Nguyễn Trọng Tạo
Đất quê hương không chỉ là áo giáp chở che người lính trong chiến trận, mà còn là đồng ruộng xóm làng nuôi nấng tốt tươi tâm hồn người nhà quê di truyền trong anh. Dẫu đã 20 năm trao thân cho thị thành, nhưng cái con người nhà quê ấy như chẳng hề mai một, nhàu nát. Đấy là Hữu Thỉnh, “nhà thơ từ đất mà lên” – theo cách gọi thân mật của cánh lính chúng tôi sau chiến tranh trở về nhóm lên trại viết Vân Hồ – Hà Nội. Hồi đó, nghĩ về thơ của thế hệ mình, tôi có so sánh: “Nếu như hồn thơ Thanh Thảo là những tia chớp từ trời xuống thì hồn thơ Hữu Thỉnh là sự sum suê của cây cối từ đất mà lên”. Bây giờ đọc tập thơ mới của Hữu
Thỉnh – Thư mùa đông – quả là anh vẫn chưa làm phai ý nghĩ dạo nào của tôi.
Ngay từ Lời thưa đầu sách, Hữu Thỉnh tự nhận mình là con người của rơm rạ đồng quê: “Tôi ấy mà, một cuống rạ bơ vơ”. Và cứ thế, anh “bước vào thành phố – Với nguyên mùi rơm tươi”. Những thứ ta thường gặp chốn quê mùa quen nhàm tưởng chẳng còn gì để nói, riêng với Hữu Thỉnh nó luôn có một đời sống sinh động và mới mẻ đến ngỡ ngàng. Anh cảm và nói về nó bằng một thứ văn hóa nhà quê thật đẹp và thật ngộ. Đó là “cỏ hội hè”, là “cau ấp bẹ”, là “cánh diều để chỏm”, là “cào cào cánh sen”, là “sinh nhật của cánh chuồn”… Văn hóa nhà quê của Hữu Thỉnh khác Nguyễn Bính mà gần với Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc. Đọc họ, ta được đắp bồi phù sa văn hóa những vùng quê, và ngược lại, có khi phải thông hiểu cái văn hóa vùng quê ấy, ta mới nhận bắt được cái hay, cái thú vị ẩn chứa trong tác phẩm của họ. Thơ cổ điển sống lâu, một phần là nhờ bề dày của điển tích – sợi dây văn hóa bảo đảm cho cánh diều thơ ca chao liệng trên cao rộng hồn người. Cái sợi dây văn hóa nhà quê phải chăng đã phần nào níu giữ Hữu Thỉnh đứng được trong nền thơ hiện đại bộn bề xáo trộn ngày nay?
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
(THƠ VIẾT Ở BIỂN)
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Hữu Thỉnh, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Hoàng Quốc Hải, Khuất Quang Thụy
Có lẽ trong các nhà thơ cùng thế hệ Hữu Thỉnh là thi sĩ của nhiều câu thơ đầy ma lực, như chứa dược tố mooc – phin gây mê nghiện, nó nhập vào người đọc như nhập đồng, nó lôi dắt đối tượng như thôi miên. Thú thực có lúc tôi phải tự mỉm cười khi nghĩ rằng Hữu Thỉnh là một nhà phù thủy ngôn từ, cái nhà phù thủy vừa đáng yêu, đáng phục, vừa đáng sợ, đáng chờn. Có câu thơ gần hai mươi năm của anh cứ lởn vởn trong tôi với suy nghĩ lẩn thẩn ấy: “Cây rơm gầy, xay giã cũng thưa đi”, “Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”, “Một mình một mâm cơm – Ngồi bên nào cũng lệch”… Chính từ dạo ấy, giữa dàn đồng ca của thơ, Hữu Thỉnh đã tìm được cho mình một giọng thơ độc đáo, để phân biệt được chính anh với những người khác. Thơ có hồn hay không, có phong phú đa nghĩa, đậm đà hay không trước hết là ở giọng. Cái giọng độc đáo nhà quê ấy đã tạo nên thần sắc thơ Hữu Thỉnh. Nhưng những câu thơ hay thời đầu của anh thường thiên về cảm. Bây giờ câu thơ Hữu Thỉnh đậm màu triết học hơn, nó có sức nặng của ngẫm ngợi và chiêm nghiệm:
Bắt gặp tình thương đi đưa đám hận thù
(BUỔI SÁNG THỨC DẬY)
Đối với mẹ sẽ là đòn đau nhất
Có kẻ nào rình ném bẩn lên tôi
(CHẠM CỐC VỚI XA – IN)
Cá quẫy lòng ao cũng giật mình
(CUỐI NĂM)
Anh đi mòn mà mảnh chai vẫn sắc
(IM LẶNG)
Ngẫm ngợi, chiêm nghiệm mà vẫn giữ được thảng thốt, trẻ trung, táo bạo của kẻ đang yêu:
Anh muốn bế cả chiều
Hôn lên ngày gặp mặt
(BÌNH YÊN)
Và thỉnh thoảng thấy anh reo lên vì chữ:
Vú em mỗi ngày mỗi ngọc
(EM)
Đã lâu, tôi cứ thầm phục mãi một câu thơ của người xưa: “Đập cổ kính ra tìm thấy bóng – Xếp tàn y lại để dành hơi”, vậy mà khi gặp mấy câu này của Hữu Thỉnh: “Mở trăng ra tìm – Trăng còn in bóng – Mở cỏ ra xem – Cỏ còn hơi ấm” thì cho dù biết Hữu Thỉnh học người xưa, tôi vẫn nhận ra cái giọng riêng ngây ngất của anh. Điều này người Pháp đúng khi họ nói: “Chính cái giọng chi phối bản nhạc” (Cést le ton qui commande la musique).
Đọc Hữu Thỉnh lâu nay dễ nhận thấy anh thường chặt ở câu mà lỏng ở bài. Có người bảo anh là nhà thơ nhiều câu ít bài, kể cũng có lí của họ. Cảnh giác chỗ này sơ hở nơi kia âu cũng là cái bệnh đáng yêu của thi sĩ. Lâu lâu gặp nhau, tôi thường được anh đọc cho nghe những câu thơ mới, thú vị lắm, nhưng ít khi nghe được trọn vẹn bài thơ. Có lẽ anh là người không mấy dễ hài lòng về các sự kết thúc. Bài thơ Phan Thiết có anh tôi là một bài thơ có chỗ đứng trong lòng người đọc đã in đi in lại mấy lần, nhưng lần này anh mới quả quyết cho in thêm năm câu cuối. Bài thơ bỗng trọn vẹn, bề thế hơn hẳn. Sự thức ngộ này báo hiệu một bước chuyển mới của thơ Hữu Thỉnh, đây là sự lập tứ cho các bài thơ theo nhịp độ dồn nén, nhằm thúc đẩy cảm xúc tư tưởng. Nhờ vậy mà thơ anh chuyển được tốc độ, tránh được lan man (dù lan man đầy mà lực) để nhanh chóng tới đích cần tới).
Kìa nó đấy, kẻ chặt cây lại đến
Tôi lặng lẽ lo âu cho những người đứng cạnh
Hai câu kết bài thơ “Những kẻ chặt cây” vừa khép lại bài thơ vừa mở ra ý tưởng, như viên sỏi đã chìm xuống đáy còn để lại những vòng sóng xao xuyến trên mặt nước. Hiệu quả của nghệ thuật lập tứ hiện rõ ở các bài Người ấy, Một ngày, Chạm cốc với Xa – in… và đặc biệt là bài Hỏi. Anh chọn bốn đối tượng để “hỏi”: Đất, nước, cỏ, người, và nhận được ba câu trả lời: đất “tôn cao nhau”, nước “làm đầy nhau”, cỏ “đan vào nhau – Làm nên những chân trời”. Riêng câu trả lời của người là bỏ trống sau ba lần hỏi điệp lại: “Người sống với người như thế nào?” Bài thơ để ngỏ cho mỗi người tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Đấy là một nghệ thuật cô đúc, tinh vi chặt chẽ đến nỗi, ít mà không thiếu, nhiều mà chẳng thừa. Tác giả hoàn toàn làm chủ những con chữ của mình, mà người đọc vẫn cảm thấy như tự bài thơ nó vốn thế, nó là một khối vẹn toàn, lấp lánh tâm hồn và trí tuệ hiền minh *. Những bài thơ như thế làm mới Hữu Thỉnh, nó tôn anh lên mà không cần phải “đi qua nhiều mũ áo”.
Đó là dấu hiệu của nhịp sống công nghiệp thành phố đã nhập vào con người duy cảm, phá mở hồn thơ Hữu Thỉnh. Tuy vậy, hồn quê trong con người thi sĩ này còn đầy, và anh vẫn cố gắng duy trì nó trong cuộc bơi qua bản năng và giác quan nông dân của mình để hội nhập văn minh thị thành với nguyên cả mùi rơm tươi của đồng quê muôn thuở.
Huế, 25 – 7 – 1995.
____
* Bài thơ HỎI sau này có người cho là giống một bài thơ của Đức trước đó. Khi viết bài này tôi không biết có bài thơ của Đức, và khẳng định sự trọn vẹn độc đáo của HỎI. Tuy nhiên, sau khi đọc bài thơ của Đức, tôi nghĩ giá không có bài thơ đó…
Các tin khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét