Nguyễn Đình Chiến ra đi là một tổn thất không gì bù đắp được. Tôi từng sống với Nguyễn Đình Chiến nhiều năm ở Matxcova, nên có rất nhiều kỷ niệm với anh và bạn bè Nga. Cách đây mấy hôm,
Nguyễn Đình Chiến còn điện cho tôi, báo tin anh đã viết xong Trường ca Mikhaiil ILLarionoviich Kutuziov, một vị tướng thiên tài Nga, người đã đánh bại Napoleon Ponaparte. Sau trường ca này, anh sẽ viết tiếp Trường ca Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Đình Chiến mới ở tuổi 62, cái tuổi chưa thể gọi là già. Trông con người anh lại rất sung sức. Anh đã một lần bị tai biến nhẹ. Tôi cũng đã dặn anh, phải cẩn thận đấy. Bị lần thứ hai, thứ ba là không cứu được đâu. Anh bảo yên tâm, tớ còn lâu mới chết. Tết năm nay, tôi còn kịp có bài bình thơ “Đọc “Ánh trăng” của Nguyễn Đình Chiến”. Bài viết và cả thơ Chiến đã in trên báo Nhân Dân hàng tháng số Tết. Chiến cũng đã mua một số tờ tặng bạn bè. Chúng tôi còn hẹn ngồi với nhau trong dịp Tết này. Vậy mà Chiến lại đột ngột ra đi. Người đầu tiên báo tin cho tôi qua điện thoại ngay từ chiều 30 Tết là nhà thơ Phạm Công Trứ, rồi sau đó ít phút là Phạm Thị Hoa, người mà Nguyễn Đình Chiến quý như em gái. Hoa vẫn đang sống cùng chồng con ở Matxcova. Không biết bằng cách nào mà Hoa biết tin dữ và gọi điện về cho tôi. Em đã khóc ở đầu dây bên kia. Qua trang tin rất nhanh nhạy Trần Nhương. Com, có lẽ nhiều bạn bè cũng đã biết về tin buồn này. Tôi đang ngồi viết điếu văn Chiến. Xin chia sẻ nỗi đau thương tổn thất không gì bù đắp được này cùng Trần Thị Kim, người vợ hiền thảo của nhà thơ, cùng các cháu, các ông bà, cô bác trong đại gia đình. Xin chuyển đến bạn đọc bài viết của tôi về thơ Nguyễn Đình Chiến. Đây là bài Giới thiệu tập thơ “Hoàng hôn nhớ” của Nguyễn Đình Chiến, xuất bản bằng tiếng Việt tại Matxcova tháng 5 năm 1992. Thoáng thế mà đã hơn 20 năm rồi. Cảm ơn nhà thơ, nhà báo Hoàng Xuân Tuyền đã sưu tầm vi tính nguyên văn bài viết gửi cho tôi. Tuyền bảo “Không ngờ anh đọc và nghiên cứu anh Chiến kỹ thế. Có thể in lại trong các tuyển tập thơ của anh Chiến, vì thơ anh Chiến đúng như những nhận xét này. Bài viết đã lâu mà vẫn có tính thời sự”. Cám ơn lời nhận xét có phần quá ưu ái của Hoàng Xuân Tuyền. Xin trân trọng chuyển đến bạn đọc.
TĐK
ĐỌC NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
TRẦN ĐĂNG KHOA
Nguyễn Đình Chiến sinh ra ở Trung du, lớn lên cũng ở Trung du. Cái vùng quê “rừng cọ, đồi chè”này đã cho nền văn học hiện đại chúng ta nhiều thi sĩ có tài: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Vũ Duy Thông, Trần Nhương, Ngô Văn Phú và Hoàng Hữu… So với các bậc đàn anh ấy, Nguyễn Đình Chiến là người đến muộn. Mặc dù anh làm thơ rất sớm, từ đầu những năm bảy mươi, hồi anh mới vào bộ đội, và còn từ trước đó nữa, thủa anh còn là chú học trò trường phổ thông trung học Đại Minh, Yên Bái. Nhưng phải đợi đến cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ 1981 - 1982, Nguyễn Đình Chiến mới chính thức ra “trình làng”, và người đọc mới thực sự biết đến anh, với tư cách là một thi sĩ.
Cái “giấy thông hành” để Nguyễn Đình Chiến đi vào “xứ” thơ là bài “Gặp lại các em”. Bài thơ đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ. Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà thơ lớn Xuân Diệu, ông thợ kim hoàn ở bậc siêu sao này đã phải đãi hơn mười vạn tấn đất đá (Theo số liệu của Ban trung khảo cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ 1981 – 1982 có hơn mười vạn bài thơ gửi về dự thi) mới lọc ra được một hạt vàng Nguyễn Đình Chiến. Mà nào đâu đã phải vàng mười. Nào đâu đã tránh được cái nạn “ôxi hóa” của thời gian. Mới hay, chúng ta vẫn đang thiếu thơ nghiêm trọng. Thơ đâu có nhiều để mà lạm phát. Có lạm phát chăng là lạm phát văn vần, lạm phát hò vè hiện đại mà chúng ta lầm tưởng là thơ ca.
Bài thơ “Gặp lại các em” của Nguyễn Đình Chiến viết về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trẻ trong cuộc chiến tranh giữ nước ở biên giới phía Bắc. Đây là một đề tài sở trường quen thuộc của Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Dương Hương Ly, Lâm Thị Mỹ Dạ, và nhiều thi sĩ khác. Xét về nghệ thuật thơ, quả thực Nguyễn Đình Chiến, lớp người “hậu sinh khả úy” này vẫn chưa vượt qua được các bậc đàn anh. Bây giờ cuộc chiến tranh đáng tiếc ấy đã lùi vào dĩ vãng. Thơ Chiến cũng như một số bài thơ chống Mỹ trước đây đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của mình. Bài thơ có quyền được yên nghỉ.Tuy nhiên ta vẫn nhớ:
Trời biên cương xanh ngắt
Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi…
Và đấy lại là câu thơ hòa bình. Không có máu chảy. Mặc dù cả bài thơ viết về máu chảy. Sự hy sinh anh dũng quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ là đáng khâm phục, đáng ghi nhớ. Nhưng thơ hay lại là chuyện khác. Cái còn lại của bài thơ là thiên nhiên, là bức tranh phong cảnh hùng vĩ của một vùng biên giới tươi đẹp. Đằng sau sắc mây trắng lồng lộng kia, ta đã thấy một tấm lòng, một nhịp đập thầm của trái tim thi sĩ.
Nhưng hiểu Nguyễn Đình Chiến, thiết tưởng chẳng có ai hơn được Xuân Diệu. Ông nhà thơ lớn, kiêm nhà phê bình thơ kiệt xuất này khi đọc Nguyễn Đình Chiến, đã buông kính kêu lên: “Ồ, đây mà là thơ ư? Đây là tình cảm. Tình cảm của cậu này mãnh liệt lắm. Mãnh liệt đến không thể kìm giữ được, cứ tràn ra cả lề giấy” (Phạm Tiến Duật – Những bài thơ được giải. Báo Quân đội nhân dân, 9. 1982). Nhận xét thơ Chiến như vậy quả là tinh tế và chuẩn xác. Có lẽ chẳng còn gì để nói thêm nữa. Thơ Chiến trước hết là thơ của một tấm lòng. Đọc anh, người ta có thể quên thơ mà nhớ đến tấm lòng. Đó là lòng nhân hậu, giầu tình thương. Thương người. Thương đời. Thương cả chim muông, hoa cỏ. Một người như thế, không thể ác được. Ai có dịp sống với Chiến, tiếp xúc với Chiến sẽ rất dễ dàng hòa nhập với thơ anh. Tính anh ồn ào, sôi động. Nguyễn Đình Chiến là người của những quảng trường. Con người anh, đúng như cái chân dung mà anh tự họa:
Anh người lính quen đi nhanh, bước mạnh
Quen mưa to gió lớn những phương trời…
Con người hùng dũng bề ngoài ấy, ai ngờ lại mềm yếu, lại mang trái tim phụ nữ đa cảm. Anh có thể bang hoàng khi gặp bông hoa dại nhỏ nhoi, lặng lẽ nở một mình, lặng lẽ xinh đẹp một mình trong khu rừng vắng. Anh cũng có thể ngẩn ngơ trước một làn sương mỏng bay ngang tầng tháp cổ. Thơ Chiến cũng như con người anh. Đó là tình cảm, là cảm xúc ứa ra đầu ngọn bút. Đôi khi, anh cũng chẳng cần mượn hình tượng thơ, cứ nói buột cái tình cảm của mình ra cửa miệng, giản dị như câu nói thường ngày:
Mẹ ơi thương mẹ héo mòn
Con xa mười tám năm tròn vẫn xa
Hoặc văn chương hơn một chút:
Anh đi rồi, mưa trắng dải đồi quê
Đâu bóng mẹ lui cui chiều bếp lửa.
Còn đây là tình cảm của anh đối với con:
Thương con trách bố vụng về
Mẹ đang vượt cạn, mọi bề gian nan
Đầu hồi rụng tím hoa xoan
Muỗi kêu rối cả cánh màn xác xơ
Trong bốn câu thơ này, hai câu trên vào loại trung bình, nói cái vụng về vô tích sự của mình trước cơn đau vượt cạn của vợ. Thơ viết trơn tay. Còn hai câu dưới là hai câu thơ hay, cho ta một thực tế. Tác giả là người am hiểu nông thôn. Vào mùa hoa xoan nở, muỗi ra nhiều. Nhưng đây không còn là cái thực tế trần trụi, có tính thông tấn nữa, mà nó đã tắm đẵm tình cảm, xúc cảm. Nó đã là thơ. Có thể coi đây là một thành công của Chiến trong việc đưa thực tế vào thơ.
Trong văn học của ta, những bài thơ viết về bố, quả thật là rất hiếm. Trong thơ ca thế giới cũng vậy. Mặc dù, chúng ta có rất nhiều thơ hay viết về mẹ. Bài thơ “Đêm nằm bên cha” của Nguyễn Đình Chiến như muốn bù đắp cho sự khiếm khuyết ấy chăng? Người cha hiện lên trong thơ anh rất mộc mạc, giản dị. Đó là người nông dân thuần phác, vất vả, đằm mình trong bùn đất. cả đến khi đi ngủ vẫn không thoát được cái mùi vị bùn lầy:
Cha vẫn gối đầu bằng tấm chăn chiên
Chiếc áo cũ vải sờn hơn độ trước
Vẫn mùi mồ hôi chẳng thể nào lẫn được
Vị bùn non trên những cánh ruộng lầy
Bài thơ gợi những kỷ niệm đằm thắm của tình cha con. Người cha hết lòng thương con, gối đầu tay cho con ngủ, ru con bằng những câu chuyện cổ tích. Một cái giật mình của con cũng làm cha lo lắng. Còn bây giờ thì ngược lại:
Xưa bao giờ con cũng ngủ trước cha
Chỉ một cái giật mình cũng làm cha thao thức
Giờ lại đến lượt con chẳng thể nào ngủ được
Lo cơn ho thương lồng ngực cha gầy…
Tôi vẫn đang nói về cái tình cảm, tình thương trong thơ Nguyễn Đình Chiến. Thương bố mẹ, vợ con thì đã đành. Nhưng Chiến đâu chỉ chi chút cho những người ruột thịt ấy:
Thương ai đó giữa rừng đi mải miết
Đó là đồng đội của anh, “Những người lính chung chiến hào giữ đất”. Đó còn là tình cảm của anh đối với quê nhà, với thiên nhiên cây cỏ:
Thương ngọn lửa trẻ trâu
Cháy trên đồi không tắt
Và:
Lòng tôi vương sương khói mỗi ngôi nhà
Thương mái rạ ngả sang mầu bạc trắng
Rồi:
Thương mảnh vườn đom đóm bay đi
Và còn đây nữa:
Chiều đi thương bóng cây dài lặng yên
Phải là người giầu tình cảm lắm, giầu xúc cảm lắm, Nguyễn Đình Chiến mới viết được hai câu thơ rất đằm thắm này:
Hoa vàng trong gió nghiêng nghiêng
Buồn như vạt nắng để quên bên hồ
Và cao hơn nữa là tình thương rộng lớn: Thương đất nước:
Ở đây ngày nắng đêm sương
Ngày thương nước bạn, đêm thương nước mình
Có thể lấy hai câu thơ này làm nét đặc trưng cho cả tập “Hoàng hôn nhớ” của Nguyễn Đình Chiến. Tập thơ chia làm hai phần. Một nửa viết về nước Nga, nơi anh đang sống “một quãng đời xin gửi lại nước Nga”. Còn một nửa nữa viết về Tổ quốc. Đó là nỗi “ chiêm bao chấp chới cội nguồn”. Cội nguồn trong thơ Chiến là những năm bom đạn khốc liệt, là một đêm trận mạc Hà Giang. Bài thơ “Hà Giang” viết trực tiếp về chiến tranh. Cấu trúc ngắn gọn mà gợi được không khí sống động của trận mạc. Đó còn là cảnh sắc Đồng Văn, một vùng núi non hiểm trở của Tổ quốc. Viết về núi, về ý chí của con người trước thiên nhiên kỳ vĩ ấy, Nguyễn Đình Chiến có một câu thơ khá hay:
Người với núi nhìn nhau như thách đố
Chúng ta biết bài thơ thuần thiên nhiên này, Nguyễn Đình Chiến lại viết trong thời đạn lửa khốc liệt. Hiểu thế, mới thấy anh kết thúc bài thơ thật khéo, vừa bất ngờ, vừa đẹp, lại nhiều dư vị:
Ôi chiều nay sao chẳng muốn về đâu
Chỉ muốn ngủ gối đầu lên đá xám
Như chàng trai Mèo sau cơn say chếnh choáng
Thả tiếng khèn bảng lảng giữa không trung…
Thơ Chiến là như vậy. Ngay cả những bài nhàn nhạt trung bình anh vẫn có những câu thơ găm được vào trí nhớ người đọc. Tất nhiên, thơ viết ở thời đạn lửa, lại đem ra đọc trong ngày hòa bình, hơn nữa, đọc giữa quê người, trong một không khí hoàn toàn khác, một thời đại hoàn toàn khác, cũng mất đi rất nhiều âm hưởng. Trừ đi mọi hư hao ấy, thơ Chiến vẫn không đến nỗi lạc lõng lắm so với thời cuộc đang biến động chóng mặt với tốc độ vũ trụ. Đấy là một cố gắng rất đáng khích lệ. Nếu lấy bài “Gặp lại các em” làm mốc, ta thấy anh đã vượt lên nhiều, vượt cả nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Anh đã biết bớt đi những câu thơ giáo huấn chung chung, nặng về tuyên truyền mà nhẹ về nghệ thuật. Anh biết giữ sự dung dị mộc mạc. Đó là thế mạnh của thơ anh.Tập thơ này cho ta thấy anh đi nhiều, viết nhiều. Dù viết về nước bạn hay viết về quê nhà, anh đều cố gắng vượt lên sự thù tạc. Dường như đến đâu, ở đâu, Nguyễn Đình Chiến cũng nắm bắt được cái thần thái của cảnh vật ở nơi ấy. Đây là Xamacan, vùng thảo nguyên đồng cỏ miền Trung Á :
Những cụ già cưỡi la đi trầm mặc
Bầy lạc đà mơ ngủ dưới trời sao…
Còn đây là Arion, thành phố nhỏ cổ kính của miền nam nước Nga. Sự êm đềm tĩnh lặng phảng phất một nỗi buồn âm thầm là đặc trưng của thành phố này, cũng là đặc trưng của thiên nhiên Nga. Nguyễn Đình Chiến đã bắt được cái hồn cổ kính ấy :
Nghe thấm lạnh con đường lát đá
Lá thu vàng tầm tã trút trong mưa
Ngước trông lên những đỉnh tháp nhà thờ
Mưa hắt sáng những mảnh vàng quá khứ
Tưởng như thấy người Slavơ cổ
Trong mưa dầm cất dựng nước Nga xưa…
Còn đây nữa là cửa sông Đơnhiep :
Gió từ Hắc Hải thổi triều lên
Bến sông chim trắng lượn quanh thuyền…
Câu thơ đẹp, có sức gợi. Nguyễn Đình Chiến thường nhìn thiên nhiên Nga cảnh sắc Nga bằng cặp mắt Á Đông như vậy. Cũng vì thế, ta không ngạc nhiên khi anh chống chếnh hẫng hụt trước cảnh vật quen thuộc của xứ bạn :
Bước ngập ngừng trên phố nhỏ không em
Không khóm chuối, không bờ tre mái rạ
Và rồi đến đâu anh cũng thấy nhớ quê, không phải trong chiêm bao “Đêm mơ chỉ thấy quê nhà…” mà ngay cả khi đang tỉnh thức. Chính vì vậy anh luôn tìm cách trở về quê hương. Dường như cứ phải tựa vào xứ sở, anh mới yên tâm, mới đủ sức để bước tiếp. Giữa cơn mưa Arion thơ mộng tươi sáng “Mưa xanh rừng mưa trắng mặt sông đen”, Nguyễn Đình Chiến lại thảng thốt :
Ôi chiều nay mưa có về xứ cọ
Mưa có làm ướt áo mẹ già ta
Hoặc đang chìm ngợp giữa thiên nhiên Nga, giữa những dải hoa vàng, giữa tiếng chim bóng lá, anh vẫn luôn nhớ, và còn muốn thức tỉnh những ai đó nữa :
Vô tình ai có chăng hay
Quê nhà tôi đã heo may rải đồng
Cơm thường bữa có vơi không
Em còn mua cốm làng Vòng cho con…
Có khi đi giữa đêm tuyết rơi giá lạnh “Tuyết ngời trong ánh trăng trong”, Nguyễn Đình Chiến vẫn thấy:
Quê hương thao thức bên trời
Giờ đây hẳn đã sáng rồi làng xa
Sương giăng đã tím ao nhà
Tiếng người đã rộn tiếng gà thêm mau...
Nguyễn Đình Chiến luôn hướng về quê, luôn đột ngột quặt về quê bằng tâm thức như vậy. Cũng với cái nhìn Á Đông ấy, đến làng Côngxtantinôvô, quê hương của nhà thơ Nga Xecgei Exênhin, Nguyễn Đình Chiến đã nhận ra làng quê Nga, cũng như mọi làng quê trên trái đất, là nơi gặp gỡ, hò hẹn của trăng sao. Mà cũng đúng như vậy thật. Giữa nước Nga hiện đại, nước Nga sắt thép, điện khí hóa:
Xin trọn đời yêu mến làng quê
Nơi sinh những nhà thơ trên trái đất
Nơi quá khứ cha ông gần gũi nhất
Nơi trăng sao tối tối rủ nhau về...
Ở Tula, trong trang trại Lép Tônxtôi, nhà văn Nga vĩ đại từng chinh phục hàng triệu trái tim độc giả trên trái đất, Nguyễn đình Chiến vẫn bị thiên nhiên Nga mê hoặc. Thiên nhiên ở đây đã ngả sang mầu sắc Việt. Cái cảnh sắc này cũng rất Việt, có cái hồn của quê kiểng xứ Việt, dù ở đây nhà thơ có nói đến “căn nhà gỗ”, là một nét đặc trưng Nga:
Bóng người đi giữa thôn trang
Đôi căn nhà gỗ mấy hàng dậu thưa...
Và Lép Tônxtôi hiện lên trong bài thơ cũng có dáng dấp của một nhà trí sĩ Á Đông đi ở ẩn:
Bụi trần xa cách từ lâu
Người về có vợi nỗi đau nhân tình...
Câu thơ gợi ta nhớ đến Nguyễn Trãi. Có thể Tônxtôi và Nguyễn Trãi cũng có những nét tương đồng. Đó là những người có ý thức lánh chốn ồn ào phồn tạp của đô thị. Đến khi Nguyễn Đình Chiến động đến phần xương tủy của Tônxtôi, nghĩa là nói đến cái nghiệp văn chương của tác giả “Chiến tranh và hòa bình” thì ta lại thấy lồ lộ hiện ra một Nguyễn Trãi, một Nguyễn Du ở cái phần tinh túy nhất:
Nến ròng thắp trắng bao đêm
Tâm linh dồn lại nỗi niềm sau xưa...
Và như thế, xem ra cái ông L. Tônxtôi này quả là vĩ đại thật, xa vợi thật, không dễ nắm bắt. Và để khắc phục cái khó ấy, Nguyễn Đình Chiến đã bắt L. Tônxtôi, Việt Nam hóa luôn Tônxtôi, nhân thể Việt Nam hóa luôn cả cái thiên nhiên Nga vốn dĩ êm đềm và thơ mộng.
Phải nói rằng Nguyễn Đình Chiến là nhà thơ của thiên nhiên. Thiên nhiên ùa vào thơ anh, đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ các sáng tác của anh. Thiên nhiên làm bối cảnh, có khi lại là nhân vật chính mà con người chỉ là cái nền phụ. Thơ Chiến có cả nắng gió, sông biển, hoa trái, cỏ cây và chim muông. Nhưng trong thiên nhiên, dường như anh yêu thích những gì êm dịu. Anh hợp với tranh lụa hơn là những gam màu chói gắt của hội họa hiện đại. Bởi thế Chiến rất ít tả nắng. Có bốn lần nắng xuất hiện trong thơ anh. Nhưng đó là thứ nắng dịu, cái nắng tỏa hương:
Nắng trung du bình yên
Chín vàng trong quả bứa...
Có khi dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn một chút thì lại là cái nắng lẳng lơ tinh nghịch:
Chiều Mường Khương nắng lặn vào vách đá
Hay nắng lặn vào tua áo đỏ của em...
Nắng trong thơ Chiến là thế, là cứ phải nương nấp sau một vật gì đó, ít khi tồn tại độc lập. Có khi nắng lẩn vào vạt hoa vàng. Thế đã dịu rồi, đã tươi mát lắm rồi, Chiến còn giảm thêm một lần nữa bằng cả một hồ nước. “Hoa vàng trong gió nghiêng nghiêng – Buồn như vạt nắng để quên bên hồ”. Và khi ở giữa rừng Lào, nắng vẫn phải mượn ngọn le mà phất lên trời, làm ra cảnh ngoạn mục:
Ngọn le vàng đang phất nắng lên cao
Nắng mềm yếu như vậy. Nhưng trăng thì lại cường tráng. Trăng tràn trề suốt cả tập thơ. Nguyễn Đình Chiến về Lạng Sơn, xứ sở của hoa hồi, tìm thăm một người con gái “Ngày đi em nép gốc hồi nhìn theo” thì cũng lại “Tìm em trong ánh trăng nghiêng rừng hồi”. Và khi cô gái hiện ra trong cánh rừng Lào, thì cũng lại hiện ra trong ánh trăng:
Nhìn vai em thon mịn tắm trăng ngà
Viết về kỷ niệm cũ, một mối tình không thành, Nguyễn Đình Chiến cũng phả ánh trăng vào làm mỗi tình thêm huyền ảo:
Tôi thấy quanh tôi ngập ánh vàng
Tóc mềm còn đượm chút sương lam
Đấy là kỷ niệm, là dĩ vãng đã qua. Cô gái ấy cũng xa rồi “Chiến tranh xa cách bao lầm lỡ” nhưng ánh trăng thì vẫn còn đây. Nó là kỷ niệm tỏa hương, kỷ niệm phát sáng:
Chao ôi trăng sáng còn ngây ngất
Một góc vườn xưa vẫn tỏa hương
Và:
Ngậm ngùi nhớ lại biết bao đêm
Đón em trăng cũng sáng nhiều thêm
Rồi cả cái cảnh trớ trêu như thế này nữa:
Một bóng trăng soi, một bóng người
Bóng lẻ nên lòng cứ nhớ đôi
Có khi trăng hiện lên như hình bóng quê nhà, là biểu tượng của niềm trông đợi:
Nhưng kìa trên cánh đồng Nga
Ướt đầm một mảnh trăng xa hiện về
Không thể liệt kê được hết trăng trong thơ Chiến. Trăng tuyết “Bên này tuyết lạnh trăng thâu”. Trăng trên điểm chốt “Nhớ những buổi uống chưa xong ngụm nước – Bỗng giật mình đột ngột trăng lên”. Trăng trên đường hành quân “ Ấy là khi trên đỉnh đèo thương nhớ - Có một vầng trăng đỏ gọi anh lên”. Rồi thì trăng rừng. Trăng biển. Trăng biên giới. Trăng trong rừng cọ. Trăng tha hương. Nguyễn Đình Chiến có cả một bài thơ về ánh trăng. Đây là bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Đình Chiến. Chất liệu dường như chẳng có gì. Một chút khói, một chút sương và cặp trai gái mới lớn trong xóm núi. Cả cái chuyện cho bò ăn rơmcũng chẳng có gì hay ho và hấp dẫn. Thế mà Chiến dựng được một bức tranh lụa đẹp đến mức huyền ảo. Đó là bức tranh thiên nhiên. Ở đấy trăng lồng lộng ngự trị, ôm trùm cả trời đất. Nhưng trăng lại bị con người quên lãng. Cô gái ngắm trăng mà không để ý đến trăng. Ấy là khi cô bị phát hiện ra mình đã lớn. Còn chàng trai thì lại ngốc nghếch, không biết có vầng trăng vằng vặc trên trời, cả vầng trăng lộng lộng dưới đất, ngay bên khung cửa sổ, lại say mê, đắm đuối ngắm trăng ở ... lưng bò.
Đỉnh cao của trăng trong thơ Chiến, có lẽ là bài Giấc ngủ của trẻ con làng chài. Bài thơ ngắn gọn, chặt chẽ. Cấu trúc xinh chắc, có giai điệu riêng biệt. Chính cái giai điệu này đã làm cho bài thơ có một âm hưởng độc đáo, không lẫn với các bài thơ khác trong tập. Đây là tác phẩm hoàn bích nhất của tập thơ Chiến. Nó cũng tiêu biểu cho phong cách thơ anh. Giản dị, mộc mạc mà thấm đượm. Chiến không phải là người chuộng lạ. Anh cũng không quan tâm đến việc cách tân hình thức thơ. Anh chẳng muốn người đọc phải giật mình, sửng sốt vì ý tưởng táo bạo, hay ở tài nghệ thao tác cấu tứ. Thơ Chiến viết tự nhiên. Câu trước gợi câu sau. Bài thơ hết thì tự nó kết thúc chứ anh không thể làm chủ được. Anh cũng không muốn người đọc phải lóa mắt vì ánh sáng chói gắt. Thơ Chiến là ánh trăng. Không phải ánh trăng vằng vặc góc cạnh, mà là ánh trăng suông bàng bạc. Người ta không thể biết ánh sáng ấy phát ra từ đâu, và kết thúc ở đâu. Ở trời mây hay ở sông nước, hoa cỏ? Thì nó vẫn là cái tình ào ạt “không kìm giữ được, cứ tràn ra cả lề giấy” đó thôi.
Tìm lại mình trong một chuyến đi dài. Nguyễn Đình Chiến đã có lần tâm sự như thế. Nếu tập thơ này ra đời như một sự tìm kiếm chính mình, và nếu cái tạng của thơ Chiến là ánh trăng êm dịu phảng phất khói sương trên kia thì ta có thể vui lòng chúc mừng anh. Anh đã có lúc gặp được chính mình.
Mátxcơva, 20.V.1992
TRẦN ĐĂNG KHOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét