Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Ngõ Trăng


Truyện ngắn: Tống Ngọc Hân

Ông Lộng vừa về đến nhà, con ô sin đã rối rít trình bày. Khốn khổ cho nó, cho cái trí nhớ phập phù của cái tuổi mới lớn. Ông Lộng hử, hả đến dăm bận mới vỡ nhẽĐúng là cái ách ngoài đàng nó quàng vào cổ. Ông bực mình chửi đổng dăm câu.
Con ô sin khoái trí nhe cả hai hàm răng sún ra cười. Ông trợn mắt:
- Cười gì! Luộc cho ông con gà!
Ông Lộng liếc con Ô sin lủi xuống bếp làm phận sự mà thấy hả dạ. Không có nó trong nhà này xem ra uy quyền của ông không có chốn mà phát huy sức mạnh.
Mở tủ tìm chai rượu mạnh, ông như tìm thấy cái thế giới riêng sung sướng được nút kín, dán tem, mà khi mở ra thì giá trị đích thực của cuộc sống hiện đại mới được công nhận, “ẩm” luôn đi với “thực” mà. Vốn đi đó, đi đây trong ngoài nước, ẩm thực các vùng miền đều qua cái miệng ông, nhưng lạ lùng thay, lúc nào, bất cứ lúc nào ông cũng thèm, cũng chung thuỷ với một món. Đó là món thịt gà luộc chấm muối chanh. Có thế thôi, đơn giản thế thôi. Nhưng phải là gà ngon, thịt ngọt, da giòn,vừa thơm vừa béo, cái thứ gà nuôi rông thả bộ ấy cơ. Ông có thể ăn no thịt gà thay cơm. Có thịt gà, cơm bữa thành tiệc. Có thịt gà, rượu mới đúng là rượu. Có thịt gà, mới thấy bạn hiền chu đáo. Có thịt gà, công việc làm ăn có trôi chảy, thuận lợi, thế giới bình yên.

Có lần trong giấc mơ đói khát, ông còn xơi hết cả ba con gà luộc là đồ tế ở một ngôi đền nọ. Ăn xong thì cái bụng ông phềnh căng như bụng đàn bà chửa tháng thứ chín. Rồi toàn thân lông lá trổ ra như lông cáo, mõm dài ngoe ngoét máu, lông gà bám quanh, đuôi ngoáy tít. Ông sợ chết khiếp gào váng đêm làm cả nhà tỉnh giấc, con chó lài giằng xích sủa ông ổng, bầy gà nuôi dự trữ ngoài sân sau cũng nhớn nhác tác ầm lên. May quá, chỉ là mơ..
Ông Lộng rót đầy cốc rượu và đang lẩn thẩn nhớ đến vài câu thơ “ẩm” của cụ Nguyễn Khuyến thì con ô sin bê luôn con gà luộc lên, nguyên xi, chễm trệ trên cái đĩa Giang Tây đắt tiền. Nhìn con gà luộc mắt ông sáng lên. Ông khéo léo xẻo lấy một cái đùi, đưa lên mắt ngắm nghía, mút mát chán rồi mới lột da, cắn xé. Nói vụng, ông Lộng có một kiểu liên tưởng kỳ lạ mỗi khi chén thịt gà.
Mà con gà luộc ông thích nhất cặp đùi chắc nịch bóng nhẫy, nhìn cũng ngon,  chén cũng ngon. Hồi xưa nghèo khổ, mỗi bận nhà có khách hay có giỗ thì bố mẹ ông mới mổ gà. Ông lại lớn nhất trong cái nhà đông em, nên chẳng bao giờ có cái diễm phúc mà cầm cái đùi gà lên, dù chỉ là ngắm nghía. Chỉ nhỏ nước dãi nhìn đứa em gái có cái may mắn út ít trong nhà vừa chậm chạp gặm, vừa tủn mủn nhai như trêu tức bầy anh chị. Sau này lấy vợ, rồi làm ăn phát đạt, gà ngon ông chén cả con, chén thả phanh. Nhìn hai cái đùi gà ông lại nhớ đến cặp đùi đàn bà, nhớ đến những lần vui thú ngất ngây. Ăn thịt gà, nhớ đàn bà, thấy thịt gà ngon. Khi với đàn bà, ông nhớ thịt gà, đùi gà, thấy đàn bà hấp dẫn. Mà trên cơ thể đàn bà, thứ mà ông mê nhất cũng là cặp đùi. Xưa, có lần đi xe máy ngang qua cánh đồng, ông đã lao tùm cả người lẫn xe xuống mương vì mải mê ngắm một chị chàng đang quần xắn tới bẹn để tát nước vào ruộng. Khi có nhiều tiền, được sở hữu những cặp đùi nõn nà, tròn căng, thẳng tắp, bao giờ ông cũng liếm láp, hụp lặn, hít hà cho thoả thích đã. Cái lưỡi dài, nhọn, cứ cần mẫn miết ngược, miết xuôi, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới. Đến lúc khi cặp đùi bóng nhẫy, không còn khép được nữa, tự roãng ra. Có lần còn chưa thoả, ông dùng tay khép chặt đùi lại, rồi tỉ mỷ liếm láp đến khi con mồi phải căng gồng người lên chống chọi với ham muốn. Suy cho cùng đàn bà khi đã lên giường với ông chỉ khác mỗi con gà luộc trên đĩa là biết giẫy đạp...
Mà xong rồi, ông cứ bắt để tồng ngồng thế, để ông úp mặt lên cặp đùi đó mà ao ước. Giá như được bê nguyên cả cỗ đùi ăm ắp ấy về mà đặt lên nệm ghế nhà ông thì sướng biết mấy. Tối tối, ông gối đầu lên đó mà xem thời sự, thì ở đâu đó đánh bom, chém giết, động đất, cũng mặc. Vàng bạc, cổ phiếu, bất động sản dập dình lên xuống thế nào, cũng mặc. Xem chán thì úp mặt lên đó mà ngủ, mà ngáy ồ ồ, thì dù có mơ mộng, có hoá thân làm cáo, làm cầy, có mọc cả chục cái đuôi cũng cam lòng.
Lệ Xuân, vợ ông vốn là mắt xích vàng trong đường dây làm ăn của ông, vốn dòng dõi quý phái kiểu “Danh gia vọng tộc” chỉ hiềm nỗi, chân, đùi cong vẹo. Nhìn cái tác phẩm “trêu ngươi” của tạo hoá mà ông thấy ức, thấy ngao ngán. Đời ông hẩm hiu nhất là những ngày Lệ Xuân ở nhà, ngót chục lần ông phải thấy cái điệu đi “có chữ” ấy trình diễn trước gương. Dù có chỉnh chang, khiêu vũ, tập tành tối ngày thì cũng không thể biến chữ “Bát” thành chữ gì cho đẹp mắt được. Chỉ còn nước mang sang Singapore, đập vỡ rồi bó bột lại mới mong cho thẳng.
Cái thịt gà luộc, ông nghiện một cách công khai được. Còn đàn bà, cứ phải vụng vụng, trộm trộm. Mà xưa nay miếng vụng, miếng trộm bao giờ cũng bùi, cũng béo. Vụng trộm mãi cũng nghiện, cũng không nguôi thèm khát, từng cơn, từng cơn giãy giụa, hành hạ. Sau rượu thịt là đến cơn nghiện đàn bà.
Chả thế mà cái “nghiệp chướng” ấy mới giáng vào đầu ông.
Nó là kết quả của ông sau một vụ “lừa tình” rồi trốn biệt. Khi mẹ nó tìm được ông thì ông thẳng tay chối bỏ, trí trá không nhận. Bao nhiêu cái gen thông minh, giỏi giang tháo vát của ông, ông không di truyền cho nó, mà lại di truyền cho cái tính háu gái. Giàu có, đại gia, háu gái còn được, đằng này thất học, nghèo kiết xác mà lại háu gái thì có ngày rũ tù. May mà dính dáng vào chỗ nửa người, nửa ngợm, còn gỡ được. Phải thu xếp ngay, để thiên hạ biết, có mà muối mặt. Cha dân, mẹ dân chứ có phải thường đâu.
Nghĩ đến thằng con ngoài giá thú, ông Lộng tụt hứng “công đoạn hai”. Thôi chỉ ăn, chỉ uống đã, còn đàn bà, có mắc dịch chết hết như gia cầm dạo nọ ngay đâu mà sợ Tay trái ông cầm cái đùi gà còn lại gõ gõ vào trán, đánh thức tìm tòi vài gương mặt bất hảo chuyên “đòi nợ thuê”, tay phải bấm điện thoại nhờ vả. Ừ, nội nhật tuần này sẽ rước được cái thằng trai gần ba mươi tuổi vẫn vô tích sự về cho mẹ nó. May mà có khuôn mặt sáng sủa giống ông nên vẫn lấy được vợ. Nghe nói vợ nó còn đẹp là đằng khác. Cũng nghe nói thế thôi, chứ nào ông đã xem mắt đứa nào. Cưới chúng nó, ông còn đang “vi hành”, xả hơi tận Thái Lan, gái ở đó thìthôi rồi.
                                                                     *
                                                                  *    *
Thìn lẳng lặng, đếm đi đếm lại mớ tiền bán cả cái ruộng rau cần mười mấy thước tốt ngụt. Tuy không nói lời nào và cũng chẳng tỏ thái độ gì rõ rệt cả, nhưng cứ đếm đi đếm lại như thế thì hoạ có là người đần mới không nghĩ là món tiền ấy có vấn đề. Mà đã có vấn đề thì chỉ có là hao hụt chứ ở đâu ra mà dư, mà dôi.  Nếu có dư ra dù là vài nghìn thôi thì ắt hẳn Thìn đã tủm tỉm, ỉm đi rồi, đâu có đực mặt ra như vậy. Năm nay giá cả leo thang, rau cũng được một chuyến lên trời. Lại thêm cái trời tháng ba đột ngột trở lạnh, trở rét, mà là cái rét độc rét hại, chết cả trâu bò. Thịt trâu chết rẻ bèo, kéo giá rau cần lên gần bằng giá gạo, thế có sướng không chứ. Đúng là ruộng ngoại thành cũng có giá. Có bốn tạ rau cần mà đút túi gần năm triệu bạc, ngon lành. Tiếng là đút túi nhưng việc cậu, việc mợ, trăm thứ bà dằn, chi tằn chi tiện thì cũng mất già nửa cho hai mẹ con một tháng. Còn hai triệu, đã thành món cất kĩ trong tủ quần áo rồi. Sắp có việc phải dùng đến, nhàn rỗi thì đem ra đếm, xem ra nỗi lo tiền, lo bạc cũng được an ủi đôi phần... Nào ngờ...
Mẹ chồng thấy Thìn đực mặt ra thì phủi đít quần, đứng dậy, vào buồng, nhắc cái nắp hòm thóc ra, thục tay vào vầng thóc nhặm nhuội lôi ra một cái bọc kín đáo, kĩ càng. Bà cẩn thận vuỗi thóc rơi xuống rồi gỡ cái tã chéo cuốn quanh cái ví tiền. Bà cũng chiềng cái mớ tiền ra giữa cái thềm nắng non mà đếm. Dễ mình cô có thu nhập chắc. Cô có ruộng rau cần thì tôi cũng có hàng cau ra buồng, mềm hạt đúng dịp tết. Rau của cô đắt đỏ thì cau của tôi cũng chẳng rẻ đến nỗi cho không. Chẳng hiểu tự khi nào dân vùng này mọc ra câu vè “Rét chết trâu, đắt ruộng rau cần” nghe mà tức anh ách. Nói như các cụ “được mùa cau, đau mùa lúa” nghe mới thấm thía, sâu cay chứ... Mà tiền bán cau cũng có khác, có vẻ như thơm tho, sạch sẽ và phẳng phiu hơn. Chẳng như tiền bán rau cần. Cái bàn tay ấy vừa mới bóp bóp, nặn nặn vào miếng thịt trâu nần nẫn rướm máu, lại thò vào cạp quần móc tiền ra. Trả tiền rồi lại sờ vào thịt tiếc rẻ giá mà ăn trừ bữa được. Rồi lại sờ miếng thịt mình mua vẻ chưa hài lòng lắm, miếng trong gùi của nó có khi lại hậu hĩnh hơn. Rồi cũng cái tay ấy móc tiền trả tiền rau, suýt xoa “sao mà đắt hơn thịt”. Thế thì tiền bán rau cần có khác gì tiền bán thịt trâu, chỉ có điều, thằng bán thịt trâu của nhà chết thì tiu nghỉu, còn cái đứa bán rau cần thì hí hửng
Tiền bán cau càng phẳng phiu, càng dễ nhầm, dễ díp vào nhau. Bà đếm đến lần thứ tư thì nhìn con dâu, mủm mỉm cười. Thìn đã nước mắt ngân ngấn. Nước ở đâu ra mà thừa thãi thế không biết, đâu còn có đó. Cái đồ dở hơi. Bà cất giọng trịnh thượng: “Thế chỗ ấy thế nào, thừa hay thiếu”. Thìn nhỏ nhẹ: “Dạ thiếu mẹ ạ”. Bà lựa ba tờ một trăm cũ nhất, có vẻ lạc loài đưa cho con dâu và nói như ban ơn: “Đây, cầm lấy rồi buộc bịn cho cẩn thận vào, tiền nhà này cứ như có chân ấy, biết chạy từ tủ quần áo của chị sang hòm thóc của tôi”.
Sau câu mát mẻ ấy, bà đếm lại số tiền. Giờ thì nó đã vừa vặn ba triệu, không thừa, không thiếu một xu. Chỗ này gộp vào chỗ kia cũng được năm triệu. Năm triệu tuy ít nhưng cũng đủ để hai mẹ con dám vác mặt đến nhà người ta mà có nhời. Chồng nó đầu gối tay ấp, hú hí nhau đêm đêm, ngày ngày, nhẽ ra mặc xác nó lo liệu. Nhưng chết nỗi cái thằng vô tích sự đổ đốn ấy lại do bà mang nặng, đẻ đau, chăm bẵm và cưới vợ cho. Thìn ngần ngại một lúc rồi đưa bọc tiền cho mẹ chồng, giọng tin tưởng: “Mẹ cứ cất cả đi, cái tủ của con không có khoá”. Bà mẹ chồng cũng ngần ngại một lúc rồi cảm động cầm lấy bọc tiền. Ông trời có mắt. Cái kế sách này là do bà hàng xóm bày cho. Nó chẳng lu loa thì chớ, cũng chẳng cạnh khoé, móc máy như đám gái, đám dâu làng Cốc này... Bà có mỗi mụn con trai, may mà cưới được nó. Nhưng mừng thì để dạ. Đến nỗi đau cũng cất sâu trong dạ, thương cảm cũng dấu ở trong lòng. Nó vừa về được một tháng đã có đứa con gái bưng con đến trả cho chồng. Mà nào nó có trả, nó dấm, nó dứ, nó đòi tiền chuộc con. Nó đần đần, độn độn, nhưng cha chú nó khôn bày cho. Nó đòi hai mươi nhăm triệu thì cho bế thằng bé về. Bà có thể vay mượn, cầm cố để rước thằng cháu nội về, nhưng nghĩ đến đứa con dâu chân ướt, chân ráo mới về, bà thấy tội nghiệp. Thế thôi, dồn cố lấy dăm triệu sang có nhời với người ta mà nhìn mặt cháu rồi thư thả tính tiếp. Mà thằng con trai bà trốn biệt không về nhà là vì xấu hổ với vợ, với chòm xóm hay là còn vì điều gì khác? Đêm đêm hai mẹ con cùng thở hắt ra. Bà sợ nó sa ngã vào hút hít, trộm cắp. Nó mà biết xấu hổ thì còn có đường mà quay về. Cực chẳng đã, bà tin cho bố đẻ nó ngoài thành phố, ông ấy giàu có, nổi tiếng, nếu có đoái thương, ho một tiếng là có người đi tìm nó về. 
                                                                     *
                                                                  *     *
Thấy ông Lộng nhắm mắt nằm nghệt trên ghế, con Ô sin rón rén đi lại trong phòng khách, cứ y như chuột rình mèo trong phim hoạt hình. Nhưng nó không bỡn ông mà vì nó sợ kinh động những suy nghĩ tính toán của ông. Đời thật lạ, giàu có đến từng ấy, chức quyền đến từng ấy mà vẫn còn tính toán. Ấy thế mà con Ô sin vẫn bị ông chủ bắt lỗi:
- Mày vừa đi cái điệu gì đấy? Muốn sống làm lại tao xem.
Con Ô sin mười lăm tuổi, hết vía, líu ríu lặp lại động tác lúc nẫy. Thì ra cái trò nhảy nhót của bà chủ đã nhiễm vào mày. Ông Lộng bật cười sảng khoái. Mọi căng thẳng ức chế cũng được giải toả. Đằng nào cũng mang tiếng với đời là bội bạc, cho bội bạc luôn. Mà lạ thay cho cái thói bội bạc, chỉ đôi lần chặc lưỡi ngoảnh ngơ là quen ngay mới giỏi chứ. Đến nỗi, chẳng mấy khi ông nghĩ đến chuyện ông có một giọt máu vương vãi, vất vưởng ngoài xã hội. Mà có hiếm hoi nghĩ đến thì ông cũng biện bạch với lương tâm “ối dào, trời sinh voi trời sinh cỏ”. Với vợ, ông cũng đủ trai đủ gái rồi, chúng nó công thành danh toại, mát mặt ông cả. Thằng khốn đó, nếu để lêu lổng ngoài xã hội, sớm muộn nó cũng biết ông là cha đẻ nó. Cái loại thiếu tự trọng ấy sẽ quậy tung thân thế, sự nghiệp ông lên, đằng nào nó cũng nghiện ma tuý rồi, chi bằng tống nó vào trại, yên tâm ở đó mà cai, mà suy ngẫm. Có ra trại thì cũng không đủ bản lĩnh mà cưỡng lại được ma tuý đâu. Rồi lại vào, ra lại vào... Ông có đủ quyền năng làm việc ấy. Chỉ hận cái loại đàn bà không biết dạy con, để nó nghiện thứ chết người. Cứ như ông đây, rượu, thịt gà và đàn bà. Có ai bảo nghiện mà chết được. Ông lại tủm tỉm cười một mình. Cười mãi cũng nhạt miệng, ngứa ngáy chân tay. Ông lại gọi Ô sin. Sai nó luộc con gà to nhất đàn.
*                *
*

Thật không có gì suôn sẻ đến như vậy. Vợ con thì đi vắng, hợp đồng vừa ký xong. Tiền như đổ vào túi. Gánh nặng như đã trút bỏ. Tình lại thấy phơi phới trong lòng. Công danh sự nghiệp một tay, tiền bạc của nả một tay Hai tay phú quý vinh hoa che kín khuôn mặt được xã hội nể trọng. Nhưng thứ cất sau khuôn mặt ấy là một bộ mặt rất đời, đời đến nỗi sau mỗi quyết định trọng đại ông lại tự thưởng cho mình một bữa tiệc đàn bà. Ông Lộng cho rằng việc xử lý thằng con ngoài giá thú theo cách ấy cũng là quyết định trọng đại, thế thì thưởng thôi
Thịt gà thì tuần đã dăm bữa, còn đàn bà đã bữa nào đâu? Xem ra, giữa thời bão giá, đàn bà vẫn là món rẻ.
Chốn ấy, ông là thượng khách. Lại gặp người đẹp “tái xuất giang hồ” nên càng dồi dào cảm hứng. Tưởng “rửa tay gác kiếm” lo chuyện chồng con rồi cơ mà. Mà rửa sao cho sạch bàn tay đã quen với việc đếm tiền, không nhìn mặt cũng biết khách. Gác kiếm sao được khi cái nghề này chẳng mất vốn, mất lãi gì. Lâu lâu gặp lại, cũng thành món lạ. Đàn bà là vậy.
Gió mát trăng thanh, lều cỏ tranh nửa kín nửa hở, khơi gợi tất cả những cảm xúc nguyên thuỷ. Khách mãn nguyện với cuộc “giao ban” vừa khốc liệt, vừa ngọt ngào. Gái có vẻ e dè muốn dừng lại. Khách nuối tiếc: “Anh sẽ hầu em cả đêm”. Gái đanh đá: “Để vợ anh lột xác em à?” Khách thành thật đến trơ tráo, đến tội nghiệp.
- Nó đi nâng ngực, nâng mũi tận Sài Gòn mà, họa có là mọc cánh. Nó cứ nâng mãi đi, chúng mình bay lên mây. Mà em người quê đâu?
Hỏi cho phải phép, cho tỏ vẻ quan tâm chút thôi. Gái, thay vì nói dối quê ở vùng lũ lụt, hạn hán nào đó thì lại nói thật. “Gần đây thôi mà, đi bộ cũng đến, Cốc Mường”. Khách giật mình, chột dạ, lắp bắp “Cốc Mường à”. Gái tinh ranh “Có cố nhân ở đó hay sao?”. Khách xua tay: “Đâu có, đâu có, thấy cái tên hay hay, thôi không nói chuyện ấy nữa, nói chuyện này thôi”.  Khách nói rồi úp sụp mặt vào cặp đùi căng mẩy, tròn trĩnh như thằng ăn mày úp mặt vào tô phở đầy đặn, nóng hổi vừa được đời hậu hĩnh bố thí cho.
Rõ là bỏ đồng tiền ra mua bán, đổi chác, rõ là mất đồng tiền bát gạo chứ  chẳng phải của cho không, ấy vậy mà lắm cảm nhận mĩ miều. Đàn bà có phải là quà tặng tạo hoá dành riêng cho đàn ông không nhỉ? Sao có lúc khách thấy đàn bà giống như của ban phát mà ông trời thương xót những kẻ đói khát vô độ. Nhiều khi khách thấy, trời sinh ra đàn bà để trừng phạt đàn ông. Càng ngẩng cao đầu, càng kiêu hãnh bao nhiêu thì lại bị nhục dục đàn bà nhấn chìm bấy nhiêu. Và giờ này, vào tuổi này, với khách, đàn bà bắt đầu là thử thách. Nghĩ đến đó khách dúi cái miệng thật sâu xuống đùi gái, làm chiếc đùi trắng nham nhở những dấu răng, nhưng không phải là vết cắn.
Bất chợt gái hất cái đầu khách ra, thảng thốt: “Muộn rồi, em phải về”. Khách ngơ ngác không hiểu. Sớm gì, muộn gì? Sao dám coi thường “Thượng đế”. Cái nghề này mà cũng có sớm, có muộn hay sao?
 Ông Lộng bực bội đến độ muốn phóng hoả đốt cha cái lều lá, để chúng bay biết, lần sau đừng có mà tiện ngang cái cảm hứng của ông, làm bữa tiệc dang dở
*       *
*
Mẹ chồng Thìn ru thằng cháu nội ngủ xong thì đặt nó xuống chiếu, rém màn cẩn thận. Mọi đêm bà ngồi ngắm nó ngủ không chán mắt. Thì đêm nay bà ra vào nhấp nhổm, hết nhìn trăng, trời lại nhìn đồng hồ. Thằng bé đã thức giấc, ăn rồi, ỉa đái hai bận rồi, mặt trăng cũng về góc trời xa nhất rồi. Bà không ngóng cái thằng con trai đã vào trại cai nghiện, mà ngóng đứa con dâu. Tối nay nó bảo nó đi thăm bạn nó ở ngoài thành phố, bà đã dặn đi nhanh rồi về nhanh cơ mà. Thằng con bà triền miên rời xa vòng tay bà cũng đã thành quen, nỗi thiếu hụt đó được đứa con dâu hiếu thảo bù đắp cho. Bà đã bện hơi quen tiếng nó, nó vừa đi từ tối đến giờ bà đã thấy trống trải quá chừng. Nhà có hai mẹ con, vo véo thóc lúa, hoa màu cũng đủ để sống đạm bạc, giờ thêm thằng bé con ăn sữa ngoài thấy túng bấn quá, tháng ba ngày tám có gì mà trông. Chỉ lo túng quá nó lại làm liều. Bà đã lên giường nằm rồi lại trỗi dậy ra ngó đăm đăm vào mặt trăng, lại nhớ hai câu thơ  của cô bạn cũ:
“ Thỏ Ngọc giã thuốc trường sinh
        Đắp lên bầm nát kiếp mình nguyệt ơi”.
 Nó còn trẻ đẹp đến thế, bắt nó chân lấm tay bùn để nâng niu những đồng tiền chân chính thì bà cũng bẽ bàng lắm lắm. Nhà này có ba người, mà chẳng ai  có đủ tư cách để khuyên răn ai cả. Nghĩ mà buồn, mà tủi. Ngày xưa, thời trẻ, bà cũng ngụp sâu trong cái vũng bùn nhơ nhuốc ấy Mãi rồi mới thoát ra được. Ngày xưa, lúc bà bê cái bụng chửa hoang bị đuổi ra khỏi nhà bà cũng nông cạn như nó. Khi được người ta cưu mang đùm bọc thì ơn lắm. Rồi tỉ tê ngọt nhạt về nhan sắc về sức trẻ. Thế là tuột trôi, vừa để báo đáp ơn huệ, vừa để mưu sinh, vừa để nuôi con. Phàm nỗi, đã nuôi con bằng những đồng tiền ô nhục ấy thì mong gì mà dạy con nên người. Lúc ấy bà cũng hận đời, hận người lắm chứ. Nhưng nước chảy đá mòn, nỗi căm hận đi theo tháng năm, theo số lần trăng mọc rồi lặn vẫn quẩn quanh với Cốc Mường này.
Tiếng xe máy làm lũ chó trong thung lũng cũng có dịp sủa vang. Bà khấp khởi mừng, chắc nó đi xe ôm về. Bà ra tận ngõ đứng, không giấu nỗi chờ đợi. Con ngõ sâu, hun hút dưới trăng khiến sự cô quạnh của bà càng thêm cô quạnh. Bà không chờ con dâu về để chửi, để mắng mà bà cần nó như cần kẻ bầu người bạn. Thìn như biết lỗi, thoăn thoắt vào sân, rồi lên nhà. Tay cô xách một túi nặng, lỉnh kỉnh những đường sữa trẻ con. Bà ngỡ ngàng: “Con lấy tiền đâu ra mà mua những thứ ấy?”. Rồi nước mắt bà trào ra “Từ mai con đừng như thế này nữa”. Thìn ngồi sụp xuống chân mẹ chồng, không nói được lời nào. Chiếc váy hồng ngắn, co lên để lộ ra khoảng đùi đầy những dấu răng bầm đỏ. Mẹ chồng nghẹn ngào nhìn đi nơi khác. Nước mắt con dâu cứ lã chã rơi vào những vết bầm ấy....
Chó đã thôi sủa, tiếng côn trùng trong thung lũng lại ỉ ôi, lại nỉ non. Mùa trăng là mùa sinh sản... Thung lũng chìm trong trăng, trong thức ngủ chập chờn, trong nỗi buồn về thân phận đàn bà Cốc Mường. May mà thi thoảng có tiếng xe máy của những cô gái đi “làm” đêm ngoài thành phố về muộn, nếu không đêm buồn và yên ắng biết chừng nào.
TNH
--------
Tống Ngọc Hân gửi trực tiếp truyện này cho Phó nhòm tây bắc. 

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến