Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Khói chiều Mỏng mảnh


                                                Khói chiều
                                        Mỏng mảnh
          Truyện ngắn của Nguyễn Thái Sơn    
                                                 
          Năm giờ sáng có tiếng còi xe. Ông Được xách cặp ra khỏi nhà. Bà Nhị vợ ông sỏ giầy đi thể dục dưỡng sinh. Huế bê chậu quần áo đầy vập ra vòi nước sau nhà.
          Giọng bà Nhị lanh lảnh:
          - Họp hành ở đâu thì họp chiều về sớm để xe đưa tôi đi chùa, ông nhớ đấy nhé!. Cái Huế giặt xong quần áo nhớ gọi anh Thắng chị Thuý dậy, con cái lớn rồi mà cứ ngủ trương ra.
          Ông Được vừa đẩy cổng vừa gắt:
          - Suốt ngày chùa với chiền, người ta còn công việc đi đây đi đó biết thế nào mà hẹn.
          Huế lấy chiếc ghế nhựa lặng lẽ ngồi vò quần áo.
          Có tiếng chim hót lảnh lót trên vòm cây sấu. Khoảng sân buổi sớm lặng lẽ trong veo. Những nhành cây như xanh hơn. Hương hoa sữa ngoài ngõ đưa vào thoang thoảng. Hai tay Huế vò quần áo mà
mắt vẫn dõi theo con chim sẻ nhỏ, vừa bắt được con sâu trong đọt lá non. Nuốt xong con mồi sẻ quẹt quẹt cái mỏ vào thân cây, rồi hót lên ríu rít ...
          Huế là người thứ tám trụ lại được sau bẩy người đến nhà ông Được, làm người giúp việc. Bẩy người đển rồi đi với bẩy lý do không ai giống ai. Họ đi mà không hề tiếc cái giá thuê ô sin cao ngất. Hai triệu đồng một tháng. Ở thành phố gạo châu, củi quế nếu tính chi ly thêm khoản điện nước ăn uống, lương ô sin nhà ông Được phải đến hơn bốn triệu. Nhưng đâu phải ông hớ hoặc hào phóng với người giúp việc, giá ấy, là phải chăng thôi. Ô sin nhà ông ngoài việc nội trợ còn phải chăm sóc cụ Lài, mẹ ông đang ốm “ thập tử nhất sinh”. Cụ ốm không giản đơn là nằm bất động, mà cụ còn bị chứng bệnh lở ngứa hành hạ, muốn gãi mà không gãi được. Người giúp việc  phải làm việc ấy thay cụ.
          Nhà ông Được có bốn người. Hai vợ chồng, hai đứa con thêm cụ Lài là năm. Tính thêm vì cụ không có hộ khẩu thành phố. Khi ốm một mình ở quê đành phải bán nhà cửa đất đai, lên ở với con trai. Cụ như cây tầm gửi bám vào thân cau, xác ở thành phố nhưng hồn ở quê nhà . Thời hiện đại với một gia đình khá giả và ai cũng có cá tính mạnh, thì việc chăm người ốm, khó như bắt người ta nuốt một thanh gươm.
          Bà Nhị đã về hưu, là người nhàn nhất không ngại ngần giãi bầy: “Kể cả mẹ đẻ ra tôi mà ốm như thế thì tôi cũng vái, chứ chưa nói đến mẹ chồng”. Còn cậu cả tốt nghiệp đại học đang chờ mở công ty riêng, cô hai sinh viên đại học năm thứ ba, mỗi lần đi qua cửa phòng bà nội, đều bịt mũi chạy nhanh lên tầng hai, hỏi sao đủ dũng khí tắm rửa đổ bô cho bà. Chỉ còn ông Được, thì bận trăm công nghìn việc của một giám đốc Công ty, đâu còn thời gian. Là người có học, giữ chữ hiếu, nên ông đã giành chút thời gian buổi tối đến bên giường mẹ để vấn an. Cụ Lài đã quá quen với những câu hỏi hờ hững, nên cứ vờ ngủ say như không nghe thấy. Ông Được chán nản ngồi chưa ấm chỗ đã vội đứng lên.
          Mọi việc đều đến tay Huế, thay bỉm, gãi ngứa, bón ăn, tắm táp và giặt dũ những bộ quần áo cóc cáy của cụ Lài, là công việc thường ngày của nó.  Một hôm ông Được thấy Huế vẹo sườn với chậu quần áo, ông bảo: “Cháu mang vào máy mà giặt, chứ nhiều thế giặt tay đến bao giờ”. Bà nhị nghe thấy hét lên: “Tao cấm, quần áo của bà phải mang ra vòi nước sau nhà mà giặt, không được giặt máy và giặt chung với quần áo của nhà”.
... Giặt xong quần áo, Huế đến bên bà Nhị. Bà đang làm động tác khởi động chạy vòng quanh sân. Bà năm nay đã vào tuổi bốn tám, nhưng là người rất chú ý tới đến chăm sóc, giữ gìn nhan sắc, nên trông bà vẫn trẻ, tưởng như mới ở tuổi ba tám.
- Bác ơi hôm nay ăn gì? Huế hỏi
Bà Nhị tung tẩy vừa chạy vừa trả lời:
- Bà thì như cũ, còn nhà thì mua cá và thịt bò không mua gà vì đang H5N1 đấy.
- Vâng ạ.
Huế lể phép đáp rồi lại xách làn đi chợ ...
Năm nay Huế mười bẩy tuổi, dáng cân đối mặt trái xoan, tóc để dài ngang thắt lưng. Con gái như Huế là xinh. Chỉ phải cái nước da hơi đen, bàn tay bàn chân hơi thô tháp, chẳng giấu được cái gốc con gái quê mùa. Huế đến làm người giúp việc gia đình ông Được đã gần ba tháng. Tính nó nhanh nhẹn nên không mấy mà quen việc. Huế như chiếc đồng hồ giờ nào việc ấy, xếp kín như lịch đài phát thanh. Sáng bắt đầu từ năm giờ kém mười lăm. Đêm lúc lên giường là hai mươi hai giờ ba mươi. Ngày có việc đột xuất như rửa xe máy cho cô, hoặc cậu chủ thì kết thúc muộn hơn. Có hôm bà Nhị bảo: “Cháu chờ thằng Thắng về để mở cổng cho nó” thì có thể kết thúc ở một, hai giờ sáng. Huế cứ ngủ gà ngủ gật ngồi thấp thỏm bên cánh cổng đợi cậu chủ về. Vì cậu chủ cao to, cạo đầu trọc lốc, tính khí dữ dằn, khi về thường sặc mùi rượu bia, chỉ chậm một tí thôi là ăn bạt tai liền.
Ở nhà ông Được Huế sợ nhất là lúc cụ Lài van lậy Huế đi mua thuốc chuột cho cụ uống, để cụ được chết tránh  cơn ngứa hành hạ. Cụ lạ lắm cứ ngứa là réo vợ chồng ông Được và hai đứa cháu lên cụ chửi, cụ chửi họ là: “Đồ bất hiếu xanh vỏ đỏ lòng, đồ tôm đội cứt lên đầu”. Sau đấy là Huế sợ chị Thuý. Chị xinh đẹp da trắng ngần, tóc nhuộm vàng như người ngoại quốc, nhưng lại hay xét nét và đay nghiến Huế. Chị bảo: “Nhà tao trả lương nuôi ô sin cao nhất thành phố, mày mà lớ xớ tao tạt axít vào mặt”. Đến bữa ăn Thuý hay kể chuyện: Ôsin nhà này ăn cắp tiền vàng trong tủ, ô sin nhà kia ngủ với ông chủ trong kho hàng, làm Huế nhai cơm như nhai lõi ngô già. Trong ngày giờ tự do nhất của Huế là lúc đi chợ, nếu đi đường lớn thì hơi xa, nhưng đi đường tắt thì chỉ qua ba cái ngõ nhỏ là đến chợ. Ở đó như một thế giới khác, xô bồ nhộn nhịp với bao thứ lạ lẫm, mà ở quê Huế chưa bao giờ nhìn thấy. Đã có lần Huế định vào nhà hàng ăn một bát phở thành phố xem sao, nhưng thấy thực khách rút ví trả bốn mươi ngàn nó sợ quá quay ra.
Ba tháng bốn lần Huế điện về cho mẹ. Mẹ hỏi sức khoẻ của bà rồi hỏi nó có vất vả không? Huế bảo cũng bình thường nhưng nước mắt lại ứa ra. Hình như mẹ nó cũng hiểu nên động viên: “Bà sống chẳng được mấy nữa con cố gắng chịu khó chăm sóc bà”. Trong tận sâu xa Huế cũng rất thương bà, nhất là lúc Huế gãi cho bà hết ngứa, bà khóc lào phào cảm ơn nó. Trong nhà chỉ có Huế là bà không chửi, không ghắt gỏng bao giờ, cả trong lúc bà đau đớn nhất.
... Chợ nơi thành phố san sát những gian hàng. Huế qua hàng thịt hàng cá mua nhanh những thứ mà bà Nhị dặn. Ra cổng Huế tần ngần đi vào cửa hàng mỹ phẩm. Nó đến bên quầy:
- Chị ơi cho em lọ thuốc nhuộm tóc mầu đen.
Cô bán hàng hỏi lại:
- Có hai loại, loại của Nhật sáu mươi ngàn, loại củaTrung Quốc mười sáu ngàn em lấy loại nào?
Nhẩm lại số tiền trong túi, Huế khép nép:
- Cho em mua loại của Trung Quốc.
Nó bọc cẩn thận vào túi bóng lọ thuốc nhuộm tóc, khấp khởi mừng, nghĩ tới mái tóc của mẹ, hôm nào nó về sẽ nhuộm đen trở lại. Chả là chiều qua chị Thuý cho cả chậu đồng nát, nó lượm lại bán được hơn ba mươi ngàn. Số tiền lớn nhất chưa bao giờ nó có.
Bà Nhị tập thể dục dưỡng sinh xong cũng là lúc Huế đi chợ về. Từ trong nhà tắm bà vứt qua khe cửa cả đống quấn áo, gọi Huế:
- Huế ơi mang quần áo giặt đi. Nhớ vò qua mới cho vào máy.
Vừa lúc đó cụ Lài cũng gọi:
- Huế ơi vào bà nhờ tý.
Huế ngập ngừng đặt vội chiếc làn xuống sân chạy vào chỗ cụ Lài. Ba Nhị không thấy Huế, réo lên:
- Con Huế mày chết dẫm ở đâu mà lâu thế.
                                                *
                                             *     *                               
Chiều có những cơn mưa bóng mây thoảng qua, làm cho thời tiết thêm oi nồng bức bối. Không gian lặng phắc nghe rõ tiếng cành khô của cây sấu già gẫy lắc rắc. Đã đến giờ bà Nhị hẹn mấy bà bạn đi chùa, mà ông Được vẫn chưa về. Bà đi ra đi vào ngóng tiếng còi xe. Huế bận tối mắt với bao công việc dở dang, chậu quần áo chưa giặt, thực phẩm bữa chiều chưa chế biến, vì hôm nay cụ Lài tã tượi như tấm lụa ướt. Cụ không ăn uống gì được, chỉ ngậm miệng lắc đầu. Sáng nay cụ bảo với Huế: “Bà chết đến chân rồi”. Huế lo lắng báo với bà Nhị. Bà Nhị cười: “Mày đúng là đồ trẻ con, người ốm nặng hay nói thế thôi”.
