Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Ngược Mường lên lão Mìn

                                                                                       

     Bài này mình viết trong chuyến lên Lão Mìn ăn tết năm ngoái. Bài cũ hâm lại, he he...
Ngược Mường lên lão Mìn
                                                                             
Ký Công Thế
....khi xe của Thầy đồ Nguyễn Sơn chở anh em đi thăm bản Mông, lúc gần tới nơi bất chợt xuất hiện một đoàn trâu hơn hai chục con đi ngược chiều. Chắc các Ngưu Ma Vương tưởng trên xe là các Tôn Hành Giả nên nghêng sừng rạt t hai bên đường đón tiếp. Chả biết thầy đồ phấn chấn hay kinh sợ cứ còi inh ỏi và tà tà lách lên. Một Ngưu Ma Vương không biết do gật mình hay ghét cái không khiêm tốn chiếc xe liền dùng ngay chiếc sừng đen bóng hếch ngược lên cảnh báo làm cho chiếc Toyota kính cong của thầy mất toi bên gương kèm theo vệt sừng làm kỷ niêm. May cái sừng nhọt hoắt ấy không móc phải ai ngồi trên xe. Thật hú hồn...


     Như đã thành lệ, cứ sau ngày hai ba tháng chạp, khi mọi nhà lưu luyến tiễn Táo Quân về chầu trời cẩn cáo Ngọc Hoàng xong cũng là thời điểm một số văn nghệ sĩ Lào Cai lại í ới nhau ngược Mường Khương đến nhà thơ “Cây hai ngàn lá” Pờ Sảo Mìn mổ lợn ăn tết sớm. Chả biết thông lệ bất thành văn hay như chuyến đi xả stress cuối năm ấy do ai phát kiến ra đầu tiên. Song ai cũng thấy hợp lý, thuận lòng và trở thành một nếp tư nhiên mang vẻ thâm tình ấm áp. Chả thế mà cứ đến tầm ấy ai ai cũng thắc thỏm, nhắc nhở, nhắn gọi, điện thoại háo hức véo von hẹn ngày giờ xuất kích thượng sơn. Ai rủi năm ấy mắc mứu công việc gì không đi được thì thôi cứ là nắc nỏm, tiếc rẻ mãi, đến nỗi có ăn tết cũng mất cả ngon...
Chúc tết gia đình Ông Mìn

Lão Mìn ra tận ngõ đón khách
Tôi là thế hệ sau, chưa được tham dự tết sớm xứ Mường cùng các văn nghệ sỹ khác. Nhưng bụng bảo dạ, đoán non già, chắc gã nhà văn “ thổ phỉ” Đoàn Hữu Nam đều têu. Vì hắn hay có tài lẻ về tổ chức “đàn đúm” đại loại những chuyện xôm tụ kiểu vậy. Mỗi năm gương mặt mới, cũ, khách đi kèm, bạn bè có khác nhưng thường những vai chính không thay đổi là mấy, như: Chủ tịch Hội - Nhà báo Lê Minh Thảo, Phó chủ tịch Hội - Nhà văn Đoàn Hữu Nam, Phó hiệu trưởng Trường văn hoá nghệ thuật du lịch - Hoạ sĩ Đỗ Chung, tác giả thơ Xuân Phượng, Hồng Thạo, Nhạc sĩ Phùng Chiến, cây bút văn xuôi Công Thế, Thầy đồ Ngữ văn Trường cao đẳng sư phạm Lào Cai Nguyễn Sơn… Năm nay cũng vậy, những bạn bè văn thơ Lào Cai và cả những đại gia, doanh nhân yêu mến văn thơ lại háo hức cùng kéo về nhà Pờ Sảo Mìn ăn tết, vui xuân bàn luận văn chương như một nhẽ tư nhiên ấm áp, thân thương cứ như trở về ngôi nhà của mình.
 Con đường ngược Mường Khương ngoằn ngoèo, uốn lượn bồng bềnh trong mây như thể đi vào miền huyền tích. Những rừng sa mộc thâm u kiên gan bám trên đá núi mà trường tồn để nhả cái màu xanh mướt mát. Lươn lướt, ràn rạt những làn gió bấc cuối năm quất lên làm xao động, những ngọn sa mộc như quẫy gọi mặt trời.. Bên đường các tràn ruộng bậc thang khô khốc nứt nẻ chơ lại những gốc rạ. Trên mảnh nương cằn đá ngồi, đá đứng lổm nhổm. Đây đó bầy ngựa bình thản, đủng đỉnh tìm gặm mầm non. Thấp thoáng trên các sườn núi đào, mận đã bừng thức đang nhú lộc xoè hoa báo hiệu một mùa ấm áp.
Cái tính cũng lạ, cứ ngồi lên xe là tôi hay miên man nghĩ. Nghĩ những gì đã qua, những gì sắp đến, chả biết có phải đấy là dấu hiệu của sự lẩn thẩn hay không?  Nghĩ đến Pờ Sảo Mìn. Sao cái lão lẻo khẻo thế mà lại có sức cuốn hút bạn bè đến kỳ lạ. Ông là một người con của núi rừng Mương Khương, sự nghiệp thi ca của nhà thơ xứ núi này đã làm tốn khá nhiều giấy mực của nhiều người. Tôi không dám động vía về chữ nghĩa thơ văn của ông mà chỉ muốn nói một chút gì ở ông về cái tình cảm bầu bạn làm nên một tính cách. Tình người và hồn thơ của ông rất đặc biệt - Tình bạn của Pờ Sảo Mìn. 
Quê ông là một làng dân tộc thiểu số Pa Dí. Vắt qua sườn núi chất ngất kia là biên cương hùng vĩ, hẻo lánh và xa ngái. Vậy mà từ đây người con Pa Dí Pờ Sảo Mìn (dịch theo tiếng của Pa Dí là Bạch Thiếu Minh, tạm hiểu là ánh sáng nhỏ). Cái ánh sáng nhỏ ấy đã góp phần soi rọi xứ biên ải mù mịt sương giăng. Từ ánh sáng nhỏ đã chắt chiu, góp nhặt để bùng lên vầng sáng trên chóp núi Mường Khương. Bằng những vần thơ kể về dân tộc mình một cách khảng khái, bình đẳng, tự hào theo kiểu “Không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”  “ Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ biết gọi gió gọi mưa gọi nắng/ chặn suối ngăn sông bắt nước ngược dòng…Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Như cái cây hai ngàn chiếc lá…” (Cây hai ngàn lá). Để rồi một Pờ Sảo Mìn xù xì, gân guốc, săn chắc như núi đá đã trải bước vững vàng đến kinh đô chữ nghĩa đất Việt, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên hội Văn học các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Hội Văn học – Nghệ thuật Lào Cai. Song cái ở Pờ Sảo Mìn đáng quý, đáng trân trọng, sung sướng và hạnh phúc hơn nhiều, đó là bạn bè bốn phương biết và quý mến, tài sản vô giá ấy không dễ gì có được “ Đi bốn phương trời là bốn phương bầu bạn/Đi mười phương đất là mười phương thương nhớ...” Tôi đã nhiều lần đến thăm . Nhiều lần ngồi uống rượu cùng lão. Nhiều lần cố tìm một nơi khuất nẻo, cốt được tĩnh lặng để thoả bầu tâm sự. Nhưng như trời bắt tội, chả mấy lần mà cuộc vui không bị ngắt đoạn, vì lão bạn lắm, quen nhiều. Rồi còn phải ỏ ẻ, véo von với những người bạn xa lắc qua điện thoại. Nam, phụ, lão, ấu nhiều khi có cả tiếng thỏ thẻ ngọt lịm như tiếng ả đào, Nghe mà sốt ruột. Con người ta một khi đã hiểu nhau, yêu quý nhau điều trân trọng tình cảm tìm đến với nhau bằng được. Tôi nghĩ  tình yêu nam nữ khó dứt nhau chắc cũng chẳng được như vậy. Người từ thành phố Hồ Chí Minh, người Đắk Lắc, Lâm Đồng, có khi tận miệt vườn Nam Bộ í ới hỏi han. Chả vậy mà các bạn văn chương trong Nam ngoài Bắc từng nói: Lên Lào Cai chưa đến nhà Lão Mìn thì coi như chưa đến Lào Cai. Bạn xa, bạn gần đã đến nhà ông dù nhiều lần hay ít lần, dù thân hay sơ đều có thể ăn dầm ở dề nhà ông cả tuần. Ông nói: gạo, rượu, mồi có hết thì lên núi. Rừng, núi ở đây mênh mông sẽ nuôi ta như nuôi đồng bào tao bao đời này rồi, không sợ đói đâu! Thế đấy, tình cảm không thay đổi cứ vấn vít quý mến, mặn mà. Chuyện tiếp bạn, ông đã vậy, điều đáng phục hơn nữa, bà Dín vợ ông còn nhiệt tình chu đáo, nền nã, lịch sự đến nể trọng. Chồng có bạn đến, là cô giáo bản đã nghỉ hưu ấy săn săn đón đón, bà làm sang cho ông, sang cho bạn ông.
Trong thời buổi kim tiền bây giờ chữ tình, cái nghĩa bạn bè đánh giá rạch ròi nó vô cùng khó. Nó lậm lờ lẫn lộn, vẫn thấy vồ vập đó nhưng nhạt phèo. Tay nắm giật giật đấy nhưng không phải bắt tay. Gật gật đầu thiện chí đấy nhưng không phải đã là đồng thuận. Bạn mà như không bạn, nó cứ mông lung làm sao? Cái tình đối với bạn của Pờ Sảo Min tôi nghĩ trên đất nước này chắc cũng không được mấy người. 
Lại nhớ cái hôm theo lão lên núi xem cái rừng sa mu mà cả nhà lão đã nhiều năm chăm sóc. Nhìn dáng người nhỏ thó nhưng săn chắc như cây thuổng đào củ mài, cứ ngược dốc phăm phăm, thấy mà phục. Thắt lưng giắt ống điếu, con dao, túi dết vắt chéo vai. Trong túi lúc nào cũng có chai rượu và cuốn sổ, cây bút. Đầu phất phơ chiếc mũ đã sờn, nhìn rất “dị tướng”. Lão khoe “Khu rừng này nhiều đại gia đến gạ mua với giá cao, nếu bán cũng có thể mua được dăm cái ô tô như của thầy Sơn!”. Nhưng lão kiên quyết không bán, nó đã gắn bó mấy chục năm rồi, bao công sức mồ hôi nhỏ xuống đây rồi, rời ra khó lắm. Giữa khu rừng có khoảng trống rộng, một căn lều tềnh toàng, chiếc bàn gỗ thô mộc, bộ ấm uống trà cùng vài thứ lỉnh kỉnh. Từ đây có thể phóng tầm mắt xa tít những ngọn núi mờ sương. Chính nơi đây đã cho nhà thơ nhiều cảm hứng thi ca làm nên tên tuổi Pờ Sảo Mìn, một lối thơ rất riêng, không giống ai.  
Năm nay cũng vậy nhóm bạn chúng tôi từ thành phố Lào Cai vào vẫn một tinh thần xốc xáo đến lão Mìn mổ lợn ăn tết sớm. Con đường dẫn vào thị trấn Mường Khương nay đã khang trang sạch đẹp. Thị trấn nằm trong lòng chảo với bốn bề núi đá vây quanh, nhà cửa phố xá đã mọc lên ngang dọc nhưng vẫn giữ được nét êm đềm và thanh bình vốn có. Qua phố cổ thị trấn Mường Khương là con đường nhỏ dẫn vào Tung Chung Phố, về nơi dinh thự của lão Mìn. Căn nhà khuất nẻo, khiêm nhường hút sâu trong con ngõ với hàng dậu khúc tần xanh rơn mắt. Phía sau nhà núi Tà San bồng bềnh trong sương. Bên hông dòng suối Tu Bô trong vắt ngày đềm tấu nhạc ngân nga, hồ nước long lanh, thoáng rộng trước nhà. Từ đây ta thoả mắt ngắm núi Cô Tiên trong xiêm y mỏng mảnh. Chủ và khách không phân biệt, tự dọn dẹp, ai thấy gì làm nấy rồi chải chiếu ngoài hiên uống trà đàm đạo văn chương. Nhìn những đám mây trắng trôi ngang trên đầu, thấy rõ sắc cảnh mênh mông lấp lánh trong nắng mà u uẩn hoài niệm.
Đến Mường Khương đã hỏi nhà lão Mìn thì ai cũng biết. Họ gọi lão với cái tên rất mộc mạc mà thân thương “Lão Mìn làm thơ”và rất nhiệt tình chỉ dẫn. Người vùng cao là vậy, chất chất thật thà, yêu ghét rõ ràng. Họ tự hào người Pa Dí có Pờ Sảo Mìn, kính trọng, quý mến lão và những người bạn của lão làm chúng tôi cảm thấy thơm lây.
Vòng qua cái tường gạch cũ kỹ, trong bếp nồi nước đang sôi lục bục, ngoài sân một con lợn tầm sáu, bẩy chục ký đã được làm sạch trắng nhởn nằm sõng soài trên tấm phản. Giống lợn đen bản địa từ lâu đã được coi là một sản vật quý. Thịt chất lượng cao, chắc săn, nhiều nạc, thơm ngon, nếu sánh với thịt lợn rừng thì mức độ ngon chả kém. Nghe nói giống lợn này được người dân ở đây thuần dưỡng lai tạo từ lợn rừng trên núi Tà San với lợn thuần địa phương. Việc lai tạo giống nghe ra có vẻ khoa học ghê gớm lắm. Nhưng kỳ thực người ta chỉ tạo cơ hội cho nhẽ tự nhiên đực cái vốn có  giời sinh. Khi con nái bản địa đến kỳ người ta lấy cái dây rừng chắc buộc vào chân lợn dong vào rừng và cột vào một cái cây. Lợn cái đến kỳ tự nó phát ra một sạ hương mang tín hiệu gọi bạn tình. Một hai hôm sau ra dong lợn cái về coi như đã thụ thai. Từ đó thấy giống lợn nửa rừng, nửa nhà này dễ nuôi ít bệnh tật, có chất lượng thịt cao, hiệu quả tốt bà con ở đây nhân giống ngày một nhiều. Đấy là nghe người dân kể lại chuyện xưa, chứ bây giờ có lật hết núi, hết rừng ra cũng chả thấy bóng dáng lợn rừng đâu. Nói thêm thế là vì mình mê món thịt quý. Kiếm được miếng thịt lợn tươi ngon đặc biệt như vậy ở đồng bằng, phố thị bói cũng không ra. Theo chương trình bữa tết sớm này ngoài món “ông hợi” ra lão Mìn còn bổ sung thêm thịt vịt bầu giống Si thả suối.
 Khi các việc phụ ngoài đã xong và bước vào việc xả “ông hợi”. Từng tảng thịt được lọc xương và chia từng phần. Con dao bầu sắc nhẹm dưới tay  Chung “đồ cổ” lém gọn từng tảng thịt như một tay “đồ tể” chuyên nghiệp. Đầu đội mũ nồi ngắc nguẩy, ngó nghiêng, anh định lượng bằng mắt cho các phần thịt. Chúng tôi thích gọi Hoạ sĩ với cái tên như thế nó vừa thân mật, dễ nhớ, dễ yêu. Vì trước anh nguyên là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tên đó hợp, có lý, vì đã cổ thường là quý. Những phần thịt được bầy ra la liệt trên phản gỗ. Còn thừa lại được anh cắt nhỏ vật tiếp vào các phần chia đen đét đâu vào đấy. Nhà văn “thổ phỉ” Đoàn Hữu Nam chẻ ống giang thành những sợi lạt mềm, chân nhẩy tâng tâng tay cầm bó lạt múa múa xoay tít trên phản thịt trông như thầy phù thuỷ doạ ma, rồi xâu từng phần thịt treo lên cây sào buộc ngang trước hiên nhà. Lão Mìn chủ nhà lưng hơi gù nhưng đầu rất thẳng, làm tổng chỉ huy. Ông tất bật, hết dưới bếp lại ra sân, tay chỉ, chân đá, miệng nói, nhiều khi phát sóng tiếng Pa Dí làm bọn tôi chịu chết chẳng biết lệnh thế nào mà thực hiện. Rồi lão cười pớ lớ ngồi nhả khói thuốc mù mịt…
Trong bếp Nhà báo Lê Minh Thảo, thầy đồ Ngữ văn Nguyễn Sơn đang dao thớt, lụi hụi sắp cỗ. Giúp việc hai “trưởng bếp”này là mấy sơn nữ da trắng má hồng, chân dài miên man, mắt ngài lung liếng, tíu tít, bát đĩa. Từ khi có mấy sơn nữ vào không khí ngày tết sớm nhà lão Mìn càng thêm phần sôi nổi. Cánh bạn văn thơ ngoài hiên cũng tạm hoãn cuộc “đấu khẩu” đứng dậy để chuẩn bị vào cuộc quây quần ẩm thực. Khi rượu ngô được chắt từ chum ủ trong hang núi sau nhà đem vào, lục phủ ngũ tạng, tiết canh, các đặc sản của xứ Mường được bầy thành dẫy dài. Nồi cháo lòng bốc khói nghi ngút đặt giữa sân nóng hôi hổi. Bát cháo gạo mới sén cù vẩy chút hàng xanh quyện hương xương thịt thơm ngậy. Sụp soạt, ngọt ngon trong râm ran câu chuyện cuối năm tưởng chừng như mạch nguồn không ngừng chảy. Rượu vào thơ ra đó là nhịp đồng hành trong giới văn sĩ. Rượu ở đây là chất men xúc tác làm cho tâm hồn hứng khởi sảng khoái để thoả cái tình khi gặp bạn. Nó thanh tao trong sáng lung linh, nâng lên đặt xuống một hồn thơ bay bổng, có triết lý nhân văn cuộc đời, có hoài niệm xa xôi. Trong cái không  gian Pờ Sảo Mìn thì càng khẳng định rượu là một linh dược quý, lão ngất ngưởng “ Dáng trai trần trong mặt trời nắng cháy/ ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày / Con gái đẹp trong giá buốt đông sang / Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng…” Ông đọc thơ cứ như lời tâm sự nỗi niềm về dân tộc mình, nghe mộc mạc chân tình, xù xì thô nhám như đá núi nhưng gửi vào đó bao điều sâu sắc nhân văn. 
Những tia nắng hiếm hoi chiều đông đã chếch đầu non. Cuộc vui nào cũng có điểm dừng. Nhà văn họ Đoàn đứng lên trịnh trọng tuyên bố cuộc vui tết sớm và kết thúc một câu nghe như thơ: “Yêu nhau lắm cũng phải tạm dứt ra/ đừng như bài ca ...”. Thịt trên cây sào được gỡ xuống. Lão Mìn đứng giữa sân xướng tên từng người, mỗi cái tên kèm biệt hiệu lằng ngoằng bước vào nhận thịt, mỗi phần thịt được cộng thêm một can hai lít rượu ngô ủ. Đến lượt chủ nhà, lão Mìn và người chia thịt Đoàn Hữu Nam lại đứng ra hàng và người khác thay xướng tên hồ hởi, sung sướng bước lên nhận phần. Ai nấy đều vui vẻ, hoan hỷ buổi ăn tết sớm. Trước khi về mọi người kéo nhau qua chợ mua thêm ít sản vật xứ Mường như là lạp sường, thịt hun khói, rau quả... Bà con ở đây người ta biết là bạn ông Mìn nên toàn hàng sịn và giá cả cũng hợp lý. Chỉ có Hoạ sĩ Chung “đồ cổ”là xuits mất mấy trăm ngàn tiền đặt cọc mua hàng. Chả là hắn định đánh quả lẻ ra chợ từ sớm mua mấy cân chè làm quà tết tặng các bạn cùng đi. Thấy em bán chè mắt thắm, môi huyền lúng la lúng liếng là sà vào rút luôn tiền đặt trước vài trăm hẹn chiều về lấy. Cứ tưởng sơn nữ đẹp như tiên sa kia là thứ thiệt, hoá ra sơn nữ cải trang. Chiều về, chả thấy người đâu chỉ còn lại áng mây chiều lãng đãng. Xấu hổ muốn chết, may có lão Mìn nhẩy vào cuộc điều tra nên đã lấy lại được tiền. Chuyện không biết vui hay buồn đây? Vậy xứ núi thanh bình này đã len lỏi những hạt sạn lăn ngược tới rồi… Lại một chuyện nữa đáng cười không thể không nói, đó là khi xe của thầy đồ Nguyễn Sơn chở anh em đi thăm bản Mông, lúc gần tới nơi bất chợt xuất hiện một đoàn trâu lớn nhỏ hơn hai chục con đi ngược chiều. Chắc các Ngưu Ma Vương tưởng trên xe là các vị Tôn Hành Giả nên nghêng sừng rạt hai bên đường đứng đón tiếp. Chả biết thầy đồ phấn chấn hay khiệp sợ cứ còi inh ỏi và tà tà lách lên. Một Ngưu Ma Vương không hiểu do tiếng còi gật mình hay ghét cái không khiêm tốn chiếc xe của thầy liền dùng ngay chiếc sừng đen bóng hếch lên cảnh báo làm cho chiếc Toyota kính cong của mất toi bên gương kèm theo vệt sừng làm kỷ niêm. May cái sừng nhọt hoắt ấy không móc phải ai ngồi trên xe. Thật hú hồn.
Lỉnh kỉnh ra về với ước mong ngày rày năm sau lại ngược núi đến nhà lão Mìn ăn tết sớm, không biết thế nào nhỉ.. Chỉ một ngày thôi, được vui vẻ cùng bạn trong thanh bình, ấm áp, thân thương. Các gương mặt bạn bè mỗi người lại hiểu mình, hiểu đời thêm...
                                                                 Ngày 6 tết Nhâm Thìn
                                                                                C.T
           


                               Ngả mâm cùng vui tết sớm 
                      Đùm lớn túi bé gủi anh cốp trước nhỡ rượu vào say quên thì hỏng!
                             Chung đồ cổ và những người bạn mới  cùng lên thưởng tết sớm

 
                                  Xắn tay vào cuộc 

                             Lão Mìn cũng ra tay, món này lolotica không thể ẩu được

               Vườn rau thơm xanh ngắt đặc biệt là sạch 100% không thể thiếu trong mâm cỗ
                  Ông bà Mìn tiễn khách và còn xách thêm rượu cho
           Nhôn nhịp nhận quà lại muốn cả cành đào xứ Mường này nữa kìa.

                              Lưu luyến bắt tay Lão Mìn , Chung đồ cổ, Thầy đồ Nguyễn Sơn


Còn lại một mình lão và cây ông khói
                                         
                                                       Còn đây là Sa Pa ngày trước tết
                                                                    Bài ảnh của Công Thế

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến