rồi à?” “Chưa. Nhưng tôi đã có những giấy tờ này”. Mình đón tập giấy trên tay Đá. Ba tờ giấy vở học sinh, tất cả đều viết tay rất nắn nót. Một tờ xác nhận của chính quyền địa phương, Đá đúng là người ghi trong giấy báo mất tích. Một tờ đơn đề nghị. Tờ còn lại là bản tóm tắt quá trình tại ngũ của Đá. Mình đọc qua, thu lại giấy báo quân nhân mất tích, trả lời như một cái máy: “Anh không tìm được đơn vị cũ, về địa phương lại chẳng có một loại giấy tờ gì, tỉnh đội không có cơ sở giải quyết. Chúng tôi đành phải chuyển toàn bộ hồ sơ này lên cấp trên đề nghị xem xét. Anh cứ yên tâm về đi, có thông tin gì, sẽ có người thông báo tới anh”. “Tôi đang bị coi là thằng tự thương, đào ngũ, khổ lắm, đề nghị các anh cố gắng giải quyết sớm cho”. Đá nói mà như sắp khóc. Mình vội quay đi.
Ngày 02 tháng Sáu…
Chưa đến giờ làm việc đã thấy Đá đứng đợi ngoài cửa, vừa thấy mình anh ta đã hỏi: “Cấp trên đã giải quyết trường hợp của tôi chưa?” Mình không giấu được vẻ lúng túng. Hồ sơ của anh ta đã gửi đi ba tháng rồi, vậy mà cách đây một tuần mình điện hỏi, ông trưởng phòng lại gắt lên: “Chiến tranh hơn ba mươi năm, chúng tôi còn cả vạn hồ sơ, chứ đâu phải chỉ có một trường hợp đất đất, đá đá của ông mà giải quyết ngay được”. Không biết trả lời Đá thế nào cho phải, mình đành lập lờ: “Chưa. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ không lâu nữa đâu anh ạ”. Mặt Đá buồn hiu: “Nói thật với anh, tôi không đòi hỏi phải giải quyết chế độ tiêu chuẩn gì, chỉ cần cấp trên chứng nhận quá trình tại ngũ của tôi đúng như đã khai là đủ”. Đá ra về, mình cứ vẩn vơ nghĩ, không biết trong hàng vạn hồ sơ ấy, bao giờ người ta mới xem xét đến trường hợp của Đá?
Đọc đến đó ông cục trưởng đứng dậy tắt ngọn đèn bàn. Bởi sau ngày viết những dòng nhật ký này không đầy một tuần, ông đã nhận quyết định chuyển đến đơn vị khác. Từ đó không có một dòng nào viết về Đá nữa.
Đêm dần về sáng. Mưa. Bắt đầu là những hạt rơi thúc thắc rồi nặng dần, ông cục trưởng vẫn không sao ngủ được. Hàng chữ khắc trên cái ănggô, và câu chuyện mà Đá đã kể năm nào, hôm nay ông đã tin đó là sự thật.  
Sau ba mươi tháng Tư năm 1975, những người làng Rạch từ chiến trường lần lượt trở về. Theo lẽ thường mười bốn người ra trận, sáu người nằm lại, phải có tám người về. Nhưng đến ngày cuối cùng của năm, Nguyễn Văn Đá người xóm Đông vẫn biệt vô âm tín. Năm bảy sáu mọi hy vọng tắt ngấm, gia đình quyết định chọn ngày mồng một tháng năm lập ban thờ, thì mồng bốn nhận được giấy báo Đá mất tích, mồng tám đột nhiên Đá về - khỏe khoắn gần như nguyên vẹn, chỉ thiếu ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải.
Trưa hè nắng như đổ lửa, dân làng kéo đến kẹt cứng. “Sao bây giờ anh mới về?” Họ hỏi Đá. Đá cười khì khì. “Mới biết giải phóng miền Nam cách đây ba tháng”. Mọi người nhìn nhau, nhìn Đá, như thấy người vừa xuống từ đĩa bay. Có tiếng xì xào lan ra. “Vô lý…” Đá trầm tư. “Thưa các ông, các bà. Đúng là thế đấy ạ”. Anh trung đội trưởng dân quân gật gù. “Cậu Đá mất hai ngón tay thế kia, là cậu ấy nói không sai đâu”. Có ai đó vặc lại. “Mất hai ngón tay chứ có phải đui mù, điếc lác gì đâu, mà thống nhất đất nước gần một năm mới biết?” Trung đội trưởng dân quân trừng mắt. “Đồ ngu, ngón tay ấy là ngón tay siết cò súng, đã có kẻ đã tự thương để khỏi phải ra trận, nhưng sợ lộ rồi lẩn trốn. Mà đã trốn chui, trốn lủi, thì làm sao mà biết đến ngày giải phóng?” rồi bấm người đứng cạnh. “Muốn biết tôi nói đúng hay không, ông đến hỏi cậu ta xem bị thương ở trận nào?”. Người đàn ông lách đến bên Đá, tế nhị ghé vào tai anh. Rất nhanh, anh ta quay lại chỗ trung đội trưởng dân quân thì thầm. “Cậu ấy bảo mất hai ngón tay là bị rắn cắn”. Trung đội trưởng dân quân mặt ngời lên. “Tôi đã bảo mà”. Chuyện giữa hai người như vệt dầu loang, chốc lát cả sân người đã biết, chỉ có Đá là không. Đám đông nhanh chóng giải tán trong tiếng rì rầm bàn luận, Đá ngỡ ngàng không sao hiểu được chuyện gì đã xẩy ra. 
Làng Rạch nhỏ, ngay hôm sau tin Đá tự thương lẩn trốn, đã bùng lên như đám cháy rừng. Đá đến thăm nhà ai cũng thấy họ dửng dưng, lạnh nhạt, nhiều người còn lấy lý do bận phải ra đồng đuổi khéo. Trong lòng nghi nghi, hoặc hoặc, về nhà Đá hỏi. “Làng mình có chuyện gì ấy nhỉ?” Bà Thu mẹ của Đá cùng vợ chồng người anh cả đang ngồi bên bàn nước, chỉ chờ có thế. “Chú về thì giấy tờ đâu?” Anh cả đứng lên chìa bàn tay ra. “Em chưa có giấy tờ gì, đang định vài hôm nữa sẽ lên Tỉnh đội, để đề nghị giải quyết”. Đá trả lời hồn nhiên. Bà Thu khóc òa. “Thôi thế thì đúng như người ta nói rồi, con ơi là con, con đã bôi gio trát trấu vào mặt cả họ này rồi”. Đá đứng như trời trồng, ngơ ngơ, ngác ngác. “Người ta nói gì hả mẹ?” Anh cả bật dậy như cái lò xo. “Người ta bảo, chú tự thương để trốn trận mạc, nhưng sợ bị phát hiện đã lẩn trốn, vì thế đến giờ mới biết đất nước thống nhất”. Đá tái mặt, dậm chân thình thịch xuống nền nhà. Trời ơi, không phải thế, không phải thế... 
Năm đi B, ngoài quân tư trang và vũ khí cá nhân, đơn vị pháo binh của Đá còn phải mang theo cối 120 ly, với quyết tâm vào chiến trường là chiến đấu được ngay. Những ngày đầu hừng hực khí thế, nên đơn vị đều hoàn thành chỉ tiêu cung đường đặt ra, nhưng những ngày sau đó trèo đèo, lội suối, sức lính yếu dần, không hoàn thành được chỉ tiêu nữa. Hành quân được khoảng hơn ba tháng, thời tiết chuyển mùa. Mưa triền miên, sông nước đầy ứ, cuồn cuộn gầm réo, mang pháo vượt qua thì tính mạng chẳng khác gì ngàn cân treo sợi tóc. Nhìn lại, quân số ốm đau bệnh tật, rải rác nằm lại dọc đường đã lên đến một phần ba. Lúc đó Ban chỉ huy mới nhận định, nếu cứ quyết tâm mang pháo theo, thì không còn ai có thể đủ sức vào đến chiến trường, vì vậy phải để pháo ở lại. 
Khu vực ấy là rừng nguyên sinh, có núi đá tai bèo lởm chởm, đêm đêm đã nghe thấy tiếng bom đạn đạn vọng về. Có hai phương án được đặt ra. Thứ nhất, tìm một cái hang, cất pháo vào đó, cử người ở lại trông coi. Thứ hai, chôn pháo xuống đất đánh dấu tọa độ, khi có điều kiện đến lấy lại. Sau một hồi bàn bạc, chỉ huy quyết định chọn phương án một. Đá và hai người nữa, là Hảo ở Ninh Bình, Đông ở Hải Dương, được phân công ở lại làm thủ kho. Khi giao nhiệm vụ, thủ trưởng nói chắc như đinh đóng cột, sau khi biên chế vào đơn vị chiến đấu, sẽ cho lực lượng quay lại đón người và mang pháo về. Quyết định ấy là sáng suốt, ai cũng thở phào. 
Hang ở lưng chừng núi rất rộng và sâu, sau bốn ngày sắp xếp ba người đã ổn định được kho tàng và chỗ ăn ở. Tuần đầu, họ chỉ có mỗi việc ăn và ngủ xả hơi. Tuần thứ hai vẫn an nhàn thảnh thơi, nhưng sang tuần thứ ba thì bắt đầu nhận ra sự lẻ loi hoang vắng của rừng già. Ba mươi ngày, sáu mươi ngày, rồi chín mươi ngày trôi qua, không có lực lượng nào được cử đến, họ cứ như đứng trên tổ kiến lửa. Một hôm, Đông đếm số vạch khắc đánh dấu thời gian trên thân cây trước cửa hang, thốt lên. Trời ơi đã gần nửa năm, chắc thủ trưởng quên chúng ta rồi.
Câu nói vô tình như giọt nước làm tràn ly, mặt đỏ phừng phừng Hảo nâng AK lên nghiến răng siết cò. Mẹ nó, thế này mà cũng gọi là đi chiến đấu à? Hai ông ở lại, ngày mai tôi sẽ đi tìm đơn vị. Đêm ấy ba người thức trắng, sáng hôm sau Hảo đi theo góc phương vị xuống núi. Còn lại Đá và Đông, hy vọng lóe lên. Đông tính, chậm nhất chỉ một tháng, sẽ có người lên đón họ và mang pháo về. 
Vào thời điểm Hảo đi được khoảng năm, sáu ngày, hôm ấy Đá và Đông vác súng đi săn, đến vị trí cách hang khoảng bốn cây số, cả hai bủn rủn, bởi chân dẫm lên khẩu AK, bên cạnh còn vương vãi những mảnh áo quần rách nát, loang lổ máu, đông cứng thâm sì. Nhặt khẩu súng lên Đá và Đông chết lặng, nhận ra đó là khẩu AK của Hảo. Đông nhìn quanh bảo, Hảo không phải gặp thám báo, biệt kích, mà đã vô tình đi vào đúng vị trí con mồi mà hổ, hoặc báo đang rình. Thế là mọi hy vọng về chuyến đi của Hảo tắt ngấm. 
Rất nhiều đêm Đá và Đông đã bàn, bỏ cái hang đá để đi tìm đơn vị, nhưng lại sợ không có người trông coi, thám báo biệt kích phá hoại. Mà một người ở lại, một người đi thì khó bảo đảm an toàn. Không còn cách nào khác, Đá và Đông phải tiếp tục sống trong ngóng trông vô vọng. Ngày ngày chỉ biết làm những công việc tẻ nhạt là đào xới, săn bắn tìm kiếm miếng ăn, như những người rừng. 
Còn vết thương của Đá là do một lần đi lấy củi, thấy lẫn trong lớp lá ẩm mục có một cành cây khô mốc đen sì, Đá vô tình nhặt lên, không ngờ lại là con rắn hổ mang, trong chớp mắt nó quấn lấy cổ tay và đớp luôn vào ngón trỏ. Bủn rủn cả người, Đá hét lên. Đông lao đến gạt con rắn ra, rất nhanh đè bàn tay Đá vào thân cây vung dao chặt luôn hai ngón. Máu tuôn ra xối xả, Đá lịm đi không biết gì nữa. Đông băng bó và đưa Đá về hang. Hôm sau Đông giải thích: Không có thuốc đặc trị, chỉ có cách ấy mới cứu được mạng. 
Minh họa: Lê Trí Dũng
Thời gian trôi đi, những vết khắc đếm ngày tháng trên thân cây đã cao vượt cả đầu người, nhiều vết khắc đã liền sẹo. Đúng ngày Đông khắc vào thân cây vết thứ 1670, hai đứa chẳng biết hứng chí thế nào, lại rủ nhau ra suối Gắm cách hang cả nửa ngày đường, để ngụp lặn mò cua, bắt cá. Dòng suối xanh mát và thanh bình. Có rất nhiều bè mảng chở tre, gỗ về phía hạ nguồn. Ngỡ ngàng, Đá bơi đến gần một thợ sơn tràng hỏi. Chở gỗ về đâu đấy bác? Ông ta trả lời. Chở về thành phố, để mấy ông cách mạng dựng trường học? Sửng sốt, vồ vập Đá lại hỏi. Giải phóng rồi à? Người đó lạ lẫm nhìn Đá cười ngất ngưởng. Ủa, anh hai từ trên trời rơi xuống hay sao mà không biết. Giải phóng gần năm lận!
 Đá và Đông nghe vậy, sướng phát rồ, cứ thế tồng ngồng leo lên bờ, tưng tưng, hò hét. Tối về không ai bảo ai đều nghĩ. Giải phóng rồi còn lo gì biệt kích, thám báo phá kho, phải xuống núi ngay để tìm đơn vị. Thế là không kể đêm tối, hai đứa ba lô khăn gói lên đường. Khi mặt trời vừa ló, Đá và Đông đã có mặt ở suối Gắm, đi nhờ bè mảng của dân về xuôi. 
Sông nơi thượng nguồn hung dữ vô cùng, đẩy bè mảng lên thác xuống ghềnh chỉ không có bom đạn còn vất vả, hiểm nguy chẳng thua kém gì vượt Trường Sơn. Nước gầm réo quật bè mảng vỡ hàng chục lần. Đá và Đông không quen sông nước cứ bị quăng đi quăng lại như khúc gỗ. 
Bè xuôi được hai ngày thì gặp một cái thác bậc thang, dốc như tường thành. Trước khi vượt, ông chủ đầy kinh nghiệm đã cho dừng lại củng cố bè mảng, và cảnh báo nguy hiểm. Nhưng không ngờ, thác lại hung dữ đến thế. Bè vừa lao xuống bậc thứ nhất nó đã tan thành ba mảnh. Đá và hai người nữa thoát chết, vì túm được sợi dây kẹt lại, còn Đông và ông chủ bè thì mất tăm. Nhìn dòng nước cuồn cuộn tung bọt trắng xóa, hai anh thợ sơn tràng bảo. Hổng hy vọng gì đâu. Họ nói không sai, sau bốn ngày lặn lội, Đá và hai anh thợ sơn tràng đã tìm thấy xác của Đông và ông chủ bè dạt vào một doi cát. Cả hai đều bốc mùi, lướp tướp nhầu nhĩ như đống giẻ rách vì bị cá rỉa. 
Đông mất không khác gì cơn lốc đến bất ngờ, hất Đá xuống vực thẳm. Hoang mang cực độ, chôn cất xong cả tuần rồi, mà Đá vẫn như cái xác không hồn, chẳng biết phải làm gì tiếp theo nữa. Ở nhà anh thợ sơn tràng đến tuần thứ ba, một hôm thấy có bộ đội hành quân qua ngõ, như thoát bóng đè, tỉnh táo trở lại, Đá vội từ biệt gia chủ nhập vào đoàn quân. Ngay tối hôm ấy, Đá đã được gặp chỉ huy đơn vị. Nghe Đá trình bầy, ông tròn mắt ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến đơn vị pháo binh có phiên hiệu như thế. Với anh hoàn cảnh lúc này là rất khó khăn, nên tôi sẽ cử người giúp anh, cùng đi tìm đơn vị cũ. Thế là Đá lần lượt được người của đơn vị sở tại, đưa đến các đơn vị đóng quân trong vùng để dò hỏi. Nhưng thật trớ trêu, ở đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, duy nhất có ông chỉ huy bộ đội địa phương gật đầu. Đúng, có đơn vị pháo binh này, nghe nói khi họ đang trên đường hành quân thì trúng bom B52 gần như bị xóa sổ, còn lại một số ít đồng chí thì được bổ sung vào chủ lực, nhưng không biết đơn vị nào. Câu nói của ông không khác gì dội nước vào đốm lửa, vừa được chính ông nhen lên, làm Đá suy sụp hoàn toàn. Không thể cứ đi mò kim đáy bể, theo lời khuyên của nhiều vị chỉ huy. Chuyện của Đá chỉ được tin là thật, khi người trực tiếp giao nhiệm vụ ở lại coi kho, hoặc những đồng đội cùng hành quân năm ấy xác nhận. Biết thế nên khi ra Bắc trước khi về nhà, Đá đã đến tất cả mười hai địa chỉ còn nhớ được, nhưng mười địa chỉ họ không về, còn hai thì đang ở trại điều trị thương binh nặng. Một tâm thần phân liệt, một chỉ còn sống thực vật, nên không ai nhận ra Đá…
Trời đã sáng hẳn. Tiếng kèn báo thức kéo ông Thìn bật dậy. Nung nấu ý định đêm qua, ông nhấc điện thoại: 
- Văn phòng đấy phải không? Chuẩn bị xe, để tôi xuống Thanh An ngay bây giờ nhé.

3.
Đêm qua chính ủy Dự không nghe điện thoại, nên sự xuất hiện của cục trưởng Thìn làm anh bối rối. Hiểu tâm trạng của cấp dưới, ông Thìn cười khà khà:
- Tôi xuống không phải để kiểm tra đâu. Xuống có tý việc cá nhân thôi.
Dự nén tiếng thở phào:
- Báo cáo anh. Việc gì đấy ạ?  
Ông cục trưởng xoay người về phía Dự:
- Này, ông còn nhớ trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Đá, thời tôi còn làm trợ lý chính sách, khi chuyển đơn vị bàn giao cho ông không?
Dự đưa tay lên bóp trán:
- Mấy chục năm rồi, em làm sao mà nhớ được đá với sỏi. Tốt nhất muốn biết anh em mình cùng em xuống ban chính sách hỏi thì ra ngay.
- Ừ, Thế cũng được.
Phòng làm việc của ban chính sách, chỉ cách nhà chỉ huy cái sân hẹp. Thấy hai người đến anh trợ lý đang ngồi đứng bật dậy giơ tay chào:
- Thôi, thôi. Cậu ngồi xuống đi - Ông Thìn không giấu được vẻ nôn nóng – Này ở đây các cậu còn lưu gì về hồ sơ quân nhân Nguyễn Văn Đá người Phú Lâm không?
Anh trợ lý vỡ òa: 
- Báo cáo thủ trưởng, có cả đống ạ.
- Cậu mang ra đây.
Anh mở tủ lấy ra một chồng giấy tờ, xếp chật mặt bàn:
- Báo cáo thủ trưởng cứ mỗi quý, ông ấy mang đến đây một tập thế này - Anh trợ lý cầm tập giấy được kẹp trong tấm bìa xanh giơ lên.
- Thế đã giải quyết xong chưa?
- Báo cáo. Cấp trên đã trả lời đến cả chục lần, là: không có cơ sở để giải quyết, nhưng chẳng hiểu sao ông ấy vẫn cứ gửi. Cách đây nửa năm em kiên quyết không nhận và mời về, ông ấy mới thôi lặn lội đến đây.
Ông cục trưởng sững sờ:
- Trường hợp này có từ thời tôi còn làm trợ lý. Tất cả những gì ông ấy trình bày trong hồ sơ đều là sự thật. Cậu lấy bộ ông ấy mang tới, trong thời gian gần đây nhất cho tôi.
Rất nhanh anh trợ lý chọn ra một tập,ông cục trưởng đón lấy rút bút phê ngay vào lá đơn. 
Tôi Trần Ngọc Thìn
Thiếu tướng. Cục trưởng Cục chính trị quân khu …
Chứng nhận nội dung đồng chí Nguyễn Văn Đá, trình bày trong đơn là đúng sự thật. Hiện số vũ khí giấu tại hang đá như nói trong tường trình, đã được chuyển về kho Quân khu đầy đủ, an toàn. Đề nghị cấp trên xem xét giải quyết cho đồng chí Đá (người coi kho) được hưởng mọi tiêu chuẩn chế độ theo quy định. 
                                               Thanh An, ngày… tháng… năm…
                                                            Trần Ngọc Thìn

4.
Đã hơn một tháng trôi đi, kể từ hôm ông Thìn xuống Thanh An, vậy mà chưa có thông tin gì về Nguyễn Văn Đá. Vừa đi diễn tập về, Cục trưởng đã đến bên điện thoại. Không muốn qua nhiều kênh, ông gọi trực tiếp cho đồng chí trợ lý chính sách. Từ đầu dây bên kia có tiếng anh thưa máy:
- Báo cáo thủ trưởng, tôi nghe đây ạ.
- Trường hợp ông Đá đã được giải quyết chưa?
- Báo cáo thủ trưởng trường hợp của bác Đá, đã giải quyết dứt điểm rồi ạ.
- Dứt điểm là thế nào? Ông cục trưởng hỏi lại.
Giọng anh trợ lý run run
- Báo cáo. Dứt điểm là vẫn như cũ thôi ạ. Bởi hôm thứ ba tuần trước em điện hỏi, anh Cung trưởng phòng đã trả lời. Căn cứ để giải quyết trường hợp của Nguyễn Văn Đá, phải là quyết định ra quân, hoặc phục viên, xuất ngũ, chứ không thể là chữ ký của bất cứ ai…
Ông cục trưởng bỗng thấy bải hoải, rã rời. Chỉ thêm vài giây nữa thôi là ông sẽ òa khóc. Không thể để nước mắt rơi lúc này, ông lao ra khỏi nhà, bần thần đứng nhìn khoảng không trước mặt. Từ phía chân trời vạch lên những ánh chớp xé dọc dải mây mầu chì. Mưa đang về đâu đó rất xa.
Trại viết VNQĐ
Sa Pa tháng 5 năm 2013
N.T.S

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến