Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Vô cùng thương tiếc

                       
Tác giả : Nguyễn Toàn Thắng ảnh : Đỗ Hiếu
        Phát thứ hai này là nhà văn Nguyễn Toàn Thắng lại đem lại cho bạn đọc một góc nhìn hóm hỉnh, hài hước mà chua xót...Góc nhìn không mới nhưng qua bút pháp của Toàn Thắng làm cho các tình tiết trở nên lấp lánh, hấp dẫn người đọc đến lạ.....








VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
Bà Hạnh ngồi lặng im như đá. Dẫu biết đời người tựa như áng mây bay, nhưng nỗi đau mất chồng là quá lớn. Chồng bà, nhạc sỹ danh tiếng Bảo Thành, từ khi bà biết đến giờ, vừa là người chồng, người anh, người thầy, người bạn. Bà và ông đã cùng nhau đi trên chặng đường gian nan nhất của cuộc đời, bao nhiêu sóng gió đều đã trải qua, đều được ông hoá giải bằng nụ cười đôn hậu của tâm hồn nghệ sỹ.
Ông tổ trưởng dân phố khẽ khàng đứng dậy, châm lửa, thành kính cắm nén nhang rồi chắp tay vái vong linh nhạc sỹ. Vốn yêu nhạc từ nhỏ, ông luôn hãnh diện được là hàng xóm với nhạc sỹ, lại được nhạc sỹ coi là bạn, chia sẻ với ông từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Bà quả phụ chắp tay vái đáp lễ. Bà bắt đầu cảm nhận được sự cô đơn của người nghệ sỹ. Dâng cho đời biết bao ca khúc từ trữ tình cho đến dân gian hiện đại, là bệ phóng cho bao giọng ca bay cao, bay xa, mà giờ đây, khi về với đất, thì trước ban thờ, chỉ có vài người thân và một ông hàng xóm tuy lắm điều nhưng tốt bụng. Sống với nhạc sỹ từng ấy năm nên bà cũng nhạy cảm, chứ bà rất hiểu, chẳng có lý gì để trách cứ người đời cả. Chồng bà yêu âm nhạc, nên được sống với âm nhạc, đã là điều hạnh phúc nhất trần gian. Đôi khi, bà cằn nhằn với ông là, ca sỹ họ hát bài của ông được cát-sê hàng chục triệu mà ông thì chẳng được đồng nào, thì ông chỉ hỏi, bà nghe họ có hát sai từ nào trong bài không, để tôi gửi lại cho họ bản nhạc chuẩn, bởi mỗi một từ một nốt nhạc đã được tôi lựa chọn kỹ lưỡng chứ không đơn giản đâu. Khi nhạc sỹ đã nói đến đó, bà chỉ thở dài mà không dám bình thêm câu nào nữa. Bởi bà sợ làm tổn thương tâm hồn nhạy cảm của chồng mình. Với ông, chỉ cần được nghe ca khúc của mình qua radio, trên truyền hình, hay kể cả qua những chiếc loa rao thuốc tẩy hàng ngày vẫn chạy quanh ngõ, đã là quá đủ để ông có thể lại say sưa ngồi trước đàn mà sáng tác.
Ông tổ trưởng hỏi, sao tôi không thấy nhà thơ Lê Trần Nguyễn và ca sỹ Nhạc Thi Hội đến viếng, hồi còn mồ ma nhạc sỹ, họ hay qua lại lắm cơ mà. Bà quả phụ bảo, họ là người của công chúng, bận lắm, lúc nào đến đây tôi cũng thấy họ sấp sấp ngửa ngửa, có khi còn chẳng kịp uống cốc nước. Ông tổ trưởng làu bàu, bận cái gì chứ, nghĩa tử là nghĩa tận, bỏ một buổi hát đêm diễn thì đã làm sao cơ chứ.
Vừa dứt lời, hai người ấy đã tiến vào cửa. Nhìn thấy họ, ông tổ trưởng cất tiếng chào có vẻ ngượng nghịu, bởi ông đã trách nhầm người. Ca sỹ Nhạc Thi Hội quỳ xuống, oà lên khóc nức nở. Thầy ơi, ca sỹ nói trong tiếng nấc, con không về kịp để đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, thầy đừng trách con nhé, thầy hiểu cho, con là người nghệ sỹ, mà nhiệm vụ của người nghệ sỹ khi đứng trên sân khấu thì thầy cũng biết rồi đấy. Nói xong quay sang nhìn bà quả phụ, cô ơi, con có lỗi quá. Bà quả phụ dịu dàng đỡ ca sỹ đứng lên, ôn tồn nói, cô không trách con đâu, con bận như thế mà cũng đến thắp nhang cho thầy, ở trên kia thầy cũng mát lòng mát dạ lắm rồi. Nhà thơ Lê Trần Nguyễn thì cố nén xúc động, đứng chắp tay trước ban thờ rồi đọc một bài thơ đưa tiễn. Bà quả phụ, ông tổ trưởng im lặng nghe, và đến khi dứt câu cuối cùng, thì cả hai không thể kìm được những giọt nước mắt đồng cảm. Nhà thơ Lê Trần Nguyễn thở dài, chị ơi, em vừa xong chương trình đọc thơ trên truyền hình là đến đây ngay, chị hiểu cho, là truyền hình trực tiếp nên em không thể trốn được, hàng triệu khán giả đợi em. Bà quả phụ gật đầu cắt ngang, chị hiểu chứ, em đến đây là chị mừng rồi, cứ tưởng em quên anh. Lúc này, nhà thơ Lê Trần Nguyễn mới oà lên, chị ơi, chị có thể mắng em là bất tài, là đầu óc như trên mây, nhưng không bao giờ em quên được những gì anh đã làm cho em. Không có những sáng tác của anh phổ thơ em, thì giờ này may ra em chỉ là thằng nhà thơ cấp phường ra rả đọc thơ cổ động sinh đẻ có kế hoạch là cùng. Tiễn hai người ra cửa mà bà Hạnh thấy ấm áp trong lòng. Ông ơi, bà nhìn lên ban thờ lẩm bẩm nói, các em các cháu nó không quên ông đâu.
Nhà thơ Lê Trần Nguyễn vẫn còn thương tiếc lắm. Nhạc sỹ vừa là bạn, vừa là thầy, làm sao không đau cho được. Nhà thơ ngày quên ngủ đêm quên ăn, còng lưng bên bàn viết, vừa viết vừa sụt sịt hồi tưởng về những kỷ niệm cùng nhạc sỹ. Bài viết về những sáng tác đầu tay của nhạc sỹ thì để dành cho báo tuổi teen, bài viết về tình yêu đầu đời của nhạc  sỹ thì gửi cho tạp chí chuyên đề tình yêu. Ít quá, chưa đủ để nói hết những nỗi niềm với nhạc sỹ, nhà thơ gõ tay vào trán, cố gắng phục hồi lại ký ức. À có rồi, chẳng phải cách đây hai chục năm mình đã từng đi công tác với nhạc sỹ bằng tàu hỏa đó sao. Thế là bài báo về một lần đi tàu với nhạc sỹ nhanh chóng được hoàn thành, gửi sang cho tạp chí chuyên ngành giao thông, vừa đúng tiêu chí báo ngành lại vừa có tính thời sự, vẹn cả đôi đường. Nhà thơ thở dài rồi tự nhủ, dù sao người qua đời cũng đã qua đời rồi, đau buồn quá liệu có ích gì. Vậy là lại cố nhớ những thói quen sinh hoạt thường ngày của nhạc sỹ để viết cho mục giai thoại văn nghệ. Nghĩ mãi mà chẳng ra, bởi nhạc sỹ quá cố không ở bẩn như một số nhà thơ, ngoại hình cũng chẳng bắt mắt như mấy ngôi sao nhạc rock, sinh hoạt thì điều độ không bia rượu không quán xá, đời sống gia đình thì lành mạnh một vợ một chồng, thế có ức không cơ chứ.
Cuối cùng cũng nhớ ra rằng lúc sinh thời, nhạc sỹ rất hay tập thể dục buổi sáng bằng bài Thái cực quyền. Tìm ra đề tài là phải viết, Lê Trần Nguyễn dùng toàn bộ trí tưởng tượng của mình vẽ nên một chân dung nhạc sỹ văn võ toàn tài. Câu chuyện nhạc sỹ lúc sinh thời, đã từng tay không bắt sống hai tên trộm vào vườn nhà mình ăn trộm khoai lang được viết theo phong cách hình sự. Khi thấy hai tên trộm lẻn vào, vị nhạc sỹ dùng khinh công lướt trên ngọn khoai lang, nháy mắt một cái đã đứng lù lù trước mặt hai tên trộm. Rồi nhạc sỹ dùng thế võ Trường xà quyển địa đá tên trộm thứ nhất ngã lăn ra. Tên thứ hai chưa kịp chạy đã bị nhạc sỹ dùng thế võ Liên hoàn Phượng dực khóa lại. Rồi nhạc sỹ ôn tồn khuyên bảo hai tên trộm, thả ra sau khi cho mỗi tên hai củ khoai về nướng ăn cho vui. Bài này nhà thơ gửi cho những tờ báo chuyên về vụ án. Càng viết càng xúc động, càng nảy ra nhiều tứ mới, nhà thơ bèn viết một bài bắt đầu bằng chữ Vô cùng thương tiếc gửi cho tất cả các báo, các tạp chí mà mình biết. Đăng thì đăng, chả đăng thì thôi. Tất nhiên chẳng báo nào từ chối tấm lòng của một người nghệ sỹ đang xúc cảm trước sự ra đi của đồng nghiệp.
Ca sỹ Nhạc Thi Hội, học trò cưng của nhạc sỹ thì buồn lắm. Mất cả một ngày không ra đường, cho dù hôm đó trời mưa tầm tã. Là ca sỹ kiêm bầu show, anh thấy mình có trách nhiệm phải làm những ca khúc của nhạc sỹ mãi vang xa, đầu tiên là phải vang ngay, bởi tác phẩm có hay đến mấy mà không được truyền tải rộng rãi thì cũng có nguy cơ rơi vào quên lãng. Vả lại, nếu không tổ chức được đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ Bảo Thành, Nhạc Thi Hội có cảm giác như mình còn mắc một món nợ tinh thần với người đã dìu dắt anh trên con đường nghệ thuật vốn chưa bao giờ bằng phẳng và rộng rãi. Anh gọi ngay cho nhà thơ Lê Trần Nguyễn để trình bày ý tưởng. Trầm ngâm một lúc, Lê Trần Nguyễn đồng ý, lại dặn là phải đến xin bà quả phụ nhạc sỹ làm cố vấn và sẽ là khách mời danh dự của chương trình. Nhạc Thi Hội gật đầu, nhà thơ quả là người biết suy trước nghĩ sau.
Hai người sắm một cái lễ rồi đến tư gia nhạc sỹ Bảo Thành. Đến ngõ, họ nhìn thấy ông tổ trưởng đang cần mẫn khơi thông dòng chảy của cái cống thoát nước. Ông tổ trưởng ríu rít chào họ từ xa, trong thâm tâm cảm thấy mình đã sai khi trách oan họ. Nghệ sỹ mà, họ thương nhau lắm, chỉ có điều họ luôn cư xử không như người thường. Nhà thơ Lê Trần Nguyễn đon đả rút một tập thơ ra tặng ông tổ trưởng, trang trọng viết lên dòng chữ Thân tặng người tri thơ, làm ông tổ trưởng vui mừng không bút nào kể xiết. Nhạc Thi Hội hào phóng tặng ông tổ trưởng một chiếc CD mới ra, bản đặc biệt bìa bằng giấy dó. Ông tổ trưởng gật gù, mấy đứa cháu ông chắc chắn sẽ thích bởi đây là là CD có chữ ký của ca sỹ. Chúng nó đang đua nhau sưu tập từ nón, dép, quần đùi, tất tần tật những đồ dùng liên quan đến các ca sỹ đang nổi.
Bà Hạnh chờ cho hai người thắp hương xong rồi mới ôn tồn nói. Tôi không hài lòng lắm với mấy bài báo của chú, chú Lê Trần Nguyễn ạ. Ông nhà tôi lúc sinh thời có bao giờ đánh lộn với ai đâu, chú cứ nói quá lên làm gì. Nhà thơ họ Lê cười cầu tài, chị ạ, quả là em có hơi quá, nhưng như vậy cũng chỉ là để xây dựng hình ảnh của anh trong mắt người hâm mộ thôi ạ. Chị biết rồi đấy, trong giới làm nghệ thuật có mấy người ưa nhau đâu, tình bạn Bá Nha-Tử Kỳ chỉ có trong sách cổ thôi ạ, lúc sinh thời tuy anh hiền lành nhưng thiếu gì người ghen tị với anh, em làm vậy để ngăn chặn hết những bài báo không tốt về người mà em luôn kính trọng. Bà Hạnh gật gù, chú nói cũng có lý. Nhà thơ bảo, em không bao giờ để ai xúc phạm đến anh. Bà Hạnh bảo, cũng không sao, người đời mà, chú đâu có cản được họ, chị chỉ muốn những người thân cận với anh khi nói gì về anh là phải chính xác.
Ca sỹ Nhạc Thi Hội rụt rè đề nghị, con thưa cô, con muốn làm một đêm nhạc kỷ niệm cho thầy, nói đúng hơn là một live show. Hồi thầy còn sống, bao lần con đã gợi ý mà thầy nhất quyết từ chối. Bà Hạnh ngần ngừ, nếu sinh thời thầy đã muốn vậy thì nên tôn trọng con ạ. Nhạc Thi Hội sụt sịt, cô ạ, con biết hồi đó thầy từ chối là bởi sự khiêm tốn của người nghệ sỹ, chứ thâm tâm thầy muốn có một đêm nhạc của riêng mình lắm cô ơi. Là nhạc sỹ, còn niềm vui nào hơn thế nữa. Bà Hạnh bảo, thôi tuỳ con, thầy không muốn nhưng cô không muốn từ chối tấm lòng của con. Nhạc Thi Hội bảo, con sẽ mời cô là khách danh dự của chương trình này, bởi con biết, đằng sau thành công của thầy luôn có sự hy sinh của cô. Nói đến đó, Nhạc Thi Hội oà lên khóc. Bà Hạnh ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Chừng một phút sau, chàng ca sỹ mới nói, thưa cô, mục đích con tổ chức live show này cũng là để có một số tiền nhỏ thu từ vé kính dâng lên thầy. Bà Hạnh lắc đầu, thôi cô không nhận tiền, nhưng đêm nhạc thì cô sẽ đến. Nhà thơ họ Lê bảo, chị yên tâm, em sẽ viết kịch bản và lời bình, vì em là người gần anh nhất. Bà Hạnh cảm thấy được an ủi rất nhiều, nhất là bà đã củng cố được niềm tin vào con người.
Nói là làm, chỉ sau mấy hôm, bằng quan hệ và kinh nghiệm, ca sỹ Nhạc Thi Hội đã tổ chức được một đêm nhạc, lấy luôn tên là Vô cùng thương tiếc, bởi những bài báo có tít bắt đầu bằng cụm từ đó đã xuất hiện với tần suất cao không ngừng.
Đêm nhạc diễn ra hoành tráng đúng như dự định. Khán giả đội rét đi ra nhà hát, bởi họ cũng vô cùng thương tiếc vị nhạc sỹ tài năng. Dù vé đắt gấp chục lần những chương trình thông thường, họ cũng không quản ngại. Bởi ngoài tình cảm với nhạc sỹ, họ cũng biết đời nghệ sỹ chẳng sang giàu gì, thôi coi như một lần ủng hộ người chủ của những ca khúc đã đi theo họ suốt bao nhiêu năm. Các ca sỹ góp mặt trong chương trình đã hát bằng tất cả con tim và khối óc, vừa tình cảm vừa kỹ thuật. Cứ hết ba bài, nhà thơ    Lê Trần Nguyễn lại ra sân khấu kể về những kỷ niệm của mình với nhạc sỹ. Giọng nhà thơ hết lên bổng lại xuống trầm, giữa câu chuyện lại dừng lại lấy khăn thấm nước mắt, làm khán giả cũng sụt sùi theo. Nhất là đoạn kể về cuộc tình của nhạc sỹ với người vợ đầu tiên và cũng là duy nhất của mình. Nhà thơ kể, nhạc sỹ đã dành dụm tiền sáng tác trong một năm trời, rồi gói vào khăn mùi-soa ra tiệm vàng thuê đánh một bông hồng tặng người yêu. Quá cảm động, cô gái ấy đã nhận lời lấy chàng nhạc sỹ nghèo nhưng lãng mạn. Bà quả phụ-vợ nhạc sỹ-nhấp nhổm định thanh minh bởi ngày trước, ông bà đến với nhau cũng giản dị và chân thành, chứ không mang màu sắc tiểu thuyết thứ bẩy như thế, nhưng cuối cùng cũng ngồi yên lặng, bởi đây đang là sân khấu với hàng ngàn người đang theo dõi chương trình. Khán giả ngồi dưới sụt sùi, chao ôi, nhạc sỹ là phải thế chứ, phải lãng mạn, phải chan chứa tình cảm như vậy chứ. Chưa kịp khóc to thì MC đã giới thiệu một ca khúc sôi nổi của nhạc sỹ do một ca sỹ ăn khách bậc nhất trình bày. Lại có cả múa minh họa, một tốp nữ ăn mặc mỏng không thể mỏng hơn, sexy đến độ không thể sexy hơn. Cơ hội có một không hai được lộ hàng, tội gì không lộ, bởi lộ hàng ở những chương trình khác có khi bị dừng biểu diễn ngay, nhưng ở một chương trình có ý nghĩa thế này, chắc cơ quan quản lý cũng niệm tình mà cho qua. Sau đó có phạt thì cũng đã lộ xong hết cái cần lộ, đủ để nổi tiếng rồi. Ra sức thuyết minh, rằng đây là một sáng tạo trong việc làm mới ca khúc, để ca khúc mang hơi thở cuộc sống ngày hôm nay.
Bà quả phụ thở dài. Là người gần gũi nhất với nhạc sỹ, bà biết, ông chắc buồn lắm nếu thấy người ta minh họa bài hát của mình theo cách này. Bất chợt nước mắt lăn trên má bà, đơn giản là bà thấy xót xa cho đứa con tinh thần của chồng mình quá. Ngay lập tức, nhà quay phim zoom thật gần khuôn mặt bà để minh họa cho thành công của chương trình. Thành công quá đi chứ, bởi không thành công thì sao phu nhân của nhạc sỹ lại cảm động đến thế kia. Gần cuối chương trình, MC lại đề nghị thành lập một quỹ mang tên nhạc sỹ. Khán giả ồ ạt mang tiền gửi vào thùng quỹ. Lâu nay, họ đã quá say mê những nhạc phẩm của ông, lần này có cơ hội giúp đỡ ông, giúp cho những sáng tác của ông được bay cao, bay xa, thì có đáng gì đâu. Lúc khán giả nhốn nháo bỏ tiền vào thùng, bà quả phụ lặng lẽ gọi taxi ra về. Anh lái taxi thỉnh thoảng lại nhìn bà qua gương, thầm thương cảm cho một khán già già mẫn cảm khi xem chương trình đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ Bảo Thành. Anh bảo bà, cháu cũng thích nghe các bài hát của bác ấy lắm, nhưng vé đắt quá, cháu không đủ tiền mua. Bà Hạnh chỉ lặng im không nói. Khi xe dừng trước cửa nhà, bà bảo anh lái taxi chờ bà một phút. Bà vào nhà lấy ra hai chiếc CD còn nguyên ni-lông bọc ngoài, nắn nót ký tặng anh lái taxi. Bà nói, anh mới là khán thính già mà ông nhà tôi cần nhất. Nói xong, bà đóng cửa lại, mặc cho anh lái taxi đứng ngẩn ngơ giữa đường phố lúc gần sang canh ba.
Cuối chương trình, ca sỹ Nhạc Thi Hội đứng giữa sân khấu, tỏ lòng cảm ơn khán thính giả khắp nơi. Và hứa sẽ dùng số tiền này vào việc giúp đỡ gia đình nhạc sỹ cũng như xuất bản những bài hát của nhạc sỹ thành CD, thành DVD để người hâm mộ được thưởng thức. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt, Chao ôi, học trò là phải có tâm với thầy như thế chứ. Ca sỹ lại nói tiếp trong tiếng nấc, trọn đời này tôi là học sinh của thầy. Không có thầy, tôi không được như ngày hôm nay. Quá đủ để kết thúc một đêm nhạc hoành tráng. Khán giả ra về mà ai cũng có cảm giác bâng khuâng tiếc nuối cho một đời nhạc sỹ thanh cao, nhưng cũng tự hào rằng mình đã đóng góp một phần nhỏ bé cho gia đình của ông.
Hai hôm sau, nhà thơ và ca sỹ lại đến thắp nhang cho nhạc sỹ. Lần này, bà quả phụ nhất quyết không mở cửa. Nhà thơ gào lên, chị ơi, chị có thể giận chúng em, nhưng chúng em vẫn mãi là đàn em, là học trò của anh, chị cứ mở cửa cho chúng em được vào. Không muốn hàng xóm chứng kiến cảnh tượng kỳ khôi đó, bà miễn cưỡng mở cửa. Ca sỹ Nhạc Thi Hoạ nhanh nhẹn đặt một gói tiền lên bàn, cô ơi, đây là số tiền bán vé đêm nhạc hôm trước, giờ con gửi cô để hương hoa cho thầy. Không để Nhạc Thi Hoạ nói hết, bà Hạnh lắc đầu, các anh cầm về đi, tôi không cần số tiền này, nhà tôi nghèo thì nghèo thật nhưng vẫn còn biết trọng lễ nghĩa. Nhà thơ vội vàng nói, chị ơi, chúng em có lỗi quá, thôi chị bớt giận. Bà quả phụ nghiêm giọng nói, các anh ạ, ông nhà tôi lúc còn sống, chỉ muốn những bản nhạc do mình dứt ruột viết ra được biểu diễn một cách đàng hoàng để tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng khán thính giả, và đây là câu cuối cùng tôi muốn nói với các anh. Hai người đứng dậy sau cử chỉ tiễn khách của bà. Ra đến ngõ, nhà thơ Lê Trần Nguyễn nhìn ca sỹ Nhạc Thi Hoạ rồi cười, chú thấy anh tính đúng không, kiểu gì bà ấy cũng không nhận tiền, mình vừa được tiếng lại vừa chả mất gì. Nhạc Thi Hội bảo, em đúng là phải tôn anh là sư phụ, gừng càng già càng cay, như em thì chẳng bao giờ nghĩ thấu đáo được như thế. Trong lúc đó, ngồi trước ban thờ chồng, bà Hạnh thở dài, hai người đến mà cũng quên không thắp cho nhạc sỹ một nén nhang.
Chương trình Vô cùng thương tiếc lại tiếp tục được tổ chức ở những tỉnh thành khác. Lần nào cũng đông khán giả. Lần nào thùng đựng tiền quỹ cũng căng phồng vì chật. Chỉ khác chương trình đầu tiên là không có sự tham gia của phu nhân nhạc sỹ. Nhưng không sao, những hình ảnh về sự xúc động của bà là quá đủ đảm bảo cho tính chuyên nghiệp của chương trình. Hình ảnh bà khóc lại được minh họa bằng lời bình của nhà thơ họ Lê, trước khi làm thơ còn có nghề phụ là viết điếu văn thuê, nên như trên gấm thêu hoa, cảm động lắm.
Đi hết một vòng đất nước, thấm thoắt đã gần một năm. Ca sỹ Nhạc Thi Hội tự nhủ, lại phải kỷ niệm một năm ngày mất của nhạc sỹ thôi. Lần này tổ chức ấm cúng, sang trọng, dành cho khách VIP mới xứng tầm. Ai nấy ủng hộ nhiệt liệt. Ngồi trong một nhà hàng đồ ăn kiểu Trung Đông, nhà thơ Lê Trần Nguyễn bảo, chú để anh soạn lại mấy bài viết cũ, viết thêm là nhân kỷ niệm một năm ngày mất, thể nào cũng xôn xao dư luận. Ca sỹ gật đầu, lại thông báo thêm là chương trình này sẽ được truyền hình trực tiếp, quảng cáo đổ về nhiều lắm đấy.
Ngày giỗ đầu nhạc sỹ. Bà quả phụ sai con cháu làm mấy mâm cơm mời họ hàng và bạn bè của bà. Ông tổ trưởng khu phố, vừa là hàng xóm, vừa là lãnh đạo sang nhà thắp nén nhang. Thấy chỉ có vài chục khách, ông ngạc nhiên hỏi, sao tôi tưởng phải đông lắm. Bà quả phụ nói, lẽ ra cũng đông, nhưng họ bận biểu diễn trong đêm nhạc tưởng niệm chồng tôi rồi. Ông tổ trưởng gật gù, vừa rồi ông xem trên truyền hình thấy thông báo về chương trình đêm nhạc Vô cùng thương tiếc. Ông lại hỏi, sao bà làm đơn giản như thế, tôi tưởng bà phải nhiều tiền lắm, thấy đài báo nói quỹ mang tên ông nhà thu được nhiều lắm cơ mà. Bà quả phụ khẽ cười, từ hồi đó đến giờ, tôi chưa nhận một đồng nào.
Đúng lúc đó, cô cháu họ ăn xong, cầm điều khiển bật tivi để xem chương trình cô yêu thích. Trên màn hình, ca sỹ Nhạc Thi Hội đang giàn giụa nước mắt, giãi bày với khán giả cả nước rằng, tôi đội ơn nhạc sỹ Bảo Thành đên trọn đời mãn kiếp, rồi thành kính chắp tay vái lạy tấm di ảnh nhạc sỹ đặt trên tấm phông nền, dưới bức ảnh là lô-gô của các hãng bỉm trẻ em, băng vệ sinh, đồ lót nữ giới. Vái thật chậm, rồi quỳ xuống, bởi theo kịch bản, như thế máy quay mới dừng hình để làm nổi bật các thương hiệu của nhà tài trợ một cách hợp lý và đầy chất xi-nê.

Trại viết VNQĐ Sa Pa tháng 5/2013
(Nguồn: vannghequandoi.vn)

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến