Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Bảo Thắng - Những kỳ vọng xanh

                Bảo Thắng-Từ buổi bình minh dựng nước thuộc đất Tây Âu của Thục Phán, thời Bắc thuộc là châu Cam Đường quận Giao Chỉ; đời Lý thuộc Châu Đăng; đời Trần thuộc Quy Hoá; từ thời nhà Lê đến thực dân Pháp chiếm đóng (1886) thuộc châu Thuỷ Vĩ, phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Năm 1928 châu Bảo Thắng gồm 11 xã, và tên Bảo Thắng xuất phát từ châu Bảo Thắng ra đời vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX. 
               Và vừa rồi mình có chuyến kinh lý về có bài này đã đăng trên Tạp chí PanXiPang và Lào Cai điện tử. Đây mình Pots lên hầu quý bạn.                   


 Ngát xanh Bảo Thắng hôm nay ảnh C.T
Bảo Thắng những kỳ vọng xanh
                                                                                                                 
                                                                                      Bút ký của Công Thế
          Rừng xanh, núi xanh, ruộng đồng, nương bãi ngát xanh, phố phường xanh, những khu Công nghiệp đang nhen lên màu xanh, đến cả giọng nói tiếng cười của người dân Bảo Thắng cũng đầy chất hào sảng, pha chút lãng mạn, cũng nhuốm sắc xanh của quê hương. Cái màu xanh đầy kỳ vọng ấy của Bảo Thắng đang trên đà cất cánh, đang làm nức lòng người. Nó đang dấy lên, đang vận động, chuyển mình,  tạo nên cú huých mạnh mẽ làm bật lên những bước nhẩy đột phá trong sản xuất, trong xây dựng và cả trong tầm nhìn quy hoạch chiến lược…  

     
Chân tôi luôn bước, mịêng luôn hỏi, mắt luôn đắm say, tay luôn ghi chép, ấy vậy mà đến hai ngày vẫn chưa thoát khỏi cái “bến lú” mênh mông xanh non đầy kỳ vọng của Bảo Thắng. Cái đắm say ấy không hẳn vì nụ cười và ánh mắt dao cau của thiếu nữ xinh tươi Phố Lu, Phú Nhuận, Thái Niên hay Xuân Quang..., mà là những gì của Bảo Thắng đang đổi thay hôm nay, cũng như  những chiến lược, tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng cho ngay mai.  Để tạo nên một diện mạo Bảo Thắng thành một huyện với tiềm năng, thế mạnh phát triển, trở thành trung tâm Công nghiệp, Nông nghiệp lớn nhất, chất lượng, hiệu quá cao nhất của tỉnh Lào Cai. Đạt được điều đó không đơn giản, một sớm một chiều, song đó là đích đến mà Đảng bộ và nhân dân Bảo Thắng đang sải chân bước trên con đường đã định. Con đường đó tuy không xa, nhưng không hẳn đã là gần, cũng không láng bóng êm đềm mà còn nhiều gập gềnh, khúc khuỷu, gian nan. Trên đường đi đến thành công cần có sự đồng hành, lòng quyết tâm, tình đoàn kết, tính sáng tạo của những thế hệ đang là chủ nhân của Bảo Thắng hôm nay. Họ là những người biết chớp thời cơ, biến thách thức thành thuận lợi.
Để có được cái nhìn thấu đáo, bao quát, đầy cảm xúc về bức tranh toàn cảnh của con người vùng đất đôi bờ dòng sông Mẹ này không phải ngẫu nhiên tôi có được! Ấy là tôi muốn nói thêm về trại viết của Hội Văn học - Nghệ thuật Tỉnh, phối hợp với UBND huyện Bảo Thắng tổ chức hồi tháng bảy vừa qua. Nói là trại viết cho oách, cho sang chứ thực ra, theo cách đặt vấn đề mà ông “Trại trưởng” - Nhà văn Đoàn Hữu Nam đương kim Phó chủ tịch Hội là chuyến đi xâm nhập thực tế cơ sở để sáng tác văn học viết về quê hương Bảo Thắng. Viết về những đổi thay, nhất là những chuyển mình về Nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hướng đến con đường xây dựng nông thôn mới. Theo tinh thần triệu tập của lãnh đạo Hội, anh em văn nghệ sĩ tham dự có các chuyên ngành văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh… háo hức tề tựu về Phố Lu - Thủ phủ Bảo Thắng theo đúng lịch. Cái chất men tình cảm với Bảo Thắng đã xúc tác làm tâm hồn các văn nghệ sĩ náo nức muốn xâm nhập cơ sở ngay để nhìn thấy, nắm lấy cái hơi thở cuộc sống đang cuồn cuộn chảy ở khắp các bản làng gần xa trên mảnh đất cổ thuộc Châu Thuỷ Vĩ - Phủ Quy Hoá xưa.
Phố Lu - Thủ phủ của Bảo Thắng chỉ cách thành Phố Lào Cai chưa đến 40 km nên việc đi lại rất thuận lợi, chỉ vít tay ga non tiếng đồng hồ là xe đã về đến nơi. Chính vì thuận lợi ấy nên tôi mỗi năm cũng vài lần về thăm bà dì. Mỗi lần như thế cũng chỉ loáng thoáng ít thời gian rồi lại đi luôn, cùng lắm cũng rôm rả, lai rai, có say đến ngoắc cần câu với mấy đứa em thì vẫn về Lào Cai trong ngày. Về Phố Lu nhiều, đi qua Bảo Thắng cũng lắm, nhưng lạ thế tâm tính tôi cũng không mấy khi để ý đến sự thay đổi lớn mạnh của Bảo ThắngTha,  giống như gần nhà có cô hàng xóm xinh đẹp nhưng chẳng mấy quan tâm lại viển vông tận đẩu, tận đâu, đến khi thấy xuất hiện những chàng trai lạ đến xóm, mới ngộ ra cô hàng xóm ngày nào nay phổng phao, nõn nà đẹp như hoa hậu để rồi đứng mà ngó ngơ… Ví von thế cũng chẳng ngoa. Hôm nay đến Bảo Thắng, được nghe, được ngắm, được đắm chìm trong cái không gian của vùng quê đang trên đà đổi mới. Dù đi trên đường cái quan qua thị trấn Phố Lu, Phong Hải, hay đến Khu Công nghiệp non trẻ Tằng Loỏng; Hoặc đang mải mê đắm chìm trên đồi chè Phong Hải, Phú Nhuận, hay đang ngỡ ngàng với vườn cao su hàng thẳng hàng tăm tắp mới trồng ở Bản Phiệt, Bản Cầm, Thái Niên; Hoặc miên man với màu xanh ngan ngát của rừng, của lúa, ngô ở Sơn Hải, Sơn Hà, Xuân Quang… Đâu đâu cũng cho tôi cảm nhận mới, một cảm nhận về sự đổi thay, chuyển mình trong cách làm, nếp nghĩ biến làng quê lam lũ đi lên trù phú, ấm no. Đâu đâu cũng gặp những nụ cười rạng rỡ, những nét mặt hân hoan của người dân hiển hiện niềm tin yêu lạc quan, tin tưởng vào các kế sách đường hướng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã chọn. Những kế sách đó được thể chế hoá bằng 6 chương trình, 13 đề án trọng tâm,  như cẩm nang, bảo bối trong chương trình hành động trên con đường xây dựng quê hương Bảo Thắng trở thành miền quê giầu mạnh.
Bảo Thắng có bề dầy lich sử và truyền thống anh hùng. Là một huyện thuộc dải thung lũng hẹp chạy dọc sông Hồng đan xen trong vùng núi thấp. Phía Tây là dải núi thấp của dãy Phan-Xi-Păng – Pú Luông, phía Đông là dãy Con Voi của thượng nguồn sông Chảy án ngữ. Dòng sông Hồng uốn lượn chảy ngang đôi bờ Bảo Thắng ngày đêm bồi đắp phù sa màu mỡ tạo lên những cánh đồng trù mật nơi nó đi qua. Chẳng vậy mà ngay từ thời tiền sử người Việt cổ đã quần tụ, mưu sinh và đơm hoa kết trái ở miền đất này. Các di tích khảo cổ học từ thời đại đồ đá cũ với nền văn hoá Sơn Vi cách đây trên 1vạn năm đến nền văn hoá Hoà Bình, Phùng Nguyên và nền văn minh Đông Sơn rực rỡ mà tiêu biểu là di chỉ khảo cổ học Ngòi Nhù Sơn Hà; các di chỉ khảo cổ đã minh chứng cho địa bàn cư trú lâu đời của con người đất Việt. Nối tiếp với văn hoá đó là truyền thống yêu nước của quân và dân Bảo Thắng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Các địa danh đã thành di tích lịch sử cách mạng như Soi Giá, Soi Cơ xã Gia Phú. Chiến công đánh đồn Phố Lu, nơi diễn ra cuộc tấn công chiến đấu quyết liệt suốt 5 ngày 6 đêm của bộ đội chủ lực trung đoàn 102 và quân dân địa phương với Thực dân Pháp mở đầu chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng Lào Cai cuối năm 1950.
“Đất lành chim đậu”  BảoThắng đã trở thành quê hương thứ hai của bà con các tỉnh từ Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam…từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Các thế hệ con cháu họ tiếp nối cha ông cùng đồng bào các dân tộc anh em  đang ra sức chung tay xây dựng quê hương.

                                       Bến nước tình người ảnh C.T
Bảo Thắng có tổng diện tích đất tự nhiên gần 70 ngàn héc ta, dân số hơn 100 ngàn người, trải rộng trên 15 xã và thị trấn. Phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp (hơn 56 nghìn héc ta), chỉ có hơn 3 nghìn héc ta là đất nông nghiệp. Song trong cái nghịch có cái thuận. Một lợi thế quan trọng để Bảo Thắng có đà cất cánh trong giai đoạn tới. Đó là Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, với diện tích 1.100 héc ta, trên cơ sở phát triển mở rộng về phía Đông Bắc nhà máy tuyển Apatit và được xác định là khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, có nhiều dự án đã đi vào hoạt động.  Chủ yếu các dự án ở đây tập trung là các dự án chế biến khoáng sản, hoá chất, sản xuất phân bón, luyện kim và cơ khí thuộc loại lớn, hiện đại trong khu vực, như: nhà máy luyện gang thép Lào Cai 1 triệu tấn/năm (chia làm hai giai đoạn) nhà máy luyện đồng nằm trong tổ hợp đồng Sin Quyền,  là một nhà máy luyện đồng đầu tiên tại Việt Nam với công suất 10 nghìn tấn đồng kim loại/năm, nhà máy phân bón chất lượng cao DAP 330 nghìn tấn/ năm… Ngoài việc hàng năm đóng góp ngân sách cho địa phương, Khu Công nghiệp sẽ tạo điều kiện các ngành phụ trợ và dịch vụ phát triển theo. Sự phát triển đó là quy luật hữu cơ. Đó là thuận lơi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo số liệu ngành Công thương, đến nay đã có hơn 10 nghàn công nhân và dân số sẽ tăng nhanh vào các năm sau 2012. Điều đặc biệt các dự án xây dựng tại khu công nghiệp khi triển khai đã có cam kết nghiêm ngặt về biện pháp xử lý chất thải bảo vệ môi trường, đây là mối quan tâm hàng đầu và cũng là vấn đề đã từng gây bức xúc dư luận đã từng sẩy ra ở nhiều nơi. Rồi chẳng bao lâu nữa thị trấn Tằng Loỏng sẽ trở thành một thị xã công nghiệp sầm uất, thành một khu công nghiệp xanh, thân thiện.
Vẫn biết Bảo Thắng rất thuận lợi về giao thông. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội, Quốc lộ 4E, quốc lộ 70, rồi nay mai con đường cao tốc xuyên Á hiện đại vắt ngang mình qua Bảo Thắng nữa. Những huyết mạch giao thông này là những cầu nối, là yếu tố quan trọng giúp Bảo Thắng liên kết với các địa phương và cả nước. Người Bảo Thắng hôm nay với niềm tự hào về truyền thống quê hương, với tính cần cù, sáng tạo họ đang vững tin vào trí lực của mình, đang khai thác tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt thời cơ, áp dụng khoa học, công nghệ biến tiềm năng thành hiện thực. Họ đang làm thay đổi diện mạo quê hương mình.
Ông Vũ Văn Tuấn Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những năm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân 20%/ năm trở lên, thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 36 nghìn tấn, áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giá trị sản xuất trên một ha cây trồng đạt từ 47 – 50 triệu đồng, giảm tỷ lệ đói nghèo hàng năm trên 3%.  Đến năm 2015 hoàn thành qui hoạch phát triển nông thôn mới trên toàn huyên. Phấn đấu trước mắt xây dựng phát triển 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm giải quyết dạy nghề và tạo việc làm mới cho 2 500 người. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và phổ cập giáo dục trung học cơ sở …
 Một vài số liệu các chỉ tiêu trên, những con số nghe ra có vẻ khô khan tưởng như đơn giản vậy thôi, nhưng đó là cả một cuộc cách mạng quyết liệt, đầy gian khó, đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của toàn dân. Cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giầu nghèo, giảm cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn mang tính bền vững nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Giảm dần tỷ lệ nông nghiệp, tăng tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ. Tôi miên man nghĩ đến viễn cảnh của một Bảo Thắng tương lai mà lòng dạ xốn sang háo hức. Bởi những đường hướng mấu chốt trong chính sách Tam Nông mà Bảo Thắng đang triển khai rất hiệu quả. Nói đến Tam Nông tôi lại nhớ đến một bài phỏng vấn về nông dân, nông thôn của nhà thơ Trần Đăng Khoa đăng trên báo Hồn Việt tháng 3/2011:“Tôi thấy nông dân thời nào cũng khổ, so với thành thị. Đổi Mới có làm cho nông thôn khấm khá hơn, nhưng Đổi Mới chỉ thực sự thành công khi nâng được chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Ở thành phố nhiều người giầu lên, hơn hẳn ở thôn quê. Nông dân vùng sâu vùng xa không ít người vẫn trong cảnh bần cùng
“ Nông dân thời nào cũng rất khổ”, câu nói đó thực xót xa, nhưng, tôi hy vọng đó chỉ là nhận định nhất thời của vị thần đồng một thủa. Sự đổi mới của Bảo Thắng hôm nay không tách rời trong cái đổi mới chung của đất nước. Bằng những chỉ tiêu cụ thể có tính thuyết phục cao trên cơ sở khoa học đã và đang trở thành hiện thực đi đến cái đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cái mà nhà thơ còn băn khoăn. Để minh chứng điều đó tôi không thể không kể ra đây những thành tích cũng là những tín hiệu vui trong sản xuất nông nghiệp mà Bảo Thắng đạt được, nhất là sáu tháng qua: Năng suất lúa bình quân trên 57,2 tạ một ha, ngô hàng hoá 41 tạ /ha tổng sản lượng lương thực có hạt trên 20 nghìn tấn. Đặc biệt Bảo Thắng chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất, qui hoạch vùng chuyên canh đã tạo lên những hiệu ứng kết quả cao. Bảo Thắng đã biết kết hợp nhuần nhuyễn của Ba Nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) thành thế chân kiềng vững chắc.  Điển hình là việc đưa giống lúa mới DFI của Nhật vào thí điểm trên diện tích 13 ha vụ chiêm vùa qua đã cho kết quả đáng khả quan. Năng suất vượt trội 6,7 tấn/ ha. Ưu điểm của DFI là giống thuần nghĩa là lúa thương phẩm cũng để được giống, chịu được thời thiết khắc nhiệt như hạn, rét, gạo ngon, hạt dài. Từ đó đã mở ra con đường thâm canh, qui hoạch tập trung giống lúa chất lượng cao 500 ha. Bảo Thăng còn có vùng chuyên doanh chè rộng hơn 1040 ha  trong đó có 790 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011 sản lượng chè búp tươi đạt 1 262 tấn, tăng 42% so cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chè được chế biến trên dây truyền công nghệ cao để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Chè Bảo Thắng đã có thương hiệu trên thị trường được người tiêu dùng tín nhiệm như chè Tuyetsans của Công ty chè Phong Hải. Cây chè đã thực sự là cây mũi nhọn đảm bảo cuộc sống của trên 3000 người.
Còn nữa! Đó là nghề nuôi trồng thuỷ sản của Bảo Thắng. Nếu xét về địa lý thì Bảo Thắng có lợi thế với diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản, đất thấp ao hồ nhiều (585 ha), cùng với kinh nghiệm và kỹ thuật thâm canh cao như ở Phú Nhuận, Phong Hải, Sơn Hà… sản lượng cá thương phẩm hàng năm cung cấp cho thị trường trên 1.200 tấn đã tăng thêm nguồn thu đáng kể cho địa phương. Bảo Thắng đang chuyển dịch vật nuôi gia súc gia cầm bằng mô hình trang trại (hiện huyện có 40 trang trại chăn nuôi). Mô hình này đảm bảo được các yếu tố như quản lý được dịch bệnh, chất lượng vật nuôi, xử lý chất thải bảo vệ môi trường. hàng năm Bảo Thắng cung cấp trên 1 triệu con lợn thịt ra thị trường, chiếm 1/4 số đầu lợn cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của hợp tác xã Thuý Hiền - Thị trấn Phố Lu. Nhìn những đàn gà trong các ngăn chuồng đều tăm tắp, lông mượt óng,  những đàn lợn hướng nạc chuẩn bị đến ngày xuất chuồng nằm ngỗn ngện, con nào con ấy cứ trùng trục, nặng tám chín chục cân nhìn thật sướng mắt. Theo anh Hải người quản lý cho biết mỗi lứa gà nuôi bình quân chỉ có 45 ngày là xuất bán. Tôi tròn mắt, công nghệ chi mô rứa!  ngang với thổi bong bóng. Bần thần nhớ lại một thời băm bèo, nấu cám xửa xưa… Anh còn cho biết các khâu quản lý từ thức ăn, thú y, cho đến chất lượng thịt khi bán ra thị trường đều được các cơ quan chuyên môn kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đi trong trang trại dưới bóng xanh rợp mát của những hàng cây đã át đi cái nóng bức của trưa hè tháng sáu tôi cảm giác màu xanh cứ lan mãi trên bãi đồi Bảo Thắng. Rồi lại nghĩ đến dự án dây chuyền giết mổ tự động mà Bảo Thắng đang chuẩn bị đầu tư, mà ông Phó chủ tịch Tuấn khoe hôm trước. Nếu dự án đó đi vào hoạt động nhất định tôi sẽ đến xem bằng được, vì mới chỉ được nhìn trên ti vi thôi. Tôi mường tượng cảnh đàn lợn ngoan ngoãn xếp hàng một đi vào lò mổ, bỗng ét một cái thòng lọng đã treo ngược chú ỷ lên và các công đoạn trong chốc lát đã hoàn tất… Nghĩ mà mừng vì công nghệ hiện đại đã được người nông dân áp dụng để phục vụ thiết thực cho đời sống. Vui vì sự liên kết quan tâm của các nhà khoa hoc, nhà doanh nghiệp đã cùng nhà nông chung tay phát triển nông thôn.
Trong cái nắng ong ong chiều hạ tôi cùng nhà báo Mạnh Dũng xuyên tắt đường rừng từ Phú Nhuận theo dốc ông Đống về Phố Lu, để đi Thái Niên, Bản Phiệt. Đi trong bát ngát mênh mang của rừng mỡ, rừng quế, rừng trẩu, của tre của vầu. Màu xanh rợp lan xa bất tận vững bền cho Bảo Thắng cất cánh. Nhưng điểm mà chúng tôi muốn đến, để thăm đó là một loại rừng trồng mới, loại rừng mà giá trị kinh tế cao bền vững hơn. Cây công nghiệp Cao Su. Với dự án đang triển khai có tầm cỡ chiến lược lâu dài mà được sự quan tâm của nhiều cấp lãnh đạo và hưởng ứng của người dân. Dự án 3.500 ha cao su tại Bản Cầm, Bản Phiệt, Thái Niên theo hướng đại điền. Ngoài diện tích đất trống đồi trọc Bảo Thắng còn chủ trương chuyển đổi những diện tích rừng nghèo, rừng kém hiệu quả, thay vào đó bằng trồng cây cao su. Dự án trên đang được Bảo Thắng dốc sức, dốc lòng thực hiện. Được sự giúp đỡ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trực tiếp là Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng - Lào Cai, Công ty Hoàng Lan, Nông trường cao su Thanh Niên. Cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã tạo cho Bảo Thắng một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân sớm về đích hơn. Một bộ phận lớn những nông dân với cách nghĩ nếp làm nhỏ lẻ, manh mún sẽ trở thành những công nhân Công nghiệp cao su. Tôi tưởng tượng đến cái màu xanh bạt ngàn của 3 500 ha cao su. Một diện tích như trong mơ của Bảo Thắng đến kỳ khai thác cho dòng “vàng trắng”mà lòng thơ thới lâng lâng. Thử nhẩm một phép tính đơn giản, một héc ta cao su khi đi vào kinh doanh mỗi năm cho sản lượng 2,2-2,5 tấn. Mỗi một tấn giá xuất khẩu hiện nay loại 1 đến gần 80 triệu đồng, vậy 3 500 héc ta mỗi năm đem vàng về cho Bảo Thắng đâu có ít. Trong khi đó rừng vẫn xanh môi trường vẫn bảo đảm, kinh tế là ở chỗ đấy, bền vững cũng ở đây. Có điều các nhà khoa học phải tính toán kỹ khâu kỹ thuật, khâu giống cho thích nghi với điều kiện khí hâu thổ nhưỡng địa phương. Phải nhớ bài học đau xót của vụ rét năm rồi đã hạ gục 80% diện tích cao su trồng mới đều do nguyên nhân từ giống.
    Tôi lang thang trên vườn cao su một năm tuổi ở Bản Phiệt. Từng hàng, từng hàng thẳng tắp, tán lá non tơ mơn mởn, rập rờn trong gió như những bàn tay vẫy vẫy trong nắng chiều. Những hàng cây, những rừng cây ấy sẽ khép tán đan cành toả chùm một màu xanh viên mãn. Màu xanh đầy kỳ vọng. Màu xanh minh chứng sự đổi mới trên con đường ấm no, hạnh phúc một miền quê. Tạm biệt Bảo Thắng. Khi chúng tôi ra về anh bạn tôi trong lòng vẫn hùi hụi tiếc bởi hụt chuyến đi chơi du thuyền, ngắm trăng, uống rượu cá chiên mà cô bạn răng khểnh, má hồng công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình Huyện nhã ý mời. Thôi đành lỡ hẹn, để dịp sau./                  
                                               
                                            Bảo Thắng – Lào Cai 
                                                   C.T  tháng 7/2011
                                               
                   

2 nhận xét:

Kiên Sa Pa nói...

Em đã đọc bài của anh.
Đối với những bài viết hay,xúc động như thế này,thực sự em chưa tìm được những comment cho xứng với công sức mà anh mà anh dày công tra cứu,sưu tầm tài liệu.Em nghĩ,với tất cả tình cảm yêu mến Bảo Thắng "cộng" thêm những giờ phút xuất thần,"nhân" với tất cả dồn nén yêu thương mà anh đã viết nên"Bảo Thắng-những kỳ vọng xanh".
Những dòng viết của anh cũng là nguyện vọng của Đảng ,chính quyền,cũng như mỗi người dân Bảo Thắng.
Đọc bài của anh mà em nhớ về nơi chôn rau,cắt rốn của mình.
Thank you soo much!!!

congtheblocg nói...

Chú cứ hoan hô thế là anh mừng lắm rồi. Bài này anh dự thi được đánh giá cao. Anh chỉ xuông hôm đó có một buổi sang và về nhà dì chơi chứ đi được đâu còn tài liệu anh phải đi trước đó nhiều lăm rồi . Cám ơn nhé.

Bài đăng phổ biến