Có tiếng còi xe dừng ngoài ngõ bà Nhị xách làn đựng đồ lễ chạy ra. Bà chui ngay vào xe khi ghế bên ông Được mới bước một chân xuống đất.
Bà bảo lái xe:
- Chú đưa tôi đến ngã tư ta đón thêm mấy bà nữa. Ông cứ về ăn cơm trước đừng đợi tôi.
          Ông Được không đáp, ánh mắt ông lóe lên những tia tức giận ...
          Bà Nhị là đời vợ thứ hai của ông. Đời vợ trước cưới từ khi đất nước còn chiến tranh. Anh Được là công nhân đường sắt, chị Tư (tên người vợ trước) là thanh niên xung phong. Họ cùng bảo đảm giao thông cho một khu vực trọng điểm tập kết hàng chuyển ra tuyền tuyến. Giải phóng Tư về quê làm ruộng. Được ở lại tiếp tục nghề nghiệp của mình. Là người năng động tháo vát, nên bước đường công danh của anh vô cùng thuận lợi. Thời chiến đối diện với sự sống và cái chết, con người như miếng bánh chưng xắt ra từng miếng gạo thịt rõ ràng. Thời bình lại khác nhiều khi giá trị ảo lại thành giá trị thực. Chỉ với cái bằng trung cấp thôi mà trong vài năm anh đã có học vị phó tiến sĩ. Khi có bằng phó tiến sĩ anh như được cấp giấy thông hành bước vào con lộ công danh. Được lên chức và thay đổi từng ngày. Anh béo lên, trắng ra, quen dần với những buổi chiêu đãi đủ thứ ngon vật lạ và những lời nói vuốt ve lòng kiêu hãnh: “Nhà khoa học trẻ, nhà quản lý tài năng”.
          Tư về quê cấy gần mẫu ruộng đồng chiêm và nuôi bố mẹ chồng. Trời phú cho chị thân hình chắc khoẻ và tác phong không nề hà gian khổ của cô thanh niên xung phong, nên việc đồng áng với chị cũng như san đường lấp hố bom thủa nào, cứ chạy băng băng. Mặc cho làn da xe xắt lại.
          Nông thôn là nơi thay đổi chậm nhất. Cơ quan Được mấy lần đập đi xây rồi lại phá. Quần áo Được may chưa mặc lần nào lỗi mốt lại bỏ. Nhưng quê nhà đường làng vẫn hằn vết trâu đi. Tư vẫn thuỷ chung với bộ đồng phục thanh niên xung phong bạc màu, chưng diện cả khi ra đồng lẫn khi đi dự hội.
          Mỗi lần anh tiến sĩ về bỏ cặp kính trắng ra, nằm với vợ ngửi mùi tóc két lẹt vì nắng gió, thấy gót chân nứt nẻ của vợ chà lên bắp chân mình ran rát, anh buồn nản thở dài. Được nhớ tới những cô gái ở cơ quan. Sao da họ trắng và tóc họ thơm tho thế? Anh ít về hơn. Ở quê vợ anh tiến sĩ sau mỗi mùa thu hoạch. Thóc phơi khô quạt sạch đổ hòm là thở phào vui vẻ. Nghĩ rằng mình đang là hậu phương vững chắc cho chồng an tâm công tác. Đến lúc Được viết đơn ly hôn. Tư bất ngờ như người vừa biết mình bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Đơn Được viết với đủ lý do của thời hiện đại. Nào là không hợp nhau, không cùng khái niệm về các vấn đề cuộc sống. Không thể tạo điều kiện cho nhau công tác tiến bộ. Tư thì hiểu đơn giản vợ chồng chị đang như đôi đũa lệch, Được bỏ chị chỉ vì chị quê mùa thô kệch mà thôi. Chuyện đến tai bố mẹ chồng. Tư ngạc nhiên trước sự phản ứng quyết liệt của họ, bố chồng Tư chỉ vào mặt con trai: “Mày bỏ cái Tư chúng tao từ mày. Là người có học sao mày không biết phân biệt vàng thau”. Được buộc phải lựa chọn. Anh rút đơn làm lành xin lỗi Tư. Gia đình trở lại như xưa, bề ngoài yên ấm nhưng năm thì mười hoạ Được mới về. Anh lấy lý do bận công tác, để lại đi ngay. Năm sau bố đẻ mất Được như chim xổ lồng. Anh về làm lễ tang và năm mươi ngày cho bố xong, từ đó Được không về. Thỉnh thoảng gửi tiền cho mẹ qua bưu điện. Mẹ anh giận mặc cho giấy báo đến lần thứ ba, bà cũng chẳng thèm đi nhận.
          Một năm, hai năm rồi cả ba năm Được không về. Ngồi nhà đơn độc chỉ có mẹ chồng với nàng dâu còm cõi ngóng chông vô vọng. Cuối cùng thì hai người phụ nữ ấy phải đầu hàng. Mẹ chồng Tư bảo: “Con gái có thì nếu thế này thì con chết già mất. Con đi lấy chồng chứ có phải đi làm con ở cho mẹ đâu. Thôi ký đơn đi Tư ạ”.
          Chờ có thế. Sau khi ly hôn một tháng Được cưới vợ, vợ Được là con gái thủ trưởng của anh, là Nhị bây giờ. Tư năm sau cũng đi lấy chồng, chồng chị là bạn cùng thanh niên xung phong, anh goá vợ đã ba năm.
          ... Ông Được bước nhanh vào nhà như không nhìn thấy Huế đang đứng đợi để báo tin sức khoẻ diễn biến đột ngột của cụ Lài. Ông vào phòng đóng sầm cửa lại. Huế xoa bóp cho cụ Lài mà ruột gan nóng như lửa đốt.
          Buổi tối đèn đường bật sáng chưng. Đã đến giờ ông Được thường hay xuống thăm cụ Lài, nhưng hôm nay chẳng hiểu sao chưa thấy ông xuống. Bà Nhị, cậu cả, cô hai vẫn chưa về. Phòng ông Được đóng cửa im ỉm. Ngày chuyển sang đêm nơi thành phố thật dài, xe cộ đi lại ầm ào như không ngủ.
          Có tiếng còi tầu vào ga, có tiếng giao của chị bán bánh mì đêm vọng lại. Huế đứng ngồi không yên khi nhìn thấy cụ Lài cứ ầng ậc nấc lên. Nó ra cổng ngóng bà Nhị, lòng dạ bồn chồn. Bà Nhị vẫn chưa về, chẳng thể đợi thêm được nữa, Huế lên tầng hai gõ cửa phòng ông Được.
          Có tiếng quát và cánh tay giật mái tóc Huế từ phía sau:
          - Tao bắt quả tang được mày rồi nhé, đêm hôm lên đây định ve vãn ông chủ phải không?
          Bủn rủn cả người Huế quay lại nhận ra bà Nhị, bây giờ mới đi chùa về. Huế lúng búng:
          - Bác ơi xuống xem bà thế nào?
          Bà Nhị gắt:
- Thế nào là thế nào?
          - Bà cứ nấc lên cháu sợ bà chết.
          Bà Nhị hiểu ra lý do Huế gõ cửa phòng ông Được, giọng nhẹ đi:
- Cứ về với bà, lát nữa có người xuống.
                                                          *
                                                       *    *
                                                      
          Đêm ấy cụ Lài mất. Đám tang được tổ chức hết sức trọng thể, vì từ lâu vợ chồng ông Được đã chuẩn bị đón đợi ngày này. Cúng ba ngày Huế mang quần áo của cụ ra nghĩa địa đốt, trên đường về nó điện cho mẹ báo tin và xin phép về quê. Mẹ Huế đồng ý. Rửa bát xong nó vui mừng khấp khởi lên phòng ông Được. Phòng ông cửa khép hờ, trong đó có đủ mặt bà Nhị, anh Thắng và chị Thuý. Họ đang lầm dầm kiểm tra và thống kê các phong bì phúng viếng. Có tiếng anh Thắng hỏi:
- Được bao nhiêu hả mẹ? Lần này cho con đổi xe máy khác nhé!
Bà Nhị quát:
- Mày có im đi không, phá như thế chưa đủ hay sao?
- Gớm con tiêu thế đáng là bao.
          Huế không giám nghe hết cuộc đối thoại vội xuống cầu thang. Khi thấy Thắng dắt xe ra khỏi nhà. Huế đoán mọi việc đã xong nó lại lên phòng ông Được.
          Nghe Huế xin phép về quê bà Nhị nhấm nhẳn:
          - Nếu có về thì cháu phải đợi hết tháng. Chứ cháu về thế này biết thanh toán với cháu ra sao?
          Ông Được gạt đi:
          - Thôi cứ để cháu về. Bà thanh toán ba tháng tiền lương theo thoả thuận cho cháu.
          Bà Nhị mở túi tiền, nói rạch ròi:
          - Nếu tính thì cháu ở đây còn thiếu năm ngày nữa mới tròn ba tháng. Nhưng hai bác cứ coi là đủ ba tháng vị chi là chín triệu. Cháu chịu khó hai bác cho thêm bộ quần áo.
          Thuý lảnh lót:
-         Chín triệu bằng cả năm nhà mày làm còn gì, thật sướng nhé!
          Bà Nhị đưa tiền và bộ quần áo. Huế giơ hai tay ra đỡ. Ông Được đứng lên như người có việc:
          - Thôi bây giờ còn sớm cháu ra phố sắm gì thì sắm.
          Huế ngập ngừng:
          - Cảm ơn hai bác cháu không sắm gì, xin phép hai bác cho cháu xuống dưới nhà.
          Bà Nhị ghật đầu.
          Chờ ông Được ra khỏi phòng Huế mới đứng lên đi xuống cầu thang về phòng của cụ Lài. Giường của cụ Lài trơ ra cái giát, còn mọi thứ đã được kê gọn lại một góc, nên phòng rộng hẳn ra. Chiếc giường một của Huế được kéo ra tận cửa. Có mùi lành lạnh ẩm mốc, lẫn mùi thuốc tây thoang thoảng. Cụ Lài mất Huế không thấy sợ, nó chỉ có cảm giác như cụ vừa đi vắng đâu đây. Ngồi trên giường Huế cẩn thận gập quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào chiếc túi nhỏ. Ba tháng xa quê Huế mong chờ từng phút ngày này. Huế mệt mỏi thiếp đi lúc nào không biết.
          Đêm  mười bẩy trăng khuya vằng vặc. Trên phòng ông Được chỉ còn bà Nhị và Thuý.
          Thuý nghé vào tai mẹ thì thào:
          - Mẹ phải kiểm tra xem bà có cho con Huế cái gì không? Con đoán chắc thế nào bà cũng cho nó tiền vì nhà mình ai bà cũng ghét, cũng chửi, chỉ có nó là bà không nặng lời bao gìơ.
          Bà nhị đồng tình:
          - Ừ chờ nó ngủ con vào lấy cái túi ra kiểm tra.
          Thuý dúm người lại:
          - Ở đấy bà vừa chết con sợ lắm không vào đâu.
          - Cô đúng là đồ vô tích sự.
          Đêm. Nghe ngóng thấy Huế đã ngủ. Bà Nhị không khó khăn gì vào giường lấy được chiếc túi ra. Cái túi du lịch của Huế nhỏ có hai ngăn. Ngăn ngoài chỉ bỏ quyển sổ ngăn trong rộng hơn Huế bỏ đồ cá nhân. Bà Nhị hồi hộp bỏ từng thứ ra. Phía trên là gói tiền tối qua bà đưa cho vẫn còn nguyên vẹn, sau đến những bộ quần áo, tận đáy là lọ thuốc nhuộm tóc và năm sáu con búp bê bằng bông. Bà Nhị mừng tưởng phát hiện ra đồ ăn cắp. Bà vứt từng con búp bê ra giường:
          - Nó lấy của con Thuý này.
          Thuý nhìn những con búp bê cũ kĩ lắc đầu:
          - Không phải hôm nọ con bảo nó vứt ra hố rác, nó tiếc mang về cho em nó đấy.
          Bà Nhị thoáng giấu đi chút ngượng ngùng, cố xăm xoi nhưng không thấy gì hơn. Bà lẳng lặng mang túi đặt vào chỗ cũ.
          Sáng ra rất sớm Huế đã dậy rửa mặt đợi vợ chồng ông Được xuống tầng một chuẩn bị ăn sáng, nó lên thắp hương cụ Lài. Cơm sáng xong Huế nhờ anh Thắng đưa ra bến xe.
                                                          *
                                                        *   * 
                                                                    
          Chiều chủ nhật có vùng áp thấp tràn về mưa rơi lắc rắc.
          Ông Được nói với cả nhà:
          - Hôm nay tổng vệ sinh mai thứ hai mọi người bước vào công việc bình thường. Không nấn ná nghỉ thêm nữa.
          Ông giao Thắng quét ngoài sân. Bà Nhị và Thuý dọn dẹp trong nhà …
          Từ hôm Huế về quê lá rụng đầy sân, bồn rửa mặt, bệt vệ sinh ố vàng. Thắng và Thuý cãi nhau không ai chịu rửa bát. Cơm nước thất thường. Bà Nhị đã lâu rồi không nhúng tay vào việc nội trợ. Bà ngại nên đưa ra giải pháp: “Một là thuê ôsin. Hai nếu không thuê ôsin thì quần áo của ai người ấy giặt. Tôi chỉ chịu trách nhiệm gọi cơm hộp cho cả nhà”. Mọi người đồng ý thuê ôsin mới, nhưng lương trả thấp hơn.
          ... Ông Được ngồi xem các công văn giấy tờ mấy hôm bận việc tang gia ùn lại. Ông ngạc nhiên thấy trong cặp có một gói nhỏ. Tò mò ông mở ra. Trời ơi gói tiền của cái Huế. Ông đọc nhanh hàng chữ nguệch ngoạc.
          Kính gửi bác Được:
          Cháu là con mẹ Tư chứ không phải ôsin. Nghe tin bà ốm nặng mẹ bảo cháu lên chăm bà. Bây giờ bà đã mất cháu xin phép bác cháu về. Ba tháng ở gia đình có gì lầm lỗi, cháu xin hai bác đại lượng bỏ qua cho cháu.
          Kính chúc bác và gia đình mạnh khoẻ.
                                                                                           Cháu.
                                                                                      Bùi Thị Huế.
          Ông Được sững sờ đi ra ban công. Chiều chạng vạng  đã có những đàn chim bay về tổ. Ở phía chân trời rất xa, ông như nhìn thấy làn khói chiều mỏng mảnh bay lên từ mái bếp xưa cũ nhà ông. Lòng buồn tê tái.
Có tiếng cái Thuý reo lên:         
- Mẹ ơi con ôsin bỏ quên quần áo mẹ cho này.
Tiếng Thuý chẳng khác gì thêm một mũi kim đâm vào tim ông, làm ông đau đớn hơn lên. Ông thấy xấu hổ cay đắng, tầm thường trứơc mẹ con người đàn bà thô kệch. Bực tức ứ lên tận cổ ông hét lên:
- Các người im đi, các người chẳng hiểu gì cả.
Mẹ con bà Nhị dưới sân nhìn lên ngỡ ngàng.
                                                                  
                                                 Bắc Ninh, tháng 6 năm 2007

                                                                   N.T.S

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến